Bạn đến chơi nhà – Thực hành đọc hiểu văn bản ngữ văn 7

Đang tải...

BẠN ĐẾN CHƠI NHÀ

(Nguyễn Khuyên)

I-GỢI DẪN

  1. Tác giả :

Nguyễn Khuyến (1835 – 1909) tên thật là Nguyễn Thắng, sở dĩ gọi ông là Tam Nguyên Yên Đổ bởi ông quê ở xã Yên Đổ (Bình Lục, Hà Nam) và thi đỗ (đoạt Giải nguyên, tức đỗ đầu) cả ba kì (thi Hương, thi Hội, thi Đình). Nguyễn Khuyến ra làm quan với triều Nguyễn khoảng mười năm, nhưng đến khi thưc dân Pháp đánh chiếm Bắc Bộ, ông lui về ở ẩn tại quê nhà. Mặc dù thực dân Pháp và bọn tay sai muốn mời ông ra tiếp tục làm quan nhưng ông kiên quyết chối từ.

Nguyễn Khuyên là tác giả của chùm thơ thu nổi tiếng : Thu điếu (Câu cá mùa thu), Thu vịnh (Vịnh mùa thu) và Thu ẩm (Uống rượu mùa thu). Ngoài ra, ông còn làm nhiều bài thơ khác về cảnh trí và con người nơi thôn dã.

Ở xã An Đổ (nay là xã Trung Lương), Bình Lục, Hà Nam, ngôi nhà của Nguyễn Khuyến khi xưa được lưu giữ, bảo vệ thành Đền thờ Nguyễn Khuyến. Ao nước vẫn còn (dù đã bị thu hẹp đi nhiều), bên bờ ao vẫn còn ngõ trúc quanh co, hằng ngày đón nhiều du khách đến thăm.

  1. Đại ý :

Bằng giọng thơ hóm hỉnh, tác giả đề cao, ca ngợi những tình cảm chân thành, thắm thiết, vượt lên trên những khó khăn vật chất tầm thường.

  1. Chủ giải :

(Xem thêm phần chú giải về cụm từ “ta với ta” trong bài Qua Đèo Ngang).

Tuy đã từng làm quan nhưng khi về ở ẩn Nguyễn Khuyến sống rất thanh bạch (nếu không nói là nghèo túng). Trong bài tuy ông có nói đến cá (không có chài), đến gần (không đuổi được), đến các loại rau cỏ khác (cải, cà, bầu, mướp,…) nhưng thực ra đó chỉ là cách nói vui theo kiểu “lấy cái nghèo làm sang”.

  1. Cách đọc :

Về thể thơ, cũng cần chú ý như trong bài Qua Đèo Ngang. Tuy nhiên, cần phân biệt hai tâm trạng cảm xúc khác nhau. Bài Qua Đèo Ngang diễn tả tâm trạng buồn nhớ da diết nên cần đọc chậm rãi, nhẹ nhàng. Ngược lại, bài thơ này có giọng điệu vui, hóm hỉnh, cần chú ý những ý giải thích của tác giả : “khôn chài cá”, “cải chửa ra cây”, “cà mới nụ” để làm nổi bật ý trào lộng của tác giả.

II – KIẾN THỨC CƠ BẢN

  1. Bài thơ Bạn đến chơi nhà thuộc thể thơ Đường luật thất ngôn bát cú. Căn cứ vào số câu (tám câu) số tiếng của mỗi câu (bảy tiếng), vào sự gieo vần (vần chân, câu thứ 1, 2, 4, 6, 8), vào tính chất đối (câu 3 với 4, câu 5 với 6).
  2. Bài thơ lập ý bằng cách dựng lên tình huống không có gì để tiếp bạn, nhưng vẫn thể hiện được tình bạn đậm đà thắm thiết.

a) Theo nội dung của câu thứ nhất, rất lâu rồi người bạn mới đến chơi. Nguyễn Khuyến phải tiếp đãi bạn thật chu đáo.

b) Nhưng sáu câu thơ tiếp theo cho thấy hoàn cảnh khá đặc biệt. Muốn ra chợ để mua đủ thực phẩm thì chợ xa, lại không có người để sai bảo (trẻ thời đi vắng). Muốn bắt cá trong ao thì ao vừa sâu, nước vừa lớn (đầy). Muốn bắt gà thì vườn rộng, rào lại thưa. Không có thưc phẩm thịt cá, muốn dùng rau đậu của vườn nhà thì lại toàn những thứ chưa thể ăn được. Cho đến miếng trầu, vật dễ kiếm và phổ biến nhất lại cũng không có sẵn.

Tạo ra một tình huống đặc biệt như thế là để tạo ra sự đùa vui : Có sẵn mọi thứ nhưng hoá ra lại không có thứ gì. Vật chất muốn đầy đủ nhất nhưng lại cứ giảm đi, đến chỗ không còn một chút gì hết. Vì vậy, tiếp bạn chỉ còn có mỗi cái tình. Tạo ra tình huống như vậy, vừa đùa vui, vừa nói lên sự mong ước tiếp đãi chu đáo cả vật chất lẫn tinh thần, lại vừa nhấn mạnh được cái tình. Chỉ một sự chân tình có thể đủ bù đắp những thiếu hụt vật chất.

c) Câu thơ thứ tám và cụm từ ta với ta nói lên không cần phải vật chất đầy đủ như ý, mà chỉ cốt cái tình cũng đủ làm cho tình bạn thắm thiết. Quý nhau là quý ở cái tình ăn ở, đối xử với nhau. Chỉ những người bạn tâm đầu ý hợp, thông cảm, gặp nhau đã đủ vui. Có đủ vật chất tương xứng với tình cảm là tốt nhất, nhưng nếu không thì cũng chẳng vì thế mà kém vui.

d) Trong bài Bạn đến chơi nhả, sau câu chào hỏi, tác giả đã nghĩ ngay đến việc lo vật chất để tiếp bạn cho tương xứng với tình cảm của hai người. Điều đó chứng tỏ nhà thơ rất quan tâm đến bạn và muốn tiếp bạn chu đáo nhất. Điều đó cũng thể hiện sự coi trọng và quý mến bạn của nhà thơ.

III-LIÊN HỆ

“Nhà thơ Nguyễn Khuyến (1835 – 1909) lúc nhỏ tên là Thắng. Sau khi thi Hội không đỗ, đổi thành Nguyễn Khuyến, biệt hiệu là Quế Sơn. Sinh ở làng Hoàng Xá, huyện Y Yên, tỉnh Nam Định, lớn lên và sống chủ yếu ở quê cha, làng Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo, 17 tuổi đi thi Hương không đậu, tiếp đó cha mất, nhà nghèo, phải bỏ học đi dạy thuê kiếm ăn, nuôi mẹ. về sau, ông nghè Vũ Văn Lí đem Nguyễn Khuyên về nuôi cho ăn học. 1864, thi Hương đậu Giải nguyên. Năm sau vào Huế thi Hội, không đỗ. Ở lại Huế học trường Quốc Tử Giám cho kì thi khác. 1871, thi Hội lần thứ hai, đỗ Hội nguyên, rồi vào thi Đình đỗ Đình nguyên.

Vì ba lần thi đều đỗ đầu, cho nên người ta thường gọi ông là Tam Nguyên. Tình cảm của Nguyễn Khuyến cũng chan hoà được với tình cảm của con người nông thôn, ngôn ngữ của ông mang được cái duyên dáng, hóm hỉnh, phong phú, sinh động của ngôn ngữ nông dân. Thơ chữ Nôm của Nguyễn Khuyến rất có giá trị. Trong thơ Nôm, cũng giống như Tú Xương cùng thời, ông là người đã sử dụng rộng rãi ngôn ngữ của đời sống hằng ngày, của ca dao tục ngữ. Ca dao tục ngữ còn ảnh hưởng đến cả bộ phận sáng tác bằng chữ Hán của Nguyễn Khuyến, có một số bài thơ chữ Hán của ông lấy điển cố trong ca dao, hoặc phát triển từ một tứ của ca dao hoặc cấu tạo theo thể loại của ca dao. Trong khuynh hướng tố cáo hiện thực của văn học Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỉ XIX, ông và Tú Xương là hai nhà thơ tiêu biểu hơn cả”.

NGUYỄN LỘC (Từ điển văn học, tập II, Sđd)

File PDF

Xem thêm

Xa ngắm thác núi Lư

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận