Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê – Hạ Trị Chương – Để học tốt Ngữ Văn 7

Đang tải...

NGẪU NHIÊN VIẾT NHÂN BUỔI MỚI VỀ QUÊ

(HỒI HƯƠNG NGẪU THƯ)

– HẠ TRI CHƯƠNG –

I/ GIỚI THIỆU CHUNG VỀ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM

1/ Tác giả

            – Tác giả Hạ Tri Chương (659 – 744), hiệu Tứ Minh cuồng khách, quê ở Vĩnh Hưng, Việt Châu (nay thuộc huyện Tiêu Sơn, tỉnh Chiết Giang).

            – Ông đỗ tiến sĩ năm 695, sinh sống và làm việc 50 năm ở kinh đô Trường An, sau này già ông về quê trong sự lưu luyến của nhà vua, Thái tử và bạn bè ở kinh đô khi 86 tuổi.

            – Ông là bạn vong niên của thi hào Lí Bạch, từng gọi Lí Bạch là Trích tiên. Ông thích uống rượu, tính tình hào phóng.

            – Thơ Hạ Tri chương thanh đạm, nhẹ nhàng, gợi cảm, biểu lộ một trái tim hồn hậu, đáng yêu. ông còn để lại 20 bài thơ trong đó có hai bài “Hồi hương ngẫu thư” là nổi tiếng nhất.

2/ Tác phẩm

            Được viết sau khi Hạ Tri Chương cáo quan về quê. Ông có 2 bài “Hồi hương ngẫu thư”. Văn bản được học là bài 1.

II/ HƯỚNG DẪN HỌC SINH CẢM THỤ VĂN BẢN

1/ Về nội dung

            – Bài thơ là tình cảm ngẫu hứng, bộc phát của Hạ Tri Chương khi về thăm quê hương sau một thời gian dài xa cách. Bài thơ thể hiện tình cảm yêu mến, gắn bó với quê hương của tác giả – tình cảm đó ăn sâu trong máu thịt của nhà thơ, về thăm quê, gặp cảnh cũ, người xưa đã trào dâng thành niềm cảm xúc mãnh liệt, tạo thành những vần thơ độc đáo.

            – Bài thơ thể hiện một hồn thơ thâm trầm, nhẹ nhàng và hồn hậu, tình yêu thương và tấm lòng son sắt, thuỷ chung của nhà thơ đối với quê hương thấm đẫm trên từng vần thơ.

2/ Về nghệ thuật

            – Bài thơ giản dị, ngắn gọn như một lời tự sự. Tác giả sử dụng nghệ thuật tiểu đối rất thành công, tuy là tiểu đối nhưng đối rất chỉnh về từ loại và ý nghĩa, tạo nên những vần thơ hàm súc, nói ít mà gợi nhiều.

            – Giọng điệu bài thơ vừa có nét hóm hỉnh lại vừa thâm trầm, sâu kín càng làm nổi bật tình quê thắm thiết, sâu nặng của nhà thơ.

            – Bài thơ có sự kết hợp nhuần nhị giữa các yếu tố: tự sự, miêu tả, biểu cảm, biểu cảm qua tự sự và biểu cảm qua miêu tả.

III/ HƯỚNG DẪN HỌC SINH PHÂN TÍCH VĂN BẢN

1/ Thể thơ: Thất ngôn tứ tuyệt

2/ Nhan đề

            – “Hồi hương ngẫu thư” (Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê): Cho thấy đây là cảm xúc, tình cảm ngẫu hứng, bộc phát của nhà thơ – tình cảm được viết ra một cách chân thành tự nhiên chứ không hề lên gân hay sắp đặt.

            – Qua tiêu đề bài thơ, có thể thấy biểu hiện tình quê hương có nhiều nét độc đáo, tình cảm đó được bộc lộ trực tiếp, chứ không phải tả cảnh ngụ tình (Tĩnh dạ tứ – LÍ Bạch).

            – Tác giả khi vừa mới đặt chân tới quê mà nỗi lòng cảm xúc đã trào dâng, tất cả đều bỡ ngỡ, xa lạ. Tình yêu quê hương cũng là cảm xúc chủ đạo của bài thơ.

3/ Phân tích cụ thể

a/ Hai câu đầu

            – Hai câu đầu tác giả đã dùng phép tiểu đối tạo cho câu thơ sự cân xứng hài hoà cũng như diễn tả được một cách ngắn gọn cảnh ngộ của mình: tác giả phải xa quê hương từ thời thơ ấu, sống tha hương nơi đất khách quê người, đến lúc già mới trở lại quê cũ:

Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi,

Hương âm vô cải, mấn mao tồi.

            – Câu thơ tạo thành các cặp tiểu đối từng đôi một: thiếu – lão (trẻ – già), tiểu – đại (nhỏ – lớn), li – hồi (rời xa – trở về), hương âm – mấn mao (giọng quê – tóc mai), vô cải – tồi (không đổi – rụng)… đã cho thấy nhà thơ li biệt quê hương không phải trong một năm mà kéo đài gần hết cuộc đời. Nỗi niềm khắc khoải về cố hương luôn đau đáu trong suốt 50 năm Hạ Tri Chương sống ở đất kinh kì.

            – Câu thơ thứ nhất mang tính chất tự sự thông báo về sự tha hương của tác giả, đồng thời còn mang ý nghĩa biểu cảm, bộc lộ cảm xúc của Hạ Tri Chương khi về thăm quê.

            – Câu thơ thứ hai vừa mang tính miêu tả vừa mang tính biểu cảm, thấm thía những thay đổi của thời gian, thay đổi về tuổi tác: khi đi đầu xanh niên thiếu, khi về đã là ông già đầu bạc, mọi thứ đã đổi thay duy chỉ có một điểu không đổi nhờ vào ý thức, vào tấm lòng yêu quê hương: đó là giọng quê. “Giọng quê” chính là tiếng mẹ đẻ, là tâm hồn của mỗi con người yêu thương gắn bó với đất mẹ quê cha. Nhấn mạnh cái biến đổi của vật chất “mấn mao tồi” và cái không thể biến đổi “hương âm vô cải”, nhà thơ chân thành bộc lộ tấm lòng son sắc, sự gắn bó máu thịt của người khách li hương với nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

b. Hai câu sau

            – Hai câu sau thiên về kể chuyện và biểu lộ tình cảm, ghi lại một tình huống có vẻ như là nghịch lí, rất hóm hỉnh nhưng cũng không thiếu phần chua xót:

“Nhi đồng tương kiến, bất tương thức

Tiếu vấn: Khách tòng hà xứ lai?”

            – Kẻ tha hương nay trở lại quê cũ đã thành khách lạ, người trước kẻ còn người mất, kẻ sinh sau – trẻ con gặp mà không biết, thời gian xa quê đã dằng dặc bao năm tháng. Kể chuyện nhưng nội dung biểu cảm chứa đầy trong câu chữ, không thấy miêu tả trực tiếp tâm trạng nhưng vẫn cảm nhận được nỗi bâng khuâng, bùi ngùi của ông lão Hạ Tri Chương.

            – Sự xuất hiện đám trẻ nhỏ, những tiếng cười, những câu hỏi hồn nhiên, ngây thơ làm cho tác giả bâng khuâng, nhưng đành chấp nhận hiện thực: đi xa quê lâu quá nên bị coi là khách lạ trên quê hương cho dù đó là nơi ông sinh ra, nơi ông không nguôi thương nhớ và gìn giữ với chất giọng quê. Câu thơ như một nỗi buồn sâu kín. Chỉ yêu quê thắm thiết sâu nặng lắm mới có cách cảm, cách nghĩ như vậy. Tình quê, nỗi lòng của người xa quê thấm đẫm trong những vần thơ giản dị mà sâu sắc cao đẹp.

            – Giọng thơ trầm tĩnh nhưng chứa đựng tình cảm dạt dào, chan chứa với quê hương. Bài thơ lay động sự đồng cảm và thấu hiểu của người đọc bởi tình huống bất ngờ trớ trêu.

IV/ TRÍCH YẾU TƯ LIỆU THAM KHẢO

HỒI HƯƠNG NGẪU THƯ (KỲ NHỊ)

Ly biệt gia hương tuế, nguyệt đa

Cận lai nhân sự bán tiêu ma

Duy hữu môn tiền kinh hồ thuỷ

Xuân phong bất cải cựu thời ba.

(Hạ Tri Chương)

NGẪU NHIÊN KHI VỀ QUÊ (BÀI HAI)

1- Năm tháng xa nhà chắc đã lâu

Bạn bè mất nửa, nửa về đâu

Hồ Gương trước cửa lung linh nước

Gió chẳng làm thay gợn sóng sầu.

2- Quê nhà xa cách tháng năm

Bạn bè thưa thớt biệt tăm phương trời

Mặt Hồ Gương trước ngõ soi

Gió xuân chắc chẳng đổi đời sóng xưa.

(Hải Đà dịch)

___

Xem thêm:

Hướng dẫn phân tích, cảm thụ văn bản Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh – Lí Bạch tại đây.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận