Tinh thần yêu nước của nhân dân ta – Hồ Chí Minh – Để học tốt Ngữ Văn 7

Đang tải...

TINH THẦN YÊU NƯỚC CỦA NHÂN DÂN TA

– HỒ CHÍ MINH –

I/ GIỚI THIỆU CHUNG VỀ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM

1/ Tác giả: (Xem thêm phần giới thiệu về tác giả trong bài Cảnh khuya và Rằm tháng Giêng tại đây).

            – Về văn chính luận của Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh là người bước đầu đặt nền móng và mở đường cho nền văn học cách mạng. Văn chương Hồ Chí Minh kết hợp sâu sắc từ bên trong mối quan hệ giữa chính trị và văn học, giữa tư tưởng và nghệ thuật, giữa truyền thông và hiện đại. Mỗi loại hình văn học của Người đều có phong cách riêng, độc đáo, hấp dẫn và có giá trị bền vững. Hồ Chí Minh là người đầu tiên sử dụng có hiệu quả cao thể văn chính luận hiện đại…

            – Văn chính luận của Hồ Chí Minh mang cốt cách, đặc điểm của văn chính luận hiện đại của giai cấp vô sản.

            – Văn chính luận của Người bộc lộ tư duy sắc sảo, giàu tri thức văn hóa, gắn lí luận với thực tiễn, giàu tính luận chiến, vận dụng có hiệu quả nhiều phương thức biểu hiện.

            – Các tác phẩm tiêu biểu như: Bản án chế độ thực dân Pháp, Tuyên ngôn độc lập, Di chúc,…

2/ Tác phẩm

            – Bài văn được trích trong Báo cáo Chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội lần thứ hai, tháng 2 năm 1951 của Đảng Lao động Việt Nam (tên gọi từ năm 1951 đến năm 1976 của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay). Tên bài do người biên soạn sách đặt.

            – Tác phẩm có bố cục và phương pháp lập luận tiêu biểu của một bài văn nghị luận, cụ thể ở đây là phong cách văn xuôi chính luận của Hồ Chí Minh.

II/ HƯỚNG DẪN HỌC SINH CẢM THỤ VĂN BẢN

1/ Về nội dung

            – Đây là bài văn nghị luận Hồ Chí Minh nói lên tinh thần yêu nước – một truyền thống quý báu của nhân dân ta.

            – Bằng cách lập luận chặt chẽ và những dẫn chứng cụ thể, phong phú giàu sức thuyết phục thể hiện qua lịch sử dân tộc và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bài văn làm sáng tỏ một chân lí:’“Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta”.

            – Tác phẩm đã thức tỉnh và thổi bùng lên lòng yêu nước trong lòng mỗi người dân. Hồ Chí Minh đã chỉ ra cội nguồn sâu xa cho mọi chiến thắng quật cường của dân tộc Việt Nam trong cuộc đụng đầu lịch sử với bất cứ kẻ thù to lớn nào: đó là lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân ta. Ngày nay, bài văn vẫn còn mang tính thời sự nóng hổi, có tác dụng động viên nhân dân Việt Nam vững bước trên con đường xây dựng và bảo vệ đất nước.

2/ Về nghệ thuật

            – Đây là văn bản mẫu mực về kiểu bài văn nghị luận, cách trình bày, bố cục và triển khai dẫn chứng của bài văn nghị luận.

            – Tác phẩm ngắn gọn, súc tích, cách lập luận chặt chẽ, lí lẽ hùng hồn, dẫn chứng (lịch sử, xã hội) vừa cụ thể vừa khái quát, tiêu biểu cho phong cách văn chính luận của Hồ Chí Minh.

            – Nhiều thủ pháp nghệ thuật nhú so sánh, liệt kê, lặp cấu trúc câu và hàng loạt các động từ có khả năng gợi cảm cao… được sử dụng đã làm cho câu văn trở nên nhịp nhàng, cân đối, khỏe khoắn. Âm hưởng bài văn hào hùng như âm hưởng một lời hịch kêu gọi, khích lệ toàn dân một lòng đoàn kết đánh đuổi xâm lăng, bảo vệ độc lập chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

III/ HƯỚNG DẪN HỌC SINH PHÂN TÍCH VĂN BẢN

1/ Bố cục

            Bài văn có bố cục 3 phần:

            – Phần đầu: Từ “Dân ta…” đến “…lũ cướp nước”: Nêu vấn đề cần nghị luận đó là: Tinh thần yêu nước là một truyền thông quý báu của nhân dán.

            – Tiếp theo: Từ “Lịch sử ta.. ” đến “...nồng nàn yêu nước“; Phần này tác giả minh hoạ trình bày các dẫn chứng để chứng minh cho phần đầu.

            + Lịch sử dân tộc ta có những cuộc kháng chiến vĩ đại thể hiện tinh thần yêu nước của nhân dân ta.

            + Tinh thần đó thể hiện cụ thể qua cuộc kháng chiến chống Pháp, toàn dân ta quyết tâm chung sức đồng lòng đánh tan kẻ thù xâm lược.

            – Phần còn lại: Nêu những nhiệm vụ cụ thể nhằm phát huy tinh thần yêu nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

2/ Phân tích cụ thể

a/ Phần đầu

            – Đúng như trình tự thông thường của bài văn nghị luận, Hồ Chí Minh đưa ra vấn đề cần nghị luận bằng một câu giới thiệu rất ngắn gọn nhưng có tác dụng thâu tóm nội dung toàn bài: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước”. Hai câu tiếp theo làm nổi bật luận đề: Lòng yêu nước của dân ta rất nồng nàn, đó là “một truyền thống quý báu” và có sức mạnh “vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.

            – Tác giả đã so sánh lòng yêu nước của nhân dân ta bằng một hình ảnh hùng tráng có tính chất tượng trưng: “làn sóng”, kết hợp vói các động từ có khả năng gợi cảm lớn như: kết thành, lướt qua, nhấn chìm… làm nổi bật sức mạnh không gì ngăn cản nổi của lòng yêu nước. Câu văn có âm hưởng hào hùng, cảm xúc sôi nổi.

            – Cách so sánh rất cụ thể, độc đáo làm nổi bật sức mạnh cuồn cuộn, phi thường của nhân dân ta.

            – Tác giả khẳng định lòng yêu nước của nhân dân ta không phải trong một mốc thời gian cố định mà trong trường kì lịch sử: “từ xua đến nay” và đặc biệt là trong tình thế hiểm nghèo “mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng”. Đặc điểm của lịch sử đất nước ta là luôn phải đương đầu với giặc ngoại xâm nên rất cần đến lòng yêu nước và tinh thần xả thân vì nước: “Lịch sử thành văn trên mình ngựa”.

            – Cách đặt vấn đề ngắn gọn nhưng nêu bật được nội dung chủ đạo đồng thời mở ra hướng chứng minh cho luận điểm đã nêu.

b/ Phần tiếp

            – Tác giả đưa ra dẫn chứng để chứng minh cho luận điểm theo trình tự thời gian: Từ xưa đến nay, từ ý khái quát đến cụ thể, chi tiết.

            – Về quá khứ: Đó là những trang sử vẻ vang thời  đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,… Thủ pháp liệt kê hàng loạt các dẫn chứng vừa khái quát vừa điển hình đã mở ra trang sử hào hùng chống xâm lăng của dân tộc. Lòng yêu nước như một mạch ngầm thiêng liêng không với cạn trong dòng máu Việt kết nối từ quá khứ đến hiện tại, tương lai.

            – Các cụm từ “chúng ta có quyền tự hào”,“chúng ta phải ghi nhớ” được khẳng định một cách hùng hồn, đã làm rõ cảm xúc của tác giả khi nêu dẫn chứng.

            – Từ lịch sử quá khứ hào hùng, tác giả tiếp tục nêu nhiều dẫn chứng về lòng yêu nước của nhân dân ta trong hiện tại, cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược bằng một câu chuyển ý, chuyển đoạn rất khéo: “Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước”.

            – Tác giả nhấn mạnh: Lòng yêu nước của dân tộc ta là một truyền thông đã bắt nguồn từ xa xưa và đang được tiếp nối phát huy trong hiện tại. Các dẫn chứng rất phong phú và được đưa ra theo mô hình “từ… đến..” và được sắp xếp theo các trình tự: tuổi tác, khu vực cư trú, tiền tuyến, hậu phương, tầng lớp, giai cấp. Những sự việc và con người này có mối quan hệ theo các bình diện khác nhau nhưng bao quát toàn bộ trẻ già, gái trai, miền xuôi, miền ngược, tiền tuyến, hậu phương, nông dân, công nhân, điền chủ… nghĩa là toàn thể nhân dân Việt Nam. Câu kết đoạn, tác giả bình luận một cách hùng hồn, mạnh mẽ: “Những cử chỉ cao quý đó, tuy khác nhau nơi việc làm, nhưng đều giống nhau nơi lòng nồng nàn yêu nước”.

            – Các dẫn chứng vừa cụ thể vừa khái quát, vừa điển hình vừa toàn diện, đầy sức thuyết phục. Cách đưa dẫn chứng trình tự để đi đến quy nạp cũng rất nghệ thuật.

            – Những dẫn chứng tiêu biểu nhất, những việc làm và hành động của mọi tầng lớp xã ‘hội được nói một cách tỉ mỉ càng tô đậm truyền thống yêu nước. Dẫn chứng cụ thể làm cho bài chứng minh tinh thần yêu nước hợp lí mà thuyết phục cao.

c/ Phần cuối

            – Trong phần cuối văn bản, tác giả đã sử dụng nghệ thuật so sánh đặc sắc để cụ thể hóa khái niệm trừu tượng, giúp người đọc, người nghe hiểu được một cách dễ dàng: tinh thần yêu nước như thứ của quý, có khi được trưng bày, có khi được cất giấu. Tác giả đã phân tích rõ hai trạng thái của tinh thần yêu nước là tiềm tàng kín đáo và sôi nổi mãnh liệt.

            – Như vậy tinh thần yêu nước lúc nào cũng có: khi thì tiềm tàng ẩn giấu, khi thì bộc lộ rõ. Người đọc hình dung được giá trị của lòng yêu nước, khơi gợi con người phát huy sức mạnh tiềm ẩn đang được cất giấu để cho cuộc kháng chiến thắng lợi.

            – Bác nêu bật nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân là phải “ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến”.

            – Với nghệ thuật lập luận chặt chẽ, sắc bén, bố cục rõ ràng và hệ thống dẫn chứng chân thực, tác phẩm có sức thuyết phục lớn và trở thành một trong những áng văn chính luận mẫu mực của Hồ Chí Minh.

IV/ TRÍCH YẾU TƯ LIỆU THAM KHẢO

            Tham khảo đoạn trích trong “Bản án chế độ thực dân Pháp” của Hồ Chí Minh

            “Sau khi cướp hết những ruộng đất màu mỡ, bọn cá mập Pháp đánh vào những ruộng đất cằn cỗi những thứ thuế vô lí gấp trăm lần thuế đất thời phong kiến”.

VINHÊ ĐỐC TÔNG

            … Từ năm 1890 đến năm 1896, thuế trực thu tăng gấp đôi; từ năm 1896 đến năm 1898 lại tăng lên gấp rưỡi. Làng nào bị tăng thuế cũng cắn răng mà chịu; hỏi còn biết kêu vào đâu? Được thể các ngài công sứ càng làm già. Nhiều người Pháp coi việc các làng ngoan ngoãn đóng thuế như vậy là một bằng chứng rõ ràng rằng mức thuế không có gì là quá đáng! Thuế thân tăng từ một hào tư lên hai đồng rưỡi. Những thanh niên chưa vào sổ đinh, nghĩa là còn dưới 18 tuổi, trước kia không phải nộp gì cả, nay phải nộp ba hào mỗi người, tức là hơn gấp đôi một suất đinh trước kia.

            Thuế má không những nặng oằn lưng, mà còn luôn luôn thay đổi. Một số thuế lưu thông hàng hoá cũng giống như thế. Vả lại, đánh thuế như cách sau đây thì làm sao mà công bằng được: người ta cấp giấy phép lưu thông cho 150 ki-lô-gam thuốc lá, sau đó lại bố trí để đánh thuế được nhiều lần cũng món hàng đó mỗi khi nó chuyển sang tay chủ khác, mỗi khi số 150 ki-lô-gam ấy được phân phối cho ba, bốn khách mua? Chẳng còn luật lệ nào khác ngoài sự tuỳ tiện của bọn nhà đoan. Bởi vậy, người An Nam rất sợ bọn nhà đoan, cứ thoáng thấy chúng là họ vứt ngay giữa đường những thúng muối, thúng cau, hoặc thuốc lá của họ: thà vứt của đi còn hơn là phải đóng thuế hết khoản này đến khoản khác mãi mãi không thôi. Ở một số vùng, nhân dân buộc lòng phải nhổ thuốc, chặt cau, để tránh những phiền nhiễu vì thuế mới.

            Ở Luông Prabăng, nhiều phụ nữ nghèo khổ thảm thương phải mang xiềng đi quét đường chỉ vì một tội không nộp nổi thuế. Tỉnh Bắc Ninh (Bắc Kì) bị lũ lụt tàn phá, thế mà cũng phải nộp 500.000 đồng tiền thuế.

            … Nói chung, người An Nam đều phải è ra mà chịu công ơn bảo hộ của nước Pháp. Riêng người nông dân An1 Nam lại càng phải è ra mà chịu sự bảo hộ ấy một cách nhục nhã hơn: là người An Nam, họ bị áp bức, là người nông dân, họ bị tước đoạt. Chính họ là những người lao khổ, làm để nuôi lũ người ăn bám, bọn đi khai hoá và những bọn khác. Chính họ phải sống cùng khổ, trong khi bọn đao phủ của họ lại sống phè phỡn; hễ mất mùa là họ chết đói. Họ bị cướp giật từ mọi phía, bằng mọi cách, bởi nhà nước, bởi bọn phong kiến tân thời, bởi giáo hội Thiên chúa. Xưa kia, dưới chế độ phong kiến An Nam, ruộng đất xếp thành đẳng hạng theo tốt xấu. Thuế đánh theo sự phân hạng ấy. Dưới chế. độ thuộc địa hiện nay, những điều đó đã thay đổi. Khi cần tiền, nhà nước bảo hộ Pháp chỉ có việc thay đổi hạng ruộng. Chỉ một nét bút thần kì là họ biến một đám ruộng xấu thành ruộng tốt.

            Như thế cũng vẫn chưa hết. Người ta cũng tăng diện tích ruộng đất lên một cách giả tạo bằng thủ đoạn rút bớt đơn vị đo đạc. Bằng cách đó, thuế lập tức tăng lên, nơi thì một phần ba, nơi thì hai phần ba. Thế mà vẫn chưa đủ thoả lòng tham không đáy của nhà nước bảo hộ và hằng năm thuế cứ tăng lên mãi. Thí dụ, từ năm 1890 đến năm 1896, thuế đã tăng gấp đôi. Từ năm 1896 đến năm 1898 lại tăng lên gấp rưỡi và cứ như thế mà tiếp tục. Người An Nam cứ chịu đế cho người ta róc thịt mãi, thì các quan lớn bảo hộ nhà ta quen ăn bén mùi lại càng tiếp tục bóc lột thêm,

            Thêm vào nạn ăn cướp của chính quyền, là nạn ăn cướp của bọn chủ đồn điền. Người ta cấp cho những người Âu chỉ có cái bụng phệ và màu da trắng những đồn điền có khi rộng trên 20.000 héc-ta. Phần lớn những đồn điền này đều được lập ra bằng lối cướp giật được hợp pháp hoá. Trong thời kì chiến tranh xâm lược, dân cày An Nam – cũng như người An-dát-xơ năm 1870, đã bỏ ruộng đất của mình lánh sang những vùng còn tự do. Khi trở về thì ruộng vườn của họ đã “thành đồn điền” mất rồi. Hàng bao nhiêu làng đã bị tước đoạt theo kiểu đó, và người bản xứ lâm vào cảnh phải lao động cho bọn chúa đất tân thời, bọn này chiếm đoạt có khi đến 90% thu hoạch. Lấy cớ khuyến khích khai thác thuộc địa, người ta miễn thuế điền thổ cho số lớn chủ đồn điền kếch sù.

            Sau khi đã được cấp không ruộng đất, bọn chủ đồn điền cũng được cấp không hoặc gần như không, cả nhân công nữa. Nhà nước cung cấp cho chúng một số tù khổ sai làm không công, hoặc dùng uy quyền để mộ nhân công cho chúng với một đồng lương chết đói. Nếu dân phu đến không đủ số hoặc tỏ ra bất mãn, thì người ta dùng vũ lực; bọn chủ đồn điền tóm cổ hào lí, đánh đập, tra tấn họ cho đến khi họ chịu kí giao kèo hẹn nộp đủ số nhân công mà chúng đòi hỏi.

            Bên cạnh uy lực phần đời ấy, cũng có những đấng cứu thế phần hồn nữa. Các đấng này, trong khi thuyết giáo “đức nghèo” cho người An Nam, cũng không quên làm giàu trên mồ hôi và máu của họ. Chỉ riêng ở Nam Kì, hội thánh truyền đạo cũng đã độc chiếm đến 1/5 ruộng đất trong vùng. Kinh thánh tuy không dạy, song thủ đoạn chiếm đất rất giản đơn: cho vay nặng lãi và hối lộ. Nhà chung (hội thánh) lợi dụng lúc mất mùa để cho nông dân vay và buộc phải có ruộng đất để làm bảo đảm. Vì lãi suất tính cắt cổ, nên người An Nam không thể trả nợ đúng hạn; thế là ruộng đất cầm cố vĩnh viễn rơi vào tay nhà chung. Các viên toàn quyền lớn, toàn quyền bé được nước mẹ kí thác vận mệnh xứ Đông Dương, nói chung đều là bọn ngu xuẩn, bọn đểu cáng. Nhà chung chỉ cần nắm được một vài giấy tờ bí mật, thuộc đời tư, có tính chất nguy hại đối với thanh danh, địa vị của chúng, là có thể làm cho chúng hoảng sợ và phải thỏa mãn mọi yêu cầu của nhà chung. Chính vì thế mà một viên toàn quyền đã nhường cho nhà chung 7.000 héc-ta đất bãi bồi của người bản xứ, khiến họ phải đi ăn xin.

            Phác qua như thế, cũng đủ thấy dưới chiêu bài dân chủ, đế quốc Pháp đã cắm vào đất An Nam chế độ đáng nguyền rủa của thời trung cổ; người nông dân An Nam bị hành hình vừa bằng lưỡi lê của nền văn minh tư bản chủ nghĩa, vừa bằng cây thánh giá của giáo hội sa đọa làm ô danh Chúa.

___

Xem thêm:

Hướng dẫn phân tích, cảm thụ văn bản Sài Gòn tôi yêu – Minh Hương tại đây.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận