Tổng kết phần tiếng việt – Bài tập Ngữ văn 12 nâng cao

Đang tải...

Tổng kết phần tiếng việt

 

I – BÀI TẬP

          1. Bài tập 1, sách giáo khoa, trang 213.

          2. Tìm dẫn chứng trong đoạn trích sau để làm nổi rõ các đặc điểm của từ.

Đầy vườn cỏ mọc lau thưa,

Song trăng quạnh quẽ vách mưa rã rời.

Trước sau nào thấy bóng người,

Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.

Xập xè én liệng lầu không,

Cỏ lan mặt đất rêu phong dấu giày.

Cuối tường gai góc mọc đầy,

Đi về này những lối này năm xưa.

(Nguyễn Du – Truyện Kiều)

          3. Đọc đoạn trích sau đây, cho biết chức năng và các phương tiện ngôn ngữ của phong cách văn chính luận được thể hiện như thế nào ở trong đó.

          […] Thương hại thay ! Người nước ta không hiểu cái nghĩa vụ loài người ăn ở với loài người đã đành, đến cái nghĩa vụ mỗi người trong nước cũng chưa hiểu gì cả. Bên Pháp, mỗi khi người có quyền thể, hoặc chính phủ, lấy sức mạnh mà đè nén quyền lợi riêng của một người hay của một hội nào, thì người ta hoặc kêu nài, hoặc chống cự, hoặc thị oai, vận dụng kì cho đến được công bình mới nghe.

          Vì sao mà người ta làm được như thế ? Là vì người ta có đoàn thể, có công đức biết giữ lợi chung vậy. Họ nghĩ rằng nếu nay để cho người có quyền lực đè nén người này thì mai ắt cũng lấy quyền lực ấy để đè nén mình, cho nên phải hiệp nhau lại phòng ngừa trước. Người ta có ăn học biết xét kĩ thấy xa như thế, còn người nước mình thì sao ? Người mình thì phải ai tai nấy, ai chết mặc ai ! Đi đường gặp người bị nạn, gặp người yếu bị kẻ mạnh bắt nạt cũng ngơ mắt đi qua, hình như người bị nạn khốn ấy không can thiệp gì đến mình.

          Đã biết sống thì phải bênh vực nhau, ông cha mình ngày xưa cũng đã hiên đến. Cho nên mới có câu : “Không ai bẻ đũa cả nắm” và “Nhiều tay làm nên bộp”. Thế thì dân tộc Việt Nam này hồi cổ sơ cũng biết đoàn thể, biết công ích, cũng góp gió làm bão, giụm cây lùm rừng, không đến nỗi trơ trọi, lơ láo, sợ sệt, ù lì như ngày nay.

          Dân không biết đoàn thể, không trọng công ích lả bởi bốn trăm năm trở về đây, bọn học trò trong nước mắc ham quyền tước, ham bả vinh hoa của các triều vua mà sinh ra giả dối nịnh hót, chỉ biết có vua mà chẳng biết có dân. Bọn ấy muốn giữ túi tham mình được đầy mãi, địa vị mình được giữ mãi, bèn kiếm cách thiết pháp luật, phá tan tành đoàn thể của quốc dân.

          Dẫu trôi nổi, dẫu cực khổ thể nào mặc lòng, miễn là có kẻ mang đai đội mũ ngất ngưởng ngồi trên, có kẻ áo rộng khăn đen lúc nhúc lạy dưới, trăm nghìn năm như thế cũng xong ! Dân khôn mà chi ! Dân ngu mà chi ! Dân lợi mà chi ! Dân hại mà chi ! Dân càng nô lệ, ngôi vua cùng lâu dài, bọn quan lại cùng phú quý ! Chẳng những thế mà thôi, “một người làm quan một nhà có phước”, dầu tham, dầu nhũng, dầu vơ vét, dầu rút tỉa của dân thế nào cũng không ai phẩm bình ; dầu lấy của dân mua vườn sắm ruộng, xây nhà làm cửa cũng không ai chê bai. Người ngoài thì khen đắc thời, người nhà thì dựa hơi quan, khiến những kẻ ham mồi phú quý không đua chen vào đám quan trường sao được. Quan lại đời xưa đời nay của ta là thế đấy ! Luân lí của bọn thượng lưu – tôi không gọi bọn ấy là thường, tôi chỉ mượn hai chữ thượng lưu nói cho anh em dễ hiểu mà thôi – ở nước ta là thế đấy !

(Phan Châu Trinh – Đạo đức và luân lí Đông Tây)

          4. Bài tập 4, sách giáo khoa, trang 213.

          5. Xác định loại vần (vần lưng, vần chân), loại hiệp vần (vần chính, vần thông) trong những câu thơ sau :

                             Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước,

                              Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen.

                                       Ngoài rèm thước chẳng mách tin,

                             Trong rèm dường đã có đèn biết chăng ?

                             Đèn có biết dường bằng chẳng biết,

                             Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi.

                                       Buồn rầu nói chẳng nên lời,

                             Hoa đèn kia với bóng người khá thương !

                             Gà eo óc gáy sương năm trống,

                             Hoè phất phơ rủ bóng bốn bên.

                                       Khắc giờ đằng đẵng như niên,

                             Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa.

(Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm – Chinh phụ ngâm)

          6. Đọc những câu sau, trả lời câu hỏi và thực hiện nhiệm vụ nêu ở dưới.

                             Cũng cờ cũng biển cũng cân đai,

                             Cũng gọi ông nghè có kém ai.

                             Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng,

                             Nét son điểm rõ mặt văn khôi.

                             Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ,

                             Cái giá khoa danh ấy mới hời.

                              Ghế tréo lọng xanh ngồi bảnh choẹ,

                              Nghĩ rằng đồ thật hoá đồ chơi!

(Nguyễn Khuyến – Tiến sĩ giấy)

          a) Bài thơ này được làm theo thể gì ? Theo luật bằng vần bằng hay luật trắc vần trắc ?

          b) Xác định những chữ niêm với nhau trong bài thơ.

          c) So với luật bằng – trắc của thể thơ, bài thơ này có hoàn toàn tuân thủ hay không ?

          7. Chỉ ra những nhân tố giao tiếp có liên quan đến phần 3 của truyện ngắn Vợ nhặt (Kim Lân) trong sách giáo khoa Ngữ văn 12 Nâng cao, tập hai.

          8. Những từ ngữ in đậm trong các câu sau đây biểu thị nghĩa tình thái nào trong các loại nghĩa tình thái đã học.

          – Hẳn là cô rất hoang mang, nửa tin nửa ngờ trước lời khẳng định chết người ấy của tôi.

(Bảo Ninh – Khắc dấu mạn thuyền)

          – Chúng tôi […] phải qua một hành lang rất hẹp, ẩm ướt và sâu hun hút, rồi mới ra đến ngoài đường.

(Bảo Ninh – Khắc dấu mạn thuyền)

          – Nếu ném trật ra ngoài, họ tuyệt nhiên không tỏ một tí vẻ gì bực bội, cũng không có một cử chỉ nhỏ nóng nảy ; họ chỉ uể oải đứng lên, vuốt phía sau cái quần vải hoặc lụa thâm theo thói quen, đi nhặt ống bỏ vào hộp, đoạn trở lại ngồi, và tiếng rè rè lại tiếp tục.

(Bùi Hiển – Những nỗi lòng)

          – Ồ, giá mà lúc ấy tôi có chứng cớ rõ rệt hơn về tình ý của họ, chắc hắn tôi sẽ gán thêm cho họ một tiếng “lố bịch” mà thôi.

(Bùi Hiển – Những nỗi lòng)

          – Anh hùng phải cười ra sao, tao chẳng biết, nên có lúc tao chẳng dám cười.

(Nguyễn Quang Sáng – Người bạn lính)

          – Mình thì ăn mặc xốc xếch, quen rồi, bây giờ anh hùng phải giữ quân phong, quân kỉ.

(Nguyễn Quang Sáng – Người bạn lính)

          – Chàng cũng không thấy mệt nữa, tuy ánh nắng chiếu trên lưng nóng rát, và mồ hôi từng giọt rỏ ở trên trán xuống.

(Thạch Lam – Những ngày mới)

          – Tôi bảo thực đấy, thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ.

(Nguyễn Tuân – Chữ người tử tù)

          – Có lẽ hắn cũng như mình, chọn nhầm nghề mất rồi.

(Nguyễn Tuân – Chữ người tử tù)

          9. Bài tập 8, sách giáo khoa, trang 214.

 

II – GỢI Ý GIẢI BÀI TẬP

          1. Tiếng Việt thuộc họ Nam Á. Một số ngôn ngữ có quan hệ họ hàng : Mường, Pa-cô, Cơ-tu, Ba-na, Khmer, Xtiêng,… Một số ngôn ngữ có quan hệ tiếp xúc lâu đời : Tày – Thái, Hán, Chăm,…

          Có thể xác định các thời kì phát triển của tiếng Việt như sau : (1) thời kì cổ đại (trước thế kỉ X) ; (2) thời kì từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX ; (3) thời kì từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám 1945 ; (4) thời kì từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay. Chú ý nêu bật những đặc điểm về ngôn ngữ, chữ viết, sự tiếp xúc ngôn ngữ, vai trò của tiếng Việt của từng thời kì.

          2. Đọc lại bài Đặc điểm loại hình của tiếng Việt (Ngữ văn 11 Nâng cao, tập hai) để nắm vững các đặc điểm ngữ âm, ngữ nghĩa và ngữ pháp của tiếng. Từ đó, tìm các dẫn chứng thích hợp để minh hoạ trong đoạn trích nhằm làm nổi rõ các đặc điểm của tiếng với tư cách là đơn vị ngữ pháp cơ bản của tiếng Việt.

          3. Đọc lại bài Phong cách ngôn ngữ chính luận (Ngữ văn 11 Nâng cao, tập hai) và xem xét đoạn trích thể hiện chức năng của phong cách này như thế nào (bày tỏ chính kiến, tư tưởng, lập trường xã hội, chính trị ; thuyết phục bằng lí trí; truyền cảm mạnh mẽ đến công chúng). Từ đó, nếu lên các đặc điểm ngôn ngữ thể hiện trong đoạn trích phục vụ cho các chức năng như thế nào (từ ngữ, kiểu câu, biện pháp tu từ, bố cục, trình bày).

          4. Học sinh ôn lại các khái niệm ẩn dụ và hoán dụ. Sau khi xác định các hiện tượng ẩn dụ và hoán dụ sử dụng trong các câu thơ của Truyện Kiều được trích dẫn, phải xem xét để tách ra làm hai loại : (1) chỉ được một vài người sử dụng, và (2) được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng. Loại (1) là thuộc “lời nói cá nhân” ; còn loại (2) là “ngôn ngữ chung”. Chẳng hạn, ở hai câu thơ đầu, gọi thông thường chỉ dùng cho người, nhưng ở đây lại dùng cho chim, như thế ta có biện pháp nhân hoá, một loại ẩn dụ. Cách dùng này rõ ràng; không phổ biến ; đây là “lời nói cá nhân”. Hay ở hai câu cuối, đầu xanh chỉ người còn trẻ, má hồng chỉ người đàn bà (nghĩa là “lấy bộ phận để chỉ toàn thể”), như thế ta có hoán dụ. Cách dùng này rất phổ biến trong tiếng Việt, nói cách khác, đây là “ngôn ngữ chung”.

          5. Đọc lại bài Luyện tập về luật thơ (Ngữ văn 12 Nâng cao, tập một) để nắm vững các khái niệm vần lưng, vần chân (phân chia dựa vào vị trí của vần trong câu thơ) ; vần chính, vần thông (phân chia dựa vào mức độ trùng hợp giữa hai vần hiệp với nhau). Chẳng hạn, ở hai cầu đầu, bước là vần chân, thác là vần lưng ; bước – thác là vần thông. Ớ hai câu cuối, niên là vần chân, miền là vần lưng ; niên – miền là vần chính.

          6. Đọc lại bài Luyện tập về luật thơ (Ngữ văn 12 Nâng cao, tập một) và phần Tri thức đọc – hiểu về Luật thơ Đường (Ngữ văn 10 Nâng cao, tập một) để ôn lại các khái niệm liên quan đến luật thơ Đường như : thể thất ngôn bát cú, luật bằng – trắc nói chung và niêm nói riêng. Cần lưu ý đến quy tắc “nhất, tam, ngũ bất luận”.

          7. Đọc phần 3 truyện ngắn Vợ nhặt (Kim Lân) trong sách giáo khoa Ngữ văn 11 Nâng cao, tập hai để xác định các nhân tố giao tiếp sau :

          – Nhân vật giao tiếp

          – Công cụ giao tiếp và kênh giao tiếp

          – Nội dung giao tiếp

          – Hoàn cảnh giao tiếp.

          Cần phải chỉ ra sự tác động của các nhân tố giao tiếp trên đây thể hiện trong đoạn trích.

          8. Đọc lại bài Nghĩa của câu và Luyện tập về nghĩa của câu (Ngữ văn 11 Nâng cao, tập hai) để nắm vững khái niệm nghĩa tình thái và các loại nghĩa tình thái trước khi làm bài.

          – Nghĩa tình thái chỉ sự việc đã xảy ra hay chưa xảy ra : chẳng hạn giá chỉ sự việc chưa xảy ra, trong khi tuy chỉ sự việc đã xảy ra.

          – Nghĩa tình thái chỉ khả năng xảy ra của sự việc : ví dụ hẳn chỉ một sự việc có khả năng xảy ra rất cao, trong khi có lẽ chỉ sự việc có khả năng xảy ra thấp hơn.

          – Nghĩa tình thái chỉ sự việc được nhận thức như là một đạo lí: nên trong câu đã dẫn của Nguyễn Tuân là một trường hợp như vậy. Lưu ý : phải, nên trong tiếng Việt có thể chỉ đạo lí lẫn chỉ khả năng xảy ra của sự việc, do đó phải căn cứ vào văn cảnh mới quyết định được.

          9. Đọc lại bài Ngữ cảnh (Ngữ văn 11 Nâng cao, tập một, trang 107 – 108) để nắm vững khái niệm ngữ cảnh (tất cả những gì có liên quan đến việc tạo lập và hiểu câu nói hoặc câu văn). Bài hịch là để hiệu triệu nhân dân chống lại quân Thanh xâm lược. Người Việt Nam thời ấy để tóc dài (kể cả nam giới) và nhuộm răng, khác với quân Thanh tóc đuôi sam và để răng trắng. Như vậy, đây là lời kêu gọi chống giặc để giữ gìn văn hoá dân tộc và tránh hoạ đồng hoá.

 

 

—–

Ôn tập về văn học (Học kì II)

Tổng kết phần làm văn

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận