Những câu hát than thân – Để học tốt Ngữ văn 7

Đang tải...

Những câu hát than thân

I/ GIỚI THIỆU CHUNG VỀ VĂN BẢN

            Trong cuộc sống làm ăn nông nghiệp nghèo cực, đằng đẵng hết ngày này sang tháng khác, hết năm này sang năm khác, nhiều khi cất tiếng hát lời ca than thở cũng có thể vơi đi phần nào nỗi buồn, sự lo lắng đang chất chứa trong lòng. Chùm ca dao – dân ca than thân chiếm vị trí khá đặc biệt trong ca dao trữ tình Việt Nam. Càng đọc nó, con cháu thời nay càng thương kính ông bà cha mẹ mình hơn.

 II/ HƯỚNG DẪN HỌC SINH PHÂN TÍCH VĂN BẢN

            Đây là lời than của những người lao động (người nông dân, người làm thuê làm mướn, người đi ở), những người phụ nữ. Họ thuộc tầng lớp bị trị, sống dưới đáy cùng của xã hội nên phải gánh chịu nhiều nỗi bất hạnh, khổ đau, bị áp bức bóc lột. Chính vì thế, họ cất lên những lời than thân trách phận đầy ai oán, não nùng, chất chứa dằng dặc nỗi thảm sầu. Những bài ca dao than thân thể hiện ý thức của người lao động về thân phận bé nhỏ của họ trong xã hội và những bất công, ngang trái mà bản thân họ phải gánh chịu. Qua đó, tác giả dân gian thể hiện sự đồng cảm với những người đổng cảnh ngộ, cất tiếng nói phản kháng, tố cáo xã hội phong kiến bất công, tàn bạo.

            Bài 1

“Nước non lận đận một mình,

Thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay

Ai làm cho bể kia đầy,

Cho ao kia cạn, cho gầy cò con ?”

           – Bài ca dao sử dụng hình ảnh con cò như một ẩn dụ đặc sắc tượng trưng cho người lao động trong xã hội phong kiến xưa. Cả đời lận đận, long đong vì miếng cơm manh áo. Họ phải gồng mình lên đối mặt với những cảnh đời ngang trái.

           – Ngay từ đầu bài ca dao, tác giả dân gian đã dựng lên hoàn cảnh rất đáng thương của “cò”: “lận đận một mình”. Sự cô độc, lẻ loi trong nỗi niềm lận đận truân chuyên không người cảm thông, chia sẻ, gánh vác.

           – Sự đối lập giữa hình ảnh con cò với hoàn cảnh: Con cò một mình lận đận giữa nước non, thân cò gầy guộc mà phải “lên thác xuống ghềnh”. Cò gặp nhiều cảnh “bể đầy, ao cạn ” ngang trái, nhọc nhằn.

            + Hành động lên thác, xuống ghềnh không phải chỉ diễn ra một lần, duy nhất mà là việc làm thường xuyên quen thuộc của “cò”, được thể hiện qua cụm từ “bấy nay”.

            + Thác, ghềnh: Vốn là nơi đá chắn ngang nước chảy xiết, kiếm ăn nơi đó thật khó khăn luôn ẩn chứa những nguy hiểm, những gian nan, nơi sự rủi ro có thể ập đến bất kể khi nào. Vậy mà với “cò” những chốn nguy hiểm ấy lại là nơi “cò” phải bấy nay lăn lộn, bươn chải kiếm sống.

            + Thân cò mong manh, bé nhỏ, đơn độc giữa trời nước mênh mông. Cò miệt mài kiếm ăn trong ao, ngoài bể. Nhưng kết cục chẳng kiếm đủ miếng ăn, bầy con vẫn đói.

           – Bể và ao là nơi cò thường kiếm ăn, nhưng khi bể đẩy, ao cạn là khi cò không còn chỗ kiếm ăn. ->Có thể hình dung cuộc kiếm sống của cò luôn gặp khó khăn, ngang trái.

            – Đại từ phiếm chỉ “Ai” đặt ở đầu câu vừa như một câu hỏi không có câu trả lời, vừa như một tiếng thở dài thê thiết trước sự trái ngang của cuộc đời, của số phận. Lời than cất lên bi ai mà vô vọng. Cuộc đời vẫn diễn ra, người lao động mãi mãi chịu kiếp “con sâu, cái kiến” nhỏ bé, gánh chịu những bất công, trớ trêu của cuộc đời.

            – Dân gian đã phát hiện những điểm tương đồng giữa cò – con vật gần gũi quen thuộc với người nông dân lam lũ: nhỏ bé, đơn độc, cặm cụi làm ăn nhưng cuộc sống thất thường khó nhọc. Do vậy dùng “Thân cò” để chỉ thân phận con người vừa chính xác vừa sinh động, vừa dễ hiểu, dễ xúc động lòng người.

-> Bài ca dao là tiếng kêu thương cho thân phận bé mọn, cơ cực của con người; oán trách xã hội không tạo cơ hội nào để người nông dân được no đủ.

            – Hình ảnh “con cò” cũng là hình ảnh quen thuộc trong ca dao, ta bắt gặp nhiều bài ca dao với mô típ con cò:

“Con cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non”.

            Hay:

“Cái cò đi đón cơn mưa

Tối tăm mù mịt ai đưa cò về

Cò vê thăm quán cùng quê

Thăm cha, thăm mẹ, cò về thăm anh”.

            Bài 2

           – Bài ca dao “Thương thay thân phận con tằm” gồm có 8 câu lục bát. Hai chữ “Thương thay” được điệp lại 4 lần và đứng ở vị trí đẩu câu “lục” đã làm cho giọng điệu bài ca dao đầy xót thương.

“Thương thay thân phận con tằm,

Kiếm ăn được mấy phải nằm nhả tơ.

Thương thay lũ kiến li ti,

Kiếm ăn được mấy phải đi kiếm mồi.

Thương thay hạc lánh đường mây,

Chim bay mỏi cánh biết ngày nào thôi.

Thương thay con cuốc giữa trời,

Dầu kêu ra máu có người nào nghe.”

            – Trong ca dao, tác giả dân gian thường mượn hình ảnh các con vật như một phương tiện để than thở về mình. Mỗi cặp lục bát đều bắt đầu bằng hai từ “thương thay”. Đó là biện pháp nghệ thuật điệp ngữ, có tác dụng nhấn mạnh sự đồng cảm của người lao động đối với các con vật đã gắn bó với họ, vì cuộc đời của họ có khác gì cuộc sống của chúng, đồng thời mở ra những nỗi bi thương khác.

            – Trong bốn câu ca dao đầu là lời than chua xót về thân phận bé nhỏ, thấp cổ bé họng, không có địa vị trong xã hội. Thân phận “con tằm”, “lũ kiến” suốt đời cần mẫn làm ăn, làm nhiều nhưng hưởng ít, lại bị bòn rút sức lao động “kiếm ăn được mấy phải nằm nhả tơ”, những con người cả đời ngược xuôi vất vả mà vẫn nghèo đói lam lũ “kiếm ăn được mấy phải đi kiêm mồi”. Nhiều khi họ phải chịu sự oan ức bất công mà có lẽ không công bằng nào soi tỏ, có những thân phận phải tha hương cầu thực nay đây mai đó như thân hạc gầy bay mỏi cánh mà vẫn vô phương, vô vọng.

            – Tác giả dân gian mượn hình ảnh con tằm, con kiến, những con vật gần gũi, quen thuộc, nhỏ bé nhưng lại ẩn chứa một sức chịu đựng vô biên. Cũng như những người dân lao động, tuy thân phận thấp bé, đói nghèo nhưng họ chưa bao giờ khuất phục trước hoàn cảnh. Trong đói khổ càng bộc lộ rõ sức chịu đựng, niềm lạc quan, tin tưởng vào sự chăm chỉ của mình.

            – Điệp ngữ “kiếm ăn được mấy” cất lên 2 lần đã tố cáo và phản kháng xã hội cũ bất công, “kẻ ăn không hết, người lần không ra”.

            – Hạc, chim, con cuốc, là 3 ẩn dụ nói về những thân phận, số phận nếm trải nhiều bi kịch cuộc đời. “Hạc” muốn tìm đến mọi chân trời, muốn “lánh đường mây” để thoả chí tự do, phiêu bạt. “Chim” muốn bay cao, bay xa, tung hoành giữa bầu trời, nhưng chỉ “mỏi cánh” mà thôi. Đó là những cuộc đời phiêu bạt, những cố gắng vô vọng của người lao động trong xã hội cũ, thật “thương thay”, thật đáng thương!

Thương thay hạc lánh đường mây,

Chim bay mỏi cánh biết ngày nào thôi.

Thương thay con cuốc giữa trời,

Dầu kêu ra máu có người nào nghe”.

            – Hình ảnh con hạc cũng như hình ảnh con cò trong ca dao, thường để nói về thân phận của những người phụ nữ, người lao động nghèo khổ có cuộc sống long đong, phiêu dạt. Con Hạc “lánh đường mây” cứ bay hoài, bay mãi trong vô định, vô phương hướng, không biết đến bao giờ mới tìm được bến đỗ, tìm được chốn bình yên. Thân phận con hạc như thân phận của người lao động, khao khát cuộc sống ấm no, đủ đầy, nhưng càng khao khát, càng mong mỏi thì càng tuyệt vọng, càng xa vời.

            – Lời than thân cất lên não nùng, như cố nén một tiếng thở dài cám cảnh vậy mà nỗi cực nhọc vẫn như toát lên sau từng từ ngữ, từng hình ảnh.

            – Hình ảnh cuốc kêu ra máu được bắt nguồn từ điển tích vua Thục Đế mất nước, nhớ nước và tiếc nuối về thời vàng son của mình. Bởi vậy khi biến thành con chim cuốc thường kêu gào thảm thiết. Đó là tiếng kêu ai oán trong tuyệt vọng. Cũng như những người dân lao động thấp cổ bé họng, chịu nhiều bất công ngang trái nhưng nào có ai thấu hiểu, không được lẽ công bằng nào soi tỏ. Những lời than thở của họ cũng như tiếng kêu của ông vua nước Thục kia rơi vào hư vô, “dầu kêu ra máu” nhưng “cớ người nào nghe”. Càng kêu máu càng chảy, càng đau khổ tuyệt vọng.

            – Ngoài cách sử dụng điệp ngữ và ẩn dụ, những câu hát than thân này còn được diễn tả dưới hình thức câu hỏi tu từ: “kiếm ăn được mấy”, “biết ngày nào thôi”, “có người nào nghe”. Giá trị phản kháng và tố cáo càng trở nên sâu sắc, mạnh mẽ.

            – Cụm từ “có người nào nghe” trong hai câu ca dao cuối vang lên như một câu hỏi day dứt, đặc biệt đại từ phiếm chỉ “ngày nào” “người nào” được sử dụng như lời kêu bi thương của những người lao động nghèo khổ. “Ngày nào ” là bao giờ? “Người nào” là ai? Ai sẽ là người thấu hiểu và cảm thông với họ? Ai sẽ là người giúp họ thoát ra khỏi cảnh nghèo đói, lam lũ? Ai sẽ là người mang lại công bằng cho họ đây? Những đại từ phiếm chỉ được sử dụng hợp lí càng làm tăng tính chất “than thân” cho những bài ca dao thuộc chủ đề “ca dao than thân”.

            (*)Trích dẫn Sự tích chim Đỗ Quyên (chim cuốc): Vua nước Thục là Đỗ Vũ có tính đam mê nữ sắc, tư thông với vợ của bề tôi là Biết Linh. Biết Linh dấy loạn. Vua Thục thất bại, mất ngôi, chạy trốn vào rừng. Đoạn này, sách “Thành đô kí” lại nói: Vua Thục thông dâm với vợ Biết Linh. Biết Linh biết chuyện, bày kế cho vợ nói khích Đỗ Vũ nhường ngôi cho Biết Linh rồi cùng vợ Biết Linh bỏ nước đi, để sống trọn tình chung. Đỗ Vũ nghe theo, giao nước cho Biết Linh nhưng vợ Biết Linh bấy giờ lại bỏ Đỗ Vũ, trở lại sống cùng chồng. Hối hận vì hành động xằng bậy của mình để nước mất nhà tan, vua Thục buồn rầu sinh bệnh rồi mất, hồn hoá thành chim Đỗ Quyên. Do đó, người ta cho rằng chim Đỗ Quyên luyến tiếc thời vàng son của mình nên kêu gào thảm thiết.

            Bài 3

            Là nỗi lòng của “thân em”, là lời than của cô gái về thân phận hẩm hiu, long đong của mình:

“Thân em như trái bần trôi,

Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu ”

            Bài ca diễn tả xúc động, chân thực cuộc đời, thân phận nhỏ bé, cay đắng của người phụ nữa xưa. Đây là bài ca dao Nam Bộ với hình ảnh quen thuộc của vùng sông nước Nam Bộ là trái bần. Trái bần dẹt, lại chua và chát, ai ngắm, ai nếm, ai ăn? Một thứ trái chẳng ngọt ngon gì, có thể coi là vô vị và vô dụng. Trái bần ấy đã rụng, đã trôi nổi trên dòng sông, bị “gió dập sóng dồi”, bị va đập, bị dồi lên nhấn xuống liên tiếp, dồn dập. Cô gái ví mình, so sánh thân phận mình, số phận mình với “trái bần trôi” là lời tự than đáng thương. Trước sóng gió cuộc đời “biết tấp vào đâu” lênh đênh lưu lạc vào bến bờ nào. Một tương lai mờ mịt. Biết bao lo lắng, xót xa…

            Đó cũng là thân phận hẩm hiu, không may mắn của biết bao người phụ nữ trong xã hội phong kiến: bé mọn, yếu ớt, chìm nổi, không được phép quyết định cho cuộc đời mình, chịu kiếp đời chìm nổi, truân chuyên. Bài ca dao là lời oán trách xã hội đã rẻ rúng, vùi dập thận phận người phụ nữ, không cho họ cơ hội có được hạnh phúc.

            Ta cũng tìm thấy trong kho tàng ca dao dân ca nhiều bài ca dao bắt đầu bằng mô típ “Thân em” quen thuộc:

“Thân em như hạt mưa rào,

Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa.

Thân em như hạt mưa sa,

Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày”.

            Hay:

“Thân em như miếng cau khô

Người thanh tham mỏng, người thô tham dày”.

“Thân em như giếng giữa đàng

Người khôn rủa mặt, người phàm rửa chân”. 

            Những bài ca dao đó đều là lời than thân của những người phụ nữ trong xã hội xưa, họ không được quyết định tương lai, hạnh phúc của cuộc đời mình. Tất cả với họ chỉ là sự “may rủi” của số phận. Qua đó, phản ánh về sự bất công, hà khắc mà xã hội phong kiến đặt lên vai người phụ nữ (trọng nam khinh nữ, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, hôn nhân bắt buộc…), từ đó cất tiếng nói cảm thông, chia sẻ và bảo vệ hạnh phúc, cuộc đời của họ.

III/ TRÍCH YẾU TƯ LIỆU THAM KHẢO

HÌNH ẢNH CÂY BẦN TRONG CA DAO

            Ca dao Nam bộ là một bộ phận có ý nghĩa quan trọng trong ca dao người Việt nói riêng và Văn học dân gian nói chung. Ca dao thấm nhuần trong tâm hồn con người bằng cái tình quê dung dị, hiền hoà. Với ngôn ngữ dân gian của xứ sở “muỗi kêu như sáo thổi, đia lềnh tựa bánh canh”, người dân Nam bộ đã góp nhặt những tiếng nói ân tình cho tâm hồn người Việt bằng những hình ảnh quen thuộc mang tính biểu trưng của vùng sông nước Cửu Long.

            Nổi bật ở vùng đồng bằng châu thổ Cửu Long là sự có mặt của hình ảnh cây bần, một loại cây rất gần gũi với bà con Nam bộ. Cây bần là loại cây đặc thù ở vùng đất bồi lắng phù sa này. Cây bần còn gọi là cây thuỷ liễu, thường mọc ven các kênh rạch hay xen lẫn trong những đám lá dừa nước. Là loại cây sống trong môi trường bùn nước, bần có rễ phụ mọc nhô lên khỏi mặt bùn. Cây bần có chức năng giữ đất rất tốt, gỗ chủ yếu dùng làm chất đốt. Hoa bần màu trắng pha chút hồng phấn, rất đẹp, cho trái. Trái bần có vị chua của phần thịt, chát của phần hạt rất thú vị. Đây cũng là món ăn “độc quyền” của bà con Nam bộ:

“Muốn ăn mắm sặc bần chua,

Chờ mùa nước nổi ăn cho đã thèm”.

            Bà con Nam bộ đã dành cho cây bần một tâm tình ưu ái. Trong các câu ca dao, họ mượn hình ảnh cây bần để thổ lộ tấm lòng của mình với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, từ đó tạo nên nhận thức thẩm mĩ khá mới lạ về loài cây này.

            Từ kiếp bình sinh “thiếu tứ bề” mà tác giả bình dân đã mượn trái bần để nói lên số phận hẩm hiu của người phụ nữ:

“Thân em như trái bần trôi,

Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu?”.

            Hình ảnh “gió dập sóng dồi” thật hay vì cây bần cho trái chín vào mùa nước nổi. Vì vậy, nước tràn ngập lung bàu làm cho trái bần trôi dạt theo dòng nước mà không biết sẽ về đâu.

            Là thế đấy, cây bần mang số kiếp thật hẩm hiu, bị phủ phàng:

Cây bần kia hỡi cây bần,

Lá xanh bông trắng lại gần không thơm”.

            Nhiều lúc cây bần trở nên mạt hạn, tầm thường trong thể hiện của người bình dân:

“Cảm thương ô đước, bời lời,

Cha sao mẹ sến, dựa nơi gốc bần”.

            Cây bần còn là cái để người ta so sánh sự sang hèn:

“Không thương em hổng có cần,

Trầm hương khó kiếm chớ đước bần thiếu chi”.

            Tuy nhiên, người Nam bộ không chỉ nhìn cây bần dưới con mắt bi quan như thế. Bằng cái nhìn hào sảng và lối sống phóng khoáng, lạc quan, cây bần còn là điểm tựa cho tình yêu đôi lứa:

“Làm thơ anh dán đọt bần,

Dán cho hai họ Nguyễn, Trần gặp nhau”.

            Dựa vào trường liên tưởng sự vật, người dân Nam bộ đã thổi vào cây bần một luồng sinh khí có sức sống đến kì lạ, nó hiển hiện dạt dào trong lòng người đọc tạo nên giá trị biểu đạt phong phú. Từ đó nó tạo nên cảm hứng thẩm mĩ cho người thưởng thức.

            Ngày nay, cây bần vẫn còn chiếm vị trí khá lớn bên dòng sông nước Nam bộ. Nó có một ý nghĩa lớn trong tâm hồn của người dân nơi đây. Trải bao thăng trầm của thiên nhiên, nhu cầu kinh tế, và cả tác động của con người, cây bần vẫn sừng sững trong tâm thức của người dân, gợi nhớ về một thời khai hoang vùng đất “vượn hú chim kêu” của ông cha – giúp chúng ta hiểu thêm về nền văn minh miệt vườn, nền văn hoá sông nước trù phú và ngọt ngào như lời ru từ lòng mẹ, để chúng ta sẽ thấy mình có trách nhiệm hơn với quê hương.

Theo Đặng Duy Khôi

THAM KHẢO MỘT SỐ BÀI CA DAO THAN THÂN

– Ngày nào trời nắng chang chang,

Mẹ con kiếm củi, đốt than no lòng.

Trời làm một trận mênh mông,

Mẹ con nhịn đói nằm không ba ngày.

– Cấy lúa, lúa trở ra năn,

Kẻ trộm gặt mất, con ăn bằng gì?

Con ăn lộc sắn, lộc si,

Con ăn bằng gì cho đến tháng năm?

Thấy anh em cũng muốn theo,

Em sợ anh nghèo, anh bán em đi.

Lấy anh em biết ăn gì?

Lộc sắn thì chát, lộc si thì già.

Lấy anh không cửa, không nhà,

Không cha không mẹ, biết là cậy ai.

– Thân ai khổ như thân con rùa,

Xuống sông đội đá, lên chùa đội bia.

Thân ai khổ như thân anh kia,

Ngày đi cuốc bãi, tối về nằm suông.

– Cái cò là cái cò con,

Mẹ đi xúc tép, để con ở nhà.

Mẹ đi một quãng đồng xa,

Mẹ sà chân xuống, phải mà con lươn.

– Ông kia có chiếc thuyền nan,

Chở vào ao rậm, xem lươn bắt cò…

Ông kia chống gậy lò dò,

Con lươn tụt xuống, con cò bay lên…

___

Xem thêm:

Hướng dẫn phân tích, cảm thụ Những câu hát về tình yêu quê hương, đất nước, con người tại đây.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận