Bạn đến chơi nhà – Nguyễn Khuyến – Để học tốt Ngữ Văn 7

Đang tải...

BẠN ĐẾN CHƠI NHÀ

– NGUYỄN KHUYẾN –

I/ GIỚI THIỆU CHUNG VỀ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM

1/ Tác giả

            – Nguyễn Khuyến (1835 – 1909) lúc nhỏ tên là Nguyễn Thắng, quê ở Vị Hạ (Làng Và), xã Yên Đổ, nay thuộc xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

            – Ông xuất thân trong một gia đình nghèo nhưng rất thông minh, học giỏi, đã từng đỗ đầu ba kì thi Hương nên được gọi là Tam Nguyên Yên Đổ.

            – Nguyễn Khuyến làm quan khoảng 10 năm. ông là một người rất thanh liêm, khi thực dân Pháp đánh chiếm xong Bắc Bộ, ông cáo quan về ở ẩn, lấy thú vui làm thơ đặc biệt là thơ viết về Hà Nam quê ông, một vùng quê chiêm trũng nghèo khó.

            – Thơ Nguyễn Khuyến sáng tác chủ yếu sau khi cáo quan về ở ẩn tại Yên Đổ: Mảng thơ viết về tình bạn là một trong những thành tựu quan trọng của thơ Nguyễn Khuyến: bạn cùng quê, bạn đồng học, bạn đồng khoa…

            – Thơ Nguyễn Khuyến thường sâu lắng, tinh tế, ẩn chứa một tình cảm kín đáo và hồn hậu của nhà thơ. Ngôn ngữ thơ ca của cụ Tam Nguyên Yên Đổ rất phong phú và gợi cảm với lối nói của ca dao, tục ngữ dân gian quen thuộc. Từ ngữ trong thơ ông rất giàu hình ảnh, nhạc điệu, sử dụng nhiều từ tượng thanh, tượng hình gợi cảm.

2/ Tác phẩm

            – Là một trong những bài thơ viết về tình bạn hay nhất của Nguyễn Khuyến. Giống như nhan đề, bài thơ lấy bối cảnh khi bạn đến chơi nhà.

            – Bạn ở đây chính là Dương Khuê, tri âm, tri kỉ của Nguyễn Khuyến. Dương Khuê (1839 – 1902), hiệu Vân Trì, quê ở làng Vân Đình, huyện Sơn Minh, phủ Ứng Hoà, tỉnh Hà Đông (nay thuộc thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hoà, Hà Nội), đỗ Tiến sĩ năm 1868, làm quan đến chức Thượng thư, sáng tác nhiều bài thơ chữ Nôm làm lời cho các bài hát ca trù nổi tiếng.

II/ HƯỚNG DẪN HỌC SINH CẢM THỤ VĂN BẢN

1/ Về nội dung

            – Bài thơ thể hiện tình cảm chân thành, quý mến bạn của tác giả. Mượn tình huống khó xử khi bạn đến chơi với cách nói phóng đại về gia cảnh thanh đạm là cái cớ để tác giả bộc lộ tình cảm quý mến đó.

            – Bài thơ cho thấy một hồn thơ đẹp, tình bằng hữu thâm giao, chân thành, một tấm lòng hồn hậu, thân ái. Nguyễn Khuyến không chỉ dựng nên trong bài thơ một cuộc gặp gỡ của những tri âm, tri kỉ mà còn cho thấy một tình bạn thanh bạch, trong sáng bất kể tuổi tác hay nhân tình thế thái đảo điên: “Còn bạc còn tiền còn đệ tử/ Hết tiền hết rượu hết ông tôi” (Nguyễn Bỉnh Khiêm). Tình bạn đó thật giản dị mà sâu sắc, đến với nhau bằng tấm lòng chân tình, sự quý mến, thấu hiểu tâm tư nhau.

            – Nguyễn Khuyến không chỉ là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam mà còn là nhà thơ của tình bạn thuỷ chung và cao đẹp, rất đáng yêu, đáng kính.

2/ Về nghệ thuật

            – Bài thơ viết theo thể thơ thất ngôn bát cú, niêm luật, đối chặt chẽ, hợp cách. Ngôn ngữ thuần Nôm, không có một từ Hán Việt nào, đọc lên nghe thanh thoát, nhẹ nhàng, tự nhiên. Ta có cảm giác như Nguyễn Khuyến xuất khẩu thành chương.

            – Đặc biệt, bố cục bài thơ không theo quy cách: đề, thực, luận, kết – mà lại cấu trúc theo: (1+6+1) câu đầu nói lên niềm vui khi bạn đến; 6 câu giữa hóm hỉnh, cười vui không có gì để tiếp bạn; câu cuối chỉ có tình bạn đẹp mà thôi!

III/ HƯỚNG DẪN HỌC SINH PHAN TÍCH VĂN BẢN

1/ Thể thơ

            Thể thất ngôn bát cú Đường luật, có thể phân tích theo kết cấu Đề, Thực, Luận, Kết.

            Tuy nhiên ở bài thơ này, ý thơ triển khai rất rõ ràng theo kết cấu 1/ 6/ 8.

2/ Phân tích cụ thể

            – Bài thơ được lập ý bằng cách dựng lên tình huống hoàn toàn không có gì tiếp bạn để rồi kết lại một câu: “Bác đến chơi đây ta với ta” nhưng thể hiện một tình bạn đậm đà, thắm thiết.

            – Câu thơ thứ nhất: “Đã bấy lâu nay bác tới nhà” thông báo thời gian.

            + Chữ “bác” gợi lên thái độ niềm nở, thân mật và kính trọng, một cách xưng hô thân tình. Đằng sau câu thơ – lời chào hỏi – có thể là những giọt lệ ứa ra ở khoé mắt đôi bạn già.

            + Cụm từ “Đã bấy lâu nay”, trạng ngữ được đặt ở đầu câu không xác định thời gian cụ thể là năm hay tháng nhưng chắc chắn đã rất lâu hai người không gặp nhau và vì thế nỗi mừng vui khi gặp lại cũng được nhân lên gấp bội.

            + Bộ phận trạng ngữ chỉ thời gian được đặt lên đầu câu thơ diễn tả sự xa cách, nhớ mong, làm nổi bật ý thơ: niềm xúc động và niềm vui sướng vô hạn khi gặp lại bạn.

            – Theo nội dung của câu thứ nhất, đúng ra Nguyễn Khuyến phải tiếp đãi bạn bằng những món ngon, quý của quê nhà một cách chu đáo. Nhưng sáu câu thơ tiếp theo cho thấy một hoàn cảnh đặc biệt, trớ trêu: hoàn cảnh của Nguyễn Khuyến lại có tất cả nhưng cũng chẳng có gì để tiếp bạn: có ao và có cá, có cà và có cải, có mướp và có bầu nhưng tất cả đều không thể cung cấp cho bữa ăn vì những lí do khách quan, chưa đến lúc đến thời.

            Tác giả lần lượt đưa ra những lí do rất chính đáng mà không thể không thông cảm:

“Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.

Ao sâu nước cả, khôn chài cá,

Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà.

Cải chửa ra cây, cà mới nụ,

Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.”

            – Tác giả sử dụng ngôn ngữ dung dị của đời sống, các tính từ sâu, cả, rộng, thưa, và các trạng từ khôn, khó, chửa, mới, đương… vào trong câu chuyện giữa hai người bạn cao niên làm cho mạch thơ tuôn chảy, rất tự nhiên.

            – Tác giả qua việc liệt kê rồi lần lượt phủ định cho thấy tình cảnh hết sức thanh đạm, không như mong muốn. Phần thực và phần luận, tính hệ thống của ngôn ngữ thơ rất nhất quán, ở một cách nói, một lối biểu cảm: Có tất cả mà cũng chẳng có gì để đãi bạn thân. Ngay cái tối thiểu nhất đó là nước uống, là miếng trầu – những thứ quà quê dân dã nhất mà nhà ai ở thôn quê cũng có thì Nguyễn Khuyến cũng không có.

Phép đối hợp cách, chặt chẽ; cảnh – cảnh, thượng hạ, trắc – bằng phân minh, tạo nên một giọng thơ nhẹ nhàng, vui tươi, lời thơ cân xứng, hoà hợp như cảnh vườn tược xinh xắn, hữu tình:

“Ao sâu nước cả, khôn chài cá

Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà”.

            – Câu thơ thứ bảy tiếp nối và mở rộng ý thơ trên, khẳng định luôn cái không có: “Đầu trò tiếp khách trầu không có”. Đây là một điều phi lí vì một ông quan to triều Nguyễn về quê ở ẩn, với một cơ ngơi “chín sào tư thổ là nơi ở” thì không thể “miếng trầu dẫn đầu câu chuyện” để tiếp bạn cũng không có.

            + Lời thơ hóm hỉnh, pha chút tự trào vế cuộc sống thiếu thốn nhưng cũng giúp chúng ta hình dung về cuộc sống thanh bạch, giản dị của một nhà nho ở ẩn nơi làng quê, điền dã.

            – Câu thơ kết “Bác đến chơi đây ta với ta” là một sự bùng nổ về ý và tình. Cụm từ “ta với ta” hội tụ vẻ đẹp về ý, tình của cả bài thơ, là điểm cao trào của tình bằng hữu, thâm giao.

            + Lần thứ hai, chữ “bác” đã xuất hiện trong bài thơ, thể hiện một sự trìu mến, kính trọng. Bác đã không quản tuổi già sức yếu, không quản đường sá xa xôi đến thăm tôi, còn gì quý hoá bằng! Tình bạn là trên hết. Không một thử vật chất nào có thể thay thế được tình bạn tri âm, tri kỉ. Mọi cái đều “không có” nhưng lại “có”; đó là tình bằng hữu thân thiết.

            + Hai từ “ta” ở đây tuy giống nhau về hình thức chữ viết nhưng hoàn toàn khác nhau về vai trò cú pháp. Từ “ta” thứ nhất là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất chỉ nhà thơ, còn từ “ta” thứ hai lại được dùng để chỉ Dương Khuê, bạn của nhà thơ. “Ta với ta” tuy hai mà một. Cụm từ “ta với ta” của Nguyễn Khuyến ấm áp tình đời, sâu lặng tình bạn sự gắn bó của hai tâm hồn cùng chí hướng, cùng lí tưởng, biểu lộ một niềm vui pha chút hóm hỉnh.

            ->Câu thơ bộc lộ niềm vui trọn vẹn của nhà thơ về một tình bạn tâm đầu, ý hợp đồng thời thể hiện một triết lí thâm trầm: Trong tình bạn, vật chất không có gì nhưng chỉ cần có tình bạn gắn bó là có tất cả.

            Có thể so sánh với cụm từ “ta với ta” trong bài “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan để thấy sự khác biệt: “ta với ta” chỉ là một mình thi sĩ tự đối thoại với bản thân mình, sự cô đơn không biết chia sẻ cùng ai giữa nơi đất khách quê người, nỗi buồn như không gì tả nổi lan toả mọi không gian và thời gian. Chính tình bạn của Nguyễn Khuyến làm bài thơ, câu thơ ấm áp chứ không cô quạnh, buồn như trong thơ Bà Huyện Thanh Quan.

            – Qua bài thơ, có thể thấy tình bạn của Nguyễn Khuyến đậm đà thắm thiết, trong sáng, thuỷ chung, không chút vụ lợi và thực sự chỉ có sự gắn bó thuỷ chung mới là bức tường vững chắc để xây dựng tình bạn bền lâu.

IV/ TRÍCH YẾU TƯ LIỆU THAM KHẢO

            Tham khảo: Một cách hiểu khác về bài thơ “Bạn đến chơi nhà” của Nguyễn Khuyến.

“BẠN ĐẾN CHƠI NHÀ” – MỘT CÕI CÔ ĐƠN

            Thẩm định giá trị thơ nôm Đường luật là một thao tác phức tạp. Nhưng từ góc độ thể loại, kết hợp với những yếu tố ngoài văn bản, ta vẫn tìm được thông điệp đích thực của bài thơ. Trên tinh thần đó, ta tiếp cận bài “Bạn đến chơi nhà”, một bài thơ vẫn được xem là nói về tình bạn. Ta quan sát hai câu đề:

“Đã bấy lâu nay bác tới nhà

Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa”.

            Thành phần tình huống đã bấy lâu nay có tính cấu trúc. Nó phản ánh chu kì bạn đến nhà với tần suất thấp, rất thấp. Khoảng giữa chu kì đó là sự trống vắng. Thêm một từ nhưng vào giữa hai câu phá – thừa, mọi việc sẽ sáng tỏ. Điều đó ta có thể làm được và cần thiết phải làm, vì thơ Đường đòi hỏi phải tư duy mới tái tạo được hồn thơ, mà khi đã tư duy thì phải dùng kết từ, hệ từ, tất nhiên. Ngược lại, tác giả thơ Đường không tư duy thay ta. Họ chỉ nêu hiện tượng, sự việc, còn ta phải tự khám phá các mối quan hệ. Do đó, thơ Đường rất kiêng kị dùng kết từ, hệ từ. Nguyễn Khuyến cũng vậy, thơ nôm Đường luật của ông dường như vắng bóng các từ nhưng, vì, nếu, là… Còn khi đọc ta phải thêm vào để hiểu thư ông. Với câu thừa, sự thể thật trớ trêu. Những tưởng khách đến chơi nhà thì nỗi cô đơn được giải toả, nào ngờ khách lại bước vào cõi riêng của chủ thể, ở đó chủ thể bị cô lập với thế giới, với con người, kể cả người thân. Vị thế thay đổi. Khách biến thành người chung cảnh ngộ. Nỗi cô đơn được nhân đôi.

            Không gian ở hai câu thực rất đặc biệt nếu đem so sánh với không gian tương đồng trong những bài thơ khác, vẫn là “Vườn Bùi chốn cũ”, quê hương ông, vẫn là ao ấy, vườn ấy, hàng giậu ấy, nhưng khi cần một không gian trống vắng để đối lập với một tâm cảnh ngổn ngang thế sự thì:

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo…

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”.

(Thu điếu)

            Khi dùng hơi men hoà giải với nỗi lòng trầm uất thì không gian biến hiện, chấp chới với người say: Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt/ Làn ao lóng lánh bóng trăng loe (Thu ẩm). Khi tâm tư mang niềm hoài cổ thì nước ao trở thành tầng khói phủ làm mờ những giới hạn thời gian, hàng giậu đánh thức kí ức về chùm hoa quá khứ:

Nước biếc trông như tầng khói phủ…

Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái”.

(Thu vịnh)

            Vậy mà ở đây, cái vườn Bùi chốn cũ thơ mộng kia biến đâu mất cả, chỉ còn trơ lại một không gian cách trở, ngoài tầm với của con người:

“Ao sâu nước cả, khôn chài cá

Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.

            Một sự lựa chọn cực đoan, nhưng đó chính là thơ Đường!

            Nếu như hai câu thực xác định một không gian ngoài chủ thể, thì hai câu luận lại điểm nhịp thời gian lặng lờ trôi, lãng quên chủ thể. Hãy thử thay đổi các loại cây quả, ví như:

“Đậu chửa ra cây vừng mới nụ

Ngô vừa trổ bắp lạc đương hoa”.

            Bốn loại cây trên gieo trồng và thu hái một lần theo mùa vụ. Khoảng giữa thời gian đó không ăn được. Nếu vậy thì ta mất hướng. Khách có thể xui xẻo đến nhà vào lúc chủ nhà trắng tay lắm chứ. Nhưng Nguyễn Khuyến đã lựa chọn, ông chọn những cây ra hoa kết trái nhiều lần và con người thu hái dần dần trong một thời lượng tương đối dài. Bầu có quả vừa rụng rốn nhưng củng có quả ăn được. Cà, mướp cũng vậy. Cần nói rõ về cây cải. Nó là loại cây phát triển nhanh, chỉ cần một tháng sau khi gieo trồng đã có thể thu hái. Ở nông thôn, nó là loại rau phổ biến trong bữa ăn của mỗi gia đình suốt mùa thu – đông. Dân ta không bao giờ thu hái hết lớp này mới gieo trồng lớp khác. Họ trồng xen, trồng gối. Trong vườn bao giờ cũng có cải đủ loại: cây non ăn sống, cây vừa nấu canh, cây già muối dưa, ăn củ. Vậy là rõ. Ông đã lựa chọn, không những thế, ông còn bắt tất cả quả bầu đều phải vừa rụng rốn cùng một  lúc. Cải, cà, mướp cùng chung số phận. Thật không gì có thể phi lí hơn! Bằng một loạt phó từ chỉ quan hệ thời gian chửa, mới, vừa, đương, ông dồn nén các thì tương đối hội tụ về một điểm trùng với thì tuyệt đối – thì phát ngôn thơ – rồi thì tương đối ra đi, hững hờ, vô cảm – đặc trưng muôn thuở của thời gian để lại cho thì tuyệt đối cùng chủ thể trữ tình một con số 0 (không) tròn trĩnh: không cải, không cà, không bầu, không mướp.

            Có bạn đến chơi nhà thật, hay chỉ là một thủ thuật cấu tứ? Điều ấy không quan trọng. Vấn đề cốt lõi là ở chỗ ông đứng ngoài không gian, đứng ngoài thời gian, và đó là cách ông tuyệt đối hoá nỗi cô đơn của mình.

            Từ lúc cáo quan về nhà, Nguyễn Khuyến là hai con người trong một tấm thân. Một con người thuộc cộng đồng, nghĩa là con người của gia đình, làng xóm, bạn bè, nhiều người quý mến nể vì, cũng không ít kẻ ghét ghen đố kị. Và một con người ngoài cộng đồng. Để giải mã triệt để bài thơ, ta xét hồ sơ con người ngoài cộng đồng.

            Ông nhận học vị Tam nguyên Hoàng giáp từ vua Tự Đức. Ông trân trọng, tôn thờ cân đai áo mão vua ban. Mong muốn trọn đời của ông là phò vua giúp nước. Nhưng rồi vua Tự Đức băng hà. Lý tưởng trung quân ái quốc của ông sụp đổ. Với Nguyễn Khuyến, Hiệp Hoà, Kiến Phúc, Đồng Khánh là những ông vua bù nhìn. Hàm Nghi là ông vua hữu danh vô thực. Ông không hưởng ứng “Chiếu Cần Vương” vì thiếu dũng khí hay vì ông biết vận nước đã tận? Sự thật là cuối thế kỉ 19, tất cả các cuộc khởi nghĩa Cần Vương đều bị dập tắt. Bài thơ chữ Hán “Xuân dạ liên nga ” (Đêm xuân thương con thiêu thân) tương truyền ông làm để bày tỏ lòng tiếc thương người bạn đồng học, tiến sĩ Vũ Hữu Lợi, chưa kịp khởi sự đã bị bắt và xử tử hình đêm ba mươi tết (1887) cho thấy khá rõ chính kiến của Nguyễn Khuyến về phong trào Cần Vương. Ta nghiêng mình trước những văn thân yêu nước dám xả thân vì nghĩa lớn, nhưng không thể lấy họ làm toạ độ quy chiếu để đánh giá nhân cách của người khác. Động thái của họ chỉ để thành nhân, không thể thành công. Nguyễn Khuyến muốn điều ngược lại và ông bế tắc. Lịch sử đã an bài: gần như cả châu Á đã rơi vào nanh vuốt phương Tây, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Lẽ xuất xứ của các sĩ phu thời tao loạn là Dụng tắc hành, Xả tắc tàng, ông đã tự xả, nhưng không tàng được. Ông giả điếc, và theo một nghiên cứu của Xuân Diệu, ông còn giả mù, giả câm để tránh chính quyền đương thời nhiễu sự, nhưng ông đã không chạy trốn được chính mình, ông từ quan mà lòng vẫn bất an. Mặc cảm cay đắng “Ơn vua chưa chút báo đền, Cúi trông hổ đất ngửa lên thẹn trời” ông đeo đẳng đến lúc chết. Không ai hiểu ông. Người vợ tào khang của ông chỉ biết hay lam hay làm, thắt lưng bó que tần tảo. Con trai ông vẫn hăm hở với hư danh. Bạn bè ông kẻ cùng chí không cùng ý, người tặc lưỡi buông xuôi… Ông cô đơn. Bây giờ ta đã đủ hành trang để “vượt rào cản” hai câu kết:

“Đầu trò tiếp khách trầu không có

Bác đến chơi đây, ta với ta.”

            Nguyễn Khuyến bao giờ cũng có trầu. Những lúc vắng nhà, ông vẫn không quên mang theo gói trầu têm sẵn. Nhưng nghịch lí “trầu không có” chưa phải là thần tứ. Phó từ phủ định không bất ngờ, sắc lạnh như một nhát chém, chặt đứt nẻo giao tiếp cuối cùng giữa chủ thể với thế giới. Đúng nghệ thuật thơ Đường là nghệ thuật của hư từ! Đại từ chỉ nơi chốn đây định vị một cõi riêng, cõi bị cô lập với không gian và thời gian thông lệ. Kết từ “với” không gợi tư duy mà chỉ đơn thuần liên kết, hơn thế nữa, hoà tan cái ta cụ thể “bác” trong cái ta cô đơn. Cụ Nguyễn Thị Đà (mất năm 1971, thọ 86 tuổi), cháu nội của nhà thơ, kể rằng: “Cứ vào khoảng chiều muộn, cụ thường ra sân ngồi trầm ngâm bên bể cạn non bộ, trước hai ông phỗng đá. Tại đây, khi hoàng hôn sắp xuống, cụ mới bắt đầu bữa rượu chiều. Cụ rót cho mình một chén, rót cho hai ông phỗng hai chén. Xong xuôi, cụ nâng chén mời hai ông phỗng. Hai ông phỗng không biết uống rượu. Cụ buồn rầu xoa đầu hai ông rồi lần lượt uống rượu cho cả hai. Cạn ba chén rượu, cụ ngồi thừ người một lúc rồi cúi đầu lặng lẽ bưng mặt khóc.” (Nguyễn Khuyến và giai thoại – Bùi Vân Cường, Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam Ninh, 1987).

            Ta lại phải dùng hư từ “với”. Nhà thơ đã đồng nhất mình với hai ông phỗng, hay hai ông phỗng đồng nhất họ với nhà thơ?

            Dù sao thì đây cũng chỉ là một yếu tố ngoài văn bản.

(Theo Trần Nhật Lý)

___

Xem thêm:

Hướng dẫn phân tích, cảm thụ văn bản Qua đèo Ngang – Bà Huyện Thanh Quan tại đây.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận