Viết bài văn tả cảnh sinh hoạt – Ngữ Văn 6 Kết nối tri thức

Đang tải...

BÀI 5

PHẦN VIẾT

Viết bài văn tả cảnh sinh hoạt

Trong hai văn bản Cô Tô và Hang Én, các tác giả đã viết về những trải nghiệm của mình, miêu tả khung cảnh thiên nhiên, cảnh sinh hoạt và những con người họ đã gặp gỡ. Cuộc sống thật là phong phú. Xung quanh ta, biết bao sự việc đang diễn ra trong những khung cảnh khác nhau. Em hãy quan sát và miêu tả một cảnh sinh hoạt mà mình đã chứng kiến hoặc tham gia và chia sẻ với người đọc.

Yêu cầu đối với bài văn tả cảnh sinh hoạt:

  • Giới thiệu được cảnh sinh hoạt.
  • Tả bao quát quang cảnh (không gian, thời gian, hoạt động chính).
  • Tả hoạt động cụ thể của con người.
  • Sử dụng từ ngữ phù hợp để miêu tả cảnh sinh hoạt một cách rõ nét, sinh động.
  • Nêu được cảm nghĩ về cảnh sinh hoạt.

Phân tích bài viết tham khảo

Chợ phiên vùng cao(1)

        Bạn đã đi chợ phiên vùng cao bao giờ chưa? Cảnh chợ phiên rất thú vị nhé. Chợ được họp vào sáng thứ Bảy hăng tuần.

        Ngay từ sáng sớm, từng tốp người đi bộ hoặc cưỡi ngựa từ các nẻo đường mòn xuống chợ. Bóng họ còn lẫn trong sương mù. Đó là những người dân tộc Mông, Dao, Giáy(2),… sống trên những triền núi cao, đến chợ phiên để trao đổi nông sản và giao lưu, gặp gỡ nhau.

        Chợ họp trên sườn núi, ven con đường liên huyện đã được trải nhựa. Từ trên cao nhìn xuống, cả khu chợ như miếng thổ cẩm(3) sặc sỡ khảm vào tấm áo của rừng núi và mây trời. Vào chợ, bạn sẽ vui như lạc vào một ngày hội. Ai xuống chợ cũng mặc những bộ trang phục riêng của dân tộc mình. Phụ nữ váy áo xúng xính đủ mọi hoa văn, màu sắc, đeo trên cổ, trên tay những chiếc vòng bạc lấp lánh, đội những chiếc khăn xanh đỏ tím vàng. Đàn ông cầm trên tay những chiếc khèn hoặc chiếc chạc(4) trâu bò, túm tụm quanh những hũ rượu, bàn tán xôn xao. Những em bé được mẹ địu sau lưng mắt cứ tròn xoe, toét miệng cười, má căng mọng và hồng rực. Tiếng nói cười rộn rã, tiếng sáo, tiếng khèn dìu dặt, tiếng còi xe thỉnh thoảng lại ré lên, tiếng trâu bò ậm ò,…

        Chợ chia thành nhiều khu. Người ta mua bán đủ loại mặt hàng, phần nhiều là những sản vật núi rừng: những má rau tươi càn ướt sương; những giò phong lan rừng mộc mạc, khoẻ khoắn; những nhánh cây rừng khẳng khiu dùng làm thảo dược; những gùi mận, đào chín đỏ đầy ăm ắp;… Nếu đi qua dãy bán đồ ăn, bạn sẽ không cưỡng nổi ý muốn sà vào một hàng thắng cố(5). Chảo thắng cố to như cái thùng, luôn sôi sùng sục, nghi ngút khói, toả mùi thơm rất đặc biệt. Đây đó các cô các bà bán xôi ngũ sắc, mở chõ xôi nóng hổi, lần lượt bọc xôi trắng, xôi tím, xôi vàng,… vào những mảnh lá non rồi đưa cho khách với nụ cười tươi tắn. Đặc biệt, chợ dành hẳn một khu rất rộng để mua bán gia súc. Bầy trâu hung hăng như muốn giằng mình khỏi sợi dây thừng. Mấy chú bò thong thả, bình thản nằm nhai cỏ như chẳng quan tâm đến người mua kẻ bán. Lũ dê bị cột vào vách núi, thỉnh thoảng lại nhảy cẫng lên. Kẻ bán người mua, tiếng mặc cả, tiếng quát trâu bò ồn ã, vang động cả một góc chợ.

        Chợ tan vào tầm quá trưa. Người đi chợ lại tản về các bản làng xa xôi, lòng thầm hẹn tuần sau xuống chợ.

        Chợ phiên là nơi lưu giữ bản sắc văn hoá trong sinh hoạt cộng đồng các dân tộc thiểu số phía bắc Việt Nam. Bạn hãy đến đó một lần để cảm nhận vẻ đẹp và sự sống động của nó.

(Nhóm biên soạn)

Thực hành viết theo các bước

1. TRƯỚC KHI VIẾT

a. Lựa chọn đề tài

       Hãy nhớ lại những cảnh sinh hoạt để lại cho em ấn tượng sâu sắc hoặc khiến em nhận ra những ý nghĩa mới của cuộc sống.

      Có thể tham khảo một số đề tài sau:

– Cảnh chợ cá bến bờ biển

– Ngày tết Trung thu ở quê em

– Cảnh thu hoạch mùa màng

– Cảnh gói bánh chưng ngày Tết

– Cảnh một lễ hội của địa phương.

b. Tìm ý

      Sau khi đã lựa chọn được đề tài, hãy tìm ý cho bài viết bằng các cách sau:

– Hình dung các chi tiết về cảnh sinh hoạt theo trí nhớ của em (viết ngắn gọn dưới hình thức cụm từ):

+ Thời gian, địa điểm

+ Quang cảnh chung và những hoạt động cụ thể

+ Những người tham gia và hành động, lời nói của họ.

– Sưu tầm các tư liệu (vật dụng, tranh ảnh, đoạn phim ngắn) liên quan đến cảnh sinh hoạt.

c. Lập dàn ý

      Sắp xếp các ý đã tìm được cho bài viết thành một dàn ý như sau:

Dàn ý

– Mở bài: Giới thiệu cảnh sinh hoạt.

– Thân bài: Miêu tả cảnh sinh hoạt.

+ Tả bao quát khung cảnh và ấn tượng chung về cảnh sinh hoạt.

+ Tả cụ thể cảnh sinh hoạt theo trình tự thời gian; hoạt động cụ thể của những người tham gia.

+ Thể hiện cảm xúc khi quan sát, chứng kiến hoặc tham gia cảnh sinh hoạt.

– Kết bài: Nêu suy nghĩ, đánh giá của người viết.

2. VIẾT BÀI

Khi viết bài, em cần lưu ý:

– Tả những gì em đã quan sát.

– Nên tả cụ thể hình dáng, màu sắc, âm thanh, mùi vị,… Chú ý dùng các biện pháp tu từ như so sánh, nhân hoá để bài viết thêm sinh động.

– Sử dụng những từ ngữ thể hiện chân thực tình cảm, suy nghĩ của em.

3. CHỈNH SỬA BÀI VIẾT

Rà soát, chỉnh sửa bài viết theo những gợi ý trong bảng sau:

Yêu cầu Gợi ý chỉnh sửa
Giới thiệu cảnh sinh hoạt và tả quang cảnh chung. Chỉnh sửa, bổ sung nếu bài viết chưa giới thiệu được cảnh sinh hoạt cần miêu tả và quang cảnh chung.
Tả hoạt động cụ thể của những người tham gia cảnh sinh hoạt. Cung cấp một số thông tin có liên quan đến cảnh sinh hoạt. Bổ sung những chi tiết về các hoạt động cụ thể của những người tham gia cảnh sinh hoạt (nếu cần). Có thể thêm các thông tin về lịch sử, địa lí, văn hoá,… có liên quan đến cảnh sinh hoạt.
Sử dụng các từ ngữ phù hợp để miêu tả cảnh sinh hoạt một cách rõ nét, sinh động. Đánh dấu những từ ngữ miêu tả cảnh sinh hoạt. Nếu cần thiết, hãy bổ sung để cảnh sinh hoạt hiện ra một cách rõ nét, sinh động.
Thể hiện cảm nghĩ của bản thân về cảnh sinh hoạt. Đánh dấu những từ ngữ thể hiện cảm nghĩ của bản thân đối với cảnh sinh hoạt. Nếu chưa có, hãy bổ sung.
Bảo đảm yêu cầu về chính tả và diễn đạt. Rà soát lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu,… trong bài viết và chỉnh sửa nếu phát hiện có lỗi.

*Chú thích:

(1) Vùng cao: ở đây là vùng núi cao của miền Bắc Việt Nam.

(2) Mông, Dao, Giáy: các dân tộc thiểu số cư trú chủ yếu ở vùng núi cao phía bắc Việt Nam.

(3) Thổ cẩm: loại vải dệt thủ công của một số dân tộc thiểu số miền núi, có nhiều hoa văn sặc sỡ nổi lên bề mặt.

(4) Chạc: dây bện bằng lạt tre, lạt nứa, nhỏ và ngắn hơn dây thừng, dùng để buộc.

(5) Thắng cố: món ăn của người Mông, thường nấu từ thịt và nội tạng ngựa, đựng trong một cái chảo lớn.

>> Xem thêm: Soạn bài Cửu Long Giang ta ơi – Ngữ Văn 6 Kết nối tri thức

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận