Ôn tập về văn học (Học kì II) – Bài tập Ngữ văn 12 nâng cao

Đang tải...

Ôn tập về văn học

(Học kì II)

 

I – BÀI TẬP

          1. Tập hợp toàn bộ các tác phẩm văn. học Việt Nam trong sách giáo khoa Ngữ vân 12 Nâng cao và phân loại thành các nhóm theo giai đoạn văn học và thể loại văn học (thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, kí, văn chính luận, văn phê bình, văn nhật dụng).

          2. Trong mỗi nhóm tác phẩm thuộc một giai đoạn văn học và một thể loại sáng tác, anh (chị) thích tác phẩm nào hơn cả ? Vì sao ?

          3. Ôn lại ba đặc điểm cơ bản của giai đoạn văn học 1945 – 1975. về mỗi đặc điểm, hãy chọn phân tích một bài văn và một bài thơ nào đó để chứng minh (có thể chọn cả tác phẩm đã học ở cấp Trung học cơ sở).

          4. Hãy so sánh các tác phẩm Một người Hà Nội (Nguyễn Khải), Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu) và đoạn trích Mùa lá rụng trong vườn (Ma Văn Kháng) với các tác phẩm ra đời trong giai đoạn văn học 1945 – 1975 (trong sách giáo khoa) và chỉ ra những yếu tố đổi mới của chúng trong quan niệm về hiện thực và con người.

          5. Phân tích những đặc sắc về tư tưởng, cách miêu tả các hình ảnh, khắc hoạ các nhân vật và nghệ thuật trần thuật của các tác phẩm Số phận con người (Sô-lô-khốp), Thuốc (Lỗ Tấn).

          6. So sánh và rút ra nhận xét về những đặc sắc riêng trong phong cách nghệ thuật của các truyện ngắn Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành), Một người Hà Nội (Nguyễn Khải), Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu).

          7. Phân tích các giá trị văn học của truyện Ông già và biển cả (Hê-minh-uê).

          8. Anh (chị) hãy diễn tả quá trình tiếp nhận của mình đối với truyện Vợ nhặt (Kim Lân).

 

II – GỢI Ý GIẢI BÀI TẬP

          1. Khi tập hợp và phân loại các tác phẩm thành những nhóm khác nhau, cần chú ý tìm hiểu thời điểm ra đời cụ thể của mỗi tác phẩm và sắp xếp chúng theo đúng trật tự thời gian.

          2. Việc chọn lựa tác phẩm theo yêu cầu của bài tập này hoàn toàn tuỳ theo sở thích của mỗi cá nhân. Điều quan trọng là phải giải đáp được câu hỏi : Vì sao lại thích tác phẩm ấy ? Ở đây, học sinh cần phát biểu chân thật cảm nghĩ riêng của mình, không nên sao chép lẫn nhau.

          Ví dụ 1 : Trong nhóm thơ giai đoạn 1945 – 1975, học sinh thích bài Tây Tiến của Quang Dũng hơn cả. Có thể lí giải : Vì tác giả đã gợi lên được những cảnh núi rừng đẹp một cách tráng lệ, hùng vĩ. Trên cái nền ấy hiện lên hình tượng rất đẹp của người Tính cách mạng, sẵn sàng chết vì Tổ quốc, hiên ngang, lẫm liệt, đồng thời có một phong thái rất đỗi hào hoa, thanh lịch và lãng mạn của thanh niên Hà Nội.

          Ví dụ 2 : Trong nhóm truyện ngắn giai đoạn 1930 – 1945, học sinh thích truyện Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân hơn cả. Có thể lí giải : Vì tác giả đã sáng tạo nên được hình tượng nhân vật Huấn Cao mà vẻ đẹp độc đáo là sự thống nhất giữa tài hoa và khí phách. Hấp dẫn nhất là đoạn văn kết thúc tác phẩm tả cảnh Huấn Cao cho chữ viên quản ngục trong nhà lao. Đó là sự đảo lộn trật tự giữa người tù và quản ngục, sự chiến thắng tuyệt vời của ánh sáng đối với bóng tối, của “thiên lương” đối với tội ác, của cái đẹp đối với sự nhơ bẩn, cục cằn,…

          3. Giải bài tập này, chỉ cần nêu lên ba đặc điểm của giai đoạn văn học. Điều quan trọng là phải tìm được dẫn chứng xác đáng minh hoạ cho mỗi đặc điểm.

          Chú ý : Có nhiều tác phẩm có thể minh hoạ cho cả ba đặc điểm của giai đoạn văn học 1945 – 1975. Khi nêu dẫn chứng cần kèm theo lời phân tích để làm rõ đặc điểm của giai đoạn văn học này thể hiện trong tác phẩm.

          4. Những yếu tố đổi mới trong quan niệm về hiện thực và con người so với văn học giai đoạn 1945 – 1975.

          – Ở Một người Hà Nội : Đề cao truyền thống thanh lịch của đất kinh kì nghìn năm văn hiến : ý thức tự trọng, niềm tự hào ở nếp sống đường hoàng, trang nhã, đẹp và sang của người Hà Nội. Văn học giai đoạn 1945 – 1975 chẳng những không coi trọng lối sống có vẻ quý phái trên mà còn coi đó là rơi rớt của tư tưởng phong kiến, tư sản cần phê phán.

          – Ở Chiếc thuyền ngoài xa : Quan niệm hiện thực và con người không đơn giản một chiều, trái lại đầy nghịch lí, đầy bí ẩn mà nhà văn cần tìm hiểu thấu đáo mới nhận ra được. Văn học giai đoạn 1945 – 1975 nói chung quan niệm hiện thực xã hội đen trắng rõ ràng, địch ta không lẫn lộn, con người thì thiện ác, tốt xấu phân minh (tìm dẫn chứng trong văn học 1945 – 1975 để minh hoạ).

          – Ở đoạn trích Mùa lá rụng trong vườn : Ca ngợi tình nghĩa có tính truyền thống của người Việt trong quan hộ đời tư, đời thường. Văn học giai đoạn 1945 – 1975 chủ yếu đề cao những tình cảm chính trị, tình cảm công dân nảy sinh trong quan hệ với cộng đồng dân tộc, giai cấp : tình yêu nước, tình đồng chí, đồng bào, tình cảm với lãnh tụ, với chủ nghĩa xã hội, với miền Nam còn trong tay giặc, v.v. (tìm dẫn chứng trong văn học 1945 – 1975 để minh hoạ).

          5. Trước hết cần thấy hai tác phẩm khác hẳn nhau về cảm hứng chủ đạo. Một đằng là cảm hứng trữ tình (Số phận con người) chi phối mọi mặt của tác phẩm, từ cách tạo tình huống, miêu tả hình ảnh, khắc hoạ nhân vật, chọn lựa các chi tiết, đến giọng điệu trần thuật – tất cả đều nhằm gợi cảm, truyền cảm một cách trực tiếp nỗi đau và tình thương đối với số phận con người – nạn nhân của chiến tranh phát xít. Một đằng là cảm hứng phê phán (Thuốc), tác giả cố tình nén chặt tình cảm để làm nổi bật trước mắt người đọc hiện thực trần trụi, tàn nhẫn của xã hội Trung Quốc cũ. Giọng văn hết sức lạnh lùng khiến người đọc cảm thấy bức bối, ngột ngạt như thực sự sống trong không khí của một thời kì lịch sử đen tối của Trung Quốc với những người dân vừa đáng giận vừa đáng thương, đầu óc mê muội, hành động nói năng ngớ ngẩn đối với những chiến sĩ cách mạng đã hi sinh cả tính mạng để giải phóng cho mình.

          6. Rừng xà nu mang đậm phong cách sử thi ; Một người Hà Nội thể hiện khuynh hướng nghiên cứu và triết luận về tư tưởng con người – một nét phong cách tiêu biểu của Nguyễn Khải, ở tác phẩm này, tác giả đề cập đến người Hà Nội gốc được quan sát ở phương diện con người văn hoá, tâm linh ; Chiếc thuyền ngoài xa thể hiện cảm quan hiện thực nghiêm ngặt của Nguyễn Minh Châu sau năm 1975 – nhìn hiện thực và con người không đơn giản, một chiều mà đầy mâu thuẫn, phức tạp.

          7. Lí luận về giá trị văn học đề xuất bốn bình diện : giá trị thẩm mĩ, giá trị nghệ thuật, giá trị nhận thức và giá trị giáo dục.

          – Giá trị thẩm mĩ, xét đến cùng là ở chỗ tác giả đã tạo ra được sự sống thật sự bằng ngôn từ, khiến độc giả bị cuốn hút vào hoạt động của nhân vật, mừng vui, lo âu hay tin tưởng cùng nhân vật trong cuộc vật lộn quyết liệt với thiên nhiên.

          – Giá trị nghệ thuật thể hiện ở chỗ tác giả đã sử dụng một cách có hiệu quả khả năng của ngôn từ và các thủ pháp nghệ thuật để tạo nên được sự sống nói trên. Trong truyện Ông già và biển cả, tác giả rất thành công trong việc sáng tạo tình huống truyện độc đáo và sử dụng thủ pháp độc thoại nội tâm có nhiều đặc sắc thể hiện tâm lí, tính cách nhân vật.

          – Giá trị nhận thức của tác phẩm, nói như Hê-minh-uê, phải tìm ở bảy phần chìm của tảng băng trôi. Nghĩa là cái tác giả viết ra cốt để nói cái điều không muốn phát biểu một cách trực tiếp trẽn văn bản – cũng có thể nói là một cách phát biểu bằng biểu tượng.

          – Giá trị giáo dục của truyện gắn liền với giá trị nhận thức của tác phẩm.

          8. Trước hết phải tra cứu để hiểu được một số từ ngữ mà mình chưa biết nghĩa ở văn bản và những sự kiện xã hội, lịch sử mà tác phẩm đề cập đến. Chẳng hạn : Thế nào là chè khoán ? Chợn là gì ? Tao đoạn là gì ? Thế nào là thóc liên đoàn ? Người ta đốt đống rấm để làm gì ? (xem chú thích trong sách giáo khoa), Sự kiện nạn đói mùa xuân năm 1945 diễn ra khủng khiếp như thế nào ?

          Tiếp đó, đọc toàn bộ văn bản, đọc chậm, lắng sâu, một mặt dùng trí tưởng tượng hình dung cụ thể thế giới hình tượng của tác phẩm, sống với từng chi tiết, từng hình ảnh, từng nhân vật ; mặt khác, huy động những hiểu biết của mình về thể loại văn học (truyện ngắn), về nghệ thuật trần thuật : điểm nhìn trần thuật, giọng điệu trần thuật, ngôn ngữ trần thuật gián tiếp, trực tiếp, nửa trực tiếp, v.v., huy động vốn sống, vốn tri thức về lịch sử – xã hội (chẳng hạn, nhớ lại trong bản Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh cho biết, trong nạn đói năm 1945 “Từ Quảng Trị đến Bắc Kì, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói”, hay câu văn của Nam Cao trong Đôi mắt cũng nói về nạn đói này : “Có lẽ đến năm 2000, con cháu chúng ta vẫn còn kể lại cho nhau nghe để rùng mình”), v.v.

          Từ thế giới hình tượng ấy, chú ý đến những vấn đề nảy ra trong tác phẩm cần giải đáp :

          – Vì sao tác giả đặt tên tác phẩm là Vợ nhặt ? Thế nào là “vợ nhặt” ?

          – Vì sao thấy anh Tràng có vợ theo về, mọi người đều ngạc nhiên ? (Dân xóm ngụ cư ngạc nhiên, bà cụ Tứ ngạc nhiên, đến chính Tràng cũng ngạc nhiên).

          – Trước nạn đói khủng khiếp như thế, vì sao mỗi người lại có phản ứng tâm lí khác nhau : dân xóm ngụ cư vừa ngạc nhiên vừa lo lắng cho Tràng ; bà cụ Tứ thì vừa mừng vừa lo, vừa vui vừa tủi, vừa xót xa thương cảm : “Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình”, “chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá !” ; còn anh Tràng thì tuy cũng “chợn” đấy, nhưng tỏ ra phấn khởi, thậm chí đắc ý nữa.

          – Tuy vậy, trong không khí đầy đe doạ của nạn đói, Tràng và bà cụ Tứ vẫn hi vọng ở một tương lai sáng sủa : bà cụ, một mặt nói “Năm nay thì đói to đấy”, mặt khác lại nói : “Rồi ra may mà ông trời cho khá…”, “ai giầu ba họ, ai khó ba đời…”. Vì sao có tâm lí như vậy ?

          Giải đáp được những câu hỏi đó thì tức là hiểu được tư tưởng của tác phẩm : một mặt phản ánh tội ác của bọn thống trị thực dân đã gây ra nạn đói có tính diệt chủng đối với dân tộc ta, mặt khác nói lên khát vọng về hạnh phúc gia đình và niềm tin không gì tiêu diệt được của người dân lao động ở cuộc sống và tương lai.

          Cố nhiên, những điều nói trên chỉ là những gợi ý. Mỗi người đọc (ở đây là học sinh) tuỳ theo năng lực tư duy và vốn sống, vốn văn hoá mà có sự tiếp nhận nông sâu khác nhau về tác phẩm.

          (Mỗi học sinh phát biểu cách tiếp nhận khác nhau của mình về thiên truyện một cách hoàn toàn tự do, nhưng không được suy diễn ra ngoài văn bản của tác phẩm).

 

 

—–

Tổng kết phần văn học

Tổng kết phần làm văn

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận