Bài thơ “Tùng” (Nguyễn Trãi) – Những bài giảng văn chọn lọc

Đang tải...

Mời bạn đọc tham khảo nội dung bài giảng bài thơ “Tùng” (Nguyễn Trãi) trong cuốn sách “Những bài giảng văn chọn lọc” do GS. Lê Trí Viễn biên soạn. Mong rằng đây sẽ là một tài liệu tham khảo hữu ích dành cho sinh viên, học sinh và những người làm công tác giảng dạy văn học.

TÙNG

NGUYỄN TRÃI

         1. Nằm trong phong cách chung của thơ Nguyễn Trãi – hài hòa giữa chất trí tuệ sâu sắc và chất trữ tình nồng hậu – Tùng là một trong những bài thơ tiêu biểu vừa thể hiện chí hướng vừa bộc lộ tâm tình. Phân tích bài Tùng không chỉ để hiểu và khâm phục chí hướng và phẩm chất của con người vĩ đại ấy mà còn để cảm thông với tiếng lòng sâu kín mà nhà thơ muốn gửi gắm vào trong tác phẩm của mình.

         Căn cứ vào một số chi tiết trong bài thơ (Nhà cả đòi phen/ chống khoẻ thay, Tuyết sương thấy đã đặng nhiều ngày, Lâm tuyền ai rặng già làm khách) có thể phỏng đoán bài Tùng được sáng tác vào khoảng thời gian Nguyễn Trãi về nghỉ tại Côn Sơn (khoảng từ 1438 trở đi), tức là lúc ông đã có tuổi, đã có nhiều đóng góp cho đất nước, đã từng “Mùi thế đắng cay cùng mặn chát, ít nhiều đã trải một hai phen”. Hoàn cảnh đó sẽ cho phép ta khẳng định về chí hướng, phẩm chất và tài năng Nguyễn Trãi đồng thời cũng giúp ta thấu hiểu nỗi niềm tâm sự của con người ấy.

         Mượn cây tùng làm biểu tượng, bằng lối thơ tả cảnh, ngụ tình, tác giả muốn tâm sự về mình, chủ yếu là nói lên lí tưởng sống và tấm lòng thiết tha với dân, với nước. Mượn sự vật để ẩn dụ chỉ mình là cách làm thông thường trong thơ xưa. Mượn tùng, trúc, mai để biểu hiện khí tiết của người trượng phu lại càng là một nét cố hữu gần như đã thành công thức. Bài Tùng nằm trong hình thức sáo cũ ấy. Nhưng phải chăng nó chỉ chứa đựng một ý vị khẩu khí khô cằn? Hay bên trong còn có cái gì đó có khả năng rung động được lòng người mãi mãi?

         2.

         Khổ 1

                                                                 Thu đến cây nào chẳng lạ lùng

                                                                 Một mình lạt thuở ba đông.

         Quy luật của thiên nhiên xứ lạnh là vào thu, cây cỏ đều biến dạng, trơ cành trụi lá, trở nên lạ lùng, chỉ một loại – đúng ra là một số loại – là ngược lại quy luật ấy, cứ tiếp tục xanh tươi, bất chấp giá rét của cả ba tháng mùa đông.

         Hai câu thơ này bày ra cái thế so sánh, cái bình thường đối lập với cái phi thường, và tất nhiên cái phi thường càng thêm nổi bật.

         Đâu phải chỉ đối lập ở cái bề ngoài bên trơ cành, bên tươi lá. Cũng không phải là sự ngô nghê bên thuận lẽ trời, bên chống quy luật. Quan trọng là nhắc lên rất cao cốt cách siêu quần của loài cây ấy.

         Đi sâu thêm chút nữa, có phải về từ ngữ, đằng này là cây nào, tức mọi loài thảo mộc, còn đằng kia là một mình, một mình loài cây ấy, một mình mà cứ khác, không e không ngại, bản lĩnh cứ vững như non, đằng này là thu đến nghĩa là mới chớm mùa thu chứ chưa phải giá rét, còn đằng kia là thuở ba đông nghĩa là suốt mùa đông đằng đẵng ba tháng, gió như kim châm, tuyết như cưa xẻ, ấy thế mà đằng này đã cây nào chẳng lạ lùng, còn đằng kia thì ngược lại lạt thuở ba đông. Cây nào chẳng lạ lùng, là thế bị động, nhất nhất tuân theo, trước hơi thu mới chớm đã rùng mình rởn óc, thắm nhạt vàng phai úa tàn rơi rụng, mất cả bản sắc, hóa ra lạ lùng, còn lạt thuở ba đông là thế chủ động, chủ thể tự khẳng định mình trước dâu bể của đất trời, không những không bị thay đổi của ngoại cảnh tác động đến mình mà còn tác động trở lại ngoại cảnh, làm cho ngoại cảnh phải chịu khuất, chịu khinh, chịu lạt.

         Về âm điệu, một bên là nhịp 2/5 trong cây bày chữ thông thường: Thu đến/ cây nào chẳng lạ lùng, nhịp hai ngắn ra trước còn nhịp năm dài ra sau là để làm mạnh thêm cái ý tác động của thiên nhiên là quyết định, cây cỏ đều phải cúi rạp một chiều, còn bên kia là nhịp 2/1/3 ở câu lục ngôn thu ngắn lại: Một mình/ lạt/ thuở ba đông, đặt nhịp một vào giữa, dàn mạnh xuống đó như tăng thêm sức tác động của chủ thể đối với thiên nhiên, thành một tư thế hiên ngang, dũng mãnh: lạt nổi lên một mình giữa câu như một cái gì gan gốc, bướng bỉnh. Cây gì vậy? Không nói ra nhưng ai nấy đều biết: đó là cây tùng, cây thông trong họ tùng bách. “Tuế hàn nhiên hậu trị từng bách chi hậu điêu” (Luận ngữ). Cốt cách của tùng là như vậy. Mới vào đề mà như đã đi sâu vào tinh thần của nội dung bài thơ.

         Và từ đó mới tiếp hai câu:

                                                                 Lâm tuyền ai rặng già làm khách?

                                                                 Tài đống lương cao ắt cả dùng.

         Người ta còn nhớ tứ thơ đầy lạc quan của tuổi trẻ hiệp khách ở Lý Bạch: ”Trời đất sinh ta, có tài ắt có chỗ dùng”. Cây tùng sinh ra ở chỗ rừng suối (lâm tuyền), cốt cách khinh rẻ tuyết sương, nhưng đâu phải để vĩnh viễn làm khách nơi rừng quạnh khe sâu. Không, cây tùng có thể làm rường cột đống lương) được, mà là rường cột lớn lao nữa kia, nên nố phải được dùng vào việc trọng đại (cả dừng).

         Cái lập luận lôgic này về tính năng cây tùng xét kĩ dường như không được ổn định cho lắm. Vì mấy ai làm nhà to cột (mà lại dùng gỗ tùng, nôm na là gỗ thông. Tính chuyện lâu dài to tát ấy người ta phải dùng loại đại thiết mộc như lim, kiền kiền… Cho là chuyện văn chương, có thể bỏ qua được thực tiễn thấp thỏi ấy mà chỉ lấy cái ý biểu tượng thôi, thì bắt đầu ở đây, khó mà hiểu lời thơ thiên về cây tùng. Đúng nó chỉ biểu tượng: Và  lời thơ là để nói về con người.

         Lại nữa, hai câu thơ xem như được cấu tạo thành một câu hỏi và một câu đáp:

         – Ai bảo (cây tùng) làm khách lâm tuyền đến già?

         – Không đâu, nó có “tài đống lương”, nó sẽ được dùng về việc lớn.

         Có người hỏi và có kẻ đáp? Hay chỉ là cách nói tu từ. Đúng ra hỏi cũng người ấy và đáp cũng người ấy. Bởi vì để là lời ngẫm nghĩ, lời tự tình nội tâm của tác giả: mình hỏi và mình đáp – về cây tùng trước hiên, hay bên bờ thạch bài mà cũng là về mình, về con người mình, cuộc đời mình. Các cấu tạo ấy của câu thơ là cách miêu tả cái tư thế trầm ngâm yên lặng bên ngoài mà dào dạt bên trong, ngẫm nghĩ, lắng sâu chắt lọc tất cả một cuộc đời để tổng kết, lắng đọng lại thành một câu mà đầy đủ, giọt nước mà một bầu trời. Phải chăng đây là lúc nhìn cây tùng mà hồi tưởng chuyện xưa, thời còn ẩn mình trong nhân dân, lẩn tránh quân giặc. Đó là thời gian lưu lạc, tung tích gửi chốn sông hồ:

                                                                 Nhất biệt giang hồ số thập niên

                                                                 (Hải khẩu dạ bạc hữu cảm)

                                                                 (Giang hò lưu lạc máy mươi năm)

                                                                 (Đêm đậu thuyền ở cửa biển)

và trong thời gian đó đâu phải chỉ có nỗi ân hận chưa được trở về với rừng suối mà trước kia cùng mình đã có hẹn hò:

                                                                 Lâm tuyền hữu ước na kham phụ?

                                                                 (Loạn hậu đáo Côn Sơn cảm tác)

                                                                 (Suối rừng có hẹn sao nên phụ ?)

                                                                 (Sau loạn đến Côn Sơn cảm tác)

mà có khi còn là một nỗi ước mong tha thiết giày vò cả tâm can:

                                                                 Hà thời két ốc vân phong hạ

                                                                 Cáp giản phanh trà chẩm thạch miên.

                                                                 (Loạn hậu đáo Côn Sơn cảm tác)

                                                                 (Bao giờ dưới núi mây về ở,

                                                                 Nước suối chè tươi ngủ thạch bàn.)

                                                                 (Sau loạn đến Côn Sơn cảm tác)

         Nghĩa là cái thú làm khách lâm tuyền nào phải là chuyện xa lạ với tâm hồn người trai thuở ấy! Có điều chí hướng một đời, trách nhiệm đối với nước non, đối với lời dặn của cha – cũng là lời kêu gọi của non sông – là phải tìm đường cứu nước, nghiền ngẫm lược thao, xét suy kim cổ, nung nấu gan bền, rèn giũa tài năng… Tất cả đều nhằm đem mình ra dùng vào việc lớn.

         Bây giờ thời ấy đã xa, chí hướng, trách nhiệm đã một bước thành đạt. Điều ấy cho phép tuổi già ngẫm nghĩ về tuổi thanh xuân của mình, khách thể hóa nó ra mà tỉ tê trong thâm tâm một lời xác nhận, thực chất là một niềm tin bền vững, tin ở tài sức, ở chí hướng, ở điều tất yếu phải xảy ra là: tuổi trẻ tài ba ấy đâu hẹn cho suối rừng mãi mãi mà nhất định phải được đem ra phục vụ những mục đích cao cả.

         Câu tự tình mà như một thứ tuyên ngôn, thấm lặng thật thâm trầm:

                                                                  Lâm tuyền ai rặng già làm khách?

                                                                 Tài đống lương cao ắt cả dừng.

         Khổ 2

                                                                 Đồng lương tài có mấy bằng mày?

                                                                 Nhà cả đòi phen chống khoẻ thay!

         Chấm dứt khổ thơ trên là niềm tin vào một lẽ đương nhiên sẽ xảy tới. Mở đầu khổ thơ này lại là khẳng định chân lí ấy đã được thực hiện ở trường hợp cụ thể là cây tùng. Hai câu thơ vừa hỏi vừa khen. Hỏi mà khẳng định, mà ngợi khen: cây tùng có tài lương đống mấy cây bì kịp? Bao phen nó đã chống đỡ một cách mạnh mẽ cho nhà to cửa lớn?

         Nhưng nói cây tùng chẳng qua là cái cớ. Nói mình mới là chính. Đúng hơn là suy ngẫm về mình. Cũng tư thế trầm ngâm suy tưởng như đã thấy trên kia, cho nên mới có sự lặp đi lặp lại giữa câu 4 khổ 1 và câu 1 khổ 2, lặp lại và đảo quanh – tài lương đống rồi đống lương tài – là nghiền ngẫm cho kĩ, cho sâu thêm. Liên hoàn thì không nghĩa gì nhưng lặp xoay vòng như vậy lại có tác dụng xiết mạnh, xoáy sâu. Cũng như có sự phân thân làm hai để mình tự ngẫm nghĩ về mình, tự mình vừa chủ thể vừa khách thể, để mình tự trò chuyện với mình. Hay đúng hơn, cái mình ngày nay tâm tình với cái mình về trước. Có chữ mày đột ngột ở đầu khổ thơ là vì thế. Chính là mình hỏi lấy mình mới có giọng thân mật như vậy. Lại cả nhóm từ cảm thán khoẻ thay tiếp theo nữa. Người ta đều rõ trong văn thơ mình, Nguyễn Trãi chỉ một lần nói đến công lao mình mà nói bóng nói gió bằng điển tích. Cho nên không thể nào nghe thấy ở đây mày may hợm hỉnh, mà chỉ thấy vui tươi, thoả mái một tiếng cười tự hào của ông lão suốt đời lo toan chống chọi cho nước nhà. Bởi vì đây vẫn là sự xác nhận và khen ngợi của nửa mình này đối với nửa mình kia. Và có chút thỏa mãn, hả hê đi nữa cũng vẫn chính đáng. Tại sao ông già đầu tóc bạc phơ này, ngồi ngẫm lại cuộc đời mình mà không được tự hào thành lời về những cống hiến thực sự lớn lao cho dân cho nước?

         Cuộc đời anh hùng ấy cần gì phải lặp lại mới biết! Âm điệu câu 2 lại nổi bật lên âm thanh cao vút của từ chống và sau nhóm khoẻ thay vẫn kéo theo một ngữ khí gì như một tiếng cười hể hả. Điều đổ không phải không góp phần tạo nên sức tự hào khoẻ khoắn mát rợi trong câu thơ.

                                                                 Cội rễ bền dời chẳng động,

                                                                 Tuyết sương thấy đã đặng nhiều ngày.

         Vẫn là cây tùng. Cái tài đống lương cao cả, cái thành tích đòi phen chống đỡ nhà cả một cách vạm vỡ ấy, đâu phải một sớm một chiều có được. Mà rễ con rễ cái phải hàng năm, hằng kỉ lan rộng, ăn sâu, cho cội cắm chặt vào đất ngày một bền, một chắc, gió bão có lay dời cũng chẳng động mảy may, tuyết sương có cưa xẻ, cắt gọt đâm sâu bao ngày cũng chằng hề chi, đó là chuyện hằng từng trải. Tùng vẫn sừng sững giữa trời như trụ kình thiên, gan lì, cao cả, bao nhiêu thử thách đều như thấp dưới chân. Nhưng nói cho con người mới thật là thấm thìa. Âm điệu khổ thơ đang trôi trên đà 7 chữ bỗng dưng nghẽn lại, thắt lại trong âm điệu 6 chữ. Thắt lại một hơi rồi lại mở ra êm thuận. Có chuyện gì ở đây? Thể văn ở cả hai câu đều ở thể khẳng định trên cơ sở phủ định, khẳng định mình và phủ định cái tác động đến mình: dời chẳng động, thấy đã đặng nhiều ngay. Điều ấy phải chăng nổi lên biện chứng của cuộc sống cũng như của một con người bao giờ hai mặt thành tích và gian lao cũng là đối lập và thống nhất. Có tài hơn người là một đường, nhưng làm nên kì tích chống đỡ nước nhà, dù là chống đỡ khoẻ sức và khoẻ lòng, đánh đuổi giặc Minh giành lại cái thư thái cho càn khôn, đem lại ánh sáng cho mặt trời mặt trăng, mở ra vận hội thái bình muôn thuở cho dân tộc, nhân dân, đấu tranh với bọn quyền thần tha hóa, đưa nước nhà đến chốn đài xuân, thì đâu có phải đường đi chỉ toàn trải gấm rắc hoa? Cho nên chuyển từ tự hào thoải mái, từ tự thưởng mình một giây khen ngợi, hể hả đến cái giá thử thách mình phải qua, muốn hai không muốn, trong tâm lý cũng có gì rắn lại, thắt chặt lại khẳng định mình và phủ định cái ngăn trở, tiêu ma mình. Dời chẳng động tức là mình chẳng hề lay chuyển, còn bao nhiều giông bão phũ phàng rốt cuộc coi cũng như không. Tuyết sương thấy đã đặng nhiều ngày nghĩa là mắt mình đã từng thấy, đã từng chịu đựng và đã từng vượt qua đến mức coi thường. Câu thơ đầy tự hào nhưng đồng thời cũng pha chút cảm khái: thân phận mình sao lắm gian truân – cảm khái nhưng vẫn bình tĩnh lắng sâu. Đối chiếu với thơ văn và cuộc đời nhà thơ lại càng nồng đượm.

         Cội rễ bến dời chẳng động, là bản lĩnh, khí phách của con người “không thể cúi ngửa theo người đời”. Trước sau vẫn mộ “cốt lãnh hồn thanh chẳng khứng hóa”. Bởi lẽ cuộc đời Nguyễn Trãi không hề giản đơn, bao nhiêu sóng gió sẵn sàng vùi dậy cả bản thân cùng với những phẩm chất cao quý nơi con người ấy. Nhưng ông đã bền. Càng khó bền, người xưa nói vậy. Vì bền trở thành cái chất thực sự của con người kinh qua thử thách mà chỉ có những khát vọng tinh thần cao cả, không hề vướng vào vật chất tầm thường “Cơm ăn chàng quản dưa muối / Áo mặc nài chi găm thêu“.

         Cội rễ bến dời chẳng động không chỉ là bản lĩnh, khí phách mà còn là nhân sinh quan, lẽ sống ở đời. Cội là nước, rễ là dân, vun cội rễ ấy cho sâu, suốt đời không gì lay động được có lẽ sống nào cao quý hơn?

         Tuyết sương là sự tàn phá của thời gian, là thử thách gắt gay đối với loài thực vật, có khác nào những gian khổ, đắng cay, những chông gai cạm bẫy của cuộc đời đối với con người.

         Nhưng Tuyết sương ấy con người thấy đã đặng nhiều ngày. Nghĩa là con người đã chứng nghiệm thử thách bằng chính bàn thân mình với một thái độ bình thản, an nhiên. Cuộc đời của tác giả là một bài ca hùng tráng nhưng đâu phải không phải những nốt nhạc máu xương. Từ ấu thơ sớm sống cảnh hành vi, thanh bạch cho đến khi sự nghiệp lớn thành công, Nguyễn Trãi đã vượt biết bao cơn sống to gió lớn. Thù cha chưa trả, thân mình phiêu bạt, chí lớn chưa thành, nhà thơ đã trải qua nỗi đau khổ cả về vật chất lẫn tinh thần. Cái nghèo đói, lưu lạc trong mười năm li loạn đã khắc nghiệt đeo đẳng, cố tình mài mòn ý chí sắt son và làm hao tổn tâm huyết anh hùng. Phải là một nghị lực phi thường mới có thể đứng vững trước thử thách đó để “tự tin vào tấc lưỡi” của mình trong “Những đêm dài trong quán khách lạnh lẽo” nhìn thấy “thời gian vùn vụt trôi đi” chứng kiến cảnh giặc hoành hành mà đương chỉ biết có thở than!

         Thiếu thốn vật chất có đáng vào đâu so với sự mất mát to lớn về tình cảm, so với nỗi đau tinh thần đã cắt sâu vào cõi lòng hầu như rớm máu:

                                                                 Mả mồ nghìn dặm khôn thảm viếng,

                                                                 Thân quyến mười năm thảy sạch không.

(Thanh Minh)

         Rồi dưới gót quân xâm lược, tính mạng con người mong manh như ngọn cỏ. Sự sống trở thành quý giá và ý nghĩa biết bao nhiêu. Nỗi mừng khi thấy mình “may còn dược vẹn toàn sau cơn binh lửa” của Nguyễn Trãi thật đáng ngẫm suy thương cảm!

         Cho đến khi chí lớn đã thành, đất nước sạch bóng quân thù, cuộc đời vẫn chưa hết trò thử thách. “Tình cảnh làm quan dễ làm khiếp con chim đã bị cung bắn” Đáp lại tấm lòng son của người cao khiết là cái nhân tình đen bạc của lũ mũ cao dài vị kỉ, một lần oan khuất suýt chết vì “danh hư mà hư thực” bao nhiêu năm tháng làm quan mà chẳng khác làm sao. Đó không chỉ là nỗi đau xót riêng cho số phận mà là tiếng kêu chung của tâm huyết, của khát vọng phục vụ bị vùi dập, muốn làm “con chim phượng hót ánh sáng mặt trời” mà rốt cuộc lại phải làm con chim hồng lảnh ná”.

         Cho nên tuyết sương thấy dã đặng nhiều ngày vừa là biểu hiện về phẩm chất của mình trước những thử thách của cuộc sống vừa là ý vị cảm thán xót xa trước thực tế sớm nắng chiều mưa khắc nghiệt. Giữa cái ý vị tự hào và nỗi buồn sâu kín ẩn trong câu thơ hoàn toàn không mâu thuẫn. Nó chỉ hai khía cạnh thể hiện của một tâm trạng có mối liên hệ nhân quả rất khăng khít với nhau: càng tự hào về những khó khăn thử thách mình đã vượt qua, nhà thơ càng cảm khái trước những éo le của cuộc đời.

         Năng lực và phẩm chất là sự ngẫm nghĩ của người làm thơ trong khổ thứ hai này.

         Khổ 3

                                                                 Tuyết sương thấy đã đặng nhiều ngày,

                                                                 Có thuốc trường sinh càng khỏe thay.

                                                                 Hổ phách phục linh nhìn mới biết,

                                                                 Dành còn để trợ dân này.

         Khổ thơ cuối, câu đầu lặp lại nguyên vẹn câu cuối của khổ trước: Tuyết sương thấy đã đặng nhiều ngày. Nhưng ý thơ chuyển từ cảm khái có ít nhiều đau xót sang lạc quan, tin tưởng khi tác giả suy ngẫm như tự kiểm điểm và kiên định về mình. Bài thơ bắt đầu lồng lộng một niềm vui hồn nhiên, thư thả cởi mở. Con người như bắt gặp được ánh sáng chân lý của lẽ sống đời mình, càng trải nhiều mùa sương tuyết thì cây tùng càng có khả năng sản sinh được những vật quý – thuốc trường sinh – cống hiến cho đời. Với con người cũng thế. Càng trải qua nhiều gian truân thì càng trui rèn thêm được nhiều phẩm chất quý báu. Thuốc trường sinh ở Nguyễn Trãi chính là cái chất của tâm hồn: lí tưởng sống để phục vụ, phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Lí tưởng ấy nuôi sống cái vui trường cửu, cái an nhiên tự tại trong tâm hồn, nên ở con người ấy không bao giờ có sự đau buồn đến ngã lòng cũng như trong ý thơ không bao giờ tắt lịm ánh sáng. Cũng tận cùng bằng một từ tán thán thay nhưng khoẻ thay ở câu thơ này sắc thái khác hẳn câu thơ ở khổ 2 (Nhà cả đòi phen chống khoẻ thay): Không còn là cái tự hào pha chút ý vị cảm khái vương trên ý thơ lắng nghĩ, mà lại là cái gì rộng mở, tươi khoẻ, trong sáng, tràn đầy sức sống.

         Để giúp đời, thuốc trường sinh ấy hiện thành phục linh, hổ phách.

         Nếu được sử dụng thì tùng làm rường cột, nếu chưa đắc dụng thì nó âm thầm thì nó tự tôi luyện để chờ dịp đóng góp. Dù “xuất” hay “xử” hay “tàng” con người ấy vẫn hữu ích vì đã chọn một lý tưởng sống đúng và quyết tâm theo đuổi nó đến cùng. Cho nên con người ấy đã vượt lên trên những đau xót của bản thân để tự tin vào tương lai mình sẽ có dịp cống hiến. Những năm tháng sống trong cảnh “nhà ngặt, quan thanh” trong vòng nghi kị bội bạc của triều đình nhà Lê, vẫn dồn tâm huyết vào những gì mình có thể làm được cho đời. Giúp vua viết chiếu khuyên răn Thái tử, Nguyễn Trãi đã nhỏ máu tim mình vào từng lời ân cần, chí thiết với tấm lòng yêu thương vô bờ bến với người dân mọn lầm than. Về hưu, Nguyễn Trãi lại canh cánh cái trách nhiệm giáo dục quần chúng, rọi vào mọi người ánh sáng đạo đức nhân hậu, thuỷ chung, “khôn ngay”, “khéo đầy” truyền thống của dân tộc.

         Tất cả tâm huyết ấy là hổ phách, phục linh. Đó là vật quý vô giá của cây tùng sau cả quá trình tinh luyện dài năm, ngàn năm. Đó là cái chất tinh tuý đúc nên từ bao gian lao rèn luyện: của con người có tài năng, có ý chí và có tấm lòng ưu ái với đời. Cái chất tinh tuý ấy lại phải nhìn mới biết. Bởi lẽ tri kỉ của nó hẳn không phải là bọn tiểu nhân ích kỉ đang sống xa hoa ngất ngưởng ở ngôi cao xây trên đầu nhân dân cùng khổ. Phải là cái nhìn của những ai cùng lí tưởng mới thấy được. Vậy bảo vật ấy dành còn để trợ dân này! Cả tinh thần của khổ thơ quy vào câu cuối: tất cả những cái hữu ích quý giá của cây tùng – cũng chính là của tác giả – đều nhằm để trao cho dân, để phục vụ nhân dân. Trợ dân là mục đích cuối cùng cho mọi nỗ lực. Một mục tiêu cao đẹp! Một lần nữa nó biểu hiện tấm lòng yêu dân tha thiết, có khả năng rung động lòng người muôn đời! Nhờ tấm lòng đó mà con người chiến thắng mọi thử thách để hướng tới lí tưởng duy nhất một đời. Phải đâu lại ngẫu nhiên mà những câu thơ sáu chữ trong bài thơ đã xếp theo thứ tự đi xuống dần ở mỗi khổ thơ? Để cho câu thơ sáu chữ cuối cùng rơi vào vị trí câu kết của bài thơ – vị trí quan trọng nhất? Phải chăng đây chính là chủ não của khổ thơ cuối cùng, và cũng là tư tưởng chủ đề của cả bài thơ: tấm lòng thương dân của tác giả. Câu thơ cuối ngắn, gọn, khẳng định dứt khoát tư tưởng cao đẹp ấy.

         Nói đến cây tùng không ai là không nói đến bài vịnh cây thông của Nguyễn Công Trứ:

         Kiếp sau xin chớ làm người,

         Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.

      Lưng trời vách đá cheo leo

 Ai mà chịu rét thì trèo với thông.

         Cũng là cây tùng có sức chịu rét giữa trời đông, trên vách đá, nhưng sao mà hắt héo, tủi cực, cô đơn, bi quan đến hư vô thê thảm! Trong khi đó, bài Tùng đầy chất ngẫm nghĩ của Nguyễn Trãi toát ra cái phong vị nồng hậu, rộng mở của một con người có lí tưởng sống vững chắc. Đi vào bài thơ, vừa bắt gặp cái khí phách bất khuất của con người “Tuổi cao tóc bạc cái râu bạc, Nhà ngặt đèn xanh con mắt xanh” vừa bắt gặp những tình cảm cao đẹp của con người “Còn có một lòng âu việc nước, Đêm đêm thức nhẫn nẻo sơ chung”. Bài thơ không chỉ thể hiện chí hướng, phẩm chất của Nguyễn Trãi mà còn thể hiện cả tấm lòng của ông, một tấm lòng chan chứa yêu thương đối với người dân bình thường. Chính tấm lòng đó đã nuôi dưỡng nên chí sắt đá, rèn luyện nên những phẩm chất cao đẹp, đã giúp ông vượt qua bao nhiêu nghịch cảnh để giữ mãi ngọn lửa của một niềm tin không bao giờ tắt.

>> Xem thêm: Nam Quốc Sơn Hà – Những Bài Giảng Văn Chọn Lọc

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận