Ý nghĩa của văn chương – Hoài Thanh – Để học tốt Ngữ Văn 7

Đang tải...

Ý NGHĨA CỦA VĂN CHƯƠNG

– HOÀI THANH –

I/ GIỚI THIỆU CHUNG VỀ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM

1/ Tác giả

            – Hoài Thanh (1909 – 1982) là nhà phê bình văn học xuất sắc của Việt Nam với nhiều bài nghiên cứu có giá trị. Năm 2000 ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là “Thi nhân Việt Nam” (viết cùng với Hoài Chân) in năm 1942 đã đưa tác giả lên vị trí cao, xứng tầm một nhà phê bình lớn của nền văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX.

            – Văn phê bình của Hoài Thanh thoáng gọn và đầy ý vị: tác giả chỉ quan tâm và biết nói những điều đáng nói (GS. Hoàng Ngọc Hiến).

            – Trong số các nhà phê bình văn học của Việt Nam, Hoài Thanh đã định hình và khẳng định được phong cách phê bình rất rõ nét và đặc sắc. Chính ông có lần đã từng nói: “Chớ vội đi tìm cái gọi là phong cách. Hãy cứ nghiên cứu thật sâu, thật kĩ, gắng phát hiện những vấn đề ẩn khuất bằng cả tâm hồn và trí tuệ của mình, kì thật chín. Sau đó hãy cầm bút. Và hãy cố biểu đạt sao cho chính xác nhất, gọn nhất ý tưởng của mình. Lúc này, phong cách tự nó sẽ đến. Không phải mất công tìm kiếm gì cả. Bởi vì phong cách chính là tổng thể quá trình sáng tác đó”. Thật đúng vậy, phong cách Hoài Thanh toát lên từ toàn bộ cuộc đời và văn nghiệp của ông. Và “Con người Hoài Thanh giản dị và giàu tình như thế nào thì phong cách viết của anh như vậy” (Vũ Đức Phúc). Đó là một lối phê bình thiên về duy cảm, tinh tế, trang nhã, tài hoa nhưng cũng không kém phần sắc sảo.

2/ Văn bản

            – Bài “Ý nghĩa văn chương” được viết 1936 trích trong tập “Văn chương và hành động” của Hoài Thanh, có lần in lại đã đổi nhan đề thành “Ý nghĩa và công dụng của văn chương”. Sau này Nhà xuất bản Giáo dục Hà Nội đã đưa văn bản vào trong cuốn “Bình luận văn chương”, xuất bản năm 1998.

            – Đây là văn bản nghị luận.

II/ HƯỚNG DẪN HỌC SINH CẢM THỤ VĂN BẢN

1/ Về nội dung

            – Bài “Ý nghĩa của văn chương” mang lại cho người đọc những khám phá, những hiểu biết mới mẻ về một lĩnh vực văn hoá có từ lâu đời. “Văn chương” trong bài được hiểu theo nghĩa hẹp đó là những tác phẩm văn học bằng nghệ thuật ngôn từ, là vẻ đẹp của câu thơ và lời văn.

            – Qua văn bản, tác giả muốn khẳng định: Nguồn gốc của văn chương là tình cảm, là lòng vị tha. Văn chương là hình ảnh của sự sống muôn hình vạn trạng và sáng tạo ra sự sống, gây những tình cảm không có, luyện những tình cảm sẵn có. Đời sống con người nếu thiếu văn chương sẽ rất nghèo nàn, đơn điệu và tẻ nhạt.

2/ Về nghệ thuật

            – Văn nghị luận của Hoài Thanh có nét đặc sắc nhất về nghệ thuật, trong bài vừa có lí lẽ, vừa có cảm xúc, vừa có hình ảnh. Lí lẽ xác đáng về nguồn gốc và công dụng, giá trị nhân bản và tính nhân văn đã được làm sáng tỏ bằng lối viết nhẹ nhàng, biểu cảm, các dẫn chứng thuyết phục cao.

III/ HƯỚNG DẪN HỌC SINH PHÂN TÍCH VĂN BẢN

1/ Bố cục

            Văn bản chia làm hai phần:

            Phần 1: Từ đầu đến “… muôn loài”: Nguồn gốc cốt yếu của văn chương.

            Phần 2: Còn lại: ý nghĩa và công dụng của văn chương.

2/ Phân tích cụ thể

a/ Nguồn gốc văn chương (phần 1)

            – Mở đầu văn bản, tác giả mượn câu chuyện đời xưa như một hình thức dụ ngôn để đặt ra vấn đề nguồn gốc của văn chương: “Tiếng khóc ấy, dịp đau thương ấy chính là nguồn gốc của thi ca”. Cách vào đề như vậy phản ánh rõ nét phong cách phê bình của Hoài Thanh: rất tự nhiên, mềm mại, tinh tế và tài hoa.

            – Theo Hoài Thanh, “Nguồn gốc cốt yếu của văn chương là lòng thương người và rộng ra thương cả muôn vật, muôn loài”.

=> Đặt vấn đề rất đúng, sâu sắc vừa có lí, có tình.

            – Việc tác giả dùng hai từ “cốt yếu” đế cho người đọc thấy rõ nguồn gốc chính, quan trọng nhất nhưng chưa phải là tất cả. Để có một tác phẩm văn chương có giá trị thì cần có sự hội tụ của nhiều yếu tố cấu thành nhưng chung quy nhất là nhờ văn chương để con người biết yêu cái đẹp và yêu con người.

            – Nguồn gốc “cốt yếu” có nghĩa là nới bắt nguồn, là yếu tố để hình thành tác phẩm văn chương. Theo Hoài Thanh, nguồn gốc chính của văn chương chính là lòng “thương người” và “muôn vật muôn loài”. Câu văn đã khẳng định rằng: Văn chương bắt nguồn từ lòng nhân ái. Tất cả mọi vật đều có nguyên nhân nguồn gốc của riêng nó. Và sự thật ấy đã được chứng minh qua  nhiều tác phẩm văn chương của các thời đại từ xưa và nay. Nhận định của Hoài Thanh đã đi đến khám phá bản chất giá trị của văn chương chính là tình cảm, điều này trước đây đã có rất nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình khẳng định bằng những cách khác nhau trực tiếp hay gián tiếp: Lê Quý Đôn nói: “Hãy xúc động hồn thơ cho ngòi bút có thần”, Muytxe lại có câu: “Hãy đập vào tim anh thiên tài là ở đó”…

b/ Ý nghĩa và công dụng của văn chương (phần 2)

            – Đoạn tiếp theo của văn bản, tác giả trình bày khá gọn gàng, khúc chiết về ý nghĩa và công dụng của văn chương.

            – “Văn chương sẽ là hình dung của sự sống muôn hình vạn trạng. Chẳng những thế, văn chương còn sáng tạo ra sự sống”. Câu văn này khái quát hai ý nghĩa và công dụng cơ bản của văn chương:

            + Văn chương là hình dung của sự sống.

            + Văn chương còn sáng tạo ra sự sống.

            – Trước hết, văn chương là hình dung của sự sống: Câu này đề cập đến khả năng phản ánh hiện thực của văn chương thông qua chất liệu ngôn từ. Tác phẩm văn học chính là sự phản ánh thế giới muôn hình vạn trạng bên ngoài thông qua hình tượng văn học cụ thể, sinh động và cảm tính. Thông qua những hình tượng như là máu thịt và linh hồn của tác phẩm, người đọc có thể hình dung ra cuộc sống với đầy đủ hình vẻ, màu sắc cùng với những con người có số phận, tính cách khác nhau. Đọc bài thơ “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan, thiên nhiên chiều tà nơi chia cắt hai miền Đàng trong – Đàng ngoài, như sống dậy, sinh động trước mắt với cỏ cây, đá, lá, với những bóng ngư tiều thấp thoáng:

Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà

Cỏ cây chen đá, lá chen hoa

Lom khom dưởi núi, tiều vài chú

Lác đác bên sông chợ mấy nhà…

            – Văn chương phản ánh cuộc sống muôn hình vạn trạng, phản ánh hiện thực khách quan thông qua cái nhìn chủ quan của nhà văn. Do vậy Hoài Thanh nói: Văn chương không chỉ là hình dung của sự sống mà còn sáng tạo ra sự sống. Dấu ấn tình cảm của nhà văn, tư tưởng của nhà văn in đậm trong tác phẩm văn chương, do vậy, cuộc sống như được sáng tạo lại qua con mắt của nhà văn và lại tiếp tục được làm giàu thêm, phong phú thêm qua những cảm nhận, tưởng tượng của người đọc.

            – Vậy thì, hoặc hình dung sự sống, hoặc sáng tạo ra sự sống, nguồn gốc của văn chương đều là tình cảm, là lòng vị tha. Và vì thế, công dụng của văn chương cũng là giúp cho tình cảm và gợi lòng vị tha.

            => Ta có thể hiểu nhận định ấy như sau: văn chương phản ánh đời sống thậm chí sáng tạo ra đời sống làm cho đời sống trở nên tốt hơn, đẹp hơn. Và sự sáng tạo ấy bắt đầu từ cảm xúc yêu tha thiết rộng lớn của nhà văn. Đến lượt nó, tác phẩm văn chương lại làm giàu thêm vốn sống, làm giàu thêm tâm hồn người đọc, mở thêm rất nhiều cánh cửa đến với thế giới. Đúng như một nhà phê bình đã nói “từ máu chảy ra là máu, từ trái tim sẽ đi đèn trái tim”. Văn chương có nguồn gốc từ tình cảm sẽ giúp cho tình cảm và gợi lòng vị tha.

            – Công dụng của văn chương là giúp cho “tình cảm” và gợi lòng “vị tha”. Một tác phẩm có giá trị phải gây cho người đọc những dư vị cảm xúc trong tâm hồn, có thể vui, mừng, buồn, giận… “Một người hằng ngày chỉ cặm cụi lo lắng vì mình, thề mà khi xem truyện hay ngâm thơ có thể vui, buồn, mừng, giận cùng những người ở đâu đâu, vì những chuyện ở đâu đâu, há chẳng phải là chứng cớ cho cái mãnh lực lạ lùng của văn chương hay sao?”.

            – Văn chương có thể giáo dục cho con người biết yêu quý những gì gần gũi thân thương nhất như quê hương, gia đình, làng xóm. Văn chương cho ta sự cảm thông sâu sắc tới những người có số phận bất hạnh, những người kém may mắn. Lòng vị tha đồng cảm với những người tốt, người cùng chí hướng, những người dân lao động một nắng hai sương. Nhờ văn chương mà tâm hồn con người được bồi đắp thêm ý chí quyết tâm học tập, rèn luyện, lao động, sáng tạo, ước mơ vươn tới tương lai tốt đẹp phía trước. Nói: “Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm ta sẵn có; cuộc đời phù phiếm và chật hẹp của cá nhân vì văn chương mà trở nên thâm trầm và rộng rãi đến trăm nghìn lần” chính là như vậy.

            => Văn chương khơi dậy những trạng thái xúc cảm cao thượng của con người.

            => Văn chương rèn luyện, mở rộng thế giới tình cảm của con người.

            – Có kể nói từ khi các thi sĩ ca tụng cảnh núi non, hoa cỏ, núi non, hoa cỏ trông mới đẹp; từ khi có người lấy tiếng chim kêu, tiếng suối chảy làm đề ngâm vịnh, tiếng chim, tiếng suối nghe mới hay.

            => Văn chương làm đẹp và hay những thứ bình thường, nói cách khác, văn chương đem khoái cảm thẩm mĩ cho người đọc.

            – Nếu trong pho lịch sử loài người xóa các thi nhân, văn nhân và đồng thời trong tâm linh loài người xóa hết những dấu vết họ còn lưu lại thì cái cảnh tượng nghèo nàn sẽ đến bực nào!

            – Văn chương làm giàu tình cảm con người.

            – Văn chương làm đẹp, làm giàu cho cuộc sống.

            => Các thi nhân, văn nhân làm giàu sang cho lịch sử nhân loại, không phải cái giàu sang về vật chất mà chính là sự giàu có, phong phú về đời sống tinh thần.

            – Bài văn của Hoài Thanh là một tác phẩm nghị luận xuất sắc với lối nghị luận hết sức hàm súc, chặt chẽ, giàu cảm xúc và hình ảnh, bài được viết đến nay đã hơn 60 năm nhưng vẫn còn nguyên giá trị.

IV/ TRÍCH YẾU TƯ LIỆU THAM KHẢO

TRĂM NĂM NHÌN LẠI HOÀI THANH:

GIẢI NỖI OAN VÀ ỨC

            Ngày 09 – 7 – 2009, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Lễ kỉ niệm 100 năm sinh nhà phê bình Hoài Thanh (1909 – 1982). Đây là dịp để chúng ta tiếp tục khẳng định tầm vóc, thân thế và sự nghiệp lớn lao của ông trong nền văn học Việt Nam.

            Hoài Thanh tên thật là Nguyễn Đức Nguyên, sinh ngày 15-7 – 1909 tại xã Nghi Trung, huvện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Với nhiều công hiến to lớn của mình cho văn học Việt Nam, năm 2000, nhà văn Hoài Thanh đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

            1/ Mười năm Thơ mới là cả một thời đại. Thời đại của sự giải phóng tình cảm cá nhân, của sự tự do nảy nở cá tính sáng tạo.

            Tác giả “Thi nhân Việt Nam” đã viết một cách sảng khoái, tự tin: “Tôi quyết rằng trong lịch sử thi ca Việt Nam chưa bao giờ có một thời đại phong phú như thời đại này. Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thống, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị như Chế Lan Viên… và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu. Từ người này sang người khác sự cách biệt rõ ràng. Cá tính con người bị kiềm chế trong bao nhiêu lâu bỗng được giải phóng. Sự giải phóng có thể tai hại ở chỗ khác, ở đây nó chỉ làm giàu cho thi ca. Cái sức mạnh súc tích từ mấy ngàn năm nhất đán tung bờ vỡ đê. Cảnh tượng thực là hỗn độn”.

            Hoài Thanh (cùng với người em là Hoài Chân) thực đã hồn nhiên và táo bạo khi tự đứng ra làm tuyển “Thi nhân Việt Nam”. Nhưng ngẫm kĩ thấy đó cũng là điều tự nhiên. Nhà phê bình tuổi trẻ ngang như các nhà Thơ mới cùng lứa. Các nhà thơ có tài làm thơ, còn nhà phê bình thơ có tài thẩm thơ. Họ đồng điệu tâm trạng và cảm xúc trong thời họ sống. Họ đầy nhiệt tình và tự tin trong thơ ca. Và họ được sáng tạo như để sống và để chết. Bởi đó mới có “Thi nhân Việt Nam” như một tổng kết của phong trào Thơ mới, như một tuyển tập những bài thơ hay, như một đài thư tôn vinh những người thơ tài năng.

            Nói tới Thơ mới không thể không kể tới Hoài Thanh và công trình để đời này của ông bên cạnh các thi nhân lừng danh với các thi phẩm nổi tiếng của họ. Thử hỏi, ở xứ ta văn học hiện đại đã có một tuyển thơ nào có một giá trị chứng nhận lớn lao như vậy chưa? Giới thiệu một tác giả thư chỉ cần một dòng đề trong tiếểu sử: “Có tên trong Thi nhân Việt Nam”, thế là đủ tăng thêm vinh dự cho tác giả và tăng độ tin thư cho độc giả.

            Không phải Hoài Thanh đã tuyển chọn mười phân vẹn mười được cả. Không phải những người khác không có tên trong tập tuyển là đều không đáng chú ý. Nhưng cứ “Có tên trong Thi nhân Việt Nam” là như một bảo đảm chắc chắn rồi. Cho mãi đến sau này, khi gợi nhớ lại nữ sĩ Ngân Giang bị lãng quên trên thi đàn, một nhà ngôn ngữ học có tiếng đã phải ngậm ngùi cho nữ sĩ là “nổi tiếng từ 1930 – 1945 mà “Thi nhân Việt Nam” không kịp nhắc đến”. Được đảm bảo bằng “Thi nhân Việt Nam”, đời một nhà phê bình còn gì sung sướng và tự hào hơn thế nữa.

            Mới hay phê bình rất cần tự do. Tự do lựa chọn cái mình thích theo chuẩn của mình. Tự do khen chê thưởng thức, bình giá theo ý mình, theo năng lực và năng lượng cảm xúc của mình. Tự do chịu trách nhiệm sự thẩm bình và đánh giá của mình. Hoài Thanh không bị ràng buộc gì khi làm “Thi nhân Việt Nam” ngoài hai điều ông tự ràng buộc mình: “Khi xem thơ chỉ biết có thơ” và “Giữ lòng ngay thẳng, ít nhất là trong văn chương”.

            Sau này nhà phê bình về già cũng có lúc có ý định làm một tuyển “Thi nhân Việt Nam mới”. Nhưng ông lấy làm buồn vì bận nhiều công việc mà đã không thực hiện được ý định. Song, nếu ông có bắt tay vào làm thì chắc cũng vất vả, khó nhọc lắm, phần vì thực trạng thơ ca đã khác, phần vì nhiều hệ lụy sẽ níu kéo ông, khi đó hai điều ông tự ràng buộc mình sẽ có cơ bị nới lỏng hoặc đứt mất.

            2/ Sinh thời, tôi nghĩ, ông có một nỗi oan và một nỗi ức. Nỗi ức là từ năm 1935 khi ông cho rằng “văn chương là văn chương”, viết văn phải có phẩm tính văn, những sự tải đạo trong văn cũng là cần, nhưng nếu người viết văn chỉ thế thôi thì chỉ mới là người cầm bút, chưa phải nhà văn, chỉ vì thế mà ông bị cáo buộc là theo phái “nghệ thuật vị nghệ thuật”, là đứng về giai cấp phú hào, đi ngược lại quyền lợi của nhân dân lao động. Ông quyết không chịu bị quàng vào mình cái tiếng ấy, và cực lực phản đối.

            Dịp kỉ niệm 100 năm ngày sinh của ông hôm nay, đọc lại tập những bài viết của Hoài Thanh trên báo Tràng An những năm 1935 – 1936 mới được sưu tập, in ra, độc giả sẽ thấy ông hoàn toàn là nhà văn vị nhân sinh nhưng vẫn rất bảo vệ chất văn, chất nghệ thuật của văn chương, cái mà thiếu đi thì văn chương không còn là văn chương nữa. Nỗi ức này còn để lụy cho ông nỗi oan cuối đời. Nỗi oan trong câu thơ vẽ chân dung ông: “Vị nghệ thuật nửa cuộc đời/ Nửa đời sau lại vị người ngồi trên” của Xuân Sách. Thực hư chuyện này chỉ cần mở ra đọc lại các bài ông bình thơ của các nhà thơ từng ở những vị trí lãnh đạo thời ông sống sẽ có câu trả lời thỏa đáng. “Khi xem thơ tôi chỉ biết có thơ” đó là điều “thiên lương” mà tôi chắc ông đã cố giữ gìn, nâng niu.

            Tưởng nhớ ông 100 năm ngày sinh, thiết thực nhất là ta nghe lại những lời ông nói năm 1935 trên báo Tràng An để chấm dứt cuộc biện luận đã khiến ông mang nỗi ức mãi về sau: “Mục đích của tôi, trong cuộc biện luận này, không có gì khác hơn là yêu cầu cho nhà văn được hưởng một tí tự do (…) Ngoài bao nhiêu sự ràng buộc của tự nhiên, của pháp luật, tôi không muốn thêm một sự ràng buộc của dư luận nữa. Tài là vật quý, quý nhất trong đời này. Làm sao người ta lại nỡ lấy những phép tắc, những khuôn sáo, những sự ngu muội giữa đời mà kiềm thúc, mà hạn chế cái tài là vật bản tính ở trên hết mọi phép tắc, mọi khuôn sáo?”.

Theo Nguyễn Xuân Nguyên – Thể thao & Văn hóa

VAI TRÒ CỦA TÌNH CẢM TRONG VĂN CHƯƠNG

            Người ta đã nói nhiều và sẽ còn nói nữa, nói mãi về vai trò của văn chương đối với con người và cuộc sống. Nhà thơ Chế Lan Viên từng viết:

Trải đất rộng thềm ra một phần bởi các trang thơ

Vì diện tích tâm hồn các nhà thi sĩ.

(Sổ tay thơ)

            Văn chương quả là món ăn tinh thần thiết yếu, thường xuyên của con người trong xã hội. Thưởng thức văn chương là hoạt động hằng ngày của hàng triệu, hàng triệu con người thuộc các lứa tuổi, các dân tộc, các tầng lớp khác nhau trên hành tinh chúng ta. Có thể kể ra muôn vàn minh chứng cho điều này. Chẳng hạn ảnh hưởng của Đích-ken đối với dân tộc Anh cuối thế kỉ XIX. “Trong khi ấy – Xtê-phan Xvai-gơ kể lại – họ (những người sùng bái Đích-ken) không thể bắt mình chờ ở nhà trong ngày bưu phẩm tới, cho đến khi lại có cuốn sách nhỏ màu xanh, mới xuất bản. Suốt cả tháng họ thèm thuồng ước mơ về cuốn sách đó, kiên trì, hi vọng, tranh cãi… Và thế là cuối cùng đành chờ đợi người đưa thư đi xe ngựa tới và sẽ giải tất cả những câu đố thú vị ấy. Năm này qua năm khác trong cái ngày long trọng đó những người già và người trẻ đi bộ hàng dặm để đón người đưa thư chỉ cốt nhận được cuốn sách sớm hơn. Ngay trên đường về họ bắt đầu đọc, liếc nhìn nhau qua vai, họ đọc to lên, và chỉ có những người tử tế nhất mới chạy ba chân bốn cẳng về nhà để chia sẻ với vợ con những điều mình vừa tìm được… Khi Đích-ken quyết định phát biểu công khai với tư cách là người đọc và lần đầu tiên mặt đối mặt với độc giả của mình, nước Anh tựa như say rượu. Các phòng đều bị đột kích chật ních; những người hâm mộ thú vị leo trèo lên các cột, chui cả dưới bục của sân khấu cốt chỉ được nghe nhà văn yêu mến”. Đây là chuyện xảy ra với người lớn, còn đối với trẻ em? Nhà văn Liên Xô trước đây Cooc-nây Tru-côp-xki có kể một câu chuyện thật xảy ra với ông ở Alupka vào năm 1929: “Bọn trẻ đang mệt nhoài vì nóng bức. Chúng la hét inh ỏi. Một phụ nữ vụng về cứ quang quác mắng chúng, nhưng chẳng làm sao chúng im tiếng cho. Tôi vừa ở xa đến. Muốn các em vui lên, tôi bèn đem truyện “Muynkhaoden” ra đọc cho các em nghe. Chỉ sau hai phút đồng hồ bọn trẻ kêu lên vì sung sướng. Nghe tiếng reo mừng rỡ của chúng, lần đầu tiên tôi thật sự hiểu rằng cuốn truyện vui này đối với các em chín tuổi là món quà ngon miệng như thế nào và cuộc sống của trẻ thơ sẽ mờ đục biết bao nếu như không có cuốn sách nói trên. Với lòng biết ơn vô cùng trìu mến đối với tác giả cuốn sách, giữa tiếng cười vang của bọn trẻ, tôi đọc cho chúng nghe nào là cái rìu bay vút lên cung trăng, nào là những cuộc phiêu lưu lên chín tầng mây, nào là chân ngựa cắt rời ra mà người ta chăn nuôi trên cung trăng. Và khi tôi ngừng đọc một phút bọn trẻ lại nhao nhao “Đọc tiếp đi, chú!”

            Có thể xem đó là những dẫn chứng tiêu biểu xác nhận vị trí của văn chương trong đời sống con người. Chính tính truyền cảm, và gắn bó với nó là tính hình tượng làm nên ưu thế đặc biệt của văn chương nhất là khi nhân loại đang bị đe doạ bởi xu hướng kĩ trị như hiện nay.

            Trong kho tàng ca dao Viêt Nam có nhiều viên ngọc lung linh ánh sáng. Một trong những viên ngọc ấy là bài ca dao bình dị viết về bông sen bình dị:

Trong đầm gì đẹp bằng sen,

Lá xanh, bông trắng, lại chen nhị vàng.

Nhị vàng, bông trắng, lá xanh,

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

            Câu đầu là một lời khẳng định dứt khoát, không một chút đắn đo: “Trong đầm gì đẹp bằng sen”. Người đời vốn thông minh và khó tính lắm, không dễ tìm được sự thừa nhận rộng rãi nếu không có sức thuyết phục. Bằng lí lẽ sắc bén và thực tế hùng hồn, cố nhiên. Và dân gian đã đưa ra những bằng cớ. Trước hết là bằng cớ bên ngoài. Này nhé:

Lá xanh, bông trắng, lại chen nhị vàng.

            Có màu sắc, lại có cả hương thơm. Riêng màu sắc mới hài hòa làm sao! Chúng nằm cạnh nhau, tôn nhau lên để cho mọi yếu tố đều có sức cuốn hút đến ngỡ ngàng! Đủ chưa? vẫn chưa đủ! Nếu câu thứ hai đi từ ngoài vào trong, từ “lá xanh”, “bông trắng”, tới “nhị vàng” thì câu thơ thứ ba lại đi từ trong ra ngoài:

Nhị vàng, bông trắng, lá xanh.

            Ôi, kĩ càng và thận trọng làm sao! Khó tính đến thế làm sao những người khó tính ở đời không tin cho được. Khi vẻ đẹp hình thức đã hoàn toàn thuyết phục thì vẻ đẹp phẩm chất đột nhiên phát lộ ra bên ngoài ngời ngợi:

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

            Bông sen đẹp cả sắc hương lẫn sự tinh khiết, cả vẻ đẹp bên ngoài lẫn phẩm chất bên trong. Đó chính là vẻ đẹp bình dị của người nông dân chân lấm tay bùn đã làm nên bao giá trị trên đời trong đó có cả những câu ca dao sáng ngời kia đó. Chỉ cần đọc một lần trong đời những tác phẩm như vậy ta rung động và nhớ mãi. Nói về sức sống bất diệt của những tác phẩm văn chương đã chinh phục trái tim và khối óc của hàng triệu người đọc, thi hào Anh Bai-rơn đã viết: “Lạ lùng thay! Vài câu nói không to lên thành tiếng mà viết ra lại có thể trở thành một mắt xích bền lâu trong chuỗi dài năm tháng. Thời gian, sẽ thu nhỏ con người mảnh khảnh lại trong một phân tấc mỏng manh, ấy vậy mà một mẩu giấy con, một tí xíu thôi, như mẩu giấy này chẳng hạn, lại sống dai hơn con người, lâu hơn cả nấm mồ con người, lâu hơn bất cứ cái gì thuộc về con người”.

            Những tác phẩm lớn như thế góp phần làm cho con người phát triển toàn diện mà trước hết là có sự hài hòa giữa lí trí và tình cảm, nhận thức và cảm xúc. Không phải vô cớ câu nói của văn hào Đôx-tôi-ep-xki “Cái đẹp cứu rỗi thế giới” đặc biệt vang lên trong thời đại chúng ta, khi nhân loại đang bước vào ngưỡng cửa của thiên niên kỉ mới. Quả thật, khi con người không biết rung động trước cái đẹp yếu ớt, cái đẹp mong manh liệu thế giới của chúng ta rồi sẽ ra sao đây! Có lần, tại diễn đàn hội nghị chuyên đề về thơ Á – Phi tổ chức tại Ê-rê-van (Liên Xô trước đây) vào năm 1973, nhà thơ Chế Lan Viên đã vẽ lên một thế giới không có thi ca: “Các bạn hãy tưởng tượng một thế giới không có lộc non cây xanh; tiếng cười, của trẻ con và của suối, không có tiếng hót của loài chim và mùi hương của các loài hoa, ở xứ sở ấy, những dãy núi khi người ta cất lên lời không có tiếng vang đáp lại… Không, không ai vì thế mà chết cả, trong xứ sở ấy. Người ta vẫn tiếp tục sống – đúng hơn – tiếp tục tồn tại như thường. Chỉ có điều trong xứ sở ấy, những đôi trai gái chẳng hôn nhau mà cũng chẳng hôn hoa. Và không bao giờ người ta nhỏ lệ trước máu đổ ra của đồng loại. Người di chuyển như đồ vật. Và con số, và tín hiệu và mật mã là tất cả ngôn ngữ ở xứ ấy.”

            Trái tim sắt đá, trí tuệ lạnh lùng đó chính là tai họa khủng khiếp cho nhân loại. Tình cảm, trong đó có tình cảm thẩm mĩ, tình cảm văn chương có ý nghĩa vô cùng đặc biệt và lâu dài. V.L. Lê-nin từng khẳng định: “Đã, đang và sẽ không bao giờ có thể có sự tìm tòi chân lí của nhân loại nếu không có cảm xúc của con người” – Xêtrênôp cũng chỉ rõ sức mạnh của cảm xúc khi chơ rằng: “Chúng ta không hề biết một thứ ý chí lạnh lùng bất định nào”, ở một góc độ khác có thể nhấn mạnh đến tính tích cực xã hội của tình cảm. Động lực của cảm xúc trong việc thúc đẩy hành động được biểu hiện sinh động và đầy sức thuyết phục qua ý tưởng của bài thơ: “Con hỏi cha” của Chế Lan Viên. Bài thơ được cấu tứ bằng hệ thống những câu hỏi hồn nhiên của đứa con với người cha theo sự tăng tiến của mức độ vấn đề và cường độ cảm xúc.

            Con hỏi cha: “Bom có giết chết mèo?”

            Mèo, chó… những con vật vốn thân thuộc với cuộc sống hằng ngày của trẻ thơ nên lòng người cha sao có thể dửng dưng! Tuy trái tim người cha mới khẽ rung lên. Người cha còn đủ điềm tĩnh để nhắc nhở đứa con:

            “Có!” Khi xuống hầm, con hãy nhớ mang theo.

            Câu thứ hai của người con:

            Con lại hỏi: Bom có giết thỏ cao su và ngựa gỗ?”

            Mèo, chó đã gần gũi với con trẻ nhưng đồ chơi, những thỏ cao su và ngựa gỗ gần gũi với con trẻ hơn. Phản ứng tình cảm của người cha ra sao? Im lặng. Một sự im lặng chất chứa yêu thương và căm thù. Người cha không trả lời. Nhà thơ buông ra một lời cảm thán:

            Ôi! Đồ chơi trẻ bao lần hoen máu đỏ!

            Đó là câu hỏi thứ hai. Câu hỏi thứ ba là gì đây?

            Con hỏi cha: Bom có giết mẹ không?”.

            Hiển nhiên là câu hỏi ở tầm mức mới, cao hơn hẳn hai câu hỏi đầu tiên, vì có đứa trẻ nào trong đời lại không thương mẹ – người đã đứt ruột đẻ ra mình, ấp iu, chăm sóc mình ngay từ tấm bé. Và hẳn nhiên sự bộc lộ cảm xúc ở người cha cũng phải ở một cường độ mới:

            “Không”. Và cha ôm con, nước mắt lưng tròng!

            Không thể im lặng thêm một lần nữa (Người con sao chịu nổi!) nhưng câu trả lời lại không đúng sự thật. Không, bom không thể giết mẹ – người trần mắt thịt – đâu! Sao đứa con có thể chấp nhận, vì lẽ đứa con sẽ không chịu nổi. Ôi, trái tim trẻ thơ, non dại dường kia! Tuy hành động   sau đó của người cha lại nói một điều ngược lại. Không, bằng cảm tính, đứa con sẽ cảm được, đúng hơn là sẽ cảm hiểu được cái điều mà người cha đang bị nỗi đau giằng xé kia hành hạ – người cha ấy không thể nói ra bằng lời. Đứa con chắc không chịu nổi! Từ đây, nhà thơ chủ động đẩy đến đỉnh điểm:

            Con lại hỏi: Bom có thể giết chết con không đấy?”

            Câu hỏi như kéo dài ra, nhức nhối, thật đột ngột mà cũng rất hợp quy luật. Câu kết như là sự phát triển tự nhiên của mạch thơ:

Đừng có hỏi, con ơi, đừng có hỏi

Để ngày mai cha ra trận cho con.

            Câu thơ đóng lại, nhưng suy tưởng của người đọc được mở ra. Rồi chân lí giản đơn hiện lên rõ mồn một: Phải có tình cảm, tình cảm ở mức cao, mức sâu, con người mới có thể hành động để cải tạo thế giới này.

Nhà văn Phạm Quang Trung

___

Xem thêm:

Hướng dẫn phân tích, cảm thụ văn bản Đức tính giản dị của Bác Hồ – Phạm Văn Đồng tại đây.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận