Bài 1: Đọc văn bản Bắt nạt – Ngữ Văn 6 bộ Kết nối tri thức

Đang tải...

BÀI 1 – TÔI VÀ CÁC BẠN

PHẦN ĐỌC

Trong Bài 1, sách Ngữ Văn 6 bộ Kết nối tri thức hướng dẫn các em đọc văn bản “Bắt nạt” để từ đó, các em hiểu hơn về ý nghĩa của tình bạn trong cuộc sống.

VĂN BẢN 3

Đọc văn bản

Bắt nạt

NGUYỄN THẾ HOÀNG LINH(1)

Bắt nạt là xấu lắm

Đừng bắt nạt, bạn ơi

Bất cứ ai trên đời

Đều không cần bắt nạt

 

Tại sao không học hát

Nhảy híp-hóp(2) cho hay?

Thời gian trong một ngày

Đâu để dành bắt nạt

 

Sao không ăn mù tạt(3)

Đối diện thử thách đi?

Thử kẻ yếu làm gì

Sao không trêu mù tạt?

 

Những bạn nào nhút nhát

Thì là giống thỏ non

Trông đáng yêu đấy chứ

Sao không yêu, lại còn…?

 

Đừng bắt nạt người lớn

Đừng bắt nạt trẻ con

Đừng bắt nạt nước khác

Trên khắp trái đất tròn

 

Đừng bắt nạt mèo, chó

Đừng bắt nạt cái cây

Đừng bắt nạt ai cả

Vì bắt nạt dễ lây

 

Bạn nào bắt nạt bạn

Cứ đưa bài thơ này

Bảo nếu cần bắt nạt

Thì đến gặp tớ ngay

 

Cứ đến bắt nạt tớ

Bị bắt nạt quen rồi

Vẫn không thích bắt nạt

Vì bắt nạt rất hôi!

(Nguyễn Thế Hoàng Linh, Ra vườn nhặt nắng, NXB Thế giới, Hà Nội, 2017, tr. 24-25)

 

Sau khi đọc

TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Nhân vật “tớ” trong bài thơ thể hiện thái độ như thế nào với các bạn bắt nạt và các bạn bị bắt nạt?

2. Cụm từ đừng bắt nạt xuất hiện bao nhiêu lần trong bài thơ? Theo em, việc lặp lại cụm từ này có tác dụng gì?

3*. Bài thơ nói chuyện bắt nạt mà vẫn ẩn chứa ý vị hài hước. Hãy chỉ ra một số biểu hiện của ý vị hài hước đó.

4. Mỗi chúng ta có thể từng bị bắt nạt, chứng kiến cảnh bắt nạt hoặc từng bắt nạt người khác. Hãy cho biết em đã làm gì khi ở vào một trong các tình huống trên. Bài thơ có thể khiến em thay đổi cách ứng xử trước chuyện bắt nạt như thế nào?

*Chú thích: 

(1) Nguyễn Thế Hoàng Linh sinh năm 1982 tại Hà Nội. Anh sáng tác thơ từ năm 12 tuổi, hiện đã có “gia tài” là hàng ngàn bài thơ. Thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh viết cho trẻ em rất hồn nhiên, ngộ nghĩnh, trong trẻo, tươi vui.

(2) Híp-hóp: một điệu nhảy hiện đại, linh hoạt, tự do, được giới trẻ yêu thích.

(3) Mù tạt: gia vị được chế biến từ hạt của cây họ cải, có vị cay nồng.

>> Xem thêm: Từ Ghép và Từ Láy – Ngữ Văn 6 bộ Kết nối tri thức

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận