Sống chết mặc bay – Phạm Duy Tốn – Để học tốt Ngữ Văn 7

Đang tải...

SỐNG CHẾT MẶC BAY

– PHẠM DUY TỐN –

I/ GIỚI THIỆU CHUNG VỀ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM

1/ Tác giả

            – Tác giả Phạm Duy Tốn (1883 – 1924) quê ở làng Phượng Vũ, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội), ông sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, là người viết văn và làm báo.

            – Văn xuôi bằng chữ quốc ngữ buổi đầu có sự đóng góp của Phạm Duy Tốn với tác phẩm “Sống chết mặc bay” được đánh giá là thành tựu đầu tiên của dòng văn học hiện thực buổi sơ khai.

2/ Tác phẩm

            – Tác phẩm này được viết vào tháng 7 – 1918, được đăng tải trên tạp chí Nam Phong số 18, tháng 12 – 1918.

II/ HƯỚNG DẪN HỌC SINH CẢM THỤ VĂN BẢN

1/ Về nội dung

            – Nội dung truyện kể về một tên “quan phụ mẫu” có thái độ vô trách nhiệm, trong cảnh vỡ đê vẫn ung dung ăn chơi, cờ bạc, trong khi đó nhân dân cả một vùng chìm đắm trong lụt lội, một thảm cảnh của thiên tai.

            – Tác phẩm đậm giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo.

            – Tác giả phản ánh bộ mặt thật của giai cấp thống trị, phê phán và lên án mạnh mẽ bọn quan lại phong kiến mang danh là cha mẹ dân nhưng để dân “sống chết mặc bay” và bày tỏ niềm cảm thông sâu sắc tới những người dân nghèo khổ.

            – Tác phẩm đã dựng lên hai mặt tương phản gay gắt: Một bên là người dân vật lộn, chống chọi với mưa gió hết sức căng thẳng, vất vả. Bên kia là viên quan đi hộ đê ngồi chỗ an toàn, nhàn nhã, mải mê bài bạc, không cho phép ai nấy quấy rầy ván bài của mình, coi việc đánh bài là trên hết, mặc dân sống chết khi đê vỡ.

2/ Về nghệ thuật

            – Đây là truyện ngắn viết theo kiểu hiện đại bằng chữ quốc ngữ. Nhân vật bước đầu đã có tính cách. Nhân vật quan phụ mẫu được xây dựng khá sắc nét, bộc lộ bản chất xấu xa, vô trách nhiệm qua các hành động, lời nói của y với tay chân và người dân.

            – Nghệ thuật tương phản và tăng cấp kết hợp với lời bình luận trực tiếp để tó cáo và phê phán. Lối kể chuyện cụ thể, sinh động, sự kết hợp với các chi tiết rất thực với đời sống hằng ngày đã tạo nên một sự hứng thú cho người đọc, người nghe.

            – Tác phẩm có sự kết hợp đa dạng các hình thức ngôn ngữ: ngôn ngữ kể chuyện, ngôn ngữ miêu tả, ngôn ngữ bình luận. Giữa ngôn ngữ và tính cách nhân vật có sự liên hệ chặt chẽ. Ngôn ngữ phản ánh tính cách nhân vật. Đây cũng là sự thành công trong nghệ thuật của tác giả.

III/ HƯỚNG DẪN HỌC SINH PHÂN TÍCH VĂN BẢN

1/ Bố cục

            Truyện ngắn: “Sống chết mặc bay” có thể chia làm 3 đoạn như sau:

            – Đoạn 1: Từ đầu đến “…Khúc đê này hỏng mất”. Toàn đoạn cho biết nguy cơ đê bị vỡ và sự chống đỡ của người dân.

            – Đoạn 2: Tiếp theo đến “…Điếu mày!”: Đoạn cho thấy tên quan phụ mẫu rất vô trách nhiệm, ung dung ăn chơi cờ bạc trong cảnh vỡ đê.

            – Đoạn 3: Phần còn lại: Nói về hậu quả đê vỡ, nhân dân lâm vào cảnh “nghìn sầu muôn thảm”.

2/ Phân tích cụ thể

a/ Đoạn 1

            – Mở đầu truyện ngắn là tình huống vô cùng hiểm nguy của khúc đê sông Nhị Hà được tác giả miêu tả bằng nhiều chi tiết cụ thể về thời gian và không gian: “Gần một giờ đêm. Trời mưa tầm tã. Nước sông Nhị Hà lên to quá; khúc đê làng X. thuộc phủ X. xem chừng núng thế lắm, hai ba đoạn đã thẩm lậu rồi, không khéo thì vỡ mất”.

Hình ảnh người dân hốt hoảng, lo lắng, tất bật… tìm mọi cách để giữ đê trước sức nước khủng khiếp, cũng được miêu tả bằng ngòi bút hiện thực thấm đẫm cảm xúc xót thương: “kẻ thì thuổng, người thì cuốc, kẻ đội đất, kẻ vác tre, nào đắp, nào cừ, bì bõm dưới bùn lầy ngập quả khuỷu chân, người nào người nấy lướt thướt như chuột lột…”

            – Không khí căng thẳng, hãi hùng được tạo nên từ sự đối lập giữa sức người và sức nước, sự pha trộn các âm thanh: “Tuy trống đánh liên thanh, ốc thổi vô hồi, tiếng người xao xác gọi nhau sang hộ, nhưng xem chừng ai ai cũng mệt lử cả rồi…”. Cảnh dân phu đang loay hoay, tuyệt vọng chống chọi với nước để cứu đê là để chuẩn bị cho sự xuất hiện của cảnh tượng hoàn toàn trái ngược. Hai cảnh tượng cùng diễn ra ở một thời điểm nguy cấp, ở cùng trên một mối đê với những con người có chung bổn phận bảo vệ khúc đê xung yếu đã cho thấy hai cách ứng xử ngược chiều.

b/ Đoạn 2

            – Tác giả kể chuyện viên quan phủ mải mê, chơi tổ tôm với đám quan lại dưới quyền và được lũ sai nha, lính lệ hầu hạ, cung phụng đến nơi đến chốn. Giọng văn tường thuật khách quan thật cụ thể, chi tiết nhưng đằng sau nó chứa chất thái độ mỉa mai, châm biếm và phẫn uất.

            – Cảnh tên quan đang cùng nha lại chơi bài trong đình được khắc họa với không khí tĩnh mịch, trang nghiêm: quan phụ mẫu “uy nghi, chễm chện ngồi”, trong đình đèn thắp sáng choang. Không những thế quan dựa gối xếp, có lính gãi chân, có lính quạt hầu, có tên chực hầu điếu đóm.

            – Hình ảnh tên quan phủ đi “hộ đê” được tác giả khắc hoạ với “cuộc sống hết sức nhàn nhã vương giả”, đi hộ đê mà mang theo ống thuốc bạc, đồng hồ vàng, dao chuôi ngà, ống vôi chạm, ăn thì ăn yến hấp đường phèn. Chỗ ngồi cao nhất của quan là “trong đình” khi quan ngồi trên thì nhà ngồi dưới, nghi vệ tôn nghiêm như thần như thánh.

            – Trong khi đi “đốc thúc việc hộ đê” thì quan vẫn ăn chơi, cờ bạc, vẫn thản nhiên ung dung trong khi dân đang phải tắm mưa gội gió. Khi có người báo tin đê vỡ thì quan gắt “mặc kệ”. Khi có người nhà quê hốt hoảng chạy vào đình báo thì quan quát: “Đê vỡ rồi, thời ông cách cổ chúng mày, thời ông bỏ tù chúng mày!”.

            – Mồm quan thì quát dân, thậm chí sai lính đuổi người nhà quê ra khỏi đình, sau đó thì lại tiếp tục vui mừng vì đã ù ván bài, đó là thái độ vô trách nhiệm của bọn quan lại phong kiến.

            – Dụng ý của tác giả khi dựng lên cảnh tương phản này nhằm mực đích so sánh, tô đậm sự đối lập của hai cảnh tượng, hai tầng lớp khác nhau. Một bên là người đại diện cho quyền lực, là bậc mẫu nghi thiên hạ thì lại vô trách nhiệm, chỉ biết ăn chơi hưởng lạc. Một bên là nhân dân lao động đang phải gồng mình chống chọi với thảm cảnh của thiên nhiên trong tâm trạng lo lắng tuyệt vọng khôn cùng.

            – Hậu quả tất yếu, sự vô trách nhiệm của tên quan đã dẫn tới cảnh đê bị vỡ. Hình ảnh đối lập sắc nét nhất, quan sung sướng ù ván bài to “Ừ! Thông tôm, chỉ chi nảy!… Điếu, mày!”, ngoài kia dân đang khổ vì nước lụt.

            – Biện pháp tương phản, tăng cấp được sử dụng triệt để.

            – Ngôn ngữ đối thoại phát huy tác dụng tối đa để các nhân vật bộc lộ tính cách và tâm trạng.

            – Ngôn ngữ gián tiếp của người kể chuyện chỉ còn giữ vai trò dẫn truyện. Đặc biệt, tác giả có sự thay đổi và kết hợp giọng điệu rất linh hoạt: giọng văn xót xa thương cảm ở đoạn đầu chuyển thành giọng giễu nhại, chỉ trích. Giọng chỉ trích, giễu nhại mở rộng thành mạch bình phẩm không thể kìm nén về nhân cách “quan phụ mẫu”: “Ngài mà còn dở ván bài, hoặc chưa kết hội thì dầu trời long đất lở, đè vỡ dân trôi, ngài càng thây kệ”; “Mặc! Dân, chẳng dân thời chớ! Con bài ngon há nỡ bỏ hoài ru! Quan lớn ngài ăn, ngài đánh; người hầu kẻ dạ, kẻ vâng. Sướng bao nhiêu, thích bao nhiêu. Lúc quan hạ, bài ù, ai ai là người chẳng ngợi khen tấm tắc! Một nước bài cao, bằng mấy mươi đê lở, ruộng ngập! Vậy mà không hiểu thời thật là phàm!”. Những lời phẩm bình ấy sẽ được chứng minh bằng cảnh tượng diễn ra ở phần cuối câu chuyện.

c/ Đoạn 3

            – Đoạn cuối truyện ngắn giống như một màn kịch ngắn, chia thành lớp lang, có thắt nút, mở nút. Xung đột được mở ra ngày càng tăng cấp và lên đến đỉnh điểm. Lúc quan ù ván bài thì cũng là lúc ngoài kia đê vỡ, nước trần lênh láng xoáy thành vực sâu, nhà cửa trôi băng, lúa má ngập hết. Lúc quan vui nhất cũng là lúc bi kịch của dân lên đến cao nhất. Các biện pháp tương phản, tăng cấp được sử dụng triệt để, làm cho kịch tính ngày càng gay gắt.

            – Phép tăng cấp được tác giả sử dụng rất khéo léo, cụ thể như sau:

            + Sự tăng cấp trong việc miêu tả mức độ của trời mưa đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự còn hoặc mất của con đê, cả khúc đê có thể bị vỡ bất cứ lúc nào. Tiếng trống vẫn đánh liên thanh, ốc thổi vô hồi, tiếng người xao xác gọi nhau. Mưa mỗi lúc một tầm tã, nước sông càng dâng cao, nhân dân thì đã mệt mỏi, đuối sức vì ngày đêm vật lộn với sự khắc nghiệt của thời tiết.

            + Sự tăng cấp trong việc miêu tả mức độ đam mê bài bạc của tên quan phủ được khắc hoạ rõ nét qua thái độ vô trách nhiệm đáng phê phán và lên án. Đê thì sắp vỡ mà tên quan không hề lo lắng, vẫn ngồi trong đình tận hưởng sự sung sướng, ăn những món ăn ngon, có kẻ hầu ăn, hầu chơi.

            + Vì thú chơi bài mà quan có thể bỏ qua tất cả, bỏ qua sự sống chết của biết bao người dân trong gang tấc. Quan chơi bài trong sự nhàn hạ. chỉ có người báo tình hình đê thế nào là quan sai lính đuổi ra, gắt lên và quát tháo đòi cách cổ, bỏ tù. Sự vô lí trong hành vi của quan ngày càng hiện rõ đó là thành công trong việc sử dụng nghệ thuật tăng cấp của tác giả.

            – Tác dụng của sự kết hợp hai nghệ thuật tương phản và tăng cấp trong việc vạch trần bản chất của viên quan nhằm dụng ý phê phán sắc nét. Việc chơi cờ bạc là thói xấu phổ biến của bọn tham quan, nhưng đặt trong hoàn cảnh nhân dân đang “ngàn cân treo sợi tóc” đang vật lộn với cái chết thì rất đáng lên án.

            + Tính mạng và tài sản của nhân dân đang bị huỷ diệt trong tầm tay của quan, liệu quan có xứng đáng là “phụ mẫu” của dân chúng không. Quan sung sướng khi thắng ván bài, nhưng có đáng sung sướng không khi đê vỡ, bao người dân khổ sở cùng cực. Cười trên nỗi đau và sự mất mát của người dân, chỉ có kẻ mất hết tính người mới có hành vi như vậy.

            – Nhờ sự kết hợp hai hình thức nghệ thuật này mà chất hiện thực và sức cộng phá chĩa vào bọn tham quan vô lại càng đậm nét.

            Như vậy:

            – Truyện “Sống chết mặc bay” là thành tựu mở đầu của dòng văn học hiện thực. Tác giả đã phản ánh rõ nét bộ mặt của giai cấp thống trị, bọn tham quan mất nhân tính, chúng chỉ biết ăn chơi hưởng lạc mà quên đi vai trò và trách nhiệm của mình, có biết bao người mất nhà, tan nát cơ nghiệp vì bão lũ, tình cảnh thật xót xa.

            – Giá trị nhân đạo của tác phẩm thể hiện ở sự cảm thông sâu sắc, sự chia sẻ và đồng cảm với nỗi khốn khổ của người lao động trước cảnh thiên tai. Vì thái độ vô trách nhiệm của bọn quan lại mà nhân dân điêu đứng, khốn cùng.

            – Gíá trị nghệ thuật thể hiện ngay ở chữ viết, viết theo kiểu hiện đại là chữ quốc ngữ. Hình tượng nhân vật đã bắt đầu được khắc hoạ rõ nét qua hình tượng quan phụ mẫu, sự biểu hiện ở tính cách ngang tàn, thái độ vô trách nhiệm,…

            – Biện pháp nghệ thuật tương phản, tăng cấp và những lời bình luận trực tiếp làm tăng sức mạnh cho lời tố cáo và phê phán, càng đọc thì hình tượng quan phụ mẫu càng bộc lộ sự xấu xa, đê tiện.

IV/ TRÍCH YẾU TƯ LIỆU THAM KHẢO

            Một số đánh giá về tác giả Phạm Duy Tốn

            Dương Quảng Hàm:

            Phạm Duy Tốn (1883 – 1924): Sau khi tốt nghiệp ở trường Thông ngôn Hà Nội năm 1901, được bổ vào ngạch Thông ngôn Tòa sứ Bắc kì; được ít lâu, ông từ chức về viết báo và doanh nghiệp. Ông là một bậc kì cựu trong làng báo, từng giúp việc biên tập cho nhiều báo như: Đại Việt Tân báo, Đông Dương Tạp chí, Trung Bắc Tân văn, Lục tỉnh Tân văn,… có viết nhiều bài luận thuyết và sở trường về lối hài văn và đoản thiên tiểu thuyết.

(Trong Việt Nam văn học sử yếu,

Bộ Giáo dục xb, Sài Gòn, 1968, tr. 425)

            Nguyễn Văn Cổn:                         

            (…) Bài này (Sống chết mặc bay) so với bài trên kia (của các tác giả khác như: Trương Vĩnh Kí, Huỳnh Tịnh Của, Dương Bá Trạc, Phan Kế Bính,…) đã tiến bộ rất nhiều và có thể gọi được là một bài văn có giá trị.

            Các đoạn về các câu rất rành rẽ, lại thêm sự nhận xét rất đúng, từ cách tả cảnh nước lụt cho đến cử chỉ của các nhân vật trong bài này.

            Ta nhận thấy dưới thời đô hộ, một tên tri huyện oai quyền như một vị chúa tế và hà hiếp dân một cách dã man.

(Trong Thi văn Việt Nam, trích lục và giảng giải,

Minh Tân xb, Paris 1952, tr. 224 – 228)

            Vũ Ngọc Phan:

            Phạm Duy Tốn có một lối văn linh hoạt hơn hẳn Nguyễn Bá Học, đem so văn với những nhà văn bây giờ, không kém xa mấy tí. Vài ba truyện ngắn của ông đăng trong tạp chí Nam Phong, như “Sống chết mặc bay” (N.p. số 18, Décembre, 1918) và “Con người sở khanh” (N.p. số 20, Février, 1919) mà ngày nay nhiều người vẫn còn nhớ đến, đã được coi, trong một thời là những truyện tả chân tuyệt khéo. Nhưng sự thật thì mấy truyện ngắn của Phạm Duy Tốn cũng vẫn chưa thoát li được khuôn sáo cổ là cái lối nghị luận và cái lối xen những lời luân lí vào, làm cho cách cấu kết có vẻ thật thà và kém về nghệ thuật. Hãy đọc đoạn này trong “Sống chết mặc bay”:

            “…Ấy, lũ con dân đang chân lấm tay bùn, trăm lo nghìn sợ, đem thân hèn yếu mà đối sức với mưa to nước lớn, để bảo thủ lấy tính mạng gia tài, thế thời nào quan cha mẹ ở đâu?”.

            Thưa rằng: Đang ở trong đình kìa…

            Đó thật là một thể nghị luận, một thể nghị luận bằng cách dàn hết các tài liệu ra, và đặt một câu hỏi, rồi tự đáp lại.

            Tác giả còn có những câu phê bình như thế này nữa:

            “… Than ôi! Cứ như cái cách các quan ngồi ung dung như vậy… thì đố ai dám bảo rằng, v.v…”. Một truyện đã coi là tả chân mà còn xen những lời phê phán giảng giải như thế này vào giữa những cảnh mình đang tả thì thiếu hẳn nghệ thuật, làm cho độc giả không còn có chỗ nào để suy nghĩ và phát biểu một vài cảm tưởng. Vì nghệ thuật tả chân cần phải như thế nào? Nếu theo lối của Guy de Maupassant là một tay cự phách trong văn tả chân nước Pháp, không những phải chú trọng đến hình thức trong văn chương còn phải để ý đến cả vật giới ở ngoài nữa. Trong sự vật, chỉ cái gì hiển nhiên, mắt trông thấy, tai nghe tiếng, mũi ngửi thấy, tay sờ thấy, mới là thực và mới đáng tả, còn ra những cái người ta cho là cao, là sâu thì không cần quan tâm đến. Theo Guy de Maupassant, có cần gì phải đi tới những lí tưởng cao sâu. Tả một cảnh nghèo với hết cả mọi sự cùng khổ phơi bày ra trước mắt bởi cái nghèo, với hết cả mọi mùi đắng cay, làm cho người ta khó thở, với hết cả những tiếng đau thương do sự cùng khổ mà ra, với những vật nghèo nàn sờ đến phải ghê tay thì còn gì làm cho người ta cảm động bằng. Hà tất phải những lời nghị luận, hà tất phải những lời giảng giải, những lời phê bình lôi thôi. Chỉ việc thôi, chỉ việc là tự nó, nó “nói” được nhiều. Mà đã thế, không thể nào tả một cách quá đáng được. Đã đứng vào phương tiện thiết thực, phải thiết thực hết sức.

            Nhưng Phạm Duy Tôn đã không trọng sự thiết thực trong “Sống chết mặc bay”. Chúng ta hãy đọc đoạn này:

            “… Thốt nhiên một người nhà quê, mình mẩy lấm láp, quần áo ướt đầm, tất cả chạy xông vào thở không ra lời:

            – Bẩm… quan lớn… đê vỡ mất rồi!”

            Viên quan không những không lo sợ, đã quát mắng chán chê những người chung quanh, lại còn muốn đánh nốt hội tổ tôm…

            “Ngài quay mặt vào, lại hỏi thầy đề:

            – Thầy bốc quân gì thế?

            – Dạ, bẩm, con chưa bốc.

            – Thì bốc đi chứ!”

            Như vậy có họa là loạn óc mới nghĩ tới sự tiêu khiển, trong khi xảy ra một sự nguy hiểm đến cả địa vị, đến cả thân mình, và lại ở giữa một đám người nôn nao, hãi hùng, giữa những tiếng kêu gọi nhử trời long đất lở.

            Truyện ngắn của Phạm Duy Tốn chỉ mới là những truyện thoát li hẳn được cái khuôn sáo của truyện Tàu, chưa thể coi là những đoản thiên tiểu thuyết tả chân được. Sau ông hơn mười năm; tiểu thuyết tả chân mới bắt đầu nảy nở ở nước ta; những truyện ngắn của ông tuy có cao hơn những truyện ngắn của Nguyễn Bá Học một bậc, nhưng cũng chỉ là hạng đoản thiên tiểu thuyết tâm lí, cách kết cấu còn lắm điều khuyết điểm làm cho nhiều khi đọc đoạn trên người ta đã đoán được đoạn dưới. Nhưng người ta cũng không thể quên ông là người đã viết truyện ngắn theo lối Âu Tây trước nhất. Như vậy, người ta cũng có thể nói: Phạm Duy Tốn là một nhà tiểu thuyết đi vào đường mới trước nhất và những truyện ngắn của ông là thứ văn chương đã đánh dấu một quãng đường văn học của nước nhà.

(Trích Nhà văn hiện đại, bản in

Thăng Long, Sài Gòn, 1960, tr, 135 – 138)

___

Xem thêm:

Hướng dẫn phân tích, cảm thụ văn bản Ý nghĩa của văn chương – Hoài Thanh tại đây.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận