Quan Âm Thị Kính – Để học tốt Ngữ văn 7

Đang tải...

Quan Âm Thị Kính

I/ GIỚI THIỆU CHUNG VỀ TÁC PHẨM

1/ Thể loại chèo

            – Chèo là loại kịch hát, múa dân gian, kể chuyện, diễn tích bằng hình thức sân khấu dân gian Việt Nam. Chèo cổ của dân tộc có hàng chục vở trong đó có bốn vở rất quen thuộc với mọi người như chèo “Quan Âm Thị Kính”; “Kim Nham”;“Trương Viên”’,“Tống Trân – Cúc Hoa”, ngoài ra còn có nhiều đoạn trích các vở chèo như: “Thị Mầu lên chùa”, “Xuý Vân giả dại”, “Từ Thức gặp tiên”,…

            – Chèo nảy sinh và phổ biến rộng rãi ở Bắc Bộ.

            – Giá trị của các tác phẩm chèo là giá trị nhân đạo, nói lên những bi kịch của cuộc đời, phê phán những bất công ngang trái, chèo còn là hình thức giải trí thư giãn hiệu quả sau những ngày lao động mệt mỏi, tạo tiếng cười mua vui giải trí.

            – Chèo gắn liền với sân đình với những hoá trang đơn giản, ngôn ngữ chèo mang tính ước lệ và cách điệu cao. Chèo sử dụng nhiều ca dao, thành ngữ, tục ngữ, những điển cố, điển tích… kết thúc tác phẩm thường có hậu, đúng chuẩn mực đạo đức của nhân dân.

2/ Vở chèo Quan Âm Thị Kính

            “Quan Âm Thị Kính” là vở diễn rất nổi tiếng, tiêu biểu cho sân khấu chèo về nhiều phương diện: tích truyện, nhân vật, kịch tính, làn điệu. Đoạn trích “Nỗi oan hại chồng” là phần I của vở chèo.

            Nội dung (SGK)

            Vị trí đoạn trích: “Nỗi oan hại chồng” thuộc phần I của vở chèo, sau lớp Vu quy: Thị Kính kết hôn cùng Thiện Sĩ: Mâu thuẫn của vở chèo bắt đầu từ đây, một trong hai nỗi oan của cuộc đời nàng.

            Giá trị đoạn trích: Thể hiện sâu sắc mâu thuẫn giai cấp biểu hiện trong quan hệ gia đình, người phụ nữ là người chịu nhiều oan trái nhất, dù họ có tấm lòng, có phẩm chất tốt đẹp nhưng phải gánh chịu nhiều oan trái khổ cực. Bản thân Thị Kính là một người vợ hết lòng vì chồng, nhưng chỉ vì vô tình mà bị vu oan là giết chồng. Không thể thanh minh được nên nàng chỉ còn biết nường nhờ cửa Phật, nàng là đại diện cho thân phận người phụ nữ Việt Nam trong xã hội xưa.

II/ HƯỚNG DẪN HỌC SINH CẢM THỤ VĂN BẢN

1/ Về nội dung

            – Vở chèo “Quan Âm Thị Kính” nói chung và đoạn trích “Nỗi oan hại chồng” nói riêng là vở diễn và trích đoạn chèo rất tiêu biểu của sân khấu chèo truyền thống, thể hiện chân thực sự bi thảm, bế tắc trong số phận đồng thời ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp, cao quý của người phụ nữ nghèo trong xã hội phong kiến xưa.

            – Nỗi oan hại chồng là tình tiết cốt lõi của phần đầu vở chèo, là bi kịch thứ nhất trong cuộc đời Thị Kính. Thị Kính đại diện cho cảnh ngộ những người dân thường, là người phụ nữ chịu nhiều áp bức sống trong xã hội phong kiến. Thị Kính là kiểu nhân vật nữ chính – người chịu nhiều thua thiệt trong cuộc sống. Nhân vật mụ ácnữ chính là hai loại nhân vật rất tiêu biểu, thường xuất hiện trong các vở chèo, nhân vật phản ánh rõ thực trạng xã hội, nói lên tiếng nói nguyện vọng của quần chúng nhân dân.

2/ Về nghệ thuật

            – Là một trong những trích đoạn chèo nổi tiếng, đoạn trích “Nỗi oan hại chồng” đã tạo nên được xung đột rất tiêu biểu trên cơ sở các tuyến xung đột chính giữa các nhân vật: mâu thuẫn giữa Sùng bà và Thị Kính, mâu thuẫn giữa vợ chồng Thị Kính. Các mối xung đột này đều được đẩy lên đến đỉnh cao đưa đến kịch tính và giải quyết là sự ra đi, nương nhờ cửa Phật của Thị Kính.

            – Trích đoạn này là cốt lõi trong phần mở đầu của vở chèo. Phần này có 5 nhân vật tham gia vào quá trình tạo nên xung đột kịch và làm nền cho nhân vật Thị Kính bộc lộ phẩm chất cao đẹp. Thiện Sĩ và Sùng ông là những kẻ nhu nhược, không có chủ kiến, chỉ đóng vai trò là nhân vật phụ để làm nổi bật tính cách điêu ngoa, nanh ác của Sùng bà. Mâu thuẫn giữa Sùng bà và Thị Kính về hình thức là xung đột mẹ chồng, nàng dâu nhưng về bản chất lại là mâu thuẫn sâu sắc giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị trị. Đó là nút thắt đầu tiên trong vở chèo, bộc lộ thân phận, địa vị thấp kém của người phụ nữ nghèo trong quan hệ gia đình và hôn nhân phong kiến.

III/ HƯỚNG DẪN HỌC SINH PHÂN TÍCH VĂN BẢN

1/ Mâu thuẫn giữa Sùng bà và Thị Kính

            – Thị Kính, vốn được sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo nhưng lại lấy chồng là gia đình giàu, là địa chủ. Nếp sống, cách thức sinh hoạt nhà chồng cũng khác xa với cuộc sống của nhân dân thường. Nếu nhìn vào khung cảnh Thị Kính ngồi khâu, Thiện Sĩ đọc sách ngồi thiu thiu ngủ bên cạnh… người đọc thấy không khí hạnh phúc, đầm ấm.

            – Qua lời nói và cử chỉ của Thị Kính người đọc thấy hiện lên hình ảnh người vợ hết lòng thương yêu chồng. Khi chồng ngủ cô lặng lẽ quan sát và phát hiện ra chiếc râu mọc ngược, muốn cắt sợi râu cho chồng như một lẽ hết sức tự nhiên, thể hiện tình yêu chồng hết sức chân thật và sâu sắc. Nhưng hành động của Thị Kính bị nghi oan, Thiện Sĩ hô hoán lên…

            – Khi nghe con trai hô hoán, không cần tìm hiểu đầu đuôi câu chuyện ra sao, Sùng bà dấn tới dúi đầu Thị Kính xuống đánh rồi bắt ngửa mặt lên nghe chửi, không cho phân bua gì cả.

            – Hành động và ngôn ngữ của Sùng bà đối với Thị Kính thể hiện đây là bà mẹ chồng rất tàn ác, khinh thường những người dân lao động nghèo khổ. Bằng ngôn ngữ và hành động ác độc bà ta đã đay nghiến Thị Kính:

            + Sùng bà đay nghiến, mắng nhiếc Thị Kính thậm tệ. Xem xét cụ thể trong từng lời nói người đọc thấy đây là lời chửi cay độc nhất, đả động đến sự “không môn đăng hộ đối” giữa gia đình Thị Kính và Sùng bà.

            + Tự đề cao dòng dõi nhà bà là: “Giống nhà bà đây là giống phượng, giống công”;Nhà bà đây cao môn lệnh tộc”; “Trứng rồng lại nở ra rồng”.

            + Nhạo báng sâu cay gia đình nhà Thị Kính: “Tuồng bay mèo mả gà đồng”; “Mày là con nhà cua ốc”; “Liu điu lại nở ra dòng liu điu”.

            – Mục đích chửi mắng con dâu của Sùng bà không chỉ vì việc cắt sợi râu, mà mụ ta chửi con dâu vì sự không môn đăng hộ đốôi, sự đối lập hai giai cấp khác nhau, vì gia đình Thị Kidnh quá nghèo mà lại thông gia với gia đình mụ, đó là một hiềm khích tồn tại rất nhiều trong xã hội phong kiến.

            – Dù có đủ tài sắc, đức hạnh nhưng Thị Kính vẫn không được gia đình nhà chồng chấp nhận và coi trọng vì xuất thân con nhà nghèo khó. Mâu thuẫn giữa nàng và mẹ chồng đã mang màu sắc giai cấp và xã hội, không thể dung hòa.

            – Trước khi đuổi Thị Kính ra khỏi nhà hai bố mẹ chồng còn bày ra một màn kịch độc ác để cho Thị Kính phải đau khổ, nhục nhã đến cùng cực. Lấy thông gia là Mãng ông làm trò cười cho chúng, chúng cho gọi Mãng ông đến trao trả con gái bằng cách nói: “Ông Mãng ơi, ông sang mà ăn cữ cháu”.

            Mãng ông tưởng thật nên rất vui mừng, nhưng niềm vui đó không được lâu đã bị dập tắt một cách phũ phàng: “Đang nửa đêm nó cầm dao giết chồng đây này!”, nói và thẳng thừng từ chối quan hệ thông gia, chúng cậy thói côn đồ “dúi ngã Mãng ông rồi bỏ vào .

            – Xung đột kịch trở nên cao nhất ở cảnh Thị Kính chứng kiến bố của mình bị nhục mạ, nỗi đau của bản thân quá đau đớn rồi: vợ chồng tan vỡ, bị chửi mắng, bị nhục mạ, bị hành hạ nhưng khi bố đẻ mình bị bố chồng làm nhục thì nỗi đau đó mới là đau đớn nhất, u uất nhất.

            – Hai cha con ôm nhau khóc, họ là người bị oan nhưng họ đau khổ và bất lực, họ quá nghèo, không có một chút địa vị nào trong xã hội.

2/ Mâu thuẫn giữa vợ chồng Thị Kính

            – Thị Kính là người phụ nữ yêu chồng, quan tâm săn sóc chồng. Mở đầu vở chèo là cảnh sinh hoạt đầm ấm: vợ may vá thêu thùa, chồng đọc sách. Cử chỉ của Thị Kính âu yếm, dịu dàng: quạt cho chồng ngủ, băn khoăn khi nhìn thấy chiếc râu mọc ngược dưới cằm chồng, lấy dao định cắt bỏ….

            – Khi bị chồng hiểu lầm, gán cho tội tày đình, Thị Kính chỉ biết khóc lóc, bày tỏ sự đau khổ vì bị hàm oan, mong chồng và cha mẹ chồng hiểu cho sự tình.

            – Năm lần nàng kêu oan, càng về sau càng thống thiết.

            – Thiện Sĩ là điển hình của gã đàn ông đa nghi và nhu nhược đến mức hèn nhát, đang tâm bỏ mặc người vợ tội nghiệp cho mẹ giày vò, hành hạ.

            – Trong đoạn này Thiện Sĩ chỉ là nhân vật thừa trên sân khấu, là con rối trong tay người mẹ độc ác.

            – Gã dửng dưng đến lạnh lùng khi Thị Kính bị Sùng bà đuổi ra khỏi cửa. Tóm lại, Thiện Sĩ là kẻ vô tình, bất nghĩa.

            – Qua cử chỉ và ngôn ngữ nhân vật, người đọc thấy được tâm trạng của Thị Kính trước khi rời khỏi nhà Sùng bà: sự bơ vơ, lạc lõng, sự buồn rầu không sao kể xiết.

            – Thị Kính đi theo cha mấy bước “rồi dừng lại và thở than, quay vào nhìn từ cái kỉ đến sách, thúng khâu, rồi cầm lấy chiếc áo đang khâu dở, bóp chặt trong tay”.

            Những lời hát mang nhiều tâm trạng, nhiều ý nghĩa:

“Thương ôi! Bấy lâu sắt cầm tịnh hảo

Bỗng ai làm chăn gối lẻ loi”.

            Việc sử dụng các từ ngữ đối lập diễn tả rõ nét nhất những trạng thái đối lập nhau, “hai vợ chồng đang êm ấm – sau đó chia lìa”. Vì sự hiểu lầm, một nỗi oan ức không thể nào thanh minh giải thích, tệ nhất là người chồng của mình cũng không tin vợ trong sạch.

            – Việc Thị Kính quyết tâm “trá hình nam tử bước đi tu hành” có ý nghĩa nói lên sự bế tắc cùng cực, không lối thoát. Tìm đên cửa Phật để tu tâm tích đức, đó là cách giải thoát duy nhất của con người trong xã hội phong kiến.

            Thị Kính là nạn nhân của xã hội, chưa đủ sức để vượt lên hoàn cảnh, đầu hàng số phận và trước tư tưởng đau khổ, nhẫn nhịn của nhà Phật. Nhân vật chỉ cớ những lời oán thán, trách móc, ước muốn thụ động.

            – Đoạn trích khẳng định, phẩm chất, thông cảm với số phận của con người.

            – Người dân lao động chịu nhiều bất công nhưng không thể kêu ai, họ chỉ biết cam chịu và tự tìm cách giải thoát mình khỏi hoàn cảnh bi đát đó. Nhưng một sự thật trớ trêu, tưởng lên chùa sẽ được giải thoát, khi cải trang thành chú tiểu lại bị Thị Mầu vu oan là người khiến Thị mang thai. Thị Kính lại bị đuổi ra khỏi tam quan, một lần nữa lâm vào cảnh khổ cực.

IV/ TRÍCH YẾU TƯ LIỆU THAM KHẢO

OAN ỨC KHÔNG CẦN BIỆN BẠCH

            Có lẽ không một ai trong chúng ta không biết đến sự tích “Quan Âm Thị Kính”. Sự tích “Quan Âm Thị Kính” được lưu truyền trong dân gian từ lâu qua nghệ thuật hát chèo, cải lương, kịch ảnh, truyện thơ và gần đây nhất là truyện văn xuôi. Tích chèo “Quan Âm Thị Kính” ra đời trước, sau đó mới tới truyện thơ rồi chuyển thể qua kịch ảnh. Truyện thơ “Quan Âm Thị Kính” chưa biết đã được sáng tác vào năm nào và do ai sáng tác, chỉ biết bản in đầu tiên bằng quốc ngữ do Nguyễn Văn Vĩnh ấn hành năm 1911. Bản này gồm có 788 câu thơ lục bát và một lá thư của Kính Tâm viết cho cha mẹ. Đến năm 1997 tại hải ngoại xuất hiện bản văn xuôi do thiền sư Nhất Hạnh kể và do nhà xuất bản Lá Bối in, sau đó bản văn xuôi này được chuyển ngữ ra nhiều thứ tiếng phát hành trên thế giới.

            Nội dung tích chèo “Quan Âm Thị Kính” và truyện thơ cũng như truyện kể bằng văn xuôi “Quan Âm Thị Kính” là một. Thị Kính pháp danh Kính Tâm là một trong những hoá thân của đức Bồ Tát Quan Thế Âm. Cốt truyện được tóm lược như sau:

            Có một chàng trai xuất gia tu hành liên tiếp trong chín kiếp. Đến kiếp thứ 10 tức là kiếp cuối sẽ đắc đạo Phật quả, chàng thác sinh làm con gái nhà họ Mãng ở quận Lũng Tài. Người con gái ấy tên là Thị Kính, lớn lên tài sắc đoan trang, được cha mẹ gả cho Thiện Sĩ, một thư sinh, con nhà giàu có họ Sùng. Hai vợ chồng sống với nhau hoà thuận. Một đêm kia chàng ngồi đọc sách, nàng ngồi khâu áo bên cạnh. Chàng mệt tựa vào ghế ngủ. Nàng nhìn thấy nơi cằm chồng có râu mọc ngược; sẵn nơi tay đang cầm dao khâu, nàng toan cắt sợi râu đi. Bỗng người chồng giật mình thức dậy, tưởng vợ có ý ám hại mình bèn tri hô lên là bị vợ mình mưu sát. Nghe tiếng kêu cứu, cha mẹ chồng chạy vội đến, một mực buộc tội nàng cố ý giết chồng, rồi sai người làm mời cha nàng đến để giao trả nàng lại về nhà sống với cha mẹ ruột. Ngoài chuyện săn sóc song thân, nàng dành thì giờ nghiền ngẫm về nỗi khổ đau của cuộc đời và tính chất vô thường của vạn hữu. Nàng cảm thấy cuộc sống thoải mái hơn trước, nhưng vẫn băn khoăn về nỗi khổ của con người. Một buổi sáng kia, ý hướng xuất trần thôi thúc, nàng quyết chí lên đường đi tu cầu giải thoát. Để tránh khỏi lộ tông tích vì thời đó không có chùa ni và người nữ không được phép xuất gia, nên nàng giả dạng nam nhi, đến chùa Vân xin quy y theo Phật. Được sư cụ trụ trì nhận làm đệ tử, đặt pháp danh là Kính Tâm.

            Lòng trần tưởng đã rửa sạch do công phu tu tập mỗi ngày. Nào ngờ việc oan trái lại đến. Một cô gái trong làng tên Thị Mầu, con của một phú ông giàu có, hiện đương kén chồng, thường hay đến chùa lễ Phật. Thị Mầu thấy Kính Tâm thanh tao tuấn tú, đem lòng say mê, nhưng Kính Tâm thì vẫn thờ ơ. Trong một giây phút không tự chủ được lòng, trong nỗi say mê khao khát dục tình, cùng với nỗi tuyệt vọng và lòng tự ái bị tổn thương, Thị Mầu đã thông dâm với người tớ trai trong nhà, sau đó có thai. Chuyện đổ bể, làng biết, gọi ra tra hỏi thì Thị Mầu đổ lỗi cho Kính Tâm. Kính Tâm bị hội đồng làng bắt tra tấn, hạch hỏi nhưng Kính Tâm quyết một mực nói rằng chưa từng bao giờ phạm giới dâm dục với bất cứ ai. Động mối từ tâm, sư phụ của Kính Tâm bảo lãnh đệ tử về chùa, cho dựng một lều tranh ngoài cổng chùa để tiếp tục tu hành, nhằm tránh dư luận của dân làng phản đối.

            Thị Mầu sinh được một đứa con trai, không biết đem đi đâu, liền đem đứa bé tới bỏ trước cổng tam quan chùa. Vì tấm lòng từ bi và đức hiếu sinh, Kính Tâm ẩn nhẫn nuôi đứa hài nhi mặc cho mọi người cười chê. Khi đứa bé lên ba tuổi thì Kính Tâm viên tịch. Trước khi chết, Kính Tâm viết một bức thư để lại cho cha mẹ, trong đấy Kính Tâm kể rõ đầu đuôi mọi việc.

            Khi chùa tẩm liệm thi hài mới phát giác Kính Tâm là gái giả trai, mới khám phá ra nỗi oan ức mà Kính Tâm đã nhẫn chịu bao năm nay. Và trong lúc trà tì mọi người đều trông thấy một vầng hào quang ngũ sắc trên bầu trời và trên vầng hào quang là một toà sen nhiều cánh có hình ảnh Bồ Tát Kính Tâm.

            Câu chuyện Quan Âm Thị Kính trên cho thấy Thị Kính tức Kính Tâm đã thể hiện tấm lòng từ bi và đức tính nhẫn nhục. Thị Kính là hình ảnh của một lòng tha thứ bao la và một đức nhẫn nhục không bờ bến. Mặc dù bị tới hai nỗi oan ức rồi bị tra tấn đánh đập, nhưng Kính Tâm vẫn một lòng nhẫn chịu, không hề la lên một tiếng rằng tôi bị oan, rằng tôi là phận gái. Kính Tâm biết nếu mình nói là gái thì chắc chắn hội đồng làng sẽ ngưng tra khảo và được giải oan ngay, nhưng Kính Tâm đủ sức nhẫn chịu một cách bình thản không nổi niệm sân giận, những nghịch cảnh, những cái mà người đời thường gọi là những điều bất công và những nỗi oan ức. Kính Tâm nghĩ rằng: “Tất cả chúng sinh vì có nhân duyên tội lỗi mới xâm hại nhau. Hôm nay, ta nhận thọ mọi khổ não này, ấy bởi nhân duyên đời. trước cảm ứng nên mới vậy. Tuy đời này ta không tội lỗi, nhưng quả báo gieo đời trước đã đến mùa chín trái, ta phải trả nợ đó một cách vui vẻ. Ví dụ như có người mắc nợ của người, nay hạn kì đã mãn, chủ nợ đến đòi, kẻ ấy đương nhiên vui vẻ mà trả.” Thêm nữa, Kính Tâm nghĩ rằng: “Chúng sinh bởi mề mờ nến thuận dòng sinh tử, hễ bị ai xâm phạm là nổi niệm sân giận, hễ được ai mến thương chiều chuộng bèn vui mừng ưa thích, hễ gặp việc khủng bố thì khủng hoảng kinh hoàng. Mình thì ngược lại, đang nghịch dòng sinh tử, đang trôi ngược về nguồn, nên không thể sân giận với những điều nghịch hại, không mừng vui với những điều ái kính, không sợ hãi đối với những nguy hiểm gian lao…”.

            Kính Tâm nghĩ rằng trong suốt cuộc đời hoằng pháp của đức Từ phụ, Ngài chưa từng giận dữ, dù Ngài bị ngược đãi nặng nề hay dù các đệ tử của Ngài nhẫn tâm chống Ngài và bỏ Ngài mà đi, Ngài vẫn luôn luôn thân ái, từ bi và độ lượng. Nên quyết một lòng noi theo gương đức Từ phụ và luôn luôn nhớ lời Ngài dạy trong Kinh Lục Độ tập:

“Người đắm say vướng mắc

Thì không còn sáng suốt

Tạo khổ nhục cho mình

Nếu ta nhẫn chịu được

Thì tâm ta sẽ an

Kẻ buông lung thân tâm

Không hành trì giới luật

Vu cáo làm hại mình

Nếu ta nhẫn chịu được

Thì tâm ta sẽ an

Kẻ vô ơn dối mình

Tâm địa đầy oán thù

Tạo bất công oan ức

Nếu ta nhẫn chịu được

Thì tâm ta sẽ an”.

            Hơn nữa, Thị Kính khi quyết định xuất trần lên đường tu đạo giải thoát, đã phát nguyện bồ đề tâm, đã phát nguyện thành Phật vì lợi ích cho chúng sinh và muốn hướng dẫn chúng sinh tu đạo giải thoát. Nàng thực hiện đại nguyện ấy bằng cách thể hiện một cách thực tiễn tấm lòng tôn trọng, quý chuộng và yêu thương những kẻ khác, kể cả những người hành hạ mình, thù ghét mình và vu oan giá hoạ cho mình, những người mà Kính Tâm thấy ai cũng ngập tràn nỗi khổ đau riêng, ai cũng đang lặn ngụp trong sông mê biển ái, trong tham dục, trong hận thù và si mê. Như vậy, nỡ lòng nào lại gây thêm khổ cho họ. Cũng không khác gì người bị tai nạn gẫy tay, ta đã không chăm sóc băng bó vết thương mà lại can tâm bẻ luôn chân họ sao đành? Nếu nói rằng mình là gái, là kẻ bị oan ức, thì biết bao điều đau khổ sẽ đổ ụp xuống cho Thị Mầu với đứa con trong bụng nàng, cho người tớ trai của gia đình Thị Mầu đang phải lẩn trốn và ngay cả cha mẹ Thị Mầu nữa. Có quá nhiều người liên luỵ sẽ phải đau khổ và từ đau khổ sẽ sinh ra oán thù và cứ như thế chồng chất lên mãi. Kính Tâm vui vẻ nhẫn chịu một mình để thay cho những người kia khỏi khổ và cũng là để gỡ mối dây ràng buộc oán thù với nhau. Chỉ một nút dây được tháo gỡ là tất cả được tháo gỡ.

            Kính Tâm vẫn nhớ lời dạy của đấng Từ phụ: hận thù không thể diệt được bằng hận thù. Chỉ có lòng từ bi mới hoá giải được hận thù. Nếu không có lòng từ bi thì hận thù sẽ chồng chất từ kiếp này sang kiếp khác. Chỉ có lòng từ bi mới cởi trói được những nỗi oan ức và những khổ đau của đời mình. Quả là như vậy, trong lễ trà tì sư Kính Tâm có đông đủ mọi người trong chùa và dân trong làng tham dự, chắc không còn trái tim nào mang oán thù và chắc tâm người nào cũng rung một nhịp thương yêu và tha thứ cho nhau. Trái tim bồ tát của Kính Tâm đã đi vào trái tim mọi người từ thân đến sơ, từ thù đến bạn.

            Xin một lòng cung kính chắp tay ‘niệm: Nam Mô Quan Âm Thị Kính Bồ Tát.

___

Xem thêm:

Hướng dẫn phân tích, cảm thụ văn bản Ca Huế trên sông Hương – Hà Ánh Minh tại đây.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận