Soạn bài Cửu Long Giang ta ơi – Ngữ Văn 6 Kết nối tri thức

Đang tải...

BÀI 5

PHẦN ĐỌC

Phần Đọc bài 5 của sách Ngữ Văn 6 bộ Kết nối tri thức giới thiệu đến các em văn bản Cửu Long Giang ta ơi của Nguyên Hồng. Sau khi đọc văn bản, các em hãy chia sẻ những cảm nhận của em về tình yêu của tác giả đối với quê hương, đất nước.

VĂN BẢN 3

Đọc văn bản

Cửu Long Giang ta ơi

Trích, NGUYÊN HỒNG

Ngày xưa ta đi học

Mười tuổi thơ nghe gió thổi mùa thu

Mắt ngẩng lên trông bản đồ rực rỡ

Như đồng hoa bỗng gặp một đêm mơ.

 

Bản đồ mới tường vôi cũng mới

Thầy giáo lớn sao, thước bảng cũng lớn sao

Gậy thần tiên(1) và cánh tay đạo sĩ(2)

Đưa ta đi sông núi tuyệt vời.

 

Tim đập mạnh hồn ngây không sao hiểu

Mê Kông(3) sông dài hơn hai ngàn cây số mông mênh

 

[…]

Mê Kông chảy

Cây lao đá đổ

Lan hoang dứa mật thông nhựa lên hương

Những trưa hè ngun ngút(4) nắng Trường Sơn(5)

Ngẫm nghĩ voi đi

Thác Khôn(6) cười trắng xoá

 

[…]

Ta đi… bản đồ không nhìn nữa…

Sáng mùa thu lại còn bướm với trời xanh

Trúc đào tươi chim khuyên rỉa cánh sương đọng long lanh

Ta cởi áo lội dòng sông ta hát

Mê Kông chảy, Mê Kông cũng hát

Rừng núi lùi xa

Đất phẳng thở chan hoà.

Sóng toả chân trời buồm trắng.

Nam Bộ

Nam Bộ

Chín nhánh Mê Kông phù sa(7) nổi váng

Ruộng bãi Mê Kông trồng không hết lúa

Bến nước Mê Kông tôm cá ngợp thuyền

Sầu riêng thơm dậy đất Thủ Biên(8)

Suối mát dội trong lòng dừa trĩu quả.

 

Mê Kông quặn đẻ

Chín nhánh sông vàng

Nông dân Nam Bộ gối đất nằm sương

Mồ hôi vã bãi lầy thành đồng lúa

Thành những tên đọc lên nước mắt đều muốn ứa

Những Hà Tiên(9), Gia Định(10), Long Châu(11)

Những Gò Công(12), Gò Vấp(13), Đồng Tháp(14), Cà Mau(15)

Những mặt đất

Cha ông ta nhắm mắt

Truyền cháu con không bao giờ chia cắt.

* * *

Ta đã lớn

Thầy giáo già đã khuất

Thước bảng to nay thành cán cờ sao

Những tên làm man mác tuổi thơ xưa

Đã thấm máu của bao hồn bất tử.

(Nguyên Hổng, Trời xanh, NXB Văn học, Hà Nội, 1960, tr. 5-9)

Sau khi đọc

        Nguyên Hồng (1918-1982) sinh ra ở Nam Định và sống chủ yếu ở thành phố cảng Hải Phòng. Nguyên Hồng sáng tác ở nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, kí, thơ,… Những trang viết của ông tràn đầy cảm xúc chân thành, mãnh liệt với con người và cuộc sống. Các tác phẩm chính của ông gồm: Những ngày thơ ấu (hồi kí), Bỉ vỏ (tiểu thuyết), Trời xanh (thơ), Cửa biển (tiểu thuyết), Bước đường viết văn (hồi kí),…

TRẢ LỜI CÂU HỎI

  1. Theo em, nhan đề bài thơ có gì đặc biệt? Nhan đề ấy gợi lên ấn tượng, cảm xúc gì?
  2. Em hình dung thế nào về “tấm bản đồ rực rỡ”? Nhân vật trong bài thơ có cảm xúc như thế nào khi nhìn tấm bản đồ ấy?
  3. Tìm những chi tiết miêu tả vẻ đẹp của dòng sông Mê Kông.
  4. Hình ảnh người nông dân Nam Bộ được tác giả khắc hoạ qua những chi tiết nào? Những chi tiết đó gợi cho em cảm nhận gì về con người nơi đây?
  5. Bài thơ Cửu Long Giang ta ơi có nhiều hình ảnh sinh động, giàu sức gợi. Em thích những hình ảnh nào? Vì sao?
  6. Nêu những cảm nhận của em về tình yêu của tác giả đối với dòng Mê Kông, với quê hương đất nước được thể hiện trong bài thơ.

*Chú thích:

 

(1) Gậy thần tiên: hình ảnh ẩn dụ chỉ cây thước (đồ dùng dạy học) của thầy giáo trong cái nhìn mơ mộng của học trò.

(2) Đạo sĩ: ở đây chỉ hình ảnh người thầy được ngưỡng mộ trong mắt học trò.

(3) Mê Kông: một trong những con sông lớn nhất thế giới, bắt nguồn từ cao nguyên Thanh Tạng, chảy qua địa phận Trung Quốc, Lào, Mi-an-ma (Myanmar), Thái Lan, Cam-pu-chia (Cambodia), Việt Nam và đổ ra Biển Đông. Đoạn sông Mê Kông chảy qua Việt Nam gọi là sông Cửu Long (Cửu Long Giang).

(4) Ngun ngút: hơi nóng bốc lên và toả ra không ngớt (nghĩa trong văn cảnh).

(5) Trường Sơn: dãy núi dài nhất Việt Nam, kéo dài từ thượng nguồn sông Cả trên đất Lào giáp Nghệ An tới cực nam Trung Bộ; Trường Sơn được chia thành Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam, ngân cách bời dãy núi Bạch Mã.

(6) Thác Khôn: một thác nước trên sông Mê Kông, nằm ở phía tây nam Lào.

(7) Phù sa: đất, cát nhỏ, mịn cuốn trôi theo dòng sông hoặc lắng đọng lại ở bờ sông, bãi bồi.

(8), (9), (10), (11), (12), (13), (14), (15) Thủ Biên, Hà Tiên, Gia Định, Long Châu, Gò Công, Gò Vấp, Đồng Tháp, Cà Mau:  các địa danh quen thuộc ở Nam Bộ xưa và nay.

>> Xem thêm: Công Dụng của Dấu Câu trong Bài Kí – Ngữ Văn 6

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận