Phân tích, bình giảng tác phẩm Đại Cáo Bình Ngô (“Bình Ngô đại cáo” – Nguyễn Trãi) – Ngữ Văn 10

Đang tải...

ĐẠI CÁO BÌNH NGÔ

(Bình Ngô đại cáo – NGUYỄN TRÃI)

Sau khi cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Minh thắng lợi vào cuối năm 1427, Lê Lợi đã sai Nguyễn Trãi soạn Đại cáo bình Ngô nhằm tổng kết lại một chặng đường lịch sử, ôn lại những tháng năm gian khổ, những chiến công hiển hách và ban bố cho toàn dân được biết. Tác phẩm được viết bằng thể cáo vốn có nguồn gốc ở Trung Quốc từ thời cổ. Đây là một thể loại văn chương chính luận, một văn kiện chính trị có ý nghĩa lịch sử to lớn đã được chép lại trong sách Đại Việt sử kí toàn thư (1479). Cũng như nhiều tác phẩm khác dưới thời trung đại, nhan đề bài cáo không phải Lê Lợi hay Nguyễn Trãi đặt mà do người đời sau thêm vào.

Trên thực tế, ngay trong sách Đại Việt sử kí toàn thư đã ghi rõ : Vào cuối tháng 12 năm Đinh Mùi “Vua đã bình được giặc Ngô, đại cáo thiên hạ, lời cáo viết…”. Như vậy tinh thần “Bình Ngô đại cáo” cũng đã được nhận thức từ rất sớm và đi vào tâm trí của nhiều thế hệ người đọc. Nhưng vì sao người xưa không nói “bình giặc Minh” mà lại nói “bình Ngô” ? Bản thân chữ “Ngô” không phải là cách gọi giặc phương Bắc hay mượn lối nói nôm na “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng” mà nhằm một ý khác sâu xa hơn. Nguyên do bởi người lập ra triều Minh vốn tên Chu Nguyên Chương, suốt sáu năm trời trước khi lên ngôi Minh Thái Tổ đã từng xưng hiệu Ngô Vương. Bởi thế cách dùng từ “Ngô” ở đây chính là nhằm gọi đích danh vương hiệu thuỷ tổ nhà Minh và thể hiện thái độ khinh khi kẻ xâm lược. Ngay cả với ông tổ nhà Minh còn bị gọi tên như thế thì có sá gì không miệt thị vua Tuyên Tông đang tại vị : “Thằng nhãi con Tuyên Đức, động binh không ngừng – Đồ nhút nhát Thạnh, Thăng đem dầu chữa cháy”,…

Tiếp cận Đụi cáo bình Ngô, người đọc hiện đại ngày nay cần chú ý rằng đây là tác phẩm văn chương chính luận điển hình dưới thời trung đại. về hình thức, tác phẩm được viết bằng lối văn biền ngẫu chữ Hán, gồm 74 liên (148 vế câu), phát huy sức mạnh thể văn tứ lục biến cách, giá trị biểu cảm, biểu âm, biểu nghĩa trong từng câu, từng khổ thơ và tạo nên khúc ca hùng tráng. Điều quan trọng hơn, tác phẩm có ý nghĩa kết tinh truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm và đặc điểm tư duy, quan niệm, nhận thức của con người trong thời trung đại về cơ sở lịch sử, văn hoá, xã hội, đất nước, dân tộc. Rõ ràng bài cáo được viết theo lệnh nhà vua và dưới danh nghĩa lời tuyên cáo của vua với chúng dân, thế tất nội dung phải thể hiện được tiếng nói của nhà vua trong vai trò người cầm quyền. Toàn bộ nội dung tác phẩm Đại cáo bình Nqô toát lên tinh thần nhân nghĩa phù hợp với thiên mệnh, đạo trời; hành động của nhà vua phù hợp với ý nguyện trăm họ, chuyển hoá thành sức mạnh đánh tan quân xâm lược. Cần chú ý rằng ngay từ câu mở đầu bài cáo đã nhấn mạnh vai trò người cầm quyền, người có trách nhiệm, đấng bề trên coi sóc và chăm nuôi muôn dân : “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Quan niệm “nhân nghĩa” phải hướng tới “yên dân” (làm cho dân yên) cho thấy chủ thể của “nhân nghĩa” không thể là số đông chung chung mà chỉ có thể là công việc lớn lao của bậc thức giả, vua chúa. Có thể khẳng định đây là một quan niệm tiến bộ nhưng trước sau vẫn không thể vượt qua được những quy định và giới hạn tất yếu của lịch sử. Khi tiếp cận Đại cáo bình Ngô nói riêng cũng như mọi tác phẩm văn học thời trung đại cần đặt tác phẩm vào chính môi trường lịch sử, văn hoá đương thời mới hiểu đúng nội dung cũng như đánh giá đầy đủ những giá trị và bước tiến vượt bậc về tư tưởng so với quá khứ. Ngoài ra cũng cần đặc biệt chú ý tới đặc trưng “văn – sử – triết bất phân” thể hiện rất rõ trong bli cáo. Những đặc điểm về văn học thể hiện nổi trội so với tư duy lịch sử (ghi chép các sự kiện, nhân vật, địa danh theo hình thức biên niên sử, theo tuyến tính thời gian,…) và triết học (quan niệm về nhân nghĩa, mệnh trời, thời vận, thời thế, mối quan hệ Thiên – Địa – Nhân,…). Với Đại cáo bình Ngô, từ điểm nhìn dưới ánh sáng của loại hình học văn hoá trung đại vừa mang tính chuyên sâu vừa hướng tới liên ngành, tổng quát, khái quát sẽ giúp người đọc khám phá đúng đắn những giá trị nội dung và nghệ thuật đặc sắc, đa diện và phong phú của tác phẩm.

Trong phần mở đầu, bài cáo khẳng định nền độc lập dân tộc, quyền tự chủ và truyền thống lâu đời bởi những khác biệt về văn hoá, về cương vực lãnh thổ, về phong tục tập quán và sự tự ý thức về sức mạnh dân tộc. Nguyễn Trãi đã khái quát phẩm chất người cầm quyền phải biết lấy yên dân làm cốt lõi của nhân nghĩa, trọng tâm của sự yêu thương con người và tôn trọng lẽ phải ; mọi hành động phải hướng đến thương xót, cứu giúp trăm họ và kiên quyết chống kẻ tàn bạo. Đó là nguyên cớ của cuộc khởi nghĩa và cũng là truyền thống của cả một dân tộc :

Như nước Đại Việt ta từ trước,

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.

Núi sông bờ cõi đã chia,

Phong tục Bắc Nam cũng khác.

Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập,

Củng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.

Tuy mạnh yếu từng lúc khúc nhau,

Song hào kiệt đời nào cũng có.

Giới nghiên cứu lâu nay đã khẳng định bài cáo có ý nghĩa như một bản tuyên ngôn độc lập lần thứ hai của dân tộc, đứng sau bản thứ nhất là bài Nam quốc sơn hà tương truyền của Lí Thường Kiệt (?) Trên những nét cơ bản, đoạn văn trên đã bao quát được những nội dung cốt yếu trong định nghĩa về dân tộc được coi là kinh điển của I.V.Xtalin : “Dân tộc là một khối cộng đồng gồm nhiều người, khối ổn định, hình thành trong quá trình lịch sử, sinh ra trên cơ sở một ngôn ngữ chung, một lãnh thổ chung, một đời sống kinh tế chung, một cấu tạo tâm lí chung biểu hiện trong một nền văn hoá chung” (Tử điển triết học). Nguyễn Trãi còn đặc biệt nhấn mạnh vai trò con người và sự tiếp nối của các thế hệ hào kiệt, bất chấp mọi hung vong, thắng thua, mạnh yếu. Điều đó làm nên truyền thống yêu nước và dòng chủ lưu của nền văn học yêu nước mà không một thế lực nào có thể ngăn cản nổi.

Từ việc ôn lại quá khứ xa đến nhắc lại quá khứ gần, Nguyễn Trãi kể rõ nguyên nhân mất nước và tội ác quân Minh trên tất cả các phương diện : tàn sát dân lành, áp bức chúng sinh, nặng thuế khoá, triệt hại môi trường sinh thái tự nhiên, phá hoại ngành nghề truyền thống, cưóp bóc để thoả mãn cuộc sốn? xa hoa hưởng lạc… Rồi ông đi đến khái quát:

Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,

Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi.

Lẽ nào trời đất dung tha,

Ai bảo thần nhân chịu được ?

Trước tội ác giặc Minh khiến cả trời và đất, thần và người đều căm giận, Nguyễn Trãi hoá thân trong vai trò chủ tướng Lê Lợi kể về nhũng ngày đầu nung nấu ý chí đánh giặc cứu nước :

Ta đây :

Núi Lam Sơn dấy nghĩa,

Chốn hoang dã nương mình.

Ngẫm thù lớn há đội trời chung,

Căm giặc nước thề không củng sống…

Giọng văn hoài cảm thiết tha, đầy những trăn trở lo toan và trở nên hài hoà hơn trong khí thế bốn phương đoàn kểt một lòng, nghĩa tình tướng sĩ gắn bó keo sơn và mưu lược đánh giặc :

Phần thì giận hung đồ ngang dọc,

Phần thì lo vận nước khó khăn.

….

Nhân dân bốn cối một nhà, dựng cẩn trúc ngọn cờ phấp phới;

Tướng sĩ một lòng phụ tử, hoà nước sông chén rượu ngọt ngào.

Thế trận xuất kì, lấy yếu chống mạnh ;

Dùng quân mai phục, lấy ít địch nhiều…

Ngay trong bản dịch, những cách dùng từ lặp lại : “Phần thì giận… Phần thì lo…”, “Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần – Khi Khôi Huyện quân không một đội”,… cho thấy mức độ căng thẳng trong suy nghĩ cũng như khả năng đối phó với mọi khó khăn, biến cố đang dồn dập xảy ra. Cách nghĩ : “Trời thử lòng trao cho mệnh lớn – Ta gắng chí khắc phục gian nan” thể hiện sâu sắc quan niệm triết thuyết Nho giáo “Thiên nhân cảm ứng”, “Thiên nhân hợp nhất”, “Đại thiên hành hoá”, “Thế thiên hành hoá” (Trời và người liên thông, cảm ứng với nhau ; trời và người hợp thành một thể thống nhất; bậc thức giả có thể thay trời hành đạo, giáo hoá chúng dân). Rõ ràng đây là cách nghĩ nằm trong truyền thống tư tưởng Nho giáo nhằm suy tôn, linh thiêng hoá, huyền thoại hoá và vũ trụ hoá uy quyền nhà vua. Trước khi chuyển sang mô tả giai đoạn tấn công, thêm một lần Nguyễn Trãi khẳng định niềm tin vào chính nghĩa, lẽ phải của quân ta nhất định sẽ chiến thắng quân giặc mang bản chất phi nghĩa và tàn bạo.

Trọn hay :

Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,

Lấy chí nhân để thay cường bạo.

Đạo quân đem “đại nghĩa” (lẽ phải, nghĩa lớn, nghĩa cao cả) và “chí nhân”, hết lòng yêu thương, vị tha, trân trọng con người tất yếu sẽ chiến thắng. Từ đây những địa danh gắn với chiến thắng (Bồ Đằng, Trà Lân, Tây Kinh, Đông Đô, Ninh Kiều, Tốt Động) và danh tính những tên tướng giặc bại trận (Trần Trí, Sơn Thọ, Lí An, Phương Chính, Trần Hiệp, Lí Lượng) nối tiếp được nêu lên phản ánh bước tiến của đạo quân không gì ngăn cản nổi:

Bó tay để đợi bại vong, giặc đã trí cũng lực kiệt;

Chẳng đánh mà người chịu khuất, ta đây mưu phụt, tâm công.

Tưởng chúng biết lẽ ăn năn, nên đã thay lòng đổi dạ ;

Ngờ đâu vẫn đương mưu tính, lại còn chuốc tội gây oan…

Trong đoạn văn trên, Nguyễn Trãi đã nói lên được tư tưởng quân sự vừa mang tính chiến lược vừa là sự thể hiện nghệ thuật dụng binh bậc thầy. Riêng chữ mưu phạt có nghĩa là “đánh bằng mưu trí”, tâm công nghĩa là “đánh vào lòng người”. Binh pháp xưa khẳng định : “Trong phép dụng binh thượng sách là phạt mưu… ; thượng sách là công tâm”. Vấn đề đặt ra là sách xưa chỉ có hai từ phụt mưu và công tâm mà không sử dụng lối diễn đạt mưu phạt và tâm công. Vậy phải chăng Nguyễn Trãi đã dùng phép đảo trang để câu thơ vẫn giữ được ý người xưa mà lời thơ vẫn nhuần nhuyễn, âm điệu vẫn hài hoà “Ngã mưu phạt nhi tâm công, bất chiến tự khuất”. Thế nhưng rất có thể Nguyễn Trãi đã không trình bày nội dung tâm công theo nghĩa truyền thống (đánh vào lòng người) mà đã sáng tạo và nâng cấp lên một trình độ nhân văn theo cách hiểu tâm công là “đánh bằng tấm lòng”, “tấn công bằng tấm lòng”, lấy tấm lòng nhân nghĩa mà giải thích, dùng lí lẽ để thuyết phục, cảm hoá, mở đường sống cho đối phương. Điều này càng trở nên có lí khi nối giữa hai từ này là liên từ chuyển nghĩa nhi (mà) biểu cảm sắc thái đối lập nhau và cả câu có thể được dịch xuôi : Chẳng đánh mà người chịu khuất, ta đây đánh giặc bằng mưu trí nhưng lại tấn công bằng tấm lòng. Tầm tư tưởng lớn thể hiện ở chỗ về lí thì đánh giặc bằng mưu trí nhưng về tình, xét trên phương diện nhân văn, thì dùng tấm lòng cảm hoá, mở mắt cho giặc hiểu rõ điều nhân nghĩa, đúng sai. Chính người đề cao nhân nghĩa, chủ động đứng trên tầm cao nhân nghĩa mới thấy hết hậu quả và lấy làm tiếc cho lối nghĩ cạn hẹp của giặc thù : “Tưởng chúng biết lẽ ăn năn, nên đã thay lòng đổi dạ – Ngờ đâu vẫn đương mưu tính, lại còn chuốc tội gây oan”. Đó không phải là sự ngây thơ, ảo tưởng mà là tấm lòng nhận nghĩa cao cả của bậc thức giả, từ tầm cao nhân văn vẫn mong mở đường sống cho kẻ thù, nhưng nếu chúng vẫn còn ngoan cố thì tiếng nói của lí trí sẽ nổi lên diệt trừ không thương tiếc.

Nếu như ở đoạn trên, những tên người và địa danh đứng biệt lập trong từng câu thơ thì với toàn bộ phần sau, nhiều câu thơ lại xuất hiện đồng thời cả thời gian ngày tháng, tên người và tên đất. Ngay cả đến tên hiệu vua nhà Minh cũng bị vạch mặt gọi tên, chỉ rõ hành vi phản phúc : “Thằng nhãi con Tuyên Đức, động binh không ngừng”. Mặt khác, cách thức liệt kê thời gian theo trình tự biên niên sử tạo nên cảm giác về các sự kiện, biến cố thay đổi dồn dập. Chiến công nối tiếp chiến công với đủ các cách đánh công đồn diệt viện, chốt giữ nơi hiểm yếu, chẹn đường cắt nguồti lương thực. Có được chiến thắng ấy là nhờ ở sự đoàn kết, sức mạnh của chính con người và ý chí đánh giặc :

Sĩ tốt kén người hùng hổ,

Bề tôi chọn kẻ vuốt nanh

Đánh một trận sạch không kình ngạc,

Đánh hai trận tan tác chim muông…

Trong trận chiến quyết liệt này, biết bao những uy danh như Bá tước, Thượng thư, Đô đốc gắn với từng tên tuổi tướng giặc đều phải chịu thất bại thảm hại. Những hình ảnh ẩn dụ : đá núi mòn, nước sông cạn, sạch không kình ngạc, tan tác chim muông, trút sạch lá khô, sụt toang đê vỡ,… thể hiện sức mạnh chính nghĩa ở tầm vóc quy mô vũ trụ của nghĩa quân, trong khi thất bại của kẻ thù được đo đếm bằng các từ ngữ cụ thể, biểu cảm bằng những hình ảnh, động tác, hành vi xác thực, đời thường và tầm thường : lê gối dùng tờ tạ tội, trói tay để tự xin hùng, thây chất đầy đường, máu trôi đỏ nước, nghỉ ngờ khiếp vía mà vỡ mật, xéo lên nhau chạy để thoát thân, tan tành, khốn đốn, quay gót chẳng kịp, cởi giúp ra hàng, hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng,… Những địa danh đất nước thì gắn liền với chiến thắng của quân ta và thất bại của giặc thù, đưa đến lời cảm thương mang tầm vóc đất trời, vũ trụ :

Lụng Giang, Lạng Sơn, thây chất đẩy đường ;

Xương Giang, Bình Than, máu trôi đỏ nước.

Ghê gớm thay sắc phong vân phải đổi,

Thảm đạm thay ánh nhật nguyệt phải mờ…

Trong toàn bộ phần trên đây, những câu ngắn dài đan xen nhau, biến hoá linh hoạt tạo nên âm điệu như hồi trống trận, khi thúc giục khi ngân vang, khi đanh thép, khi bi ai thương cảm. Dễ thấy những câu văn thể hiện sức mạnh và không khí chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn thường ngắn gọn, âm hưởng mạnh mẽ, dứt khoát; những câu mô tả thất bại của kẻ thù thường kéo dài, mang tính liệt kê, trình bày, dẫn giải. Đáng lưu ý là các thủ pháp nghệ thuật so sánh, tương phản, liên tưởng, cực tả giúp cho các câu văn trở nên sinh động, giàu hình ảnh, dễ đi vào lòng người. Sau khi đánh tan quân giặc, thêm một lần nữa Nguyễn Trãi nhấn mạnh tinh thần nhân nghĩa, lấy tấm lộng mà đối xử với kẻ thù ngay cả khi chúng ở vào thế

cùng lực kiệt : “Thần vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh”. Với tầm suy nghĩ xa rộng của bậc thức giả, ông xác định rõ mục đích hoà hiếu : “Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức” (Dư dĩ toàn quân vi thượng nhi dữ dán đắc tức). Quan điểm lấy dân làm gốc, ý thức “khoan dân”, nới sức dân đã được Nguyễn Trãi hết sức coi trọng. Điều này thể hiện tầm trí tuệ uyên bác nhưng đồng thời cũng là bài học lịch sử mà chính ông đã chứng kiến, nghiệm sinh trong thời nhà Hồ, thấy rõ cọc gỗ, lưới giăng cửa biển cũng vô ích và sức mạnh nhân dân mới là vô địch : “Lật thuyền mới rõ dân như nước” (Đóng cửa biển).

Đến phần kết, bài cáo trở lại nội dung quan phương và tuân theo những quy phạm về mặt thể loại. Câu thơ trở nên hoành tráng, chuẩn mực, giọng điệu khoa trương để nhấn mạnh thời thế lịch sử đã chuyển sang một trang mới và khẳng định sự trường tồn của dân tộc : “Xã tắc từ đây vững bền – Giang sơn từ đây đổi mới… Muôn thuở nền thái bình vững chắc – Ngàn thu vết nhục sạch làu”. Ngay ở lời kết này, tư duy hướng về lực lượng siêu nhiên Trời – Đất – Tổ tông tiếp tục được nhấn mạnh : “Âu cũng nhờ trời đất tổ tông khôn thiêng ngầm giúp đỡ mới được như vậy”. Trên cả hai chiều thời gian và không gian, chiến thắng lần này sẽ còn vang vọng tới mai sau và đem lại cuộc sống an bình cho mọi miền non sông đất nước : “Một cỗ nhung y chiến thắng, nên công oanh liệt ngàn năm – Bốn phương biển cả thanh bình, ban chiếu duy tân khắp chốn”,…

Tác phẩm Đại cáo bình Ngô được coi là “bản tuyên ngôn độc lập lần thứ hai của dân tộc”, “thiên cổ hùng văn”, “bản hùng ca lẫm liệt”, “một văn kiện chính trị có V nghĩa lịch sử lớn” và thuộc “một thể loại văn bản hành chính của nhà nước quân chủ”,. . Do tính quy phạm của một tác phẩm thuộc thể cáo cho nên các phương diện thuộc về hình thức nghệ thuật thường ít có điều kiện được triển khai tìm hiểu. Hơn nữa, bản thân cách phiên dịch, cách hiểu, cách giải thích chiều sâu từng câu chữ văn bản cho đến nay vẫn chưa phải đã đến thấu đáo, toàn diện, chính xác. Tuy nhiên, chính nhờ giá trị tự thân mà Đại cáo bình Ngô cứ mãi toả hào quang, mãi cuốn hút mọi thế hệ người Việt Nam yêu nước và yêu văn chương. Có thể nói rằng, với một tác phẩm không dài, lại được viết bằng lối văn biền ngẫu song Đại cáo bình Ngô đã có được sức vang hưởng vô cùng rộng lớn, tiêu biểu cho sức mạnh tinh thần, bản lĩnh văn hoá và nền văn hiến dân tộc. Vì lẽ đó mà tác phẩm được các thế hệ đón nhận, ngợi ca, luận bình và được giảng dạy rộng rãi trong nhà trường.

Tải về file word >> tại đây

Xem thêm 

Phân tích, bình giảng tác phẩm Phẩm Bình Nhân Vật Lịch Sử (trích “Đại Việt sử kí toàn thư”) – Ngữ Văn 10 >> tại đây

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận