Cảnh khuya và Rằm tháng giêng – Hồ Chí Minh – Để học tốt Ngữ Văn 7

Đang tải...

CẢNH KHUYA VÀ RẰM THÁNG GIÊNG

– HỒ CHÍ MINH –

I/ GIỚI THIỆU CHUNG VỀ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM

1/ Tác giả

            – Hồ Chí Minh (1890 – 1969) là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc và Cách mạng Việt Nam. Người đã lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hổ Chí Minh còn là một danh nhân văn hoá thế giới.

            – Hồ Chí Minh cũng là một nhà văn lớn, nhà thơ lớn của dân tộc. Người đã để lại cho nhân dân ta một sự nghiệp văn chương lớn, phong phú về thể loại và đa dạng về phong cách nghệ thuật. Sự nghiệp văn chương của Người nổi bật ở ba lĩnh vực chính: văn chính luận, truyện và kí, thơ ca. Ở mỗi lĩnh vực, Người đều có những đóng góp lớn và khẳng định phong cách riêng. Thơ ca của Người chiếm một khối lượng lớn và mang giá trị văn chương nổi bật.

            – Thơ ca Hồ Chí Minh là sự kết hợp hài hoà giữa văn hoá phương Đông và phương Tây, cổ điển và hiện đại. Nhiều bài thơ của Người hàm súc, uyên thâm, đạt chuẩn mực cao về nghệ thuật. Thơ Người nói ít mà gợi nhiều, là loại thơ có màu sắc thanh đạm, có âm thanh trầm lắng không phô diễn mà như có khép lại đường nét để cho người đọc tự thưởng thức lấy cái phần ý ở ngoài lời. (Roogie Đơnuy)

2/ Tác phẩm

            Chiến dịch Thu đông 1947 bộ đội ta thắng lớn trên các chiến trường Việt Bắc. Hoà chung niềm vui đó, Bác Hồ đã viết hai bài thơ “Cảnh khuya” và “Rằm tháng giêng”. Một bài được viết bằng chữ quốc ngữ, một bài viết bằng chữ Hán, nhưng cả hai bài đểu thể hiện tình cảm và tâm hồn nhạy cảm, lạc quan, yêu đời của Bác.

II/ HƯỚNG DẪN HỌC SINH CẢM THỤ VĂN BẢN

1/ Về nội dung

a/ Bài “Cảnh khuya”

            – Bài thơ đã vẽ nên bức tranh thiên nhiên rất đẹp, vừa có nhạc vừa có hoạ, rất trữ tình, huyền ảo, lung linh qua đó bộc lộ bức tranh tâm hồn của thi nhân: một tâm hồn trong trẻo, yêu thiên nhiên đằm thắm.

            – Lòng yêu thiên nhiên trong bài có sự hoà quyện nhịp nhàng với “nỗi lo nước nhà”. Cảm hứng thiên nhiên chan hoà với cảm hứng yêu nước được diễn tả một cách hàm súc, nhuần nhị trong sáng và đầy chất thơ.

b/ Bài “Rằm tháng Giêng”

            – Bài thơ nói lên cảm xúc và niềm vui dạt dào trong tâm hồn của lãnh tụ vào đêm Nguyên tiêu lịch sử.

            – Thiên nhiên được lọc qua cái nhìn của một thi sĩ – chiến sĩ, vừa khoáng đạt bao la với bầu trời, mặt nước, dòng sông… lại vừa thấm đượm vẻ xuân, tình xuân.

            – Đây cũng là bài thơ trăng tuyệt tác của Hổ Chí Minh, trăng mùa xuân mang không khí và hương vị mùa xuân, mang nét đẹp tròn đầy và viên mãn. Cảnh trăng ở đây là trăng trên sông nước, có con thuyền thấp thoáng trong sương khói đặc biệt là ánh trăng lồng lộng tràn đầy con thuyền nhỏ.

            – Bài thơ thể hiện lòng yêu thiên nhiên cũng như nỗi lòng lo nước, thương dân của nhà thơ – lãnh tụ Hồ chí Minh.

2/ Về nghệ thuật

            – Nét chung lớn là cả hai bài thơ đều có sự kết hợp hài hoà giữa yếu tố cổ điển và hiện đại: cổ điển trong thi liệu (phong, hoa, tuyết, nguyệt, con thuyền, sông xuân, nước xuân, trời xuân, khói sóng), cổ điển trong bút pháp chấm phá, tả cảnh ngụ tình… nhưng lại hiện đại trong sự kết hợp giữa chất thép và chất tình, hiện đại trong chiều sâu thi tứ ở sự vận động hướng đến cuộc sống, tương lai.

            – Cảm hứng thiên nhiên và cảm hứng yêu nước có sự đan xen chuyển hoá rất tự nhiên và nhuần nhị.

III/ HƯỚNG DẪN HỌC SINH PHÂN TÍCH VĂN BẢN

1/ Thể thơ

            – Hai bài “Cảnh khuya” và “Nguyên tiêu” (phiên âm) được làm theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt. Mỗi bài thơ gồm bốn câu, mỗi câu có bảy tiếng, vần gieo ở cuối câu thơ (vần chân). Các câu 1,2, 4 hiệp vần với nhau.

            – Bài “Cảnh khuya” cách ngắt nhịp khác biệt, mô hình chung thường ngắt nhịp 4/3, nhưng câu ngắt là 3/4 và 2/5. Cấu trúc nội dung bài thơ theo trình tự “khai, thừa, chuyển, hợp”, hai câu đầu tả cảnh, hai câu sau tả tình.

            – Bài “Nguyên tiêu” so bản dịch thơ và dịch nghĩa nhiều chỗ không sát nghĩa làm cho ý thơ có chỗ bị thiếu và sai lạc. Mô hình cấu trúc bài giống một bài thơ tứ tuyệt cả về việc bố trí dòng thơ và cách ngắt nhịp.

2/ Phân tích cụ thể

2.1/ Bài “Cảnh khuya”

            Bài thơ tả cảnh suối rừng chiến khu Việt Bắc một đêm thu đẹp và nói lên nỗi thao thức của Bác Hồ kính yêu.

            a/ Hai câu thơ đầu: mở ra khung cảnh núi rừng Việt Bắc trong đêm khuya với bốn nét vẽ: suối, trăng, hoa, cổ thụ.

            – Không gian của núi rừng được đặc tả qua âm thanh của tiếng suối. Nghệ thuật so sánh được tác giả sử dụng rất tinh tế: “Tiếng suối trong như tiếng hát xa”. Liên tưởng này làm cho câu thơ trở nên thi vị, như có sức sống và hơi ấm của con người. Hồ Chí Minh đã lấy động để tả tĩnh, so sánh vừa tạo ra sự chuyển đổi cảm giác vừa gợi trạng thái của không gian núi rừng Việt Bắc vào đêm khuya. Có thể thấy sự đồng điệu của tâm hồn Hồ Chí Minh với hồn thơ ức Trai trong “Côn Sơn ca”: Côn Sơn suối chảy rì rầm/ Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.

            – Bức tranh ở đây không chỉ có âm thanh của tiếng suối mà còn có hình ảnh của trăng: “Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa.” Ánh trăng sáng lồng vào vòm lá, lồng vào bóng của cây cổ thụ, bóng cây in lại những chỗ ánh sáng lọt vào như những bông hoa trên mặt đất. Bức tranh chỉ rất ít sắc màu: khung màu sáng tối, trắng đen nhưng tạo vẻ đẹp lung linh, huyền ảo, một không gian như mộng của thiên nhiên Việt Bắc.

            – Câu thơ có ba nét vẽ rất tinh tế: tầng cao là trăng, tầng giữa là cổ thụ, tầng thấp là hoa, tất cả như đan cài vào nhau chan hoà ấm áp.

            – Chữ “lồng” được điệp lại hai lần biến những hình ảnh thiên nhiên thành sinh thể có hồn, tạo nên chất “tình” rất thi vị của cảnh vật, thiên nhiên như có sự tương giao hài hoà với nhau. Có thể nhớ lại những câu thơ quấn quýt trong “chinh phụ ngâm khúc”: “Hoa giãi nguyệt, nguyệt in một tấm/ Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông/ Nguyệt hoa hoa nguyệt trùng trùng…”

            – Hai vế tiểu đối “Trăng lồng cổ thụ”, “bóng ỉồng hoa” tạo nên bức tranh phong cảnh cân xứng, hài hoà, ngôn ngữ trang trọng, điêu luyện.

            – Có thể nói, với hai câu thơ, Hồ Chí Minh đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên rất đẹp, vừa có nhạc vừa có hoạ, rất trữ tình, huyền ảo, lung linh. Nhà thơ đã mở cửa tâm hồn để giao cảm với ánh trăng thiên nhiên, giao cảm với vẻ đẹp của đất trời và cảm nhận tất cả vẻ đẹp mà tạo hoá đã ban tặng.

            b/ Hai câu thơ sau: Diễn tả tâm tình của thi sĩ

            – Câu thơ “Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ” tạo ra hai vế tiểu đối một bên là cảnh đẹp thiên nhiên, một bên là tâm thế của “người chưa ngủ”. Câu thơ ngắt nhịp 4/3 giống như cái bản lề để chuyển tứ thơ. Cảnh đẹp thiên nhiên “như vẽ”, được in đậm trong ánh trăng khuya nơi chiến khu nhưng đằng sau bức tranh là tâm trạng của Bác chưa ngủ.

            – Tiểu đối tạo ra và nhấn mạnh sự tương phản giữa cảnh đẹp và tâm thế của con người.

            – Câu thơ thứ tư cắt nghĩa nguyên nhân của sự “chưa ngủ”. Hai chữ “chưa ngủ” ở cuối câu 3 điệp lại ở đầu câu 4 đã diễn tả “nỗi nước nhà” triền miên trong tâm hồn của nhà thơ.

            – Trước không gian mênh mông, rộng lớn của thiên nhiên, mặc dù Người rất say mê chiêm ngưỡng tận hưởng vẻ đẹp của trăng nhưng trong hoàn cảnh thực tế, khi đất nước còn chưa độc lập thì tâm trạng của Người cũng chưa thể thảnh thơi được.

            – “Chưa ngủ” để “ngắm trăng” nhưng “chưa ngủ” vì lo cho vận mệnh đất nước và hai nét tâm trạng đó hoà hợp thống nhất trong con người nhà thơ, người chiến sĩ và người thi sĩ – vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Đó cũng là sự hoà hợp giữa chất thép và chất tình mà ta thường thấy trong thơ Hồ Chí Minh. “Vần thơ của Bác vần thơ thép/ Mà vẫn mênh mông bát ngát tình”.

2.2/ Bài “Rằm tháng Giêng”

            a/ Hai câu thơ đầu

            – Bài thơ tả cảnh đẹp đêm trăng sáng trên một không gian bao la của chiến khu Việt Bắc. Đó là ánh trăng xuân tràn đầy và ấm áp tình xuân.

            – Câu thơ đầu: “Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên” nêu rõ thời điểm xuất hiện ánh trăng (đêm nguyên tiêu) và miêu tả ấn tượng chủ đạo về ánh trăng: “chính viên”: trăng ở độ tròn đầy nhất, viên mãn nhất. Miêu tả cảnh đêm nhưng không thấy bóng tối mà chỉ thấy bóng trăng tròn đầy, rực rỡ, tỏa ánh sáng khắp nơi.

            – Ấn tượng về đêm trăng càng được mở rộng với câu thơ thứ hai: “Xuân giang, xuân thuỷ, tiếp xuân thiên”. Ba chữ “xuân” nối tiếp nhau làm nổi bật sức sống mãnh liệt của đất trời trong mùa xuân tươi đẹp. Không gian vì thế cũng được mở ra vô tận và chạm đến cõi vô biên: bát ngát cùng ánh trăng: mặt nước, bóng trăng và bầu trời như tiếp giáp với nhau.

            – Không gian được miêu ta từ xa đến gần, từ thấp lên cao, từ dòng sông của mặt đất lên đến bầu trời xanh cao. Hợp với câu thơ thứ nhất, có thể thấy được sự chuyển mình của không gian đắm đầy ánh trăng từ sông nước đến trời.

            – Cách miêu tả không gian ở đây có sự hoà hợp, thống nhất giữa cái bộ phận và cái chỉnh thể, không miêu tả cụ thể, tỉ mỉ nhưng người đọc khám phá và thấy khí sắc mùa xuân, sắc trăng đêm nguyên tiêu thấm đượm mọi vật và con người.

            b/ Hai câu thơ sau

            – Vẫn tiếp tục triển khai mạch cảm hứng nhưng đặt dòng sông, khói sóng, con thuyền trong một không gian cụ thể hơn: “Yên ba thâm xứ đàm quân sự/ Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”.

            – Cảnh chuyển từ thực sang huyền ảo, lung linh với sự xuất hiện của yếu tố “khói sóng” vốn rất quen thuộc trong thơ cổ (Ví dụ: Yên ba giang thượng sử nhân sầu; Thuyên chở yên hà nặng vạy then) nhưng cũng chính Hồ Chí Minh đã làm mới thi liệu bằng cách đưa vào thơ tính chất hiện đại thậm chí rất thời sự ở vế sau của câu thơ: “đàm quân sự”.

            – Người thưởng trăng không phải các tao nhân mặc khách cùng với chén rượu, chén trà mà là một lãnh tụ dân tộc đang làm nhiệm vụ “bàn quân sự”. Hồ Chí Minh xuất hiện trong thơ bao giờ cũng song hành hai tư cách: thi nhân – nghệ sĩ và chiến sĩ. Con người thi nhân luôn yêu thiên nhiên, ưu ái với ánh trăng (Trăng vào cửa sổ đòi thơ) nhưng con người chiến sĩ có thể quên mình cho tất cả (Việc quân đang bận xin chờ hôm sau hay Chẳng được tự do mà thưởng nguyệt/ Lòng theo vời vợi mảnh trăng thu).

            – Câu thơ cuối vút lên như sự thăng hoa của hồn thơ Hồ Chí Minh với hình ảnh thơ đẹp và đầy màu sắc lãng mạn: Thuyền chở trăng. Trăng đầy sông, đầy thuyền biến sông thành sông trăng, biến thuyền thành thuyền trăng.

            – Khi bàn bạc việc quân đã xong, cũng là lúc con người thi nhân lấn át con người chiến sĩ, để mặc cho tâm hồn nhẹ bay cùng với trăng nguyên tiêu. Con thuyền của vị lãnh tụ, con thuyền kháng chiến trở thành con thuyền trăng nhẹ nhàng trôi trên sông nước mênh mang trở đầy ánh trăng.

            – Câu thơ của Hồ Chí Minh bắt gặp sự tương hợp trong ý thơ cổ điển của Nguyễn Trãi: “Thuyền chở yên hà nặng vạy then ” hay câu thơ của Trương Kế trong “Phong Kiều dạ bạc”: Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền”.

            – Hai câu thơ của hai tác giả đều nói về thời gian khuya và hình ảnh con thuyền trên sông. Trong thơ Trương Kế, tiếng chuông như người khách đến thăm con thuyền đỗ bến, còn trong thơ Bác ánh trăng chan chứa đầy cả con thuyền.

            – Sử dụng nhiều chất liệu cổ thi nhưng Hồ Chí Minh có những sáng tạo nghệ thuật riêng, độc đáo, đem đến cho câu thơ vẻ đẹp và sức sống mới, vừa hiện đại vừa cổ điển, đầy chất tình mà vẫn ánh lên chất thép.

            – Hai bài thơ “Cảnh khuya” và “Rằm tháng giêng” được Bác viết những năm đầu khó khăn của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong hoàn cảnh đầy gian lao đó, ta thấy tâm hồn và phong thái của Hồ Chí Minh vẫn rất thanh tao, ung dung tự tại. Người rất yêu thiên nhiên, làm việc nơi núi rừng có nhiều đêm không ngủ vì việc nước nhưng Người dành nhiều ưu ái cho thiên nhiên với sự rung cảm tinh tế trước trời mây non nước của núi rừng Việt Bắc.

            – Hai bài thơ đểu miêu tả cảnh trăng ở chiến khu Việt Bắc nhưng mỗi bài có nét đẹp riêng:

            Bài “Cảnh khuya” miêu tả ánh trăng trên mặt đất trong sự hoà quyện với bóng cây cổ thụ, có sự xum xuê, rậm rạp của cành lá, có ánh sáng lấp lánh của bóng trăng, có sự thêu dệt như gấm, như hoa của ánh trăng xuyên qua kẽ lá. Cảnh vật giống như một bức vẽ cổ điển.

            Bài “Rằm tháng giêng” tả đêm trăng vào mùa xuân, ánh trăng toả sáng trên sông nước, có con thuyền lướt nhẹ “chở đầy” ánh trăng. Hình ảnh ánh trăng đêm nguyên tiêu được trải dài trong một không gian rộng lớn, có bầu trời, mặt nước, dòng sông…

            – Cả hai bài thơ đều làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn của lãnh tụ – thi sĩ Hồ Chí Minh.

IV/ TRÍCH YẾU TƯ LIỆU THAM KHẢO

THIÊN NHIÊN TRONG THƠ BÁC HỒ (*)

            Trong sự nghiệp văn học mà Hồ Chủ tịch để lại, thiên nhiên luôn là một người bạn thân thiết của Người. Một thiên nhiên trong sáng, tươi vui và rạo rực như có tâm hồn. Đó là phong cảnh quê hương đất nước, phong cảnh thủ đô, phong cảnh nước bạn. Nhưng có lẽ thiên nhiên sống động nhất, tươi đẹp nhất chính là thiên nhiên Việt Bắc. Thiên nhiên ở đây là thiên nhiên tự do, thiên nhiên trong cách mạng và kháng chiến, dưới con mắt, trong tâm hồn của một lãnh tụ cách mạng đang làm chủ lịch sử.

            Thiên nhiên tươi tắn và rực rỡ lạ thường:

“Tiếng suối trong như tiếng hát xa,

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa.”

(Cảnh khuya)

            Hai câu thơ đó gợi lên cảnh một đêm khuya vui và trong trẻo. Tiếng con suối chảy dư dương, êm ả. Một rừng trăng sáng của những cây lớn ngả bóng dài trùm trên mặt đất, lúc ẩn, lúc hiện xen lẫn giữa ánh sáng và bóng tối. Nhà thơ phải có tâm hồn sáng chừng nào thì cảnh khuya hiện lên mới đáng yêu đến thế! Đây lại một đêm xuân đầy trăng nữa trong “Rằm tháng giêng”:

“Rằm xuân lồng lộng trăng soi,

Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân;

Giữa dòng bàn bạc việc quân,

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.”

            Trăng ở đây sáng như tấm lòng của người đón ánh trăng. Quả là một phong cảnh đầy xuân và đầy trăng. Ta hiểu vì sao từ bài thơ này mà ngày Rằm tháng giêng chính thức được Hội Nhà văn Việt Nam lấy làm “Ngày thơ Việt Nam” để tôn vinh truyền thống thơ ca của dân tộc. Cũng Việt Bắc ban ngày trong thơ Bác có một sức sống mãnh liệt:

– “Đường non khách tới hoa đầy

Rừng sâu quân đến tung bay chim ngàn.”

– “Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay

Vượn hót chim kêu suốt cả ngày.

            Một phong cảnh thật là lộng lẫy, vui nhộn và rạo rực!”

            Bên cạnh những cảnh thiên nhiên tươi tắn, trong sáng và rộn rã, Việt Bắc cũng được dựng lên với cả một bức tranh hiện thực sinh động của cuộc cách mạng, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc. Khí thế Cách mạng ào ào như nước vỡ bờ, cuồn cuộn như dòng thác lớn cuốn đi tất cả những gì xấu xa và tối tăm. Sức triều dâng của một dân tộc được ẩn giấu tiềm tàng, giờ đã bật tung lên:

            “Ào, ào, ào… ào, ào, ào…. già nào, trẻ nào, lính nào, dân nào, đàn ông nào, đàn bà nào!”

            Hình ảnh người lãnh tụ của cuộc kháng chiến ở đây chính là Bác. Có điều, Bác không bao giờ tỏ ra mình là thiên tài, là lãnh tụ. Nhưng thực tế khách quan của một vài câu thơ nhỏ đã hiện lên hình ảnh của một lãnh tụ vô sản có tầm vóc lớn, đầy khí phách hào hùng:

“Chống gậy lên non xem trận địa

Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây.”

            Bên cạnh hình ảnh của Bác, Người cha, lãnh tụ của cuộc kháng chiến, cũng được hỗ trợ bằng cả một tập thể lãnh đạo, một bộ tham mưu, đầu não của cuộc kháng chiến. Tuy không xuất hiện từ hình ảnh của riêng ai, nhưng chỉ với một vài câu thơ cũng đủ thấy sự lo lắng, nhiều đêm thao thức của Trung ương trước vận mệnh của dân tộc, để bàn kế hoạch đưa kháng chiến đến thắng lợi:

“Giữa rừng bàn bạc việc quân

Khuya về bát ngát trăng ngân đẩy thuyền. ”

(Rằm tháng giêng)

– “Bàn việc canh chày mới tạm ngơi

Gió mưa thu báo lạnh thu rồi”

(Đêm thu)

            Có được một khí thế Cách mạng hùng hậu là nhờ sự tổ chức và lãnh đạo của Đảng và Bác đã huy động được toàn bộ tinh thần và lực lượng. Một cuộc chiến đấu toàn dân toàn diện của chiến tranh nhân dân, mà một hình thức quan trọng là chiến tranh du kích. Tất cả các lực lượng đó ra quân. Những cụ già với một khí phách hăng hái làm cho quân thù phải khiếp sợ:

“Tuổi cao, chí khí càng cao

Múa gươm giết giặc ào ào gió thu

Sẵn sàng tiêu diệt quân thù

Tiếng thơm Việt Bắc ngàn thu lẫy lừng.”

(Tặng các cụ du kích)

            Cùng đây là những người bạn, người em của Kim Đồng đi liên lạc, đi bắt Tây:“Cháu làm liên lạc/ Bị giặc bắt được/ Lại trốn thoát ngay/ Mang hai lính Tây/ Theo về bộ đội”, hoặc “Cháu có can đảm/ Giơ súng doạ Tây/ Bắt nó hàng ngay/ Lấy được súng nó”.

            Cái đẹp của các em chính là cái đẹp dũng cảm hồn nhiên của tuổi thơ, cái đẹp của những em Lượm trong lửa đạn, cái đẹp tiêu biểu cho cả thế hệ măng non của dân tộc nối bước cha anh.

(Theo Đinh Quang Tốn)

(*): Tên bài do nhóm biên soạn đặt

___

Xem thêm:

Hướng dẫn phân tích, cảm thụ văn bản Bài ca nhà tranh bị gió thu phá – Đỗ Phủ tại đây.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận