Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh – Lí Bạch – Để học tốt Ngữ Văn 7

Đang tải...

CẢM NGHĨ TRONG ĐÊM THANH TĨNH

(TĨNH DÃ TỨ)

– LÍ BẠCH –

I/ GIỚI THIỆU CHUNG VỀ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM

1/ Tác giả

(Xem phần giới thiệu về tác giả ở bài Xa ngắm thác núi Lư)

2/ Tác phẩm

            – Lí Bạch thường đi rất nhiều nơi và ông đi xa quê hương rất sớm. Năm 25 tuổi, Lí Bạch đã xa quê và xa mãi, bởi vậy chủ đề về nỗi nhớ quê hương thường gặp trong thơ ông.

            – Bài thơ “Tĩnh dạ tứ” đã thể hiện tình cảm quê hương sâu nặng của nhà thơ, trong một đêm trăng sáng. Thủa nhỏ, ông thường lên đỉnh núi Nga Mi ở quê nhà để ngắm trăng và theo đó cứ mỗi lần thấy trăng là nhà thơ lại nhớ tới quê nhà. Thơ Lí Bạch tràn ngập ánh trăng và cũng thao thức nỗi nhớ quê. Có thể nói thi hứng thơ ca và nỗi nhớ quê đã thôi thúc tác giả viết bài thơ này.

II/ HƯỚNG DẪN HỌC SINH CẢM THỤ VĂN BẢN

1/ Về nội dung

            – Bài thơ thể hiện một cách nhẹ nhàng mà thấm thía tình quê của một người yêu quê hương nhưng phải sống xa quê trong một đêm trăng thanh tĩnh.

            – Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là nỗi buồn nhớ cố hương sâu lắng của Lí Bạch. Ánh trăng và cố hương là khởi nguồn khơi dậy thi tứ và cũng là hai hình ảnh chủ đạo, gắn bó với nhau trong mạch trữ tình, tạo thành một liên tưởng giấu ý nghĩa.

            – Giấu đi hình ảnh chủ thể tác giả nhưng bài thơ thấm đẫm tâm trạng nhớ quê, tấc lòng tư hương của tác giả. Lí Bạch đã lấy ngoại cảnh ánh trăng để biểu hiện nỗi niềm nhớ cố hương. Cảm xúc có sự hài hoà và chuyển hoá cao độ. Tuy chủ đề bài thơ rất quen thuộc “Vọng nguyệt hoài hương” (Trông trăng nhớ quê) nhưng bài thơ có cách thể hiện rất giản dị mà độc đáo. Đây là bài thơ trăng và tư hương tuyệt bút.

2/ Nghệ thuật

            – Bài thơ ngắn gọn mà hàm súc, ngôn ngữ, hình tượng hoa lệ với cảm xúc mênh mang, gợi nên nỗi buồn thâm trầm mà sâu lắng.

            – Bút pháp cổ điển: lấy động để tả tĩnh, tả cảnh để ngụ tình, lấy ngoại cảnh biểu hiện tâm cảnh.

            – Bài thơ đã tạo được bức tranh thuỷ mặc về cảnh đêm trăng gợi vẻ đẹp tâm hồn của thi nhân bằng một bút pháp lãng mạn, huyền ảo.

III/ HƯỚNG DẪN HỌC SINH PHÂN TÍCH VĂN BẢN

1/ Thể thơ

            – Bài thơ được viết theo hình thức cổ thể, một thể thơ trong đó thường có 5 hoặc 7 chữ, song không bị những quy tắc chặt chẽ về niêm luật và đối ràng buộc.

2/ Phân tích cụ thể

a/ Hai câu đầu

            – Tả cảnh một đêm trăng:

“Sàng tiên minh nguyệt quang

Nghi thị địa thượng sương”.

            – Câu thơ miêu tả cận cảnh, giới thiệu cả vị trí quan sát ánh trăng: (sàng tiền) đồng thời cho thấy tâm thế của nhà thơ: trong đêm thanh tĩnh mà không ngủ được.

             + Câu thơ thứ nhất tả trăng bằng trực giác, trăng được nhìn thấy, trăng sáng nhưng đây là chợt phát hiện ra ánh trăng trước giường chứ không phải là chủ động ngắm trăng (theo kiểu ẩm tửu, vọng nguyệt). Vì không ngủ được cho nên thi nhân mới thấy ánh trăng rọi, và ánh trăng ở đây là ánh trăng rất sáng. Hai chữ “minh nguyệt” được lặp lại hai lần trong bài thơ chỉ vẻn vẹn 20 chữ nói lên điều đó.

             + Câu thơ thứ hai miêu tả trăng bằng cảm giác, mở ra một không gian vừa thực vừa huyền ảo, lung linh. Hai chữ “Nghi thị” (ngỡ là) đặt ở đầu câu nhấn mạnh vào cảm nhận của tác giả và mở rộng cho người đọc rất nhiều liên tưởng. Trăng chiếu rọi vào đầu giường, trăng tràn mặt đất, ngỡ như mặt đất phủ đầy sương. Cảm giác thi nhân đang đắm chìm trong không gian thơ mộng, huyền ảo và lung linh. Tả cảnh mà câu thơ vẫn chan chứa tình.

            – Sự kết nối không gian ánh trăng và mặt đất làm cho câu thơ thoát khỏi cảm giác xa lạ về vũ trụ cao rộng trong thơ Đường cổ điển để đến gần hơn với tâm tư của thi nhân.

b/ Hai câu sau

            – Được cấu trúc theo phép đối cân xứng:

“Cử đầu vọng minh nguyệt

Đê đầu tư cố hương”.

            – Các cặp đối trong câu 3 và 4 đều cùng từ loại và đối nhau vê’ ý nghĩa: cử – đè (ngẩng và cúi) cùng là động từ, đầu – đầu, cùng là danh từ; vọng – tư (nhìn – nhớ) cùng là động từ, và minh nguyệt -cố hương (trăng sáng – quê cũ) đều cùng là danh từ.

            – Hai câu thơ tạo nên sự tương ứng hài hoà để khắc hoạ những vận động của nhân vật trữ tình: hai tư thế mang nặng tâm trạng. Không ngủ được cho nên ngẩng đầu để nhìn trăng sáng, lúc cúi đầu cũng không ngủ được vì nhớ quê cũ. Hoá ra cái mã then quan trọng ở đây đều nằm ở nỗi niềm nhớ quê. Trăng đẹp thế mà cảm xúc cuối cùng vẫn là cảm xúc nhớ quê chứ không phải là cảm xúc về ánh trăng. Thủa nhỏ, Lí Bạch thường lên đỉnh núi Nga Mi ở quê nhà để ngắm trăng. Trên hành trình tha hương biền biệt, cứ mỗi lần thấy trăng là nhà thơ lại nhớ tới quê nhà. Thơ ông tràn ngập ánh trăng và cũng thao thức nỗi nhớ quê. Trăng nơi đất khách chính là ngoại cảnh để nhà thơ bộc lộ nỗi buồn “tư cố hương”.

            – Các động từ “nghi, cử, đê” và “tư”‘ trong toàn bài thơ đã có tác dụng liên kết, tạo ra một mạch cảm xúc thống nhất, liên tục và cắt nghĩa toàn bộ diễn biến tâm trạng của tác giả trong đêm thanh tĩnh. Do thấy ánh trăng sáng đột ngột trước giường nên ngỡ ngàng (nghi thị) tưởng là sương. Ngẩng đầu để kiểm tra lại (cử), bắt gặp ánh trăng, kí ức hiện về nhà thơ lại thấy trào lên tình cảm nên cúi đầu (đê đầu) và lúc này nỗi nhớ quê hương xâm chiếm toàn bộ cảm xúc. Tâm cảnh hoà vào ngoại cảnh, ngoại cảnh thể hiện tâm cảnh.

            – Bài thơ có bố cục khá mạch lạc nhưng hoàn toàn thống nhất. Hai câu đầu thiên về tả cảnh, hai câu sau thiên về tả tình nhưng thực chất tình trong cảnh, trong cảnh hữu tình.

            – Qua bài thơ thấy thêm một nét đẹp trong tâm hồn Lí Bạch là lòng yêu quê, nhớ quê tha thiết và sâu sắc.

IV/ TRÍCH YẾU TƯ LIỆU THAM KHẢO

TĨNH DẠ TỨ – MỘT THÂN LỮ KHÁCH!

            Lí Bạch là nhà thơ lớn thời Đường, là một ngôi sao sáng chói trên thi – văn đàn Trung Quốc. Người ta thường gọi ông là Thi tiên hay Trích tiên Lí Bạch. Lý Dương Băng trong “Thảo đường tập tự” đã có câu nói bất hủ về thiên tài Lí Bạch: “Thiên tải độc bộ, duy công nhất nhân” (Hàng ngàn năm chỉ có một mình ông mà thôi). Lí Bạch đã để lại hơn một ngàn bài thơ có một ảnh hưởng rất sâu rộng trong lịch sử văn học Trung Quốc và được lưu truyền rộng rãi trong nhân gian, cũng như được nhiều học giả trên thế giới dày công nghiên cứu. Thơ của ông rất tự nhiên, không chải chuốt, gọt dũa mà ý thơ sâu sắc, có sức truyền cảm, quyến rũ một cách lạ lùng.

            Lí Bạch là thiên tài của những bài thơ Tuyệt cú (4 câu 5 chữ), ngắn gọn, nhưng cô đọng, hàm súc, đầy đủ. Bài thơ “Tĩnh dạ tứ” của Lí Bạch là một kiệt tác trong thế giới Đường thi trùng trùng điệp điệp… Hình thức cô đọng của bài thơ ngũ tuyệt 20 chữ này là minh chứng rõ ràng cho nội dung “ngôn bất tận ý” của thơ Đường.

            Lí Bạch là một người có tài, nhưng lại là người ít may mắn trên đường công danh sự nghiệp. Ông là người hay đi đây đó, làm thân lữ khách nơi quán trọ tha phương, xa nhà, xa quê, xa gia đình bạn bè. Bài thơ “Tĩnh dạ tứ” đã diễn tả nỗi cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến, cái nỗi niềm tha phương nhớ nhà da diết, khi màn đêm hoang vắng đã buông phủ bốn bề, trong khung cảnh tịch liêu, cô đơn, của người viễn khách một mình một bóng canh thâu, nhìn qua khung cửa, xa xa, chập chờn mộng ảo, là vầng trăng toả ánh sáng lung linh… đã làm cho nhà thơ chạnh lòng thương nhớ quê hương. Bài thơ đã bộc lộ những xúc cảm sống động, dạt dào, rung lên những âm vang tha thiết của nhạc điệu trữ tình…

            Trong sách “Nghệ khái”, Lưu Huy Tải đã nói: “Thơ tứ tuyệt dễ làm, không có chữ thừa, nhưng tạo được cái dư vị thật là khó”. Cái “dư vị” trong bài thơ “Tĩnh dạ tứ” của Lí Bạch chỉ là cảnh sắc “vô tình” của màn đêm huyền ảo với trăng, sương trập trùng, nhưng rất là “hữu tình” đã đem lại những cảm xúc nao nao xót dạ, đã đưa người thơ đi tìm lại những mảnh kí ức, hổi tưởng của cố quận, sông xưa, núi cũ, quê nhà. Người phương xa vẫn canh cánh nặng nợ tình quê:                              .  .

Tĩnh dạ tứ

Sàng tiền minh nguyệt quang,

Nghi thị địa thượng sương.

Cử đầu vọng minh nguyệt,

Đê đầu tư cố hương.

            Bức tranh thu đã được tô đẹp bằng một vầng trăng thu huyền ảo. Trăng soi lồng lộng trên sóng nước bập bềnh biến dòng sông thành một dải lụa vàng óng ả. Điểm đặc trưng quan trọng đối với vầng trăng trong thơ Lí Bạch là ánh trăng trong trắng, lung linh toả sáng, thêm màn đêm lạnh lẽo bao phủ không gian vô tận và con người nhỏ bé, khiến cảm xúc của con người sản sinh bộc phát ngẫu nhiên, mang những sắc thái tinh tế khó mà diễn tả. Trong một đêm trăng vắng vẻ nhà thơ Lí Bạch nằm trong thư phòng, bóng trăng khe khẽ len qua khung cửa sổ rọi sáng đầu giường, trong một không gian tĩch mịch giữa đêm, hồn thơ đã nhập vào hồn trăng bay lâng lâng vào một cõi mộng ảo vô cùng… đã đi từ trạng thái mơ hồ đến tỉnh thức. Ánh trăng sáng vời vợi trên bầu trời cao kia, toả những tia sáng lặng lẽ, êm ái huyền diệu trên chiếc giường ngủ, rất gần gũi và thân thiết với nhà thơ làm sao, và đó cũng chính là vầng trăng mà Lí Bạch đã mải mê ngắm trên núi Nga Mi trong những ngày niên thiếu ở quê nhà. Những tia sáng của trăng chập chờn mờ ảo đã làm nhà thơ ngỡ ngàng như sương khói bao phủ đẩu giường, nhìn trăng mà lòng buồn vời vợi, ngổn ngang trăm mối tơ lòng… Sương và trăng làm nổi bật sự trống vắng vô tận, làm tăng thêm khung cảnh đìu hiu của trời đêm cô liêu, đã đem lại những cảm giác mông lung, hư hư thật thật quanh quất đâu đây: sương là trăng, hay trăng là sương. Trong cái ngây ngất, chếnh choáng của màn đêm mờ ảo, nhà thơ tài hoa đã hữu hình hoá cái huyền diệu của trăng và sương. Cái tĩnh lặng của không gian bàng bạc trong bài thơ đã tràn ngập cảm xúc nội tâm và tư duy khó mà diễn tả. Hình ảnh màn sương “ngờ ngợ” phủ trắng nền đất trong trời đêm đã mở ra một khoảng không gian tịch liêu cô quạnh mông lung, làm gia tăng nỗi cô đơn của người thơ. Nhà thơ đã dùng những hình tượng dựng cảnh, nhưng thật ra là muốn ngụ tình, gửi gắm những tâm sự thầm kín của tác giả.

(Theo Nhã Lan Thư)

___

Xem thêm:

Hướng dẫn phân tích, cảm thụ văn bản Xa ngắm thác núi Lư – Lí Bạch tại đây.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận