Bài văn hay lớp 10: Trong lớp, có một số bạn gặp khó khăn trong đời sống nên chểnh mảng học tập. Các bạn thường mượn câu tục ngữ: Cái khó bó cái khôn để tự biện hộ. Theo anh (chị) nên hiểu và vận dụng câu tục ngữ này như thế nào?

Đang tải...

I – DÀN Ý

         1. Mở bài:

         – Xưa nay, những người thành đạt trong sự nghiệp đều là tấm gương sáng phấn đấu không ngừng với nghị lực phi thường.

         – Tuy nhiên, không ít người hay đổ lỗi cho hoàn cảnh khó khăn: Cái khó bó cái khôn để biện hộ cho sự lười biếng, chểnh mảng trong công việc và học tập.

         2. Thân bài:

         * Giải thích ý nghĩa của câu tục ngữ Cái khó bó cái khôn.

         – Câu tục ngữ này xuất hiện từ lâu đời, trong hoàn cảnh xã hội phong kiến lạc hậu, báo thù. Con người phải tuân theo mọi kỉ cương, nguyên tắc sẵn có, ít khi được sáng tạo.

         – Khó là những ràng buộc chặt chẽ, phi lí, đòi hỏi nhiều điều kiện hoặc phải cố  gắng, vất vả mới cổ được, mới làm được.

         – Khôn là khả năng suy xét để giải quyết công việc một cách có lợi nhất, nhằm đạt được kết quả tốt nhất.

         – Từ có nghĩa là giữ lại, kìm hãm lại trong phạm vi chật hẹp, không cho tự do hoạt động, tự do phát triển.

         + Ý nghĩa của câu tục ngữ trên là nói đến những khó khăn do chủ quan, khách quan mang lại khiến cho mỗi cá nhân không thể xoay xở để vượt qua, dễ dẫn đến thái độ buông xuôi tiêu cực, chấp nhận thực tế phũ phàng. Nếu đúng thì chỉ đúng trong xã hội cũ hoặc với những người lười biếng, thụ động.

         + Chứng minh:

        – Gia đình khó khăn phải phụ bố mẹ kiếm sống, học yếu nên bỏ học.

        – Một bài Toán khó làm không được, chấp nhận bị điểm kém.

        – Gia đình nghèo, chấp nhận cảnh nghèo, không chịu khó vươn lên.

        * Ý kiến của bản thân:

        – Bên cạnh câu tục ngữ Cái khó bó cái khôn còn có câu Cái khó ló cái khôn.

        – Ló: để lộ một phần nhỏ, xuất hiện ý tưởng, điều kiện nhỏ.

        – Ý nghĩa câu tục ngữ này đối lập với câu tục ngữ trên, ý nói trong công việc dù gặp nhiều khó khăn trở ngại nhưng nếu có quyết tâm thực hiện thì ta vẫn tìm được cách giải quyết để đạt mục đích cuối cùng.

        * Chứng minh rằng: Cái khó ló cái khôn.

        – Nhiều người sẵn sàng chấp nhận gian khó và coi đó là thử thách cần thiết trên đường đời. Nếu vượt qua được thì sẽ trưởng thành. (Chứng minh)

        – Tất cả mọi người đều tìm ra cách giải quyết phù hợp với hoàn cảnh của mình để đạt kết quả học tập tốt, để thực hiện được ước mơ. (Chứng minh)

        – Xung quanh ta có những gương sáng vượt khó, hiếu học, được mọi người khen ngợi, biểu dương. (Dẫn chứng)

        3. Kết bài: 

        – Với những người có ý chí, quyết tâm phấn đấu thì cái khó không được cái khôn, mà trong cái khó ló cái khôn. Càng khó càng thúc đẩy óc sáng tạo và khát vọng chiến thắng.

        – Các bạn lười biếng, chểnh mảng học tập hãy soi vào những gương sáng đó để tự sửa mình.

II – BÀI LÀM

        Có một danh nhân đã nói: Trong thành công, có tới 99% là sự cố gắng; chỉ có 1% là năng khiếu mà thôi. Quả đúng như vậy! Những người nổi tiếng, đạt được tới đỉnh cao vinh quang của sự nghiệp đểu là những tấm gương sáng về sự phấn đấu không ngừng nghỉ, về ý chí và nghị lực phi thường. Tuy nhiên, hiện nay trong giới trẻ vẫn có một số người mướn câu tục ngữ: Cái khó bó cái khôn để biện hộ cho thái độ học tập, thái độ sống thiếu tích cực của mình.

        Vậy ý nghĩa của câu tục ngữ trên là như thế nào? Khó là những ràng buộc chặt chẽ, phi lí đòi hỏi phải có nhiều điều kiện hoặc phải hết sức cố gắng mới có được, mới làm được. Khôn là khả năng suy xét để xử sự, làm việc một cách có lợi nhất để đạt được mục đích. Từ bó có nghĩa là giữ lại, kìm lại trong phạm vi chật hẹp, không cho tự do hoạt động và phát triển.

        Trong cuộc sống hằng ngày, những khó khăn do chủ quan, khách quan mang lại khiến cho mỗi cá nhân khó có thể xoay sở để vượt qua, dễ dẫn đến thái độ buông xuôi tiêu cực, chấp nhận thực tế phũ phàng. Nếu nói câu tục ngữ Cái khó bó cái khôn là đúng thì nó chỉ đúng trong xã hội cũ hoặc đúng với những con người lười biếng, thụ động. Có thể chứng minh điều này bằng thực tế trong cuộc sống quanh ta.

        Ví dụ bạn A vì gia đình khó khăn, hằng ngày phải phụ bố mẹ kiếm sống, do đó học yếu nên bỏ học. Bạn B vì một bài Toán khó không làm được, chấp nhận bị điểm kém. Bạn C chấp nhận cảnh nghèo và đổ lỗi cho số phận: Kiếp nghèo đi ngược về xuôi vẫn nghèo.

        Ý nghĩa thứ nhất của câu tục ngữ Cái khó bó cái khôn là nói đến sự trói buộc nghiệt ngã của các yếu tố khách quan, khiến con người khó bề xoay sở để vượt qua nghịch cảnh.

        Ý nghĩa thứ hai của câu tục ngữ là phản ánh thái độ thụ động, cam chịu của những người thiếu ý chí, nghị lực trước khó khăn, thử thách trong cuộc đời. Thái độ ấy là tiêu cực vì nó triệt tiêu khả năng kì diệu mà Tạo hoá ban cho loài người là khả năng thích ứng nhanh nhạy với mọi điều kiện sống khác nhau.

        Câu tục ngữ này xuất hiện từ lâu trong hoàn cảnh xã hội phong kiến lạc hậu, bảo thủ. Con người phải tuân theo mọi kỉ cương, nguyên tắc sẵn có, những ràng buộc chặt chẽ, phi lí, ít khi được tự do sáng tạo. Xưa kia, người dân lao động phải sống một cuộc sống cơ cực, thiếu thốn kéo dài, hậu quả của một nền kinh tế tiểu nông mang nặng tính chất tự cung tự cấp, phụ thuộc vào thiên nhiên. Họ luôn luôn phải Lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy đầy bát cơm. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến tầm suy nghĩ, tầm nhìn và sự năng động của mỗi cá nhân. Một nguyên nhân quan trọng nữa là trong xã hội phong kiến có quá nhiều luật lệ, định kiến ràng buộc con người. Nền kinh tế tự cung tự cấp đã kìm hãm sự phát triển về mọi mặt của xã hội. Quyền sống tự do bị tước đoạt, mọi suy nghĩ, hành động của cá nhân đều không được phép vượt khỏi khuôn khổ định sẵn của luân lí Tam cương, Ngũ thường. Vì thế mà con người gần như mất quyền chủ động và sáng tạo trong công việc. Dẫu có biết {khôn) đi chăng nữa thì cũng đành chịu bó tay vì nhiều cái khó.

        Bên cạnh câu tục ngữ Cái khó bó cái khôn còn có câu Cái khó ló cái khôn. Ý nghĩa câu tục ngữ này đối lập với câu tục ngữ trên. Từ ở đây có nghĩa là để lộ một phần nhỏ ý tưởng hoặc điều kiện nào đó có tính chất tích cực. Câu tục ngữ muốn nói rằng trong công việc dù gặp nhiều khó khăn trở ngại nhưng nếu chúng ta có quyết tâm thực hiện thì vẫn tìm được cách giải quyết để đạt được mục đích cuối cùng.

        Chẳng hạn như một bạn vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên phải phụ bố mẹ kiếm sống, nhưng bạn ấy đã tranh thủ thời gian và tìm ra phương pháp học tập phù hợp để đạt được kết quả tốt. Gặp một bài Toán khó, ta phải tìm sách mà đọc hoặc hỏi thầy, hỏi bạn. Nếu bị điểm kém thì sẽ rút kinh nghiệm để bài sau làm cẩn thận hơn. Bản thân phải cố gắng chăm làm, chăm học, phấn đấu không ngừng để thay đổi số phận. Ngày nay, đất nước đã mở cửa, hội nhập với thế giới, chúng ta đang đứng trước vận hội mới, thách thức mới, cơ hội làm giàu chia đều cho tất cả mọi người.

        Cổ nhân có câu: Lửa thủ vàng, gian nan thử sức, hoặc: Gió bão mới hay cây cỏ cứng. Trong quá trình học tập và làm việc, khó khăn gian khổ là lẽ đương nhiên. Điều quan trọng là chúng ta có chấp nhận nó và tìm cách để vượt qua nó hay không. Xung quanh chúng ta giờ đây có rất nhiều tấm gương phấn đấu bền bỉ, kiên định, thực hiện bằng được mục đích tốt đẹp mà bản thân xác định từ đầu.

        Anh Lê Nguyễn Minh Quang, cựu học sinh trường chuyên Lê Hồng Phong, thành phố Hồ Chí Minh xuất thân từ một gia đình nghèo ở Đức Hoà, Long An. Anh có ý thức tự lập rất sớm. Thương mẹ tảo tần buôn bán nuôi đàn con nhỏ, anh vừa học vừa tìm cách giúp đỡ mẹ và dạy dỗ các em. Ăn đói, mặc rách không làm anh nản lòng, nhụt chí. Anh vẫn quyết tâm học thật giỏi để đổi đời, để đền đáp công ơn cha mẹ, thây cô và xã hội đã giúp anh trưởng thành. Là một trong những sinh viên nghèo vượt khó đầu tiên được nhận học bổng của báo Tuổi trẻ, anh đã phấn đấu học tập và giờ đây đã trở thành Tổng giám đốc một Công ty lớn ở thành phố Hồ Chí Minh.

        Anh Nguyễn Công Hùng ở Nghệ An là một nạn nhân chất độc da cam bị liệt hết chân tay, phải ngồi xe lăn mà vẫn không ngừng mày mò, học hỏi để nâng cao trình độ hiểu biết về Tin học. Anh trở thành Giám đốc một Công ti Tin học và đặc biệt là trở thành thầy dạy vi tính cho mấy chục học trò tật nguyền ở địa phương.       

        Hồ Quốc Thống – chuyên viên đồ hoạ thiết kế vi tính về nhiếp ảnh xuất thân từ một đứa trẻ lang thang với đủ nghề kiếm sống trên đường phố. Anh Thống đã học nhiếp ảnh thành công và đã giúp cho nhiều bạn trẻ có hoàn cảnh như mình vào nghề. Nguyễn Hữu Ân – anh sinh viên vừa học vừa làm,
vừa ngày ngày chăm sóc mẹ nuôi đang bị bệnh ung thư tại Bệnh viện Ung bướu thành phố để giữ tròn lời hứa với mẹ ruột trước khi mẹ qua đời.

        Đó là những tấm gương rất đẹp nhưng lại rất bình dị trong đời thường. Thành tích đạt được của mỗi người đều là những bài học quý để các bạn trẻ khâm phục và học tập. Nghị lực mạnh mẽ, quyết tâm vươn lên từ khốn khó để thay đổi cuộc đời, đó là những đức tính cao quý rất cần thiết cho mỗi người trong cuộc sống.

        Một số ví dụ nêu trên đã chứng minh rằng không phải là Cái khó bó cái khôn mà ngược lại với những con người có tính cách mạnh mẽ, có nghị lực, có lòng kiên trì và sức chịu đựng bền bỉ thì Cái khó ló cái khôn. Từ trong gian nan thử thách, họ sẽ tìm ra được hướng giải quyết, hướng đi đúng đắn nhất để thực hiện bằng được ước mơ hằng đeo đuổi. Nếu bạn nào hay nguỵ biện cho sự lười biếng, ỷ lại, thiếu ý chí, nghị lực trong phấn đấu hoặc hay đổ thừa cho hoàn cảnh khó khăn mà bê trễ việc học hành thì hãy thử soi vào những tấm gương đó để suy ngẫm và tự sửa mình.

 

 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận