Các dạng bài tập cảm thụ thơ văn – Ngữ Văn 7 nâng cao

Đang tải...

BÀI TẬP CẢM THỤ THƠ, VĂN

*NHỮNG ĐIỀU CẦN CHÚ Ý

Chương III cuốn sách Các dạng bài tập làm văn và cảm thụ thơ văn lớp 6, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2002, đã giúp các em hiểu được đôi điều về vai trò quan trọng của việc rèn khả năng cảm thụ thơ văn, đã giúp các em tạm thời định hình được các bước khi làm một bài tập cảm thụ nói chung ở THCS. Với khoảng 15 bài tập ở các dạng bài, cuốn sách bước đầu đã giúp các em rèn luyện nâng cao việc học phần Văn học, Tập làm văn ở lớp 6. Chắc chắn, các em sẽ thấy thú vị và yêu mến văn chương khi đi sâu khai thác các bài tập đó.

Các bài tập ở chương II cuốn sách này là sự tiếp nối và nâng cao hơn một mức so với các bài tập cảm thụ thơ văn lớp 6. Tìm hiểu, khai thác các bài tập này, các em sẽ nhận ra nhiều vẻ đẹp khác của đời sống, của tâm hồn con người, của văn chương.                                     

* CÁC DẠNG BÀI TẬP

Bài tập 1. Cho đoạn văn sau :

“Nắng của mùa thu là sắc lá vàng ngập lối ta đi, là những bông cúc nở xoè bên hiên nhà lặng lẽ. Nắng mùa thu là mênh mang sắc vàng của trái thị, của những cây rạ mẹ phơi… Còn nắng của mùa đông hiếm hoi, ngậm ngùi gợi một chút nao nao nuối tiếc… Bất chợt có một chiều đông, vài giọt nắng rớt xuống bên hiên, cô bé ngơ ngác nhìn, đưa tay ra hứng. Không biết đó có phải là những giọt nắng mùa thu vô tình bỏ quên, còn sót lại ; hay chúng được chắt chiu, dệt nên từ những bông cải vàng thắm trong khu vườn nhỏ ?… Cô bé ngồi lặng lẽ, dõi nhìn về chút nắng yếu ớt hắt lên từ cuối chân trời xa xa. Bất giác cô bé cảm thấy mùa đông thật tội nghiệp và đáng thương, phải dành dụm cho mình từng giọt nắng hiếm hoi, không đủ sức để xua đi gió mùa lạnh lẽo. Thương mùa đông lắm, cô bé đã ngắt những bông hoa cải vàng, thả xuống dòng sông để góp vào cho mùa đông một chút nắng. Sắc hoa cải vàng dập dềnh, mênh mang trên sóng nước của một buổi chiều đông”.

(Theo Lương Đình Khoa, báo Thiếu niên tiền phong, số 142)

a) Có bạn cho rằng đoạn văn 9 câu trên vẫn cần chia làm nhiều đoạn nhỏ hơn nữa thì ý mới rõ ràng, mạch lạc. Ý kiến của em như thế nào ?

Nếu em đồng ý với ý kiến của bạn, em sẽ phân đoạn ra sao ? Căn cứ để phân đoạn là gì ?

b) Đoạn văn trên được viết theo phương thức biểu đạt chính nào ? Khoanh tròn chữ cái trước câu trả lời mà em cho là đúng :

A – Biểu cảm

B – Tự sự

C – Miêu tả

c) Đặt đầu đề cho đoạn văn.

d) Phân tích cái hay của đoạn văn mà em cảm nhận được : về cách diễn đạt, về nội dung.

Bài tập 2. Nhà văn người Đức Hen-rích Hai-nơ có viết đoạn thơ trích trong bài Thư gửi mẹ như sau :

 

Con thường sống ngẩng cao đầu, mẹ ạ

Tính tình con hơi ngang bướng, kiêu kì

Nếu có vị chúa nào nhìn con vào mất

Con chẳng bao giờ cúi mặt trước uy nghi.

                                 *

                              *    *

Nhưng mẹ ơi, con xin thú thật

Trái tim con dù kiêu hãnh thế nào

Đứng trước mẹ dịu dàng, chân chất

Con thấy mình bé nhỏ làm sao !

(Tế Hanh dịch)

 

a) Nêu gọn nội dung khổ thơ 1 và khổ thơ 2 ; ở mỗi khổ thơ, nội dung chỉ được, nêu trong một câu. Quan hệ của nội dung giữa hai khổ thơ ấy như thế nào ?

b) Hai khổ thơ trên nối liền nhau thành một văn bản. Phân tích sự liên kết chặt chẽ của văn bản.

c) Trong đoạn thơ trên có một cặp từ trái nghĩa. Chỉ ra và nêu tác dụng của cặp từ đó.             

d) Phát biểu cảm nghĩ của em về hai khổ thơ trên.

Bài tập 3. Đây là lời của một bà mẹ Việt Nam (trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước) nói với con trai mình :

 

Con là lửa ấm quanh đời mẹ mãi

Con là trái xanh mùa gieo vãi

Mẹ nâng niu. Nhưng giặc Mĩ đến nhà

Nắng đã chiều… vẫn muốn hắt tia xa !

(Phạm Ngọc Cảnh, Mẹ)

 

a) Đoạn thơ sử dụng biện pháp nghệ thuật:

A – So sánh

B – Ẩn dụ

C – Nhân hoá

D – Cả A, B, C.

b) Phân tích dấu chấm câu giữa câu thơ 3 và từ nhưng. Tác dụng của hai dấu hiệu ấy với nội dung như thế nào ?

c) Em hiểu câu thơ thứ tư như thế nào ?

d) Có bạn cho rằng khổ thơ này có hai ý đối lập nhau. Em có đồng ý với nhận xét trên không ? Ý kiến của em như thế nào ?

e) Viết đoạn văn (từ 10 – 12 câu) phát biểu cảm nghĩ của em về hình ảnh bà mẹ Việt Nam trong khổ thơ trên.

Bài tập 4. Đọc đoạn thơ viết về Bác Hồ như sau :

 

Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi.

Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác

Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất

Bốn phía nhìn không bóng một hàng tre.

 

Đêm xa nước đầu tiện, ai nỡ ngủ

Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương

Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở

Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương…

(Chế Lan Viên, Người đi tìm hình của nước)

 

a) Đoạn thơ đã viết về sự kiện nào trong cuộc đời hoạt động của Bác Hồ kính yêu ? Lúc đó Bác có tên là gì ?

b) Phân tích hiệu quả của dấu chấm câu giữa câu thơ thứ nhất và từ nhưng.

c) Trong đoạn thơ trên có ba từ đồng nghĩa. Chỉ ra ba từ đó và lí giải tại sao tác giả lại sử dụng như vậy ? Có thể chỉ dùng một từ cho cả ba vị trí được không ?

d) Viết đoạn văn (từ 12 đến 15 câu) biểu cảm về đoạn thơ trên.

e) So sánh dấu chấm câu giữa câu thơ thứ ba và từ nhưngBài tập 3 với dấu chấm câu giữa câu thơ thứ nhất và từ nhưng của Bài tập 4.

Bài tập 5. Cho bài thơ sau (viết năm 1972 – thời kì cả nước chống đế quốc Mĩ) :

 

Cua Con hỏi mẹ,

Dưới ánh trăng đêm

– Cô Lúa đang hát

Sao bỗng lặng im ?

                 *

            *        *

Đôi mắt lim dim

Mẹ Cua liền đáp :

– Chú Gió đi xa

Lúa buồn không hát.

 

a) Bài thơ trên được viết theo phương thức biểu đạt chính nào ?

A – Tự sự

B – Miêu tả 

C- Biểu cảm

b) Trong bài thơ có mấy nhân vật ? Những nhân vật nào là chính ? Vì sao em khẳng định đó là những nhân vật chính ?

c) Bài thơ sử dụng biện pháp nghệ thuật chính nào ?

A – So sánh

B – Nhân hoá 

C – Ấn dụ

D – Cả B và c

d) Đặt đầu đề cho bài thơ. Người viết bài thơ này là ai ?

e) Viết đoạn văn phát biểu cảm nghĩ về bài thơ trên.

Bài tập 6. Đọc bài thơ bốn chữ sau :

Bố vào lò gạch

Mẹ ra đồng cày

Anh đi công tác

Chị săn máy bay

 

Cả nhà vắng hết

Chỉ còn bé Giang

Bé đánh tam cúc

Với con mèo Khoang

 

Nắng hồng chín rực

Bỗng nhiên bay vào

Rung râu, chớp mắt

Mèo ta “Ngoao ! Ngoao !”

 

– Quân này mày chui

Quân này tao được !

Mèo bỗng dỏng tai

Mắt xanh như nước.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đây là tướng ông

Chân đi hài đỏ

Đây là tướng bà

Tóc hiu hiu gió

 

Đây là con ngựa

Chân có bụi đường

Và đây quân sĩ

Thuộc làu văn chương …

 

– Quân này mày được 

Quân này tao chui

Mèo ta phổng mũi

Ngoao ! Ngoao ! Một hồi

 

– À thôi, mày được !

Bé Giang dỗ dành

Mèo thè lưỡi đỏ

Liếm vào răng nanh…

 

Nắng dừng trước cửa

Lúc nào không hay

Đã nghe khói bếp

Nhà ai thơm bay …

(Trần Đăng Khoa)

 

a) Đọc bài thơ, em có nhận ra bài thơ được sáng tác trong hoàn cảnh lịch sử nào của dân tộc ta, đất nước ta không ? Phân tích các dấu hiệu thể hiện khiến em nhận ra điều này.

b) Tác giả miêu tả hình ảnh các quân tam cúc rất sống động. Hãy chỉ ra và phân tích các chi tiết đó.

c) Có sáu câu thơ miêu tả tâm lí chú mèo Khoang khi chơi tam cúc cùng bé Giang. Chỉ ra và phân tích các câu thơ ấy.

d) Có người nhận xét : Ở khổ thơ cuối, tác giả đã có sự chuyển đổi cảm giác rất nghệ sĩ, rất độc đáo. Hãy tìm và phân tích cái hay của sự sáng tạo nghệ thuật đó.

e) Chọn cách đặt đầu đề đúng và hay nhất:

A – Bé Giang và mèo Khoang

B – Đánh tam cúc

C – Bé Giang rất ngoan

D – Đôi bạn

g) Phát biểu cảm nghĩ về nhân vật bé Giang trong bài thơ.

Bài tập 7. Phân tích và phát biểu cảm nghĩ về cái hay, cái ngộ nghĩnh của bài thơ có nhan đề Ngủ rồi của nhà thơ Phạm Hổ :

 

Gà Mẹ hỏi Gà Con :

– Đã ngủ chưa đấy hả ?

Cả đàn gà nhao nhao :

– Ngủ cả rồi đấy ạ !

 

Bài tập 8. Trong văn bản Một thứ quà của lúa non : Cốm (Thạch Lạm) (Ngữ văn 7, tập một), tác giả đã sử dụng rất nhiều lần quan hệ từ “của”.

a) Đếm thử có bao nhiêu từ “của” trong văn bản (kể cả ở nhan đề).

b) Tác dụng của các từ “của” này đối với nội dung văn bản ?

Bài tập 9. Có một bài thơ năm chữ như sau :

Cái cây làm mùa xuân

Bằng những bông hoa nở

Và những cái lộc non

Sáng bừng trên nách lá.

 

Nhà cao chạm vào mây

Là mùa xuân của bố

Tay bố xây như múa

Viên gạch hồng trên tay.

 

Đàn lợn đẹp như tranh

Mạ non đứng thẳng hàng

Mùa xuân từ tay mẹ

Xanh trên đồng, trên nương

 

Chị dệt tấm thảm len

Thu bầu trời, hoa lá

Đồng quê cánh diều lên

Cò trắng bay lấp lóa.

 

Còn bé thì đi học

Chẳng biết làm mùa xuân

Chỉ nhiều phiếu bé ngoan

Dán trên tường chi chít.

 

Thế mà cả nhà khen

“Bức tranh xuân” đẹp nhất!

 

 

a) Có thể chọn cách đặt đầu để bài thơ đúng nhất và hay nhất:

A – “Bức tranh xuân” đẹp nhất.

B – Cả nhà làm mùa xuân 

C – Cuộc sống là mùa xuân

D – Mùa xuân của bé !

b) Những nhân vật nằo trong bài thơ làm ra mùa xuân ? Nêu mùa xuân theo quan niệm của từng nhân vật trong bài.

Nên hiểu mùa xuân trong bài thơ theo nghĩa nào ?

c) Diễn xuôi bài thơ thành một đoạn văn ngắn.

Bài tập 10.

Cho hai đoạn văn sau :

“Sài Gòn vẫn trẻ. Tôi thì đương già. Ba trăm năm so với năm ngàn năm tuổi của Đất nước thì cái đô thị này còn xuân chán. Sài Gòn cứ trẻ hoài như một cây tơ đương độ nõn nà, trên đà thay da, đổi thịt, miễn là cư dân ngày nay và cả ngày mai biết cách tưới tiêu, chăm bón, trân trọng giữ gìn cái đô thị ngọc ngà này.

Tôi yêu Sài Gòn da diết… Tôi yêu trong nắng sớm, một thứ nắng ngọt ngào, vào buổi chiều lộng gió nhớ thương, dưới những cây mưa nhiệt đới bất ngờ. Tôi yêu thời tiết trái chứng vói trời đang ui ui buồn bã, bỗng nhiên trong vắt lại như thuỷ tinh. Tôi yêu cả đêm khuya thưa thớt tiếng ồn. Tôi yêu phố phường náo động, dập dìu xe cộ vào những giờ cao điểm. Yêu cả cái tĩnh lặng của buổi sáng tinh sương với làn không khí mát dịu, thanh sạch trên một số đường còn nhiều cây xanh che chở…”.

(Minh Hương, Sài Gòn tôi yêu)

a) Hai đoạn văn trên viết theo phương thức biểu đạt chính nào ?

A – Tự sự

B – Miêu tả

C – Biểu cảm

D – Nghị luận

b) Một bạn học sinh cho rằng :

– Đoạn 1 : Giới thiệu Sài Gòn.

– Đoạn 2 : Tinh yêu Sài Gòn.

Nếu em đồng ý với ý kiến vừa nêu trên của bạn thì hãy cho biết:

+ Tác giả đã giới thiệu Sài Gòn bằng cách nào ? Cái hay của cách giới thiệu ấy ?

+ Người viết đã bộc lộ tình yêu của mình với Sài Gòn như thế nào ?

Bài tập 11. Đọc bài thơ lục bát sau :

Tự nhiên lại gọi tên làng

Như là đứa trẻ lạc đường gọi cha

Giật mình như vạc ăn xa

Qua đêm mới kịp nhận ra chân trời

Bàn chân nhẵn bắc, nam rồi

Thương về cái cổng cóc ngồi dầm mưa

Miếng cà nhai tự ngày xưa

Bây giờ nghe lại vẫn chưa hết giòn.

Nghe bao lời phấn, lời son

Rưng rưng lại ước mẹ còn… võng đưa…

Lời quê lắm nắng nhiều mưa

Nắng mưa sao ngọt, cày bừa sao thơm

Nhiều khi đói, chẳng thèm cơm

Thèm lời chân thật được đơm cho đầy

Đem mình làm cuộc trưng bầy

Nhìn mình : chỉ thấy mình đầy dấu quê

Hồn như hạt cải, hạt kê

Gieo đi trăm ngả lại về làng xanh

Câu thơ lạc chốn đô thành

Xin về ngọt với đất lành, làng ơi!

(Nguyễn Minh Khiêm, báo Giáo dục và thời đại, số 131)

a) Khoanh tròn ý kiến đúng và đủ về thơ lục bát.

A – Thể thơ lục bát là thể thơ độc đáo của văn học Việt Nam

B – Tiếng thứ sáu của câu sáu tiếng hợp vần với tiếng thứ sáu của câu tám tiếng. Và tiếng thứ tám của câu tám tiếng lại hợp vần với tiếng thứ sáu của câu sáu tiếng tiếp theo

C – Các tiếng ở,vị trí 1, 3, 5, 7 không bắt buộc theo luật bằng – trắc

D – Cả A, B, C.

b) Nêu biện pháp nghệ thuật chính được sử dụng trong bài thơ :

A – So sánh

B – Ẩn dụ

C – Hình ảnh tượng trưng

D – Nhân hoá E – Cả A, B, C.

d) Chọn cách đặt đầu đề đúng và hay nhất. Cho biết lí do chọn lựa.

A – Làng

B – Lại về làng xanh

C – Dấu quê

D – Cội nguồn

E – Chân quê

d) Tập phân tích và phát biểu cảm nghĩ của em về bài thơ trên (số câu tuỳ ý).

Bài tập 12 :

 

Trên đường hành quân xa

Dừng chân bên xóm nhỏ

Tiếng gà ai nhảy ổ:

“Cục … cục tác, cục ta”

Nghe xao động nắng trưa

Nghe bàn chân đỡ mỏi

Nghe gọi về tuổi thơ.

(Xuân Quỳnh, Tiếng gà trưa, 1984)

 

a) Em hiểu gà “nhảy ổ” là thế nào ?

b) Các cô chú bộ đội khi hành quân qua làng, nghe tiếng gà “cục tác”, tại sao lại có cảm giác :

 

Nghe xao động nắng trưa

Nghe bàn chân đỡ mỏi

Nghe gọi về tuổi thơ

 

Nhà thơ diễn tả như thế có phi lí không ? Tại sao ? Hãy phân tích, lí giải theo cảm nhận của riêng em.

Bài tập 13. Đọc câu chuyện sau :

“Mẹ Tú mua về cho ông nội cái tay nhựa và cái nắm đấm bằng dạ để ông tự gãi lưng và đấm bóp. Mẹ nghĩ : người già thường nhức mỏi và hay bị dị ứng thời tiết. Ông thích lắm, nói : “Ừ, tiện thật !”. Nhưng một thời gian ngắn sau, Tú thấy ông không dùng nó nữa. Trưa, ông gọi Tú đến, bảo : “Cháu gãi lưng giùm ông nội nhé !”. Tú mải chơi, nên thoái thác : “Nhưng ông có cái tay nhựa gãi lưng rồi !”. Ông im lặng, buồn buồn. Tối, ông than mỏi, kêu Tú : “Cháu đấm bóp giùm ông nội nhé !”. Tú lại thoái thác : “Nhưng ông có cái nắm đấm dạ rồi !”. Ông buồn buồn, im lặng. Hôm sau, mẹ đem cất cái tay nhựa và cái nắm đấm dạ đi. Gọi Tú lại, mẹ bảo : “Mỗi trưa, con đến hỏi ông nội có muốn gãi lưng không, gãi lưng cho ông. Tối, nhớ đấm bóp cho ông nghen !”. Tú tròn mắt nhìn mẹ và hỏi : “Vậy cái tay nhựa và cái nắm đấm dạ mẹ mua về cho ông để làm gì ?”. Mẹ ôm Tú vào lòng nói : “Những thứ đồ nhựa, đồ dạ ấy không có hơi người, lạnh lẽo lắm !”. Tú ngẫm nghĩ một lúc, rồi vụt chạy khỏi tay mẹ, vào với ông : “Ông ơi ! Ông ngứa đi, để Tú gãi cho ông. Ngứa râu trước, ông nhé. Gãi râu thích hơn gãi lưng”. Ông nội cười khà khà, gãi gãi tay lên mái tóc xanh mướt của Tú.”

(‘Trích tập truyện 35 tác phẩm được giải, Trần Thị Ngọc Hổng, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2002)

a) Do sơ ý, bạn viết lại câu chuyện đã viết thành một mạch liền 17 câu. Em hãy giúp bạn ấy tách truyện thành các đoạn sao cho hợp lí. Đặt tiêu đề cho từng đoạn. Nêu căn cứ tách đoạn.

b) Cái tay nhựa và cái nắm đấm bằng dạ là hai đồ dùng rất tiện lợi, rất cần thiết với người già trong gia đình. Vậy tại sao mẹ Tú mua về, rồi lại cất đi ?

c) Toàn truyện có một câu quan trọng nhất. Hãy chỉ ra câu đó và cho biết vì sao câu đó lại là câu quan trọng nhất ?                                                                     –

d) Các cách đặt tên truyện sau đây, cách nào đúng mà lại hay nhất ? Còn cách nào nữa không ?

A – Tinh cháu với ông

B – Bàn tay nhựa và cái nắm đấm dạ

C – Không có hơi người

D – Tình người

E – Tình ông cháu

e) Viết một đoạn văn (từ 10 – 12 câu) phát biểu cảm nghĩ về câu chuyện trên.

 

Xem thêm chi tiết và tải về file word tại đây. 

=> Xem thêm:

Hướng dẫn làm bài tập cảm thụ thơ, văn phần 1 tại đây. 

 

Các dạng bài tập cảm thụ thơ văn (tiếp) tại đây. 

 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận