Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất – Để học tốt Ngữ Văn 7

Đang tải...

TỤC NGỮ VỀ THIÊN NHIÊN VÀ LAO ĐỘNG SẢN XUẤT

I/ ĐẶC ĐIẾM CHUNG VỀ THỂ LOẠI

            – Tục ngữ là những câu nói dân gian ngắn gọn, ổn định, có nhịp điệu, hình ảnh, thể hiện những kinh nghiệm của nhân dân về mọi mặt (tự nhiên, lao động, sản xuất, xã hội) được nhân dân vận dụng vào đời sống, suy nghĩ và lời ăn tiếng nói hằng ngày.

            – Bằng lối nói ngắn gọn, có vần, nhịp, giàu hình ảnh, những câu tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất đã phản ánh, truyền đạt những kinh nghiệm quý báu mà nhân dân ta quan sát, tích lũy được trong lao động, đấu tranh với thiên nhiên.

            – Trong tục ngữ, các vế câu đối xứng nhau cả về hình thức và nội dung. Lập luận chặt chẽ, giàu hình ảnh. Lời trong tục ngữ cô đọng, mỗi lời như dồn nén, không có từ thừa.

            – Trong kho tàng tục ngữ Việt Nam có hai mảng lớn: tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất, tục ngữ về con người và xã hội.

            + Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất là những kinh nghiệm lâu đời của nhân dân và có tính chất tập thể rút ra trong quá trình quan sát các hiện tượng thiên nhiên, quá trình dùng sức người biến đổi thiên nhiên, quá trình xây dựng kĩ thuật sản xuất.

            + Tục ngữ về con người và xã hội: giúp chúng ta có thể hiểu nhân dân ta trong những thời kì lịch sử trước đây đã sống và đấu tranh như thế nào? Có những phong tục, tập quán, thị hiếu như thế nào?

            – Xét về nội dung và hình thức, tục ngữ vừa là một thể loại của sáng tác nghệ thuật dân gian, vừa là lối nhận thức đặc biệt của con người, dựa trên cơ sở của tư duy hình tượng.

II/ HƯỚNG DẪN HỌC SINH PHÂN TÍCH VĂN BẢN

            Đọc kĩ các câu tục ngữ và chú thích trong bài để hiểu văn bản và những từ khó.

            Cần phải xác định nội dung chính của từng câu, những điểm giống nhau giữa chúng, lấy đó làm cơ sở để phân chia mục đích cha ông ta gửi gắm.

            Tám câu tục ngữ trong bài có thể được chia làm hai nhóm.

Nhóm thứ nhất gồm: câu 1, 2, 3, 4 là những câu tục ngữ về thiên nhiên, khí hậu…

            1. Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng,

                 Ngày tháng mười chưa cười đã tối.

            2. Mau sao thì nắng, vắng sao thì mưa.

            3. Ráng mỡ gà, có nhà thì giữ.

            4. Tháng bảy kiến bò, chỉ lo lại lụt.

            Nhóm thứ hai gồm: câu 5, 6, 7, 8 là những câu tục ngữ đúc kết về kinh nghiệm lao động sản xuất.

            5. Tấc đất tấc vàng.

            6. Nhất canh trì, nhị canh viên, tam canh điền.

            7. Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống.

            8. Nhất thì, nhì thục.

1/ Nhóm thứ nhất: câu 1, 2, 3, 4 là những câu tục ngữ về thiên nhiên, khí hậu:

Câu 1:

Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng,

Ngày tháng mười chưa cười đã tối”.

            – Trước đây, do khoa học kĩ thuật chưa phát triển, không có những dụng cụ để đo thời gian, nhân dân ta chỉ đo bằng trực giác, bằng kinh nghiệm và vốn sống. Từ đó có những nhận xét hết sức đúng đắn: theo lịch âm thì ngày tháng năm dài, đêm tháng năm ngắn và ngược lại, ngày tháng mười ngắn, đêm dài. Cơ sở thực tiễn là dựa trên quan sát, trải nghiệm thực tế.

            – Ngày nay, do khoa học phát triển con người có thể dễ dàng hiểu được rằng, có hiện tượng đó là do sự vận động tự quay quanh trục của trái đất và vị trí của Việt Nam trên địa cầu (nằm gần xích đạo).

            – Câu tục ngữ giúp con người có ý thức chủ động nhìn nhận, sử dụng thời gian, công việc và chú ý đến sức khoẻ của mình vào những thời điểm khác nhau trong một năm: Câu tục ngữ còn giúp con người có ý thức về thời gian, làm việc theo mùa vụ. Tuy nhiên, do ra đời từ rất lâu, câu tục ngữ có lẽ chỉ đơn thuần là những quan sát thực tế có tính quy luật lặp đi lặp lại.

Câu 2:Mau sao thì nắng, vắng sao thì mưa”.

            – Nghĩa là khi trời nhiều (mau) sao sẽ nắng, khi trời không có hoặc ít (vắng) sao thì sẽ mưa.

            – Về mùa hè, trời vừa chập tối, nhiều sao sáng xuất hiện trên bầu trời, qua đó nhân dân ta biết ngày mai và những ngày sắp tới trời nắng, để chủ động sắp xếp công việc làm ăn, cày bừa, cấy hái… Còn ngược lại, nếu trên trời “vắng sao” thì trời sẽ mưa. Nhìn sao, biết trước trời mưa, nắng thì mọi công việc làm ăn, nhất là nghề nông mới chủ động, mới tránh được rủi ro, thiệt hại.

            – Đây là kinh nghiệm để đoán mưa, nắng, liên quan trực tiếp đến công việc sản xuất nông nghiệp và mùa màng.

Câu 3:Ráng mỡ gà, có nhà thì giữ”.

            – “Ráng mỡ gà” là ráng vàng tươi óng ánh. Có ráng mỡ gà xuất hiện ở trên bầu trời, lúc đó nhân dân ta biết trời sắp nổi gió to, sắp bão, cần phải chuẩn bị gìn giữ, chống đỡ, nhất là nhà tranh, vách nứa.

            – Đây là một kinh nghiệm dự đoán bão. Biết dự đoán bão sẽ có ý thức chủ động trong sản xuất, trong việc giữ gìn con người, nhà cửa, hoa màu,…

Câu 4:Tháng bảy kiến bò, chỉ lo lại lụt”. 

            – Các biến đổi bất thường về cây cỏ, sâu bọ,chim chóc, loài vật… là những hiện tượng thiên nhiên, qua đó nhân dân lao động đã đúc rút được nhiều câu tục ngữ có giá trị thực tiền to lớn.

            – Ở miền Bắc nước ta, do đặc trưng vùng miền, vào tháng bảy, tháng tám hằng năm thường có nhiều mưa, mưa rất to và nhiều ngày gây ra bão, lũ lụt. Kiến là loại côn trùng rất nhạy cảm với những thay đổi thời tiết, khí hậu. Khi sắp có mưa lụt, chúng thường bò ra khỏi tổ, di chuyển tổ lên chỗ cao. Vì vậy chỉ nhìn đàn kiến bò, lũ lượt kéo đi hàng đàn, nhân dân ta biết: sắp có mưa to, lũ lụt lớn sắp xảy ra, qua đó nhân dân có thể chủ động để phòng chống.

            – Câu tục ngữ được đúc kết từ kinh nghiệm thực tế, nó nhắc nhở về ý thức phòng chống lũ lụt, loại thiên tai thường gặp ở nước ta.

            – Tóm lại: Cả bốn câu tục ngữ trên đều là những kinh nghiệm được ông cha ta đúc kết dựa trên sự quan sát, chiêm nghiệm thực tế. Những kinh nghiệm quý báu này vẫn còn nguyên giá trị cho đến nay, nó giúp cho việc lao động sản xuất của con người, dự đoán, chủ động sắp xếp công việc sao cho hợp lí, để đạt hiệu quả tốt nhất.

            Tuy nhiên, không phải những đúc rút kinh nghiệm này lúc nào cũng tuyệt đối đúng, nhưng nó thực sự có giá trị thực tiễn rất lớn trong cuộc sống và lao động, nhất là đối với những người nông dân Việt Nam. Một đất nước có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông luôn luôn biến đổi.

2/ Nhóm thứ hai: câu 5, 6, 7, 8 là những câu tục ngữ đúc kết về kinh nghiệm sản xuất.

Câu 5: “Tấc đất tấc vàng”.      

            – Cần hiểu “vàng” trong câu tục ngữ này có nghĩa đại diện, hoán dụ câu tục ngữ vì thế có thể hiểu rằng đất có giá trị rất lớn, đất được coi như vàng, quý như vàng.

            – Đất thường được tính bằng đơn vị mẫu, sào, thước (diện tích). Tính tấc là muôn tính đơn vị nhỏ nhất. Vàng là kim loại tính đếm bằng chỉ, bằng lạng (cây, lượng). Người ta muốn so sánh đất quý như vàng, để khẳng định một điều, đất có giá trị rất to lớn, đất nuôi sống con người. Con người phải có thái độ khai thác và sử dung đất hợp lí, có hiệu quả không để hoang hoá. Điều này cũng được diễn tả trong câu ca dao:

Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang

Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu.

            Câu tục ngữ đề cao giá trị của đất, phê phán việc lãng phí đất (bỏ ruộng hoang, sử dụng đất không hiệu quả).

Câu 6: “Nhất canh trì, nhị canh viên, tam canh điền”.

            – Câu này nói về giá trị kinh tế khi thai thác ao, khai thác vườn, khai thác ruộng, cũng có thể nói về sự công phu, khó khăn của việc khai thác các giá trị kinh tế ở các nơi. Nghề đem lại lợi ích nhiều nhất là nghề nuôi cá, sau đó là nghề làm vườn và cuối cùng là làm ruộng.

            – Đây là kinh nghiệm được rút ra trên cơ sở thực tế. Trên đất nước Việt Nam, ở mỗi vùng miền khác nhau, điều kiện tự nhiên khác nhau, thì lợi ích thu được từ những nghề này cũng khác nhau.

            – Người xưa đã tổng kết về giá trị kinh tế, đồng thời đề cao lao động, đề cao nông nghiệp, và qua đó áp dụng câu tục ngữ để khai thác tốt điều kiện tự nhiên, làm ra nhiều của cải vật chất.

            – Áp dụng câu tục ngữ để khai thác tốt điều kiện tự nhiên, làm ra nhiều của cải vật chất.

Câu 7:Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”.

            – Câu tục ngữ nói về vai trò của các yếu tố trong sản xuất nông nghiệp (trồng lúa nước) của nhân dân ta, quan trọng nhất là nước, thứ hai là phân, thứ ba là sự cần cù lao động và cuối cùng là giống lúa.

            – Cơ sở kinh nghiệm này chính là thực tế trồng lúa nước hàng bao đời của người nông dân. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng thứ tự được sắp xếp trong câu tục ngữ chỉ là tương đối. Để có một vụ mùa bội thu, người nông dân phải biết kết hợp tất cả các yếu tố trên. Có nhiều câu tục ngữ khác cũng khẳng định vai trò của từng yếu tố: Không nước, không phân chuyên cần vô ích; Ruộng không phân, như thân không của; Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân;…

            – Giá trị của câu tục ngữ nhắc nhở người làm ruộng phải đầu tư vào tất cả các khâu, nhưng cũng phải chú ý ưu tiên, không tràn lan, nhất là khi khả năng đầu tư có hạn.

Câu 8: “Nhất thì, nhì thục”.

            – Câu tục ngữ nêu vai trò của thời vụ (kịp thời) là hàng đầu; Sau đó mới là yếu tố làm đất kĩ, cẩn thận. Thời vụ liên quan đến thời tiết, nắng mưa. Nếu sớm quá, muộn quá, cây trồng sẽ bị ảnh hưởng và có khi không cho sản phẩm.

            – Đây là một kinh nghiệm quý giá trong sản xuất nông nghiệp được cha ông ta truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác nhằm khuyên con người biết vận dụng, sắp xếp kế hoạch sản xuất sao cho phù hợp với điều kiện tự nhiên nơi mình làm việc để đạt được hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, con người cũng phải cần cù, chăm chỉ thì mới thành công.

            Như vậy:

            – Tục ngữ là những câu nói ngắn gọn, có ý nghĩa hàm súc, do nhân dân lao động sáng tạo nên lưu truyền qua nhiều thế kỉ.

            – Tục ngữ Việt Nam được tích lũy lâu đời và ngày càng phong phú. Tục ngữ thường là những câu nói ngắn gọn có vần, các vế đối xứng cả về hình thức, cả về nội dung, đặc biệt lập luận rất chặt chẽ và giàu hình ảnh.

            – Trong bài: “Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất”, sự cô đọng được thể hiện ở mỗi câu tục ngữ chỉ có một số lượng từ không nhiều. Có câu rất ngắn, như câu: “Tấc đất tấc vàng; Nhất thì, nhì thục”. Những câu tục ngữ đã đúc rút kinh nghiệm được truyền từ đời này sang đời khác, dễ dàng và chính xác. Nội dung của câu tục ngữ được đặc biệt chú trọng và nhấn mạnh truyền đạt thông tin đầy đủ gần gũi với đời sống hằng ngày của người dân Việt từ xưa đến nay.

            Mỗi câu tục ngữ không những ngắn gọn, hàm súc, cân đối giữa các vế mà cũng đối xứng cả về nội dung và hình thức. Mỗi câu thường chia làm hai vế đối nhau, đối toàn vế và đôi từ ngữ.

Đêm / tháng năm / chưa nằm / đã sáng,

Ngày / tháng mười/ chưa cười / đã tối.

            Ở câu tục ngữ này có sự đối xứng về hình thức giữa câu trên và câu dưới: đêm  – ngày, tháng năm – tháng mười, chưa nằm – chưa cười, sáng – tối. Còn trong nội dung, có sự tương phản trái ngược nhau về ngày tháng và biến đổi thời tiết, một quy luật tất yếu từ xưa đến nay.

            – Ngoài những ưu điểm trên thì tục ngữ còn rất dễ thuộc, dễ nhớ, vì các câu tục ngữ thường vần với nhau như câu: Mau sao thì nắng, vắng sao thì mưa; Ráng mỡ gà, có nhà thì giữ; các từ “nắng”, “vắng”, “gà”, “nhà” vần với nhau.

            – Cuối cùng, ta phải nói đến tính chặt chẽ trong lập luận và tính giàu hình ảnh trong diễn đạt của tục ngữ.

            – Những biện pháp đối xứng, so sánh được nhân dân sử dụng tạo nên những lập luận giàu sức thuyết phục cho kinh nghiệm được đúc kết của mình. Chẳng han như câu: “Tấc đất tấc vàng” giá trị của “tấc vàng” làm nổi bật lên giá trị của “tấc đất”. Ở câu 5 cũng vậy hai hiện tượng “mưa – nắng” được rút ra từ hai dấu hiệu tương ứng “mau sao – vắng sao” có tác dụng như là hệ quả tất yếu.

            – Cách diễn đạt cụ thể, sinh động trong mỗi câu tục ngữ, làm cho mỗi câu dễ hiểu, dễ nhớ xứng đáng là những tri thức vô giá của trí tuệ con người.

III. TRÍCH YẾU TƯ LIỆU THAM KHẢO

1/ Một số câu tục ngữ có nội dung phản ánh kinh nghiệm của nhân dân ta về các hiện tượng thời tiết.

                        – Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa.

                        – Quạ tắm thì ráo, sáo tắm thì mưa.

                                    Lúa chiêm nép ở đầu bờ,

                        Hễ nghe tiếng sấm, phất cờ mà lên.

                        – Cầu vồng mống cụt, không lụt cũng mưa.

                        – Nhai kĩ no lâu, cày sâu tốt lúa.

                        – Đất thiếu trồng dừa, đất thừa trồng cau.

                        – Được mua vải, hại mùa nhãn.

2/ Giới thiệu về tục ngữ

a/ Về hình thức 

            Định nghĩa

            Trước khi nói đến hình thức tục ngữ, ta nên phân biệt mấy danh từ hay bị dùng lẫn lộn.

            Tục ngữ: (tục: thói quen có từ lâu đời; ngữ: lời nói) là những câu nói gọn ghẽ, có ý nghĩa, lưu hành từ xưa do cửa miệng người đời truyền lại.

            Ngạn ngữ: cũng nghĩa như tục ngữ, vì chữ ngạn có nghĩa là lời nói người xưa truyền lại.

            Phương ngôn: là những câu tục ngữ chỉ lưu hành trong một vùng chứ không thông dụng khắp nước.

            Cách ngôn: là những câu tục ngữ có nghĩa cao xa.

            Thể cách và kết cấu

            Thể cách và kết cấu của tục ngữ đơn sơ, mộc mạc chứ chưa được điêu luyện như ca dao. Thường được cấu tạo do ba phương pháp sau đây:

            Hội ý suy loại: Là đặt một câu cho có ý nghĩa còn lời chỉ cần xác đáng, gọn ghẽ:

– Nước đổ lá khoai.

– Đèn soi ngọn cỏ.

– Chó cắn áo rách. 

            Đối tự, đối ý: Cao hơn một nấc, cách cấu tạo thứ hai, tuy chưa để ý đến vần điệu, đã có nhiều cố gắng về hình thức: đặt câu phải có hai vế đối nhau, hoặc đối ý hoặc đối chữ.

– Giơ cao, đánh sẽ.

– Giầu điếc, sang đui.

– No nên bụt, đói nên ma.

            Thanh âm hưởng ứng: Vượt hẳn hai thể cách trên về mọi phương diện: ngoài việc đặt câu cho cân xứng, nhà văn còn phải chú trọng nhất đến âm luật, đặt cho trong một câu có nhiều tiếng vần với nhau, vần trong tục ngữ thường là yêu vận chứ ít khi có cước vận. Cách gieo vần trong tục ngữ hết sức tự do.

            Những câu một vế: Chỉ có yêu vận và thường là hai tiếng tiếp liền nhau:

Tay làm hàm nhai.

            Những câu có nhiều vế:

            Vần có thể là chữ nhất vế sau:

Khôn cho người ta vái, dại cho người ta thương.

            Vần ở chữ nhì vế sau:

Người giầu tham việc, thất nghiệp tham ăn.

            Vần ở chữ thứ ba vế sau:

Của người bồ tát, của mình lạt buộc.

            Vần ở chữ thứ tư vế sau:

Sống về, mồ mả, không sống về cả bát cơm.

            Vần ở chữ thứ năm vế sau:

Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe.

            Vần ở chữ thứ sáu câu dưới:

Trông mặt mà bắt hình dong,

Con lợn có béo thì lòng mới ngon.

 

            Như thế, ta nhận thấy trừ lối gieo vần ở chữ thứ sáu câu dưới, tức thể lục bát, còn ở các câu trên vẫn thường là vần trắc, họa hoằn mới có vần bằng.

b/ Về nội dung

            Tục ngữ có thể gọi là cái túi khôn của người Việt Nam. Sự tinh khôn đây không phải là triết lí cao siêu, tư tưởng thâm trầm, huyền bí. Đây chỉ là những điều thường thức mà lương tâm dân chúng gom góp lại, như những luật luân lí thực hành, hoặc ghi nhớ những kinh nghiệm thực tế. Như vậy, ta nhận thấy nội dung của tục ngữ khác hẳn nội dung của câu đố, ca Huế, hay ca dao. Tục ngữ là con người lí trí của đất Việt. Câu đố, ca Huế hay ca dao là con người tình cảm huyết thống của dòng dõi Trương Chi, Chử Đồng Tử.

            Vì thế tục ngữ thường diễn giải hai sự trạng luân lí và kinh nghiệm.

            Luân lí thường thức

Nói đến luân lí, tức là nói đến bổn phận, đến sứ mạng phải chu toàn. Con người ở thời nào cũng thế, vẫn phải đầy đủ hai bổn phận: với chính mình và với người khác.

            Với mình: lĩnh hội tục ngữ, ta sẽ có một cuốn luân lí rất đầy đủ về đạo tu thân: huấn luyện tình cảm, huấn luyện lí trí, huấn luyện xã hội,…

            Người ta sinh ra cần phải giáo dục:

 Cá không ăn muối cá ươn,

Con cãi cha mẹ trăm đường con hư.

            Ăn uống phải cẩn thận đừng có bừa bãi:

                                    Vạ bởi miệng ra, bệnh chẳng qua bởi miệng vào.

            Quần áo phải sạch sẽ:

                                    Đói cho sạch, rách cho thơm.

            Cư xử phải khôn ngoan:

                                    Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau.

            Đời sống phải trong sạch:

                                    Sống đục sao bằng thác trong.

            Với người ta: ngoài những bổn phận đối với bản thân, con người sống trong xã hội còn phải có những tư cách khả dĩ làm cho cuộc sống xã hội trở nên yên vui, hòa thuận. Tư cách xã hội nhiều khi còn là cách giúp ta thành công.

                                    – Nói ngọt lọt đến xương.

                                    – Làm phúc như làm giàu.

            Kinh nghiệm thường thức              

Đây là những nhận xét thường thức về tâm lí, về phong tục người, về thời tiết, về nông nghiệp.

            Tâm lí người đời:

                                    Dao năng liếc thì sắc, người năng chào thì quen.

            Phong tục Việt Nam:

                                    Một miếng giữa làng, bằng một sàng xó bếp.

            Thời tiết:

                                    Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa.

            Nông nghiệp:

                                    Lúa giỗ, ngả mạ, vàng rạ thì mạ xuống được.

            Đó là những câu ta được nghe cửa miệng người dân quê Việt Nam từ sáng chí tối trong lúc nhàn rỗi ngồi dạy dỗ con cái cũng như trong khi làm ăn lặn lội ngoài đồng. Đến cái túi khôn của dân tộc Việt, một cụ Nho đã nói: “Các cụ đời xưa đặt ra tục ngữ, phương ngôn thật là đi guốc trong bụng chúng mình chứ không sai”. Lời đó cực tả cái giá trị của tục ngữ về đường tâm lí cũng như về đường phong tục.

GS. Thanh Lãng

___

Xem thêm:

Hướng dẫn phân tích, cảm thụ văn bản Sài Gòn tôi yêu – Minh Hương tại đây.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận