Cách làm bài văn biểu cảm về tác phẩm văn học – Ngữ Văn 7 nâng cao

Đang tải...

VI –  LUYỆN NÓI : VĂN BIỂU CẢM VỀ SỰ VẬT, CON NGƯỜI

1. Chuẩn bị cho giờ luyện nói

  • Mỗi học sinh chọn một trong bốn đề có ở phần này trong sách giáo khoa, lập dàn bài để tập nói ở nhà (coi như một bài phát biểu trên lớp).
  • Chú ý khi chuẩn bị với loại đề này :

–  Vì là kiểu bài biểu cảm về sự vật, con người hoặc tác phẩm thơ văn (có sự việc, con người) nên hướng biểu cảm của bài đòi hỏi phải hướng tới, chú ý tới sự việc làm nền cho tình cảm, cảm xúc, suy nghĩ của người nói. Và như thế, yếu tố tự sự và miêu tả cần phải được chú ý khi nói.

– Nếu trình bày cảm nghĩ về một bài thơ, một đoạn văn phải nêu được sự đồng cảm, tưởng tượng, liên tưởng của mình với hình tượng trong bài, nêu lí do mình thích thú, yêu mến bài thơ, đoạn văn ấy.

– Khi nói, chú ý vận dụng những hình thức biểu cảm như : so sánh, lời trùng điệp, hình thức liên tưởng, tưởng tượng,…

2. Ghi nhớ

  • Khi lên nói trước tập thể đông người; tác phong cần nhanh nhẹn, tự nhiên, tự tin, tươi tắn, lịch sự.
  • Về nội dung

– Đã chọn đề văn nào thì phải trình bày nội dung đó đầy đủ, mạch lạc.

– Phải có cảm xúc và suy nghĩ về sự việc, con người hoặc hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm mà mình chọn để nói.

  • Diễn đạt

– Thực sự là nói (không đọc hoặc học thuộc lòng)

– Nói to, rõ, có yếu tố biểu cảm.

3. Bài tập

Bài tập 32. Lập dàn ý luyện nói cho đề văn “Cảm nghĩ về thầy, cô giáo – những người lái đò – đưa thế hệ trẻ cập bến tương lai”.

Bài tập 33. Lập dàn ý luyện nói cho đề văn “Cảm nghĩ về một tấm gương học giỏi, vượt khó”.

Bài tập 34. Lập dàn ý luyện nói cho đề văn “Cảm nghĩ về bài thơ Hồi hương ngẫu thư của Hạ Tri Chương”.

Bài tập 35. Lập dàn ý luyện nói cho đề văn “Cảm nghĩ về bài thơ Tĩnh dạ tứ của Lí Bạch”.

VII – CÁC YẾU TỐ TỰ SỰ, MIÊU TẢ TRONG VĂN BAN BIỂU CẢM

1. Những điều cần chú ý

– Trong bài văn biểu cảm, yếu tố tự sự và miêu tả có tác dụng hỗ trợ rất lớn cho việc biểu cảm. Các yếu tố tự sự có tác dụng gợi cảm rất mạnh, nhất là khi biểu cảm về các hành động cao cả, nghĩa khí, vị tha hoặc các hành vi thiếu đạo đức. Tuy nhiên, trong truyện, yếu tố tự sự làm cho tình tiết gay cấn, hấp dẫn, gây đợi chờ. Còn trong văn biểu cảm, cái quan trọng là ý nghĩa sâu xa của sự việc buộc người ta nhớ lâu và suy nghĩ, cảm xúc về nó. Trong văn biểu cảm, yếu tố miêu tả có tác dụng khêu gợi sức cảm thụ và tưởng tượng. Miêu tả chân thật, có sức gợi cảm lớn, hỗ trợ mạnh cho văn biểu cảm.

– Trong một văn bản nói (hoặc viết) thuộc kiểu bài biểu cảm, bao giờ cũng có các yếu tố miêu tả và tự sự xen lẫn.

2. Ghi nhớ

– Muốn phát biểu suy nghĩ, cảm xúc đối với đời sống xung quanh, hãy dùng phương thức tự sự và miêu tả để gợi ra đối tượng biểu cảm và gửi gắm cảm xúc.

– Tự sự và miêu tả ở đây nhằm khêu gợi cảm xúc, do cảm xúc chi phối, chứ không nhằm mục đích kể chuyện, miêu tả đầy đủ sự việc, phong cảnh.

3. Bài tập

Bài tập 36. Kể lại bằng văn xuôi nội dung bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá của Đỗ Phủ.

Bài tập 37. Khi cô giáo cho đề văn “Phát biểu cảm nghĩ về một đồ chơi tuổi ấu thơ”, một bạn học sinh đã viết bài văn biểu cảm, có hai đoạn ở thân bài như sau :

Đoạn 1

“… Chú gà trống rất bé, chỉ bằng cổ tay thôi. Mỗi lần vặn dây cót, chú gà kêu “cục, cục”, rồi bàn chân sắt của chú đi ba, bốn bước lên đẳng trước. Mỗi lần vặn dây cót và nhìn gà đi, bước hồn nhiên, tôi lại nghèn nghẹn ở cổ, khóc thầm, vì giờ đây bố lại đi công tác xa rồi”.

Đoạn 2

“… Trước khi đi công tác xa, bố thường dành thời gian ở nhà chơi với tôi, Chú gà đã có với tôi biết bao kỉ niệm : ghi dấu hình ảnh thân yêu của bố và những cảm xúc thơ ngây của tôi ngày ấy. Có một lần, tôi cùng bố đem chú gà ra sân cỏ, phía sau nhà, xây cho nó một căn nhà gỗ nhỏ. Tôi ngắm nghía ngôi nhà hồi lâu, rồi bỗng tôi hỏi bố : “Bố ơi ! Chú gà trống có ngôi nhà rồi, sao có vẻ buồn thế nhỉ ?”. Bố tôi hóm hỉnh bảo : “À ! Chắc chú ta chưa có vợ, nên buồn chăng ?”. Tồi bảo ngay : “Thế thì tiếc quá” rồi ôm gà trống, mặt buồn theo chú gà. Ngay sáng hôm sau, khi đi vào khu sân có chuồng gà thì tôi đã chứng kiến một chuyện kì lạ : bên cạnh chú gà trống, đã xuất hiện một cô gà mái xinh xắn”.

a) Tìm các yếu tố miêu tả trong hai đoạn văn trên.

b) Tìm các yếu tố tự sự trong hai đoạn văn trên.

c) Các yếu tố miêu tả và tự sự trên có tác dụng; gì đối với các đoạn văn biểu cảm trên ?

d) Phân tích giá trị biểu cảm của hai đoạn văn trên.

Bài tập 38. Cũng với đề văn biếu cảm như ở Bài tập 37, một học sinh khác lại viết như sau :

“…Có ngày mẹ đi làm vắng, tôi ở nhà một mình với bộ xếp hình, tôi đã coi bộ xếp hình như bóng dáng của người mẹ yêu thương, tần tảo. Lúc mẹ đi vắng, tôi hay xếp hình dáng của mẹ. Nó giúp tôi đỡ nhớ mẹ. Có lần đi học về, không được phiếu bé ngoan, bộ xếp hình của tôi cũng như đượm buồn giống mẹ tôi,… Bộ xếp hình là đồ chơi mẹ mua cho tôi với tất cả lòng yêu thương, mong mỏi. Cứ nhìn thấy nó, tôi như thấy mẹ bên mình để an ủi, vỗ về, khuyên bảo, chờ mong… “Mẹ ơi, con sẽ ngoan, sẽ ngoan… để mẹ vui”.

a) Chỉ ra chi tiết biểu cảm trực tiếp trong đoạn văn trên.

b) Đoạn văn biểu cảm gián tiếp qua thứ đồ chơi gì của tuổi ấu thơ ? Đồ chơi giản dị ấy đã nói với bạn đọc điều gì về người mẹ và bạn học sinh ấy ?

c) Đoạn văn biểu cảm trên có đan xen yếu tố miêu tả hay tự sự ? Hãy đếm xem có bao nhiêu yếu tố tự sự trong đoạn. Từ đó có thể thấy vai trò của tự sự trong văn biểu cảm như thế nào ?

VIII – CÁCH LÀM BÀI VĂN BIỂU CẢM VỀ TÁC PHẨM VĂN HỌC

1. Ghi nhớ

  • Phát biểu cám nghĩ về một tác phẩm văn học (bài văn, bài thơ) là trình bày những cảm xúc, tưởng tượng, liên tưởng, suy ngẫm của mình về nội dung và hình thức của tác phẩm dó.
  • Bài văn phát biểu cảm nghĩ về tác phẩm văn học cũng phải có ba phần :

Mở bài : Giới thiệu tác phẩm và hoàn cảnh tiếp xúc với túc phẩm:

Thân bài : Những cảm xúc, suy nghĩ do tác phẩm gợi lên.

– Kết bài : Ấn tượng chung về tác phẩm.

2. Bài tập

Bài tập 39.

a) Lập dàn ý cho đề văn sau :

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Cảm nghĩ trong đàm thanh tĩnh của Lí Bạch (tham khảo Bài tập 44).

b) Cho đề văn : Phát biểu cảm nghĩ của em về bài thơ Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê của Hạ Tri Chương.

Lập dàn ý chi tiết cho đề văn trên (tham khảo Bài tập 43).

c) Phát biểu cảm nghĩ của em về bài thơ Cảnh khuya (hoặc Rằm tháng riêng) của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

– Lập dàn ý chi tiết.

– Dựa vào dàn ý đã lập, viết bài văn hoàn chỉnh (tham khảo Bài tập 41, 42).

IX – LUYỆN NÓI : PHÁT BIỂU CẢM NGHĨ VỀ TÁC PHẨM VĂN HỌC

1. Những điều cần chú ý

  • Đây là giờ luyện nói số 2 khi học về kiểu văn biểu cảm học ở học kì I. Nếu tiết luyện nói 1 về văn biểu cảm đối với sự vật, con người nói chung thì tiết luyện nói 2 là văn biểu cảm đối với tác phẩm văn học.
  • Muốn học sinh phát biểu được cảm nghĩ đối với tác phẩm văn học (thơ hoặc văn xuôi), trước hết học sinh phải xác định được những nét nổi bật của tác phẩm văn học đó.
  • Cảm nghĩ về tác phẩm văn học tất nhiên phải bắt nguồn từ tác phẩm văn học và sự suy nghĩ, cảm thụ của người đọc về tác phẩm. Những cảm nghĩ ấy có thể cụ thể như sau :

– Cảm xúc về cảnh, về người.

– Cảm xúc về tâm hồn con người, số phận con người trong tác phẩm.

– Cảm xúc về vẻ đẹp của ngôn từ.

– Cảm xúc về tư tưởng của tác phẩm.

  • Mức độ của kiểu bài phát biểu cảm nghĩ về tác phẩm văn học ở học sinh lớp 7 : Cảm nghĩ về tác phẩm văn học thường gắn liền với các thao tác nghị luận như phân tích, giải thích, chứng minh. Trong điều kiện học sinh lớp 7 chưa học nghị luận, bài cảm nghĩ có thể xây dựng trên cơ sở : kể lại sự việc hoặc miêu tả cảnh tượng trong tác phẩm đã gây cho em cảm xúc và suy nghĩ. Ở đây, học sinh nên tập kể lại sự việc trong tác phẩm, tập miêu tả cảnh tượng trong bài để làm cơ sở phát biểu cảm nghĩ.
  • Cũng cần hiểu thêm : Cách làm bài phát biểu cảm nghĩ đối với tác phẩm văn học tự do hơn nhiều so với bài phân tích, bình giảng văn học… Các kiểu bài phân tích, bình giảng văn học… đòi hỏi tính khoa học ; còn bài phát biểu cảm nghĩ cho phép người viết tưởng tượng. Học sinh có thể tưởng tượng tâm tình của tác giả khi sáng tác như thế nào ; có thể tưởng tượng số phận nhân vật vượt ra ngoài tác phẩm đôi chút…

2. Ghi nhớ

  • Để luyện nói phát biểu cảm nghĩ đối với một tác phẩm văn học, học sinh phái có sự chuẩn bị trước ở nhà về những tác phẩm định nói trên lớp theo yêu cầu sau : Em có cảm nghĩ gì về tác phẩm đó ? Hãy kể lại và miêu tả những gì đã làm cho em có những cảm nghĩ trên. Lập một dàn bài nói về tác phẩm đó.
  • Khi nói trên lớp, học sinh cần rèn luyện để đạt ba yêu cầu sau :

– Tác phong nhanh nhẹn, tự nhiên, tự tin, tươi tắn.

– Nói đúng, đủ theo yêu cầu của đề bài.

– Diễn đạt to, rõ. Phái đúng là nói, không được đọc hoặc đọc thuộc lòng, vừa nói vừa biểu hiện cảm xúc…

  • Biết lắng nghe, nhận xét cách nói của bạn (cũng là để luyện nói) rút kinh nghiệm cho mình.

3. Bài tập

Bài tập 40. Cảm nghĩ của em về bài thơ Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra của Trần Nhân Tông (nói theo dàn ý).

Bài tập 41. Cảm nghĩ của em về bài thơ Cảnh khuya của Hồ Chí Minh (nói theo dàn ý).

Bài tập 42. Cảm nghĩ của em về bài thơ Rằm tháng giêng của Hồ Chí Minh (nói theo dàn ý).

Bài tập 43. Cảm nghĩ của em về bài thơ Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê của Hạ Tri Chương (nói theo dàn ý).

Bài tập 44. Cảm nghĩ của em về bài thơ cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh của Lí Bạch (nói theo dàn ý).

X – THÁI ĐỘ, TÌNH CẢM TRONG VĂN BIỂU CẢM

1. Những điều cần chú ý

  • Học sinh cần phân biệt thái độ, tình cảm “tự nhiên” trong cuộc sống hằng ngày với thái độ, tình cảm trong văn chương. Không phải mọi thái độ, tình cảm của con người có trong cuộc sống đều trở thành tình cảm trong văn chương.
  • Ở văn biểu cảm cũng vậy. Phải có những tình cảm tốt đẹp chúng ta mới có thể viết một bài văn biểu cảm (điều này đã đề cập đến trong bài Tìm hiểu chung về văn biểu cảm).

2. Ghi nhớ

  • Thái độ, tình cảm trong văn biểu cảm phải cao thượng, thấm nhuần tư tưởng nhân dân, dân chủ, tiến bộ.
  • Thái độ, tình cảm trong văn biểu cảm phải chân thật, thành thực.

Bài tập 45. Đọc các đoạn văn trích trong các bài văn biểu cảm của một số bạn học sinh lớp 7. Xác định tình cảm của người viết là tình cảm với đối tượng nào, cách biểu hiện ra sao ?

a) … Cảm ơn đất Mẹ. Dù ở đâu, miền Nam hay miền Bắc, Người đều cho chúng con hoa thơm và trái ngọt. Và, hằng ngày, trong cuộc sống đời thường, từ hoa và trái, chúng con lại thấy Người…

(Theo bài viết cho đề văn : “Phát biểu cảm nghĩ về các loại quả quê hương mà em yêu thích” (bài làm của HS)).

b) … Năm tháng đã qua đi và sẽ còn qua đi. Tình yêu của tôi với hoa hồng nhung lúc nào cũng nguyên vẹn không đổi, như tình yêu của tuổi thơ tôi với những trang cổ tích và ông nội kính yêu tuyệt vời của tôi…

(Trích bài viết cho đề văn : “Phát biểu cảm nghĩ về một trong nhiều loài hoa của quê hương em”).

c) … Không còn cách nào giữ được cây nữa. Cây hoàng lan thân yêu đã ngã xuống… Anh em tôi khóc thầm thương hoàng lan vô cùng – một loài cây tình nghĩa đầy ắp ki niệm. Suốt đời, cây hoàng lan chỉ mang hương thơm cho đời…

(Trích bài viết cho đề văn : “Phát biểu cảm nghĩ về một loài cây em yêu”).

d) … Gần một tuần nghỉ học, cơn sốt đã dứt, nay tôi lại đi học. Trong cửa hàng tranh bên con đường tôi vẫn đi học qua, nay không thấy bày bức tranh một bà cụ rất đẹp. Có người đã mua tranh rồi chăng ? … Bất giác, tôi nghẹn ngào gọi “Bà ngoại ơi !…”

(Trích bài viết cho đề văn : “Phát biểu cảm nghĩ về một bức tranh vô tình gặp trên đường em đi học”).

e) …Bây giờ bố lại sang Nga rồi. Không biết trời lạnh có ai nhắc bố mặc thêm áo không ? Nhìn một gia đình (đổ chơi) gà, tôi nhớ bố xiết bao ! Mẹ bảo tôi : Bố đi công tác, còn lâu mới về. Nhưng bằng tình yêu của bố với tôi, tôi vẫn muốn tin rằng : bố sẽ về với tôi trong một ngày rất gần đây, rất gần…”

(Trích bài viết cho đề văn : “Phát biểu cảm nghĩ về một đồ chơi tuổi ấu thơ”).

g) … Và đến tuổi lên năm, tôi phải nghỉ học bị bệnh, phải chữa lâu dài… Có một lần tôi nghịch, ngã rất đau. Tôi khóc rất to. Vừa lúc tôi sắp nín thì đúng lúc ba tôi đi công tác về. Thấy ba, tôi tủi thân, càng khóc to hơn. Do ba vội vào bế tôi lên, nên không kịp dựng chân chống xe, cái xe máy đổ chểnh ềnh giữa sân. Ba thương tôi và khóc không thành tiếng. Ba vừa khóc vừa bảo tôi : “Ba xin lỗi, xin lỗi con. Còn nín đi. Ba không thể ở nhà lo cho con được. Ba xin lỗi, ba có lỗi…”. Người ba rung lên và càng ôm chặt tôi hơn…

(Trích bài viết cho đề văn : “Phát biểu cảm nghĩ về người thân : người cha của em”).

h) Khi tôi đã học lớp Năm, có lần mẹ đèo tôi xuống thăm bà ngoại. Trên đường đi, có hai toán học sinh ở đâu, trên đường đi học về, nghe khích bác, đánh nhau dữ dội. Thấy anh này lấy cái Cặp nặng đầy sách đập vào đầu anh kia, mà tôi rợn cả người, cứ túm chặt áo mẹ… Mọi người đứng xem rất đông, kể cả nam giới, thanh niên khoẻ mạnh cũng không ai ngăn cản cuộc đánh nhau ấy. Tôi bỗng giật mình vì mẹ tôi, bỗng đựng xe và gào lên : “Các anh nhìn trẻ con nó đánh nhau như thế, mà không ai can ngăn chúng nó, để nó đánh nhau chết à ? Các anh có còn là người không đấy ?”. Tôi sợ quá, bảo mẹ : “Mẹ ơi, kệ người ta”. Mấy anh thanh niên nghe nói liền xông vào giằng hai bên ra, đuổi về, mỗi toán đi một hướng. Mẹ tôi xúc động quá khóc : “Đấy, con với cái, học chẳng học, chỉ đánh nhau. Là cha, là mẹ, đã đau xót chưa ?”. Đám đông lặng lẽ giải tán, không ai dám nói gì. Tôi nhìn vẻ mặt, ánh mắt của họ : họ biết mình có lỗi và cảm phục mẹ…

(Trích bài viết cho đề : “Biểu cảm về chủ đề : sống giữa tình yêu thương của mọi người”).

Bài tập 46.

“… Bây giờ chị không còn ở nhà hằng ngày với em nữa. Căn phòng chung của hai chị em giờ là của mình em. Hai chiếc bàn học kê sát hai góc phòng cũng chỉ có một mình em ngồi. Chiếc bàn cũ của chị trống trơn… Đêm ngủ, em cũng không được gác chân lên người chị nữa. Chiếc giường thiếu hơi chị dường như lạnh lẽo hơn… Không có chị ở nhà, em chẳng có ai mà đanh đá, ganh tị nữa. Em day dứt vì vô tâm, đã trót làm những điều để chị phải buồn. Em nhớ chị, mong chị về để em làm lại từ đầu. Em sẽ yêu chị, sẽ chẳng bao giờ làm chị buồn nữa… Mẹ thích ăn canh cá nấu chua, em cũng thích, nhưng nấu món ấy như thế nào hả chị ?… Viết lá thư này, không phải em mong chị tha thứ, cũng không phải mong chị hết giận em, vì chị có bao giờ trách giận em đâu. Em viết lá thư này chỉ mong chị hiểu em, rằng em gái của chị cần có chị và nhớ chị vô cùng… Em đã nhận ra một điều kì diệu nhất: chị không thể thiếu được trong cuộc sống của em, dù chị ở bất kì đâu…”.

(Trích lá thư được giải Nhất của Phạm Lan Phương, 15 tuổi, lớp 9A, Trường THCS Bàng La, thị xã Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng, trong Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 31 dành cho trẻ em).

a) Đoạn thư trích trên cho ta biết quan hệ của người viết thư và người nhận thư là quan hệ gì ? Có thể gọi là đoạn văn biểu cảm được không ? Vì sao ?

b) Chọn ra chi tiết người em thể hiện tình cảm trực tiếp, chi tiết người em thể hiện tình cảm gián tiếp với người chị trong cách xa.

c) Nếu đặt đầu đề cho đoạn văn trên, em đặt như thế nào ? Có bạn đặt đầu đề là : “Lời xin lỗi”, có bạn lại đặt đầu đề là “Xin chị tha thứ cho em”. Ý kiến của em thế nào ?

d) Thái độ, tình cảm của người viết thư (người em) là thái độ, tình cảm gì ? Qua lời người em, có thể nhận ra thái độ, tình cảm của người chị khi ở nhà với em không ? Đó là người chị như thế nào ?

e) Có một câu văn quan trọng nhất trong đoạn thư trên. Hãy tìm và viết cảm nghĩ về câu văn ấy (viết đoạn văn từ 8 đến 10 câu).

Bài tập 47.

Thông tấn xã Việt Nam bình chọn 10 sự kiện nổi bật của nước ta trong năm 2002, trong đó sự kiện thứ 10 là : “Nhiều vụ hoả hoạn nghiêm trọng đã xảy ra, điển hình là các vụ cháy rừng U Minh (Kiên Giang) và vụ cháy Trung tâm thương mại Quốc tế ở Thành phố Hồ Chí Minh…”

Viết một đoạn văn (hoặc một bài văn) biểu cảm về sự kiện nêu trên.

XI – LÀM THƠ LỤC BÁT

1. Những điều cần chú ý

  • Thơ lục bát là thể thơ rất thông dụng trong văn chương và trong đời sống song trong thực tế, nhiều học sinh, ngay cả đến sinh viên đại học cũng không nắm được đặc điểm thể thơ này. Khi cần phải làm thơ lục bát thì không biết làm đã đành, thậm chí thấy người khác làm sai cũng không nhận ra. Vì vậy, tập làm thơ lục bát là một yêu cầu cần thiết.
  • Giờ học thơ lục bát là một sinh hoạt Ngữ văn thú vị và bổ ích. Song, các em phải xác định rõ thái độ : vui vẻ nhưng phải nghiêm túc.
  • Bằng nhiều hình thức luyện tập, các em có cơ hội tập làm thơ lục bát để hiểu luật của thể thơ.

2. Ghi nhớ                          

  • Lục bát là thể thơ độc đáo của văn học Việt Nam.
  • Luật thơ lục bát thể hiện tập trung ở khổ thơ lục bát gồm một câu sáu tiếng và một câu tám tiếng, sắp xếp theo mô hình sau đây : (B : bằng ; T : trắc ; V : vần ; chưa tính đến các dạng biến thể và ngoại lệ) :

Các “tiếng” ở vị trí 1,3,5, 7 không bắt buộc theo luật bằng trắc – trong bảng đánh dấu (-). Tiếng thứ hai thường là thanh bằng. Tiếng thứ tư thường là thanh trắc (nhưng có khi có ngoại lệ : tiếng thứ hai là thanh trắc thì tiếng thứ tư sẽ đổi
thành thanh bằng). Trong câu tám, nếu tiếng thứ sáu là thanh ngang (bổng) thì tiếng thứ tám phải là thanh huyền (trầm). Ngược lại cũng vậy.

 

 

3. Bài tập

Bài tập 48.

Một bạn học sinh lớp em chép một đoạn thơ về tình mẫu tử rất cảm động, nhưng bạn để nhoè mất một số chữ. Em hãy giúp bạn khôi phục những chữ đã nhoè sao cho hợp lí, hợp vần :

Mẹ ta ……………… yếm đào

Nón mê thay nón …………………… đội đầu

Rối ren tay bí …………. bầu

…………………………….áo nhuộm nâu bốn mùa.

Bài tập 49.

Hai bạn đại diện hai đội -: một bạn xướng câu lục ; một bạn làm câu bát và cứ thế tiếp theo. Cho một bạn làm trọng tài ghi các câu thơ lên bảng.

Cách đánh giá : – Đội nào làm được nhiều câu thơ hay hơn, đội ấy thắng,

Bài tập 50.

Tập viết một bài thơ lục bát từ 4 đến 6 câu, đề tài tuỳ chọn.

Bài tập 51.

Sun tầm một bài thơ lục bát mà em yêu thích (tránh nhầm với ca dao).

XII – ÔN TẬP VỂ VĂN BIẾU CẢM

1. Ghi nhớ

  • Cần ôn lại kiến thức : thế nào là văn bản biểu cảm (xem lại các phần Ghi nhớ đã học).
  • Cần phân biệt văn tự sự, văn miêu tả với yếu tố tự sự, yếu tố miêu tả trong văn biểu cảm.
  • Rèn thành thạo các kĩ năng làm bài : tìm hiểu đề, cách lập ý và lập dàn bài cho một đề văn biểu cảm.
  • Chú ý rèn luyện cách sử dụng ngôn ngữ trong văn biểu cảm gần với ngôn ngữ thơ.
  • Rèn kĩ năng qua các bài tập thực hành.

2. Bài tập

Bài tập 52.

“Hãy lắng nghe tiếng gió trong vườn mía ! Đó là tiếng rì rầm, nhè nhẹ của không gian hát bài ca xây mật ngọt. Hãy lắng nghe tiếng gió trên đồng lúa chín vàng ! Đó là tiếng xào xạc, thì thào của ấm no. Hãy lắng nghe tiếng sóng vỗ vào ghềnh đá cần cù ngày đêm, hết ngày này sang tháng khác ! Mỗi tiếng “ào”… lên như thế đã góp phần làm cho “nước chảy, đá mòn”… Hãy lắng nghe mà xem, tiếng mưa rào như bước chân đoàn người đi vội. . Và tiếng chim tu hú khắc khoải gọi mùa hè, tiếng chim vít vịt gọi mưa đến, tiếng chim cu cườm đánh thức những buổi trưa êm vàng… Tiếng chim cuốc buồn thảm bao nhiêu, thì tiếng chim sơn ca lại véo von, rộn rã bấy nhiêu !

Hãy lắng nghe tiếng của thiên nhiên. Âm thanh sống động của nó cứ reo lên, hát lên hằng ngày quanh ta. Cây cỏ, chim muông, cả tiếng mưa, tiếng nắng ; lúc nào cũng thầm thì, náo nức, lao xao, tí tách… Và nếu bạn để ý kĩ mà xem : tiếng ban ngày chả giống tiếng ban đêm. Lúc con gà ó o báo hiệu bình minh, ta lại bắt gặp bao nhiêu âm thanh của một ngày vừa bắt đầu. Những âm thanh giống hôm qua, nhưng không phải hôm qua. Bởi âm thanh hôm qua đã đi vào vô cùng, vô tận rồi ! Hãy lắng nghe đi bạn ơi ! Đừng để món quà quý báu đó của thiên nhiên tặng chúng ta hoài phí”.

(Theo Băng Sơn, báo Phụ nữ Việt Nam, số 47, tháng 4/1982)

a) Chỉ ra phương thức biểu đạt của văn bản trên.

A – Miêu tả

B – Tự sự

C – Biểu cảm

D – Nghị luận

b) Các biện pháp nghệ thuật đã sử dụng trong văn bản.

A – Nhân hoá

B – So sánh 

C – Điệp ngữ

D – Cả A, B, C.

c) Hãy đặt đầu đề cho văn bản.

d) Phát biểu cảm nghĩ của em khi đọc xong văn bản trên. .

Bài tập 53. Cho ba văn bản sau :

(1) …Rừng đước mênh mông. Cây đước mọc dài tăm tắp, cây nào cây nấy thẳng như cây nến khổng lồ. Rễ cao từ ba bốn thước tua tủa giương ra chung quanh như những cánh tay từ trong thân cây thò ra bám đất. Mặt đất lầy nhẵn thín, không một cọng cỏ mọc. Chỉ có vài chiếc lá rụng mà nước triều chưa lên kịp để cuốn đi…

(Đoàn Giỏi, Đất rừng phương Nam)

(2) Mùa xuân, các loài hoa nở rộ. Có chú Ong nhỏ mới sáng ra đã bay tới vườn hoa hút mật. Chú làm việc say sưa đến lúc có tiếng gọi :

– Mau nghỉ thôi, chú em. Đến giờ ăn trưa rồi đấy !

Ong nhỏ nhận ra đấy là tiếng chị hoa Hướng Dương. Chú ngạc nhiên :

– Ơ, sao chị biết bây giờ là buổi trưa ?

Chị Hướng Dương cười vang :

– Thì tôi nhìn đồng hồ chứ sao !

Ong nhỏ càng ngơ ngác hơn, vì rõ ràng ở vườn hoa làm gì có đồng hồ.

Đúng lúc đó thì chim Sơn Ca bay tới. Nghe được câu chuyện của hoa Hướng Dương và Ong nhỏ, Sơn Ca giải thích :

– Để tớ chỉ cho cậu cái đổng hổ ấy nhé.

Nó chính là vườn hoa này đấy. Hoa Tường Vi nở vào lúc năm giờ. Hoa Thược Dược nở lúc bảy giờ. Hoa Sen nở lúc tám giờ. Còn hoa Mươi Giờ thì dĩ nhiên nở vào… mười giờ rồi…

Ong nhỏ khoái quá, reo lên :

– Hay quá ! Thế là từ nay tớ đã biết nhìn hoa để xem giờ rồi ! Cảm ơn Sơn Ca nhé !                                     

(Theo Hoạ Mi)

(3)

 

Sáng Bé đi nhà trẻ

Mặt Trời cười theo đi

Nắng mai hồng rực rỡ

Cành xanh nghiêng bóng che.

Bé chơi phi ngựa gỗ

Mặt Trời chừng cũng say

Thềm rung rung bóng nắng

Ngựa ơi, bay lên, bay…

Bé múa xoè búp tay

Mặt Trời xoè búp nắng

Bàn tay Bé dâng hoa

Mặt Trời dâng quả chín.

Trưa Bé vào lòng mẹ

Bóng Mặt Trời tròn theo

Bé thương Mặt Trời lắm

Mẹ Mặt Trời ở đâu ?

 

(Ngô Minh)

a) Nêu phương thức biểu đạt của ba văn bản trên.

b) Chỉ ra điểm giống và khác nhau của ba văn bản.

c) Đặt đầu đề cho ba văn bản.

d) Tại sao trong văn bản 3 (bài thơ) Mặt Trời và Bé lại viết hoa ? Có phải là lỗi chính tả không ? Chỉ ra chi tiết ngộ nghĩnh nhất của bài thơ.

e) Có người nhận xét về văn bản số 3 : Bài thơ đã nói được ba quan hệ vô cùng thân thiết với trẻ thơ. Hãy chỉ ra ba quan hệ đó. Viết đôi dòng cảm xúc và suy nghĩ về bài thơ.

Bài tập 54. Cho đề văn : “Phát biểu cảm nghĩ về tuổi ấu thơ đi học qua một thứ quà của tuổi thơ”.

a) Tim hiểu đề – chọn hướng lập ý.

b) Lập dàn ý.

c) Dựa vào dàn ý, viết thành bài văn hoàn chỉnh.

Bài tập 55. Cho đề văn : “Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Bài ca Côn Sơn của Nguyễn Trãi”. (Yêu cầu như Bài tập 54)

Xem thêm chi tiết và tải về file word tại đây. 

=> Xem thêm: Các dạng bài tập cảm thụ thơ văn tại đây. 

 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận