Đức tính giản dị của Bác Hồ – Phạm Văn Đồng – Để học tốt Ngữ Văn 7

Đang tải...

ĐỨC TÍNH GIẢN DỊ CỦA BÁC HỒ

– PHẠM VĂN ĐỒNG –

I/ GIỚI THIỆU CHUNG VỀ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM

1/ Tác giả

            – Phạm Văn Đồng (1906 – 2000) là nhà cách mạng nổi tiếng và nhà văn hóa lớn của Việt Nam, quê ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

            – Ông tham gia cách mạng từ năm 1925, đã giữ nhiều cương vị quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam, từng là Thủ tướng Chính phủ trên ba mươi năm.

            – Ông là học trò và người cộng sự gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

            – Ông có nhiều công trình, bài nói và viết về văn hóa, văn nghệ, về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các danh nhân văn hóa của dân tộc. Những tác phẩm của Phạm Văn Đông lòi cuốn người đọc bằng tư tưởng sâu sắc và giản dị, tình cảm sôi nổi, lời văn trong sáng, hấp dẫn.

2/ Tác phẩm

            – Ngày 19 – 5 – 1970 nhân buổi lễ kỉ niệm 80 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đọc diễn văn với nhan đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh hoa và khí phách của dân tộc, lương tâm của thời đại”. Văn bản “Đức tính giản dị của Bác Hồ” được trích từ bài diễn văn ấy, tên bài do người biên soạn đặt.

            – Văn bản cho thấy, đức tính giản dị là một phẩm chất nổi bật trong lối sống, trong sinh hoạt, trong quan hệ với mọi người, trong công việc và cả trong lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

II/ HƯỚNG DẪN HỌC SINH CẢM THỤ VĂN BẢN

1/ Về nội dung

            – Dựa trên vốn hiểu biết sâu sắc và tình cảm yêu mến, kính phục chân thành đối với lãnh tụ cách mạng tài ba, qua bài văn tác giả đã khẳng định giản dị là đức tính nổi bật của Hồ Chủ tịch: giản dị trong đời sống, trong quan hệ với mọi người, trong lời nói và bài viết. Ở Bác, sự giản dị hòa hợp với đời sống tinh thần phong phú, với tư tưởng và tình cảm cao đẹp.

            – Qua vãn bản, tác giả đã nâng cao lòng kính yêu và biết ơn Bác Hồ trong tâm hồn chúng ta. Tác phẩm đã nêu bật và làm sáng tỏ một cách thuyết phục đức tính giản dị của Bác Hồ như là một biểu hiện cụ thể những phẩm chất cao quý của người chiến sĩ cách mạng.

2/ Về nghệ thuật

            – Văn bản này là một bài văn nghị luận hỗn hợp, tác giả kết hợp một cách chặt chẽ ba thao tác giải thích, chứng minh, bình luận về “Đức tính giản dị của Bác Hồ”, làm rõ ý nghĩa giá trị của đức tính giản dị trong con người Bác đáng để mọi người học tập.

            – Bài văn có lập luận hết sức chặt chẽ với việc sử dụng dẫn chứng rõ ràng, mạch lạc, cách sắp xếp’trình bày lí lẽ, dẫn chứng khúc chiết, sáng tỏ.

            – Giọng văn sôi nổi, tâm huyết, trang trọng, tự hào.

III/ HƯỚNG DẪN HỌC SINH PHÂN TÍCH VĂN BẢN

1/ Bố cục

            * Trình tự lập luận của tác giả trong bài rất phù hợp với đoạn trích. Nếu theo tiêu chí để cấu thành bài văn thì phải đầy đủ các thành phần mở bài, thân bài, kết bài. Nhưng đây là một đoạn trích nên không có đầy đủ các thành phần như trong bố cục thông thường của bài văn nghị luận.

            – Mở bài: (Hai đoạn đầu) Tác giả nói đến sự nhất quán giữa cuộc đời cách mạng và lối sống thanh bạch, giản dị của Bác.

            – Thân bài:

            Đoạn 3: Lối sống giản dị của Bác biểu hiện cụ thể trong sinh hoạt, trong cách sống, trong việc làm.

            Đoạn 4: Bình luận về đời sống của Hồ Chủ tịch.

            Đoạn 5: Giải thích và bình luận về cách nói và cách viết của Bác Hồ.

2/ Phân tích cụ thể

a/ Hai đoạn đầu

            – Luận điểm chính của toàn bài được thể hiện rõ nhất ở đoạn mở đầu, nêu rõ đối tượng và đề tài nghị luận, cụ thể như sau:

            – “Đức tính giản dị của Bác Hồ”.

             – Tác giả khẳng định: “Sự nhất quán giữa đời hoạt động chính trị lay trời chuyển đất với đời sống bình thường vô cùng giản dị và khiêm tốn của Hồ Chủ tịch”.

            – Phần đầu bài văn cho thấy một giọng văn sôi nổi, trang trọng, ngôn ngữ đĩnh đạc, biểu cảm: “điều rất quan trọng”, “đời hoạt động chính trị lay trời chuyển đất”, “vô cùng giản dị và khiêm tốn”…

            – Viết về đức tính giản dị của Bác Hồ, tác giả không giấu giếm sự ngợi ca, khâm phục qua hàng loạt các mĩ từ: trong sáng, thanh bạch, tuyệt đẹp… rất lạ lùng, rất kì diệu.

b/ Đoạn văn thứ ba

            – Để làm rõ đức tính giản dị của Bác Hồ tác giả dã đưa ra những lí lẽ chặt chẽ và dẫn chứng chính xác, cụ thể để chứng minh những phương diện sau:

            + Bữa ăn hằng ngày: “Bữa cơm chỉ có vài ba món rất giản đơn, lúc ăn Bác không để rơi vãi một hột cơm, ăn xong, cái bát bao giờ cũng sạch và thức ăn còn lại thì được sắp xếp tươm tất”. Tác giả đã nêu lên bốn chi tiết rất cụ thể để chứng minh. Phạm Văn Đồng đã là người cộng sự trung thành của Bác trong một thời gian dài: lúc ở Quảng Châu, khi sang Vân Nam, trong những năm dài kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, ông cũng sống và làm việc cùng Bác. Sự miêu tả về bữa ăn hằng ngày của Bác trên cơ sở những quan sát thực tế của tác giả và ông bình luận: “Ở việc làm nhỏ đó, chúng ta càng thấy Bác quý trọng biết bao kết quả sản xuất của con người và kính trọng như thế nào người phục vụ”.

            + Căn nhà ở của Bác: “Cái nhà sàn của Bác vẻn vẹn chỉ có vài ba phòng,… cái nhà nhỏ đó luôn luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn”. Tác giả lập luận tương phản giữa tâm hồn “lộng gió thời đại” của Bác với căn nhà giản dị, đơn sơ. Ông cũng bình, luận và ca ngợi cách ở giản dị của Bác: thanh bạch và tao nhã biết bao!

            + Cách làm việc của Bác cũng rất giản dị: “Bác suốt đời làm việc, suốt ngày làm việc, từ việc rất lớn… đến việc rất nhỏ”. Phong cách làm việc ấy của Bác thể hiện một tinh thần xả thân, bền bỉ, cần mẫn và giản dị. Tác giả nêu lên bốn việc rất nhỏ Bác thường làm để ca ngợi đức tính giản dị của Bác: trồng cây trong vườn, viết một bức thư cho một đồng chí, nói chuyện với các cháu miền Nam, đi thăm nhà tập thể của công nhân. Là chủ tịch nước nhưng “việc gì Bác tự làm được thì không cần người giúp”…

            – Đây là đoạn văn người đọc thấy được nghệ thuật chứng minh rất tài tình của tác giả. Bằng việc đưa ra hệ thông các luận cứ một cách toàn diện: từ bữa ăn, nhà ở, việc làm,…

            – Những chứng cứ ở đoạn này rất giàu sức thuyết phục bởi vì đó là sự thật mà tác giả chắc chắn là đúng. Đặc biệt khi viết bài này tác giả đã ở cùng với Bác một thời gian dài, sống cuộc sống gần gũi và thân thuộc.

c/ Đoạn văn thứ tư

            – Tác giả bình luận về đời sống giản dị của Bác đồng thời cắt nghĩa cội nguồn và bản chất đức tính giản dị của Bác.

            – Cách sống của Bác không phải là “sống khắc khổ theo lối nhà tu hành, thanh tao theo kiểu nhà hiền triết ẩn dật”. Đời sống giản dị của Bác là sự hòa hợp tuyệt đẹp với nhân dân cần lao, bởi vì Người đã sống “sôi nổi, phong phú đời sống và cuộc đấu tranh gian khổ và ác liệt của quần chúng nhân dân”. Hòa hợp giữa “đời sống vật chất giản dị” với “đời sống tâm hồn phong phú”, với “những tư tưởng, tình cảm, những giá trị tinh thần cao đẹp nhất”. Hai mặt đối lập và thống nhất ấy “là đời sống thực sự văn mình”, “một gương sáng” mà Bác Hồ đã nêu lên trong thế giới ngày nay.

            – Cách lập luận của tác giả rất chặt chẽ, lời bình luận rất sắc sảo và chính xác.

d/ Đoạn văn thứ năm

            – Tác giả đã giải thích và bình luận về cách nói và cách viết giản dị của Bác Hồ. Người thường đưa ra những lời lẽ, những chân lí rất gần gũi với đời sống hằng ngày để quần chúng nhân dân có thể hiểu dễ dàng.

            – Để chứng minh cho sự giản dị trong lời nói và bài viết, tác giả đã dẫn ra những câu nói nổi tiếng của Bác như: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một,…”. Đó là những câu nói cô đọng, hàm súc về nội dung, ý nghĩa và ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thuộc.

            – Lời bình luận: “Những chân lí giản dị mà sâu sắc đó… chủ nghĩa anh hùng cách mạng” đã đề cao sức mạnh phi thường của những chân lí mà Bác nêu ra dưới hình thức những câu nói tự nhiên, mộc mạc. Lời Bác đã khơi dậy lòng yêu nước, ý chí cách mạng trong quần chúng nhân dân.

            Như vậy:

            – Trong văn bản đã trích, tác giả dùng phép lập luận chứng minh, giải thích và bình luận để người đọc hiểu rõ hơn về đức tính giản dị của Bác.

            – Việc đưa ra các luận điểm, luận cứ, luận chứng rất chặt chẽ và sắc sảo, các dẫn chứng cụ thể có chọn lọc. Những lời bình luận sâu sắc làm tăng sức thuyết phục cho người đọc, người nghe.

            – Tác giả đã khéo léo sử dụng các phép nghị luận trong đoạn văn:

            + Phép giải thích: “Bởi vì người sống sôi nổi, phong phú đời sống và cuộc đấu tranh gian khổ và ác liệt của quần chúng nhân dân”

           + Phép bình luận: “Đời sống vật chất giản dị càng hoà hợp cùng đời sống tâm hồn phong phú, với những tư tưởng, tình cảm, những giá trị tinh thần cao đẹp nhất”.

            – Việc sử dụng nhiều phương pháp, biện pháp khác nhau như vậy giúp cho tác giả có thể nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ, đồng thời cũng khiến cho bài viết hấp dẫn hơn.

            – Nét đặc trưng trong nghệ thuật nghị luận của bài văn này là:

            + Tác giả đưa ra luận điểm ngắn gọn, cô đọng.

            + Sử dụng luận cứ xác đáng, toàn diện.

            + Luận chứng phong phú, cụ thể, xác thực.

IV/ TRÍCH YẾU TƯ LIỆU THAM KHẢO

SỰ GIẢN DỊ CỦA BÁC HỒ

            Qua bao năm tháng bôn bA hải ngoại tìm đường cứu nước, Hồ Chủ tịch tích lũy được vốn kiến thức rất uyên thâm, kết tinh tinh hoa trí tuệ loài người, nhưng khi đến với cán bộ, quần chúng nhân dân, Bác đã chuyển hoá những kiến thức đó thành những câu chuyện nhẹ nhàng, dễ hiểu, rất bình dị và gần gũi.

            Đầu năm 1946, có cuộc họp cán bộ từ Trung ương đến các địa phương. Bác đến thăm và nói chuyện, khi giải thích mối quan hệ giữa chính sách của Chính phủ với nhân dân thông qua đội ngũ cán bộ địa phương, Bác dùng một tấm bìa hình tam giác cân, Bác quay đáy tam giác lên trên, hướng đỉnh xuống dưới và nói, đây là chủ trương của Chính phủ (vừa nói Bác vừa chỉ tay dọc đáy trên của tấm bìa) có nhiều vấn đề lớn.

            Rồi Bác chỉ tay xuống đỉnh tam giác phía dưới và nói, nhưng những chủ trương đó qua nhiều cấp, nhiều cán bộ yếu kém đến khi xuống dân thì bé lại chỉ còn chừng này. Sau đó, Bác lật tấm bìa đáy xuống dưới, đỉnh lên trên và giải thích, chiều đáy là nguyện vọng của nhân dân, có rất nhiều, rất phong phú được phản ánh từ cơ sở nhưng khi qua nhiều cấp, nhiều cán bộ thì chỉ còn bé chừng này, Bác chỉ tay vào đỉnh trên, xong Bác kết luận: “Vậy thì chúng ta phải làm gì để cho Chính phủ gần dân”. Ai dự họp cũng đều thấm thía lời dạy của Bác và tự tìm ra câu trả lời đúng với công việc của mình.

            Cũng trong năm 1946, Nhà nước cách mạng non trẻ phải đối phó với nhiều kẻ thù trong giặc ngoài, bọn Việt cách, việt quốc gây cho ta bao khó khăn, gian nan. Nhiều người lên yêu cầu Bác cho quét sạch chúng đi, Bác cười bảo: “Các chú giữ sức đánh Tây?”, rồi Bác giải thích “Dòng nước đang chảy có cây gỗ chắn ngang, làm rác rưởi, lá cây đọng lại, các chú cứ vứt từng cái rác, từng cái lá thì không xuể mà phải tìm cách gạt cây gỗ đi thì dòng nước sẽ thông thoát”.

            Trong thời kì kháng chiến nhiều cán bộ đi tuyên truyền về đường lối “Trường kì kháng chiến”, khi nhân dân chất vấn “Kháng chiến khi nào thành công?” nhiều người không giải thích được bèn về hỏi Bác. Bác bảo: “Các chú biết rằng đồng bào ta phần lớn là nông dân thì phải lấy hình ảnh cụ thể, để đồng bào dễ hiểu, các chú lấy chữ nghĩa, nào là “phụ thuộc”, “khách quan”, “chủ quan” thì dân ít người hiểu, mà phải lấy những ví dụ cụ thế như muốn có khoai ăn, lúa ăn cũng phải chờ đến 3 tháng hoặc 6 tháng mới có thu hoạch, người phụ nữ có thai cũng phải hơn 9 tháng mới sinh con? Khi đến với nhân dân, với đồng chí, Bác ở bên họ như người thân, không có sự cách biệt giữa lãnh tụ với dân. Con người Bác, phong cách Bác, tư tưởng Bác toát lên một chân lí dễ hiểu: dân dã mà thanh cao, cụ thể dễ hiểu mà uyên bác, tinh tuý.

Thường San (Hậu Giang số 382, ngày 28 /2 /2007)

___

Xem thêm:

Hướng dẫn phân tích, cảm thụ văn bản Sự giàu đẹp của tiếng việt – Đăng Thai Mai tại đây.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận