Ca dao, dân ca, những câu hát về tình cảm gia đình – Để học tốt Ngữ Văn 7

Đang tải...

Ca dao, dân ca, những câu hát về tình cảm gia đình

I/ GIỚI THIỆU CHUNG VỀ THỂ LOẠI

1/ Khái niệm

            – Ca dao, dận ca là những khái niệm tương đương, chỉ các thể loại trữ tình dân gian, kết hợp lời và nhạc, diễn tả nội tâm của con người.

            – Hiện nay, người ta có phân biệt hai khái niệm dân ca và ca dao. Dân ca là những sáng tác kết hợp lời và nhạc, tức những câu hát dân gian trong diễn xướng. Ca dao là lời thơ của dân ca. Khái niệm ca dao còn được dùng để chỉ một thể thơ dân gian – thể ca dao.

2/ Nội dung

            – Ca dao, dân ca được xếp vào thể loại trữ tình, nó phản ánh tâm tư tình cảm, thế giới tâm hồn con người. Là những sáng tác dân gian mang tính tập thể, tính truyền miệng, đối tượng phản ánh của ca dao là đời sống tâm hồn của nhân dân lao động. Tình yêu quê hương đất nước, tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa, những suy nghĩ về thân phận, nghề nghiệp,… là đề tài chủ yếu của ca dao.

            – Ca dao còn phản ánh lịch sử: Ca dao lịch sử không phản ánh hiện tượng lịch sử trong quá trình diễn biến của nó, mà chỉ nhắc đến sự kiện lịch sử để nói lên thái độ, quan điểm nhân dân.

            – Ca dao phản ánh nếp sống, phong tục, tập quán truyền thống, phản ánh đời sống xã hội cũ. Ngoài ra, ca dao còn chứa đựng tiếng cười trào phúng.

3/ Nghệ thuật

            – Về hình thức, ca dao thường rất ngắn, chủ yếu là hai dòng hoặc bốn dòng thơ, cũng có thể dài hơn.

            – Là những sáng tác của quần chúng, nên ngôn ngữ ca dao rất chân thực, gợi cảm, giàu màu sắc địa phương, gần gũi với đời sống hằng ngày của nhân dân lao động.

            – Thể thơ: Ca dao sử dụng nhiều thể thơ khác nhau, thể lục bát rất phổ biến trong ca dao; thể song thất lục bát được sử dụng không nhiều; thể vận thường gồm một câu có bốn hoặc năm chữ, rất đắc dụng trong đồng dao. Ngoài ra ca dao cũng sử dụng hợp thể là thể thơ gồm từ bốn, năm chữ thường kết hợp với lục bát biến thể.

            – Thủ pháp lặp (lặp kết cấu, lặp dòng thơ đầu, lặp hình ảnh… ) rất phổ biến trở thành đặc trưng của ca dao.

            – Cấu tứ có các loại sau: Cấu tứ theo lối ngẫu nhiên không có chủ đề nhất định; cấu tứ theo lối đối thoại, và cấu tứ theo lối phô diễn về thiên nhiên.

4/ Phân loại

            Đồng dao: là thơ ca dân gian truyền miệng trẻ em. Đồng dao được chia thành hai loại: loại gắn với công việc của trẻ em, loại gắn với trò chơi của trẻ em.

Chỉ chi chành chành

Cái đanh thổi lửa

Con ngựa đứt cương

Ba vương ngũ đế…

            – Ca dao lao động: là phần lời cốt lõi của dân ca lao động. Những bài ca lao động tồn tại như là một bộ phận của quá trình lao động.

Trời mưa trời gió đùng đùng

Bố con ông Nùng đi gánh phân trâu

Đem về trồng bí trồng bầu

Trồng ngô, trồng lúa, trồng rau, trồng cà.

            Ca dao ru con: Hát ru có từ lâu đời và rất phổ biến, lời hát ru phần nhiều là những câu ca dao có sẵn.

Cái ngủ mày ngủ cho lâu

Mẹ mày đi cấy ruộng sâu chưa về.

            – Ca dao nghi lễ, phong tục: Trong nhiều bài ca tế thần, các yếu tố trữ tình cũng có mặt, cùng với yếu tố hiện thực, chúng biểu hiện sức mạnh của đời sống hiện thực trong các hình thức sinh hoạt tôn giáo trong nhân dân.

            – Ca dao trào phúng, bông đùa

Lỗ mũi mười tám gánh lông

Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho.

Đêm nằm thì ngáy o o

Chồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà.

Đi chợ thì hay ăn quà

Chồng yêu chống bảo về nhà đỡ cơm.

Trên đầu những rác cùng rơm

Chồng yêu chồng bảo hoa thơm rắc đầu.

– Ca dao trữ tình

            Ca dao trữ tình rất phong phú và chiếm số lượng lớn trong kho tàng ca dao dân ca Việt Nam. Về cơ bản có thể xếp: Những câu hát về tình cảm gia đình; Những câu hát về tình yêu quê hương đất nước, con người; Những câu hát than thân… vào loại ca dao trữ tình.

II/ HƯỚNG DẪN HỌC SINH PHÂN TÍCH VĂN BẢN

            Tình cảm gia đình là một trong những chủ đề tiêu biểu của ca dao, dân ca. Những câu thuộc chủ đề này thường là lời ru của mẹ, lời của cha mẹ, ông bà nói với con cháu, lời của con cháu nói về cha mẹ, ông bà và thường dùng các hình ảnh so sánh, ẩn dụ quen thuộc để bày tỏ tâm tình, nhắc nhở về công ơn sinh thành, về tình mẫu tử, anh em ruột thịt. Có thể căn cứ vào lời hát hoặc nội dung câu hát để xác định các câu ca dao là lời nói của ai nói với ai.

            Bài 1

            – Đọc cả bài ca dao và căn cứ vào bốn chữ ghi lòng con ơi, có thể hiểu đây là lời của người mẹ hát ru con. Bằng lời hát ru của người mẹ muốn nói với con về công ơn trời biển của cha mẹ và nhắn nhủ các con phải ghi lòng tạc dạ công ơn đó.

            – Nét đặc sắc của bài ca dao này trước hết là ở hình thức truyền đạt, không phải bằng lời trực tiếp mà bằng lời hát ru, hình thức bài hát dân gian. Sức lay động lòng người của bài ca nằm ở chính giọng điệu, ở tình cảm yêu thương rất mực của người mẹ dành cho con. Với âm điệu tâm tình, thành kính, sâu lắng của lời bài hát, lời răn dạy đó dễ đi vào trong mỗi người không chỉ qua khối óc mà còn qua sự rung động chân thành của con tim.

            – Bài ca dao đã cụ thể hoá công lao của cha mẹ bằng việc so sánh với núi, với biển. Đây là hình thức ví von rất quen thuộc trong ca dao. Đem những hình ảnh to lớn, mênh mông tượng trưng cho sự vĩnh hằng, vô hạn của trời đất so sánh với công cha, nghĩa mẹ, bài ca đã làm nổi bật ý nghĩa, sự lớn lao của công cha và chiều sâu của nghĩa mẹ. Hình ảnh đó lại được miêu tả bổ sung bằng những định ngữ chỉ mức độ: (núi) ngất trời, cao; (biển) rộng mênh mông. Núi ngất trời, biển rộng mênh mông không thể nào đo được. Chỉ có cách diễn đạt như thế mới nói hết công cha nghĩa mẹ mà thôi.

            – Hình ảnh của người mẹ không được ví von kì vĩ như của người cha, nhưng sâu xa hơn, rộng mở hơn và gần gũi hơn. Hai cặp câu thơ 6 – 8 với những hình ảnh so sánh tạo ra sự hô ứng, đăng đối đầy tính nhịp điệu cùng với nghệ thuật điệp ngữ: “núi ngất trời”, “núi cao”, “nước ở ngoài biển Đông”, “biển rộng mênh mông” khiến bài ca đầy sức biểu cảm của nhạc tính.

            – Thành ngữ cù lao chín chữ: nói về công lao cha mẹ nuôi con vất vả, nhiều bể, nó cụ thể hoá công cha nghĩa mẹ, vừa thể hiện sự tôn kính và thông điệp nhắn nhủ của câu hát.

            – Trong kho tàng ca dao Việt Nam, có rất nhiều bài ca cũng nói đến công cha, nghĩa mẹ:

– Cha sinh mẹ dưỡng ra con

Cũng như trời đất nước non không cùng.

– Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

– Ơn cha nặng lắm ai ơi

Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang.

– Công cha đức mẹ cao dày

Cưu mang trứng nước những ngày thơ ngây.

– Nuôi con khó nhọc đến giờ

Trưởng thành con phải biết thờ hai thân.

            Bài 2

            – Có thể phỏng đoán được rằng bài ca là lời của người con gái lấy chồng xa quê nói với mẹ về nỗi nhớ quê, nơi mình đã sinh ra và lớn lên.

            – Bài ca thể hiện nỗi buồn xót xa, sâu lắng đau tận trong lòng, âm thầm không biết chia sẻ cùng ai.

            – Tâm trạng của cô gái gắn với thời gian là buổi chiều, không phải một buổi mà nhiều buổi chiều. Trong ca dao thời gian buổi chiểu thường gợi buồn, gợi nhớ. Đây là thời gian rảnh rỗi nhất trong ngày, là thời điểm của gặp gỡ, đoàn tụ, trở về (con chim dáo dác bay về tổ, thuỷ triều cũng vội vã về với biển, con người cũng trở về với mái ấm, chỗ dựa của lòng mình là tình yêu và tình cảm gia đình). Vậy mà, người con gái lấy chồng xa quê lại phải bơ vơ nơi đất khách quê người. Vì vậy, khi câu hát vang  lên là cả một khoảng trời nhớ thương nhức buốt, là những khoảng trống vô hình, là những lời tâm sự thiết tha chân tình.

            Trong ca dao Việt Nam cũng có nhiều câu mở đầu với cấu trúc như

thế:

– Chiều chiều xách giỏ hái rau

Ngó lên mả mẹ ruột đau như dẩn.

Chiều chiều lại nhớ chiều chiều

Nhớ người quân tử khăn điền vắt vai.

– Chiều chiều mang giỏ hái dâu

Hái dâu không hái hái câu ân tình.

– Chiều chiều ra đứng bờ ao

Nước kia không khát, khát khao duyên nàng.

– Chiều chiều ra đứng bờ biên

Nhện giăng tơ đóng cảm phiền thương em.

            Chiều chiều không chỉ còn là dấu hiệu thời gian mà đã thành một điệp khúc, chính là nốt nhạc đã dạo đầu cho một mô típ gợi buồn. Đằng sau nốt nhạc ấy hiện lên chân dung một cô gái với một nỗi buồn khắc khoải.

           – Không gian tâm trạng của cô gái là “ngõ sau”, ngõ khuất nẻo của căn nhà hay của chính tâm hồn cô gái, đặt trong thời gian chiều hôm càng trở nên vắng lặng, heo hút, nó gợi cảnh ngộ cô đơn của của người phụ nữ đi làm dâu dưới chế độ phong kiến. Cô có những nỗi niềm riêng không biết ngỏ cùng ai. Đây là nỗi nhớ mẹ, nhớ quê nhà, là sự buồn tủi không thể đỡ đần cha mẹ, cũng là nỗi đau của thân phận ở nhà chồng. Thế là chiều nào cũng vậy, cô lén ra ngõ sau nhà, nơi ít người lại qua, ít ai để ý, ở đó cô có thể tránh mọi con mắt dò xét để thả hồn qua những nỗi nhớ, để “trông về quê mẹ”. Mà có xa xôi gì cho cam. Có khi chỉ cách có một quãng đồng mà hoá ngàn dặm tít mù, bởi một lẽ thời phong kiến người con gái có chồng là đóng khung cuộc đời mình ở nhà chồng.

            – Hình ảnh “ruột đau chín chiểu”, không nói rõ nỗi đau nào nhưng lấy cái cụ thể (chín bề) để diễn tả cái không cụ thể đó là tâm sự ngổn ngang của người con gái lấy chồng xa quê, câu ca có một sức gợi tả lớn… Dù là nỗi đau nào thì cái không gian ấy cũng làm nó càng thêm tê tái. Cách sử dụng từ ngữ đối xứng (chiều chiều – chín chiều) cũng góp phần làm cho tình cảnh người con gái nặng nề đau xót hơn. “Chín chiều ” phải chăng là những chiều kích của không gian hay là chiều của nội tâm, là nỗi niềm của cô gái. Quan niệm từ xa xưa số chín biểu tượng sự cao cả nhất và nỗi đau khi nghĩ đến mẹ là nỗi khổ đau lớn nhất của đời người. Hay có thể số chín là tượng trưng cho chín vía của phái nữ. Hoặc một ý nghĩa khác “ruột đau chín chiều” là nỗi đau chín muồi, nỗi quặn thắt trong thăm thẳm phận người con gái. Dù hiểu theo nghĩa nào, câu ca cũng mang nỗi niềm cô quạnh, u uẩn.

            – Bài ca dao mở ra là “chiều chiều” khép lại là “chín chiều” như đóng chặt tất cả những con đường mà cô có thể về với mẹ. Tâm sự của cô gái theo đó cũng thêm phần bi kịch, tê tái.

            Bài 3

            – Bài ca dao nói lên nỗi nhớ của con cháu đối với ông bà. Dù cả bài ca không có từ nào nói rõ đây là lời của ai nhưng căn cứ vào ý nghĩa có thể cho rằng đây là lời của con cháu nói với ông bà (hoặc đang nói với người thân) về nỗi nhớ ông bà mình.

            – Như chúng ta đã biết, ca dao mượn phú, tỷ, hứng để là phương thức bày tỏ cái sâu thẳm của cõi lòng con người. Phú là khi cảnh sắc bầy ra trước mắt, vung lời thành thơ miên man bất tuyệt theo ngoại giới. Hứng là lúc tức cảnh sinh tình, ý – tình – hình – nhạc khởi phát theo chiều cảm xúc. Tỷ là sự đối chiếu so sánh, mượn câu chuyện thế sự để giãi bày câu chuyện của nội tâm. Mỗi một phương thức là một dáng vẻ riêng nhưng tỷ có lẽ là phương thức được dùng nhiều hơn cả trong câu chuyện đôi lứa bởi chính nó đã làm nên cái thần của ca dao… Ở bài ca này, cả tỷhứng đều được sử dụng thành công. Nhân lúc “Ngó lên nuộc lạt mái nhà” mà gợi đến tình cảm nhớ thương ông bà, nỗi nhớ ấy lại được diễn tả rất gợi cảm qua lối so sánh tăng tiến. Trong ca dao Việt Nam, có thể bắt gặp rất nhiều câu ca diễn đạt theo lối tỷ hứng như thế này:

– Qua cầu ngả nón trông cầu

Cầu bao nhiêu nhịp dạ em sầu bấy nhiêu.

– Qua đình ngả nón trông đình

Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu.

            – Cũng sử dụng kiểu so sánh và gợi hứng quen thuộc trong ca dao, nhưng bài ca này lại có những nét riêng, đặc sắc trong việc sử dụng từ ngữ, hình ảnh rất phù hợp với tâm trạng. Cụm từ ngó lên trong văn cảnh bài này thể hiện sự trân trọng, tôn kính đối với ông bà.

            – Hình ảnh dùng để so sánh: “nuộc lạt mái nhà” là hình ảnh rất bình dị, mộc mạc. Mái nhà ở đây đã vượt ra ngoài khái niệm là một thành phần kiến trúc, trở thành hình tượng, ý niệm về gia đình, về sự sum họp quây quần hay tình đoàn kết, tình cảm gắn bó và đồng thuận trong suy nghĩ, như câu “chung một mái nhà”. Hình ảnh nuộc lạt mái nhà gợi sự kết nối bền chặt, không tách rời của sự vật cũng như của huyết thống, và khẳng định công lao to lớn của ông bà trong việc gây dựng gia đình.

Hình thức so sánh, mức độ (bao nhiêu… bấy nhiêu) gợi nỗi nhớ da diết khôn nguôi. Âm điệu thể thơ lục bát phù hợp, hỗ trợ cho sự diễn tả tình cảm trong bài ca dao.

            Bài 4

            Cũng như bài thứ ba, bài này cũng không có từ nào chỉ ra đây là lời của ai. Căn cứ vào nội dung (tình cảm anh em trong gia đình), có thể có mấy khả năng sau:

            Đây là lời của ông bà, của cô bác nói với các cháu;

            Là lời của cha mẹ dặn các con trong gia đình phải biết thương yêu nhau;

            Đây là lời anh em trong nhà tâm sự bảo ban lẫn nhau.

            – Bài ca là tiếng hát về tình cảm anh em thân thương, ruột thịt. Trong quan hệ anh em có những chữ cùng, chữ chung, chữ một thật thiêng liêng: “Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân”. Anh em ruột thịt là hai nhưng lại là một, cùng chung cha mẹ sinh ra, cùng sống dưới một mái nhà, sướng khổ đều có nhau.

            – Quan hệ của hai anh em còn được so sánh bằng hình ảnh rất gần gũi như thể tay chân càng biểu hiện sự thiêng liêng gắn bó của tình anh em.

            – Bài ca khai thác sự gắn bó ruột thịt nhằm nhắc nhở: Anh em phải hoà thuận để cha mẹ vui lòng, phải biết nương tựa vào nhau, “Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”. Hai chữ anh em gắn với những từ hoà thuận, hai thân, vui vầy.

            – Ca dao Việt Nam có rất nhiều bài thấm thìa về tình anh em.

– Anh em một họ một nhà

Thương nhau chân thật đường xa cũng gần.

– Anh em ăn ở thuận hoà

Chớ điều chênh lệch người ta chê cười.

– Anh em cốt nhục đồng bào

Vợ chồng cũng nghĩa lẽ nào chẳng thương.

– Anh em cốt nhục một nhà

Kẻ sau người trước thuận hoà cho vui.

– Anh em như thể tay chân

Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần.

            Có thể thấy: Cả bốn bài ca đều gợi nên những tình cảm thân thuộc, quý báu của gia đình. Gia đình Việt có một nét đặc trưng riêng, mà ở đó có mối quan hệ ruột rà, thân thiết, không thể tách rời giữa các thành viên. Gia đình tạo nên nét đẹp truyền thống của mỗi nhà, mỗi dòng tộc, mỗi xóm làng… Vì vậy, hình ảnh gia đình luôn in đậm trong tâm trí mỗi người, in đậm trong ca dao, dân ca của dân tộc. Mỗi câu ca dao là một bài học cuộc đời cho mỗi người, cho mỗi tổ ấm gia đình trong cuộc sống hôm nay.

III/ TRÍCH YẾU TƯ LIỆU THAM KHẢO

HÌNH ẢNH GIA ĐÌNH QUA TỤC NGỮ, CA DAO

            Gia đình Việt có một nét đặc trưng riêng, mà ở đó có mối quan hệ ruột rà, thân thiết, không thể tách rời giữa các thành viên. Gia đình tạo nên nét đẹp truyền thống của mỗi nhà, mỗi dòng tộc, mỗi xóm làng… Vì vậy, hình ảnh gia đình luôn in đậm trong tâm trí mỗi người, in đậm trong tục ngữ, ca dao của dân tộc.

Từ cái nôi gia đình, mỗi người được sinh ra và lớn lên từ bầu sữa mẹ, từ câu hát đưa nôi (Mẹ ru cái lẽ ở đời/ Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn – Nguyễn Duy). Hạnh phúc biết bao khi được sống trong một gia đình đầm ấm, hạnh phúc, tôn trọng và thương yêu lẫn nhau…

            Lúc còn nhỏ dại, người con được cha mẹ nuôi dạy, chăm chút hàng ngày. Lúc tuổi xế chiều, người ông, người bà, các bậc sinh thành lại trông chờ vào con cháu. Nên ,có câu tục ngữ “Trẻ cậy cha, già cậy con” là như vậy! Theo sự phát triển của xã hội, của quy luật, thế hệ sau luôn có những điều kiện thuận lợi để vươn lên. Nhằm khích lệ chí tiến thủ ấy, cha ông ta cho rằng “Con hơn cha là nhà có phúc”… Trong gia đình, người cha luôn giữ vai trò trụ cột, tạo nên sự vững vàng cho tổ ấm. Con cái thường “sợ” cái uy nghiêm của người cha vì “Mẹ nói một trăm, không bằng cha ngăm một tiếng”! Do đó, “Con có cha như nhà có nóc”. “Nhà không nóc” thì nhà bất ổn, con cái thiếu vắng người cha rất thiệt thòi về nhiều mặt trong cuộc sống. Thông thường, người mẹ thương con luôn nặng về tình cảm, nên có lúc cưng chiều quá mức. Vì thế, người xưa nhắc nhở “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”… Nhưng khi con mắc lỗi lầm, người mẹ phải nhận trách nhiệm về mình qua lời đúc kết ngắn gọn: “Con dại cái mang”.

            Cuộc sống gia đình không giản đơn mà luôn có những mâu thuẫn phát sinh. Nếu xử lí tốt các tình huống thì không khí gia đình luôn ấm áp, tươi vui và ngược lại. Cha ông ta có câu ca dao thật sinh động và dễ nhớ, dễ ghi vào lòng: “Chồng giận thì vợ bớt lời/ Cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê” hoặc “Chồng giận thì vợ làm lành/ Miệng cười hớn hở, rằng anh giận gì?”.

            Trong mái ấm gia đình ấy, anh em ruột thịt “như chân với tay/ Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”. Đã là ruột thịt, anh chị em trong nhà phải hết lòng thương yêu nhau, không đố kị, ganh ghét lẫn nhau: “Khôn ngoan đá đáp người ngoài/ Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”. Khi ở nhà có áo mẹ cơm cha, khi đi ra tận nơi xứ người mới cảm nhận hết nỗi đắng cay cơ cực: “Cơm cha áo mẹ ăn chơi/ Bưng bát cơm người đổi bát mồ hôi”. Vì vậy, bổn phận người con là làm tròn chữ hiếu, đền ơn cha mẹ nuôi dạy mình lớn khôn “Bao giờ cá lí hoá long/ Đền ơn cha mẹ ẵm bồng ngày xưa” hoặc “Tu đâu cho bằng tu nhà/ Thờ cha kính mẹ mới là chân tu”. Nơi mái nhà tranh ấy, nơi ta lớn lên ấy còn có mẹ già mòn mỏi trông con. Người con phải lui tới chăm sóc, thăm viếng mẹ mới là con người có nhân nghĩa: “Mẹ già ở túp lều tranh/ Sớm thăm tối viếng mới đành phận con”.

            Bên cạnh đó, người xưa cũng phê phán những kẻ bất hiếu. Lớn lên, anh em mỗi người đều có gia đình riêng, họ lo vun vén riêng mình mà quên bẵng cha mẹ. Để khi cha mẹ già, chẳng có người con nào chăm sóc: “Một mẹ nuôi được mười con/ Mười con không nuôi được một mẹ”. Có những người con “phân công” nhau nuôi cha mẹ già. Đúng là: “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng/ Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày”. Thậm chí, có những kẻ bất hiếu với cha mẹ, nhưng khi cha mẹ qua đời lại tổ chức đám ma linh đình chứng tỏ cho thiên hạ biết “ta là người có hiếu”: “Lúc sống thì chẳng cho ăn/ Đến khi thác xuống, làm văn tế ruồi”. Khó thay việc tổ chức tốt một cuộc sống gia đình và cũng hạnh phúc thay được sống trong một gia đình yên ấm. Dẫu cho cuộc sống hiện đại đang đổi thay từng giờ từng phút, nhưng hình ảnh cuộc sống gia đình trong ca dao, tục ngữ vẫn rất cần cho chúng ta suy ngẫm. Mỗi câu tục ngữ, ca dao là một bài học cuộc đời cho mỗi người, cho mỗi tổ ấm gia đình trong cuộc sống hôm nay…

Theo Lê Đức Đồng

___

Xem thêm:

Hướng dẫn phân tích, cảm thụ văn bản Cuộc chia tay của những con búp bê tại đây.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận