Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất – Thực hành đọc hiểu văn bản ngữ văn 7

Đang tải...

TỤC NGỮ VỀ THIÊN NHIÊN VÀ LAO ĐỘNG SẢN XUẤT

I – GỢI DẪN

  1. Thể loại :

Tục ngữ là một trong những thể loại của văn học dân gian. Khác với ca dao, dân ca là những khúc hát tâm tình, thiên về khía cạnh tinh thần, tình cảm, tục ngữ có chức năng chủ yếu là đúc kết kinh nghiệm sống trên rất nhiều lĩnh vực của cuộc sống hằng ngày. Tục ngữ là kho kinh nghiệm và tri thức thực tiễn vô cùng phong phú.

Phần lớn các câu tục ngữ có hình thức ngắn, có vần hoặc không vần : “Tre già măng mọc”, “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, “Ếch kêu uôm uôm, ao chuôm đầy nước”,… một số khác có hình thức câu dài, nhiều vế: “Của làm ra để trên gác, của cờ bạc để ngoài sân, của phù vân để ngoài ngõ”, có câu còn có hình thức của một câu ca dao, thể lục bát:

Chuồn chuồn bay thấp thì mưa Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm

Dù dài hay ngắn, có vần hay không vần, nói chung tục ngữ đều là những câu dễ nhớ, dễ thuộc. Đặc điểm này của tục ngữ chủ yếu được tạo nên từ vần điệu. Những câu tục ngữ không có vần tác động đến người đọc, người nghe bởi kết cấu đối lập hoặc những ấn tượng đặc biệt nào đó. Ví dụ trong câu “Tre già măng mọc” là quy luật kế thừa, câu “Lươn ngắn lại chê chạch dài” lại dưa trên những yếu tố đối lập,…

Những câu tục ngữ được dẫn trong bài nói chung đều ngắn (chỉ có một câu hai dòng), được chia thành các vế (có câu bốn vế), các vế liên kết với nhau bởi vần điệu (“Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”). Chủ đề chung của những câu tục ngữ này là những kinh nghiệm về thiên nhiên và lao động sản xuất.

  1. Đại ý :

Với hình thức ngắn gọn, có vần điệu, giàu hình ảnh, những câu tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất đã phản ánh những kinh nghiệm quý báu của nhân dân trong việc quan sát, dự đoán các hiện tượng thiên nhiên và trong lao động sản xuất.

  1. Cách gieo vần :

Trong tám câu tục ngữ có đến ba cách gieo vần khác nhau :

–   Gieo vần liền (hai vần ở sát nhau) : “Mau sao thì nắng, vắng sao thì mưa”.

–   Gieo vần cách (hai vần cách nhau một vài chữ) :

+ Ráng mỡ gà, có nhà thì giữ,

+ Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng,…

–   Gieo vần hỗn hợp (kết hợp cả hai cách) : “Nhất canh trì, nhị canh viên, tam canh điền”.

  1. Cách đọc :

Hầu hết các câu trong bài đều được chia thành các vế, liên kết với nhau bởi các vần nên khi đọc cần chú ý ngắt nhịp theo từng vế câu. Giọng đọc rõ ràng, rành mạch.

II – KIẾN THỨC CƠ BẢN

Thật giản dị, những câu tục ngữ ngắn gọn, đúc kết những kinh nghiệm của nhân dân về mọi mặt của đời sống xã hội và tình cảm của con người rất được nhân dân yêu quý. Những câu ca ấy cứ mặc nhiên được mọi người ghi nhớ, thuộc lòng và được bật ra trong những hoàn cảnh giao tiếp cụ thể.

Thời xưa, tuy chưa có khoa học nhưng bằng kinh nghiệm, tổ tiên chúng ta cũng nắm được trong một chừng mực nhất định quy luật của thiên nhiên. Những kinh nghiệm ấy thông qua tập thể quần chúng lao động, được thể hiện bằng những câu có vần vè được phổ biến trong dân gian. Đó là những câu tục ngữ về thời tiết, khí hậu, cày cấy, trồng trọt, chăn nuôi.

Bài Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất bao gồm tám câu, chia làm hai nhóm : Nhóm 1 : Tục ngữ về thiên nhiên và nhóm 2 : Tục ngữ về lao động sản xuất.

Nhóm 1 bao gồm các câu : “Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng – Ngày tháng mười chưa cười đã tối”, “Mau sao thì nắng, vắng sao thì mưa”, “Ráng mỡ gà, có nhà thì giữ”, “Tháng bảy kiến bò, chỉ lo lại lụt”. Bốn câu tục ngữ ngắn gọn đã đúc kết được kinh nghiệm quan sát của nhân dân ta đối với thời tiết, khí hậu và các hiện tượng thiên nhiên trong trời đất. Những thời gian ngày, đêm, những chuyện nắng, mưa, bão lụt được nhận biết qua một số tín hiệu cụ thể. Có những kinh nghiệm tưởng như thật đơn giản : Có khi quan sát thấy ngày dài đêm ngắn đoán biết được thời gian vào tháng năm âm lịch, thấy ngày ngắn đêm dài thì khẳng định thời gian vào khoảng tháng mười âm lịch. Có khi chỉ cần nhìn sao trên bầu trời cũng đoán biết được trời nắng hay mưa… Có khi nhìn chân trời có ráng vàng là báo hiệu trời sắp có dông bão. Những ngày tháng bảy, kiến bò lên cao là hiện tượng báo sắp có lụt… Những nhận xét, quan sát như thế không thể một ngày mà có, mà phải sau một thời gian nào đó điều này mới ổn định như một thứ phương châm, chân lí. Nó trở thành một bài học được truyền qua các thế hệ.

“Nhất thì, nhì thục”,… phản ánh những kinh nghiệm của nhân dân ta trong quá trình lao động sản xuất. Mỗi câu tục ngữ đều chất chứa cái nhìn kinh nghiệm và tình yêu lao động của mỗi một con người. Câu tục ngữ “Tấc đất tấc vàng” là khá quen thuộc với mỗi người. Bao nhiêu tấc đất bấy nhiêu tấc vàng. Người lao động xưa đã ý thức được giá trị của từng thửa đất mình sinh sống để từ đó xây dựng ý thức giữ gìn, bảo vệ, quý trọng. Một câu tục ngữ ngắn gọn mà hàm chứa bao nhiêu ý tình. Ở đó người ta thấy sự biểu hiện sâu thẳm của một tình yêu tha thiết mặn mà của người dân lao động. Các câu tục ngữ “Nhất canh trì, nhị canh viên, tam canh điền”, “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, “Nhất thì, nhì thục”, chỉ rõ ưu thế của từng công việc cụ thể trong quá trình lao động sản xuất. Trong các công việc của người dân lao động thì có lẽ việc đào ao nuôi cá đem lại nguồn lợi kinh tế hữu dụng nhất. Người nông dân bớt đi cảnh đầu tắt mặt tối, lam lũ sương nắng ngoài đồng ruộng. Trong trồng trọt, yếu tố nước và thời vụ được coi là yếu tố hàng đầu giúp người nông dân có thu hoạch tốt.

Bằng lối nói ngắn gọn, có vần, có nhịp điệu, giàu hình ảnh do đó câu tục ngữ trở nên rất dễ thuộc, dễ nhớ với mỗi người. Hầu hết các câu tục ngữ đều có vần, chủ yếu là vần lưng, vần ở giữa câu. Chẳng hạn, như “năm… nằm”, “mười… cười”, “nắng,… vắng”, “gà … nhà” tạo ra được nhịp điệu nhẹ nhàng và cân đối cho lời biểu đạt.

III – LIÊN HỆ

“Tục ngữ là những câu nói ngắn gọn, có ý nghĩa hàm súc, do nhân dân lao động sáng tạo nên và lưu truyền qua nhiều thế kỉ. Khối lượng tục ngữ và thành ngữ Việt Nam được tích luỹ từ lâu đời và ngày càng phong phú đã tạo nên một trong những đặc điểm nổi bật của ngôn ngữ Việt Nam là tính chất giàu hình ảnh.

Một câu tục ngữ thường có hai nghĩa : nghĩa đen và nghĩa bóng. Ví dụ : “Kiến tha lâu cũng đầy tổ”. Câu này nêu lên một nhận xét cụ thể về hiện tượng kiến tha mồi, đồng thời mở rộng thành một nhận xét khái quát về kết quả của mọi hành động kiên nhẫn của con người. Tục ngữ cung cấp cho ngôn ngữ cửa miệng cũng như ngôn ngữ văn học một hình thức biểu hiện súc tích, giàu hình ảnh và do đó có tác dụng truyền cấm và thuyết phục mạnh mẽ, để nói lên những tư tưởng thâm trầm, những khái quát rộng rãi. Những câu tục ngữ ngắn, gọn, có sẵn ấy sẽ thay thế một cách có kết quả những lời thuyết lí dài dòng và dễ quên.

Lối nói bằng tục ngữ thường là một lối nói ẩn dụ. Nguồn gốc của lối nói này có từ khi mà con người chưa biết dùng rộng rãi những khái niệm trừu tượng và còn thường dùng những tỉ dụ cụ thể, có hình ảnh để phát biểu những ý nghĩ của mình. Những câu tục ngữ được dùng như những tỉ dụ cụ thể, có hình ảnh ấy là kết quả những điều quan sát được về thiên nhiên, về con người và về xã hội.

[…] Tục ngữ là tấm gương phản ánh, qua lời nói hằng ngày, mọi biểu hiện của đời sống dân tộc, và quan niệm của nhân dân về lao động, về các hiện tượng lịch sử xã hội, về đạo đức, tôn giáo,…

Tục ngữ về lao động sản xuất nảy sinh trong quá trình đấu tranh thiên nhiên của nhân dân lao động. Đó là những kinh nghiệm lâu đời và có tính chất tập thể rút ra trong quá trình quan sát các hiện tượng thiên nhiên, quá trình dùng sức người biến cải thiên nhiên, quá trình xây dưng kĩ thuật sản xuất. Những kinh nghiệm này được đúc kết vào trong thể loại tục ngữ, dần dần được phổ biến rộng rãi và trở thành tri thức khoa học tư nhiên của nhân dân lao động. Tục ngữ về lao động sản xuất phản ánh tập quán làm ăn lâu đời của nhân dân Việt Nam trong hoàn cảnh một nước nông nghiệp với kĩ thuật sản xuất thô sơ.

[…] Tục ngữ về lao động sản xuất thể hiện tinh thần sáng tạo trong lao động, chứng minh nguồn gốc quần chúng của khoa học. Nhưng những tri thức về lao động sản xuất của nhân dân mới còn ở trình độ những kinh nghiệm thực tiễn, chưa dâng lên thành những kiến thức khoa học có cơ sở lí luận vững vàng. Có những kinh nghiệm phản ánh chính xác một số quy luật của giới tự nhiên, nhưng phần lớn những kinh nghiệm khác chỉ phản ánh được những biểu hiện cụ thể của những quy luật tự nhiên tác động ở từng địa phương, trong từng thời gian nhất định. Vì vậy có những kinh nghiệm không đúng, hoặc không có tính chất phổ biến, chỉ phù hợp với từng miền, có một số kinh nghiệm lại mâu thuẫn với nhau nữa. Tục ngữ về lao động sản xuất phản ánh việc xây dựng khoa học tư nhiên ở giai đoạn đầu, giai đoạn tập hợp những kết quả quan sát và kinh nghiệm cải tạo giới tự nhiên”.

CHU XUÂN DIÊN (Văn học dân gian Việt Nam, NXB Giáo dục, 2000)

File PDF

Xem thêm

Tục ngữ về con người và xã hội

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận