Những câu hát về tình yêu quê hương, đất nước, con người – Để học tốt Ngữ Văn 7

Đang tải...

NHỮNG CÂU HÁT VỀ TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC CON NGƯỜI

I/ TÌM HIỂU CHUNG VỀ VĂN BẢN

            Những câu hát về tình yêu quê hương, đất nước, con người thường gợi nhiều hơn tả, hay nhắc đến tên núi, tên sông, tên vùng đất với những nét đặc sắc về hình thể, cảnh trí, lịch sử, văn hoá của từng địa danh. Đằng sau những câu hỏi, lời đáp, lời mời, lời nhắn gửi và các bức tranh phong cảnh là tình yêu chân chất, tinh tế và lòng tự hào đối với con người và quê hương, đất nước.

II/ HƯỚNG DẪN HỌC SINH PHÂN TÍCH VĂN BẢN

            Bài 1

            – Bài ca có hai phần đối đáp, trong đó có lời của chàng trai (gọi nàng ơi) và lời cô gái (gọi chàng ơi). Hình thức đối đáp này rất phổ biến trong ca dao. Ví dụ như:

– Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng

Tre non đủ lá, đan sàng nên chăng?

– Chàng hỏi thì thiếp xin vâng

Tre non đủ lá nên chăng hỡi chàng?

– Gặp đây mận mới hỏi đào

Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?

Mận hỏi thì đào xin thưa

Vườn hồng có lối, nhưng chưa ai vào.

            – Trong bài, chàng trai, cô gái hỏi – đáp về những địa danh nổi tiếng của quê hương, đất nước. Lời hát vừa là câu đố để thử tài, kiểm tra kiến thức văn hoá, lịch sử, vừa gửi gắm kín đáo tình cảm của người hát. Qua đó thể hiện, chia sẻ sự hiểu biết cũng như niềm tự hào, tình yêu đối với quê hương, đất nước.

            – Mở đầu cuộc đối đáp là những câu hỏi của chàng trai. Chàng trai hỏi về các địa danh ở nhiều thời kì của vùng Bắc Bộ, các địa danh đó không chỉ có những đặc điểm về địa lí tự nhiên mà còn thể hiện những đặc điểm văn hoá nổi bật.

            – Cô gái đáp lời với những địa danh gợi lên hình ảnh đất nước Việt Nam với vẻ đẹp tự nhiên, độc đáo, kì thú, vẻ đẹp giàu truyền thống văn hoá lịch sử: Thành Hà Nội, sông Lục Đầu, Sông Thương, Núi Đức Thánh Tản, đền Sòng, xứ Thanh, tỉnh Lạng.

            – Cách hỏi – đáp trong bài vừa để chia sẻ sự hiểu biết vừa thể hiện niềm tự hào và tình yêu đối với quê hương đất nước. Cả người hỏi và người đáp đều hiểu rõ và nắm vững những kiến thức về địa lí, lịch sử và văn hoá, điều đó chứng tỏ họ là những người rất am hiểu và yêu mến quê hương mình.

            Bài 2

            – Bài ca dao mở đầu với lối nói rất quen thuộc để gợi hứng cho việc ca ngợi cảnh đẹp Hồ Gươm. Rủ nhau là mô típ thường gặp trong ca dao (Rủ nhau lên núi đốt than; Rủ nhau xuống biển mò cua) thể hiện tình yêu thương, đoàn kết và gắn bó giữa con người với nhau. Đây cũng là một trong những yếu tố thể hiện tính chất cộng đồng của ca dao.

            – Cách tả cảnh bài ca dao gợi nhiều hơn tả. Những địa danh, cảnh trí tiêu biểu nhất của hồ Hoàn Kiếm được nhắc như: Kiếm Hồ, cẩu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, Đài Nghiên, Tháp Bút. Biện pháp liệt kê cũng là cách thể hiện niềm tự hào của những con người đã được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất đó.

            – Địa danh và cảnh trí gợi một Hổ Gươm, một Thăng Long giàu truyền thống lịch sử và văn hoá, gợi lên hình ảnh một dân tộc “lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa”. Cảnh rất đa dạng: có đền, có đài và tháp, tất cả gộp lại một không gian thiên tạo thơ mộng và thiêng liêng. Chính những địa danh, cảnh trí được nhắc đến gợi tình yêu, niềm tự hào về Hồ Gươm, về Thăng Long và đất nước. Chính vì vậy mà mọi người muốn háo hức “rủ nhau” đến thăm.

            – Câu hỏi tu từ “Hỏi ai xây dựng nên non nước này” rất tự nhiên, giàu âm điệu nhắn nhủ, tâm tình. Câu ca như khẳng định về công lao xây dựng, kiến tạo của ông cha. Hồ Gươm, không chỉ là một cảnh đẹp ở thủ đô, nó đã trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp, cho truyền thống văn hoá lịch sử của đất nước, thế hệ mai sau, phải biết bảo vệ trân trọng và gìn giữ xây dựng và tiếp nối truyền thống đó.

            Bài 3

            – Bài ca phác hoạ cảnh vào xứ Huế rất đẹp. Có “non xanh và có nước biếc” gợi nên vẻ đẹp tươi mát, sống động. Cảnh vật thơ mộng, không gian vừa khoáng đạt, bao la vừa quây quần, trong trẻo biếc xanh. Đó là cảnh trí thiên nhiên và cũng là cảnh đẹp do con người tạo ra.

            – Câu ca gợi nhiều hơn tả. Các định ngữ và cách so sánh truyền thống đã gợi nên những cảnh đẹp sông núi có đường nét, màu sắc sinh động của con đường thiên lí dẫn vào xứ Huế. Cảnh trí xứ Huế hiện lên với núi non trùng điệp, với màu xanh ngút ngát. Điệp từ “quanh quanh”, biện pháp so sánh “như tranh hoạ đồ” mở ra một hình ảnh về xứ Huế mộng mơ, sơn thuỷ hữu tình, khiến cho ta liên tưởng sự hiện diện của thiên nhiên nơi đây được sắp xếp như những nốt nhạc mà tạo hoá đã ban tặng cho xứ sở này.

            – Bài ca khép lại bằng lời mời chân tình như một tiếng lòng vẫy gọi “Ai vô xứ Huế thì vô”. Vô xứ Nghệ hay vô xứ Huế đều là đến với những vùng quê rất đẹp, rất nên thơ. Ai là đại từ nhân xưng phiếm chỉ, chỉ rất chung chung, không cụ thể là ai, không cụ thể là người nào. Nó có thể là tôi, là anh, là tất cả những ai có tình yêu và lòng khao khát chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên và tình người xứ Huế.

            – Cách mời gọi bề ngoài có vẻ lấp lửng nhưng thực ra rất chân tình, tha thiết. Chính vì thế, người đọc dù đang ở nơi đâu cũng có cảm giác mình như nhận được lời mời gọi đến chốn non nước hữu tình này.

            Bài 4

            – Bài ca có cấu trúc khá đặc biệt, được chia làm hai phần vừa độc lập vừa gắn bó với nhau. Hai câu đầu tả cảnh đồng lúa trong cảnh bình minh. Hai câu sau tả dáng hình cô thôn nữ như những chẽn lúa đòng.

            – Hai câu đầu, mỗi câu kéo dài mười hai tiếng, câu thứ ba không phải sáu tiếng mà là bảy tiếng, chỉ câu 4 mới trở lại 8 tiếng bắt vần giống lục bát. Sự độc đáo này khiến giọng điệu câu ca phóng túng, linh hoạt, ngôn ngữ như cũng được nới rộng theo đối tượng miêu tả, cảnh và người hoà hợp, đậm chất đồng quê.

            – Các điệp ngữ, đảo ngữ và phép đối xứng (đứng bên ni đồng – đứng bên tê đồng, mênh mông bát ngát – bát ngát mênh mông) mở ra một không gian rộng lớn, rợn ngợp đến ngút tầm mắt: cảm tưởng như nhìn ở vị trí nào cũng thấy cái mênh mông rộng lớn của cánh đồng, cánh đồng không chỉ rộng lớn mà còn rất đẹp, trù phú, đầy sức sống.

            – Đây là lời của cô thôn nữ trước đồng ruộng quê hương, vừa ca ngợi vẻ đẹp cánh đồng, vừa ý thức được vẻ đẹp của chính mình. Hình ảnh “chẽn lúa đòng đòng” là biểu tượng cho tuổi xuân thì, vẻ đẹp thanh xuân và tình yêu, sự gắn bó tự nhiên của cô gái với quê hương. Cũng có người hiểu đây là lời của chàng trai – bài ca thuộc nhóm tỏ tình, ví ghẹo. Nhưng hiểu theo cách thứ nhất sẽ hợp lí hơn vì hai chữ “thân em” đã làm rõ chủ thể trữ tình, mượn cảnh ngụ tình, trước thiên nhiên và cuộc sống con người tự giãi bày, tâm sự.

            – Trước sự rộng lớn, bát ngát của cánh đồng, tác giả dân gian vẫn nhận ra hình ảnh của cô gái đáng yêu. Nổi bật như một nét chấm phá sinh động trên nền cánh đồng bát ngát, hình ảnh con người – cô thôn nữ mảnh mai, nhiều duyên thầm và đầy sức sống.

            Có thể thấy: Với người Việt Nam, quê hương là nơi quê cha đất mẹ, là cái nôi thân thiết yêu thương. Quê hương là mái nhà, luỹ tre, cái ao tắm mát, là sân đình, cây đa, giếng nước, con đò… Đất nước với quê hương chỉ là một, là cơ đồ ông cha để lại, là núi sông hùng vĩ thiêng liêng. Quê hương đất nước được nói đến trong ca dao, dân ca đã thể hiện biết bao tình cảm yêu thương, tự hào của nhân dân ta biết bao đời nay.

III. TRÍCH YẾU TƯ LIỆU THAM KHẢO

Tham khảo một số bài ca dao về tình yêu quê hương, đất nước, con người:

– Ai lên Biên Thượng, Lam Sơn,

Nhớ Lê Thái Tổ chặn đường quân Minh.

– Ai lên Đồng Tỉnh, Huê Cầu,

Đồng Tỉnh bán thuốc, Huê Cầu nhuộm thâm.

Nào ai đi chợ Thanh Lâm,

Mua anh một áo vải thâm hạt dền.

– Ai lên nhắn chị hàng bông,

Có muốn lấy chồng thì xuống Nguyệt Viên.

Nguyệt Viên lắm thóc nhiều tiên,

Lại có sông liền tắm mát nghỉ ngơi.

– Chiều chiều ba dãy cá tươi,

Chẳng ăn cũng thiệt, chẳng chơi củng hoài.

– Ai vẽ Bình Định mà nghe, 

Nói thơ chàng Lía, hát về Quảng Nam.

– Ai về đến huyện Đông Anh,

Ghé thăm phong cảnh Loa thành Thục Vương.

– Ai về Hà Tĩnh thì về,

Mặc lụa chợ Hạ, uống chè Hương Sơn.

– Ai về Hậu Lộc, Phú Điền,

Nhớ đây bà Triệu trận tiền xung phong.

– Ai về Phú Thọ cùng ta,

Vui ngày giỗ Tổ tháng ba mùng mười.

Dù ai đi ngược về xuôi,

Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba.

– Bạch Đằng giang là sông cửa ải,

Tống Hà Nam là bãi chiến trường.

– Chiều chiều én lượn truông Mây,

Cảm thương chú Lía bị vây trong thành.

– Chiều chiều trước bến Vân Lâu,

Ai ngồi, ai câu.

Ai sầu, ai thảm,

Ai thương, ai cảm.

Ai nhớ, ai trông.

Thuyền ai thấp thoáng bên sông,

Nhớ câu mái đẩy chạnh lòng nước non.

– Dịu dàng nết đất An Dương,

Xưa nay là chốn văn chương nổi tài.

– Dù ai buôn đâu bán đâu,

Mồng mười tháng chín chọi trâu thì về.

– Dù ai xấu xí như ma,

Tắm nước Đồng Lẫm củng ra con người.

– Đất Châu Thành anh ở,

Xứ Cần Thơ (nọ) em về

Bấy lâu sông cận biển kề,

Phân tay mai trúc dầm dề hột châu.

– Đi bộ thì khiếp Hải Vân,

Đi thuyền thì sợ sóng thần Hang Dơi.

– Đò từ Đông Ba, đò qua Đập Đá,

Đò từ Vĩ Dạ, thẳng ngã Ba Sình.

Lờ đờ bóng ngã trăng chênh,

Tiếng hò xa vọng, nhắn tình nước non.

– Đông Ba, Gia Hội hai cầu,

Ngó lên Diệu Đế bốn lầu hai chuông.

– Đồng Đãng có phố Kỳ Lừa,

Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh

– Ai lên xứ Lạng cùng anh,

Tiếc công bác mẹ sinh thành ra em.

Tay cầm bầu rượu nắm nem,

Mãi vui quên hết lời em dặn dò.

– Đức Thọ gạo trắng nước trong,

Ai về Đức Thọ thong dong con người.

– Đường vô xứ Nghệ quanh quanh,

Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ.

Thương em anh những muốn vô,

Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang.

Phá Tam Giang ngày rày đã cạn,

Truông nhà Hồ, Nội tán cấm nghiêm.

– Gà nào hay bằng gà Cao lãnh,

Gái nào bảnh bằng gái Tân Châu.

Anh thương em chẳng ngại sang giàu,

Mứt hồng đôi lạng, trà tàu đôi cân.

– Gió đưa cành trúc la đà,

Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương.

Mịt mù khói toả ngàn sương

Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.

– Hết gạo thì có Đồng Nai,

Hết củi thì có Tần Sài chở vô.

– Học trò xứ Quảng ra thi,

Thấy cô gái Huế chân đi không đành.

– Hỡi cô thắt lưng bao xanh,

Có về Vạn Phúc với anh thì về.

Vạn Phúc có cội cây đề,

Có sông uốn khúc, có nghề quay tơ.

– Kẻ Dầu có quán Đình Thành,

Kẻ Hạc ta có Ba Đình, Ba Voi.

Mười tám cất thuyền xuống bơi,

Mười chín giã bánh, hai mươi rước thần.

– Làm trai cho đáng nên trai,

Phú Xuân cũng trải, Đồng Nai cũng từng.

– Mồng bảy hội Khâm, mồng tám hội Dâu,

Mồng chín đâu đâu trở về hội Gióng.

– Muốn ăn bánh ít lá gai,

Lấy chồng Bình Định sợ dài đường đi.

– Muốn ăn bông súng mắm kho,

Thì vô Đồng Tháp ăn no đã thèm.

– Muốn ăn cơm tấm, canh cần,

Thì về Trinh Tiết chăn tằm với anh.

Ngó vô Linh Đống mây mờ,

Nhớ ông nguyên soái dựng cờ đánh Tây.

– Nhà Bè nước chảy chia hai,

Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về.

– Nhất đẹp là gái làng Cầu,

Khéo ăn, khéo mặc, khéo hầu mẹ cha.

Nhất cao là núi Tản Viên,

Nhất sâu là vũng Thuỷ Tiên cửa Vừng.

– Núi Truồi ai đắp mà cao,

Sông Gianh ai bới ai đào mà sâu.

Nong tằm, ao cá, nương dâu,

Đò xưa bến cũ nhớ câu hẹn hò.

– Ru con, con ngủ cho lành,

Để mẹ gánh nước rửa bành ông voi.

Muốn coi lên núi mà coi,

Coi bà Triệu tướng cưỡi voi bành vàng.

– Sông Lam một dãy nông sờ,

Nhớ người công tử bơ vơ nổi chìm.

– Sông Thao nước đục người đen,

Ai lên phố Én cũng quên đường vê.

– Vĩnh Long có cặp rồng vàng,

Nhất Bùi Hữu Nghĩa, nhì Phạn Tuấn Thần.

– Vải Quang, húng Láng, ngổ Đầm,

Cá rô Đấm Sét, sâm cẩm Hồ Tây.

___

Xem thêm:

Hướng dẫn phân tích, cảm thụ Ca dao, dân ca, những câu hát về tình cảm gia đình tại đây.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận