Các dạng bài tập cảm thụ thơ văn (tiếp) – Ngữ Văn 7 nâng cao

Đang tải...

Bài tập 14. Đến năm 1982, đất nước thống nhất đã được bảy năm, nhưng những người lính Cụ Hồ vẫn chưa rời tay súng. Họ thay nhau canh giữ từng tấc đất, canh giữ biển trời và các hòn đảo ngoài khơi xa. Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng là một người lính của đảo Trường Sa. Sau đây là một đoạn trích bài thơ Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn của anh :

 

Chúng tôi ngồi trên đảo Sinh Tồn

Bóng đen sẫm như gốc cây khô cháy

Mắt đăm đăm nhìn về nơi ấy

Nơi cơn mưa thăm thẳm xa khơi

Ánh chớp xanh lấp loáng phía chân trời…

                        ***

…Ôi, ước gì được thấy mưa rơi

Chúng tôi sẽ trụi trần, nhảy choi choi trên cát

Giãy giụa tơi bời trên cát

Như con cá rô rạch nước đón mưa rào

Úp miệng vào tay, chúng tôi sẽ cùng gào

Như ếch nhái uôm uôm khắp đảo

Mưa đi ! Mưa đi ! Mưa cho táo bạo

Mưa như chưa bao giờ mưa, sấm sét đùng đùng

… Mưa đi! Mưa đi ! Mưa cho mãnh liệt

Mưa lèm nhèm chúng tôi chẳng thích đâu

Nhưng không có mưa rào, thì cứ mưa ngâu

Hay mưa bụi… mưa li ti… cũng được

Mặt chúng tôi ngửa lên hứng nước

Một hạt nhỏ thôi, cát cũng dịu đi nhiều…

                            ***

Ôi, đảo Sinh Tồn, hòn đảo thân yêu

Dẫu chẳng có mưa, chúng tôi vẫn sinh tồn trên mặt đảo

Đảo vẫn sinh tồn trên đại dương gió bão

Chúng tôi như hòn đá ngàn năm trong trái tim người

Như đá vững bền, như đá tốt tươi…

 

a) Đoạn trích bài thơ được viết theo phương thức biểu đạt nào ?

A – Tự sự

B – Miêu tả

C – Biểu cảm

D – Thuyết minh

b) Biện pháp nghệ thuật chính được sử dụng trong đoạn trích :

A – So sánh

B – Điệp từ, điệp ngữ

C – Từ láy gợi tả

D – Cả A, B, C

c) Xác định bố cục của đoạn thơ trên. Nêu tiêu đề từng đoạn.

d) Đọc đoạn thơ trích, người đọc nhận thấy :

A – Khó khán của các anh bộ đội trên đảo : thiếu nước ngọt

B – Khát khao đợi mưa đến cháy bỏng của các anh 

C – Nghị lực vượt khó khăn, giữ đất, giữ đảo, vững vàng trên vị trí chiến đấu

D – Cả A, B, C

e) Chọn một đoạn em thích nhất, phân tích và phát biểu cảm nghĩ của em.

Bài tập 15. Trong bài thơ Việt Nam quê hương ta, nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã viết vể đất nước :

Việt Nam đất nước ta ơi !

Mênh mông biển lúa, đâu trời đẹp hơn !

Cánh cò bay lả rập rờn

Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều.

Cũng viết về đất nước, nhà thơ Tố Hữu lại viết trong bài thơ Miền Nam :

 

Ôi Tổ quốc giang sơn hùng vĩ

Đất anh hùng của thế kỉ hai mươi!

Hãy kiêu hãnh : trên tuyến đầu chống Mĩ

Có miền Nam, anh dũng tuyệt vời.

 

a) So sánh giọng điệp của hai đoạn thơ.

b) Giải thích vì sao nhà thơ Nguyễn Đình Thi dùng từ thuần Việt “đất nước”, nhưng nhà thơ Tố Hữu lại dùng từ Hán Việt: “Tổ quốc”, “giang sơn” ?

c) So sánh thể thơ ở hai đoạn.

d) Chọn một đoạn em thích và phát biểu cảm nghĩ về đoạn thơ đó.

Bài tập 16. Cho bài thơ sau :

 

Đêm nay điện bị ốm

Mẹ phải thắp đèn dầu

Ánh sáng đang chang chói

Bỗng nhiên gầy rất mau

Chiếc quạt buồn không chạy

Ấm nước buồn không sôi

Bàn là buồn không nóng

Ti-vi buồn im hơi…

Em mong điện chóng khoẻ

Cho mọi nhà đều vui.

(Nguyễn Loan, Điện ốm, báo Hoạ mi, số 55)

 

a) Các biện pháp nghệ thuật chính được sử dụng trong bài thơ :

A – Nhân hoá

B – Điệp từ

C – Cả A và B

b) Phân tích và phát biểu cảm nghĩ về bài thơ trên.

Bài tập 17. Trên báo tường của lớp, có một truyện cười như sau :

Thấy tấm biển ghi : “Hết lòng phục vụ khách hàng”, một vị khách thử vào ăn. Ngồi một lúc, khách không thấy ai đến hỏi, bực mình nói với ông chủ :

-Ông không nên treo tấm biển này để bịp khách hàng.

-Thưa ông, chúng tôi đâu dám. Quả thực là cửa hàng đã hết lòng, dồi, tiết canh cả rồi ạ !

– ? ? ? !

a) Truyện trên đã đạt yêu cầu một truyện cười chưa? Tại sao ?

b) Nêu cơ sở xây dựng truyện cười này (gợi ý : người xây dựng truyện cười này đã dựa vào biện pháp nghệ thuật gì để gây cười ?)

Bài tập 18. Trong bài thơ Quê hương, nhà thơ Tế Hanh có viết:

 

… Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng

Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá.

Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã

Phăng mái chèo, mạnh mẽ vượt trường giang.

Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng

Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…

 

a) Sáu câu thơ trên miêu tả cảnh gì ?

A – Cảnh bình minh, trời đẹp, dân làng chài ra khơi đánh cá

B – Cảnh cánh buồm trắng no gió ra khơi

C – Cảnh con tuấn mã vượt trường giang

D – Cảnh thiên nhiên bờ biển đẹp trong sớm bình minh

b) Ở sáu câu thơ trên, cần chú ý các chi tiết nào để qua đó thấy được một cách đầy đủ bức tranh đoấn thuyền ra khơi đánh cá ? Chi tiết nào làm nền cho toàn cảnh ?

A – Thiên nhiên

B – Con người

C – Chiếc thuyền

D – Cánh buồm

E – Cả A, B, C, D

c) Biện pháp nghệ thuật chính nào được sử dụng trong đoạn thơ ?

A – Ẩn dụ

B – Nhân hoá 

C – So sánh

D – Cả A, B, C

d) Các từ “trai tráng, “tuấn mã”, “trường giang” có phải từ Hán Việt không ? Có thể tìm các từ thuần Việt đồng nghĩa thay thế được không ? Tại sao ?

e) Phân tích và phát biểu cảm nghĩ về đoạn thơ trên.

Bài tập 19.

Cho văn bản sau :

“Tôi càng đọc nhiều thì sách càng làm cho tôi gắn bó với thế giới, cuộc đời càng trở nên rực rỡ, có ý nghĩa đối với tôi. Tôi thấy rằng có những người sống khổ cực hơn, khó khăn hơn tôi, điều đó an ủi tôi phần nào… Tôi cũng thấy rằng có những người biết sống vui thú và sung sướng mà không có một người nào xung quanh tôi biết sống như thế… Sách làm cho khắp trái đất, khắp thế giới tràn ngập nỗi nhớ cái tốt đẹp hơn, và mỗi cuốn sách dường như đều là tâm hồn được ghi lại trên giấy bằng những dấu hiện và những từ… Nhiều lần tôi khóc khi đọc sách : sách kể chuyện hay biết bao về con người, họ trở nên đáng yêu và gần gũi biết bao… Như những con chim kì diệu trong truyện cổ tích, sách ca hát về cuộc sống đa dạng và phong phú như thế nào, con người táo bạo như thế nào trong khát vọng đạt tới cái thiện và cái đẹp. Và càng đọc, trong lồng tôi càng đầy tinh thần lành mạnh và hăng hái. Tôi trở nên điềm tĩnh hơn, tin ở mình hơn, làm việc hợp lí hơn và ngày càng ít để ý đến vô số những chuyện bực bội trong cuộc sống. Mỗi cuốn sách đều là một bậc thang nhỏ mà khi bước lên, tôi tách khỏi con thú để lên gần tới con người, tới gần những quan niệm về cuộc sống tốt đẹp nhất và về sự thèm khát cuộc sống ấy…”.

(Theo Mác-xim Go-rơ-ki)

a) Phương thức biểu đạt chính của văn bản là gì ?

A – Tự sự

B – Biểu cảm 

C – Miêu tả

D – Nghị luận

b) Nêu luận đề mà đoạn văn trên thể hiện trong một câu văn ngắn gọn. Đoạn văn có bao nhiêu luận điểm ? Hãy nêu cụ thể.

c) Các biện pháp nghệ thuật đã sử dụng trong đoạn văn :

A – Điệp từ, điệp ngữ

B – So sánh

C – Nhân hoá

D – Lập luận chặt chẽ

E – Cả A, B, C, D

d) Phát biểu cảm nghĩ của em về đoạn văn của nhà văn Mác-xim Go-rơ-ki.

Bài tập 20

Cho đoạn thơ sau :

 

Thời gian vẫn đi lạnh lùng, khắc nghiệt

Có kiệt tác hôm nay , mai đã bẽ bàng rồi.

Bao thần tượng ta tôn thờ, cung kính

Mưa nắng bào mòn, còn trơ lõi đất thôi.

***

Ở nơi nào kia, chiến tranh đang gầm rú 

Những quốc gia nào đang thay ruột, đổi ngôi

Trái đất mỏng manh và đáng thương biết mấy

Trước những mưu mô toan tính của con người…

***

… Tất cả sẽ qua đi. Chỉ tình yêu còn lại

Tình yêu giữ cho ta mãi mãi là Người

Nếu thế giới này không còn tình yêu nữa

Thì biết đâu trái đất đã tan rồi…

(Trần Đăng Khoa)

 

a) Đoạn thơ trên có ba khổ thơ nhưng chỉ có hai ý vừa đối lập vừa hỗ trợ nhau. Chỉ ra và phân tích.

b) Ở mỗi ý đều có các vế nhỏ đối lập nhau tạo nên lập luận. Hãy làm rõ điều này.

c) Dựa vào ý của đoạn thơ trên, hãy viết một đoạn văn nghị luận.

Bài tập 21. Cho văn bản sau :

“Bạn ở xa biển, bạn có bao giờ nghe nói đến bão cát chưa ? Quê tôi đất miền Trung, cát cứ chạy dọc dài theo biển.

Vùng biển quê tôi hằng năm có những trận bão cát đến kinh người. Thường thường, cơn bão cát ấy không được báo trước. Nó không xảy ra cùng lúc với những cơn bão mà nha khí tượng thường loan báo trên đài đâu. Những cơn bão số 5, số 7, số 9 với những cấp gió rùng rợn thì ta được biết trước. Còn những cơn bão này âm thầm từ bao đời nay đã xoá tên không biết bao nhiêu thôn làng…

Tháng năm. Mùa gió Lào bắt đầu. Buổi sáng thức dậy da mặt ta tự nhiên nóng rát. Bạn ngồi trong nhà hay dưới bóng râm của cây đa cổ thụ nào đó mà gió vẫn cứ như lửa táp vào mặt. Bây giờ cát bắt đầu di chuyển. Những đợt cát quất vào người bỏng rát. Những cây dương oằn xuống ken vào nhau, chống đỡ từng cơn bão cát quay cuồng. Bạn đang đi trên bãi, phải nghiêng người theo chiều cát. Cát như hàng triệu mũi kim đâm vào người. Chao ôi, thời xa xưa, chỉ một thoáng thôi là hàng trăm ngôi nhà bị vùi lấp vĩnh viễn trong cát. Những cồn cát cũ biến mất, lại mọc lên những cồn cát mới. Đôi lúc những cồn cát mọc sừng sững ngay trước mắt mình. Bao đời rồi, cây dương liễu vẫn được xem là những bức tường chắn cát vững chãi nhất. Những làng mạc ruộng đồng nhờ rừng dương liễu mà không bị vùi lấp trước những cơn bão cát kinh hoàng.

Riêng những ngôi nhà nhỏ bé của làng cát đã có cây dứa dại và những bụi xương rồng làm bức tường chắn bão. Nhưng có một điều lạ lùng là giữa mùa bão cát, hoa xương rồng lại nở. Một đoá hoa to, ngời sáng cứ hiện lên trong cơn bão cát mịt mùng đó. Phải chăng đoá hoa xương rồng nở trong cơn bão cát là tâm hồn thanh sạch của người dân miền biển ?”

(Theo Trần Nhật Thu, báo Văn nghệ, số 38, tháng 9 – 2002)

a) Văn bản trên được viết theo phương thức biểu đạt chính nào ?

A – Tựsự

B – Miêu tả 

C – Nghị luận

D – Biểu cảm

b) Biện pháp nghệ thuật được dùng chủ yếu trong văn bản ?

A – So sánh

B – Nhân hoá 

C – Tượng trưng

D – Cả A và c

c) Chọn cách đặt đầu đề đúng và hay nhất, theo em ?

A – Hoa xương rồng

B – Bão cát

C – Người miền Trung ven biển

D – Bức tường dương liễu

d) Viết đoạn văn biểu cảm về văn bản trên.

Bài tập 22. Đọc bài thơ sau :

 

Mẹ gom lại từng trái chín trong vườn

Rồi rong ruổi trên nẻo đường lặng lẽ

Ôi, những trái na, hồng, ổi, thị…

Có ngọt ngào năm tháng mẹ chắt chiu !

 

Con nghe mùa thu vọng về những thương yêu

Giọt mồ hôi rơi trong chiều của mẹ

Nắng mong manh đậu bên thật khẽ

Đôi vai gầy nghiêng nghiêng 

 

Heo may thổi xao xác trong đêm

Không gian lặng im…

Con chẳng thể chợp mắt

Mẹ trở mình trong tiếng ho thao thức

Sương vô tình đậu trên mắt rưng rưng !

(Lương Đình Khoa)

 

a) Trình bày cảm nhận của em về các chi tiết sau trong bài thơ :

Nẻo đường lặng lẽ

– Ngọt ngào năm tháng mẹ chắt chiu

– Nghe mùa thu vọng về những thương yêu

– Chiều của mẹ

– Nắng mong manh đậu bên thật khẽ

– Sương vô tình đậu trên mắt rưng rưng !

b) Đăt đầu đề cho bài thơ. 

c) Viết đoạn văn phát biểu cảm nghĩ của em về bài thơ.

Bài tập 23.

Trong Bản án chế độ thực dân Pháp được xuất bản lần đầu tiên bằng tiếng Pháp tại Pa-ri năm 1925, trong chương một của tác phẩm, Nguyễn Ái Quốc – một tên gọi quen thuộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời kì hoạt động cách mạng trước năm 1945 – có viết:

“Trước năm 1914, họ (những người bản xứ) chỉ là những tên da đen bẩn thỉu, những tên “An-nam-mít”(1) bẩn thỉu, giỏi lắm thì cũng chỉ biết kéo xe tay và ăn đòn của các quan cai trị nhà ta. Ây thế mà cuộc chiến tranh vui tươi vừa bùng nổ, thì lập tức họ biến thành những đứa “con yêu”, những người “bạn hiền” của các quan cai trị phụ mẫu nhân hậu, thậm chí của cả các quan toàn quyền lớn, toàn quyền bé nữa. Đùng một cái, họ (những người bản xứ) được phong cho cái danh hiệu tối cao là “chiến sĩ bảo vệ công lí và tự do”. Nhưng họ đã phải trả bằng một cái giá khá đắt cho cái vinh dự đột ngột ấy, vì để bảo vệ cho cái công lí và tự do mà chính họ không được hưởng một tí nào, họ đã phải đột ngột xa lìa vợ con, rời bỏ mảnh ruộng hoặc đàn cừu của họ, để vượt đại dương, đi phơi thây trên các bãi chiến trường châu Âu. Trong lúc vượt biển, nhiổu người bản xứ, sau khi được mời chứng kiến cảnh kì diệu của trò biểu diễn khoa học về phóng ngư lôi, đã được xuống tận đáy biển để bảo vệ tổ quốc của các loài thuỷ quái. Một số khác đã bỏ xác tại những miền hoang vu thơ mộng vùng Ban-căng (2) , lúc chết còn tự hỏi phải chăng nước mẹ muốn chiếm ngôi nguyên phi trong cung cấm vua Thổ, – chả thế sao lại đem nướng họ ở những miền xa xôi ấy ? Một số khác nữa thì anh dũng đưa thân cho người ta tàn sát trên bờ sông Mác-nơ (3) , hoặc trong bãi lầy miền Săm-pa- nhơ (4) để lấy máu mình tưới những vòng nguyệt quế (5) của các cấp chỉ huy và lấy xương mình chạm nên những chiếc gậy của các ngài thống chế (6) …

… Tổng cộng có bảy mươi vạn người bản xứ đã đặt chân lên đất Pháp ; và trong số ấy, tám vạn người không bao giờ còn trông thấy mặt trời trên quê hương đất nước mình nữa.”

a) Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.

A – Miêu tả

B – Biểu cảm

C – Tự sự

D – Nghị luận

b) Cảm nhận của em về đặc sắc nghệ thuật của đoạn trích.

A – Tính chiến đấu mạnh mẽ

B – Tính chính xác

C – Giọng văn trào phúng sắc sảo, tài tình

D – Cách xây dựng hình ảnh tượng trưng sâu sắc, giàu ý nghĩa

E – Cả A, B, C, D

c) Nội dung khái quát của đoạn trích trên.

A – Bộ mặt giả nhân giả nghĩa, các thủ đoạn tàn bạo của chính quyền thực dân Pháp đối với người dân bản xứ (thuộc địa) trước và khi chiến tranh xảy ra.

B – Số phận thảm thương của người dân bản xứ (thuộc địa) trong các cuộc chiến tranh đế quốc phi nghĩa.

C – Cả A và B.

d) Chỉ ra các yếu tố tự sự trong đoạn trích.

e) Chỉ ra các yếu tố biểu cảm trong đoạn trích (chú ý các điệp từ dùng với mục đích trào phúng rất tài tình).

g) Viết một đoạn văn phầt biểu cảm nghĩ của em về nội dung và nghệ thuật của đoạn trích trên. Em có nhận xét gì về cách lập luận của tác giả qua văn bản trích ?

Bài tập 24. Năm 1982, trong một bài thơ có nhan đề Ở nghĩa trang Văn Điển, Trần Đăng Khoa (lúc này đã 24 tuổi) viết:

 

Người hạnh phúc và người đau khổ

Đều gặp nhau trắng toát ở nơi này

Đều dài rộng như nhau vuông cỏ biếc

Đều ấm lạnh như nhau trong hơi gió heo may.

 

Ôi thiên nhiên, cám ơn người nhân hậu

Những so le, người kéo lại cho bằng

Ít nhất cũng là khi nằm xuống

Trong mảnh gỗ rừng, dưới một vầng trăng…

 

…Trời rộng vô cùng, đất cũng rộng vô cùng

Bởi khoảng trống mỗi con người bỏ lại

Cái khoảng trống nhỏ nhoi bằng chính vóc họ thôi

Mà cả thế giới này không sao bù nổi…

 

…Ta đâu muốn ví đời mình cùng ngọn cỏ

Ngọn cỏ yếu mềm, ngọn cỏ nhỏ nhoi

Nhưng khi ta đã nằm dưới mộ

Cỏ vẫn xanh biêng biếc ở bên trời…

 

Trước thiên nhiên, con người như khách trọ

Như ảo ảnh chập chờn, thoáng đến, thoáng lìa xa

Chúng ta sống bên nhau, dẫu năm này tháng khác

Thì cũng vẫn chỉ là một thoáng giữa sân ga…

 

Mặt trời lặn, mặt trời còn mọc lại

Ngôi sao rụng vào đêm vĩnh viễn chẳng luân hồi

Trước mặt ta là hàng hàng bia đá

Con Người ơi! Hãy thương lấy Con Người…

(Trần Đăng Khoa)

 

a) Có các ý kiến khác nhau về chủ đề đoạn thơ trẽn, theo em ý kiến nào đúng ?

A – Hạnh phúc và khổ đau

B – Sống và chết

C – Quy luật đời người

D – Sự công bằng

E – Hãy yêu thương, nhân hậu với con người.

b) Tuy là thơ, nhưng nội dung là những lập luận, triết lí về con người. Đoạn trích trên có bao nhiêu luận điểm ? Hãy khái quát nội dung mỗi luận điểm trong một câu văn.

c) Tìm các cặp từ trái nghĩa và những điệp từ mà nhà thơ đã sử dụng trong bài thơ. Nêu tác dụng của chúng.  

d) Phát biểu cảm nghĩ của em về một luận điểm, một khổ thơ hoặc một đoạn thơ em tâm đắc nhất. Luận điểm, ý thơ hoặc hình ảnh nào em thích nhất ?

[1]    An-nam-nút : cách gọi người Việt Nam với thái độ khinh miệt của thực dân Pháp.

[2]    Ban – căng : bán đảo Nam Âu, thuộc Địa Trung Hải. Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất

(1914 – 1918), ở đây đã có những cuộc giao tranh giữa quân đội Pháp, Anh, Thổ, Đức.

[4]     Vòng nguyệt quế: theo tục cổ Hi Lạp, những người chiến thắng được đội inột vòng lá nguyệt qụế lên đầu. Đây nhằm nói danh vọng, vinh quang.

[5]     Chiếc gậy của các ngài thống chế: một phần của trang phục và cũng là biểu tượng cho quyền lực của các vị chỉ huy cao cấp trong quân đội.

Xem thêm chi tiết và tải về file word tại đây. 

=> Xem thêm:

Hướng dẫn giải bài tập làm văn biểu cảm (phần 2) tại đây. 

Kiến thức cần nắm vững về văn nghị luận – Ngữ Văn lớp 7 nâng cao tại đây. 

 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận