Sự giàu đẹp của tiếng việt – Đăng Thai Mai – Để học tốt Ngữ Văn 7

Đang tải...

SỰ GIÀU ĐẸP CỦA TIẾNG VIỆT

– ĐẶNG THAI MAI –

I/ GIỚI THIỆU CHUNG VỀ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM

1/ Tác giả

            – Đặng Thai Mai (1902 – 1984) quê ở làng Lương Điền, xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

            – Ông xuất thân trong một gia đình khoa bảng giàu lòng yêu nước. Ông tham gia cách mạng từ rất sớm (những năm 30) và trở thành nhà văn, nhà nghiên cứu văn học, nhà hoạt động xã hội có uy tín.

            – Ông đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy chính quyền và các cơ quan văn nghệ. Ông được vinh dự nhận nhiều giải thưởng của Nhà nước cho những đóng góp to lớn trong cả hai lĩnh vực này: Huân chương Hồ Chí Minh (1982), Giải A Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1986), Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt 1, 1996).

            – Đặng Thai Mai là một trong những hội viên lớp đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam (1957).

2/ Tác phẩm

            – Gồm các tác phẩm: “Văn học khái luận” (Nghiên cứu, 1944), “Triết học phổ thông” (Nghiên cứu, 1949), “Giảng văn Chinh phụ ngâm” (Chú giải, bình giảng, 1950), “Văn thơ Cách mạng Việt Nam đầu thế kỉ XX” (Nghiên cứu, 1961), “Trên đường học tập và nghiến cứu” (Nghiên cứu, phê bình, 3 tập: 1959, 1969, 1970), “Hồi kí” (1985),… Ngoài ra, ông còn dịch và giới thiệu nhiều tác phẩm nước ngoài.

            – “Trong các công trình nghiên cứu cũng như lí luận, Đặng Thai Mai đã hấp dẫn người đọc bằng một vốn kiến thức sâu rộng và tiên tiến, một nghệ thuật diễn đạt tinh tế và uyển chuyển, một ngòi bút đầy sắc sảo và giàu sức thuyết phục, đôi khi pha chất hài hước, châm biếm một cách thâm thuý...” (Trích Từ điển Văn học, tập 7, NXB Khoa học Xã hội, ,1983).

            – Bài “Sự giàu đẹp của tiếng Việt” là đoạn trích từ phần đầu của bài nghiên cứu “Tiếng Việt, một biểu hiện hùng hồn của sức sống dân tộc” in lần đầu vào năm 1967, được bổ sung và đưa vào “Tuyển tập Đặng Thai Mai” (Tập II).

II/ HƯỚNG DẪN HỌC SINH CẢM THỤ VĂN BẢN

1/ Về nội dung

            – Bài văn đã chứng minh sự giàu có và đẹp đẽ của tiếng Việt trên nhiều phương diện: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp. Tiếng Việt, với những phẩm chất bền vững và giàu khả năng sáng tạo trong quá trình phát triển lâu dài của nó, là một biểu hiện hùng hồn của sức sống dân tộc.

            – Đọc văn bản, càng thêm yêu quý và tự hào về sự giàu đẹp của tiếng Việt đồng thời không ngừng gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt.

2/ Về nghệ thuật

            – Đoạn văn được viết nên bằng những lí lẽ, chứng cứ chặt chẽ và toàn diện.

            – Tác giả đã kết hợp khéo léo giữa giải thích với chứng minh, bình luận. Cách lập luận rất chặt chẽ: nêu nhận định ở phần mở bài, sau đó giải thích và bình luận ở phần nhận định. Dùng các dẫn chứng để chứng minh, lạm tăng sức thuyết phục của lí lẽ.

            – Cách chuyển đoạn, cách trình bày lí lẽ và dẫn chứng, cách chuyển ý, chuyển đoạn, cách tiểu kết của tác giả vừa khoa học, vừa tinh tế.

III/ HƯỚNG DẪN HỌC SINH PHÂN TÍCH VĂN BẢN

1/ Bố cục

            Đây chỉ là một đoạn trích nên bố cục không hoàn chỉnh, có thể chia thành các phần như sau:

            – Phần mở đầu (đoạn 1, 2): Nêu luận điểm khái quát.

            – Phần khai triển (còn lại): vẻ đẹp và sức sống của tiếng Việt. Phần này gồm hai ý:

            + Từ “Tiếng Việt, trong cấu tạo của nó…” đến “…rất ngon lành trong các câu tục ngữ”’. Tiếng Việt trong con mắt người nước ngoài.

            + Từ “Tiếng Việt chúng ta gồm có…” đến hết: Những yếu tố tạo nên vẻ đẹp và sức sống của tiếng Việt.

2/ Phân tích cụ thể

a/ Phần mở đầu

            – Tác giả khẳng định giá trị to lớn và địa vị quan trọng của tiếng Việt. Từ đó, ông đưa ra luận điểm bao trùm: “Tiếng Việt có những đặc sắc của một thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay”. Tác giả đồng thời nói rõ niềm tự hào về tiếng Việt và sự tin tưởng hơn nữa vào tương lai của tiếng Việt của mỗi con người Việt Nam chúng ta ngày nay.

            – Để giải thích cho nhận định trên, tác giả đưa ra những đặc sắc của tiếng Việt – một thứ tiếng đẹp và hay, thể hiện qua hai yếu tố: nhịp điệu và cú pháp, về mặt nhịp điệu thì “hài hòa về mặt âm hưởng, thanh điệu”, về mặt cú pháp thì “rất tế nhị, uyển chuyển”. Tiếng Việt lại rất giàu có, phong phú: “Có đầy đủ khả năng để diễn đạt tình cảm, tư tưởng của người Việt Nam và để thỏa mãn cho yêu cầu của đời sống văn hóa nước nhà qua các thời kì lịch sử”.

            – Nhận xét của tác giả dựa trên cơ sở thực tế là khả năng biểu đạt và biểu cảm phong phú của tiếng Việt. Các câu trong đoạn văn có sự liên kết với nhau hết sức chặt chẽ về mặt nội dung. Câu thứ nhất là nhận xét khái quát về phẩm chất của tiếng Việt. Hai câu sau giải thích ngắn gọn và rành mạch cái đẹp, cái hay của tiếng Việt. Cách lập luận đi từ khái quát đến cụ thể như vậy khiến người đọc dễ theo dõi, dễ hiểu.

b/ Phần khai triển

            – Phần này có 22 câu, tác giả dùng 21 câu để chứng minh tiếng Việt đẹp và hay, dùng 1 câu để tiểu kết.

            – Để chứng minh cho vẻ đẹp của tiếng Việt, tác giả đã trình bày những ý kiến theo hai phương thức gián tiếp và trực tiếp. Với mỗi phương thức tác giả đưa ra những chứng cứ cụ thể giàu sức thuyết phục.

            – Phương thức gián tiếp: Những ý kiến về tiếng Việt của người nước ngoài, từ người không biết tiếng Việt đến người biết tiếng Việt. Nhiều người ngoại quốc sang thăm nước ta, tiếp xúc với nhân dân ta đã nhận xét “tiếng Việt giàu chất nhạc”. Một giáo sĩ phương Tây rất thạo tiếng Việt đã ca ngợi tiếng Việt là một thứ tiếng “đẹp” và “rất rành mạch trong lối nói, rất uyển chuyển trong câu kéo, rất ngon lành trong những câu tục ngữ”. Tác giả đã sử dụng trích dẫn với một lối viết nghiêm túc: “nói có sách mách có chứng”.

            – Tác giả còn trực tiếp phân tích miêu tả các yếu tố ngôn ngữ của tiếng Việt: ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng.

            + Ngữ âm: Tiếng Việt có hệ thống nguyên âm, phụ âm phong phú và giàu thanh điệu. Đó là một thứ tiếng khá đẹp.

            + Ngữ pháp: Tiếng Việt rất uyển chuyển và chính xác hơn.

            + Từ vựng: Tiếng Việt gợi hình, giàu nhạc điệu, có khả năng dồi dào trong việc cấu tạo từ ngữ và hình thức diễn đạt. Không những thế thứ tiếng này có sự phát triển về hai mặt từ vựng và ngữ pháp theo tiến trình của lịch sử, nó thích ứng và phát triển đến tận ngày nay.

            – Qua sự sắp xếp hệ thống luận cứ và dẫn chứng toàn diện về mọi mặt của tiếng Việt, người đọc thấy được cái hay và cái đẹp của tiếng Việt.

            – Cái đẹp ở sự hài hoà về, âm hưởng, thanh điệu, “giàu hình tượng ngữ âm như những âm giai trong bản nhạc trầm bổng”, ở sự “cân đối, nhịp nhàng”.

            – Cái hay ở sự tế nhị, uyển chuyển trong cách đặt câu có khả năng diễn đạt những tư tưởng và tình cảm của con người, không những thế nó còn thoả mãn các yêu cầu phát triển của đời sống văn hoá ngày một phức tạp về kinh tế, chính trị, khoa học, kĩ thuật, văn nghệ. Tiếng Việt “đã không ngừng đặt ra những từ mới, những cách nói mới hoặc Việt hóa những từ và những cách nói của các dân tộc anh em và các dân tộc láng giềng…”.

            – Câu cuối đoạn, tác giả khẳng định rằng tiếng Việt về mặt cấu tạo, về khả năng thích ứng với hoàn cảnh lịch sử đã chứng tỏ “sức sống của nó”.

            – Điểm nổi bật trong nghệ thuật nghị luận trong bài văn này là việc tác giả kết hợp hài hoà giữa giải thích, chứng minh, bình luận. Các lập luận trong bài rất chặt chẽ và dẫn chứng bao quát và toàn diện.

            – Trước khi chứng minh tác giả đã giải thích ngắn gọn: tiếng Việt đẹp, tiếng Việt hay. Ngoài ra, cách chuyển đoạn và cách trình bày lí lẽ và dẫn chứng, cách chuyển ý chuyển đoạn, cách kết bài vừa khoa học vừa chặt chẽ làm cho người đọc càng thêm yêu mến và tự hào về tiếng Việt

IV/ TRÍCH YẾU TƯ LIỆU THAM KHẢO

            * Những ý kiến nói về sự giàu đẹp phong phú của tiếng Việt, nhiệm vụ giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

            Trong bài “Sự trong sáng của tiếng Việt trong thơ” Xuân Diệu đã viết:

            (…) Tiếng Việt ta giàu đẹp, trong sáng. Bài thơ là sự tổ chức ở trình độ cao của ngôn ngữ, một tổ chức chặt chẽ, tinh tế của ngôn ngữ, không lộn xộn rối rắm, không phí phạm lời nói, không nhầm lẫn nghĩa chữ; thơ chọn cách nói ngắn nhất mà giàu đẹp nhất, dồn chứa nhiều chất lượng nhất, mà câu thơ vẫn cứ trong sáng nhẹ nhõm, ung dung”.

            – Bài thơ “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ có những câu sau:

… Trái đất rộng giàu sang bao thứ tiếng

Cao quý, thâm trầm, rực rỡ, vui tươi

Tiếng Việt rung rinh nhịp đập trái tim người

Như tiếng sáo như dây đàn máu nhỏ.

… Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ

Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn

Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá

Tiếng Việt ơi tiếng Việt ân tình…

            * Giữ gìn tiếng Việt trong sáng theo gương Hồ Chí Minh

            Tiêu biểu cho ý thức trách nhiệm về sự chăm sóc môi trường giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, vẫn là Hồ Chí Minh, trên cả hai tư cách: Nhà văn hóa và Chủ tịch nước.

            Tiếp theo là các vị lãnh đạo Phạm Văn Đồng, Trường Chinh và nhiều nhà lãnh đạo cao cấp khác. Đáng tiếc là từ hơn mười năm nay nhiệm vụ bảo vệ tiếng Việt của những người cầm bút đã bị xem nhẹ dần dẫn đến tình trạng môi trường tiếng Việt dang bị “ô nhiễm” nghiêm trọng và toàn diện, cả về dùng từ, cấu trúc câu, chính tả, lạm dụng tiếng nước ngoài… (Riêng về chính tả, thì nạn viết tắt đã đến mức “đáng sợ”, với những câu, cụm chữ tắt như đánh đố bạn đọc).

            Một nhà văn lão thành nổi tiếng đã nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, có lần đã nói với tôi rằng: Nhà văn chúng ta cần có ngoại ngữ, nhưng trước hết là hằng ngày phải chăm lo học tiếng Việt. Thì chính danh nhân văn hóa, nhà văn đa ngữ Hồ Chí Minh, cũng đã có lần tâm sự với giới báo chí, văn nghệ là “Đến ngày Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ra tờ báo Thanh niên, thì mình lại học viết tiếng ta”(*). Sự học viết ấy của Bác Hồ xuất phát từ một nhận thức khoa học đầy tâm huyết “Tiếng nói là một thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phát triển ngày càng rộng khắp”. Sau này, hơn một năm trước lúc “đi xa”, Bác lại khẳng định tiếp “Tiếng Việt của ta rất phong phú, ta phải làm giàu thêm cho tiếng của ta”.

            Bác đã nhiều lần thẳng thắn nêu lên những cái tật trong viết và nói, làm cho nghèo đi, làm vẩn đục cái kho tàng và môi trường tiếng Việt. Chẳng hạn, cái tật “vay mượn lu bù” chữ Hán để “lòe thiên hạ” (cũng như hiện nay, đang rộ lên các mốt khoe khoang tiếng Anh). Tuy nhiên, tôi cũng không quên rằng, đã từ lâu, Bác Hồ vẫn nhấn mạnh “… Còn bây giờ khác, sinh hoạt đã cao hơn, người ta thấy hay, thấy lạ, thấy văn chương thì mới thích đọc”. Có nghĩa là muốn sáng hồn văn, thì phải luôn đề cao trách nhiệm tận tâm, tận trí, tận lực bảo vệ và phát huy sự trong sáng của tiếng Việt. Văn phong Hồ Chí Minh cũng như văn phong của mỗi nhà văn hóa lớn ở nước ta, cho tôi bài học về một bản lĩnh như vậy. Cái bản lĩnh phấn đấu và cống hiến vì sự nghiệp “Trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Tôi hiểu lời Hồ Chí Minh “Trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam” có nghĩa là xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc như tiêu đề Nghị quyết V của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa VIII). Nhưng trau dồi bằng khả năng và sức mạnh nào? Về vấn đề này, Bác Hồ đã đề xuất một cách giải quyết thấu đáo như sau: “Bất đắc dĩ mới phải dùng chữ. Thí dụ: Độc lập – Tự do – Hạnh phúc, là chữ Trung Quốc, nhưng ta không có những chữ gì dịch thì cố nhiên ta phải dùng. Nếu quá tải, không mượn, không dùng hoặc là nói “Việt Nam đứng một”, thì không ai hiểu được… đã mượn thì phải mượn cho đúng”.

            Bác đã nêu lên hai nguyên nhân dẫn đến sự vay mượn khi không cần thiết, hoặc vay mượn không đúng, vì:

            1. Không quý báu tiếng nói của dân tộc. Tự ti.

            2. Học không đến nơi đến chôn.

            Bác nhấn mạnh: “Vay mượn là cần, nhưng phải chống lạm dụng, chống lười biếng. Cần có cuộc vận động chống lạm dụng tiếng nước ngoài, lạm dụng chữ Nho. Có vô số trường hợp có thể tìm tiếng ta mà không chịu khó tìm. Đây cũng phải theo nguyên tắc tự lực cánh sinh là chính, phải quý báu tiếng mình, dựa vào bản thân nó để phát triển nó là chính, vay mượn là phụ”. Bác còn đề xuất: “Cần nghiên cứu cách đặt từ của mình, nghiên cứu thêm cách đặt từ mới của mình”. Lời Bác Hồ cách đây hàng chục năm, vẫn còn giữ nguyên giá trị nóng hổi trong nhiệm vụ giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, hiện nay.

Minh Huệ (Báo Văn nghệ)

(*) Từ đây, lời của Hồ Chí Minh (trong ngoặc kép) đều trích từ cuốn sách Về công tác văn hóa văn nghệ – Nhà xuất bản Sự thật – 1971.

___

Xem thêm:

Hướng dẫn phân tích, cảm thụ văn bản Sài Gòn tôi yêu – Minh Hương tại đây.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận