Sài Gòn tôi yêu – Minh Hương – Để học tốt Ngữ Văn 7

Đang tải...

SÀI GÒN TÔI YÊU

– MINH HƯƠNG –

I/ GIỚI THIỆU CHUNG VỀ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM

1/ Tác giả

            – Minh Hương là nhà văn, nhà giáo, tên thật là Lê Võ Đài, sinh năm 1924 tại huyện Điện Bàn, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

            – Thuở nhỏ học ở Hội An, đến năm 20 tuổi ông theo gia đình vào lập nghiệp ở Sài Gòn với nhiều nghề như: y tá, dạy tư, viết báo.

            – Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông tham gia Cách mạng làm cán bộ Đoàn trường Thanh niên, Học sinh Cứu quốc Sài Gòn – Chợ Lớn, nguyên cán bộ Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh… Những năm 1950 – 1975 ông là cộng tác viên với các báo: Việt Nam học đường, Tiếng chuông, Tiến bộ... tại Sài Gòn. Sau năm 1975, ông cộng tác với các báo Sài Gòn giải phóng, Tuổi trẻ... và các báo khác.

            Ông mất ngày 28 tháng 10 năm 2002 tại Thành phố Hổ Chí Minh.

            – Các tác phẩm chính: “Ba cái dại” (1957), “Người đẹp miền băng tuyết” (1972), “Thế giới kì lạ của loài ong” (1972), “Hoa đồng cỏ nội” (1975), “Hội An quê tôi” (1995), “Nhớ Sài Gòn III” (1995).

2/ Tác phẩm

            – Tình cảm của ông đối với Sài Gòn rất khăng khít, được diễn tả chân thực trong tập “Nhớ Sài Gòn”, dàn trải trong những trang tạp văn, tuỳ bút và phóng sự đầy những nhận xét tinh tế về con người, về cuộc sống ngồn ngộn của Sài Gòn.

            – Đoạn trích “Sài Gòn tôi yêu” được trích trong tập “Nhớ Sài Gòn”, một tập văn thơ nhân dịp kỉ niệm 300 năm Sài Gòn, xuất bản năm 1994 tại Nhà xuất bản Thành phố Hổ Chí Minh.

II/ HƯỚNG DẪN HỌC SINH CẢM THỤ VĂN BẢN

1/ Về nội dung

            – Bài tuỳ bút đã thể hiện một cách chân thành, nồng nhiệt tình cảm yêu mến và sự gắn bó của tác giả với Sài Gòn, nét đẹp của cảnh quan thiên nhiên, sinh hoạt và phong cách con người của thành phố phương Nam của Tổ quốc.

            – Sài Gòn hiện lên qua trang viết của Minh Hương với những nét đẹp riêng, những ấn tượng khó quên, nét khác biệt nhất về khí hậu, thời tiết, thiên nhiên, cảnh vật, đặc biệt là phong cách con người. Người Sài Gòn sống chân thành, bộc trực, thẳng thắn, họ sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn, nguy hiểm.

            – Ông viết về một đô thị mà như trân trọng một người thân, đương thay da đổi thịt để trưởng thành. Thỉnh thoảng, trong một thoáng, ông dừng chân và hồi tưởng lại những mảng kỉ niệm độc đáo, khó quên của những lớp người đã từng sống cách đây vào khoảng những năm 30 – 40 của thế kỉ trươc. Tác phẩm đượm tinh thần hiện đại nhưng vẫn phảng phất nét hoài cổ rất tao nhã.

2/ Về nghệ thuật

            – Qua bài, người đọc thấy nghệ thuật biểu hiện tình cảm, cảm xúc của tác giả rất ấn tượng với một văn phong tài hoa, giàu hình ảnh, nhạc điệu.

            – Giọng văn hóm hỉnh, chân thành, thể hiện cách viết độc đáo, sắc sảo.

            – Chữ nghĩa, ngôn từ gợi lên sắc thái Sài Gòn rất đậm đà.

            – Các so sánh liên tưởng của tác giả cũng rất ý vị mà độc đáo, nhất là đoạn miêu tả vẻ đẹp của các thiếu nữ Sài Gòn.

            – Văn ông khi mộng mơ, trữ tình lúc lại dí dỏm, sắc cạnh. Có những đoạn văn mượt mà, tròn trịa. Có những đoạn lơ lửng, không dứt khoát. Ông dụng tâm dành cho người đọc một vài giây ngơi nghỉ để mà suy nghĩ, để mà hồi ức, để mà tưởng tượng thêm… Sau những câu nhịp nhàng, linh hoạt như loại ngôn từ biền ngẫu cũ xưa là những nhận xét tinh tế, hóm hỉnh và đôi lúc bàng bạc những châm biếm nhẹ nhàng (trích “Lời giới thiệu” của Nhà xuất bản).

III/ HƯỚNG DẪN HỌC SINH PHÂN TÍCH VĂN BẢN

1/ Thể loại

Tuỳ bút (Xem thêm: Một thức quà của lúa non: Cốm).

2/ Bố cục

            – Tác giả đã cảm nhận Sài Gòn về những phương diện: thiên nhiên, khí hậu, thời tiết, cuộc sống, sinh hoạt, dân cư, phong cách con người.

            – Dựa vào mạch cảm xúc và suy nghĩ của tác giả, người đọc có thể phân chia bố cục của bài văn làm ba đoạn:

            Đoạn 1: từ đầu đến… “tông chi họ hàng”, nội dung của đoạn nêu những ấn tượng chung về Sài Gòn, những tình yêu của tác giả với thành phố ấy.

            Đoạn 2: tiếp theo đến… “leo lên hơn năm triệu” là cảm nhận và bình luận về phong cách con người Sài Gòn.

            Đoạn 3: đoạn còn lại: khẳng định lại tình yêu của tác giả với thành phố ấy.

            Ba đoạn trên có sự liên kết khá chặt chẽ.

3/ Phân tích cụ thể

a/ Đoạn 1

            – Trong phần đầu đoạn trích, tác giả đã bày tỏ lòng yêu mến của mình với Sài Gòn qua những cảm nhận chung về thiên nhiên và cuộc sống. Cách nói hóm hỉnh qua một số so sánh “Sài Gòn vẫn trẻ. Tôi thì đương già”, Sài Gòn 300 tuổi so với tuổi 5000 năm của đất nước ta thì vẫn “còn xuân chán”,“như một cày tơ đương độ nõn già” đã gây được rất nhiều ấn tượng cho độc giả.

            – Tiếp đến tác giả bộc lộ một cách nồng nhiệt, thiết tha tình yêu với thành phố. Chính từ tình yêu ấy đã giúp tác giả cảm nhận được hết vẻ đẹp và nét riêng của Sài Gòn.

            – Điệp khúc “tôi yêu” được nhắc đi nhắc lại với một giọng điệu truyền cảm thiết tha “Tôi yêu Sài Gòn tha thiết, “Tôi yêu trong nắng sớm, một thứ nắng ngọt ngào, vào buổi chiêu lộng gió nhớ thương”, “Tôi yêu cả đêm khuya thưa thớt tiếng ồn”,… Tình yêu Sài Gòn đã biến những cái bình thường nhất thậm chí “khó chịu nhất” (tiếng ồn, cái nắng gắt) trong mắt tác giả thành cái thi vị nhất.

            – Tác giả biện minh cho mình bằng câu ca dao nói về quy luật tâm lí thông thường của con người “Yêu nhau yêu cả đường đi/ Ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng”. Đó là một chân lí bất diệt: tình yêu bắt đầu từ cái đơn sơ giản dị, tầm thường nhất, chỉ những trái tim nhạy cảm mới thấu rõ ý được, nó luôn luôn đứng trong mọi thời đại.

            – Thiên nhiên Sài Gòn vì thế khi được lọc qua cái nhìn yêu mến của tác giả rất độc đáo, nên thơ, nên hoạ và không thể trộn lẫn với thiên nhiên miền Trung hay miền Bắc.

            – Nét riêng biệt nổi bật nhất là về thời tiết: “nắng sớm, một thứ nắng ngọt ngào”, “chiều lộng gió nhớ thương”, “cây mưa nhiệt đới bất ngờ”. Thời tiết có sự thay đổi nhanh chóng, đột ngột: “thời tiết trái chứng với trời đang ui ui buồn bã, bỗng nhiên trong vắt lại như thuỷ tinh”.

            – Dường như để đồng điệu với thời tiết, nhịp điệu của cuộc sống cũng rất đa dạng trong những thời khắc khác nhau: “đêm khuya thưa thớt tiếng ồn,… phố phường náo động, dập dìu xe cộ vào những giờ cao điểm,… cái tĩnh lặng của buổi sáng tinh sương với làn không khí mát dịu, thanh sạch”. Phải lắng mình trong nhịp đập thành phố, tác giả mới cảm nhận được những đổi thay trong từng ngày và tổng kết thành quy luật vận động của nó.

b/ Đoạn 2

            – Trong phần thứ hai của bài, tác giả tập trung nói về người Sài Gòn thông qua những đặc trưng về cư dân và phong cách sống.

            – Nhận xét về đặc điểm của cư dân Sài Gòn tác giả cho rằng: “Ở trên đất này, không có người Bắc, không có người Trung, người Nam, người Hoa, người Khơ-me…, mà chỉ toàn là người Sài Gòn cả.”

            – Với nhiều người đây có thể là điều vô lí vì Sài Gòn là thành phố trẻ, năng động, tiếp nhận cư dân từ nhiều vùng, miền khác nhau. Thực chất ý tác giả muốn nói: Sài Gòn tuy có nhiều người từ nơi khác đến nhưng đều thống nhất một phong cách, một lối sống.

            – Nét phong cách nổi bật của con người Sài Gòn là chân thành, bộc trực, cởi mở. Thực tế rõ nét nhất là việc tác giả đã sống ở đây năm mươi năm, những nét tính cách ấy được biểu hiện trong đời sống hàng ngày và trong những hoàn cảnh thử thách của lịch sử.

            – Tác giả đã lí giải và minh chứng cho điều đó rất rõ ràng khiến cho nhận định của mình thêm sức thuyết phục bằng chính trải nghiệm của mình: “Sống lâu, sống qua một thời gian dài ở Sài Gòn, rồi cứ ngỡ mình sinh ra ở đây và vô hình trung đã thừa nhận nơi đây là quê quán của mình”.

            – Tác giả rất khéo léo lựa chọn hình ảnh những cô gái “Thị thành” Sài Gòn, thể hiện nét đẹp của người Sài Gòn từ hình thức đến tâm hồn. Nắng gió ấy, miền đất ấy đã tạo nên những con người “khoẻ khoắn, mạnh dạn” nhưng không thiếu phần yểu điệu, thướt tha”, tự nhiên, hóm hỉnh nhưng cũng có lúc lại e thẹn: “cười ngậm miệng, cười chúm chím”. Nhưng đẹp nhất, đáng yêu nhất vẫn là sự cương trực thẳng thắn, “không có tư thế khúm núm hay màu mè” mà hết sức tự tin, nghĩa là họ vẫn giữ được phong cách dân tộc nhưng không còn mang tư tưởng phong kiến mà rất hiện đại, tiến bộ.

            – Có thể nói đoạn văn viết về những cô gái Sài Gòn là nét đặc sắc nhất, vừa tỉ mỉ vừa khái quát, biểu lộ tấm lòng trân trọng, quý mến của tác giả. Người đọc như được ngắm nghía những bức chân dung nghệ thuật của các cô gái Sài Gòn trong phòng triển lãm hơn bảy, tám mươi năm về trước.

            – Với tác giả, tình yêu Sài Gòn gắn liền với tình cảm trân trọng, quý mến, cảm phục những con người Sài Gòn trong sự hoà quyện “Đất và Người”.

c/ Đoạn 3

            – Tác giả viết qua một so sánh đáng yêu: “Miền Nam là đất lành thì Sài Gòn (…) cũng là một đô thị hiền hoà”. “Đất lành chim đậu…”. Câu chuyện tản mạn về các loài chim ở Sài Gòn có vẻ như đi lạc chủ đề nhưng thực chất lại ẩn chứa những băn khoăn của tác giả về mặt trái của đô thị hiện đại (dù chỉ thoảng qua).

            – Điều quan trọng hơn cả là: Tình cảm của tác giả với Sài Gòn như hướng về một mảnh đất lành, để cư dân bốn phương về hội tụ “sống lâu, sống quen một thời gian dài ở Sài Gòn, rồi cứ ngỡ mình đã sinh ra ở đây và vô hình trung đã thừa nhận nơi đây là quê quán của mình”.

            – Đó là một mối tình “dai dẳng, bền chặt”. Tác giả ước mong tìm được tiếng nói đồng điệu: “Tôi ước mong mọi người nhất là các bạn trẻ, đều yêu Sài Gòn như tôt”.

            – Bài kí với giọng văn hóm hỉnh, chân thành đã đem đến cho người đọc niềm tự hào về mảnh đất Sài Gòn thân yêu của Tổ quốc.

IV/ TRÍCH YẾU TƯ LIỆU THAM KHẢO

LỜI NHÀ XUẤT BẢN

            Tác giả đã sinh sống ở Sài Gòn từ năm 20 tuổi. Tình cảm của ông đối với Sài Gòn rất khăng khít, được diễn tả chân thực trong tập “Nhớ Sài Gòn”, dàn trải trong những trang tạp văn, tuỳ bút và phóng sự đầy những nhận xét tinh tế về con người, về cuộc sống ngồn ngộn của Sài Gòn.

            Ông viết về một đô thị mà như trân trọng một người thân, đương thay da đổi thịt để trưởng thành. Đọc tập sách, ta như bị cuốn hút theo bước chân lang thang của nhà văn, dạo quanh Sài Gòn từ sáng tinh sương, khoảng ba, bốn giờ sáng cho đến tận đêm hôm khuya khoắt. Rồi những bước chân lãng du của ông dẫn dắt ta vượt thời gian, trải qua những ngày giáp Tết năm trước kéo dài cho đến lúc đã ăn xong được cái Tết năm sau. Thỉnh thoảng, trong một thoáng, ông dừng chân và hồi tưởng lại những mảng kỉ niệm độc đáo, khó quên của những lớp người đã từng sống cách đây vào khoảng những năm 30 – 40.

            Ông đưa ta vào nhiều ngõ ngách, lẩn khuất của các xóm, các hẻm để được biết dân tình sinh hoạt như thế nào, thấy được sức sống mãnh liệt của đa số dân lao động, tự mình ngoi lên và đi lên bằng chính sức của mình. Ông nói đến cảnh ngồi nhâm nhi ly cà phê đen trong một quán ọp ẹp hay ăn những bữa cơm “chỉ”, cơm “chạy”, cơm bình dân, cơm lâm vố, cơm xà bần… Một chị bán bánh tráng kẹo, một bà bán bánh téo rao hàng bằng cách nói thơ Vân Tiên, ông thiến hao vừa đạp xe vô xóm vừa thổi ống tiêu vi vu, nhà “dự báo tương lai” mù (thầy bói) cùng chú tiểu đồng gõ beng beng vào cái phèng la nhỏ xíu, lững thững vào xóm… Những nhân vật dân gian còn đương hoạt động hay đã lui về quá khứ, đều được ông ghi lại bằng những hình tượng sinh động và hóm hỉnh.

            Ông cũng nói đến những hàng cây trồng hai bên lề đường, nhất là cây me như những lá phổi bảo vệ môi trường thành phố, lọc sạch không khí nhiễm bẩn, như những cây dù “nắng che mưa đậy” cho khách bộ hành và cho cả những cặp nam nữ thanh niên tuổi mới lớn. Cả những bờ tre, bụi chuối, những mảnh vườn, trảng cỏ ở ngoại ô yên ả, ông cũng không quên. Thỉnh thoảng lại rủ ta về tĩnh dưỡng vài ngày ở đấy để mà nghe cây cỏ thì thầm cùng trăng thanh, gió mát đầy hương quê đôn hậu… Rồi bỗng dưng ông lại nhắc đến những mái tóc phụ nữ, cũng như những đầu tóc đàn ông thay đổi kiểu dáng từng thời kì, từ xa xưa cho đến ngày nay. Còn có những bài viết về xe đạp, xe xích lô như viết về những con người kiên trì, rình chờ suốt mùa mưa để bắt gặp được những ngày xuân hớn hở, rất hiếm hoi của đất địa này…

            Văn ông khi mộng mơ, trữ tình nhắc lại những ngày êm đẹp của thuở hoa niên vô tư, lúc lại dí dỏm, sắc cạnh khi ghi lại những mảnh sinh hoạt hiện nay của phố phường Sài Gòn. Có những đoạn văn mượt mà, tròn trịa quá. Có những đoạn lơ lửng, không dứt khoát. Không phải tác giả không nói được hay không muốn nói hết. Ông dụng tâm dành cho người đọc một vài giây ngơi nghỉ để mà suy nghĩ, để mà hồi ức, để mà tưởng tượng thêm… Bởi vậy, mỗi bạn đọc, tuỳ theo lứa tuổi, cũng sẽ thấy loáng thoáng trong tập “Nhớ Sài Gòn” rất nhiều mảng kỉ niệm của một thời đã qua của mình. Sau những câu nhịp nhàng, linh hoạt như loại ngôn từ biền ngẫu cũ xưa là những nhận xét tinh tế, hóm hỉnh và đôi lúc bàng bạc những châm biếm nhẹ nhàng.

            Chúng tôi xin mượn một đoạn văn của tác giả để nói vế tấm lòng của nhà văn đối với cái đô thị bề thế này và cũng để kết luận “đôi lời”:

            “Cảm ơn Sài Gòn đã cho tôi sống những “ngày không đến nỗi tẻ nhạt, vô vị suốt hơn “năm chục năm trú ngụ trên mảnh đất này…”. Cảm ơn Sài Gòn đã dạy cho tôi biết sống, biết nhớ, biết thương, biết đồng cảm và biết tin tưởng về một tương lai tươi sáng rất gần”.

(Theo Nhớ Sài Gòn, NXB Thành phố Hồ Chí Minh 1994)

___

Xem thêm:

Hướng dẫn phân tích, cảm thụ văn bản Một thứ quà của lúa non: Cốm – Thạch Lam tại đây.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận