Bài ca nhà tranh bị gió thu phá – Đỗ Phủ – Để học tốt Ngữ Văn 7

Đang tải...

BÀI CA NHÀ TRANH BỊ GIÓ THU PHÁ

(MAO ỐC VỊ THU PHONG SƠ PHÁ CA)

– ĐỖ PHỦ –

I/ GIỚI THIỆU CHUNG VỀ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM

1/ Tác giả:

            – Đỗ Phủ (712 – 770) là nhà thơ nổi tiếng đời Đường của Trung Quốc, tự là Tử Mĩ, hiệu Thiếu Lăng, quê ở tỉnh Hà Nam.

            – Năm 24 tuổi ông lên Lạc Dương thi tiến sĩ nhưng không đỗ. Năm 35 tuổi lên kinh đô Tràng An nhưng không được trọng dụng. Có một thời gian ngắn ông làm quan nhưng cơ bản cuộc đời ông trải qua rất nhiều bất hạnh: công danh lận đận, con chết, ông tha hương lưu lạc khắp nơi, ông sống cuộc đời nghèo đói, cơm không đủ ăn, ốm đau không có thuốc uống, cuối cùng nằm chết trong một chiếc thuyền rách nát nơi đất khách quê người.

              Bản thân ông là người yêu nước, thương dân, ghét thói bạo ngược. Vì vậy, thơ ông tràn đầy cảm hứng hiện thực.

            – Ông để lại hơn 1400 bài có giá trị được tập hợp trong “Đỗ công bộ tập”.

            – Nếu như Lí Bạch được tôn vinh là “Thi tiên” thì Đỗ Phủ lại được tôn vinh là “Thi thánh”. Cùng thời với Lí Bạch, tác giả Đỗ Phủ là một trong những nhà thơ vĩ đại nhất của Trung Quốc.

2/ Tác phẩm

            – Hoàn cảnh sáng tác: Năm 755, tướng An Lộc Sơn, nổi dậy chống triều đình nhà Đường. Để tránh hiểm hoạ, vả lại cũng không được nhà vua tín nhiệm, năm 759, Đỗ Phủ từ quan, đưa gia đình về vùng Tây Nam, một thời gian sống ở Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên. Năm 760, được bạn bè và người thân giúp đỡ, ông dựng được một nhà tranh bên cạnh khe Cán Hoa ở phía Tây Thành Đô. Đỗ Phủ vừa ở nhà được mấy tháng thì căn nhà đó đã bị gió phá nát, ông cảm hứng và sáng tác bài thơ này.

            – “Bài ca nhà tranh bị gió thu phá” được xếp vào 100 bài hay nhất của Đỗ Phủ. Đây là tác phẩm được ông viết những năm cuối đời. Bài gồm 4 phần nói về việc ngôi nhà bị gió thu phá nát, bọn trẻ con cướp tranh, cảnh đêm mưa nhà bị dột, cha con ngồi trong mưa rét và ước mơ có căn nhà rộng để ở.

            – Qua bài thơ này, người đọc cảm nhận được tấm lòng nhân đạo, vị tha cao cả của nhà thơ, thấy sự hiện diện của yếu tố miêu tả và tự sự trong thơ trữ tình.

II/ HƯỚNG DẪN HỌC SINH CẢM THỤ VĂN BẢN

1/ Về nội dung

            – Bài thơ như một ghi chép ngắn về trận gió thu đồng thời là bức tranh hiện thực nhỏ về nỗi đau khổ và cay đắng của một nhà thơ vĩ đại, lỗi lạc đời Đường.

            – Những nỗi khổ của nhà thơ được thể hiện trong toàn bài nhưng không đơn thuần là cảnh ngộ của cá nhân: có nỗi khổ về vật chất, có nỗi khổ về tinh thần, có nỗi khổ vượt lên trên nỗi khổ của một cá nhân, một gia đình để bao quát cả một xã hội và thời đại trong cảnh chiến tranh loạn lạc, qua đó gửi gắm nỗi ưu tư của nhà thơ về thời thế.

            – Bài thơ mang giá trị phản ánh hiện thực sâu sắc, khúc xạ qua một hiện tượng nhỏ là cả bức tranh xã hội rộng lớn với nỗi khổ của muôn người, muôn nhà trong cảnh loạn li. Hơn hết bài thơ còn thấm nhuần giá trị nhân đạo, nhân văn khi thể hiện ước mơ cao đẹp của nhà thơ muốn có một ngôi nhà “rộng muôn vàn gian” dành cho tất thảy mọi người.

2/ Về nghệ thuật

            – Bài thơ có sự kết hợp bút pháp hiện thực và tinh thần nhân đạo, tạo ra ảnh hưởng sâu rộng đối với thơ văn Trung Quốc.

            – Bài thơ có kết cấu chặt chẽ, các sự việc, cảnh vật được mô tả và kể  lại trong bài theo một trình tự rất hợp lí và tự nhiên.

            – Cách sử dụng thể thơ cổ phong khá tự do về vần luật với sự phân chia số chữ trong câu và số câu trong đoạn khá biến hoá, linh hoạt đã tạo điều kiện cho nhà thơ bộc lộ cảm xúc, tâm trạng cũng như khắc hoạ các sự vật, hiện tượng.

III/ HƯỚNG DẪN HỌC SINH PHÂN TÍCH VĂN BẢN

1/ Thể loại

            Bài thơ được sáng tác theo lối cổ thể, hình thức không quá chặt chẽ như thơ cận thể đời Đường.

2/ Bố cục

Bố cục của bài thơ gồm bốn phần, theo cách trình bày và nội dung từng đoạn cụ thể như sau:

            – Phần 1: 5 câu thơ đầu, nội dung nói về trận gió mùa thu cuốn mất ba lớp tranh của ngôi nhà.

            – Phần 2: 5 câu tiếp, nói về bọn trẻ con cướp giật tranh từ ngôi nhà.

            – Phần 3: 8 câu tiếp, nói về hoàn cảnh khổ cực của gia đình Đỗ Phủ trong đêm mưa.

            – Phần 4: 5 câu thơ cuối, nói về ước mơ của cả gia đình Đỗ Phủ về ngôi nhà to rộng.

            Trình tự bài thơ có sự lô-gíc chặt chẽ: gió thổi cuốn theo các tấm tranh, bọn trẻ con lấy đi các tấm tranh, ngôi nhà bị mưa dột làm cả nhà khổ sở và cất lên ước mơ về ngôi nhà cao rộng.

            Trong bài, các câu thơ được bố trí tương xứng với nội dung muốn kể. Khổ 1, 2 kể và tả tóm tắt sự việc; khổ 3 diễn tả nỗi khổ cực kéo dài suốt đêm; khổ 4 nói trực tiếp những ước mơ của cả gia đình; phần 4 là phần mang lại giá trị biểu cảm cao nhất trong toàn bài, đó là tâm sự, là ước vọng vì thế, số chữ trong câu thơ cũng dài hơn các phần khác.

3/ Phân tích cụ thể

a/ Phần 1: Năm câu thơ đầu

            – Như một ghi chép ngắn về trận gió thu, một trận lốc, một cơn lốc vào tháng tám. Câu thơ như một lời kể chuyện ngắn gọn, thâu tóm được cảnh ngộ bi đát và nguyên nhân: “Tháng tám, thu cao, gió thét già, Cuộn mất ba lớp tranh nhà ta. ”

            – Cả 5 câu thơ trong nguyên tác đều gieo vần “ao”: lao, mao, sao, giao, ao:

Bát nguyệt thu cao phong nộ hào,

Quyển ngã ốc thượng tam trùng mao.

Mao phi độ giang sái giang giao.

Cao già quái quyến trường lâm sao,

Hạ giả phiêu chuyển trầm đường ao

(Tháng tám, thu cao, gió thét già,

Cuộn mất ba lớp tranh nhà ta.

Tranh bay sang sông rải khắp bờ,

Mảnh cao treo tót ngọn rừng xa,

Mảnh thấp quay lộn vào mương sa.)

            …diễn tả âm điệu thơ như tiếng khóc, tiếng thở than mở ra bi kịch của gia đình nhà thơ: ngọn gió vô tình đã cuốn đi ngôi nhà cũng là phá đi tổ ấm của cả gia đình.

            – Chữ “tranh” (mao) được nhắc lại hai, ba lần cùng với lối viết liệt kê đã tái hiện lại trận cuồng phong lần lượt bóc đi từng tấm tranh đồng thời nhấn sâu vào nỗi đau mất nhà của tác giả.

b/ Phần 2: Năm câu thơ tiếp theo

            – Diễn tả nỗi khổ tâm của tác giả khi thấy trong thời loạn lạc, trong cảnh đói khổ, trẻ con cũng thay đổi tính tình: cắp tranh, cướp giật. Tác giả nhìn cảnh tượng đó mà thấy đau buồn, ông không giận dữ hay đánh đuổi bọn chúng, ông chỉ kể lại mà lòng “ấm ức” vì ông hiểu nguyên nhân do hoàn cảnh xô đẩy, vì khốn khó của chiến tranh.

            – Lựa chọn một chi tiết, một đối tượng (trẻ con), ngòi bút của Đỗ Phủ đã vươn đến tầm khái quát về số phận và nhân cách con người trong cảnh li loạn, nghèo khó. Câu thơ thấm đẫm nỗi buồn chua xót. Trong thơ Việt Nam để diễn tả cảnh khốn khổ của nhân dân trong bước tao loạn: chạy giặc, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu cũng lựa chọn hình ảnh những đứa trẻ thơ:

“Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy

Mất ổ bầy chim dáo dác bay. ”

            Ở những câu thơ này, nổi lên hình ảnh đối lập giữa lũ trẻ con tranh cướp và cảnh người già bất lực (quần đồng – lão) cho thấy tình cảnh cũng như nỗi niềm của nhà thơ.

c/ Phần 3: Tám câu thơ tiếp

Miêu tả khá cặn kẽ, chi tiết nỗi khổ của cả gia đình trong đêm mưa: nhà của họ bị tàn phá, cảnh tượng hãi hùng: “Mây tối mực”,“mịt mịt đêm đen đặc”,“nhà dột”, “mưa chẳng dứt”, trời càng mưa thì nỗi khổ đó càng tăng lên chồng chất. Nhà thơ đang đối mặt với không gian chật chội và cái nghèo: nhà dột, giường không một chỗ nào khô, có tấm chăn cũ nát, con dại đã đạp rách, giờ lại ướt sũng làm cho gia cảnh càng thêm khốn khổ. Thương mình, lại càng thêm thương vợ, thương con lại thêm nỗi khổ và dằn vặt vì tuổi già, sức yếu, bệnh tật. Lời than: “Đêm dài ướt át sao cho trót?” chứa chất nỗi khổ đau, bất lực đến cùng cực của một con người trước cái nghèo, cái khổ. “Trường dạ chiêm thấp hà do triệt”. Câu thơ trúc trắc như một nỗi lòng không thể giải toả, bi kịch không thể giải thoát.

            – Các chi tiết nghệ thuật được miêu tả vừa cụ thể vừa hiện thực: gió, mưa, nhà dột, giường ướt, chăn rách… Nếu như ở khổ 1 nhà thơ dùng toàn vần bằng thì đến đây, câu thơ toàn được gieo vần trắc: cấc, hắc, thiết, liệt, tuyệt, triệt…Vần thơ như diễn tả nỗi đau nhục đang thắt lại, dồn nén, uất kết trong lòng nhà thơ. Đỗ Phủ tiêu biểu với giọng thơ hiện thực, trầm uất, đốn toả.

d/ Phần 4: Năm câu thơ cuối

            – Thể hiện tấm lòng cao cả của kẻ sĩ chân chính. Đây là phần biểu cảm trực tiếp, diễn đạt những tâm tư, tình cảm và khát vọng nên số chữ trong mỗi câu ở phần 4 lại dài hơn các phần khác.

            – Nếu không có 5 dòng thơ cuối thì ý nghĩa, giá trị biểu cảm của bài thơ sẽ bị giảm đi rất nhiều. Các phần đầu tác giả miêu tả hiện thực cuộc sống khốn khó của một gia đình đại diện cho một xã hội loạn lạc: nỗi khổ đây là của muôn nhà muôn người. Nhờ khổ cuối mới thấy tình cảm cao quý của nhà thơ: ông không vì khốn khó mà bi lụy, ước mơ về ngôi nhà chung cho tất cả dân nghèo, sẵn sàng hi sinh lợi ích của bản thân mình vì hạnh phúc chung của dân tộc, muốn cả xã hội này đều có được ngôi nhà vững chắc, nơi đó gia đình yên vui, hạnh phúc.

            – Đỗ Phủ đã tạo ra một bước ngoặt lớn cho bài thơ, bẻ cong tư duy thông thường, để thể hiện tư tưởng nhân đạo rộng lớn, vị tha chứ không vị kỉ. Trong cảnh màn trời chiếu đất, ông đau đớn cho thân phận riêng và không quên nghĩ đến những “hàn sĩ” như mình, ông có ước mơ thật cao cả.

            – Ước mơ của Đỗ Phủ cũng được thể hiện trong bài “Hựu trình Ngô lang” (Lại nhắn người họ Ngô). Cũng trên đường chạy loạn, ông thuê được một căn nhà nhỏ. Trong vườn có cây táo, hằng ngày bà lão hàng xóm thường chui qua hàng rào nhặt táo rụng cầm hơi. Ra đi, ông nhắn người chủ mới chớ có rào kín mảnh vườn, để bà lão kia còn có thể sống qua ngày. Ước mơ thật tội nghiệp, nhưng cũng thật vĩ đại.

            – Khổ thơ được sáng tạo bằng biện pháp tu từ so sánh và thậm xưng để diễn tả ước mơ to lớn và cảm hứng lãng mạn dào dạt, làm sáng bừng lên tấm lòng nhân ái bao la của một con người trải nhiều bất hạnh giữa thời loạn lạc. Đỗ Phủ còn thể hiện một tâm nguyện rất cảm động khi cho thấy tấm lòng quên mình vì người khác:

“Than ôi! Bao giờ nhà ấy sừng sững dựng trước mắt,

Riêng lều ta nát, chịu chết rét cũng được!”

            – Chung quy, Đỗ Phủ đã cùng nhịp thở với nhân dân của mình trước vận nước và trong cảnh đói nghèo, loạn li. Ông viết về mọi đề tài. Nhưng hầu như không có đề tài nào thoát li thời cuộc. “Đỗ Phủ là nhà thơ chính trị vĩ đại nhất trong lịch sử văn học Trung Quốc” (Lịch sử văn học Trung Quốc – Viện Khoa học Trung Quốc, 1988).

IV/ TRÍCH YẾU TƯ LIỆU THAM KHẢO

VÀI NÉT VỀ SỰ NGHIỆP SÁNG TÁC CỦA ĐỖ PHỦ

“Nghìn thuở văn chương đúng bậc thầy

Trọn đời khâm phục dám đơn sai”.

(Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ – Nguyễn Du)

            Đỗ Phủ sinh năm 712 mất năm 770, người huyện Củng, tỉnh Hà Nam, xuất thân trong một gia đình Nho học, làm quan suốt mấy đời, nhưng đến đời ông thì sa sút nghiêm trọng. Ông lại sống trọn vẹn trong hoàn cảnh loạn li (loạn An Sử), ngược xuôi chạy loạn, gia đình li tán, con chết đói… Và rồi ông cũng chết thảm thương vì đói và bệnh tật trong một chiếc thuyền rách nát trên sông Tương nơi đất khách quê người. Ông để lại hơn 1400 bài thơ.

            Thơ cửa Đỗ Phủ thấm máu và nước mắt của nhân dân trong thời buổi loạn li. Nếu trong thơ Lí Bạch có dòng sông hát ca, chim muông ríu rít, vầng trăng duyên dáng thì trong thơ Đỗ Phủ dòng sông nức nở, vầng trăng thổn thức và chim muông, cỏ cây câm lặng, úa vàng.

            Người đời gọi thơ ông là một tập Thi sử (một bộ sử viết bằng thơ). Men theo năm tháng của các bài thơ ra đời, chúng ta có thể thấy được những nét chính của đời sống chính trị, xã hội đời Đường trước và sau loạn An Sử. Trước loạn An Sử (755 – 763) hai hiện tượng xã hội nổi bật là thói ăn chơi xa hoa, dâm dật của vua quan và chiến tranh bành trướng xâm lược. Nhà thơ lớn của nhân dân đã cùng nhịp thở với trăm họ, đứng ở vị trí của những nạn nhân mà nói lên niềm uẩn ức không kìm nén được. “Lệ nhân hành” miêu tả cảnh yến tiệc linh đình của chị em Dương Quý Phi cùng với các vương tôn công tử bên bờ sông. Đũa làm bằng sừng tê ngưu. Thức ăn là bướu lạc đà. Kèn sáo vang động cả quỷ thần mà họ không buồn nghe, thức ăn quý do bếp nhà vua dâng họ không buồn gắp.

            Giọng thơ đểu đều như khách quan mà không giấu được uẩn ức. “Tự kinh đô phó Phụng Tiên” (Từ kinh đô về huyện Phụng Tiên) làm vào năm 755, năm đó An Lộc Sơn đã khởi loạn nhưng chưa vào đến Trường An, cũng là năm đói kém, người chết như rạ. Nhưng Đường Minh Hoàng vẫn cùng Dương Quý Phi yến ẩm ở Ly Sơn. Đỗ Phủ vừa nhậm chức (một chức quan nhỏ, coi kho vũ khí). Trên đường về thăm nhà, mục kích cảnh tượng xa hoa, dâm dật của vua quan, ông làm một mạch 100 câu thơ gồm 500 chữ, tuôn chảy theo nỗi lòng uẩn ức bấy nay. Trong đó có những câu nổi tiếng được người đời truyền tụng.

Chu môn tửu nhục xú

Lộ hữu đống tử cốt

Vinh khô chỉ xích dị

Trù trướng nan tái thuật.

(Cửa son rượu thịt ôi

Ngoài đường đầy xác chết

Sướng khổ cách gang tấc

Quặn lòng không nói được.)

            Đất nước điêu linh, nhân dân cơ cực, nhưng triều đình vẫn liên tục phát động chiến tranh, mở mang bờ cõi. Đỗ Phủ đã đứng về phía những người dân bị bắt phu bắt lính, kịch liệt lên án chiến tranh bành trướng xâm lược. “Binh xa hành” (Bài ca xuất trận) phản ánh tâm trạng của người ra đi và người tiễn đưa thật ảm đạm. Họ chỉ là con thiêu thân phục vụ tham vọng chinh phục nước Nam Chiếu (vùng Vân Nam bây giờ) để mở rộng biên cương. Nhà thơ còn làm các bài “Tiền xuất tái”, “Hậu xuất tái” (Xuất tái là ra cửa ải) châm biếm bọn tướng tá lấy việc chinh phạt để tiến thân. Ông lên tiếng chất vấn nhà vua:

“Mỗi nước có biền thuỳ

Chỉ cần chặn xâm lược

Tàn sát để làm chi?”

            Sự xa hoa, dâm dật, bỏ mặc chính sự cùng với việc động binh liên tục đã dẫn đến sự rối loạn của nhà Đường. Loạn An Sử nổ ra, triều đình phải mất 8 năm mới dẹp yên được. Nhân dân rơi vào cảnh lầm than, điêu đứng. Hai hiện tượng nổi bật trong những năm tháng loạn li này là cảnh bắt lính, bắt phu và cảnh chia li thê thảm. Chùm thơ “Tam lại” (ba bài nói về cảnh nha lại bắt lính, bắt phu ở Đồng Quan, Tân An và Thạch Hào). “Tam biệt” (ba bài nói về cảnh li biệt giữa đôi vợ chồng già, giữa đôi vợ chồng trẻ và giữa một người lính già với ngôi nhà bị phá rụi: Thuỳ lão biệt, Tân hôn biệt, Vô gia biệt). Bài “Thạch Hào lại(Nha lại bắt lính ở Thạch Hào) đã vẽ nên một cảnh tượng điển hình: Nha lại chờ lúc mọi người ngủ say để xông vào nhà bắt lính. Cả gia đình (mà nhà thơ ngủ nhờ trên đường về nhậm chức ở Hoa Châu thăm vợ nơi tản cư) có ba con trai đều ra trận, hai đứa đã chết; trong nhà chỉ còn hai ông bà già và một cô con dâu với đứa bé còn bú trên tay. Thế mà nha lại vẫn đòi người, ông già phải vượt tường trốn và bà già phải đi thay để nấu cơm cho quân sĩ. Nhà thơ tự nén mình trước tiếng khóc uẩn ức của xóm làng khi bọn nha lại kéo đi, đêm đen lại trùm lên xóm làng hoang vắng. Bài “Tân hôn biệt” (Cuộc chia li của đôi vợ chồng trẻ mới cưới) mô tả cảnh tượng thê thảm của người vợ trẻ:

“Cưới chiều hôm, vắng sớm mai,

Duyên đâu lật đật cho người dở dang.”

            “Tam lại”, “Tam biệt” là chùm thơ nổi tiếng của Đỗ Phủ. Gọi thơ ông là “Thi sử” bởi vì cái ấn tượng binh đao khói lửa nội chiến mà thơ ông gieo vào lòng người còn sâu sắc gấp trăm lần các bộ sách viết về thời này.

            Nhưng Đỗ Phủ không hề “viết sử” một cách khách quan, ông đã đứng hẳn về phía “dân đen”, coi nỗi đau của họ như nỗi đau của chính mình, ước mong san sẻ gánh nặng cơm áo và dằn vặt tâm linh với họ. Tư tưởng nhân đạo của Đỗ Phủ là đỉnh cao của chủ nghĩa nhân đạo dưới thời phong kiến.

            Một nhà nho suốt đời long đong, lận đận nhưng luôn quan tâm đến vận nước, mà quan tâm đến vận nước cốt để giảm nhẹ gánh nặng cơm áo và sự dằn vặt tâm linh của người dân bình thường. Bài “Mao ốc vị thu phong sở phá ca” (Bài ca nhà tranh bị gió thu phá) thể hiện rõ nhân cách của ông.

            Trên đường chạy loạn, nhờ người bạn giúp đỡ ông dựng được túp lều tranh, nhưng rồi bị gió phá sập. Trong cảnh màn trời chiếu đất ông đau đớn cho thân phận riêng và không quên nghĩ đến những “hàn sĩ” như mình. Ông có ước mơ thật cao cả:

“Ước được ngôi nhà rộng muôn ngàn gian,

Che khắp thiên hạ kẻ sĩ nghèo đều hân hoan,”

            Ước mơ cũng được thể hiện trong bài “Hựu trình Ngô lang” (Lại nhắn người họ Ngô). Cũng trên đường chạy loạn, ông thuê được một căn nhà nhỏ. Trong vườn có cây táo, hằng ngày bà lão hàng xóm thường chui qua hàng rào nhặt táo rụng cầm hơi. Ra đi, ông nhắn người chủ mới chớ có rào kín mảnh vườn, để bà lão kia còn có thể sống qua ngày. Ước mơ thật tội nghiệp, nhưng cũng thật vĩ đại. Cuối cùng ông còn rút ra được bài học: ăn trộm là do nghèo đói, nghèo đói là do thuế khoá, chiến tranh.

            Chung quy, Đỗ Phủ đã cùng nhịp thở với nhân dân của mình trước vận nước và trong cảnh đói nghèo, loạn li. Ông viết về mọi đề tài. Nhưng hầu như không có để tài nào thoát li thời cuộc. “Đỗ Phủ là nhà thơ chính trị vĩ đại nhất trong lịch sử văn học Trung Quốc” (Lịch sử văn học Trung Quốc – Viện Khoa học Trung Quốc, 1988).

            Khác với Lí Bạch – nhà thơ lãng mạn, ngòi bút Đỗ Phủ luôn bám sát đời sống, hay nói như Lương Khải Siêu, ông là nhà thơ “tả thực chi tiết”. Ông lại đặc biệt chú trọng ngôn từ thơ ca, chủ trương “ngữ bất kinh nhân, tử bất hưu” (lời thơ không làm người ta kinh hoàng thì chết không nhắm mắt).

            Do vậy, thơ ông gieo vào lòng người đọc ấn tượng sâu sắc về cuộc sống, về nỗi cơ cực của nhân dân, về số phận “gian nan khổ hận” cùng cảnh ngộ với “dân đen” của chính ông. Đặc biệt, Đỗ Phủ có nhiều bài luật thi rất chuẩn mực, chứng tỏ sự tu dưỡng về thơ rất uyên thâm của Thi thánh.

            Ảnh hưởng của Đỗ Phủ đến đời sau rất sâu sắc. Đó là ảnh hưởng về nhân cách, luôn luôn đồng cam cộng khổ với nhân dân, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ. Đó còn là ảnh hưởng về con đường sáng tác thơ ca: thành công của nhà thơ tuỳ thuộc vào vốn sống của nhà thơ, vào độ chín trong quá trình chiếm lĩnh hiện thực. Đó còn là tài năng thơ ca, một tài năng siêu việt được Nguyễn Du tôn làm bậc thầy của văn chương muôn thuở.

(Theo Đoàn Thị Thu Thuỷ)

___

Xem thêm:

Hướng dẫn phân tích, cảm thụ văn bản Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê – Hạ Trị Chương tại đây.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận