Sau phút chia li – Đặng Trần Côn – Để học tốt Ngữ Văn 7

Đang tải...

SAU PHÚT CHIA LI

(TRÍCH TRINH PHỤ NGÂM KHÚC)

– Đặng Trần Côn –

I/ TÌM HIỂU CHUNG VỀ TÁC GlẢ, TÁC PHẨM

1/ Tác giả

            Nguyên văn chữ Hán là của Đặng Trần Côn, phần diễn Nôm hiện chưa rõ của ai trong hai tác giả là: Đoàn Thị Điểm và Phan Huy Ích, nhiều ý kiến vẫn cho đây là bản diễn Nôm của Đoàn Thị Điểm.

            – Đặng Trần Côn, sống vào khoảng đầu thế kỉ XVIII, ông người làng Nhân Mục, nay thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội.

            – Đoàn Thị Điểm (1705 – 1748), là một phụ nữ có tài sắc, người làng Giai Phạm, huyện Văn Giang, xứ Kinh Bắc, nay thuộc huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.

2/ Tác phẩm

            – Sau phút chia li được trích trong chinh phụ ngâm khúc (khúc ngâm của người phụ nữ có chồng ra trận).

            – Bối cảnh ra đời của tác phẩm là khoảng năm 1741 – 1742, nhưng tác phẩm xuất hiện vào nửa đầu thế kỉ 18, thời kì này đất nước đã vắng bóng giặc ngoại xâm, chiến tranh nội bộ phong kiến đã chấm dứt. Phan Huy Chú viết: “Chinh phụ ngâm, một quyển do Hương cống Đặng Trần Côn soạn. Vì đầu đời Cảnh Hưng có việc binh đao, cảnh biệt li của ngươi đi linh thú khiến ông cảm xúc mà làm”, Cuộc chiến tranh được nói đến ở đây là chiến tranh phi nghĩa, do giai cấp thống trị gây ra để đàn áp dân đen.

II/ HƯỚNG DẪN HỌC SINH CẢM THỤ VĂN BẢN

1/ Về nội dung

            – Toàn bộ tác phẩm là khúc ngâm về nỗi lòng sầu thương, nhớ nhung của người vợ có chồng ra trận.

            – Đoạn trích “Sau phút chia li” nói về tâm trạng của người vợ ngay sau phút chia li – người chinh phụ tiễn chồng ra trận. Nỗi buồn nhớ, cô đơn, niềm khao khát hạnh phúc của nàng chinh phụ giữa thời chiến tranh loạn lạc mang ý nghĩa thể hiện khát vọng hoà bình của nhân dân, lên án chiến tranh phi nghĩa.

            – Tinh thần nhân đạo là giá trị to lớn và sâu sắc của tác phẩm chinh phụ ngâm khúc.

2/ Về nghệ thuật

            – Cảm xúc chủ đạo, giọng điệu của đoạn thơ rất điêu luyện tài tình, những điệp từ, điệp ngữ như chạm khắc, như thấm sâu vào tâm tư con người, những tâm sự kín đáo tế nhị của người chinh phụ khi xa chồng không còn gì có thể khoả lấp nỗi sầu thương.

            – Ngôn từ tinh luyện, biểu cảm, hình tượng thơ mĩ lệ, nhạc điệu du dương, câu thơ song thất lục bát của khúc ngâm đã trở thành cổ điển. Cách nói ước lệ tượng trưng, cấu trúc song hành đối xứng, biện pháp liên hoàn tượng trưng được sử dụng tài tình và đem lại hiệu quả thẩm mĩ cao, diễn,tả một cách sinh động và vô cùng tinh tế tâm trạng nhớ nhung, đau xót tột cùng của người chinh phụ khi xa chồng.

III/ HƯỚNG DẪN HỌC SINH PHÂN TÍCH VĂN BẢN

1/ Thể loại

            – Ngâm khúc là một thể loại thơ ca do người Việt Nam sáng tạo, nó có chức năng chuyên biệt trong việc diễn tả những tâm trạng sầu bi, nỗi buồn đau triền miên của con người.

            – Thể loại này rất phổ biến trong thời trung đại, khi các triều đại phong kiến lâm vào khủng hoảng thường gây ra muôn vàn nỗi khổ cực cho nhân dân. Tiêu biểu ở thể loại này của văn học Trung đại Việt Nam là tác phẩm “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn và “Cung oán ngâm khúc’ của Nguyễn Gia Thiều.

2/ Thể thơ

            – Ở dạng tiêu biểu nhất, thể ngâm khúc được sáng tạo dưới dạng thơ song thất lục bát, có sự kế thừa và phát triển từ thể thơ thất ngôn (bát cú hoặc tứ tuyệt) Đường luật và thể thơ lục bát trong ca dao.

            – Thể thơ song thất lục bát: Mỗi khổ gồm bốn dòng, hai dòng đầu mỗi dòng 7 tiêng, hai dòng sau là 6 và 8 tiếng, số lượng khổ thơ không hạn định, nhịp của thể được ngắt là 3 – 4 (hoặc 3/2 – 2) trong câu còn có tính nhạc phong phú và hấp dẫn. Vần trong câu song thất gần, giống với vần trong thơ lục bát, chữ cuối cùng của câu 7 trên hiệp vần với chữ thứ 5 của câu 7 dưới và đều là vần trắc. Chữ cuối cùng của câu 7 dưới lại hiệp với chữ cuối của câu 6 và đều là vần bằng. Khổ sau tiếp nối khổ trước bằng cách hiệp vần giữa chữ cuối của câu bát khổ trước với chữ thứ 5 của câu 7 đầu tiên ở khổ tiếp theo và cũng là vần bằng. Hai câu lục bát của thể thơ này cũng có hình thức như thể thơ lục bát bình thường.

3/ Phân tích cụ thể

            – Đoạn thơ 12 câu, trích từ câu 53 đến câu 64 của khúc ngâm, đã thể hiện một cách cảm động tâm trạng cô đơn và nỗi sầu chia li của người chinh phụ trong những ngày đầu, sau khi tiễn chồng ra trận.

a/ Bốn câu thơ đầu

            – Là hình ảnh người chinh phụ với nỗi sầu trong cảnh chia li, tiễn biệt chồng lên đường đi chinh chiến. “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ“ đó là một câu khái quát rõ nét đặc điểm bài thơ.

            – Nỗi buồn sầu chia li nặng nề như nhuốm vào từng cảnh vật, trời mây, núi ngàn vũ trụ cũng thấm nỗi sầu chia li.

            – Cách dùng phép đối “chàng thì đi – thiếp thì về” và hình ảnh “mây biếc”, “núi xanh” càng khắc sâu tô đậm sự đối lập giữa kẻ ở người đi, một hiện thực đau đớn không gì thay đổi được là hai vợ chồng phải chia tay, sự xa cách của hai người như khoảng cách ngàn trùng của vũ trụ. Câu thơ tái hiện bi kịch của thời loạn lạc. Xét về phương hướng, “đi”“về” ở hai phía đối lập (có thể liên tưởng đến câu thơ “Người lên ngựa, kẻ chia bào” trong đoạn trích “Thúc Sinh từ biệt Thuý Kiều” – Nguyễn Du, sự chia li đã thành hiện thực không thể níu kéo.

            – Hai hình ảnh tượng trưng “cõi xa mưa gió” và “buồng cũ chiếu chăn” có sự hô ứng nhau, thể hiện một cách sâu sắc nỗi đau khổ của “đôi lứa thiếu niên” khi “trời đất nổi cơn gió bụi”.

            – Câu thơ còn gợi ra bóng dáng đoái trông mòn mỏi của người chinh phụ, hình ảnh mây biếc, núi xanh gợi lên khoảng cách nghìn trùng vời vợi giữa hai người. Ba chữ “đoái trông theo” gợi tả cái nhìn đăm đăm về phía chân trời xa, dõi theo hình bóng người chồng thân yêu đã cách ngăn bởi màu “mây biếc, núi xanh”. Hình bóng người chinh phu khuất dần chỉ còn lại người vợ trẻ lẻ bóng giữa trống vắng bao la của trời đất làm cho bầu trời càng như cao hơn, mênh mông hơn, xa ngăn cách trở bởi “ngàn núi xanh”. Hình ảnh “mây biếc” và “ngàn núi xanh” là hai hình ảnh ước lệ rất đẹp. Tác giả đã khéo léo sử dụng ngoại cảnh để thể hiện tâm trạng thương nhớ, sầu tủi và cô đơn của chinh phụ. Lấy ngoại cảnh để biểu hiện tâm cảnh theo quan điểm “thiên nhân tương đồng” là bút pháp cổ điển của thơ trung đại.

b/ Bốn câu thơ tiếp

            – Nỗi buồn cô đơn của người chinh phụ được khắc sâu, tô đậm qua cách nói ước lệ tượng trưng ở đoạn này:

Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại

Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang

Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương

Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.

            – Các địa danh Hàm Dương, Tiêu Tương trong bài đều mang tính ước lệ nên khi sử dụng để chỉ khoảng cách giữa người chinh phụ với chồng, đã không mang nghĩa xác định một khoảng cách thực, trái lại, càng làm cho khoảng cách ấy trở nên mơ hồ, không thể đo đếm được, cho nên ở hai câu lục bát, người chinh phụ trở đi trở lại hai địa danh này, như muốn xác nhận lại cảnh cách chia đôi ngả của hai vợ chồng. Việc đảo vị trí của hai địa danh Hàm Dương – Tiêu Tương nhấn mạnh tâm thế người vợ, thế giới dường như chỉ còn thu lại trong hai địa danh: Tiêu Tương, Hàm Dương, hai đầu của nỗi nhớ – sự xa cách ngóng trông mòn mỏi ở tận cùng nỗi nhớ.

            – Các phép đối, lặp từ, đảo từ đều có hàm ý diễn tả hình ảnh người chinh phụ đang ngóng trông chồng. “Cây, bến, khói” không chỉ còn là những điểm không gian vô tình mà như gửi gắm cả niềm thương nhớ của người chinh phụ, đau đáu, ám ảnh. Ở chốn “buồng cũ chiếu chăn”“thiếp vẫn trông sang” nhưng chỉ thấy “cày” thấy “bến”, thấy “khói” mịt mù, không gian địa lí bao la biến thành không gian tâm tưởng trống vắng càng làm nổi bật bi kịch của lứa đôi.

            – Chữ “cách” được điệp lại hai lần, kết hợp với “mấy trùng” nhấn mạnh khoảng cách không gian và tình cảnh chia li.

            – Động thái chủ đạo của người chinh phụ là “ngóng trông” và vì yêu chồng cho nên nàng hình dung rõ cảnh người chinh phu cũng đang ngóng về mình như thế nào: chàng ngoảnh lại – thiếp trông sang. Tâm hồn hai người rất gần gũi, sự xa cách ở đây là sự xa cách về không gian vật chất cho nên càng làm cho tình cảnh xót xa hơn

c/ Bốn câu thơ cuối đoạn

            – Cực tả nỗi buồn của nàng chinh phụ trong sự trông ngóng nhớ thương, càng trông ngóng càng vô vọng, cô đơn.

            – Nỗi sầu đó được tiếp tục gợi tả và nâng lên đến cực độ, sự xa cách ở mức độ ngàn trùng, hoàn toàn không thấy bóng dáng con người đâu, một sự tuyệt vọng não nùng, trống vắng tới cực điểm.

            – Nếu như trong bốn câu thơ trên, giữa người chinh phụ và chồng còn có một khoảng cách mơ hồ thì đến bốn câu cuối cùng, hai người đã ngàn dâu thăm thẳm. Các điệp từ “cùng, thấy” trong hai câu 7 chữ và cách nói về ngàn dâu thể hiện trạng thái ngóng trông của hai vợ chồng, hình ảnh này được lặp đi lặp lại hết sức tài tình đã “thăm thẳm” lại còn “xanh ngắt”. Câu thơ vừa có độ sâu và cả độ xa.

            – Màu xanh là màu của khoảng không vũ trụ, trời cao thăm thẳm mênh mông, choán hết cả tâm tư con người, màu xanh ở đây không còn là màu hi vọng mà biến thành màu của tâm tưởng, của sự li biệt.

            – Các từ ngữ “cùng trông lại”,“cùng chẳng thấy”, “thấy”, “ngàn dâu”… “ngàn dâu”, “.. ai” lúc thì tương phản, lúc thì hô ứng, đăng đối, tăng cấp, lúc thì điệp và láy, đã tạo nên nhạc điệu du dương, tha thiết, diễn tả một cách xúc động một tâm trạng đầy bi kịch thời loạn lạc.

            – Biện pháp nghệ thuật liên hoàn và cách diễn tả trùng điệp được sử dụng nhuần nhuyễn, chữ “thấy” ở câu bảy trên được nhắc lại ở đầu câu bảy dưới, chữ “ngàn dâu” cuối câu bảy dưới lại được điệp lại đầu câu sáu, đã làm cho thơ liền mạch, làm nổi bật nỗi sầu, nỗi buồn li biệt triền miên.

            – Nỗi sầu chia li có thể đúc thành khối, thành núi, nó không thể đo đếm được. Câu thơ cuối là một câu hỏi tu từ, một hình thức nghi vấn “ai sầu hơn ai”, đây không phải là câu hỏi so đo mà chỉ nhấn mạnh nỗi sầu của người chinh phụ ở trạng thái cao độ về nỗi niềm xót xa thương nhớ.

            – Bài thơ là nỗi đau chia cắt trong chiến tranh, đồng thời thể hiện niềm khát khao hạnh phúc của người phụ nữ, mong ước cuộc sống yên bình. Tác phẩm thấm nhuần giá trị nhân đạo cao cả.

IV/ TRÍCH YẾU TƯ LIỆU THAM KHẢO

CHINH PHỤ NGÂM

            Ra đời vào nửa đầu thế kỉ XVIII với nguyên tác bằng Hán văn của Đặng Trần Côn, liền sau đó được Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm diễn nôm (dịch thành quốc ngữ) *^{(1)}  “Chinh phụ ngâm” đã mau chóng đi vào lòng mọi tầng lớp quần chúng. Trải qua hơn hai thế kỉ rưỡi cho đến nay, “Chinh phụ ngâm” luôn giữ nguyên giá trị của một viên ngọc văn chương sáng ngời, một sản phẩm đáng tự hào của xứ sở vốn “nổi tiếng thi thư” (Lời của Nguyễn Trãi – thế kỉ XV).

            Nguyên tác “Chinh phụ ngâm” bằng Hán văn của Đặng Trần Côn là một tác phẩm văn chương đặc sắc. Không những giới nho sĩ Việt Nam mà cả các bậc văn nhân Trung Hoa, đều yêu thích và khâm phục tác phẩm này. Bằng văn tài xuất sắc, Đặng Trần Côn sử dụng thể thơ tự do như “cổ phong” trong “Nhạc phủ” hoặc thể “từ” mà Khuất Nguyên và Lí Bạch từng sử dụng, để viết nên một tác phẩm trữ tình hiếm có, mô tả tâm sự sâu xa của một thiếu phụ vắng chồng.

            Văn chương trong “Chinh phụ ngâm” vô cùng diễm lệ, chứa chan tình cảm, uyển chuyển và đầy nhạc điệu. Trong số thi phẩm Hán văn của nền văn học nước ta, hiếm có tác phẩm sánh ngang được với “Chinh phụ ngâm”.

            Với “Chinh phụ ngâm” bằng quốc ngữ, xưa nay nhiều bậc thức giả uyên bác đã phân tích và đánh giá về nhiều phương diện. Vậy mà, ngày nay những khám phá mới mẻ và sâu sắc hơn vẫn tiếp tục ra đời. Điều đó chứng tỏ “Chinh phụ ngâm” súc tích biết chừng nào về giá trị nội dung lẫn giá trị nghệ thuật.

            Thời Lê mạt (Cảnh Hưng) – chúa Trịnh (Trịnh Giang, Trịnh Doanh) là một thời kì nhiễu nhương và thối nát. Bọn vua chúa hoang dâm, ích kỉ và tàn bạo đã đẩy dân chúng vào cảnh lầm than, điêu đứng. “Thượng bất chính hạ tắc loạn”. Đất nước chìm đắm triền miên trong cảnh loạn lạc, máu lửa và binh đao. Hàng ngàn vạn gia đình phải rơi vào tình cảnh chia li tan tác, tạo nên số phận bi thảm của những chinh phu và chinh phụ. Nỗi đau thương tưởng chừng thấu tới tận trời xanh. “Chinh phụ ngâm” ra đời như tiếng than vần thống thiết của con người, của tình yêu đôi lứa, của gia đình trong cái thời đại đen tối ấy.

            Trước hết, bằng sự bóc trần thực trạng đời sống – nhất là đời sống nội tâm tràn ngập sầu đau – của người chinh phụ, tác phẩm nêu lên một luận đề hết sức quan trọng của xã hội: chiến tranh và hoà bình.

“Thuở trời đất nổi cơn gió bụi

Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên.”

            Chỉ hai câu thơ đủ cho ta thấy: Một khi chiến tranh xảy ra thì con người nói chung, và đặc biệt là người phụ nữ, lập tức bị đẩy vào nghịch cảnh, vào nỗi khổ đau vô tận. Chiến tranh mà “Chinh phụ ngâm” đề cập chỉ là chiến tranh mưu bá đổ vương, bảo vệ ngai vàng của bọn vua chúa phong kiến. Cách nhìn chiến tranh như vậy chứng tỏ tác giả “Chinh phụ ngâm ” đã đứng vững như bàn thạch trên một lập trường duy nhất: Lập trường của chủ nghĩa nhân bản. Bằng lập trường tiến bộ đó, tác giả vạch trần mâu thuẫn giữa quyền lợi của quần chúng nhân dân với quyền lợi ích kỉ của bọn vua chúa. Khi người chinh phụ vắng chồng phải sống những tháng năm đằng đẵng trong đau khổ, còn người chinh phu ngoài chiến địa bị đẩy vào cảnh chết chóc:

“Non kì quạnh quẽ trăng treo

Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò

Hồn tử sĩ gió ù ù thổi

Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi.”

            Thì ở chốn triều đình bọn vua chúa chẳng biết đấy là đâu:

“Trên trướng gấm thấu hay chăng nhẽ?”

            Câu thơ “Mặt chinh phu ai vẽ cho nên” đã tố cáo thẳng thừng kẻ thủ phạm tạo ra tấn bi kịch của chinh phu và chinh phụ: Đó chính là bọn vua chúa.

            Vạch trần bộ mặt hắc ám của chiến tranh, “Chinh phụ ngâm” đồng thời diễn tả giấc mộng đê mê của chinh phụ: Giấc mộng đoàn viên:

“Liên ngâm đối ẩm đòi phen

Cùng chàng lại kết mối duyên đến già

Cho bõ lúc sầu xa cách nhớ

Giữ gìn nhau vui thuở thanh bình”.

            Giấc mộng đoàn viên của chinh phụ phản ánh khát vọng hoà bình của nhân dân ta trong thế kỉ XVIII loạn lạc và tang tóc.

            Rõ ràng “Chinh phụ ngâm” muốn khẳng định chân lí: Hoà bình là điều kiện tiên quyết của hạnh phúc con người và hạnh phúc lứa đôi. Với lập trường nhân đạo sâu sắc triệt để, “Chinh phụ ngâm” đi vào chiều sâu thăm thẳm của tâm hồn một phụ nữ phương Đông và khắc hoạ nên một bức tranh về thế giới tâm hồn kì diệu ấy. Không một ai không cảm thán trước vẻ đẹp vô ngần về tình cảm, sự thuần khiết và cao quý về đức hạnh, sự mẫn tuệ và sự khả ái của nàng, vẻ đẹp tuyệt vời của tâm hồn người con gái Việt Nam chúng ta đã gặp trong ca dao, dân ca, truyện nôm khuyết danh. Ở “Chinh phụ ngâm ”, chúng ta gặp lại vẻ đẹp ấy nhưng đã được nâng cao hơn một bậc đáng kể nhờ sự gia công của văn chương bác học…

            “Chinh phụ ngâm” – cuốn nhật kí tâm hồn của một người chinh phụ – đã cho chúng ta thấy tầm vóc cao đẹp về tình cảm, đức hạnh và trí tuệ của người phụ nữ Việt Nam thế kỉ XVIII, không hề thua kém nàng Pénélope của Hy Lạp cổ đại trong tác phẩm Odysse bất hủ của Homère.

            …Về nghệ thuật, “Chinh phụ ngâm” là tác phẩm tiếng Việt ưu tú vào bậc nhất của văn học Việt Nam. Với “Chinh phụ ngâm”, ngôn ngữ văn học dân tộc đã được nâng tới trình độ tột đỉnh. Mỗi câu thơ đều được tạo thành bởi những từ ngữ tinh xác, được gọt giũa công phu bởi một văn tài lớn…

(Trích : Lời giới thiệu – Chinh phụ ngâm của Kiều Văn)

*^{(1)} Bản thân nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã từng trải tâm trạng y hệt tâm trạng của người chinh phụ. Sau khi lấy chồng được vẻn vẹn một tháng thì chồng bà là Nguyễn Kiều phải cầm đầu phái bộ đi sứ sang nhà Thanh trong ba năm. Có lẽ vì thế bà đã dồn tất cả tâm huyết để diễn Nôm tác phẩm của Đặng Trần Côn. Những năm gần đây có ý kiến cho rằng tác giả của bản Nôm Chinh phụ ngâm hiện hành là Phan Huy Ích. Nhưng các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam cho biết hiện vẫn chưa có đủ tài liệu chính xác, tin cậy để xác nhận điều đó. Vì vậy vị trí của Hồng Hà nữ sĩ đối với bài diễn ca Chinh phụ ngâm vẫn chưa thể thay thế.

___

Xem thêm:

Hướng dẫn phân tích, cảm thụ văn bản Bài ca Côn Sơn tại đây.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận