Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra – Trần Nhân Tông – Để học tốt Ngữ Văn 7

Đang tải...

Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra

Trần Nhân Tông

I/ GIỚI THIỆU CHUNG VỀ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM

1/ Tác giả

            – Trần Nhân Tông (1258 – 1308) tên thật là Trần Khâm, con trưởng của Trần Thánh Tông, là một ông vua yêu nước, anh hùng, nổi tiếng khoan hoà, nhân ái, đã cùng vua cha lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống giặc Mông – Nguyên thắng lợi vẻ vang.

            – Bản thân ông là người rất thông minh, học rộng, có tài thao lược, rất yêu nước và có tấm lòng nhân ái với nhân dân, gắn bó với cuộc sống nơi thôn dã.

            – Ông theo đạo Phật, năm 1299, ông về tu ở chùa Yên Tử (thuộc tỉnh Quảng Ninh ngày nay) và trở thành vị tổ thứ nhất của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam.

            – Ông cũng là một nhà văn hoá, một nhà thơ tiêu biểu của thời Trần.

2/ Tác phẩm

            – Thiên Trường là một trong 12 lộ thời Trần, thuộc Sơn Nam, nay thuộc ngoại thành Nam Định. Thiên Trường vốn là thái ấp của vua chúa nhà Trần, ở đây xưa kia có nhiều cung điện nguy nga tráng lệ

            – Bài thơ được sáng tác nhân dịp Trần Nhân Tông về thăm quê cũ ở Thiên Trường. Ngoài ra ông còn viết một bài khác về Thiên Trường cũng rất nổi tiếng là: “Hạnh Thiên Trường hành cung”.

II/ HƯỚNG DẪN HỌC SINH CẢM THỤ VĂN BẢN

1/ Về nội dung

            – Trần Nhân Tông viết bài thơ sau năm 1288, khi giặc Nguyên – Mông đã bị nhân dân ta đánh bại, nước Đại Việt thanh bình, yên vui.

            – Bài thơ “Thiên trường vãn vọng” là một bức tranh phong cảnh nơi miền quê rất đẹp và thơ mộng, trầm lặng mà không đìu hiu, thể hiện cuộc sống yên bình, đầm ấm. Cảnh xóm thôn đồng quê vùng Thiên Trường qua cái nhìn và cảm xúc của Trần Nhân Tông rất cổ điển mà cũng bình dị, thanh cao.

            – Thiên nhiên vào buổi chiều tà được chấm phá vài nét đơn sơ có vẻ tĩnh lặng nhưng vẫn ánh lên sự sống con người trong sự hoà hợp với thiên nhiên một cách nên thơ. Tác giả thực là người tuy có địa vị tối cao nhưng tâm hồn vẫn gắn bó máu thịt với quê hương thôn dã.

            – Không gian yên bình khoáng đạt, tâm trạng nhân vật trữ tình như chìm đắm, như cố níu giữ tận hưởng thiên nhiên bằng mọi giác quan, để rồi thả hồn đọng lại trên trang giấy một bài thơ tuyệt bút.

            – Một bức tranh quê bình dị trong đó tình quê và hồn quê chan hoà, dào dạt, lan toả trong từng câu chữ.

2/ Về nghệ thuật

            – Tình yêu thiên nhiên, yêu đồng quê xứ sở đã được thể hiện bằng một số hình tượng đậm đà, ấm áp, qua những nét vẽ tinh tế, gợi hình, gợi cảm, giàu liên tưởng.

            – Bài thơ thể hiện một bút pháp nghệ thuật cổ điển tài hoa, chỉ một vài nét chấm phá đơn sơ nhưng đã lột tả được thần thái của sự vật với cảnh xa xa thôn xóm mờ ảo, mặt trời đã lặn, không gian như có sương khói.

            – Điểm nhìn từ xa vọng lại (vãn vọng) cho nên không gian được chiếm lĩnh trên diện rộng từ bao quát đến cụ thể, tả ít mà gợi được nhiều, nét vẽ thanh nhẹ, ngoại cảnh và tâm cảnh đồng hiện.

            – Ngôn ngữ thơ, hình tượng thơ đầy âm thanh, màu sắc, bút pháp lấy động để tả tĩnh, điểm nhãn được thể hiện một cách ấn tượng trong bức tranh đồng quê.

III/ HƯỚNG DẪN HỌC SINH PHÂN TÍCH VĂN BẢN

1/ Thể thơ

            – Về thể thơ, bài “Thiên trường vãn vọng” giống với bài thơ “Nam quốc sơn hà” đã học. Cả hai tác phẩm này đều viết bằng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật, mỗi bài gồm có bốn câu, mỗi câu gồm bảy tiếng.

            – Cách hiệp vần: câu thứ nhất với câu thứ hai và câu thứ tư, hiệp vần chủ yếu là vần chân đứng ở cuối câu.

2/ Phân tích cụ thể

a/ Hai câu đầu

            – Gợi cảnh làng quê Thiên Trường trong ánh chiều tà. Câu thơ đầu nói rõ về không gian (thôn tiên, thôn hậu) và thời gian của bức tranh phong cảnh (tự yên). Câu thơ thứ hai lại đưa người đọc vào một khung cảnh lung linh, huyền ảo.

            – Bốn chữ “thôn hậu thôn tiền” và “bán vô bản hữu” liên kết đôi với những cặp đối xứng trái nghĩa (tiền – hậu, hữu – vô) tạo nên sự cân xứng hài hoà về ngôn ngữ, đồng thời gợi lên cảnh thôn xóm nối tiếp nhau, gần xa đông đúc, trù phú.

            – Chữ “yên” xuất hiện cùng với yếu tố so sánh “tự” gợi hình ảnh khói am chiều vấn vương, xóm thôn như phủ mờ khói nhạt, mơ màng, mênh mang. Đây là một hình ảnh so sánh đầy thi vị. Tưởng như thi sĩ đang thả hồn mình vào cảnh vật, lặng ngắm thôn quê gần xa không chán, hồn quê man mác gợi cảm.

            – Cụm từ “Nửa như có nửa như không” (Bán vô bán hữu) nghĩa là phong cảnh mờ ảo, vừa như có lại vừa như không có, vừa thực lại vừa không thực, thực hư lẫn lộn. Quang cảnh gợi nên ở đây là làng xóm đang chìm, đang mờ trong sương khói. Chính điều này tạo nên sự mơ màng, nên thơ rất độc đáo, nó khác với cảnh sắc lồng lộng như vẽ, như tranh hoạ đồ. Đặt vào hoàn cảnh cụ thể khi tác giả sáng tác bài thơ này, chắc rằng đây là thời gian giao mùa thu và đông, việc khói bếp và sương mù hoà quyện với nhau làm cho cảnh vật như một miền cổ tích thuở xa xưa hiện hữu nơi phàm trần.

            – Chỉ bằng ba nét vẽ rất chọn lọc, tả ít mà gợi nhiều, thi sĩ đã làm nên không gian nghệ thuật buổi chiều tà phủ mờ sương khói và ánh tà dương rất yến bình, êm đềm, nên thơ.

b/ Hai câu sau

            – Hai câu cuối là cảnh sắc đồng quê rất dân dã, bình dị, thân thuộc và đáng yêu. Đến hai câu thơ này, bức tranh quê không còn tĩnh mịch mà ấm áp, sinh động hơn với âm thanh và hoạt động của con người khi quay về mái ấm gia đình sau một ngày làm việc.

            – Cảnh từ ảo trở về thực với những nét quen thuộc của đời sống thôn dã. Xuất hiện thêm hình ảnh đàn trâu nối đuôi nhau trở về thôn, hình ảnh đàn cò trắng từng đôi, từng đôi bay liệng, nối tiếp nhau hạ xuống cánh đồng. Khung cảnh không còn tĩnh lặng mà điểm thêm tiếng sáo mục đồng, âm thanh hỗn nhiên trong trẻo, thanh bình của làng quê.

            – Không gian về chiều nhưng vẫn ánh lên cái ấm áp của sự sống: không phải một cánh cò cô đơn bay lặng lẽ vô định trong thơ Đường (Lạc hà dữ cô lộ tề phi – Vương Bột) cũng không phải từng đàn cò bay liệng rộn rịp mà là đôi cò trắng bay song song, và đích đến là cánh đồng lúa. Cũng không phải tiếng sáo thổi gọi trâu về một cách rộn ràng mà chỉ nghe vẳng“tiếng sáo mục đồng” (Mục đồng địch lí). Không gian ấm áp của cuộc sống con người, có hình ảnh màu sắc, hình ảnh, âm thanh nhưng không hề ồn ã, lụy tục mà vẫn toát lên vẻ thanh cao, yên bình. Không có nhiều âm thanh, không có nhiều màu sắc nhưng bài thơ toát lên vẻ đẹp từ chính cái đơn sơ ấy.

            – Nhà thơ không nói đến màu xanh và hương lúa nhưng người đọc cảm nhận được điều ấy. Ngôn ngữ thơ và hình ảnh thơ đầy âm thanh và màu sắc. Bút pháp lấy động tả tĩnh được tác giả sử dụng rất thành công để vẽ lên bức tranh vừa thanh nhã vừa sống động, ấm áp tình người.

            – Thiên Trường thủa ấy là quê hương của nhà Trần, nơi “phát nghiệp đế vương”, đường xá rầm rập ngựa xe, biết bao cung điện nguy nga của vua chúa, vương tôn nhà Trần. Tác giả ở đây lại là một ông vua nhưng thi nhân đã không lựa chọn những chi tiết về lầu son gác tía, bệ ngọc ngai vàng tráng lệ mà chỉ đem những cảnh sắc thiên nhiên rất đỗi bình dị quê mùa vào trong bức tranh của mình. Điều đó cho thấy một tâm hồn thi sĩ giàu tình yêu với thiên nhiên, đất nước, có sự gắn bó, thấu hiểu cuộc sống nơi thôn dã. Tính bình dị, dân dã, hổn nhiên chính là cốt cách của hồn thơ Trần Nhân Tông.

IV/ TRÍCH YẾU TƯ LIỆU THAM KHẢO

            * Về tác giả

            TRẦN NHÂN TÔNG, VUA, ANH HÙNG, TRIẾT GIA, THI SĨ

            Trần Thánh Tông có ba người con: hai trai, một gái. Trần Nhân Tông là con trưởng, sinh năm 1258, đúng năm Thái Tông và Thánh Tông đánh tan quân xâm lược Nguyên – Mông lần thứ nhất.

            Nói đến Trần Nhân Tông, trước hết là nói đến người anh hùng cứu nước. Ngay sau khi Nhân Tông lên ngôi, vua nhà Nguyên sai Lễ bộ thượng thư là Sài Thung sang sứ Đại Việt. Vua Nhân Tông sai đại thần ra tiếp, Thung không thèm đáp lễ. Vua lại mời dự yến, Thung cũng không thèm đến. Năm Nhâm Ngọ (1282) vua Nguyên lại cho sứ sang dụ vua Đại Việt phải sang chầu, Vua không sang mà cho chú là Trần Di Ái sang chầu thay mình. Vua Nguyên liền lập Trần Di Ái làm An Nam quốc vương rồi cho một nghìn quân hộ tống Ái về nước. Được tin, vua Trần Nhân Tông liền cho quân phục đánh. Biết không thể thu phục được vua Trần, vua Nguyên đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt lần thứ hai vào năm 1285 hòng bắt nhà Trần cùng nhân dân phải tuân phục. Nhưng chúng bị thất bại thảm hại. Không từ bỏ dã tâm xâm lược, năm 1287 nhà Nguyên lại hùng hổ đem quân xâm lược Đại Việt lần thứ ba. Lần này chúng cũng không thoát khỏi thảm hại trước tinh thần anh dũng quật khởi của nhân dân Đại Việt. Trong hai lần kháng chiến này, Trần Nhân Tông đã trở thành ngọn cờ tiêu biểu “cố kết nhân tâm”, lãnh đạo quân dân vượt qua bao nhiêu khó khăn gian khổ đưa cuộc chiến đấu đất nước tới thắng lợi huy hoàng. Qua hai cuộc chiến tranh, lần thứ hai và lần thứ ba, Trần Nhân Tông đã tỏ rõ: ông vừa là nhà chiến lược tài giỏi, vừa là vị tướng cầm quân dũng cảm ngoài chiến trường. Chính vào lúc đầu của cuộc kháng chiến năm 1285, khi quân ta đang còn ở thế không cân sức so với lực lượng giặc, Trần Nhân Tông đã viết lên đuôi chiếc thuyền hai câu thơ đầy khí phách, đẩy niềm tin vào sức mạnh chiến thắng của quân ta:

Cối Kê cựu sự quân tu kí

Hoan Diễn do tồn thấp vạn binh.

            Hai câu thơ này cùng với bài thơ “Tụng giá hoàn kinh sư” đã đi vào lịch sử như một kí ức bất diệt về chiến công bình Nguyên năm 1285 mà trong đó Trần Nhân Tông là vị chủ soái.

            Trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, Trần Nhân Tông có một vị trí quan trọng. Ông là một triết gia lớn, đứng đầu một triết phái, đó là phái thiền Trúc Lâm Yên Tử. Với phái thiền Trúc Lâm đời Trần mà đệ nhất tổ là Trần Nhân Tông, Phật giáo Việt Nam đã phát triển rực rỡ và thể hiện được đầy đủ bản lĩnh trí tuệ Việt Nam, để lại một dấu ấn đặc sắc trong lịch sử tư tưởng nước nhà.

            Trong cuộc đời mình, Trần Nhân Tông làm vua 14 năm, nhường ngôi 5 năm và đi tu 8 năm. Theo Thiền Sử, Trần Nhân Tông sớm tâm đắc với đạo Thiền, ngay thời gian làm vua, ông đã chú ý nghiên cứu triết học Thiền Tông, nắm được chỗ tinh yếu nhất của đạo Thiền.

            Anh hùng cứu nước, triết nhân và thi sĩ, ba phẩm chất ấy kết hợp hài hoà với nhau trong con người Trần Nhân Tông. Về phương diện thi sĩ, ông là một người có tâm hồn trong trẻo, phóng khoáng, một cái nhìn tinh tế, thanh nhã, nhất là đối với cảnh vật thiên nhiên:

Trước xóm sau thôn tựa khói lồng

Bóng chiều man mác có dường không.

Mục đồng sáo văng trâu về hết

Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.

            (Thiên Trường vãn vọng)

Bên song đèn rạng sách đầy giường

Khí lạnh đêm thu đượm giọt sương

Thức dậy tiếng chày đà lặng ngắt

Trên chùm hoa lộc nguyệt lồng gương.

(Nguyệt)

            Thơ Trần Nhân Tông ngoài vẻ đẹp của một âm điệu hồn hậu còn bao hàm một ý vị Thiền, gợi mở tinh thần cao khiết, thanh lọc tâm hồn ta. Trong lịch sử văn học Việt Nam, cây sáo thơ Trần Nhân Tông để lại một tiếng ngân trong đến thẳm sâu.

            Trần Nhân Tông qua đời năm 1308 tại am Ngoạ Vân, núi Yên Tử, Đông Triều.

            * Về tác phẩm:

            Giới thiệu bài thơ chữ Hán thứ 2 tác giả viết về Thiên Trường:

Hạnh Thiên Trường hành cung

(Dạo chơi hành cung Thiên Trường)

            Dịch thơ

Cảnh thanh u vật cũng thanh u

Mười mấy châu tiên ấy một châu.

Trăm tiếng đàn chim, dàn nhạc hát

Nghìn hàng đám quýt, đám quân hầu

Trăng vô sự chiếu người vô sự

Nước có thu lồng trời có thu.

Vừa bốn bể trong, vừa bụi lặng

Độ xưa so với độ nay thua.

( Theo: Chân dung văn hoá Việt Nam

 Hoàng Việt thi tuyển, NXB Văn hoá, Hà Nội, 1958)

___

Xem thêm:

Hướng dẫn phân tích, cảm thụ văn bản Sông núi nước Nam tại đây.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận