Sự phát triển phép biện chứng trong giai đoạn hiện nay

Đang tải...

Phép biện chứng. Triết học Mác

Phép biện chứng duy vật là một hệ thống lý luận phản ánh những quy luật chung nhất của sự vận động và phát triển của hiện thực khách quan. Sự ra đời, phát triển của phép biện chứng duy vật tuân theo những quy luật chung của sự phát triển lý luận, vừa phụ thuộc vào sự phát triển của thực tiễn xã hội, vừa phụ thuộc vào lịch sử phát triển của chính phép biện chứng. Vì vậy để tiếp tục phát triển phép biện chứng trong giai đoạn hiện nay cần phải tuân theo những nguyên tắc sau:

– Phải nghiên cứu lịch sử phát triển của nhận thức và lịch sử phát triển của phép biện chứng với tinh thần phê phán của chủ nghĩa duy vật biện chứng.

– Vận dụng phép biện chứng duy vật để giải đáp những vấn đề do sự phát triển của khoa học hiện đại và thực tiễn xã hội đặt ra.

1. Nghiên cứu lịch sử phát triển của nhận thức và lịch sử phép biện chứng với tinh thần phê phán của chủ nghĩa duy vật biện chứng

Đây là môt nguyên tắc cơ bản của sư phát triển lý luận. Ăngghen nói tư duy lý luận là một khả năng bẩm sinh ở con người, nhưng muốn biến khả năng này thành hiện thực thì không có cách nào khác là phải học lịch sử triết học. Bởi vì triết học của mỗi thời đại là sự tổng kết lịch sử, tổng kết lý luận của thời đại đó. Mỗi hệ thống triết học ra đời trong đó phép biện chứng là một bộ phận cấu thành quan trọng, đều là sự tổng kết lịch sử, là sự kế thừa và phát triển tư duy lý luận lên một trình độ mới. Hêghen khi xây dựng hệ thống triết học của mình, trong đó có lôgic học đã kế thừa nhũng tư tưởng hợp lý của các nhà triết học tiền bối như Anaxago, Hêraclit, Platôn, Arixtôt, Spinôda, Kant, V.V.. Mác, Ăngghen khi xây dựng phép biện chứng duy vật cũng phải nghiên cứu toàn bộ lịch sử triết học, kế thừa tư tưởng biện chứng họp lý của các nhà triết học tiền bối, đặc biệt là tư tưởng biện chứng trong triết học Hêghen. Chính nhờ kế thừa có phê phán phép biện chúng của Hêghen mà Mác và Ăngghen mới sáng tạo ra được một hình thức mới của phép biện chứng – phép biện chứng duy vật. Lênin trong tác phẩm Bút ký triết học và một số tác phẩm khác cũng nghiên cứu, kế thừa tư tưởng biện chứng của nhiều nhà triết học tiêu biểu, đặc biệt là tư tưởng biện chứng của Hêghen, của Mác và Ăngghen để tiếp tục phát triển phép biện chứng duy vật.

Trong giai đoạn hiện nay, muốn phát triển phép biện chứng duy vật, nhất thiết phải nghiên cứu một cách có hệ thống lịch sử phép biện chứng, phải nghiên cứu với tinh thần phê phán như Mác, Ăngghen và Lênin đã thực hiện trước đây.

Chuyên đề này không trình bày chi tiết lịch sử phép biện chứng, mà chỉ nêu lên một cách khái quát ba giai đoạn phát triển chủ yếu của phép biện chứng từ thời kỳ cổ đại đến nay với những đặc trưng nổi bật của mỗi thời kỳ. Điều đó cho chúng ta thấy, trên những nét cơ bản, tính chất khoa học, tiến bộ hon của phép biện chứng duy vật so với các hình thức khác của phép biện chứng. Tuy nhiên điều đó chưa đủ đế làm rõ những bước phát triển cụ thể của phép biện chứng đã diễn ra như thế nào trong lịch sử, và như vậy cũng chưa làm rõ được quỵ luật phát triển của phép biện chứng. Vì vậy, để nhận thức được quy luật phát triển của phép biện chứng và vận dụng quy luật để tiếp tục phát triển phép biện chứng trong điều kiện mới hiện nay, nhất thiết phải nghiên cứu tỷ mỷ lịch sử phép biện chứng. Nhiệm vụ này sẽ được giải quyết trong một chuyên đề khác, dưới đây chỉ đặt ra những yêu cầu như là nhũng định hướng cho sự nghiên cứu tiếp theo về vấn đề lịch sử phép biện chứng để tiếp tục phát triển phép biện chứng trong giai đoạn hiện nay.

Phải có quan điểm khách quan, toàn diện và lịch sử cụ thể khi nghiên cứu, đánh giá một học thuyết triết học nào đó trong lịch sử. Muốn vậy cần: Thứ nhất, nghiên cứu sự ra đời, biến đổi các học thuyết triết học trong những hoàn cảnh lịch sử vốn có của nó. Tách rời hoàn cảnh lịch sử ra đời của chính học thuyết triết học nào đó sẽ làm mất một yếu tố khách quan quy định sự ra đời học thuyết triết học đó, điều đó làm cho việc phân tích, đánh giá dễ rơi vào chủ quan sai lệch; Thứ hai, phải căn cứ vào văn bản gốc, phân tích nội dung chi tiết của chính các học thuyết. Không nên đánh giá một học thuyết triết học chỉ dựa trên ý kiến của ngưòi khác về học thuyết triết học đó, dù ý kiến đó là như thế nào và của ai. Bởi vì những ý kiến đó dù sao cũng có yếu tố chủ quan của người nhận xét, nên không thể chính xác và đầy đủ như chính văn bản gốc. Tuy nhiên khi nêu lên yêu cầu này, không có nghĩa là phủ nhận, hoặc xem thường những nghiên cứu có giá trị của người khác. Chính vì vậy, cùng với yêu cầu này, để đảm bảo tính khách quan, toàn diện khi nghiên cửu, đánh giá một học thuyết triết học trong lịch sử còn phải có một yêu cầu thứ ba nữa là: khi nghiên cứu, đánh giá một học thuyết triết học ừong lịch sử, người nghiên cứu phải đối chiếu sự nghiên cứu, đánh giá của mình với nhiều ý kiến với các quan điểm, góc độ tiếp cận khác nhau đối với học thuyết triết học đó. Làm như vậy mới tránh được sai lầm chủ quan, một chiều trong nghiên cứu, đánh giá các học thuyết triết học trong lịch sử, mới có thái độ phê phán một cách khoa học, đúng đắn.

Đó là những yêu cầu vừa cụ thể, vừa cơ bản trong khi thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu các học thuyết triết học trong lịch sử để tìm hiểu lịch sử phép biện chứng, đảm bảo tính khách quan, khoa học nhằm nhận thức đúng quy luật phát triển của phép biện chúng duy vật.

2. Vận dụng phép biện chứng duy vật để giải đáp những vấn đề do sự phát triển của khoa học hiện đại và thực tiễn xã hội đặt ra

Đây cũng là một nguyên tắc cơ bản để phát triển phép biện chứng duy vật trong giai đoạn hiện nay. Phép biện chứng duy vật sở dĩ có tính khoa học và cách mạng vì nó liên hệ mật thiết với thực tiễn. Chính Mác và Ăngghen khi vận dụng phép biện chứng vào thực tiễn xã hội đã phát hiện ra những khiếm khuyết trong phép biện chúng duy tâm của Hêghen, từ đó với tinh thần phê phán một cách khoa học, các ông đã khắc phục được những khiếm khuyết đó, đưa phép biện chứng lên trình độ mới. Liên hệ chặt chẽ với thực tiễn trở thành một đặc trưng bản chất của phép biện chứng duy vật, đồng thời đảm bảo cho phép biện chứng duy vật tránh rơi vào tính chất giáo điều, kinh viện.

Ăngghen trong tác phẩm Biện chứng của tự nhiên và Lênin trong tác phẩm Chủ nghĩa duy vật chiến đấu, cũng đã đề ra yêu cầu phải họp tác giữa các nhà triết học và các nhà khoa học tự nhiên để phát triến triết học và khoa học tự nhiên. Bởi vì các khoa học cụ thể trong đó có khoa học tự nhiên là sự khái quát lý luận những mặt, nhũng lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội và của hiện thực khách quan ở những cấp độ cao thấp khác nhau. Nó cung cấp cho triết học những tài liệu sinh động về thế giới vật chất để từ đó triết học xây dựng được những quan điểm, những kết luận tổng quát hơn và sát họp hơn với thực tiễn đời sống xã hội, với hiện thực khách quan. Điều đó chứng tỏ vai trò quyết định của thực tiễn xã hội và quá trình phát triển khoa học tự nhiên đối với sự phát triển lý luận nói chung và sự phát triển phép biện chứng duy vật nói riêng.

Vậy ở đây phép biện chứng duy vật phải giải quyết những vấn đề nào của khoa học hiện đại và của thực tiễn xã hội? Có thể nêu một vài vấn đề cụ thể sau:

– Quan điểm triết học về vật chất dưới ánh sáng của các phát minh khoa học tự nhiên hiện đại, như những nghiên cứu trong thế giới vi mô, tính chất của các hạt cơ bản, tính chất sóng và tính chất hạt của ánh sáng, bản chất của khối lượng trong môi trường vật chất vận động gần với vận tốc ánh sáng, v.v. Bản thân những nội dung khoa học của vật lý học vi mô không phải là phạm vi nghiên cứu của triết học. Nhưng triết học phải tổng kết những nghiên cứu mới của vật lý học để đưa ra những khái quát về mặt thế giới quan. Tổng kết những thành tựu mới của vật lý học về mặt thế giới quan cho thấy: Những nghiên cứu của vật lý học hiện đại càng đi sâu vào thế giới vật chất càng phát hiện ra nhiều tính chất mới và những hình thức liên hệ, chuyển hoá lẫn nhau mới của thế giới vật chất. Điều đó càng chứng minh cho tính khoa học, đúng đắn của những quan điểm lý luận của phép biện chứng duy vật. Những quan điểm đó khẳng định rằng: Thế giới vật chất là vô cùng vô tận, các sự vật trong thế giới tồn tại trong sự liên hệ, chuyển hoá lẫn nhau, không có sự vật, hiện tượng, quá trình nào tồn tại trong sự tách rời, biệt lập hoàn toàn với các sự vật, hiện tượng khác.

– Nguồn gốc thế giới, nguồn gốc sự sống, nguồn gốc loài người qua những phát hiện mới của khoa học tự nhiên hiện đại như thế nào; Sự sống có từ bao giờ? Nhân tố nào quyết định đến sự xuất hiện của sự sống, trong vũ trụ bao la có nơi nào tồn tại sự sống nữa không hay chỉ có trên trái đất của chúng ta? Cơ sở tự nhiên cho sự hình thành ý thức và hoạt động tinh thần của con người như thế nào? Vai trò yếu tố sinh học đối với sự phát triển ý thức của con người như thế nào? v.v. Đây không phải chỉ là những vấn đề của riêng khoa học cụ thể, mà là những vấn đề có ý nghĩa lý luận quan trọng, cần phải được tổng hợp, khái quát về mặt thế giới quan để khẳng định và phát triển hơn nữa cơ sở khoa học của phép biện chứng duy vật, đấu tranh chống những quan điểm duy tâm, siêu hình dưới nhiều hình thức khác nhau đang cản trở sự tiến bộ xã hội.

– Số phận con người, tương lai loài người sẽ như thế nào khi phát hiện ra bản đồ gen, khi có thể thực hiện việc sinh sản vô tính, khi tình trạng ô nhiễm môi trường đã tăng đến mức báo động, nhiều bệnh dịch hiểm nghèo mới xuất hiện mà con người khó kiểm soát được, nhiêu sự biến đổi khí hậu, thời tiết đe doạ đến cuộc sổng của con người? Càng ngày chúng ta càng thấy con người và tự nhiên, cá nhân và xã hội, hoạt động của con người và môi trường xung quanh có quan hệ chặt chẽ với nhau. Con người, xã hội con người là một bộ phận của tự nhiên. Con người không thể tự do, tùy tiện hoạt động, khai thác tự nhiên một cách bừa bãi, trái với quy luật tự nhiên được. Nếu không nhận thức được mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, không tự điều chỉnh hoạt động của con người phù hợp với những quy luật của tự nhiên thì chính con người lại hủy hoại môi trường sống của mình, chính con người lại tạo ra vũ khí để giết mình. Phép biện chứng duy vật không thể lẩn tránh vấn đề này, cần phải tổng họp những tài liệu khoa học, cùng với những ngành khoa học khác tìm ra phương pháp để điều chỉnh hoạt động của con người phù họp với quy luật của thế giới, đảm bảo sự phát triển bền vũng cho con người và xã hội.

– Quan hệ giữa các giai cấp, các dân tộc trên thế giới hiện nay như thế nào khi Mỹ đang tăng cường thực hiện kế hoạch phòng thủ tên lửa, đang thay đổi khái niệm chiến lược phòng thủ quân sự, khái niệm chống khủng bố, lợi dụng vấn đề nhân quyền, dân chủ, tôn giáo để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước mà Mỹ cho là không có thiện cảm với mình. Đây là những vấn đề chính trị quan trọng, nhưng đồng thời cũng là những vấn đề của lý luận triết học, của phép biện chứng duy vật. Phép biện chứng duy vật không phải chỉ là những công thức khô cứng, những khẩu hiệu trống rỗng, mà phải là tinh thần sống động của sự nghiên cứu các vấn đề chính trị thực tiễn cấp bách hiện nay. Phải nghiên cứu một cách khách quan, toàn diện hệ thống chính trị, kinh tế thế giới, các mối quan hệ giữa chính trị và kinh tế giữa các quốc gia, dân tộc hiện nay, qua đó mà bổ sung, phát triển những nội dung lý luận của phép biện chứng duy vật.

– Đối với nước ta những vấn đề biện chứng của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, biện chứng của quá trình công nghiệp hoá hiện đại hoá, biện chứng giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, giữa tăng trưởng kinh tế và đảm bảo công bằng xã hội, phát triển con người toàn diện, vv., cũng là những vấn đề lý luận vừa cơ bản, vừa cấp bách. Giải quyết những vấn đề lý luận cơ bản trên đây vừa đòi hỏi phải đứng trên quan điểm biện chứng duy vật, vừa làm phong phú nhiều nội dung của phép biện chứng duy vật. cần phải thấy rằng con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam diễn ra trong những điều kiện đặc thù, đó là chúng ta đi lên chủ nghĩa xã hội từ một xã hội còn ở trình độ lạc hậu, chưa phát triển, nền kinh tế sản xuất nhỏ là chủ yếu, lực lượng sản xuất phát triển không đều, chủ yếu ở trình độ thủ công, phân tán. Ngoài ra chúng ta còn bị chiến tranh tàn phá, hậu quả của cuộc chiến tranh còn rất nặng nề. Do vậy việc xây dụng một xã hội mới với các mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh ở nước ta là một quá trình rất lâu dài và khó khăn, đòi hỏi tính chủ động sáng tạo của nhân tố chủ quan rất cao. Tuy nhiên tính chủ động cao của nhân tố chủ quan cũng dễ rơi vào sai lầm chủ quan duy ý chí. Thực tế quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta những năm trước Đổi mới (trước năm 1986) đã cho thấy điều đó. Chúng ta đã áp dụng máy móc mô hình chủ nghĩa xã hội của Liên Xô cho nước ta, nóng vội xóa bỏ quan hệ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất mà không nghiên cứu điều kiện đặc thù về lực lượng sản xuất của nước ta. Do vậy chúng ta đã không tạo điều kiện cho lực lượng sản xuất phát triển. Cho nên lý luận và thực tiễn phải gắn bó chặt chẽ với nhau. Lý luận không dựa trên thực tiễn thì không thể phát triển được. Thực tiễn không có lý luận soi đường thì thực tiễn cũng không thế thành công được. Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta phải đồng thời xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời tiến hành công nghiệp hoá hiện đại hoá; phát triển lực lượng sản xuất đồng thời phát triển quan hệ sản xuất, làm cho quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất; phát triển kinh tế đồng thời phải phát triển văn hoá, khoa học, xây dựng hệ thống chính trị, thực hiện dân chủ, công bằng xã hội, phát triển toàn diện con người. Đó thực sự là sự tác động biện chứng giữa nhiều mặt trong suốt quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Hình thức của các mối quan hệ chắc chắn có nhiều thay đổi trong các giai đoạn phát triển khác nhau, đòi hỏi chúng ta phải nhận thức kịp thời. Chính những khái quát lý luận của thực tiễn quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta và các nước khác hiện nay là sự bổ sung cho lý luận của phép biện chứng duy vật trong thời đại hiện nay.

Những vấn đề lý luận và thực tiễn trên đây đều là những vấn đề mới nảy sinh do sự phát triển của khoa học hiện đại và thực tiễn xã hội hiện nay đặt ra. Giải quyết những vấn đề đó đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu và phát triển hơn nữa lý luận của phép biện chứng duy vật. ở đây giáo trình mới phác họa ra vấn đề phải tiếp tục phát triển phép biện chứng duy vật cùn2 với sự phát triển của khoa học hiện đại và thực tiễn xã hội như một nguyên tắc bắt buộc, một yêu cầu tất yếu, mà chưa đi sâu thực hiện nguyên tắc này. vấn đề này cần triển khai trong nhiều chuyên đề chuyên sâu khác.

Tóm lại, nguyên tắc phát triển phép biện chứng trong giai đoạn hiện nay là vừa phải nghiên cứu lịch sử phép biện chứng vừa phải vận dụng phép biện chứng để giải quyết những vấn đề do thực tiễn xã hội và sự phát triển khoa học hiện đại đặt ra.

Xem thêm Biện chứng duy vật và ý nghĩa phương pháp luận

 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận