Vai trò phương pháp luận của học thuyết hình thái kinh tế – xã hội đối với chủ nghĩa xã hội khoa học

Đang tải...

Phương pháp luận kinh tế – xã hội

Một trong ba bộ phận hợp thành chủ nghĩa Mác đó là chủ nghĩa xã hội khoa học – lý luận có ý nghĩa trực tiếp đối với việc tổ chức cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sở dĩ giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới đã đứng lên đấu tranh anh dũng vì sự nghiệp giải phóng bản thân mình và giành được những thắng lợi đưa họ lên địa vị người chủ chân chính của lịch sử, là vì họ có niềm tin sâu sắc và vững vàng vào những chân lý, lý tưởng cao đẹp mà chủ nghĩa xã hội khoa học đã chỉ ra dưới ánh sáng của triết học khoa học, của học thuyết Mác hình thái kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, những thay đổi cả về thực tiễn và nhận thức của thế giới ngày nay đang là sự thử thách gay gắt đối với sức sống của chủ nghĩa xã hội khoa học. Vì thế, hơn lúc nào hết việc nhìn nhận lại, chứng minh những giá trị khoa học bền vững, phổ biến của chủ nghĩa xã hội khoa học càng trở nên cấp thiết. Sức sống thực sự của nó nhất ‘định phải được chỉ ra, được chứng tỏ từ cơ sở triết học quan trọng của nó là phương pháp luận của học thuyết hình thái kinh tế – xã hội.

Ăngghen khẳng định rằng nhờ có hai phát hiện của Mác là quan niệm duy vật về lịch sử và học thuyết về giá trị thặng dư mà chủ nghĩa xã hội đã trở thành khoa học. Quan điểm của Ăngghen cho thấy sự cần thiết phải chứng tỏ vai trò phương pháp luận của học thuyết hình thái kinh tế – xã hội không chỉ đối với chủ nghĩa xã hội khoa học mà cả đối với học thuyết về giá trị thặng dư.

1. Trước hết phải thấy rằng chủ nghĩa xã hội khoa học sẽ không thể được sáng tạo ra nếu thiếu học thuyết kinh tế – chính trị của chủ nghĩa Mác. Nhưng tính chất khoa học của kinh tế – chính trị học macxit lại dựa trên cơ sở phương pháp luận của học thuyết hình thái kinh tế – xã hội. Lênin đã khẳng định rõ điều đó: “Sau khi nhận thấy rằng chế độ kinh tế là cơ sở trên đó kiến trúc thượng tầng chính trị được xây dựng lên, Mác chú ý nhất đến việc nghiên cứu chế độ kinh tế ấy. Mác dành riêng tác phẩm chính của mình là bộ “Tư bản” để nghiên cứu chế độ kinh tế của xã hội hiện đại, nghĩa là xã hội tư bản chủ nghĩa”.

Cần thấy rằng, Mác đã không nghiên cứu kinh tế học nói chung, mà nghiên cứu kinh tế chính trị học. Chính khoa học này đòi hỏi phải áp dụng phương pháp luận của học thuyết hình thái kinh tế – xã hội một cách toàn diện và triệt để. Và chính việc áp dụng phương pháp luận khoa học này theo tinh thần như vậy đã cho phép Mác nghiên cứu khách quan kết cấu kinh tế hay chế độ kinh tế của xã hội tư sản, đã vạch ra quá trình phát sinh, phát triển có quy luật nó và do đó, vạch ra một cách chính xác mối liên hệ giữa cơ sở kinh tế ấy và tất cả những quan hệ xã hội, sinh hoạt khác nhau của xã hội tư sản như đấu tranh giai cấp, nhà nước, hệ tư tưởng, pháp quyền tư sản V.V., tức là đã xem kết cấu xã hội tư sản như một chỉnh thể – một hình thái kinh tế – xã hội. Bộ “Tư bản” của Mác đã chứng tỏ rất rõ điều đó.

Cụ thể là, với việc thừa nhận chế độ tư bản chủ nghĩa là một hình thái kinh tế – xã hội, Mác đã nghiên cứu chế độ kinh tế của nó với tư cách là một cơ thể lịch sử sống động, một bộ phận hữu cơ của hình thái kinh tế – xã hội ấy. Phân tích cơ thể kinh tế đó, Mác đã tìm ra hình thái tế bào của nó là hàng hoá. Nhờ phân tích tế bào này mà Mác đã đi đến bóc trần quan hệ bóc lột giá trị thặng dư của nhà tư bản đối vơi công nhân làm thuê. Với việc phát hiện ra học thuyết về giá trị thặng dư thì một hệ thống những mâu thuẫn chi phối kết cấu xã hội tư sản cũng đã hiện ra. Ăngghen đã tổng kết những mâu thuẫn đó như sau: thứ nhất là, sự không tương dung giữa sản xuất xã hội và sự chiếm hữu tư bản chủ nghĩa. Đây là mâu thuẫn cơ bản của nền sản xuất xã hội tư bản và do đó của kết cấu xã hội ấy nói chung, nó được biểu hiện thành một loạt các mâu thuẫn khác tiếp theo; thứ hai là, sự đối kháng giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản; thứ ba là, sự đối lập giữa tình trạng có tổ chức của sản xuất trong các công xưởng riêng biệt và tình trạng vô chính phủ của sản xuất trong toàn xã hôi; thứ tư là phương thức sản xuất nổi dậy chống lại phương thức trao đổi; thứ năm là, lực lượng sản xuất càng chứng tỏ tính chất xã hội, thì nó càng thoát khỏi tư cách tư bản của mình.

Sự phân tích của Ăngghen về hệ thống những mâu thuẫn của xã hội tư sản đã tuân theo phương pháp luận của học thuyết hình thái kinh tế – xã hội. Rõ ràng là ở đây, quan điểm về sự tác động của quy luật lịch sử chung, đặc biệt là quy luật quan hệ sản xuất phù họp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất, đã được làm nổi bật lên, được quán xuyến trong việc giải thích những mâu thuẫn khác của xã hội tư sản trong hệ thống của chúng. Đồng thời, việc phân tích sự tác động của các quy luật biểu hiện dưới hình thức các mâu thuẫn của nền kinh tế – xã hội, đã chỉ ra một cách hiển nhiên nguồn gốc, cách thức và xu hướng vận động tất yếu của xã hội tư sản. Quả là không có gì dễ dàng hon để đi đến nhận thức đúng, dự đoán đúng về tương lai, vạch ra con đường để đi tới tương lai, bằng cách căn cứ vào những khả năng, xu hướng vận động khách quan của hiện thực được bộc lộ ra ở chính sự vận động của những mâu thuẫn vốn có của nó. Tuy nhiên, vấn đề tối quan trọng là tìm ra bản chất của những mâu thuẫn đó và bằng phương pháp luận khoa học và Mác đã làm được điều đó trong nghiên cứu chế độ kinh tế của xã hội tư sản. ông đã phát hiện ra quan hệ bóc lột giá trị thặng dư của nhà tư bản đối với công nhân làm thuê, như thế tức là bí mật thật sự của nền sản xuất, do đó của toàn bộ chế độ xã hội tư sản đã được phát hiện.

Khi chủ nghĩa tư bản chuyển từ giai đoạn tự do cạnh tranh sang giai đoạn độc quyền, biến thành chủ nghĩa để quốc, trên cơ sở phương pháp luận của học thuyết hình thái kinh tế – xã hội, Lênin đã vạch ra một loạt những mâu thuẫn khác của chủ nghĩa tư bản, như mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản và tư sản trong các nước thuộc địa; giữa chủ nghĩa đế quốc và các dân tộc bị áp bức; giữa chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa đế quốc; giữa các tầng lớp nhân dân lao động, giai cấp vô sản và giai cấp tư sản cấu kết với giai cấp phong kiến trong các nước tiền tư bản hoặc trong các nước mới có những mầm mong phát triển tư bản chủ nghĩa v.v. Những mâu thuẫn này tác động làm nảy sinh những khả năng, xu hướng phát triển mới của lịch sử nhân loại bên cạnh xu hướng phát triển cơ bản do mâu thuẫn giữa vô sản và tư sản tạo nên. Ý nghĩa cơ bản về phương pháp luận của học thuyết hình thái kinh tế – xã hội trong sự phân tích giai đoạn này của chủ nghĩa tư bản chính là ở chỗ, nó cho phép vạch ra tính đa dạng của các khả năng, xu hướng phát triển lịch sử trong thời đại tư bản chủ nghĩa trong khi không xa rời xu hướng cơ bản của nó.

Như vậy, với sự vận dụng phương pháp luận của học thuyết hình thái kinh tế – xã hội vào việc phân tích kết cấu xã hội tư bản chủ nghĩa, trước hết là chế độ kinh tế của nó, các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác đã xác định cơ sở khách quan cho việc cấu tạo nội dung khoa học của lý luận về chủ nghĩa xã hội, thoát khỏi những kết cấu và giải pháp không tưởng xã hội chủ nghĩa trước đây. Vai trò phương pháp luận của học thuyết hình thái kinh tế – xã hội đối với kinh tế – chính ừị học mácxit thể hiện rõ ở hai điểm: thứ nhất là thừa nhận và xem xét chế độ xã hội tư sản như một hình thái kinh tế – xã hội, và thứ hai, chỉ ra sự tác động của những quy luật đến sự hình thành, phát triển và diệt vong tất yếu của nó.

2. Vai trò phương pháp luận của học thuyết hình thái kinh tế – xã hội còn được thể hiện trực tiếp đối với việc xây dựng nội dung của chủ nghĩa xã hội khoa học. Nội dung này đã được tổng kết, trình bày một cách cơ bản trong các cuốn sách mới xuất bản ở nước ta như “Những quan điểm cơ bản của c. Mác-Ph. Ăngghen – V.I. Lênin về chủ nghĩa xã hội và về thời kỳ quá độ”‘, “Những vấn đề lý luận về chủ nghĩa xã hội và về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Những quan điểm quan trọng thuộc nội dung của chủ nghĩa xã hội khoa học được trình bày trong những công trình trên bao gồm những quan điểm về những đặc trưng của chế độ xã hội chủ nghĩa, về thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, về cách mạng xã hội chủ nghĩa, lý luận về cách mạng không ngừng, về sở hữu, về giai cấp và đấu tranh giai cấp trong thời kỳ quá độ, về chuyên chính vô sản và Đảng Cộng sản, về quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Hiển nhiên là các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác đã xây dựng những quan điểm về chủ nghĩa xã hội theo phương pháp luận của học thuyết hình thái kinh tế – xã hội.

Trước hết, vai trò phương pháp luận của học thuyết hình thái kinh tế – xã hội thể hiện trong việc xác định những đặc trưng của chế độ xã hội chủ nghĩa, tức là vạch ra mô hình chế độ xã hội chủ nghĩa về lý luận, đó là mô hình về một kiểu tổ chức xã hội mới, ra đời trên cơ sở phủ định chế độ tư bản chủ nghĩa. Việc phác hoạ mô hình của chế độ xã hội chủ nghĩa đã tuân theo những nguyên tắc khoa học. Chính hiểu biết chung về hình thái kinh tế – xã hội đã cung cấp tiêu chuẩn khách quan cho các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác phân tích chủ nghĩa tư bản với tư cách là một hình thái kinh tế – xã hội và từ đó chỉ ra khả năng xuất hiện của chế độ xã hội chủ nghĩa với những đặc trưng riêng của nó.

Sau khi xác định được mô hình của chủ nghĩa xã hội thì nhiệm vụ tiếp theo là phải tìm ra con đường hiện thực hoá mô hình đó. Ở đây phương pháp luận của học thuyết kinh tế – xã hội đòi hỏi phải chứng tỏ được rằng con đường đi tới chủ nghĩa xã hội, hay toàn bộ quá trình chuyển biến từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội là quá trình có quy luật, quá trình tất yếu. Trên thực tế, quan điểm của các nhà kinh điên của chủ nghĩa Mác-Lênin về sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản, cách mạng vô sản, đảng cộng sản và chuyên chính vô sản, thời kỳ quá độ và sự phát triển rút ngắn v.v, đều được rút ra từ sự nghiên cứu quá trình có quy luật từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội.

Cụ thể là, quan điểm về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân đã được rút ra từ sự phân tích quá trình vận động, xu hướng và khả năng giải quyết mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất mang tính xã hội hoá cao và quan hệ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, mà mâu thuẫn này được biểu hiện ra về mặt xã hội là cuộc đấu tranh giai cấp giữa vô sản và tư sản. Sẽ là không khách quan và không thấy được tính tất yếu lịch sử nếu như không chứng tỏ được rằng giai cấp vô sản chính là hiện thân của lực lượng sản xuất tiên tiến trong xã hội tư bản chủ nghĩa.

Nói về sự quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội Mác và Lênin cũng đã chỉ rõ tính quy luật của quá trình này. Đó trước hết là tính tạm thời, tính chất trung gian hoá giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Bản thân chủ nghĩa tư bản phải có quá trình phân giải dần dần và chủ nghĩa cộng sản cũng phải có quá trình tích hợp dần dần. Quá trình phân giải và tích hợp ấy lại diễn ra thông qua những kết cấu xã hội nhất định – xã hội quá độ. Do đó, chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội với những phần, những mảnh của chúng đã tạo nên các mặt đối lập, xung đột lẫn nhau. Xã hội quá độ – xã hội không còn hoàn toàn là chủ nghĩa tư bản và chưa phải hoàn toàn là chủ nghĩa xã hội, là xã hội trung gian giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội là một kết cấu lịch sử tất yếu. Thứ hai, tính quy luật của sự quá độ này còn thể hiện ở chỗ nó là quá trình cải biến cách mạng từ xã hội nọ sang xã hội kia, theo xu hướng tất yếu là chủ nghĩa xã hội – cái mới sẽ ra đời chiến thắng chủ nghĩa tư bản – cái cũ. Đồng thời, quan niệm về sự phát triển rút ngắn hay quá độ gián tiếp cũng được chứng minh là quá trình có quy luật, hợp quy luật của lịch sử. Rõ ràng nếu thiếu phương pháp luận của học thuyết hình thái kinh tế – xã hội thì không có cơ sở khoa học hướng dẫn cho sự phân tích tính hợp quy luật của quá trình phát triển này.

Vai trò phương pháp luận của học thuyết hình thái kinh tế – xã hội không chỉ dừng lại ở chỗ cho phép phân tích khoa học hiện thực lịch sử của quá trình chuyển biến từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, mà còn làm cơ sở cho dự báo khoa học về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Điều này chứa đựng trong hầu hết các quan điểm, quan niệm thuộc nội dung của chủ nghĩa xã hội khoa học. Điếm tập trung ở vai trò dự báo của học thuyết này là dự báo về khả năng chủ nghĩa tư bản nhất định sẽ bị diệt vong và sẽ bị thay thế bởi hình thái kinh tế – xã hội cao hơn nó là chủ nghĩa cộng sản. Rõ ràng là, nếu không có hiểu biết chung khoa học về hình thái kinh tế – xã hội thì không thể xác định được những yếu tố cơ bản của một kiểu tổ chức xã hội mới chưa có trong hiện thực là chủ nghĩa xã hội.

Như vậy, vai trò phương pháp luận của học thuyết hình thái kinh tế – xã hội đối với chủ nghĩa xã hội khoa học có thể được tóm tắt lại là phải chứng tỏ quá trình chuyển biến từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội là quá trình phát triến có quy luật, quả trình tất yếu của lịch sử loài người nói chung. Chỉ khi chứng minh được điều đó, chủ nghĩa xã hội khoa học mới thực sự là biểu hiện của sự tự ý thức của giai cấp công nhân về địa vị lịch sử khách quan, tất yếu của mình, đem lại cho giai cấp ấy và loài người tiến bộ niềm tin vững vàng vào sự thắng lợi của chế độ cộng sản và chỉ ra cho họ con đường đúng đắn để đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng bản thân mình.

Kết luận: Tổng hợp nội dung khoa học của học thuyết Mác về hình thái kinh tế – xã hội dưới hình thức chung, nhất quán về lý luận, là công việc cần thiết và có tính thời sự. Nó đòi hỏi không những phải thể hiện khách quan nội dung học thuyết của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác về hình thái kinh tế – xã hội, mà còn phải thể hiện học thuyết đó dưới hình thức một hệ thống lý luận mới, cho phép có thể triển khai nó trong tổ chức thực tiễn đời sống xã hội và trong nhận thức mới về xã hội, lịch sử ngày nay. Nội dung khoa học ấy gồm hai phương diện cơ bản là lý luận về hình thái kinh tế – xã hội và phương pháp luận của nó. Lý luận phản ánh sự hình thành, phát triển có quy luật của lịch sử loài người nói chung, tức là sự phát triển của các hình thái kinh tế – xã hội. Nó là tiền đề, cơ sở để rút ra phương pháp luận của nó, với nội dung cơ bản là cần phải nhận thức mọi xã hội, lịch sử và mọi hiện tượng, quá trình vốn rất phong phú của chúng căn cứ vào quá trình tất yếu, có quy luật của lịch sử xã hội loài người nói chung. Toàn bộ nội dung và ý nghĩa của học thuyết hình thái kinh tế – xã hội nhằm mục đích cao nhất là sáng tạo ra chủ nghĩa xã hội khoa học.

Cũng cần nói thêm rằng, trong nội dung khoa học của học thuyết hình thái kinh tế – xã hội, có những yếu tố, khía cạnh nội dung cần phải có những ý kiến, cách hiểu độc lập của cá nhân người viết. Trong số này có hai yếu tố nội dung mà người viết phải nói rõ ở đây, đó là về khái niệm hình thái kinh tế – xã hội và về phương pháp luận của học thuyết. Dễ nhận thấy là trong các di sản lý luận cùa các nhà kinh điển mácxit thường không có những “định nghĩa” chính thức về hình thái kinh tế – xã hội, không có sự đề xuất, ít ra là dưới hình thức hệ thống, nội dung phương pháp luận của học thuyết này. Vì thế ở đây phải có những giải thích, quan niệm của cá nhân người viết để cho các yếu tố, khía cạnh nội dung ấy trở nên rõ ràng hơn. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là phải bám sát những cơ sở kinh điển, nhưng không được máy móc, giáo điều.

Xem thêm Học thuyết hình thái kinh tế – xã hội

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận