Bài văn kể lại một trải nghiệm – Ngữ Văn 6 bộ Kết nối tri thức

Đang tải...

BÀI 1 – TÔI VÀ CÁC BẠN

PHẦN VIẾT

Viết bài văn kể lại một trải nghiệm của em

Trong văn bản Bài học đường đời đầu tiên, nhân vật Dế Mèn đã kể lại một trải nghiệm đáng nhớ của mình. Trước cái chết của Dế Choắt do trò đùa ngỗ nghịch của mình gây ra, Dế Mèn đã hối hận, biết rút ra bài học đường đời đầu tiên. Còn em, em có sẵn sàng kể về một trải nghiệm của bản thân không?

Yêu cầu đối với bài văn kể lại một trải nghiệm:

  • Được kể từ người kể chuyện ngôi thứ nhất.
  • Giới thiệu được trải nghiệm đáng nhớ.
  • Tập trung vào sự việc đã xảy ra.
  • Thể hiện được cảm xúc của người viết trước sự việc được kể.

Phân tích bài viết tham khảo

Người bạn nhỏ

Câu chuyện xảy ra đã hơn một năm rồi, nhưng mỗi lần nhớ lại, tôi vẫn thấy mọi điều hiện lên thật rõ rệt. Bởi vì, trải nghiệm cùng người bạn nhỏ ấy là câu chuyện đáng nhớ với cả ba mẹ con tôi.

Hồi ấy, khi tôi vào lớp 5 và Bông lên lớp 3, gia đình tôi chuyển nhà. Bông và tôi thích cái nhà mới vì nó có những phòng xép(1) như phòng búp bê. Nhưng một đêm, Bông bỗng khóc ré lên: “Mẹ ơi! Con gì cắn chân con!”. Mẹ phải bế Bông ra phòng ngoài, rộng hơn. Nửa đêm, mẹ bật dậy và than: “Trời đất, hoá ra chuột dám gặm cả chân mẹ! Thế này mà nó cắn chân các con thì nguy hiểm quá!”.

Hôm sau, bà ngoại gửi ngay cho ba mẹ con chúng tôi một chú mèo mun, lông đen mượt. Mẹ bảo: “Có anh bạn này trông nhà cho mẹ con mình, lũ chuột sẽ sợ lắm đấy!” Bông và tôi đặt tên cho nó là Mun. Mun của chúng tôi mới chỉ là một chú mèo con, nhưng nó có tính cách và tư thế của một con hổ dũng mãnh. Từ lúc có Mun, chắc sợ ánh mắt xanh lét trong đêm trông rất dữ tợn của nó mà chẳng con chuột nào dám bén mảng vào cái xép búp bê của Bông và tôi nữa.

Bỗng một buổi chiểu, cả mẹ, cả Bông và tôi trở về mà không thấy Mun lao ra cửa meo meo rối rít như mọi ngày. Hai chị em tôi tìm kiếm và gọi mãi nhưng không thấy Mun thưa. Nhiều ngày sau, vẫn chẳng thấy Mun trở về. Bông khóc, tôi cũng khóc vì nhớ Mun. Mẹ an ủi chúng tôi: “Chắc Mun mải chơi hay rình bắt chuột, quên đường nên đã về nhà một bạn nào đó cũng rất yêu mèo”.

Đó là lần đầu tiên chúng tôi trải nghiệm nỗi buồn mất một người bạn. Từ quê, bà ngoại lại gửi lên một bạn mèo vằn làm vệ sĩ. Vằn cũng được cả nhà yêu quý, nhưng chẳng ai quên được Mun, người bạn nhỏ – vệ sĩ đầu tiên của chúng tôi.

(Bài làm của học sinh)

Thực hành viết theo các bước

1. TRƯỚC KHI VIẾT

a, Lựa chọn đề tài

– Nghĩ về những sự việc quan trọng đã xảy ra với em. Liệt kê ra giấy các sự việc đáng nhớ.

– Có thể tham khảo một vài ý tưởng sau đây:

+ Một trải nghiệm vui vẻ, hạnh phúc (một lần kết bạn, chuyến đi có ý nghĩa, bữa tiệc sinh nhật, một thành tích hay chiến thắng, một lần em giúp đỡ người khác hay được người khác giúp đỡ,…).

+ Một trải nghiệm buồn, tiếc nuối (chia tay một người bạn, hiểu lầm một người, một lần mắc lỗi,…).

+ Một trải nghiệm khiến em thay đổi, tự hoàn thiện mình (một hành trình khám phá, một lần thất bại,..,).

b, Tìm ý

Sau khi đã lựa chọn được trải nghiệm có thể chia sẻ, hãy tìm ý cho bài viết bằng cách trả lời các câu hỏi sau:

– Câu chuyện xảy ra khi nào? Ở đâu?

– Những ai có liên quan đến câu chuyện? Họ đã nói và làm gì?

– Điều gì đã xảy ra?

– Vì sao câu chuyện lại xảy ra như vậy?

– Em có cảm xúc gì khi câu chuyện diễn ra và khi kể lại câu chuyện?

c, Lập dàn ý

Hãy sắp xếp các thông tin và ý tưởng thành một dàn ý:

Dàn ý

– Mở bài: Giới thiệu câu chuyện.

– Thân bài: Kể lại diễn biến của câu chuyện.

+ Giới thiệu thời gian, không gian xảy ra câu chuyện và những nhân vật có liên quan.

+ Kể lại các sự việc trong câu chuyện.

– Kết bài: Kết thúc của câu chuyện và cảm xúc của người viết.

2. VIẾT BÀI

Bám sát dàn ý. Khi viết bài, em cần lưu ý:

– Nhất quán về ngôi kể: Trong bài văn này, em sẽ dùng người kể chuyện ngôi thứ nhất (xưng “tôi” hoặc “em”) để chia sẻ trải nghiệm.

– Sử dụng các yếu tố của truyện như cốt truyện, nhân vật,…

3. CHỈNH SỬA BÀI VIẾT

Rà soát, chỉnh sửa bài viết theo những gợi ý trong bảng sau:

Yêu cầu Gợi ý chỉnh sửa
Giới thiệu được trải nghiệm Nếu chưa giới thiệu được trải nghiệm, hãy viết một hoặc vài câu giới thiệu câu chuyện em định kể.
Sử dụng nhất quán từ ngữ xưng hô Đánh dấu những từ ngữ chỉ người kể chuyện trong bài viết. Nếu chưa nhất quán, cần sửa lại.
Tập trung vào sự việc đã xảy ra Bổ sung các thông tin cần thiết để người đọc hiểu được câu chuyện (nếu còn thiếu); lược bớt các chi tiết thừa, dài dòng, không tập trung vào câu chuyện.
Thể hiện cảm xúc trước sự việc được kể. Đánh dấu những từ ngữ thể hiện cảm xúc trước sự việc được kể. Nếu chưa có hoặc chưa đủ thì cần bổ sung.
Bảo đảm yêu cầu về chính tả và diễn đạt. Rà soát lỗi chính tả và diễn đạt (dùng từ, đặt câu,…). Chỉnh sửa nếu phát hiện có lỗi.

*Chú thích:

(1) Phòng xép: căn phòng phụ, diện tích nhỏ.

>> Xem thêm: Bài 1: Đọc văn bản Bắt nạt – Ngữ Văn 6 bộ Kết nối tri thức

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận