Cuộc chia tay của những con búp bê – Để học tốt Ngữ văn lớp 7

Đang tải...

CUỘC CHIA TAY CỦA NHỮNG CON BÚP BÊ

KHÁNH HOÀI

I/ GIỚI THIỆU CHUNG VỀ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM

1/ Tác giả

            – Tên khai sinh: Đỗ Văn Xuyền, sinh ngày 10 tháng 7 năm 1937.

            – Quê gốc: xã Đông Kinh, Đông Hưng, Thái Bình.

            – Nơi ở hiện nay: thành phố Việt Trì, Phú Thọ.

            – Tốt nghiệp Đại học Sư phạm (khoa Sinh ngữ). Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1981).

            – Khánh Hoài học tiểu học và trung học ở Thái Bình, Hà Nội và Hải Phòng. Thời kì học Trung học đã tham gia hoạt động bí mật trong phong trào học sinh, sinh viên. Năm 1956-1959 học Đại học Sư phạm Hà Nội. Từ 1959- 1987: Dạy học, làm hiệu trưởng nhiều trường phổ thông ở Vĩnh Phú. Từ 1988 đến nay: Chi Hội trưởng chi hội Văn nghệ Việt Trì; Trưởng Ban Văn hoá – Xã hội và Phó chủ nhiệm thường trực uỷ ban bảo vệ chăm sóc trẻ em thành phố Việt Trì.

2/ Tác phẩm

            Truyện “Cuộc chia tay của những con búp bê” đã đoạt giải thưởng trong cuộc thi sáng tác về quyền trẻ em năm 1992 và được ghi lại trong tuyển tập thơ văn của giải thưởng.

II/ HƯỚNG DẪN HỌC SINH CẢM THỤ VĂN BẢN

1/ Về nội dung

            – Đây là văn bản nói về quyền trẻ em. Nó phản ánh một thực tế là xã hội càng phát triển thì càng nảy sinh ra nhiều mặt trái: gia đình tan vỡ, trẻ em lang thang cơ nhỡ, bị đối xử tệ bạc, có thể gọi là: nỗi khổ về cuộc sống vật chất và nỗi đau về tinh thần. Trong mọi hoàn cảnh, người phải chịu nhiều đau thương, thiệt thòi nhất là trẻ em với nỗi đau sống thiếu cha mẹ, hoặc cha mẹ, con cái chia lìa.,.

            – Trong “Cuộc chia tay của những con búp bê”, tác giả tập trung khai thác, miêu tả cảnh đổ vỡ giữa cha, mẹ và cuộc chia tay cảm động của hai em bé Thành, Thuỷ với các bạn, với đồ chơi là những con búp bê.

            – Mượn chuyện chia tay của những con búp bê, tác giả thể hiện tình thương xót đối với những đứa trẻ trước bi kịch gia đình: bố mẹ bỏ nhau, anh em mỗi người một ngả, đổng thời khẳng định và ngợi ca những tình cảm tốt đẹp, trong sáng của tuổi thơ.

            – Qua đây, người đọc thấy được tổ ấm gia đình là vô cùng quý giá và quan trọng, mọi người cần bảo vệ và giữ gìn không nên vì bất cứ lí do gì làm tổn hại đến tình cảm tự do, trong sáng ấy.

2/ Về nghệ thuật

            – Truyện viết về cuộc chia tay của những con búp bê hay cũng chính là cuộc chia tay của hai em bé Thành và Thuỷ. Khi bố mẹ chúng li dị thì hai anh em cũng phải chia xa, đứa thì ở với mẹ, đứa thì ở với bố. Câu chuyện là một ẩn dụ lớn được viết một cách tự nhiên, trong sáng.

            – Ngòi bút tác giả đặc biệt tinh tế trong việc xây dựng những nhân vật trẻ thơ với những nét tính cách rất chân thật, tự nhiên. Bé Thành và Thuỷ là hai nhân vật chính, có vai trò quan trọng nhất trong việc làm rõ tư tưởng chủ đề truyện, được tác giả tập trung thể hiện từ cử chỉ, hành động, lời nói đến tâm trạng.

            – Trong truyện còn có nhiều nhân vật phụ góp phẩn giúp nhân vật chính bộc lộ cảm xúc suy nghĩ như: người mẹ, người bố, cô giáo Tâm, các bạn học cùng lớp, con Vệ Sĩ và con Em Nhỏ.

III/ HƯỚNG DẪN HỌC SINH PHÂN TÍCH VĂN BẢN

1/ Nhan đề

            “Cuộc chia tay của những con búp bê” nhưng thực chất là sự chia lìa của những đứa trẻ khi bố mẹ li dị. Nhân vật chính không phải là những con búp bê và câu chuyện cũng không chỉ viết về cuộc chia tay của chúng nhưng đó là một hình ảnh có ý nghĩa biểu tượng sâu sắc.

            – Tên truyện có liên quan đến ý nghĩa của truyện, tâm hồn các em cũng ngây thơ trong sáng như những con búp bê, nhắc đến búp bê là nói đến sự ngộ nghĩnh không bao giờ biết buồn.

            – Vì bố mẹ chia tay nên dẫn đến cuộc chia tay của con cái, và những con búp bê cũng mỗi con một ngả. Hai anh em Thành và Thuỷ đã không để cho hai con búp bê chia tay, các em không muốn búp bê như mình, muốn chúng ở bên nhau hạnh phúc. Hình ảnh xúc động và thấm thía “đặt con Em Nhỏ quầng tay vào con Vệ Sĩ” nói lên nguyện vọng mãi ở bên nhau của hai đứa trẻ có sức ám ảnh sâu sắc.

2/ Tóm tắt văn bản

            – Thành và Thuỷ là hai anh em hết mực thương yêu nhau nhưng lại phải chia tay nhau vì bố mẹ li hôn. Trước khi chia tay, hai anh em chia đồ chơi cho nhau. Thành nhường hết đổ chơi cho em. Thuỷ sợ anh ngủ lại gặp ác mộng, chia cho anh con búp bê Vệ Sĩ để nó canh giấc ngủ cho anh, còn em nhận lấy con Em Nhỏ. Hai anh em còn đến trường để Thuỷ chia tay cô giáo và các bạn. Cô giáo tặng Thuỷ một quyển sổ với một chiếc bút máy nắp vàng nhưng em không dám nhận vì mẹ đã sắm cho em một thúng hoa quả để ra chợ ngồi bán. Trước khi chia tay, Thuỷ suy nghĩ lại, đã đưa luôn cho anh con búp bê Em Nhỏ, để hai con búp bê không bao giờ phải xa nhau như Thành và Thuỷ.

3/ Ngôi kể

            – Truyện được kể theo ngôi thứ nhất, nhân vật xưng “tôi” là bé Thành, em là người chứng kiến sự việc xảy ra và cùng chịu nỗi đau như em gái mình.

            – Việc lựa chọn ngôi kể này đã tạo nên tính chân thực, cảm động của câu chuyện, diễn tả được sâu sắc những đau khổ, những tình cảm trong sáng của hai anh em trước bi kịch gia đình. Với ngôi kể này, tác giả đã để trẻ thơ tự nói lên suy nghĩ, tình cảm của mình và vì thế thông điệp về quyền trẻ em mà tác giả muốn gửi gắm đến người đọc trở nên nhẹ nhàng mà thấm thìa, day dứt hơn.

4/ Phân tích cụ thể

4.1/ Nỗi đau khổ của những đứa trẻ khi phải chia lìa và tình cảm anh em gắn bó

            – Người xưng tôi, kể lại câu chuyện là bé Thành nhưng tâm trạng của nhân vật Thuỷ trong cảnh chia lìa được khắc hoạ rõ nét hơn.

            – Nỗi đau khổ của 2 đứa trẻ được biểu hiện rất phong phú: khi là lời nói trực tiếp, lúc qua cử chỉ hành động…

            + Suốt đêm, cả hai anh em đều khóc, Thuỷ “nức nở, tức tưởi”, em khóc nhiều nên bờ mi đã “sưng mọng lên”, cặp mắt đen “buồn thăm thẳm”. Thành “phải cắn chặt môi để khỏi bật lên tiếng khóc to”, nước mắt “tuôn ra như suối, ướt đầm cả gối và hai tay áo”.

            + Buổi sáng sớm hai anh em ra vườn và dành cho nhau những cử chỉ hết sức gần gũi, thân yêu: “em lặng lẽ đặt tay lên vai” anh còn anh “kéo em ngồi xuống và khẽ vuốt mái tóc” như một sự an ủi vỗ về.

            + Bé Thành nhớ lại những kỉ niệm cảm động của hai anh em: bé Thuỷ mang kim chỉ ra tận sân vận động vá áo cho anh, “bàn tay mảnh mai của em dịu dàng đưa mũi kim thoăn thoắt”, bé Thuỷ biết anh mình đêm hay chiêm bao, sợ ma đã “buộc con dao díp vào lưng con búp bê lớn” (Vệ Sĩ) để ở đầu giường canh giấc, ngủ cho anh.

            – Chi tiết về con búp bê Vệ Sĩ và Em Nhỏ cho thấy tình cảm của hai anh em cũng như mong ước được mãi ở bên nhau trong một mái ấm của hai đứa bé. Đến lúc phải chia tay, mặc dù rất thích hai con búp bê đó, không muốn chúng phải xa nhau nhưng Thuỷ vẫn lo “như vậy lấy ai gác đêm cho anh”. Trước lúc lên xe, Thuỷ vẫn kịp dặn với lại: “Vệ Sĩ thân yêu ở lại nhé! Ở lại gác cho anh tao ngủ nhé!”.

            -> Đối với một cô bé, mới học lớp 4 thì hành động đó giống như một sự hi sinh, thể hiện sự chu đáo, quan tâm đến anh, một cách cư xử rất “người lớn” khiến không chỉ Thành mà bạn đọc phải bất ngờ.

            – Cảnh chia tay đồ chơi đã nói lên tình cảm anh em thắm thiết, gắn bó tuyệt vời. Không phải là cảnh tranh giành các đồ chơi đẹp, những người bạn tinh thần của trẻ con mà là sự nhường nhịn rất cao thượng. Thành đưa ra quyết định trước: “Không phải chia nữa, Anh cho em tất” nhưng Thuỷ củng không đồng ý: “Không, em không lấy. Em để hết lại cho anh”. Đó không phải câu dằn dỗi của một đứa trẻ mà là sự nhường nhịn. Em không nỡ để hai con búp bê chia tay như một lời hứa: dù hoàn cảnh nào anh em cũng không quên nhau.

            – Tác giả đã đặt ra mâu thuẫn trong cuộc chia tay búp bê và tạo đột biến bằng cách ứng xử vượt trên lứa tuổi của Thuỷ. Chi tiết này vừa khiến người đọc cảm phục lại vừa day dứt: chỉ vì cuộc chia tay của bố mẹ mà kéo theo những cuộc chia li đẫm nước mất, những nỗi buồn không chỉ của những đứa trẻ mà cả những vật dụng trong gia đình. Búp bê là những vật vô tri, chúng còn được ở bên nhau cớ sao anh em Thành – Thuỷ phải mỗi người một ngả.

            – Chia tay bố, chia tay anh trai để đi cùng mẹ cũng có nghĩa là bé Thuỷ phải chia tay cả bạn bè, cô giáo, mái trường và có thể là cả thời đi học. Đây là mất mát, thiệt thòi lớn. Cảnh chia tay của Thuỷ với trường học, cô giáo cũng được tác giả miêu tả xúc động.

            – Cảnh giã biệt của hai anh em khiến người đọc tê tái, xót xa trước bi kịch gia đình. Thuỷ “khóc nức lên”, “Thành mếu máo” đứng như chôn chân xuống đất nhìn theo cái bóng nhỏ liêu xiêu của em…

            -> Bằng cách viết tự nhiên, chân thực, tác giả đưa người đọc vào thế giới trẻ thơ, rung động trước tình cảm thắm thiết của hai anh em, xót xa, xúc động trước nỗi đau chia lìa của chúng. Càng xúc động, chúng ta càng thấm thìa những hệ quả to lớn của bi kịch gia đình, những tổn thương đối với tâm hồn trẻ thơ khi tổ ấm tan vỡ, anh em chia lìa.

4.2/ Cảnh vật và cuộc sống

            – Vào buổi sáng khi hai anh em đau khổ, cùng bước ra vườn, ngồi dưới gốc cây hồng xiêm khi “tai hoạ giáng xuống đầu” một cách nặng nề thì lũ chim sâu vẫn “nhảy nhót trên cành và chiêm chiếp kêu”, người đi chợ vẫn “ríu ran”.

            – Khi dắt Thuỷ ra khỏi trường, nỗi đau buồn của Thuỷ đã được cô giáo và các bạn nhỏ lớp 4B san sẻ. Tuy vậy, tâm trạng của Thành lại “kinh ngạc thấy mọi người vẫn đi lại bình thường và nắng vẫn vàng ươm trùm lên cảnh vật”. Mọi cái bên ngoài đều tươi đẹp, cuộc sống vẫn trôi đi, có những ai có thể hiểu được sự mất mát như hai anh em.

            -> Tạo ra sự đối lập giữa tâm trạng con người và ngoại cảnh, là dụng ý của tác giả. Bố mẹ bỏ nhau, hai anh em chia lìa nhưng đó là bi kịch riêng của gia đình, bi kịch của riêng anh em Thành, Thuỷ, còn dòng chảy thời gian, màu sắc cảnh vật, nhịp điệu cuộc sống vẫn diễn ra một cách tự nhiên. Qua đó, Khánh Hoài chỉ rõ nỗi đau của những đứa con thơ khi bố mẹ bỏ nhau là tột cùng, biết ngỏ cùng ai. Đó cũng là lời nhắc khẽ: mỗi người hãy lắng nghe và chú ý đến những gì đang diễn ra quanh ta, để san sẻ nỗi đau cùng đồng loại, không nên sống dửng dưng, vô tình.

            – Qua câu chuyện này tác giả muốn nhắn gửi mọi người: Tổ ấm gia đình là vô cùng quý giá, tất cả mọi người hãy cố gắng bảo vệ và gìn giữ, đừng bao giờ để gia đình đổ vỡ vì như vậy sẽ làm tổn thương trực tiếp là trẻ em – chủ nhân tương lai của đất nước.

IV/ TRÍCH YẾU TƯ LIỆU THAM KHẢO

            Tham khảo bài thuyết trình văn học về: “Tình cảm anh em trong Cuộc chia tay của những con búp bê”

            Mỗi chúng ta sinh ra và lớn lên trong vòng tay dịu hiền của mẹ, trong lời dạy bảo ân cần, chu đáo của cha, được sống dưới mái ấm gia đình có anh em sum vầy hoà thuận, yêu thương. Đó là niềm hạnh phúc gần gũi và thiêng liêng nhất. Thế nhưng, không phải ai trong cuộc đời này cũng có được niềm hạnh phúc trọn vẹn ấy. Sự chia li, tan tác của gia đình đã gây ra nỗi đau thương lớn lao cho những người trong cuộc, và đặc biệt là những đứa con thơ dại, những người anh em bỗng chốc phải lìa xa. Thành và Thuỷ, hai nhân vật bé nhỏ, đáng yêu trong tác phẩm “Cuộc chia tay của những con búp bê” là hai anh em phải chịu nỗi đau khổ, mất mát thương tâm như vậy.

            Truyện ngắn “Cuộc chia tay của những con búp bê” của Khánh Hoài được trao giải Nhì trong cuộc thi viết về quyền trẻ em do Việt Nam học giáo dục và tổ chức cứu trợ trẻ em ở Rát-đa, Bác-nen, Thụy Điển tổ chức năm 1992. Câu chuyện kể về hai anh em Thành và Thuỷ rất yêu thương, gắn bó với nhau, thế mà gia đình tan vỡ, cha mẹ li hôn và chúng sắp phải chia tay. Tài sản mà chúng đã từng sở hữu chơi chung là những thứ đồ chơi, bây giờ cũng phải chia đôi trong nỗi đau đớn xót xa.

            Câu chuyện bắt đầu và khép lại gói gọn trong hai chữ “chia tay” nhưng dường như nước mắt của Thuỷ và tâm sự nặng nề bóp chặt lấy trái tim Thành cho ta cái cảm giác hai anh em và cả nhà văn nữa không muốn thấy cảnh chia tay. Truyện dường như không có cốt truyện nhưng chất chứa bao cảnh đời, bao tâm trạng, tâm cảnh sâu lắng tinh tế. Câu chuyện diễn ra trong thời gian ngắn từ sáng cho đến quá trưa, song bằng lời kể chân thành giản dị phù hợp với tâm trạng, cách miêu tả tâm lí nhân vật và cảnh vật, Khánh Hoài đem đến cho người đọc một tình thương yêu hiền hoà, nhân hậu, xót thương chân thành cảnh đời của hai anh em. Người anh, nhân vật trữ tình của câu chuyện cứ nhắc mãi về những hổi ức tươi đẹp, những kỉ niệm ngọt ngào của hai anh em Thành – Thuỷ. Đó là kỉ niệm Thuỷ vá áo cho anh: “Nhìn bàn tay mảnh, mai của em dịu dàng đưa mũi kim thoăn thoắt, không hiểu sao tôi thấy ân hận quá. Lâu nay, mải vui chơi bè bạn, chẳng lúc nào tôi chú ý đến em… Từ đấy chiều nào tôi cũng đi đón em. Chúng tôi nắm tay vừa đi vừa trò chuyện“; rồi có lần Thành nằm mơ thấy ma, chính Thuỷ đã gắn con dao díp vào lưng con Vệ Sĩ canh chừng giấc ngủ cho anh. Ta thấy, cô bé thật đặc biệt và thương anh biết mấy. Tình cảm anh em Thành – Thuỷ ngày càng sâu nặng, càng gắn bó yêu thương. Giờ đây, cha mẹ Thành li dị, hai anh em phải cách xa, đó là một nỗi đau quá lớn. Những giọt nước mắt tức tưởi, nức nở của Thuỷ làm nước mắt của Thành cứ tuôn ra, lăn dài trên má để rồi chảy trên từng câu chữ, trang văn của Khánh Hoài, dội vào trái tim người đọc. Suốt câu chuyện, không biết bao lần anh em Thành – Thuỷ phải khóc. Khóc khi nghĩ đến cảnh chia tay: “Đêm qua, lúc nào chợt tỉnh, tôi cũng nghe tiếng nức nở, tức tưởi của em. Tôi cứ phải cắn chặt môi để khỏi bật lên tiếng khóc to, nhưng nước mắt cứ tuôn ra như suối, ướt đầm cả gối và hai cánh tay áo”. Khóc khi nhìn hai con búp bê gần gũi bên nhau. Khóc khi chia tay trường lớp, thầy cô, bạn bè và nấc lên trong giây phút cuối cùng khi anh em thực sự phải xa nhau. Những giọt nước mắt tội nghiệp, ngây thơ đó chúng ta đều thấy, nhưng thử hỏi ba mẹ Thành, những con người vô tâm kia có nhìn thấy được không. Không! Tôi nghĩ rằng họ sẽ chẳng nhìn thấy gì đâu, bởi những ích kỉ cá nhân đã làm cho mờ mắt họ. Và Thành – Thuỷ cũng như hai con búp bê kia cũng chỉ là những món đồ chơi trong tay họ mà thôi. Nhìn Thành trông theo em, có ai trong mỗi chúng ta không khỏi xót xa đau đớn. “Tôi mếu máo trả lời và đứng như chôn chân xuống đất, nhìn theo cái bóng bé nhỏ liêu xiêu của em tôi trèo lên xe. Chiếc xe tải rồ máy, lao ra đường và phóng đi mất hút” . Ta biết, Thành sẽ vẫn còn đứng đó, hẫng hụt bơ vơ và nỗi mất mát là quá lớn. Không phải vì cảnh sống nghèo khổ với nước mắt của cái đói, miếng ăn, phải lao vào cuộc bon chen giành giật sự sinh tồn mà mảnh đời bất hạnh lẽ ra không nên có. Nhưng thử hỏi trong muôn người chứng kiến cảnh chia li, ai là người biết đặt lên vai Thành bàn tay sẻ chia, thông cảm. Ai sẽ là điểm tựa cho Thành vơi đi nỗi đau? Không phải ngẫu nhiên khi Thành “kinh ngạc thấy mọi người vẫn đi lại bình thường và nắng vẫn vàng ươm trùm lên cảnh vật”. Thành ngạc nhiên vì trong tâm hồn của mình đang nổi dông, nổi bão khi sắp phải chia tay với đứa em gái bé nhỏ thân thương. Cả đất trời như sụp đổ trong tâm hồn em thế mà bên ngoài mọi người với trời đất vẫn bình yên. Bức tranh trong truyện không phải là cảnh vật mà là một bức tranh tâm cảnh. Tâm trạng của con người, nỗi buồn sâu thẳm, trạng thái thất vọng, bơ vơ của những đứa trẻ về sự đổ vỡ quá lớn. Chẳng lẽ câu chuyện không thể kết thúc tốt đẹp hơn sao?

            Tôi nghĩ sự tổn thương tinh thần của hai em nhỏ trong tác phẩm như là lời kêu gọi tha thiết hãy bảo vệ quyền sống của trẻ em. Thành – Thuỷ cũng như hai con búp bê không có tội lỗi gì đang sống yên bình thế mà đành phải rời xa nhau. Trách nhiệm của những người làm cha, làm mẹ là phải giữ gìn lấy tổ ấm gia đình để khỏi tổn hại đến những tâm hồn thơ trẻ. Trong suốt câu chuyện là giọng văn trữ tình đằm thắm, thiết tha, gợi mở trong tâm hồn người đọc những rung động thương cảm cuộc đời những em bé. Chúng cần có cả cha lẫn mẹ, chúng cần được nuôi dạy, được chăm sóc yêu thương và được đến trường.

            Khánh Hoài đã khôn khéo khi lựa chọn ngôi kể. Câu chuyện được kể theo ngôi thứ nhất, người kể xưng “tôi” trong câu chuyện là người trong cuộc vừa chứng kiến được việc xảy ra vừa nếm trải cuộc đau đớn trong tâm hồn. Với ngôi kể này, nhà văn đã thể hiện đầy đủ cuộc đau đớn của hai anh em và đặc biệt Khánh Hoài đã cân nhắc tỉ mỉ trong việc lựa chọn các chi tiết đều hướng tới sáng tác đồng thời kêu gọi hãy đùm bọc, yêu thương những bạn nhỏ không may rơi vào hoàn cảnh bất hạnh. Cuộc chia tay đau đớn và đầy cảm động của hai em bé trong truyện khiến người đọc nhận ra rằng: Tổ ấm gia đình là vô cùng quý giá và quan trọng. Mọi người hãy cố gắng bảo vệ và giữ gìn, không nền dù bất cứ lí do gì làm tổn hại đến tình cảm tự nhiên, trong sáng ấy.

Theo Nguyễn Văn Phú

___

Xem thêm:

Hướng dẫn phân tích, cảm thụ văn bản Mẹ tôi – Ét-môn-đô- đơ A-mi-xi tại đây.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận