Tương Tư (Nguyễn Bính) – Những bài giảng văn chọn lọc

Đang tải...

Mời bạn đọc tham khảo bài phân tích bài thơ “Tương Tư” (Nguyễn Bính) trong cuốn sách “Những bài giảng văn chọn lọc” do GS. Lê Trí Viễn biên soạn. Mong rằng đây sẽ là một tài liệu tham khảo hữu ích dành cho sinh viên, học sinh và những người làm công tác giảng dạy văn học.

TƯƠNG TƯ

NGUYỄN BÍNH

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông

Một người chín nhớ mười mong một người

Gió mưa là bệnh của giời

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng

Hai thôn chung lại một làng

Cớ sao bên ấy chàng sang bên này?

Ngày qua ngày lại qua ngày

Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng

Bảo rằng cách trở đò giang

Không sang là chẳng đường sang đã đành

Nhưng đây cách một đầu đình

Có xa xôi mấy mà tình xa xôi?

Tương tư thức mấy đêm rồi

Biết cho ai, hỏi ai người biết cho?

Bao giờ bến mới gặp đò

Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau?

Nhà em có, một giàn giầu

Nhà anh có một hàng cau liên phòng

Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông

Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?

        1. Tương tư nằm trong tập thơ LỠ BƯỚC SANG NGANG, một trong những tập thơ đầu tay của Nguyễn Bính xuất bản năm 1940, ba  năm sau khi nhà thơ được giải thưởng của Tự lục vãn đoàn với tập thơ TÂM HỒN TÔI năm 1937. Lỡ bước sang ngang là tên một bài thơ trong tập mà tác giả lấy làm nhan đề cho cuốn sách. Lỡ bước sang ngang là một bài thơ trong đó, một cô gái xưng là chị bộc bạch với em mình về tâm sự éo le của mình: yêu một người mà phải lấy một người khác, coi như mình “đã sang sông đắm đò” và dặn em “Em về thương lấy mẹ già, Đừng mong ngóng chị nữa mà uổng công”, lời lẽ lâm li, thống thiết nghe như muốn nát ruột. Bài thơ như nốt nhạc khởi đầu cho âm điệu chung của khúc nhạc. Cả tập thơ ngan ngát một âm điệu ấy. Ăm ắp tình yêu, yêu người, yêu đời, khát khao hạnh phúc, mơ ước và ước mơ, nhưng cuộc đời chỉ toàn là hụt hẫng, lỡ bước và lỡ làng, chỉ còn một chỗ vững bền là tấm lòng đối với quê hương đồng trắng nước trong, muôn đời nghèo khổ, nhưng cuộc đời lao động một nắng hai sương đã bao đời bồi đắp cho con người, cho cảnh vật tình nghĩa đậm đà, màu sắc chân chất mà ý vị. Nguyễn Bính viết rất nhiều thơ nhưng cuốn hút nhất vẫn là những tập thơ đầu mà LỠ BƯỚC SANG NGANG là một tác phẩm tiêu biểu.

        Tô Hoài kể rằng lúc mới quen nhau, anh thấy Nguyễn Bính luôn cắp trên tay một cái hộp bích qui màu đỏ đựng bản thảo thơ mình và những bức thư tình ”những cái thư cũ, nhưng người ta ở những đâu đâu ấy đã “cho rơi” anh rồi. Chỉ còn lại những lá thư trong hộp”. Anh cũng nhận xét luôn: “Dẫu cho những bức thư tình kia là những bàng chứng sống về lời thề sông cạn đá mòn, có lúc dọa cắt tóc di tu và uống thuốc phiện dấm thanh cho chết, nhưng e cũng không người con gái nào yêu thơ rồi say mê nhà thơ đến đi theo không”. Ai đó còn cụ thể hơn, mách rằng Nguyễn Bính ở Hà Nội có yêu một cô gái nhà sang ở Hoàng Mai – có thể vào lúc ở nhà người bạn chài lưới yêu thơ ở đầm Linh Đường – yêu để mà yêu cho thỏa ước mơ chứ làm gì có chuyện người ta yêu lại mình. Bài thơ Tương tư này đề viết năm 1939 ở Hoàng Mai. Từ mối tình một bên ấy mà ra bài thơ này chăng? Dù sao đó cũng là chuyện thường tình của tuổi hai mươi.

        2. Phân bua là mình tương tư rối trách người ta đủ điều là không đến với mình, rồi than, rồi thất vọng và mãi mãi nhớ thương, người làm thơ chỉ cốt nói lên một sự khắc khoải của lòng mình về nỗi yêu mà khổ lòng mong người đền đáp, nhưng lại đặt vào một khung cảnh nông thôn xưa cũ với dáng dấp một mối tình cũng xưa cũ trong ca dao và hương vị đồng quê mộc mạc.

        Bài thơ có thể chia làm 3 đoạn:

                1 – Thôn Đoài … tôi yêu nàng: Tác giả nói thật là mình đang tương tư.

                2 – Hai thôn … gặp nhau: Tác giả trách người mình yêu sao chẳng tới với mình và như vậy thì biết bao giờ mới gặp nhau.

                3 – Nhà em … thôn nào: Tác giả trở lại với sự khắc khoải vô vọng của lòng mình.

        3.1. Người yêu thương nhớ nhau mà không gặp được nhau, họ tương tư. Đó là một lẽ. Nhưng nhiều hơn chỉ một người thương nhớ một người mà không được đáp lại, trường hợp này văn chương mới gọi là tương tư. Lịch sử tình yêu xưa nay ghi nhận bao nhiêu trái tim Trương Chi. Nhà thơ đây tương tư là vào loại đó. Chỉ khác là nhẹ nhàng hơn. Không đến cỡ Trương Chi đã đành mà dường như cũng chưa tới độ: Ăn cơm quên đũa, ăn trầu quên vôi hoặc bổi hổi bồi hồi, như đứng đống lửa, như ngồi đống than.

        Từ đó người đọc không khỏi lấy làm lạ. Bài thơ viết vào năm 1939. Nhà thơ cũng vào tuổi Xuân Diệu, Huy Cận… và ba kẻ khác thuộc thế hệ Thơ mới. Bấy giờ, con – người – cá – nhân ào ạt khẳng định mình, cái tôi dõng dạc lên tiếng không chỉ dè dặt trong văn chương. Nó phơi bày sự thực của lòng mìn ở đủ mọi cung bậc của xúc cảm. Về tương tư cũng vậy. Bỏ qua cả Nguyễn Du. Những “bút se ngọn thỏ, tơ chùng phím loan hoặc “hương gây mùi nhớ, trà khan giọng rình”, chẳng bõ nữa. Nói như Xuân Diệu mới đã:

                                                                      Thôi hết rồi, còn chi nữa đâu em!

                                                                      Thôi hết rồi, gió gác với trăng thềm,

                                                                      Với sương lá rụng trên đầu gần gũi…

                                                                      Anh một mình, nghe tất cả buổi chiều

                                                                      Vào chầm chậm ở trong hồn hiu quạnh.

                                                                      Anh nhớ tiếng, anh nhớ hình, anh nhớ ảnh,

                                                                      Anh nhớ em, anh nhớ lắm em ơi!

                                                                      Anh nhớ anh của ngày tháng xa khơi,

                                                                      Nhớ đôi môi đang cười ở phương trời,

                                                                      Nhớ đôi mắt đang nhìn anh đăm đắm.

(Tương tư chiều)

        Nhưng Nguyễn Bính đã có cách tương tư của riêng mình:

        Kể cả về sau này, những năm năm mươi, sáu mươi, viết Gửi người vợ miền Nam trong tâm trạng ngày Bắc đêm Nam,   nhà thơ cũng không chạm đến dây tơ da thịt nóng bừng bừng như thế. Cái gốc dân dã, cái tạng của Nguyễn Bính là vậy. Không rời được cái hồn của đồng quê Vụ Bản đất Nam Định. Đó là chỗ khác, chỗ độc đáo của nhà thơ. Cũng là chỗ hay, chỗ quý.

        Bốn câu thơ mở đầu bập ngay vào tâm trạng, nói thẳng không chút giấu giếm: Tôi yêu nàng, tôi chín nhớ mười mong, tôi mắc bệnh tương tư. Nói toạc ra như thế tưởng đâu cái tôi là nhảy thẳng ra đằng trước, xưng tên xưng họ hẳn hoi và cái bệnh làm chết người được ấy tưởng đã làm cho con người ốm gầy mòn, thất thơ thất thểu. Không phải. Cô gái dưới gốc hoa đào tan dần nhan sắc và sức khoẻ đến sắp lìa đời mà nào có nói mình tương tư. Cho nên đã rao lên cho thiên hạ hay là mình tương tư thì muốn gì thì gì cái bệnh ấy chưa đến nỗi nhập vào lục phủ ngũ tạng thành chứng nan y. Mặc dù nó đã được tác giả khai ra là nó là chín nhớ mười mong.

        Mà thật. Có chữ nghĩa làm chứng. Nói tương tư là bệnh của tôi, nhưng có phải nghe nó rụt rè, che giấu, đưa cái tôi ra bận đằng sau cùng và chỉ cho nó cái chức năng làm định ngữ cho bệnh, chứ không được đứng ra làm chủ ngữ – yêu nàng xét như thế nào đó là định ngữ của tôi. Đổ là lướt qua vị trí và chức năng ngữ pháp. Còn bao nhiêu sự che giấu khác. Cái tôi ấy đã lẫn vào cái trừu tượng của một người: một người chín nhớ mười mong. Cái tôi ấy còn biến vào một địa danh: thôn Đoài. Đó không phải chỉ là ẩn dụ của thi pháp ca dao mà còn là biểu hiện của một quan niệm thời xưa: con người còn trộn lẫn với thiên nhiên, là một thành phần của vũ trụ. Chưa nói đối tượng bắt mình tương tư cũng đương là trừu tượng, che giấu không kém. Gọi là nàng đấy nhưng cũng là một người, là thôn Đông. Đối tượng bắt mình thương nhớ đến khổ, đến ốm đau mà còn chưa rõ ra là vậy thì bào cái tôi làm sao đã coi là tự khẳng định mình một cách chắc nịch? Lại còn chuyện hoà tan bệnh mình với gió mưa của trời. Trong thi pháp ca dao, hai câu 3, của đoạn thơ là hai câu hỏi đáp sau cắt nghĩa trước. Nhưng đó cũng là sự pha loãng cái tôi vào trời đất.

        Rút lại là tôi có tương tư, có nhớ thương thật, nhưng người để nhớ thương hãy còn mơ hồ và nhớ thương như vậy chỉ mới có đi mà đích tới chưa rõ ràng gì, đi mà chưa chắc đến. Nghe đau đau chứ chưa thấy xót trong âm điệu dân gian nay mà vẫn xưa, với chút hồn nhiên, chân chất.

        3.2. Vậy mà cứ trách, cứ than như là có người đáp lại mình nhưng còn quá hững hờ. Nào một người ấy, nàng ấy là chung với mình một làng, chỉ khác cái thôn, mà lại ở gần nhau, bên ấy bên này. Nào cách trở đò giang nhưng chỉ xa nhau có một đầu đình, chứ xa xôi gì đâu. Trách chán lại kể, lại than: kể mình đã thức những mấy đêm rồi mà ai người biết cho, than như thế đó thì biết bao giờ bến mới gặp đò, hoa khuê các và bướm giang hồ mới gặp nhau!

        Có vẻ như người ấy có thật đâu đó rất gần và có yêu mình thật. Nào là họ chẳng sang, họ bảo rằng đò giang cách trở chẳng có dường sang, nào họ là bến mà mình là đò, họ là hoa khuê các còn mình là bướm giang hồ.

        Càng có vẻ thật vì lời trách, lời than đều thành những câu hỏi, xoáy vào người ta: Cớ sao? (Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?) Có xa xôi mấy? (Có xa xôi mấy mà tình xa xôi? hỏi ai người biết cho? (Biết cho ai, hỏi ai người biết cho?), bao giờ mới gặp? (Bao giờ bến mới gặp đò? Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau?). Hỏi tất cả người và người yêu mình không người và người không yêu mình thì hỏi ai, hỏi sao được.

        Điều chắc chắn là mình khổ đau. Ở cả hai chiểu thời gian lẫn không gian, đưa đến một kết cục lỡ làng dài như định mệnh. Người ta không sang. Ngày qua, ngày lại qua ngày người ta cũng chẳng sang. Nhưng lòng mình thì như mỗi ngày qua là mỗi lần bị chà xát, mỏi mòn, tàn úa. Là lá xanh, mình đã nhuộm thành cây lá vàng, mình đã chết những màu xanh, những gì tươi thắm trong lòng. Người ta bảo cách trở đò giang. Một cái đầu đình cũng lấy làm xa. Vậy cái tình tam tứ núi, người lục sông đâu rồi? Còn lòng ta, thế là có con sông cắt ngang cái đầu đình chặn đứng, ôi con sông! Nó đâu phải là sông. Tương để kẻ nọ người kia cùng uống nước? ôi cái đình! Làm gì còn chuyện bao nhiêu ngói là bấy nhiêu thương mình! Chỉ có cách trở và xa xôi. Chỉ có lòng ta bị sựng lại không sao đi tới được. Kết cục là nỗi tương tư của lòng ta kéo dài vừa rồi những mấy đêm thức trắng, và nay mai còn dằng dặc bao đêm nữa? Cho tới bao giờ? Nó cũng sẽ trải dài ra vô định, bất trắc như bến với đò, như khuê các với giang hồ, cái đứng cái đi, khó lòng mà gặp.

        Thế là đã rõ. Chỉ có một cái là thật, đó là nỗi đau của mình. Đau ít, đau nhiều, tuỳ, nhưng là có thật. Còn người mình nhớ mình thương thì tuy có vị trí trong không gian, có gần đó nhưng họ không tới nên cũng thành không, tuy có vẻ thương mình để cho mình hỏi, nhưng họ không trả lời thì cũng như không, tuy còn đó, nhưng họ đứng ta đi hay họ đi ta đứng thì chung quy có bao giờ gặp nhau, và như thế họ có cũng coi như không. Trên kia, ở đoạn 1, hai câu 1,2 đã bày ra cái thế kẻ đầu câu kẻ cuối câu (Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông, Một người chín nhớ mười mong một người), sự xa cách coi như định sẵn, là chẳng bao giờ gặp nhau, ở đoạn 2 này lại là cái thế có vẻ gần, có vẻ chung, mà thật ra, lại là chỉ có một người độc thoại nịnh với mình, cái thế trông mà không đến, chờ mà không gặp, hỏi mà chẳng có trả lời. Tất cả như mở ra, rơi vào trống không, đi mà chẳng tới, thương người mà chẳng có người thương mình. Cuộc đời như đổ hẳn về một bên, chới với.

        Chất liệu dân gian may đã làm dịu đi khá nhiều. Nó tạo điều kiện cho cái tôi ẩn mình đi một cách tự nhiên – kể ra cũng còn chút gợn: Hoa khuê các và bướm giang hồ nghe đã xa màu dân gian không ít. Hai thôn chung lại một làng, thì lại người ẩn sau hai thôn. Bên ấy bên này liệu chỉ là những địa điểm hay cũng là kẻ đấy người đây? Đằng sau lá xanh là gì? Sao không phải là tôi? Bảo rằng là ai bảo và bảo ai? Nhưng đây thì đây là chỗ có người đứng, chẳng phải tôi thì còn ai? Còn tương tư thức mấy đêm rồi là tôi thức vì tôi tương tư như tôi đã khai bên trên, có giấu diếm đâu. Còn thở than nào có biết, nào làm sao gặp được nhau, gặp nhau biết đến bao giờ thay ai vào đó mà không phải tôi?

        Chất liệu dân gian còn làm cho nỗi đau của con người ta vào thiên nhiên, hoà vào tâm tình đã có tự nghìn xưa của thế giới chân lấm tay bùn, con người hiện diện đó mà dường như dáng hình, mày mặt, thậm chí cả xúc cảm của trái tim cũng che lấp sau luỹ tre, mái đình, tên thôn tên làng, gửi gắm về đò giang, sông nước, con đò, đầu bến, cái hoa, chiếc bướm. Tan hoà như thế, con người như nhân lên mà cũng nhẹ ra, có đau khổ đến đâu cũng có nơi chia xẻ bớt. Niềm tương tư của tôi vì thế cũng giữ mức chín nhớ mười mong và có sâu, nặng hơn cũng chưa quá chuyện thức mấy đêm – Thức mấy đêm thì đã chết ai! Kể cả nỗi vô vọng bẽ bàng có vẻ muốn dằng dặc trong không gian và thời gian – biết bao giờ mới gặp nhau – cũng chỉ là chuyện con thuyền cái bến, một đằng khăng khăng đợi một đằng chẳng biết có nhớ không, hoặc cảnh cánh bướm cành hoa bướm đậu rồi bướm đi, có bao giờ đậu mãi! Có ai bảo là không tha thiết nỗi niềm ấy, nhưng, như tâm hồn, cốt cách dân gian lao động, nó có gì vững chắc, lành mạnh, có mức độ, có nước mắt nhưng không bi luỵ, cũng như có vui nhưng không đến nổ trời.

        Ấy, tương tư của nhà thơ chúng ta chỉ đến thế. Nhớ thương mà không đến, có địa chỉ mà như không, hoá ra mình chỉ thương mình. Và hình như không phải một lần mà nhiều lần. Bao lớp thư tình nâng niu, gìn giữ trong cái vỏ hộp bích qui màu đỏ lựu kia không là bằng chứng đó sao? Tô Hoài kể thời trẻ quen nhau ấy, chưa một lần thấy Nguyễn Bính lấy vợ. Vậy là có chuyện trường chinh trong tương tư, vì cũng theo lời Tô Hoài, yêu thì có bởi yêu thơ, còn “đi theo không” thì chẳng có một ai. Có lẽ là cho tới thời đi kháng chiến và lấy vợ. Giữ mãi như ấy, thời xưa, theo một quan niệm quái ác về nghệ sĩ, không chỉ là chuyện để ca bài trường tương tư, mà lại mơ hồ coi đó là do cái kiếp nghệ sĩ, có vậy mới “sang”, mới “oai”.

        3.3. Một mối tương tư như thế sẽ kết thúc sự vô vọng, bẽ bàng của mình bằng cách nào? Cho ngọn đèn hết dầu loé lên lần chót vậy. Không chốn tránh, ẩn nấp gì nữa. Bỏ tôi xưng anh, gạt nàng ra để em thay vào. Chẳng bóng gió bằng xa xôi, bao giờ gặp, kể cả tương tư, mà nói chuyện cưới xin, chuyện trầu cau. Nhà em có trầu, nhà anh có cau. Trầu không và cau liên phòng (một thứ cau mà quả đậu thành chùm trông như những hạt sen non trong gương sen – một thứ cau quý). Cau và trầu ấy mà kết lại thành một mâm xinh đẹp thì đúng lễ nghi cưới xin. Nhớ thương giữa trai gái thì đó là cái đích.

        Nhưng trớ trêu làm sao! Trầu thì ở nhà em, nhà anh chỉ có cau. Em thì ở thôn Đông, anh thì ở thôn Đoài. Thôn Đoài nhớ thôn Đông, anh thì nhớ em, vậy cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào, hở em? Còn thôn nào nữa? Thôn Đông của em và cũng là của anh. Nghe ra mùi mẫn lắm. Nhưng cũng chưa quá cái nhớ. Và nhớ mới một bên, một chiều. Tuy nhích lên một chút cho gần gũi hơn trong xưng hô: anh và em, nhưng rồi lại quay về chỗ ẩn náu cũ: Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông, nghĩa là chẳng tiến lên bước nào. Tuy mon men tới chuyện trầu cau nhưng lại không thoát khỏi cái bẽ bàng: nhớ người ta mà chưa hề thấy bóng dáng người ta đoái lại. Cho nên đành chấm dứt cơn sầu tình bằng một dấu hỏi: Cho cái thôn Đông có trầu, có em đó vào một cõi mơ hồ: Thôn nào? Vô vọng và bẽ bàng là số phận của nỗi tương tư này.

        4. Một bài Tương tư không đủ giúp hiểu Nguyễn Bính, nhưng nó vẫn đậm chất nhà thơ ở một đôi điều và là điều căn bản.

        Dù sao nhà thơ vẫn là người của Thơ mới. Thế hệ đó xuất hiện trên văn đàn là một dấu hiệu mới của thời đại. Mới trong xã hội, mới trong ý thức con người, mới trong học thuật, mới trong văn học. Thơ mới là khúc đàn muôn điệu của tâm hồn thế hệ ấy. Đó là tâm hồn của con – người – cá – nhân, không hẳn tâm hồn của con – người – quần – thể xã hội cũ. Trong hoàn cảnh mất nước, nó có quá trình diễn biến của nó, trước hay sau dở, nhưng dù là bài ca vui tươi hay điệu buồn cay đắng, nó vẫn là sự thực của con người ấy trong hoàn cảnh của Nguyễn Bính viết bài thơ này năm 1939. Nó là một mảng của tấm lòng nhà thơ, của cái tôi nhà thơ. Cái tôi ấy nhớ thương đến tương tư thì nó cứ nói lên công khai sự thực đó, không phải để khoe khoang mà cốt để đạt được mục đích duy nhất khẳng định con – người – cá – nhân của mình với cái quyền được tồn tại, được sống như con người đáng sống.

        Tuy vậy, Nguyễn Bính không giống một số các nhà thơ thời đó. Một chuyện tương tư mà đã thấy khác. Nguyên nhân là nhiều nhưng chắc chắn là Nguyễn Bính đã khoanh cho mình một chỗ đứng riêng. Nguyễn Bính không học ở trường, chỉ học với cha và cậu ở nhà và tắm mình trong đời sống nông thôn lớn lên ở đó và gắn bó cả đời với câu ca lời hát, với nếp sống lâu đời của cha ông bằng sức nhạy cảm, năng khiếu thơ rồi sớm nở. Ngày xưa, Hoài Thanh đã nói Nguyễn Bính đã là cho “ta bỗng thấy vườn cau, bụi chuối là hoàn cảnh tự nhiên của ta và những tính tình đơn giản của dân quê là những tính tình căn bản của ta” (Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, Hà Nội, 1988, tr 343). Gần đây, Tô Hoài cũng khẳng định: “Trưa sau và mãi mãi, Nguyễn Bính vốn là nhà thơ của tình quê, chân quê, hồn quê”. (Tuyển tập Nguyễn Bính NXB Văn học 198 tr23). Tương tư ít nhiều cho thấy như vậy. Và vượt lên trên có hoặc ở chiều sâu là một nỗi khát khao vươn tới vuông tròn trọn vẹn, hạnh phúc, điều mà ai chẳng mong ước cho mình mà cuộc đời đâu dễ đã đem lại. Nói chuyện mình tương tư, kỳ thực xuyên qua đó là nói lên cái khát vọng rất người ấy, nhưng tội nghiệp cho nhà thơ, cho hết thảy thế hệ hồi đó, cuộc đời bây giờ chỉ như chuyện Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông, mà thôn Đông thì cuối cùng hoá ra thôn nào mà thôi!

>> Xem thêm: Đây mùa thu tới (Xuân Diệu) – Những bài giảng văn chọn lọc

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận