Những câu hát châm biếm – Để học tốt Ngữ văn 7

Đang tải...

Những câu hát châm biếm

I/ GIỚI THIỆU CHUNG VỂ VĂN BẢN

            Biết châm biếm là biết sống, biết phân biệt phải, trái, xấu, tốt ở đời, là biết cười. Những câu hát châm biếm trong ca dao, dân ca Việt Nam rất phong phú thể hiện một cách nhìn phê phán sắc sảo, một bản lĩnh sống đàng hoàng của nhân dân lao động. Những câu hát châm biếm đã giễu cợt, đã đả kích, đã hạ bệ, hạ nhục biết bao đối tượng “cao quý, tôn nghiêm” trong xã hội phong kiến.

II/ HƯỚNG DẪN HỌC SINH PHÂN TÍCH VĂN BẢN

            Bài 1

            Bài ca dao 6 câu lục bát “Cái cò lặn lội bờ ao” đã đặc tả chân dung “chú tôi” của cái cò. Như một lời mối lái. “Cô yếm đào” là ẩn dụ về cô thôn nữ xinh đẹp, xinh tươi. “Chú tôi” đang sống độc thân, chưa có người nâng khăn sửa túi:

“Hỡi cô yếm đào lấy chú tôi chăng?”

            “Chú tôi” là một người đàn ông rất đặc biệt. Bốn chữ “hay” giới thiệu cái nết “chú tôi”. “Hay tửu hay tăm” là nghiện rượu, thích uống rượu ngon, “hay nước chè đặc” là nghiện chè, nghiện trà ngon. Người nông dân vốn cần cù “hai sương một nắng”, chân lấm tay bùn quanh năm, nhưng chú cái cò lại “hay nằm ngủ trưa”, nghĩa là rất lười biếng:

“Chú tôi hay tửu hay tăm,

Hay nước chè đặc, hay nằm ngủ trưa”

            Những điều “ước” của chú cái cò cũng rất lạ, ta ít thấy trong tâm lí, trong suy nghĩ của người nông dân xưa nay. “Ước những ngày mưa” để khỏi phải ra đồng làm lụng. “Ước những đêm thừa trống canh” để ngủ được đẫy giấc. Điều “ước” của “chú tôi” vừa kì quặc, vừa phi lí. Đêm chỉ có 5 canh, làm sao có thể “đêm thừa trống canh”. Chỉ thích ăn no ngủ kĩ mà lại rất lười biếng không muốn động chân mó tay vào bất cứ công việc gì, nên mới “ước” như vậy:

“Ngày thì ước những ngày mưa,

Đêm thì ước những đêm thừa trống canh”.

            Giọng bài ca nhẹ nhàng mà bỡn cợt. Chú cái cò là hình ảnh người nông dân nghiện rượu chè, thích ăn no ngủ kĩ mà lại rất lười biếng. Đó là đối tượng châm biếm của dân gian được thể hiện một cách hóm hỉnh qua bài ca dao này.

            Bài 2

Bài ca dao “Số cô chẳng giàu thì nghèo” nói lên “cái tài” của tay thầy bói xem quẻ, đoán quẻ. Một cách nói nước đôi, tất cả đều là chân lí sờ sờ ra đó: “chẳng giàu thì nghèo”,“có mẹ có cha”, “có vợ có chồng”, “chẳng gái thì trai”,… Có những câu khẳng định sự thật như đinh đóng cột:

“Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà…

Mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông…

Sinh con đầu lòng, chẳng gái thì trai”.

            Ngôn từ nhẹ nhàng, liền mạch, đúng là lời “phán” quẻ trơn tuồn tuột của tay thầy bói bịp bợm, nói mò nhảm nhí. Bài ca dao không chỉ châm biếm bọn thầy bói kiếm ăn một cách bịp bợm, mà còn phê phán tệ nạn bói toán, mê tín nhảm nhí trong xã hội xưa, nay.

            Ca dao, dân ca có nhiều bài châm biếm, giễu cợt bọn “thầy bói nói dựa”:

“Tiền buộc dải yếm bo bo,

Trao cho thầy bói, đâm lo vào mình”.

            Hay:

“Nhất hào

Nhị hào, tam hào…

Chó chạy bờ ao

Chuột chạy bờ rào…

Quẻ này có động!

Nhà này có quái trong nhà,

Có con chó mực cắn ra bằng mồm.

Nhà bà có con chó đen,

Người lạ nó cắn, người quen nó mừng.

Nhà bà có cái cối xay,

Bốn chân xuống đất, ngõng quay lên trời…

            Bài 3

            Bài ca dao thứ ba nói về một đám ma ở nông thôn ngày xưa. Người chết là con cò, một ẩn dụ về người nông dân, đó là một bác nhiêu, bác xã trong làng. “Chết rũ” là chết nhiều ngày, tử khí đã bốc lên, thế mà vẫn chưa được chôn cất. Cò con, cà cuống, chim ri, chào mào, chim chích… là những ẩn dụ nói về những con người, những hạng người trong làng ngoài xã ngày xưa. Đám ma như một đám rước, đám hội. Người xấu số đã “chết rũ” nhưng thầy cũng còn “mở lịch xem ngày làm ma”. “Cò con” hay “Bồ cu mở lịch xem ngày làm ma” như một kịch bản khác đã ghi? Có lẽ “bồ cu” mới hợp lí hơn vai thầy cúng ấy. “Cà cuống” là ẩn dụ về những quan viên, những vị có vai vế trong làng thì đến dự đám ma “con cà” là một dịp để tuý luý say sưa “uống rượu la đà“. Đám ma không có một tiếng khóc. Trai tráng, dân bạch đinh kéo đến để ăn cỗ…, hoặc “chia phần”, hoặc “đánh trống quân”, hoặc “vác mõ đi rao”. Chim ri, chào mào, chim chích là những con người được nói đến rất sống, rất điển hình cho những hạng người “đầu chày đít thớt” của cái làng xôi thịt ngày xưa:

“Cà cuống uống rượu la đà,

Chim ri ríu rít bò ra lấy phần,

Chào mào thì đánh trống quân,

Chim chích cởi trần, vác mõ đi rao”.

            Qua một loại ẩn dụ, với cách nói phóng đại và sáng tạo chi tiết nghệ thuật, bài ca dao đã châm biếm hủ tục ma chay trong dân gian. Cũng xem ngày giờ tốt xấu đưa ma, cũng cỗ bàn linh đình; đám ma được biến thành một đám hội, đám rước. Hình ảnh đáng buồn ấy cho đến nay, ta vẫn còn bắt gặp đó đây!

            Trong cuốn “Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam”, bài ca dao này được ghi như sau:

Con cò chết rũ trên cây,

Bồ cu mở lịch xem ngày làm ma.

Cà cuống uống rượu la đà,

Bao nhiêu cóc nhái nhảy ra chia phần.

 Chào mào thì đánh trống quân,

Chim chích mặc quần vắc mõ đi rao…

            Bài 4

            Bài ca dao thứ tư là bức chân dung biếm hoạ về “cậu cai”. Không phải là ông cai, mà là “cậu cai” vì vị chức sắc này còn rất trẻ, hay là cách nói ngọt mơn trớn để châm biếm? “Nón dấu lông gà” là sắc phục tượng trưng cho uy quyền. “Ngón tay đeo nhẫn” là biểu tượng cho sự sang trọng. Nhẫn vàng mười hay vàng mĩ kí (vàng giả)? Chỉ bằng hai chi tiết về ngoại hình, về sắc phục, trang phục, nhà thơ dân gian đã “điểm nhãn” về sự oai vệ và sang trọng của tên cai lệ nơi cửa quan ngày trước. Không phải là khen, là trầm trổ. Đã “cậu cai” rồi lại nói tiếp “gọi là cậu cai”, ngữ điệu, giọng điệu trở nên mơn trớn, châm biếm, giễu cợt:

“Cậu cai nón dấu lông gà,

Ngón tay đeo nhẫn gọi là cậu cai”.

            Vì thế, thân phận của cậu chỉ là tôi tớ của quan, hầu hạ vợ con quan phụ mẫu. Ăn chực nằm chờ mãi mới được quan sai phái. Chữ “ba năm” trong câu ca “Ba năm được một chuyến sai” là cách nói thậm xưng.

            Bề ngoài cậu cai có thể oai vệ, sang trọng, mỗi lần được quan sai phái đi ra ngoài cũng có áo quần xênh xang, có vẻ ta đây, nhưng thực chất là chỉ “đi mượn”, “đi thuê”. Câu ca là một tiếng cười bật lên, con người thật của cậu cai đã bị lột trần, bị hạ bệ:

“Ba năm được một chuyến sai,

Áo ngắn đi mượn, quần dài đi thuê”.

            Bốn bài ca dao châm biếm cho thấy nghệ thuật trào lộng dân gian thật sắc sảo, nhiều màu vẻ làm bật ra những tiếng cười. Những thói hư tật xấu, những hủ tục mê tín dị đoan, những hạng người, những hiện tượng lố bịch, đáng cười trong xã hội cũ đều bị châm biếm, giễu cợt, đả kích. Các ẩn dụ, lối phóng đại, cách nói ngược, chọn chi tiết điển hình, tạo giọng điệu buồn cười… là những thủ pháp nghệ thuật châm biếm được các nhà thơ dân gian sáng tạo nên một cách đặc sắc. Tính chiến đấu và phê phán là giá trị đích thực của những bài ca dao châm biếm này. Đến nay nó vẫn còn nhiều ý nghĩa trong việc xây dựng nền văn hoá mới, con người mới, cuộc sổng mới văn minh, tiến bộ.

III/ TRÍCH YẾU TƯ LIỆU THAM KHẢO

TIẾNG CƯỜI TRONG CA DAO

            Bên cạnh mảng ca dao trữ tình, ca dao hài hước cũng phản chiếu một khía cạnh khác trong tâm hồn của người bình dân ngày xưa, chứa đựng tinh thần lạc quan, sức sống mạnh mẽ và tinh thần phản kháng của nhân dân. Không những thế, tiếng cười trong ca dao cũng chính là những uất ức bất bình, những thái độ ứng xử, điều chỉnh hành vi, hướng tới một cuộc sống tốt đẹp công bằng hơn.

Ca dao hài hước chứa đựng cái nhìn, thái độ, tình cảm của người bình dân trước các hiện tượng đời sống, mối quan hệ tình cảm giữa người với người. Không những thế tiếng cười còn là vũ khí tinh thần giúp họ vượt lên bao khó khăn của đời sống. Tiếng cười trong ca dao phong phú nhiều cung bậc, có khi là tiếng cười trào lộng dí dỏm, có khi là tiếng cười chua chát trước sự thật đáng cười đáng chán, cũng có khi là tiếng cười phản kháng trước thực trạng xã hội còn nhiều bất công ngang trái.

            Từ thực tại còn nhiều vất vả cay cực, người bình dân đến với nhau trong tiếng đùa vui, mượn tiếng cười ngỏ bày tâm tình một cách ý vị:

“Cưới nàng anh toan dẫn voi,

 Anh sợ quốc cấm nên voi không bàn.

Dẫn trâu sợ họ máu hàn,

Dẫn bò sợ họ nhà nàng co gân”.

            Chàng trai ngỏ lòng với cô gái bằng lối nói khoa trương để cho thấy ngay rằng anh đang đùa. Nhưng liệu có phải hoàn toàn là một lời nói đùa không? Có thể hình dung ra hoàn cảnh của đôi nam nữ yêu nhau qua bài ca dao: họ sống nghèo khổ nhưng vô cùng lạc quan. Lời đối đáp có chút tinh nghịch nhưng cũng thoáng chút ngậm ngùi cho phận nghèo. Ngôn ngữ phóng đại khoa trương khoả lấp đi một sự thật mà người đời quen gọi là “nói khoác” thực ra đó mang một ý vị chua chát đả phá vào những hủ tục ngăn cách con người tìm đến với nhau. Chàng trai đó có những lễ vật dẫn cưới thật sang trọng: dẫn voi, dẫn trâu, dẫn bò… nhưng cuối cùng lại là con chuột béo thật ấn tượng:

“Miễn là có thú bốn chân

Dẫn con chuột béo mời dàn mời làng.”

            Lí giải thật hợp tình hợp lẽ: con voi to đùng kia là hàng quốc cấm – phép nước luật vua không cho phép, dẫn trâu dẫn bò thì lo họ hàng nhà gái máu hàn, rút gân – chứng tỏ chàng trai là người “chu đáo” với đàng gái biết bao! Sợ cho nhà gái hay là một lời đay nghiến, mỉa mai những người đó nghĩ ra chuyện thách cưới ác nghiệt khiến cho đôi lứa phải chịu cảnh dở khóc dở cười. Con chuột béo là một thái độ đáp lại bằng cách giễu cợt cay chua. Nhưng lời đáp lại của cô gái dù đùa vui mà lại ẩn chứa một noi lòng đáng quý:

Chàng dẫn thế em lấy làm sang

Nỡ nào em lại phá ngang như là…

Người ta thách lợn thách gà

Nhà em thách cưới một nhà khoai lang”.

            Ngầm chứa trong lời đáp là sự động viên chàng trai vững tâm để đi đến hạnh phúc, vẫn là thách cưới nhưng chàng trai hoàn toàn có thể đáp ứng được bằng chính sức lao động của mình. Cái tinh tế trong lời cô gái vừa là phản ứng trước việc thách cưới phá ngang, vừa là mong mỏi chàng trai là người cần cù siêng năng xứng đáng với tấm tình của cô. Không những thế, cô còn đem tới lời nhắn nhủ về sự cần kiệm: củ to mời làng, củ nhỏ mời họ, và không bỏ sót củ mẻ, củ rím, củ hà. Lời đáp khéo léo ấy đem lại niềm hi vọng và lạc quan về hạnh phúc.

            Ca dao hài hước còn mang theo những suy ngẫm về thực trạng xã hội phong kiến vốn dành ưu ái đặc quyền cho nam giới. Vẫn là mô típ “làm trai cho đáng nên trai” nhưng không phải là lời ca ngợi vào khả năng “vá trời lấp bể” mà chỉ là:

“Làm trai cho đáng sức trai,

Khom lưng chống gối, gánh hai hạt vừng”

            Từ bản chất của những người yêu lao động, người bình dân phê phán và chế giễu những kẻ lười biếng mà huênh hoang. Ý nghĩa hài hước toát ra từ hình ảnh đối nghịch: sức dài vai rộng mà lại “khom lưng chống gối” chỉ để gánh hài hạt vừng. Động tác kia chẳng khác nào mô phỏng hình ảnh các vị chức sắc quan lại chỉ giỏi khom lưng luồn cúi, chống gối qụy lụy để tiến thân. Người bình dân chế giễu những kẻ vô tích sự ấy, mang tiếng là gánh vác sơn hà nhưng thực tế chẳng khác nào những bọn vô công rỗi nghề ăn bám người khác. Thật bất hạnh cho những ai vớ phải một ông chổng như thế! Ca dao cũng sẵn những lời ta thán của những người phụ nữ:

“Chồng người đi ngược vê xuôi,

Chồng em ngồi bếp sờ đuôi con mèo”.

            Trong quan hệ gia đình, có lẽ phải gặp hoàn cảnh bất đắc dĩ thì người vợ mới có chuyện so sánh chồng mình với chồng người. Hình ảnh anh chồng thật thảm hại trong tương quan “đi ngược về xuôi” với “sờ đuôi con mèo”. Bất cứ người phụ nữ nào củng mong muốn chồng mình giỏi giang cáng đáng việc quốc gia đại sự hay chí ít cũng là trụ cột gia đình. Còn anh chồng trong bài ca dao này cứ quẩn quanh xó bếp, nhu nhược hèn kém. Nhưng lời than thở giận hờn ấy không thay đổi được số phận. Than thở thế thôi, dẫu gì cũng vẫn là chồng em, vẫn là nghĩa tình duyên nợ với nhau. Đằng sau lời ca dao ấy là nỗi lòng trĩu nặng, phản chiếu một mong mỏi chồng mình cũng được bằng anh bằng em, để người vợ có thể mở mày mở mặt.

            Trong ca dao không chỉ có tiếng cười chế giễu mà còn bao tiếng cười đầm ấm tình thương yêu gắn bó với nhau. Người bình dân biết cười đời và cũng biết cách cường điệu phóng đại những tật xấu của mình để tự cười mình. Không phải là tiếng cười thiên lệch dành cho nam giới mà cả giới nữ cũng có nhiều cái đáng cười. Điểm đặc biệt là tất cả những sự lệch chuẩn ấy đểu thành cái đáng yêu trong một gia đình hạnh phúc:

“Lỗ mũi mười tám gánh lông,

Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho.

Đêm nằm thì ngáy o o …

Chồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà.

Đi chợ thì hay ăn quà,

Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm.

Trên đầu những rác cùng rơm,

Chồng yêu chồng bảo hoa thơm rắc đầu”.

            Chắc không người phụ nữ nào lại tự lôi ra tất cả những “thói hư tật xấu” của mình đầy đủ đến thế với một cách nói phóng đại tô đậm những cái ngược hoàn toàn với chuẩn mực “Công – Dung – Ngôn – Hạnh” phong kiến. Không hề gò mình ép khuôn vào một cách sống giả tạo gò bó, điều mong muốn của người bình dân là có một gia đình hạnh phúc, một sự thông cảm chia sẻ trong đời sống vợ chồng. “Điệp khúc chồng yêu chồng bảo…” không hề che giấu niềm tự hào có một người chồng tuyệt vời. Có lẽ các triết lí của các học giả đáng kính cũng rút tỉa ra từ thực tại cuộc sống phong phú đáng yêu này mà thôi: “Vẻ đẹp không nằm ở đôi má hổng thiếu nữ mà ở trong đôi mắt của kẻ tình si” (Kant). Người chồng yêu vợ như thế quả là hiếm có trong một xã hội vốn khắt khe với những chuẩn mực nặng nề, những quy tắc cứng nhắc. Không những thế, đó chính là sự điểu chỉnh hành vi của người bình dân bởi lẽ không người phụ nữ nào lại muốn giữ những nét xấu trong mắt chồng. Cười vui là thế nhưng cũng có ý nghĩa cảnh tỉnh nhẹ nhàng cho việc giữ gìn hạnh phúc. Bởi lẽ “chồng yêu” thì hạnh phúc nhưng “chồng ghét” thì là tai hoạ, là tan vỡ.

            Tiếng cười dân gian trong ca dao quả thật chứa đựng nghệ thuật sống của người bình dân ngày xưa. Tiếng cười ấy phản chiếu tinh thần của những người lao động luôn biết vượt lên hoàn cảnh, những bất công ngang trái, những khó khăn thực tại để lạc quan yêu đời. Tiếng cười ấy là sức sống tâm hồn khoẻ khoắn của những con người luôn ý thức giá trị bản thân, luôn mong muốn cuộc sống tốt đẹp công bằng.

Theo Trần Hà Nam

MỘT SỐ BÀI CA DAO CHÂM BIẾM, HÀI HƯỚC

– Muốn ăn gắp bỏ cho người,

Gắp đi gắp lại, lại rơi vào mình.

– Làm trai cho đáng nên trai

Một trăm đám cỗ chẳng sai đám nào.

– Làm trai cho đáng nên trai

Ăn cơm với vợ lại nài vét niêu.

– Làm trai cho đáng nên trai

Vót đũa cho dài ăn vụng cơm con.

– Trống chùa ai đánh thì thùng

Của chung ai khéo vẫy vùng, thành riêng.

– Nói thì đâm năm chém mười

 Đến bữa tối trời chẳng dám ra sân.

– Chồng người đánh Bắc dẹp Đông

Chồng em ngồi bếp giương cung bắn gà.

– Chồng người bể Sở sông Ngô

Chồng em ngồi bếp rang ngô cháy quần.

– Chớ thấy hùm ngủ vuốt râu

Đến khi hùm dậy, đầu lâu chẳng còn.

– Đắc thời đắc thế thì khôn

Sa cơ rồng cũng như giun khác gì.

 

___

Xem thêm:

Hướng dẫn phân tích, cảm thụ Những câu hát than thân tại đây.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận