Hướng dẫn làm bài tập cảm thụ thơ, văn – Ngữ Văn lớp 7 nâng cao

Đang tải...

Ngữ Văn 7 nâng cao

HƯỚNG DẪN GIẢI LÀM BÀI VĂN CẢM THỤ THƠ, VĂN

Giải bài tập 1.

a) Đoạn văn 9 câu trên vẫn cần phân làm 3 đoạn nhỏ nữa :

– Đoạn 1 : Từ đầu đến “nuối tiếc”. Từ nắng mùa thu, giới thiệu về nắng mùa đông.

– Đoạn 2 : Từ “Bất chợt có một chiều đông” đến “lạnh lẽo”. Cô bé thương mùa đông.

– Đoạn 3 : Còn lại. Cô bé làm nắng cho mùa đông.

(Xong một đoạn, cần xuống dòng, viết hoa chữ cái của từ đầu tiên của đoạn)

Căn cứ để phân đoạn : Là 3 vấn đề khác nhau của nắng mùa đông.

b) A

c) Giọt nắng mùa đông.

d) Gợi ý phân tích :

– Giới thiệu nắng mùa đông bằng cách : nêu nắng mùa thu (nhưng thực ra không phải là nắng mùa thu mà là những sắc vàng của mùa thu gợi nhớ nắng (lá vàng, cúc vàng, thị vàng, cây rạ vàng,…), để dẫn dắt vào nắng mùa đông.

– Nắng mùa đông rất hiếm hoi.

– Những giọt nắng bất chợt đến trong mùa đông khiến cô bé ngơ ngác… những liên tưởng… và cô bé thương mùa đông vô cùng.

– Cô bé đã ngắt hoa cải vàng trong vườn thả xuống dòng sông : tạo nên nắng cho mùa đông vì cô bé rất thương mùa đông.

– Nghệ thuật : liên tưởng, tưởng tượng khéo – quan niệm nắng ở đoạn văn được dùng theo nghĩa chuyển. Nắng ở đây là những sắc vàng sự sống. Nắng đem đến tình yêu cuộc sống, xua tan lạnh lẽo.

Giải bài tập 2.

a)

– Khổ 1 : Con thường sống ngẩng cao đầu và không sợ quyền uy.

– Khổ 2 : Nhưng trước mẹ dịu dàng, chân chất, bao giờ con cũng bé nhỏ, khiêm nhường.

* Về ý giữa hai khổ đối lập nhau (từ “nhưng”) lại nhằm làm rõ tính cách và tình cảm của một con người có tài và có đức.

b) Hai khổ thơ trên nối liền thành một văn bản. Sự liên kết chặt chẽ thể hiện qua :

– Nội dung : Người con tâm sự với mẹ : uy quyền không khuất phục được, nhưng tình mẹ dịu dàng đã thuyết phục người con.

– Hình thức : Từ liên kết:

+ từ nối “nhưng”.

+ từ lặp “mẹ”, “con”.

c) Trong đoạn thơ trên có một cặp từ trái nghĩa. Đó là : “ngẩng – cúi”. Tác dụng : thể hiện cách sống không chịu khuất phục trước uy quyền của nhà thơ.

d) Phần phát biểu cảm nghĩ : HS tự làm (tập trung vào tình của người con với mẹ).

Giải bài tập 3.

a) D

b) Dấu chấm câu giữa câu thơ thứ ba và từ “nhưng” tách hai ý của khổ thơ : (2 ý như là đối lập)

– Con là lửa ấm, con là trái xanh, con là cuộc sống của mẹ, mẹ nâng niu giữ gìn.

– Nhưng giặc đến nhà, tuy tuổi cao sức yếu, mẹ vẫn muốn đóng góp một phần sức lực cho cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc : động viên con trai lên đường đánh giặc.

c) Câu thơ thứ tư : hình ảnh ẩn dụ : “nắng đã chiều” chính là hình ảnh bà mẹ. Nhưng mẹ lại hết lòng vì nước : “vẫn muốn hắt tia xa”…

d) Khổ thơ này có hai ý đối lập nhau, nhưng ý 1 lại làm nền cho ý 2. Vì mẹ càng yêu quý nâng niu đứa con trai của mình bao nhiêu, thì càng thấy rõ lòng yêu nước, sự hi sinh lớn lao của mẹ bấy nhiêu khi mẹ động viên con trai đi đánh giặc cứu nước.

e) Phát biểu cảm nghĩ của em : HS dựa vào các ý đã khai thác trên, tự làm phần này.

Giải bài tập 4.

a) Đoạn thơ viết về sự kiện Bác Hồ xuống một chiếc tàu của Pháp tại bến cảng Nhà Rồng đi tìm đường cứu nước. Lúc đó Bác có tên gọi là anh Ba.

b) Câu thơ thứ ba có dấu chấm ơ giữa dòng và từ “nhưng” tách hai ý như là đối lập nhau :

– Đất nước đẹp vô cùng nên Bác không bao giờ muốn rời xa đất nước.

– Nhưng Bác phải ra đi tìm đường cứu nước, phải rời xa nước, vì Bác yêu quý vô cùng Tổ quốc của mình.

* Hai ý của câu thơ thứ nhất tưởng như đối lập, nhưng lại rất thống nhất.

c) Trong đoạn thơ trên có ba từ đồng nghĩa :

– Nước

– Quê hương

– Xứ sở

Không thể chỉ dùng một từ được, vì ba từ đồng nghĩa trên có những sắc thái khác nhau.

– Nước : sắc thái tình cảm giản dị, bình thường.

– Quê hương : sắc thái tình cảm gần gũi, thân thiết.

– Xứ sở : sắc thái tình cảm đối với một mảnh đất đã cách xa lắm rồi.

d) Viết đoạn văn biểu cảm : HS tự làm.

Giải bài tập 5.

a) C.

b) Trong bài thơ có bốn nhân vật: Mẹ Cua – Cua Con – Chú Gió – Cô Lúa.

Nhân vật Chú Gió và Cô Lúa là hai nhân vật chính (mặc dù là hai nhân vật chỉ được nói đến trong bài thơ, chứ không xuất hiện trực tiếp).

c)

d) Đặt đầu đề cho bài thơ :

– Lúa và Gió. hoặc

– Xa cách.

Người viết bài thơ này : Nhà thơ Phạm Hổ.

e) HS tự viết đoạn văn phát biểu cảm nghĩ về bài thơ.

Giải bài tập 6.

a) Bài thơ được sáng tác trong hoàn cảnh : cả nước đánh giặc Mĩ xâm lược.

– Dấu hiệu thể hiện trong bài thơ:

+ Anh đi công tác (có thể đi vào Nam đánh Mĩ: gọi là đi B).

+ Chị săn máy bay (phụ nữ bắn máy bay Mĩ xâm phạm vùng trời miền Bắc).

+ Mẹ ra đồng cày (việc cày rất khó nhọc, xưa thường là việc của người đàn ông. Nhưng người đàn ông lên đường đánh giặc, phụ nữ ở hậu phương thay thế).

b) Tác giả miêu tả hình ánh các quân tam cúc rất sốns đông.

– Tả quân “tướng ông” : “chân đi hài đỏ”.

– Tả quân “tướng bà” : “tóc hiu hiu gió” (có gió).

– Tả quân “mã” : con nRựa “chân có bụi đường”.

– Tả quân “sĩ” : “thuộc làu văn chương”.

c) Sáu câu miêu tả tâm lí chú mèo Khoang khi chơi tam cúc cùng bé Giang” :

– Khi bé Giang báo mèo Khoang :

 

“Quân này mày được

Quân này tao chui”,

 

thì mèo Khoang nhu’ một đứa trẻ nhỏ “phổng mũi”, “ngoao ngoao một hồi”. Chứng tỏ mèo Khoang rất thích thú.

– Khi bé Giang bảo mèo Khoang :

 

“Quân này mày chui

Quân này tao được”,

 

thì mèo Khoang “bỗng dỏng tai”, “mắt xanh như nước” : ra vẻ ngạc nhiên và không bằng lòng, thật ngộ nghĩnh !

– Và khi bé Giang dỗ dành, để cho mèo Khoang thắng, thì mèo Khoang “thè lưỡi đỏ, liếm vào răng nanh” (có vẻ như vừa lòng, không dỗi nữa).

d) Khổ cuối của bài thơ, tác giả đã diễn tả theo lối : chuyển đổi cảm giác :

“Đã nghe khói bếp

Nhà ai thơm bay…”.

Đây là sự ehuyển đổi cảm giác giữa : tai nghe, mắt nhìn và mũi ngửi, tưởng chừng như phi lí.

– Nghe (thính giác) – khói bếp (hình ảnh của thị giác) – thơm (khứu giác).

– Song, trong nghệ thuật, sự chuyển đổi cảm giác ấy không những được bạn đọc chấp nhận, mà còn thấy hay.

e) Học sinh tự làm.

Gợi ý :

– Bé Giang là một thiếu nhi Việt Nam sống trong thời kì chống Mĩ cứu nước anh hùng của dân tộc.

– Đáng lí phải có người trông bé, chơi với bé, nhưng bé đã tự chơi một mình, rất ngoan vì người lớn còn bận biết bao việc : đánh giặc, xây dựng đất nước.

– Nghệ thuật nhân hoá mèo Khoang làm bài thơ ngộ nghĩnh đáng yêu lên rất nhiều : Mèo Khoang như một đứa trẻ, một người bạn hồn nhiên cửa Giang : chơi tam cúc cũng rất thích thắng, không vui khi bị thua (chui). Nhưng Giang và mèo Khoang chơi rất vui, nhường nhịn nhau. Thật đáng yêu.

Giải bài tập 7.

Nhà thơ Phạm Hổ đã nhân hoá Gà Mẹ và đàn gà con có lời nói, thái độ, tình cảm như con người : Gà Mẹ giống như một bà mẹ hiền từ, quan tâm và yêu thương các con. Khi các con đã vào giường ngủ cả rồi, nhưng vốn nghịch ngợm hồn nhiên, chúng không chịu ngủ, chỉ mải chơi, chắc còn trò chuyện, đùa vui chưa ngủ, nên Gà Mẹ đã hỏi đàn con : “Đã ngủ chưa đấy hả ?”. Nếu là người lớn, hoặc có ý thức hơn, sợ mẹ mắng, thì đàn gà con phải nằm im giả vờ ngủ, không trả lời. Nhưng vì chúng quá hồn nhiên, nên cả đàn nhao nhao : “Ngủ cả rồi đấy ạ !”. Từ láy “nhao nhao” kết hợp với câu trả lời đã tạo nên sự hồn nhiên, đáng yêu ấy : vì “ngủ rồi” thì làm sao mà trả lời được, mà còn trả lời rõ to nữa chứ. Tuy lũ gà con chưa nghe lời mẹ để ngủ ngay, nhưng chúng thật đáng yêu, thật dễ thương biết bao. Nhà thơ Phạm Hổ tuy tuổi đã cao, nhưng ông có tài đi vào thế giới nội tâm của trẻ thơ, bộc lộ tâm lí của trẻ thơ thật hợp lí và ngộ nghĩnh, đáng yêu.

Giải bài tập 8.

a) Có 21 từ “của” trong văn bản Một thứ quà của lúa non: Cốm (Thạch Lam) (kể cả nhan đề của văn bản là 22 từ “của”).

b) “Của” là quan hệ từ dùng để nối phần phụ sau của cụm danh từ với danh từ, nhàm bổ sung ý nghĩa, làm rõ sự vật mà danh từ nêu ra thuộc sở hữu của ai, của cái gì.

– Hầu hết trong văn bản Một thứ quà của lúa non : Cốm, các quan hệ từ “của” đã tôn vinh thứ quà của lúa non : cốm, lên tới vẻ đẹp tinh khiết, sâu xa. Quan hệ từ “của” đã khẳng định hương thơm, chất quý, mộc mạc, giản dị, riêng biệt, dịu dàng, thanh đạm của cốm – mà không giống một thứ quà nào.

Có thể hệ thống các chi tiết để làm rõ tác dụng của quan hệ từ “của” trong việc làm đẹp, làm ý nghĩa thêm thức quà là cốm.

+ Trước hết : cốm là thức quà riêng biệt của đất nước;  là thức dâng của những cánh đồng lúa.

+ Cốm mang trong hương vị cái mộc mạc, giản dịthanh khiết của đồng quê nội cỏ An Nam.

+ Cốm là một trong những thức quý của đất mình.

+ Khẳng định cách ẩm thực cốm “cốm không phải thức quà của người ăn vội

+ Cốm thu vào mình “cái mùi thơm phức của lúa mới của hoa cỏ dại ven bờ”.

+ Trong màu xanh của cốm ta thấy “cái tươi mát của lá non”.

+ Trong chất ngọt của cốm ta thấy “cái dịu dàng, thanh đạm của loài thảo mộc”

+ Thêm vào cái mùi hơi ngát của lá sen già ; lá sen còn giữ lại “cái ấm áp của những ngày mùa hạ trên hồ

+ Và ở phần cuối văn bản, Thạch Lam đã khuyên con người hãy nên “kính trọng” “cái lộc của Trời, cái khéo léo của Người và sự cố sức tiềm tàng và nhẫn nại của Thần Lúa”.

Tóm lại, qua quan hệ từ “của” (có ý nghĩa sở hữu), nhà văn đã vận dụng một cách độc đáo và tài tình để người đọc cảm nhận hết vẻ đẹp, hương thơm, chất ngọt, cảm giác ngon và ý nghĩa vô cùng sâu sắc của thức quà quê hương : cốm – mà người mẹ sinh ra cốm là người bạn thuỷ chung của người Việt, từ khi khai thiên lập địa, dựng nước : đó là Thần Lúa.

Giải bài tập 9.

a) Tuỳ mỗi em. Song bốn cách đặt đầu đề A, B, C, D có khác nhau :

– B     : không đúng. Vì mục đích muốn dắt dẫn tới là : bé (đầu đề này chưa đạt yêu cầu).

– C     : chung chung quá, không rõ nội dung về bé.

– A     : đúng, nhưng chưa cụ thể (đặt đầu đề kín).

– D     : đúng và hay.

(nên chọn A hoặc D)

Cái cây làm ra mùa xuân bằng những bông hoa nở.

Cái lộc non làm ra mùa xuân : nhú ra sáng bừng nách lá.

Bố làm mùa xuân bằng việc xây nhà cao chạm vào mây.

Mẹ làm ra mùa xuân từ : đàn lợn mẹ nuôi đẹp như tranh và mạ non mẹ cấy thẳng hàng trên đồng, trên nương.

Chị làm ra mùa xuân bằng cách dệt tấm thảm len có bầu trời, hoa lá, đồng quê, cánh diều, đàn cò trắng, …

chẳng biết làm mùa xuân. Nhưng cả nhà lại khen những phiếu bé ngoan của bé chi chít dán trên tường là “bức tranh xuân đẹp nhất”.

* Rõ ràng : mùa xuân trong bài thơ được hiểu theo nghĩa chuyển : bố xây nhà, mẹ nuôi lợn và cấy lúa ; chị dệt thảm ; bé ngoan…

Chỉ có hai chi tiết đầu có thể hiểu về mùa xuân theo nghĩa chính : đó là hoa nở và lộc non. Ở hai chi tiết này lại sử dụng nghệ thuật nhân hoá : cái cây và cái lộc non (làm ra mùa xuân).

c) HS tự diễn xuôi thành đoạn văn ngắn.

Ví dụ : Cái cây góp phần làm ra mùa xuân khi cây làm ra những bông hoa nở. Những cái lộc non cũng góp phần làm nên mùa xuân khi chúng nhú những lá non làm nách lá sáng bừng. Ngôi nhà đẹp cao như chạm vào mây là mùa xuân của bố đấy. Ngày nào bố cũng làm ra mùa xuân khi bố cầm viên gạch hồng trên tay và động tác xây nhà của bố đẹp như bố đang múa vậy…

Giải bài tập 10.

a) C

b) Em đồng ý với ý kiến trên của bạn.

* Tác giả đã giới thiệu với chúng ta về Sài Gòn một cách độc đáo, hay và hấp dẫn : Tác giả nhân hoá Sài Gòn như một con người lạ lùng, kết hợp với cách so sánh và diễn đạt theo kiểu đối lập “Sài Gòn vẫn trẻ. Tôi thì đương già”. Biết tìm ra con số độc đáo “ba trăm năm so với năm ngàn năm tuổi của đất nước” để khẳng định cái trẻ của Sài Gòn. Một hình ảnh so sánh độc đáo mà hợp lí : Sài Gòn vẫn trẻ. Lại so sánh tiếp để giới thiệu “Sài Gòn cứ trẻ hoài như một cây tơ đương độ nõn nà”, “trẻ hoài” là cách nói rất dễ thương kiểu Nam Bộ. Song cái “trẻ hoài” đó lại kèm theo một điều kiện : đó là thái độ của con người : “biết cách tưới tiêu, chăm bón, trân trọng, giữ gìn”. Cuối cùng của phần giới thiệu là hình ảnh ẩn dụ về Sài Gòn “đô thị ngọc ngà”. Hình ảnh xuất phát từ lời ca ngợi của thế giới về Sài Gòn đã từ lâu “Sài Gòn là hòn ngọc của Viễn Đông”.

*Người viết đã bộc lộ tình yêu của mình với Sài Gòn thật nồng nàn, say đắm. Đây là đoạn văn biểu cảm kết hợp giữa biểu cảm trực tiếp và biểu cảm gián tiếp. Điệp ngữ “Tôi yêu”… lặp đi lặp lại da diết để làm rõ cho câu đầu tiên của đoạn “Tôi yêu Sài Gòn da diết…”. Đoạn biểu cảm này đã khéo léo gài yếu tố tự sự vào thật mềm mại, các yếu tố tự sự ấy cũng đã chắt lọc những nét tiêu biểu nhất về thiên nhiên và con người Sài Gòn. Đó là “nắng sớm ngọt ngào”… , đó là “buổi chiều lộng gió nhớ thương”, đó là “những cây mưa nhiệt đới bất ngờ”. Đó là “thời tiết trái chứng với trời đang ui ui buồn bã, bỗng lại trong vắt như thuỷ tinh”. Đó là “đêm khuya thưa thớt tiếng ồn”, đó là “phố phường náo động, dập dìu xe cộ vào những giờ cao điểm”. Đặc biệt, dễ chịu hơn cả, đó là “cái tĩnh lặng của buổi sáng tinh sương với làn không khí mát dịu, thanh sạch trên một số đường còn nhiều cây xanh che chở…”. Đồng thời, bạn đọc cũng nhận ra nghệ thuật liệt kê rất tinh tế khi tác giả Minh Hương đưa các yếu tố tự sự trên vào đoạn làm phương tiện biểu cảm. Tất cả cái khéo léo, cái nồng nàn ấy đã lan toả, thấm đẫm trong tình cảm bạn đọc, để bạn đọc, đặc biệt là các em học sinh sẽ và mãi mãi yêu Sài Gòn – thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu. Không hiểu sao đọc đoạn văn này của Minh Hương, câu hát về Sài Gòn cứ vang lên trong tôi : “Từ thành phố này, Người đã ra đi…”.

Giải bài tập 11.

a) D

b) E

c) Nên chọn một trong hai trường hợp sau thì sẽ đạt yêu cầu đúng và hay : C hoặc D (đây chỉ là một gợi ý).

d) Phân tích và phát biểu cảm nghĩ của em về bài thơ trên.

Gợi ý :

Đây là cảm xúc của một người con của làng quê, ra đi học, sống và làm việc ở thành phố, bỗng nhớ vể quê hương – một làng quê nghèo – nơi chôn rau cắt rốn của mình. Có lẽ tác giả cũng đã có tuổi và từng trải. Qua rất nhiều năm tháng mới nhận ra cái mà cần nhất chính là cội nguồn, là quê hương, là sự chân thật – cái điều mà tuổi trẻ không dễ gì nhận ra ngay được, khi những ánh sáng hào nhoáng của cuộc sống gọi mời.

Trong lòng nhà thơ bỗng vang lên tiếng gọi tên làng thân yêu. Bằng một loạt hình ảnh so sánh, nhà thơ đã diễn tả nhận thức và tình cảm của mình : “Như là đứa trẻ lạc đường gọi cha”, “Giật mình như vạc ăn xa – Qua đêm mới kịp nhận ra chân trời”. Cái “chân trời” ở đây là hình ảnh ẩn dụ cho cái lẽ ở đời. Âm hưởng quê hương, hình ảnh quê hương trở về trong cách nói vừa đối lập vừa so sánh :

Bàn chân nhẵn bắc, nam rồi

Thương về cái cổng cóc ngồi dầm mưa.

Câu thơ gợi nhớ cái cổng làng mà ở mỗi làng quê Việt Nam đều có. Cách diễn đạt về “miếng cà” quê hương nghe cứ như phi lí, nhưng lại hợp lí trong nghệ thuật diễn tả văn chương :

Miếng cà nhai tự ngày xưa

Bây giờ nghe lại vẫn chưa hết giòn.

Đó là âm hưởng của kỉ niệm quê hựơng từ tuổi ấu thơ còn ấn tượng mãi. Một loạt hình ảnh ẩn dụ : “lời phấn, lời son”, “lời quê” để biểu đạt cái hình thức màu mè và cái chân thật bên trong. Đặc biệt lời ru của mẹ và tiếng võng đưa khiến người con rưng rưng xúc động. Người viết đã có một loạt các cách diễn đạt tượng trưng :

Lời quê lắm nắng nhiều mưa.

Nắng mưa sao ngọt, cày bừa sao thơm

và:                                   Thèm lời chân thật được đơm cho đầy.

“Nắng”, “mưa” từ lâu là hình ảnh tượng trưng cho khó khăn, vất vả trong cuộc sống đã được nhà thơ vận dụng hợp lí và sáng tạo : “Nắng mưa sao ngọt, cày bừa sao thơm”. “Thơm” và “ngọt” ở đây đều được dùng theo nghĩa chuyển.

Kết thúc bài thơ là một loạt hình ảnh hướng về cội nguồn :

Hồn như hạt cải, hạt kê

Gieo đi trăm ngả lại về làng xanh

Câu thơ lạc chốn đô thành

Xin về ngọt với đất lành, làng ơi!

Một loạt các từ ngữ hướng tình cảm về quê hương : “về làng xanh”, “ngọt với đất lành”. Mở đầu bài thơ là tiếng gọi làng và kết thúc bài thơ cũng là tiếng gọi làng thân thương.

Giải bài tập 12.

a) Gà “nhảy ổ” thường dùng để chỉ hoạt động đòi đẻ trứng của gà mái mẹ. Khi muốn đẻ trứng, gà mái mẹ thường tìm một chỗ êm, gọn, kín đáo để đẻ trứng.

b) Các cô chú bộ đội hành quân qua làng, nghe tiếng gà “cục tác” lại có cảm giác :

 

Nghe xao động nắng trưa

Nghe bàn chân đỡ mỏi

Nghe gọi về tuổi thơ.

 

Thoạt nghe, diễn đạt kiểu như ba câu thơ trên cứ như là phi lí: “nghe” là hoạt động của tai (thính giác) sao lại nhận ra sự “xao động” của nắng trưa (là hình ảnh của thị giác – mắt nhìn), “nghe” có cảm giác “bàn chân đỡ mỏi” và nghe như “gọi về tuổi thơ”. Thực ra cách diễn đạt như trên không phi lí mà lại còn rất hay. “Nghe” lặp lại ba lần ở đây chính là biện pháp điệp từ nhấn mạnh tác động của tiếng gà trưa đối với người chiến sĩ khi đi qua làng, gần dân, thấy ấm lòng. Nghe tiếng gà, các anh cảm thấy như nắng trưa cũng xao động, di chuyển. Nghe tiếng gà cục tác buổi trưa, các anh cảm thấy khoẻ lên, “bàn chân đỡ mỏi”. Và đặc biệt khi nghe tiếng gà cục tác mà các anh cảm giác như tiếng gà gọi vể những kỉ niệm tuổi thơ gắn với việc gà đẻ trứng và cũng là kỉ niệm về tình bà cháu, về gia đình thân thương của các anh bộ đội. Ba câu thơ sử dụng biện pháp liệt kê gây ấn tượng.

Giải bài tập 13.

a) Câu chuyện có thể chia làm 3 đoạn nhỏ :

– Đoạn 1 : Từ đầu đến “tiện thật”. Mẹ mua cái tay nhựa và nắm đấm bằng dạ để ông nội dùng vì thương ông nội.

– Đoạn 2 : Tiếp từ “Nhưng một thời gian ngắn sau” đến “Ông buồn buồn, im lặng” : Ông nội nhờ Tú gãi lưng và đấm bóp giùm ông, nhưng Tú đã từ chối và ông rất buồn.

– Đoạn 3 : Còn lại : Nghe lời mẹ khuyên, Tú đã nhận lời gãi lưng, xoa bóp cho ông nội và ông nội rất vui.

(Căn cứ để phân đoạn : có ba sự việc khác nhau theo trình tự thời gian.)

b) Mẹ Tú mua cái tay nhựa và cái nắm đấm bằng dạ cũng vì thương ông nội, để ông tiện dùng. Sau thấy ông không dùng nữa, mà lại nhờ Tú gãi lưng và xoa bóp ; mẹ tinh tế nhận ra nhược điểm của hai đồ dùng hiện đại ấy là nó thiểu tình cảm con người, nên mẹ đã cất hai đồ dùng đó đi.

c) Toàn truyện có 17 câu, nhưng câu quan trọng nhất là “những thứ đồ nhựa, đồ dạ ấy không có hơi người, lạnh lẽo lắm”.

 Câu trên quan trọng nhất trong truyện vì nó bộc lộ rõ nhất chủ đề, ý định của người viết: mọi đồ dùng hiện đại không thể thay thế tình cảm của con người được.

d) Có thể chọn B (đầu đề kín); hoặc chọn D (chủ đề lộ rõ). Còn các cách khác không sai, nhưng chưa đủ hoặc chưa hay.

e) Đoạn văn ngắn biểu cảm (về câu chuyện trên) :

Gợi ý : Ngày nay, khi khoa học đã tiến bộ, con người thường sử dụng máy móc và đồ dùng hiện đại để nâng cao đời sống của mình. Cái tay nhựa để gãi lưng và cái nắm đấm bằng dạ là hai đồ dùng rất hiện đại trong gia đình dành cho người già. Trong hoàn cảnh vắng còn cháu, hai đồ dùng này rất tiện đối với các ông bà nội, ông bà ngoại. Câu chuyện không phê phán hai đồ dùng hiện đại, mà qua câu chuyện về hai đồ dùng này, truyện muốn nhắc nhở chúng ta hãy quan tâm, chăm sóc ông, bà trong gia đình chúng ta. Đồ dùng vô cảm không thể thay thế cho tình người được. Hơn nữa, qua thái độ của Tú, ta còn thấy có hai đồ dùng rồi, Tú trở nên ít chăm sóc, quan tâm đến ông. Vậy, trong cuộc sống muôn màu vẻ, ta phải cư xử sao cho mềm mại, khéo léo : không nên có cái này mà lại bỏ cái kia ; sống sao cho hài hoà. Ông sẽ vui sướng biết bao khi thằng cháu hồn nhiên nói với ông những lời nói ngây thơ, ngộ nghĩnh, đầy tình yêu thương : “Ông ơi ! Ông ngứa đi để Tú gãi cho ông. Ngứa râu trước nhé. Gãi râu thích hơn gãi lưng”. Và bạn đọc chúng ta cũng cảm động khi người ông sung sướng “cười khà khà, gãi gãi tay lên mái tóc xanh mướt” của thằng cháu. Câu chuyện không chỉ thể hiện tình ông cháu mà nhắc nhở tất cả chúng ta hãy cư xử và quan tâm hơn tới người già trong gia đình. Vậy nhan đề của câu chuyện là “Tình người” là đúng và hay nhất. (Đây chỉ là một hướng làm bài).

Xem thêm chi tiết và tải về file word tại đây. 

=> Xem thêm:

Hướng dẫn làm bài tập cảm thụ thơ, văn (tiếp) tại đây. 

Các dạng bài tập cảm thụ thơ văn (tiếp) tại đây. 

 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận