Sông núi nước Nam – Lí Thường Kiệt – Để học tốt Ngữ văn 7

Đang tải...

Sông núi nước Nam

Lí Thường Kiệt

I/ GIỚI THIỆU CHUNG VỀ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM

1/ Tác giả

            – Hiện nay về tác giả của bài thơ này vẫn còn nhiều ý kiến chưa thống nhất, có nhiều sách (kể cả bức sơn mài ở Viện Bảo tàng Lịch sử) ghi là Lí Thường Kiệt.

            – Theo Phả hệ họ Ngô Việt Nam, ông tên thật là Ngô Tuấn, là con của Sùng Tiết tướng quân Ngô An Ngữ, cháu của Ngô ích Vệ, chắt của Sứ quân Ngô Xương Xí và cháu 5 đời của Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập – hoàng tử trưởng của Ngô Quyền, người phường Thái Hoà, thành Thăng Long (Hà Nội ngày nay). Có tài liệu lại nói quê ông là làng An Xá, huyện Quảng Đức (Cơ Xá, huyện Gia Lâm ngày nay).            ‘

2/ Tác phẩm

            – Theo truyền thuyết vào năm 1077 quân Tống sang xâm lược nước ta, vua Lí Nhân Tông sai Lí Thường Kiệt dẫn quân chặn giặc ở phòng tuyến sông Như Nguyệt (một khúc sông Cầu, thuộc huyện Yên Phong – Bắc Ninh ngày nay)

            – Vì thế giặc rất mạnh nên Lí Thường Kiệt bèn dùng mưu đánh vào tinh thần khiến chúng phải khiếp sợ. Vào lúc nửa đêm, ông cho người đóng giả hai vị thần ngâm thơ trong đền thờ thần bến bờ sông. Quả nhiên quân địch kinh hoàng nhụt chí, quân ta thừa thắng xông lên đuổi chúng chạy dài. Bài thơ này vì thế còn được gọi là bài thơ Thần.

II/ HƯỚNG DẪN HỌC SINH CẢM THỤ VĂN BẢN

1/ Về nội dung

            – Bài thơ được xem là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta viết bằng thơ. Đó là lời tuyên bố về độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

            – Nội dung tuyên ngôn độc lập trong bài thơ này là: Nước Nam thuộc chủ quyền của người Nam, do vua nước Nam cai quản, đất nước này có ranh giới và địa phận rõ ràng, được ghi nhận ở sách trời không ai có thể chối cãi được. Nếu kẻ thù nào đến xâm phạm thì chúng sẽ bị đánh đuổi, đó là một tất yếu.

            – Bài thơ vang lên như một niềm tự hào dân tộc, đó là sự khẳng định đanh thép, cảm xúc mãnh liệt, là tinh thần sắt đá, ý chí quyết tâm không gì lay chuyển, khuất phục nổi. Cảm xúc và ý chí ấy không được bộc lộ trực tiếp mà kín đáo qua hình tượng và ngôn ngữ. Nó là khúc tráng ca chống xâm lăng, biểu lộ khí phách và ý chí tự lập tự cường của đất nước và con người Việt Nam.

            – Sau đó bốn thế kỉ, mùa xuân năm 1428, đại thắng quân Minh xâm lược, Nguyễn Trãi đã thay vua Lê Lợi viết Bình Ngô đại cáo tuyên bố về chiến thắng của toàn dân tộc, mở ra một thời kì độc lập tự chủ. Bình Ngô đại cáo trở thành bản tuyên ngôn độc lập thứ hai viết bằng thơ sau tác phẩm Nam quốc sơn hà. Nguyễn Trãi đã đứng trên đỉnh cao của thời đại với một niềm tự hào to lớn để có cái nhìn toàn diện hơn, sâu sắc hơn về đất nước, nhân dân Đại Việt. Cùng với Bình Ngô đại cáo, Nam quốc sơn hà là một trong những áng thiên cổ hùng văn làm nên thành tựu to lớn của văn học viết Trung đại.

2/ Về nghệ thuật

            – Bài thơ được viết theo thể tứ tuyệt Đường luật, chắc gọn “như một bàn tay nắm chặt” với kết cấu đăng đối, hoàn chỉnh.

            – Bài thơ có giọng điệu đanh thép, rắn rỏi, hùng hồn, mạnh mẽ, cô đúc mà thâm trầm. Cảm xúc hoà trong ý tưởng, được thể hiện qua ý tưởng.

            – Bài thơ được viết bằng chữ Hán, khai thác triệt để sắc thái trang trọng, âm điệu hùng hồn của các âm Hán Việt như: tiệt nhiên, thiên thư, định phận…

            – Bài thơ xứng đáng được coi là khúc tráng ca chống xâm lăng, biểu lộ khí phách và ý chí tự lập, tự cường của đất nước và con người Việt Nam.

III/ HƯỚNG DẪN HỌC SINH PHÂN TÍCH VĂN BẢN

1/ Thể thơ

            – Bài thơ được sáng tác theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt gồm 4 câu thơ, mỗi câu 7 chữ. Căn cứ vào những nguyên tắc về niêm luật cửa thơ Đường luật thể hiện ở việc tuân thủ chặt chẽ cách gieo vần ở cuối các câu 1, 2, 4 và về thanh dấu theo luật bằng trắc. Câu 2 và 4 hiệp vần với nhau ở chữ cuối.

            – Có người xem, bài thơ tứ tuyệt được cắt ra từ một bài thất ngôn bát cú (Tứ tuyệt – bốn câu thực chất là một bài thất ngôn bát cú đem bỏ đi bốn câu đầu hoặc bốn câu cuối. Luật bằng trắc và niêm, vần… vẫn giữ nguyên, có thể bỏ luật đối ở hai câu 3, 4 hoặc 5, 6). Sức mạnh của thơ tứ tuyệt là ở tính hàm súc, đăng đối, cô đúc mà hàm ý sâu xa.

2/ Bố cục

            – Một bài thơ tứ tuyệt bao giờ cũng có bố cục: Khai (mở ra vấn đề – Câu 1), Thừa (tiếp tục vấn đề – Câu 2), Chuyển (chuyển ý – Câu 3), Hợp (khép lại bài thơ – Câu 4).

            – Cũng có thể chia bố cục theo tứ: hai câu đầu, hai câu sau. Sông núi nước Nam là một bài thơ thiên về sự biểu ý (bày tỏ ý kiến) nên bố cục rất mạch lạc:

            – + Hai câu đầu: khẳng định độc lập chủ quyền độc lập và tự chủ của đất nước.

            – + Hai câu sau: thể hiện tinh thẩn quyết tâm chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước.

3/ Phân tích cụ thể

a. Hai câu đầu 

            – Khẳng định quyền độc lập tự chủ. Ngôn ngữ trang trọng, ý thơ mạnh mẽ, đanh thép, khẳng định chân lí bất di bất dịch:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.

            – Các cụm từ “Nam đế cư” (Vua Nam ở)) “tiệt nhiên” (rõ ràng như thế không thể khác), “định phận” (phần đã được giới hạn), “thiên thư” (sách trời) đã khẳng định sông núi bờ cõi nước Nam đã được chia, được phân định rạch ròi như chân lí không thể đổi, do trời chứng giám.

            – Ở đây chủ quyển của dân tộc trước hết được khẳng định ở sự độc lập về lãnh thổ.

            – Cách dùng từ của tác giả cũng rất độc đáo: “Nam đế cư” chứ không phải là “Nam nhân cư”, vì theo ý thức hệ phong kiến “vua” là thiên tử – con trời được phái xuống để đứng đầu một nước, vua mới là đại diện chính thức cho một quốc gia, tượng trưng cho quyền lực tối thượng của đất nước, đại diện cho quyền lợi tối cao của dân tộc. Hơn nữa, người Trung Quốc xưa từng cho mình là trung tâm của thế giới, các nước xung quanh chỉ là man di, mọi rợ. Theo quan niệm của họ, vua là đế, ý chỉ vua của các vua, để phân biệt với các nước xung quanh. Tác giả bài Nam quốc sơn hà, đã dùng “Nam đế” để sánh ngang tầm với “Bắc đế” khẳng định niềm tự hào, tự tôn, bình đẳng dân tộc. Nước Nam là chủ quyền của vua Nam chứ không phụ thuộc vào ông vua nào khác.

b. Hai câu thơ sau

            – Có nền tảng chân lí đã được khẳng định, hai câu thơ sau, giọng thơ vang lên sang sảng, căm giận, nghiêm khắc lên án hành động ăn cướp trắng trợn của giặc Tống.

            – Sự xuất hiện của câu hỏi tu từ làm cho lời thơ càng thêm đanh thép: “Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?” Hành động xâm lược chủ quyền đất nước của giặc là đi ngược lại với chính nghĩa, cho nên chắc chắn chuốc lấy thất bại như một kết quả tất yếu: “hành khan thủ bại hư”.

            – Câu thơ thứ tư là sự khẳng định niềm tin tuyệt đối vào chiến thắng của dân tộc trước sự xâm lăng của của giặc ngoại bang. Đó là niềm tin xuất phát từ sức mạnh của chính nghĩa và đoàn kết dân tộc. Thực tế lịch sử của chiến thắng trên chiến tuyến Như Nguyệt của nhân dân ta (1077) chính là minh chứng hùng hồn cho lời khẳng định của bài thơ.

            – Bài thơ ngoài nội dung khẳng định nền độc lập tự chủ, khẳng định quyết tâm chống giặc ngoại xâm còn cho ta thấy tinh thần sắt đá, ý chí, tình yêu và niềm tự hào, tự tôn dân tộc của người viết.

            – Như vậy, không chỉ biểu ý mà bài thơ cũng là lời bày tỏ cảm xúc, đó là sự khẳng định chắc chắn về một chân lí không ai có thể chối, tiếp theo là tinh thần, ý chí của con người làm chủ đất nước đó.

            – Bài thơ vừa mang sứ mệnh lịch sử như một bài hịch cứu nước, có sức mạnh động viên tinh thần cả dân tộc,vừa có ý nghĩa là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên với tiếng nói yêu nước tự hào dân tộc của nhân dân ta. Đó là khúc tráng ca chống xâm lăng, là bài ca “sông núi ngàn năm”.

IV/ TRÍCH YẾU TƯ LIỆU THAM KHẢO

            Bàn thêm về xuất xứ bài thơ Nam quốc sơn hà – Lí Thường Kiệt

            Xuất xứ bài thơ.      

            Bài thơ thường nằm trong truyền thuyết, thần tích về Trương Hống, Trương Hát, còn gọi là Thánh Tam Giang, Trương tôn thần… Truyền thuyết và thần tích Trương Hống, Trương Hát (tướng lĩnh của Triệu Việt Vương 549-570) được ghi lại hoàn chỉnh hoặc từng phần, từng mảng thường có bài thơ Nam quốc sơn hà, ở Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u lình thời Lí Trần, Đại Việt sử kí toàn thư, Thoát Hiên vịnh sử tập, Việt sử diễn âm, Thiên Nam vân lục thời Lê Mạc, Thiên Nam ngữ lục, Việt sử tiêu án thời Lê Trịnh, Lịch triều hiến chương loại chí, Đại Nam nhất thống chí thời Nguyễn v.v… rồi được tổng tích hợp trong Trương tôn thần sự tích. Truyền thuyết kể rằng có một bà mẹ cảm giao với Long thần ở Lục Đầu giang, có thai 14 tháng sinh ra một bọc bốn trai một gái, gái trai lớn là Hống và Hát. Lớn lên, Hống, Hát thường hỏi mẹ về cha, mẹ nói các con đều là dòng dõi của thuỷ thần họ Trương, từ đó lấy Trương làm họ. Trương Hống, Trương Hát thụ giáo với thầy họ Lã, tinh thông binh thư, võ lược. Khi Triệu Việt Vương dấy nghĩa, hai anh em theo giúp, trở thành tướng giỏi. Sau Triệu Việt Vương thất bại, Hậu Lí Nam Đế triệu ra, anh em tự tử để giữ tiết với chủ cũ. Được trời phong thần, anh em âm phù Nam Tấn Vương nhà Ngô dẹp loạn Lí Huy. Khi Hầu Nhân Bảo nhà Tống sang xâm lược, hai thần đọc bốn câu thơ (tức bài Nam quốc sơn hà) âm phù Lê Đại Hành đánh thắng giặc. Đời Lí Nhân Tông, Quách Quỳ nhà Tống lại đem quân xâm lược, hai thần thống lĩnh kị binh, phi trong mây trắng, cùng ngâm bốn câu thơ (tức bài Nam quốc sơn hà) âm phù Lí Thường Kiệt đuổi giặc. Đến thời chống Nguyên Mông, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cầu khẩn thần trợ binh đánh giặc, nhất nhất đều linh nghiệm. Trương Hống, Trương Hát được nhiều đời vua phong thần, thụ hưởng sự cúng tế của chúng dân.

            Như vậy, Nam quốc sơn hà thành thơ trong cái nôi truyền thuyết Trương Hống – Trương Hát, một loại truyền thuyết mà chủ đề của nó là tôn vinh lịch sử, thiêng hoá quá khứ, thần thánh hoá anh hùng lịch sử, nhất là lịch sử chống xâm lược, vốn rất phong phú trong văn hoá văn nghệ dân gian Việt Nam. Sự hình thành bài thơ, tính chất tác giả, thể tài ngôn ngữ… đều gắn với thể loại truyền thuyết. Bài thơ “Nam quốc sơn hà” và rộng hơn truyền thuyết Trương Hống, Trương Hát chắc đã hình thành đầu thời tự chủ, như một sáng tác tập thể, truyền miệng trong dân chúng bao gồm cả trí thức, viết về đề tài đất nước, nhằm khẳng định độc lập dân tộc vừa mới giành được, cổ vũ tinh thần chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ dân tộc, chống lại các đế chế phương Bắc đã và đang mưu đồ chiếm lại nước ta. Bai thơ và truyền thuyết còn là sự biểu hiện sinh động niềm tin vào lực lượng tâm linh, vào âm phù của thần, của trời, của thiên mệnh đối với các triều vua Đại Việt. Về mặt thể tài thì bài thơ thất ngôn tuyệt cú dùng ngôn từ trang trọng, đanh thép, diễn dịch một thiên mệnh, khẳng định một thiên uy, giống như một lời giáng bút, một sấm ngôn: Đất nước này là của vua Nam thụ mệnh ở trời, kẻ nào xâm chiếm là nghịch thiên mệnh, tất bị tru diệt.

(Nguồn: Báo Văn Nghệ)

___

Xem thêm:

Hướng dẫn phân tích, cảm thụ văn bản Mẹ tôi – Ét-môn-đô- đơ A-mi-xi tại đây.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận