Tín ngưỡng tôn giáo và Đạo – Triết học Tôn giáo: Một số vấn đề lý thuyết cơ bản

Đang tải...

Tín ngưỡng tôn giáo và Đạo

LM. Thiện cẩm

UBĐKCG TP Hồ Chí Minh

Khi nói về tôn giáo, chúng ta thường dùng tới ba từ tín ngưỡng, tôn giáođạo. Ba từ này có liên hệ với nhau, nhưng không hẳn có ý nghĩa như nhau. Trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước ta trước đây thường chỉ nói đến tự do tín ngưỡng, sau nay mới nói đến tự do tín ngưỡng, tôn giáo (với một cái phết ở giữa), rồi cũng có những bản văn bỏ cái phết đó đi, thành tự do tín ngưỡng tôn giáo. Tôi còn nhớ, trong một bài viết nào đó, đã hoan hô việc bỏ cái phết đó, bởi vì theo tôi nghĩ, người tồn giáo chúng tôi đòi hỏi tự do tôn giáo, chứ không cần tự do tín ngưỡng, lý do là vì tôi tin cái gì, ai làm sao biết hay kiểm tra được! Phải chăng vì thế mà trong một bản dự thảo về Pháp lệnh tôn giáo (lần thứ 17), tôi thấy có định nghĩa tín ngưỡng là: “Tin vào những điều thiêng liêng chưa kiểm chứng được, vượt khỏi thế giới tự nhiên“. Trái lại, tự do tôn giáo bao gồm sự tự do tín ngưỡng, tự do hành đạo, trong đó những vấn đề như là cơ cấu tổ chức, hệ thống giáo phẩm, luật lệ, lễ bái w., đều là những việc cụ thể, có thể kiểm chứng được, và đều có liên quan đến tổ chức, xã hội của con người, nên thường khi có những mối tương quan đối với chính quyền, nên cần phải được qui định rõ ràng.

Hôm nay, khi thử tìm hiểu ý nghĩa của ba từ này, để xác định rõ hơn mối tương quan giữa những từ ấy, tôi không có tham vọng viết một tiểu luận, hay một bài suy tư, nghiên cứu có tính khoa giáo hay triết lý về mối tương quan này, mà chỉ là đề nghị một hướng suy tư nghiên cứu, hay đóng góp ý kiến cho những người có lẽ cũng đang để tâm suy nghĩ về vấn đề.

Tôi tiếc rằng Từ điển Bách khoa Việt Nam chưa xuất bản đến vần T, nên chưa biết sẽ định nghĩa những từ Tín ngưỡngTôn giáo ra sao. Còn trong Từ điển Tiếng Việt  thì định nghĩa Tín ngưỡng  là: “Tin theo một tôn giáo nào đó”. Theo tôi nghĩ, định nghĩa này không chính xác lắm, bởi vì có tín ngưỡng chưa chắc đã có tôn giáo. Có tín ngưỡng, có thể mới chỉ có một niềm tin nào đó, kể cả những điều bị coi là mê tín dị đoan. Hán Việt Từ điển định nghĩa Tín ngưỡng là: “Tin tưởng và ngưỡng một tôn giáo hoặc một chủ nghĩa“. Như vậy càng cho thấy tín ngưỡng chưa hẳn có tính tôn giáo. Nói cách khác, có tín ngưỡng tôn giáo, mà cũng có những tín ngưỡng không có tính tôn giáo, nghĩa là niềm tin tưởng vào một lý tưởng, một chủ nghĩa, hoặc những giá trị tinh thần, đạo đức v.v… Người Pháp phân biệt croyance religieuse, mà họ đồng hoá với foicroyance philosophique, là một sự xác tín về một giá trị chân lý, hay nguyên tắc triết học nào đó.

Khi đang viết bài này, trong lúc giải lao, tôi được xem một chương trình truyền hình trên kênh 5 của đài truyền hình Pháp, trong đó chiếu cuộc viếng thăm của một ký giả người Thụy Sĩ hay Pháp nào đó, tới một gia đình người Bhutan. Ông chủ nhà dẫn vị khách tới trước bàn thờ trong gia đình. Trên bàn thờ có hình ảnh của những người trong gia đình đã chết, ngoài ra còn có những biểu tượng tín ngưỡng, trong đó đặc biệt hình bộ phận sinh dục nam, chứ không như bên Ấn Độ, người ta chỉ thờ cái linga, dương vật, mà thôi. Được hỏi biểu tượng đó có nghĩa gì, người chủ nhà cho biết đó là biểu tượng của sức mạnh bảo vệ ngôi nhà, và gia đình ông ta. Những niềm tin đó, cũng như nhiều tín ngưỡng dân gian ở nước ta, và ở nhiều nước khác, khó có thể được hệ thống hoá, được đúc kết thành những giáo lý hẳn hoi, như trong các tôn giáo.

Vậy Tôn giáo là gì? Từ điển Tiếng Việt định nghĩa Tôn giáo là: 1. Hình thái ý thức xã hội gồm những quan niệm dựa trên cơ sở tin và sùng bái những lực lượng siêu tự nhiên, cho rằng những lực lượng siêu tự nhiên quyết định về số phận con người, con người phải phục tùng và tôn thờ những lực lượng siêu tự nhiên ấy; 2. Hệ thống những quan niệm tín ngưỡng một hay những vị thần linh nào đó và những hình thức lễ nghi thể hiện sự sùng bải ấy; đạo. Và thêm rằng : Ở Việt Nam có nhiều tôn giáo: đạo Phật, đạo Thiên Chúa, đạo Cao Đài vv.  Định nghĩa quả thật lòng vòng khó hiểu, ngay cả cách sử dụng từ ngữ, như “hình thái ý thức“, xem ra chẳng giải thích được gì. Định nghĩa 2 tương đối nói lên được nội dung từ tôn giáo. Ở đây, chúng ta tạm thời ghi nhận có sự đồng hoá Tôn giáo với Đạo. Điều mà chúng ta phải bàn đến sau này.

Dù sao thì định nghĩa trên không thể được coi là đầy đủ chính xác về Tôn giáo. Trong các dự thảo về Pháp lệnh tôn giáo, tôi thấy các nhà làm luật thường nói tới ba yếu tố : giáo lý, nghi lễ và tổ chức giáo phẩm hay lãnh đạo, cũng có khi nói tới cả hệ thống pháp luật. Thí dụ như trong bản dự thảo Pháp lệnh tôn giáo lần thứ 20, định nghĩa tôn giáo là: “Cộng đồng người cùng chung một tín ngưỡng, có hệ thống giáo lý, giáo luật, giáo lễ và có tổ chức ổn định”. (Ch.I, Điều 3, 1). Định nghĩa này gần giống với định nghĩa của Từ điển Petit Littré của Pháp, nói ràng Tôn giáo là “toàn bộ giáo lý và thực hành tạo nên mối tương quan giữa con người với sức mạnh thần linh“?

Trong khi đó, Hán Việt Từ điển của Nguyễn Văn Khôn, định nghĩa Tôn giáo là: “Giáo lý lấy thần đạo mà lập ra giới ước khiến người ta sừng bái và tín ngưỡng” Theo tôi, định nghĩa này khá mơ hồ, không đáng để tâm.

Vậy tạm thời, chúng ta coi như đã có thể đưa ra một nhận định : tín ngưỡng chưa phải là tôn giáo, bởi vì tín ngưỡng chỉ mới là niềm tin vào một thần linh, một điều linh thiêng, huyền bí nào đó, mà không cần đến một tồ chức, một hệ thống giáo lý, luật lệ nào. Người ta tin vào điều gì đó có khi chỉ một mình mình biết, và có lẽ cũng chẳng xác định rõ rệt được, thậm chí đối với người khác, có thể bị coi là mê tín dị đoan.

Trong cuốn sách đầu tay viết về Kitô giáo vói cấc tôn giáo khác, tôi đã đưa ra 2 định nghĩa về tôn giáo, những trang này được lấy lại hầu như nguyên văn trong bài viết mang tựa đề Triết lý và Tôn giáo, đăng trong Nguyệt sạn Công giáo và Dân tộc số 104, tháng 8 năm 2003, trang 5-19, và được in trong Cỏ dại ven đường Tập 11, trang 220-245. Ở đây cũng xin được trích in lại như sau:

1. Định nghĩa thứ nhất của tôn giáo

Còn về Tôn giáo, thì ngày nay chúng ta có hai ba cách giải thích. Trước hết, theo nghĩa thông thường nhất, dựa vào nguyên ngữ của từ religare trong tiếng La-tinh, là liên kết, nối kết con người với thần linh, hay những thực tại thiêng liêng, siêu nhiên. M.Thilollier viết rằng: “Tôn giáo một đang đòi hỏi một sự truy tầm chân lý, truy tầm nguồn gốc, cứu cánh, mục đích của vũ trụ, hay nguồn gốc con người cùng những tương quan của nó đối với thần linh; đằng khác nó đòi hỏi một toàn bộ tín ngưỡng, một nhu cầu yêu đương cảm kích, một tương quan hoà điệu giữa tiểu thế giới (microcosme) với đại thế giới (macrocosme); tôn giáo là diễn nghĩa của linh thánh và định chế những nghi lễ có tính cá nhân cũng như cộng đồng.”

Còn Tông giáo, theo quan niệm Trung Hoa và Việt Nam, thì được giải thích như sau: chữ Tông do hai chữ MiênThị ghép lại. Miên có nghĩa là mái nhà; còn chữ Thị lại do hai chữ Thượng (viết theo lối cổ) và chữ Tam viết theo lối đứng: vậy Tông giáo có nghĩa là: trên gieo xuống ba cái, là mặt trời, mặt trăng và ngôi sao. Thị như thế là việc thần (Tam thùy, nhật, nguyệt, tinh dã. Quan hồ thiên văn, dĩ sát thời biền: thị, thần sự dã). Gồm tât cả những chữ đó lại, chữ Tông, sẽ có nghĩa là: nhà có Bề trên xuống ơn cho. Khang Hy giải nghĩa ràng: Tông là nhà để thờ ông tổ thứ nhất (Tông tổ miếu dã), ông lại nói thêm ràng: hễ nói đến chữ Tông, trước hết phải hiểu việc thờ phượng (Phàm ngôn tông giả, dĩ chủ tế sự). Sau hết, chữ Tông còn có nghĩa là gốc (Tông bản dã). Chữ Giáo cũng do ba chữ ghép lại: chữ Hào, có nghĩa là trên dưới giao cùng nhau (giao dã); chữ Tứ, nghĩa là con; và cuối cùng chữ Phộc, là gậy. Chữ Giáo như vậy có nghĩa là: người trên dùng gậy để làm cho kẻ làm con vâng theo mình (Thượng sở thí hạ sở hiệu dã).

Vậy Tông giáo có nghĩa là: lời dạy từ Thần trên soi sáng, cũng như hằng cho mặt trời, mặt trăng, ngôi sao đổ ánh sáng xuống đất (Thủ kỳ quang hạ thùy dã).

Nói tóm lại, Tông giáo, theo quan niệm Đông phương hay Tây phương, đều liên kết con người với thần linh. Nó phải có những giáo lý và nghi lễ tế tự. Tất cả những giáo lý và nghi lễ tế tự này diễn tả tương quan hiện hữu cũng như cảm tình của con người đối với thần linh.

2. Định nghĩa thứ hai của tôn giáo

Ngoài định nghĩa trên của Tôn giáo, ngày nay người ta còn cho rằng Tôn giáo không phải do từ Religare, mà là do từ Religere, có nghĩa là chú ý, quan sát, đọc lại. Con người tôn giáo (homo religiosus) trái với con người hờ hững vô tâm (homo negligens). Đó là con người không chấp nhận đời sống có sẵn đấy, hay chỉ là như thế, nhưng muốn đi tìm sức mạnh, tìm chân lý, tìm ý nghĩa cuối cùng của cuộc đời.

Có thế nói đây là định nghĩa tôn giáo theo chiều ngang, trái với định nghĩa thứ nhất, là định nghĩa theo chiều dọc, hướng thượng. Theo định nghĩa này, con người tôn giáo không nhất thiết phải là người hữu thần, nghĩa là tin tưởng vào một thần linh nào đó, mà chỉ cần là người có một ý hướng tâm linh, đi tìm một ý nghĩa, một giá trị cho cuộc đời. Con người tôn giáo theo nghĩa thứ nhất là con người muốn vươn lên cao, đạt tới thần linh; con người tôn giáo theo nghĩa thứ hai là kẻ muốn đi xa hơn cuộc đời, xa hơn hiện tại, hay cũng có thể là con người tìm vào chiều sâu của hiện hữu.

Chính Đức Giêsu xem ra cũng là người tôn giáo theo nghĩa thứ hai này, khi Người khẳng định ràng không cần phải lên núi thánh, lên đền thờ để thờ phượng Thiên Chúa, mà trái lại, phải thờ phượng Người trong thần khí và sự thật (x.Ga 4,21-24). Nói theo kiểu Việt Nam ta, thì đó là đạo tại tâm, chứ không chủ yếu phải biểu lộ ra bên ngoài. Nhưng người ta cũng có thế giải thích Tôn giáo theo nghĩa thứ ba, đó là: một sự tái chọn lựa: Reeligere, và theo nghĩa này, con người tôn giáo là chọn hướng đời mình về phía những thực tại hay giá trị khác hơn là thế giới vật chất, với tất cả những gì hiện có. Nghĩa mới này dung hoà cả hai nghĩa của từ ReligareReligere: chọn hướng về Thiên Chúa hay Thần linh, hoặc chọn tìm về chiều sâu hay đi xa hơn hiện hữu, cũng là một thái độ tôn giáo.

Định nghĩa Tôn giáo theo nghĩa thứ hai và nghĩa thứ ba, là một định nghĩa rất rộng, có thể bao hàm mọi hình thức tôn giáo từ thời bán khai cho tới thời văn minh hiện đại. Thật vậy, những người Néandertal, qua kinh nghiệm săn bắn và ăn thịt các thú vật, đã có ý nghĩ ràng mình có thể tồn tại nhờ cái chết của những loài khác. Rồi đến Homo sapiens và các giống người tiến bộ hơn, chúng ta thấy xuất hiện dấu vết của việc thờ cúng người chết: nhân loại bắt đầu tin tưởng vào một thế giới bên kia, và ý thức về sự liên đới của mình với thế giới đó. Quả thật cái chết và người chết đưa chúng ta tới ngưỡng cửa của linh thiêng, đúng như Trịnh Công Sơn hát trong bài Nối vòng tay lớn: “Người chết nối linh thiêng vào đời.” Vòng tay lớn không khép lại ở cái nút của sự chết, mà trái lại, ở chính chỗ kết thúc cuộc đời ấy, lại mở ra một cái gì vừa có thể là hư vô, vừa là vô biên, vô tận, bất khả tư duy, cảm nghiệm, và có lẽ vì thế mà được coi như linh thiêng, huyền nhiệm, không thể nói ra được, khiến Lão Tử phải thốt lên: “Đạo khả đạo, phi thường đạo. ”

3. Đạo

Xem như vậy, người Trung Hoa và Việt Nam chúng ta thật có lý khi thích nói về Đạo, hơn là nói về Tôn giáo. Chúng ta nói đến Đạo Phật, Đạo Khổng, Đạo Lão, Đạo Công giáo, Đạo Cao Đài vv., những tên gọi như Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo, có lẽ chỉ có sau này.

Đạo đi đôi với Đức, đi đôi với Lý, với Hạnh…, nên người ta mới nói tới đạo đức, đạo lý, đạo hạnh … Hán Việt Từ điển định nghĩa Đạo là: “Đường đi, đường lối. Lý do. Thông suốt. Đạo lý. Nguyên do“, còn trong Từ điển tiếng Việt thì định nghĩa: 1. “Đường lối, nguyên tắc mà con người có bổn phận giữ gìn và tuân theo trong cuộc sống xã hội; thường theo quan niệm cũ. Đạo làm người. Đạo vợ chồng, Ằn ở cho phải đạo; 2. Nội dung học thuật của một học thuyết được tôn sùng ngày xưa. Tìm thầy học đạo; 3. Tổ chức tôn giáo. Đạo Phật, Đạo Thiên Chúa; 4. Đạo Thiên Chúa (nói tắt). Đi đạo (theo đạo Thiên Chúa).. .

Trong định nghĩa này, chúng ta quan tâm tới định nghĩa 1, chỉ thắc mắc không hiểu tại sao các nhà làm từ điển lại thêm cái đuôi: “thường theo quan niệm cũ” vào đây? Chẳng lẽ người thời nay khỏi cần “tôn Đạo qúy Đức” như Lão Tử đã nói, bởi vì theo ông, “Đạo chi tôn, Đức chi quí, phù mạc chỉ mạng nhi thường tự nhiên “nghĩa là: “Đâu phải tôn Đạo, quí Đức là một phận sự bắt buộc, mà là một chiều hướng tự nhiên”. Hay chẳng lẽ cần phải vứt bỏ những “quan niệm cũ” để khẳng định mình không tin theo tôn giáo hay đạo nào cả? Nhưng chẳng lẽ người vô thần là kẻ vô đạo, không cần đến đường lối, nguyên tắc nào cả, cũng chẳng cần đến chữ nhân, chữ nghĩa và chữ hiếu v.v…? Phải chăng thế giới nhân loại ngày nay trở nên càng ngày càng vô nhân đạo, sinh ra nạn khủng bố khắp nơi, chà đạp không những nhân quyền mà còn cả nhân phẩm con người, như hình ảnh các tù nhân Irắc bị lính Mỹ lính Anh hành hạ xỉ nhục, coi như súc vật, đang được báo chí thế giới đăng trên trang nhất. Lão Tử thật chí lý khi bảo rằng: “Thiên hạ hữu Đạo, khước tấu mã dĩ phân. Thiên hạ vô Đạo, Nhung mã sanh ư giao“, nghĩa là: “Thiên hạ có Đạo, ngựa cỡi vun phân ruộng. Thiên hạ vô Đạo, ngựa chiến nuôi ngoài thành” (ĐĐK XLVI, I), có ý nói khi thiên hạ còn Đạo thì ngựa không phải ra trận, mà được thả ra đồng ruộng, vừa kéo cày, vừa bón phân cho đất; trái lại, khi thiên hạ không còn Đạo thì chiến tranh xảy ra, và người ta phải nuôi nhiều ngựa đế đưa vào trận chiến.

Theo tôi nghĩ, con người có thể không cần tin theo một tôn giáo theo định nghĩa thông thường của người Tây phương, hay theo nghĩa là phải gắn bó, liên hệ với một thần linh, nhưng hễ đã là con người có lý trí và có cái tâm, thì không thể nào không gắn bó với một luân thường đạo lý nào đó, hay ít ra cũng là kẻ phải biết đến đạo làm người, chứ không thể sống như con vật được. Bởi vì con người không thể sống hờ hững, vô tâm. Con người khác con vật ở chỗ có cái tâm đó, và nó phải biết sống với tấm lòng. Chính nơi cõi sâu thẳm của tấm ỉòng ấy mà con người có thể tìm được những ý nghĩ và cảm xúc sâu xa, tìm được ý nghĩa của đời mình.

Trong vấn đề Tôn giáo hay là Đạo cũng vậy, đối với người phương Đông chúng ta, chủ thể là cái tâm hơn là lý trí. Mọi sự hình như phát xuất từ tình cảm tự nhiên của chúng ta đối với tha nhân và vạn vật. Cái linh thiêng trước hết phải là cái gì chúng ta yêu mến, quí trọng. Đất có linh, núi có thiêng, người có được gọi là thần, trước hết phải là đất, là núi hay là người gần gũi thân thương, là quê cha đất tổ, là ông bà, tổ tiên hay những người đã có công đối với chúng ta. Trong bài Yêu cầu tâm linh trong đời sống con người, in trong Siêu nhiên trong tự nhiên, tôi có viết: “Tình cảm của dân ta đối với người quá cố thật quá rõ ràng và sâu đậm. Đạo Ông Bà, là Đạo chung của mọi người, chứ không chỉ của những người không có tôn giáo nào khác, như Phật giáo, Công giáo v.v….”

Chính Đạo Ông Bà, chính tình cảm thiêng liêng dành cho linh hôn người quá cố này, là điểm gặp gỡ giữa mọi người dân Việt Nam, không phân biệt Kitô giáo, Phật giáo, Cao Đài, Hoà Hảo, hay “vô thần”, không tôn giáo. Từ chính nền tảng chung này, chúng ta có thể tìm ra một quan niệm nào đó về “cái linh thiêng”, cũng như về yêu cầu tâm linh của dân tộc ta.

Như trên đã nói, cái linh thiêng đối với người Việt Nam chúng ta, không nhất thiết phải là một thực tại thiêng liêng cao cả tuyệt đối nào, mà trước hết hồn thiêng của những người đã chết, đặc biệt là ông bà tổ tiên, cha mẹ, hay hồn thiêng của các bậc vĩ nhân anh hùng của dân tộc, và những bậc có công với làng xóm, hoặc với ông tổ của các ngành nghề. Những vị đó đã có công sinh thành, dạy dỗ, hay đã có công xây dựng quê hương, bảo vệ đất nước, dân làng, hoặc lập ra những vùng đất mới, hay những ngành nghề nuôi sống và làm giàu cho dân chúng. Để tỏ lòng tôn kính biết ơn, dân chúng đã tôn các vị ấy lên hàng thần thánh.

Nhưng dù linh thiêng đến đâu, các vị thần đó cũng vẫn chỉ là những con người : những con người đã có công với làng với nước, và dân chúng tin rằng các vị ấy vẫn còn tiếp tục phù hộ, độ trì cho con cháu và dân lành. Tình cảm thiêng liêng ấy là một thứ “‘Đạo” đối với dân ta, nghĩa là một đường lối xử sự bắt nguồn từ tâm tình yêu mến, ngưỡng mộ và biết ơn. Đạo ấy là một con đường nói liền cái tâm của người sống, đối với ông bà tổ tiên và những bậc có công đối với làng nước. Đạo ấy vẫn là Đạo liên kết con người với con người, là một thứ đạo Hiếu được nối dài ngang qua cái chết, và bằng cách đó, làm cho người chết trở thành bất tử, và mãi mãi hiện diện giữa con cháu và làng nước, khiến cho cả sông núi đều phảng phất những hồn thiêng. Vì thế mà nhà thơ Chế Lan Viên đã thốt lên lời sâu sắc:

Khi ta ở, đất chỉ là đất ở

Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn.

Đất chỉ hoá tâm hồn khi người sống đã ra đi. Nhưng đất lại chỉ linh thiêng đối với những người còn sống.

Sống và chết, hai đầu mối của cuộc đời, cách xa nhau trên dưới một trăm năm. Một trăm năm, kiếp phù sinh kể ra cũng thật là vắn vỏi, tuy nhiên, ngoài những ngọt bùi đắng cay, vui buồn lẫn lộn, ba vạn sáu ngàn ngày ấy còn chứa đựng biết bao điều huyền bí, nghĩa là những điều mà trí tuệ con người chưa bao giờ khám phá và giải đáp được. Nhưng chính những điều huyền bí đó lại là những gì hấp dẫn và, kích thích và mời gọi tâm hồn con người phiêu lưu vào trong thế giới ngoài vật chất và vô hình, để cố gắng giải đáp một trong ba thắc mắc lớn nhất của con người mọi thời đại: con người bởi đâu mà đến, nó là gì, là ai, và rồi sẽ đi về đâu ? Cái bởi đâu và cái về đâu, khép lại một vòng tròn bao bọc kiếp người. Hay nói đúng hơn, cái về đâu lại đưa chúng ta trở về với cái bởi đâu, và như vậy có nghĩa là Alpha và Omega, Khởi nguyên và Cùng tận chẳng qua cũng chỉ là một, cái một không tên tuổi, không thể xác định được. Đó là cái vô danh mà Lão Tử gọi là Vô Vi, là Đạo.

Cái Đạo đó một khi trở thành hữu vi, và được diễn tả dưới hình thức của những giáo lý, học thuyết hay nghi lễ tôn giáo, thì trở nên đa dạng và phức tạp, nhưng trong uyên nguyên thì thực là đơn giản, và không ngôn ngữ hay cử chỉ nào diễn tả được: Đạo khả đạo, phi thường đạo. Danh khả danh, phi thường danh [Đạo Đức Kinh I, 1]. Bởi vì đó là cái không được làm ra, asamskrta, nói theo Phật giáo, nó là tuyệt đối”.

Vậy thì phải nói Đạo có trước rồi mới có Tôn giáo. Đạo mới là cái gì cốt lõi, còn Tôn giáọ chỉ là những cái gì phụ thuộc, tựa như những hạ tầng cơ sở, những bục hay bệ để nâng cao, hay là cái vỏ bọc chứa đựng cái cốt lõi kia. Đó cũng tựa như chiếc Hòm Bia của người Do Thái dùng để chứa đựng Torah, Lề Luật của Giavê, hay Nhà Tạm để đựng Thánh Thể, cung thánh, đền thờ hay nhà thờ để làm nơi Chúa ngự, trong khi vẫn biết thực ra Chúa không cần cung thánh với đền thờ, bởi vì như Người đã phán: “Trời là ngai Ta, đất là bệ dưới chân Ta” [Is 66, 1], hay như Đức Giêsu khẳng định:”Đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem …Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phương Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật” (Ga 4,21.24). Nói theo ngôn ngữ Việt Nam, thì đó là thờ phượng Thiên Chúa trong tâm hồn, chứ không phải trên núi, hay trong nhà thờ, nhà nguyện. Phật không ở trong chùa, trong tượng hay trong kinh. Chúa không chỉ ở trong nhà thờ, trong kinh lễ, mà ở trong sâu thẳm của tâm hồn những kẻ yêu mến Người [x. Ga 14, 23; 16, 9-10].

Chúng ta có thể nói Đức Giêsu đã không lập ra một tôn giáo, mà Người chỉ muốn giới thiệu một Đạo, nghĩa là Con Đường dẫn đưa tới sự sống đích thực, một sự sống không chỉ là siêu nhiên, thuần túy thiêng liêng như người Kitô giáo thường nghĩ, mà là đời sống của con người toàn diện, nghĩa là đời sống của cả tinh thần và thể xác. Vì thế mà Người hằng ngày lo chữa bệnh cho người ta (Mt 8,1 tt), và nếu cần còn bẻ bánh cho người ta ăn no [Ga 6,1 tt], làm phép lạ cho nước lã hoá thành rượu để phục vụ một đám cưới tại Cana [Ga 2,1 tt], đồng thời với việc đem lại bình an cho tâm hồn người ta [Lc 7,36-50; Ga 8,2-11]. Đức Giêsu còn tuyên bố chính Người là Con Đường dẫn đưa nhân loại đến với Chúa Cha [x. Ga 14, 6]. Người ta có thể chỉ đường cho kẻ khác đi, cũng có thể làm ra những con đường, nghĩa là đặt ra những luật lệ, qui tắc cho người khác. Đức Giêsu không chỉ bằng lòng chỉ đường hay làm đường, mà còn trơ thành con đường ấy khi thực hành đời sống yêu thương bác ái tới tận cùng [x. Ga 13, 1], nghĩa là hy sinh tính mạng cho nhân loại mà Người hằng yêu thương (x. Ga 15, 13), để rồi có thể mời gọi chúng ta: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” [Ga 13, 34; 15,12].

Nếu Kitô giáo trước hết là Đạo, rồi dần dần mới phát triển thành Tôn giáo, thì Phật giáo càng là Đạo hơn là một Tôn giáo. Bởi vì Đạo Phật không thờ thần hay Thượng Đế nào cả, thậm chí cũng chẳng thờ Phật. Thật vậy, Phật không phải là thần thánh, mà Phật chỉ là người đã giác ngộ, đã đạt Đạo. Phật chỉ chỉ đường, nêu gương cho kẻ khác, chứ không ban ơn mà cũng chẳng giải thoát ai. Thượng tọạ Thích Minh Châu, một tên tuổi lớn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nói không do dự: “Đạo Phật không phải là một tôn giáo, dù nghĩa “tôn giáo” hiểu theo truyền thống Tây phương hay Đông phương. Nói đến “tôn giáo” là nói đến “tín ngưỡng”, “giáo hội”, “giáo quyền”, “thần quyền”, “thần khải vv. Đạo Phật gồm có đủ những điều vừa kể, nhưng điều quan trọng nhất mà tất cả chúng ta cần phải lưu tâm: những điều vừa kể trên không làm đạo Phật trở thành đạo Phật, mà chỉ là những hình thức tất yếu phát xuất từ sự thoái hoá tinh thần của những người tự nhận là đạo Phật. Đạo Phật không phải là “tôn giáo” mà cũng không phải là “triết lý” hay “triết học”. Tư tưởng triết lý của đạo Phật chỉ là hậu quả tất yếu của sự hình thành biện chứng trong sinh hoạt tâm linh của người theo đạo Phật”.

Một Phật tử Việt Nam khác, Tuệ Quang Nguyễn Đăng Long còn khẳng định Phật giáo không phải là một đạo, một tôn giáo, ông viết: “Thực ra PHẬT PHÁP không phải là một đạo, một Tôn giáoTất cả những chùa chiền, tăng ni, những luật lệ về sự tướng bên ngoài mà ta vẫn thấy ở khắp cõi Á đông ở khắp vùng Đông Nam, (gồm cả Nam Tôn, Bắc Tôn, cho đến các kho tàng kinh điển ở khắp thế giới, “thảy đều chỉ là mấy giọt nước đục, so với bế cả mênh mông, trong suốt là PHẬT PHÁP”.

Nếu theo đúng chủ trương vô ngã và chọn đường lối phá chấp của đạo Phật, thì chúng ta đồng ý với Tuệ Quang Nguyễn Đăng Long, nhưng nếu phải gọi tên Phật giáo, thì có lẽ thượng tọa Thích Minh Châu có lý hơn. Dù thế nào đi nữa, đạo Phật cũng như đạo Kitô,46 trước hết và chủ yếu là một con đường, một lối sống mà Đức Phật và Đức Kitô đã dạy cho loài người. Còn tất những hình thái tôn giáo, như tổ chức, lễ bái, thậm chí cả đến hệ thống giáo lý, giáo luật V.V., cũng đều là những gì có thể so sánh với những y phục, mũ nón, giầy dép mà con người cần có mà thôi, chứ không tuyệt đối cần thiết. Bởi vì như Đức Giêsu đã nói: “Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?” [Mt 6, 25].

Thật vậy, vấn đề quan trọng, thiết yếu đối với Đức Kitô và Đức Phật, là sống như các Ngài đã sống, là đi con đường các Ngài đã đi: đó là con đường bác ái yêu thương, con đường từ bi và bao dung, là quên mình, là phá chấp, và trước tiên là đừng chấp vào cái ngã của mình. Đó là thực hiện kenosis, tức là sự từ bỏ chính mình [x. P1 2, 7], mà Đức Phật gọi là Nairâtmya, hay là Vô Ngã, không còn tham, sân, si.

Đối với Đức Khổng Phu Tử thì lại càng rõ rệt hơn. Tất cả tư tưởng của ông hoàn toàn chỉ có tính nhân bản, tuy ông nhìn nhận có Trời, và coi mình là người luôn hiểu và tuân theo mệnh Trời. Thật vậy, Đạo Khổng chỉ quan tâm tới vấn đề xử thế của con người, sao cho hình thành được một sự hoà điệu giữa Trời và người, giữa người và người, và giữa người và vạn vật. Trong Đạo Khổng không có tín điều, cũng chẳng có tổ chức giáo hội, không có những nghi lễ đặc trưng, mà chỉ đặc biệt quan tâm tới luân thường đạo lý, đặc biệt là đến nhân, nghĩa. Khác với Lão Tử, Khổng Tử không bận tâm đến nguyên lý và cứu cánh của vũ trụ vạn vật, mà chỉ quan tâm đến việc làm sao cho cuộc sống hiện tại của con người được hạnh phúc. Nếu dùng hình ảnh, có thể nói Khổng Tử không quan tâm đến ngọn nguồn hay chỗ tận cùng của dòng sông, cũng chẳng quan tâm đến chuyện “duyên hà khuynh hay duyên hà mãn” theo nghĩa triết lý siêu hình,47 mà chỉ nghĩ đến chuyện làm sao cho dòng sồng ấy chảy êm đềm, không gây sóng lớn gây sạt lở, lụt lội hay tai hoạ cho con người và cây cối, vạn vật.

4. Tương quan giữa đạo và tôn giáo

Khi nghĩ tới mối tương quan giữa Đạo và Tôn giáo, tôi thường hình dung ra hình ảnh dòng nước đầu nguồn với những nhánh sông và dòng sông cả ở hạ lưu. Nước là nước. Sự khao khát tâm linh, hay nói theo Lão Tử, sự tôn Đạo, quí Đức là chiều hướng tự nhiên. Nhưng nước ở đầu nguồn trong lành, ngọt ngào mát rượi, ai cũng muốn uống; còn nước ở hạ lưu, nhất là ở những cửa sông, tuy mênh mông bát ngát, nhưng thường lại đục ngầu và chua, mặn, không ai uống được. Khởi nguyên, Đạo nào cũng có sức lôi cuốn, hấp dẫn, và tất cả các Đấng sáng lập đều được muôn dân ở mọi thời yêu mến tôn vinh, và tặng các Ngài tước tước hiệu cao qúi là Đức: Đức Khống Tử, Đức Phật, Đức Kitô. Nhưng nay thi mặc dầu Tôn giáo có nhiều và được tổ chức ngày càng bề thế, qui củ, thậm chí có khi nắm được nhiều quyền lực cả tinh thần lẫn vật chất, nhưng nhân loại lại giảm bớt lòng tôn quí đối với các tôn giáo nói chung, bởi vì những tôn giáo đó có khi đã vẩn đục ít nhiều, ỉý do là qua bao thời đại, qua không gian và thời gian, dòng chảy của chúng đã lôi theo nhiều rác rưởi, cũng như cuối cùng lại còn nhiễm mặn, nên nhân loại không thể dùng được. Thế mới có hiện tượng có vẻ mâu thuẫn : người ta chết khát giữa dòng nước lũ!

Muốn tìm lại được những giọt nước trong lành, người ta phải tìm về nguồn, hay khoan, đào những giếng nước sâu, hoặc phải đun nước sôi lên cho bốc hơi, rồi hứng lấy những giọt nước đọng lại từ hơi nước đó gặp lạnh mà thành. Đó là để cho tâm mình siêu thoát mà vươn lên, đó là để cho tâm mình lắng đọng nhờ sự gặp gỡ tiếp xúc giữa khát vọng siêu nhiên với tình cảm yêu thương đối với mọi người và mọi vật. Nói cách khác, hãy để cho siêu nhiên gặp gỡ tự nhiên. Hãy để lý trí và tình yêu hoà hợp. Hãy để những lý tưởng cao siêu của tôn giáo gặp gỡ cuộc sống đời thường, như Chúa đã trở nên người phàm, mà Chúa vẫn là Chúa, như thiền sư Suzuki đã thích thú nói lên điều ấy. Ông viết trong cuốn Cốt tủy của Đạo Phật “Tư tưởng đạo Phật và đạo Chúa có chỗ khác biệt hẳn nhau: người đạo Phật không coi lý trí khác với tâm; lý trí ứng hiện tự nơi tâm, và do đó vẫn đồng nhất với tâm; tâm và lí trí mặc dầu đồng nhất mà mỗi thứ vẫn động dụng theo đường lối riêng – lí trí vẫn là lợi khí để chứng minh, để phân biệt, mà tâm vẫn là quan năng của trực giác. Người Công giáo nói: “Chúa hiện xuống làm người để hiệp làm một với loài người. Vậy hiện giờ Chúa ở trong người, và người ở trong Chúa, Chúa là người, và người là Chúa, mà Chúa vẫn là Chúa, và người vẫn là người. Quả đó là một điều kì bí nhất của tôn giáo, một nghịch lý thâm u nhất của triết học; và chính đó là biện chứng nhất như “phân biệt vô phân biệt, và vô phân biệt, phân biệt “của đạo Phật”.

5. Thay lời kết

Loài người chúng ta đã quá khổ vì đã tạo ra những sự mâu thuẫn, đối kháng, thậm chí đối nghịch giữa tâm với vật, giữa siêu nhiên với tự nhiên. Từ đó mà sinh ra sự mâu thuẫn đối nghịch giữa tinh thần và vật chất, giữa Đạo với Đời, giữa duy tâm với duy vật, giữa tôn giáo với chính trị, v.v. Theo thiền sư Suzuki, thì chỉ có sự hoà hợp giữa tâm linh và vật giới mới đem lại một ý nghĩa mới lạ cho cuộc sống. Đối với Kitô giáo thì đó là mầu nhiệm Chúa-làm-người, để cho Đấng là thần linh cao cả trở nên người phàm, và sự thiêng liêng thánh thiện có thể tìm được trong bất cứ sự vật bình thường hay tầm thường nào trong cõi tục này. Hay nói theo thiền sư Suzuki, thì đó là tâm và vật hoà đồng được với nhau. Người Kitô giáo có thể nhận ra sự hoà đồng đó trong trái tim của Đức Giêsu bị đâm thâu trên thập giá: chính trái tim đã chết và vị đâm thủng đó lại trở nên Thánh Tâm trao ban sự sống cho nhân loại, qua những giọt máu và giọt nước cuối cùng từ trong đó chảy ra [x.Ga 19,33-34]. Chính trái tim của Đức Giêsu bị đâm thâu, trái tim của xác chết ấy, cái đã trở thành vật, chỉ còn là thịt, là charnel ấy, đã trở spirituel, thiêng liêng. Trái tim của con người vừa là thịt máu, vừa là tâm linh. Con người vừa là thân xác, vừa là tinh thần. Đó là lý do tại sao chúng ta yêu mến người sống và yêu mến cả người chết. Người Trung Hoa và Việt Nam còn thờ người chết và thắp nhang cúng vái trước linh cữu, trước linh vị người chết. Người chết chỉ còn là một xác chết, đã trở thành vật chất vô tri, nhưng chúng ta lại chỉ thắp nhang và vái lạy người chết, chứ không bao giờ thờ cúng người sống.

Khổng Tử khi được hỏi tại sao lại phải thờ cúng người chết, thì trả lời rằng phải sự tử như sự sinh, nghĩa là phải xử sự với người chết như đối với người sống, như họ còn sống. Nhưng không ai thắp nhang vái lạy hay cúng tế người sống. Vậy điều đáng chúng ta phải suy nghĩ và thực hiện ngày nay, có lẽ 1 sự sinh như sự tử, nghĩa là đừng chờ đến khi người ta chết rồi mới kính mới tôn, mà trái lại, chúng ta cần phải yêu thương tôn trọng lẫn nhau, coi nhau không chỉ như những vật để mua bán, đổi chác, bóc lột, hành hạ, giết chết… Người có tín ngưỡng, có tôn giáo hay người vô tín ngưỡng, vô tôn giáo, hữu thần hay vô thần; cũng như người tôn giáo này với tôn giáo khác, người cùng tôn giáo với người cùng tôn giáo nhưng khác giáo phái, hãy luôn nhớ rằng trước khi là người có tín ngưỡng, có tôn giáo, hay thuộc giảo hội, giáo pháo này hay giáo phái nọ, ai ai cũng phải là người. Và hễ đã là người, thì phải trọn đạo làm người, mà trong cái đạo làm người ấy, có đạo hiếu, đạo vợ chồng, đạo thầy trò vv., và nói chung ai ai cũng phải có đạo nhân, đạo nghĩa, bởi vì theo Đức Khổng, kẻ không có lòng nhân, chẳng xứng danh là người.

Đối với người Kitô, cũng chẳng có con đường nào khác ngoài con đường mà Đức Kitô đã đi, đó là yêu thương tha nhân như chính Thiên Chúa đã yêu thương mình. Đạo của Đức Kitô là Đạo Thiên- Chúa-làm-người. Thiên Chúa đã chỉ làm người, chứ không làm thần làm thánh, và Người đã làm người bằng cách sống viên mãn bản chất hay cốt lõi của tính người, đó là nhân nghĩa, hay lòng yêu thương gán bó với anh em đồng loại. Mọi tín ngưỡng, mọi tôn giáo cũng như mọi học thuyết hay chủ nghĩa đều phải được xây dựng trên nền tảng nhân nghĩa ấy, thì nhân loại mới được thái bình, thịnh vượng. Còn nếu không, thì như chúng ta đã và đang chứng kiến, tín ngưỡng, tôn giáo hay chủ nghĩa, chỉ đưa đến sự chia rẽ, hận thù chiến tranh và đổ vỡ. Có nhiều sự khác biệt về nội dung giáo lý cũng về như về hệ thống tổ chức, lễ bái w., nhưng tựu chung đạo Khổng, đạo Lão, đạo Phật và đạo Kitồ cũng gặp nhau ở một điểm, đó vạch ra cho loài người con đường từ bi (Phật) bác ái (Kitô), con đường nhân nghĩa (Khổng) lấy lòng trăm họ làm lòng mình (Lão).

Xem thêm Quan niệm thần học và triết học. Tôn giáo

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận