Đây mùa thu tới (Xuân Diệu) – Những bài giảng văn chọn lọc

Đang tải...

Mời bạn đọc tham khảo bài phân tích bài thơ “Đây mùa thu tới” (Xuân Diệu) trong cuốn sách “Những bài giảng văn chọn lọc” do GS. Lê Trí Viễn biên soạn. Mong rằng đây sẽ là một tài liệu tham khảo hữu ích dành cho sinh viên, học sinh và những người làm công tác giảng dạy văn học.

ĐÂY MÙA THU TỚI

XUÂN DIỆU

                                                              Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang

                                                              Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng

                                                              Đây mùa thu tới – mùa thu tới

                                                              Với áo mơ phai dệt lá vàng.

 

                                                              Hơn một loài hoa đã rụng cành

                                                              Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh

                                                              Những luồng run rẩy rung rinh lá

                                                              Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh.

 

                                                              Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ

                                                              Non xa khởi sự nhạt sương mờ

                                                              Đã nghe rét mướt luồn trong gió

                                                              Đã vắng người sang những chuyến đò

 

                                                              Mây vẩn từng không, chim bay đi

                                                              Khí trời u uất hận chia li

                                                              Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói

                                                              Tựa cửa nhìn xa, nghĩ ngợi gì.

 

        1. Từ trước Xuân Diệu đã có thơ đăng trên báo và đã gây nên một tiếng vang lớn trong phong trào Thơ mới, nhưng đến khi tập Thơ Thơ ra đời năm 1938 ở nhà xuất bản Đời nay của Tự Lực văn đoàn thì vị trí hàng đầu của Xuân Diệu trong làng thơ bấy giờ coi như mặc nhiên được công nhận. Viết về Thơ Thơ, Hoài Thanh nhận xét: “Thơ Xuân Diệu chẳng những diễn đạt được cái tinh vi có hữu của nòi giống… Xuân Diệu còn là một nguồn sống rạt rào chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này. Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sống cuống quít, muốn tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình. Khi vui cũng như khi buồn, người đều nồng nàn, tha thiết… Sự bồng bột của Xuân Diệu có lẽ đã phát biểu ra một cách đầy đủ hơn cả trong những rung động tinh vi. Sau khi đọc đi đọc lại nhà thơ có tâm hồn phức tạp này, sau khi đã tìm kiếm Xuân Diệu hoài, tôi thấy đây mới thực sự là Xuân Diệu… Xuân Diệu đã gửi trong thơ của người lẫn với một chút hương xưa của đất nước, bao nhiêu nỗi niềm riêng của một thanh niên bây giờ – Xuân Diệu mới nhất trong các nhà thơ mới – nên chỉ những người có lòng còn trẻ mới thích đọc Xuân Diệu, mà đã thích thì phải mê” (Thi nhân Việt Nam, nhà xuất bản Văn học tái bản, Hà Nội 1988). Có lẽ nhận định như thế cũng chưa toàn diện nhưng vẫn có thể xem như đã nói lên khá đúng cá tính thơ của Xuân Diệu. Thơ Thơ là tập thơ đầu tiên và cũng là tập thơ tiêu biểu, hay vào bậc nhất của thi sĩ.

        Đây mùa thu tới trích trong đó.

        2. Mùa thu xưa nay đã làm xao động biết bao trái tim và đã hiện thành vô vàn lời thơ trong văn chương nhân loại. Cũng lắm đề tài ấy. Ở nước ta, kể thế hệ Xuân Diệu, người võ vẽ văn chương một chút cũng không sao không biết Thu hứng, Đăng cao của Đỗ Phủ, Thu Tầm Dương của Bạch Cư Dị, Bài ca mùa thu của Véclen, Thu của Bôđơle, thu trong thơ Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Tản Đà, cả mùa thu toàn nước mắt của Tương Phố… Đủ tình đủ điệu, còn gì để nói nữa! Có điều thu trời đất thì vậy nhưng lòng người thì ai dễ giống ai và ai nói giùm cho ai được. Huống chi từ Tản Đà – chứ không nói tới Nguyễn Khuyến – đến Xuân Diệu, cái xã hội còn làm ngơ ngay nhà thơ núi Tản nay đã trở thành quen thuộc, hơn nữa, đã môi trường sống của thế hệ thanh niên hồi này, trong đó có Xuân Diệu. Họ khác các bậc đàn anh đã nhiều chứ đừng nói khác cha ông. Học khác, sống khác, cảm nghĩ, ước mơ, nguyện vọng đều khác. Cho nên, Xuân Diệu sẽ có cách rung động và cách diễn đạt không giống người trước.

        Xuân Diệu nói về thu trong Thơ Thơ có những mấy nơi Ý thu, Thơ duyên… và Đây mùa thu tới. Cũng có nét chung nhưng mỗi nơi một vẻ. Ở bài thơ này, sau khi miêu tả những cảm nhận của mình trước cảnh vật mùa thu từ gần đến xa, từ cái hiện đến cái ẩn, tác giả đi vào tâm tư con người, từ con người ngoại giới đến con người bên trong. Tất cả nhằm biểu hiện cái buồn vừa man mác vừa thấm sâu, vừa mênh mông vừa vi tế, trong cái thế chung của sự sống bên ngoài như nhạt phai mất mát dần nhưng bên trong lại như chứa chất một sự vươn tới, một  sự ước mong mơ hồ và tha thiết.

        Bài thơ này là một thể thống nhất rất khó phân đoạn. Cần lắm thì có thể chia làm 2 đoạn: 1 – Hai khổ thơ đầu: Mở lời báo thu sang và đôi nét gần gũi tế vi. 2 – Hai khổ sau: Cảnh thu nhìn sâu, nhìn rộng và tình thu ở cả trong trời đất và trong lòng người.

        3.1. Đã thành sáo ngữ những lá vàng, hoa rụng, nhành cây khô gầy khi các nhà thơ động đến mùa thu xưa nay. Xuân Diệu cũng lặp lại. Không gì mới mẻ.

        Xuân Diệu làm bài thơ này hồi anh từ Hà Nội về học năm thứ ba trung học tại trường trung học Khải Định, Huế năm 1936 – 1937. Bấy giờ trường lấy lại tên cũ – trước đó là trường quốc học, nơi Bác Hồ có học thuở thiếu thời. Trường nằm trên bờ sông Hương, trước trường có công viên của thành phố, xế trường có bến đò Thừa Phủ. Trong trường có nhiều hàng phi lao quen gọi cho đẹp là dương liễu, có cả một dãy bàng, những làng xoan mà Huế gọi là cây sầu đông (vì đến đông nó rụng hết lá ra vẻ sầu), và bên vườn  sau nhà hiệu trưởng và nhà giám học đều có trồng hoa. Cạnh  sườn là Trường cao đẳng tiểu học nữ Đồng Khánh, chỉ cách một con đường. Trời Huế mùa thu thì mưa dầm dề, mây đen luôn phủ tầng không. Do đó có thể xem các hình ảnh trong bài thơ đều là cảnh thực ngay trong khuôn viên trường: rặng liễu (vốn là phi lao) ướt át, rũ rượi như đang tuôn nước mắt trong mưa; trong vườn nhà hiệu trưởng, hoa rụng xơ xác, sắc úa đỏ của lá già như đang rũa, bất bình với màu xanh của lá non; và ở cây nào đó, cành này cành kia rơi lá, chết khô, đã trơ cành khô gầy xương mỏng manh… Dĩ nhiên không nhất thiết các chi tiết cảnh vật kia đều lấy ở trong trường Khải Định, nhưng lấy ở đấy cũng chẳng sao. Nó là cảnh nhãn tiền, trông thấy, sờ mó được. Đúng là không có gì lạ.

        Mới chăng là ở cách diễn đạt. Và cách diễn đạt này lại do cảm nhận không giống ai của tác giả.

        Rặng liễu đứng chịu tang, tóc buồn buông lệ hàng ngàn là mới, mùa thu tới với áo dệt lá vàng cũng mới. Ngày xưa báo thu tới là lá ngô rụng vàng một chiếc: Ngô đồng nhất diệp lạc, Thiên hạ cộng tri thu (Ngô đồng rụng một lá, thiên hạ biết thu sang). Nguyễn Du cũng đã lấy ý ấy: Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô. Xứ ta không có cây ngô đồng như trong thơ nói. Xuân Diệu không trở lại với hình ảnh đã thành công thức ấy. Nhà thơ cũng không báo thu sang mà cứ mở ra bằng cảnh buồn nơi rặng liễu và sau đó như sực tỉnh nhận ra: mùa thu đã tới đây và lặp lại mùa thu tới như một sự bất ngờ bắt chước mà có gì quan trọng như một sự kiện không nhỏ trong đời sống cần rao lên cho mọi người hay, và mùa thu ấy đến như một con người khoác áo kết bằng lá vàng nhưng nhuộm màu phai nhạt (văn bản đầu tiên của bài thơ này chép: với chùng thâm mặt rám vàng). Mùa thu ấy đã thành con người và tất cả những gì của mùa thu đều sống kiếp người – thu Liễu đã đành, hoa cũng rụng cành, sắc đỏ càu nhàu với màu xanh, gió cũng run rẩy và nhành khô gầy trơ xương mỏng manh. Phong cách học bảo đó là nhân hóa. Không đơn giản như vậy. Nhà thơ đã cảm nhận mùa thu có “cuộc sống” như con người như lòng người. Lòng thu, hồn thu cũng như chứa chất nỗi niềm gì bên trong mà biểu hiện ra bên ngoài là tang, lệ, phai, vàng úa, đỏ chết, rụng, run, khô gầy, mỏng manh… Con người – thu ấy có chỗ nào trùng hợp với con người – tác giả không? Lời tác giả và lòng thu có chỗ nào bạn bè không? Chưa đi người vào vấn đề này. Chỉ biết dùng cách nói như vậy về thu và kiểu riêng của nhà thơ, rất mới.

        Có người chê cách mới ấy của Xuân Diệu: Tây quá. Sự thực nhà thơ không hề giấu: trong bài nói chuyện ở Trường Đại học Xoòcbon Paris năm 1981, Xuân Diệu đã nhận mình chịu ảnh hưởng rất sâu của thơ Pháp, nhưng mình vẫn là mình, người Việt Nam. Chẳng khó khăn gì mà không nhận ra ngay trong bài thơ này những cách diễn đạt và những hình ảnh hơi hướng Pháp: rặng liễu chịu tang, mùa thu tới với ảo mơ phai (nên để áo chùng thâm thì quá buồn và Tây quá rõ), hơn một loài hoa (tiếng Việt trong tư duy Việt quen nói: dăm bảy, đã màu loài hoa…), sắc đỏ rũa màu xanh (rũa là dịch nghĩa đen từ jurer của tiếng Pháp mà nghĩa bóng là không hợp, là đối ngược). Đúng như tác giả nhận một cách đúng đắn: có học tập nước ngoài nhưng đã tiêu hóa qua tạng người mình và chỉ làm giầu cho đất nước mình chứ không hề gây trở ngại gì. Trước lạ rồi sau quen, cái mới nào cũng vậy.

        Sâu xa hơn và tinh vi hơn nhiều là sức cảm nhận của trái tim và trí tuệ nhà thơ. Đó là ở câu: Những luồng run rẩy rung rinh lá, Hoài Thanh nhận xét: “Trong cảnh mùa thu rất quen với thi nhân Việt Nam, chỉ Xuân Diệu mới để ý đến: Những luồng run rẩy rung rinh lá…” và cách đó ngược lên vài dòng: “Sự bồng bột của Xuân Diệu có lẽ đã phát biểu ra một cách đầy đủ hơn cả trong những rung động tinh vi” (Thi nhân Việt Nam, Nhà xuất bản Văn học tái bản, Hà Nội 1988 trang 118). Chúng ta có thể nhớ tới chiếc lá rơi vèo (Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo) của Nguyễn Khuyến, hoặc chiếc lá rơi mỏng như là rơi nghiêng của Trần Đăng Khoa. Các câu thơ ấy đều tả lá chứ không tả gió, nhưng ai không thấy gió trong đó đều rất nhẹ. Đây không có gió hiện ra, chỉ có luồng run rẩy làm rung rinh lá. Lặp bốn phụ âm R là một phụ âm rung mà nghe chẳng thấy dao động mạnh mẽ gì cả, trái lại chỉ rất khẽ, khẽ rung rinh mà run rẩy cũng khẽ, cái rùng mình nhè nhẹ của gió se sẽ chuyển qua lá và lá rung rinh – ai biết lá rung rinh vi gió hay vì lạnh? Mà cái luồng run rẩy kia cũng do đâu? Gió hay lạnh? Có lẽ do cảm quan nhà thơ chỉ thấy run rẩy và rung rinh chứ không phân biệt đó là luồng gió hay luồng lạnh bởi cả hai đều là của mùa thu. Chưa đến sự trộn lẫn tương giao (tiếng Pháp là correspondances) của các hệ cảm giác mà Xuân Diệu đã dùng một cách tài tình: Này lắng nghe em khúc nhạc thơm, Say người như rượu tối tân hôn, và xa hơn là Nguyễn Gia Thiêu: Lạnh lùng thay giác cô miên, Mùi hương tịch mịch bóng đèn âm u hay Đoá lê ngon mắt cửu trùng. Nhưng sự ngập ngừng mơ hồ chút ít như thế đúng là chỉ hiện ra với độ tinh vi của cảm quan thơ nhanh nhạy nhất của tác giả.

        Độ tinh vi ấy là một bằng chứng: lòng tác giả đã thấm sâu vào lòng thu, sự thâm nhập không dừng ở bên ngoài mà đã đi xuyên vào bên trong. Đi vào nhưng thực là để đi ra, nổi ra được điều kín sâu nhất của lòng mình. Cảnh thu đó là hồn thu, hồn thu đó là hổn nhà thơ. Chưa rõ vì lẽ gì nhưng vẫn đủ buồn, khóc, úa, rụng, run, khô gầy. Rất đau thương.

        3.2. Từ liễu, lá vàng, hoa rụng, sắc đỏ, lá xanh, nhánh khô gầy đã chuyển sang nàng trăng ngẩn ngơ, non xa nhạt sương mờ, bến đò vắng người sang, tầng không mây vắng, chim chóc bay đi, khí trời u uất và cô thiếu nữ tựa cửa không rõ nghĩ ngợi gì…

        Trên kia là cảnh trong Trường, gần Trường. Cũng có thể là cảnh ở đâu đâu. Nhưng đây, chẳng lẽ cảnh bến đò kia cứ khăng khăng phải là bến đò Thừa Phủ xế Trường, bởi ngày mưa, quả là sông Hương rộng thêm, mờ mịt thêm và khách qua đò vắng lặng? Còn núi xa và sương mờ thì cứ ra bờ sông ngay trước Trường vài mươi thước, nhìn ngược lên phía nguồn Tả nguồn Hữu sông Hương, thì dãy A Tuất luôn luôn khuất trong sương mù. Ở đó, ngày tốt trời mà vẫn là cảnh: Mây núi hiu hiu chiều lặng lặng, Mưa nguồn gió biển nắng xa khơi (Tố Hữu – Quê mẹ). Cái hiu hiu, lặng lặng, cái xa khơi ấy vốn là tâm hồn Huế thì núi nhạt sương, bến đò vắng, khí trời đầy hận chia li vào mùa thu có gì lạ? kể cả những cô thiếu nữ lặng lẽ buồn tênh trong các cửa tiệm đường Pôn Be bên kia sông, hoặc ở ngay bên các cửa sổ Trường nữ mà đứng bên lầu kí túc xá Khải Định nhìn qua thấy chiều chiều… có xa lạ gì! Nói vậy thôi cho thơ có gốc rễ – có gốc rễ tức là dựa trên kinh lịch, chất sống, thơ mới hay. Xuân Diệu chẳng đã nói: “những cảnh buồn buồn, xa xa, mờ mờ là tôi lấy ở nông thôn thời nhỏ” (Và cây dời mãi mãi xanh tươi, Nhà xuất bản Văn học Hà Nội 1971). Nhưng nhà thơ cũng đã từng tâm sự khi viết Những bước đường tư tường cùa tôi (1958): “Học ở Huế năm 1936 – 1937, tôi biết thêm một xứ đã tạo cho tôi cái mê li, cái lả lướt đắm đuối rất cần thiết, đã bổi dưỡng cho tâm hồn tồi với những Nam bằng, Nam ai, với sông Hương màu nước ấy và nhất là màu mắt của người con gái Huế. Cho nên cái thiên nhiên và con người ở Huế cho tôi một khía cạnh mới, cộng thêm với thiên nhiên và con người ở Bắc…” Có hồn Huế chìm trong thơ, chẳng mất gì mà lại hợp mà thực.

        Dù sao, cái cao đã thay vào cái thấp (trăng thay vườn), cái xa đổi cho cái gần {non đổi cho hoa vườn), cái hẹp cái nhỏ chuyển sang cái rộng lớn (rặng liễu, tóc buôn, đôi nhành khô gầy, rung rinh lá chuyển sang non xa, sương mờ, từng không), cái cụ thể nhoà thành cái mơ hồ, cái xác định nhoà trong cái vô định (chịu tang, buông lệ, rụng cành, sắc đỏ, màu xanh, run rẩy, rung rinh, khô gầy mong manh là cụ thể, cố định, xác thực, còn ngẩn ngơ, nhạt sương mờ, luồn trong gió, chuyến đò vắng người sang, chim bay đi, hận chia  li, buồn không nói, nghĩ ngợi gì đều là điều mơ hồ, vô định, không bến bờ, phương hướng). Trên kia là cảnh vật trong không gian: thỉnh thoảng, khởi sự, đã nghe, đã vắng… mà thời gian cũng mơ hồ, dù có bắt đầu (khởi sự), có đã qua (đã nghe, đã vắng), và lặp đi lặp lại (thỉnh thoảng).

        Bao nhiêu sự biến chuyển ấy đưa tới hiệu lực gì? Gần hóa xa, thấp thành cao, hẹp trở nên rộng, nhỏ biến ra to, mơ hồ, vô định thay cho cụ thể, xác định… không gian đã nới rộng ra đến không còn biết đâu là biên giới, thời gian có thuỷ mà chẳng hề có chung. Tất cả đều là từ bên ngoài đi vào bên trong, không gian, thời gian đều là tâm trạng của cảnh vật và tâm trạng người làm thơ, trên cái thế chung là nhạt dần, phai đi, mơ hồ đi, nghiêng đổ, mất mát một cái gì mà chính mình không biết.

        Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ. Thỉnh thoảng thì biết là hồi nào? Lúc có lúc không. Ngẩn ngơ là như mất một cái gì, mong một cái gì mà không tới, lơ lơ, lửng lửng, chưa thật buồn mà không còn vui. Lại là tự ngẩn ngơ. Vậy không có nguyên nhân bên ngoài mà cơ sự bên trong, tự mình làm cho mình ngẩn ngơ. Ai làm cho mình ngẩn ngơ thì mình có thể chờ, có thể trách, người ta đến với mình thì mình hết ngẩn ngơ. Đằng này, không duyên cớ gì mà tự ngẩn  ngơ thì biết làm sao gỡ cho ra? Ngẩn ngơ sẽ ngẩn ngơ mãi, không kì hạn. Nhà thơ bảo thỉnh thoảng. Cũng còn may. Giá cứ thường xuyên thì chỉ còn chết héo. Đó là “tâm trạng” nàng trăng. Còn đây là của núi: Non xa khởi sự nhạt sương mờ. Núi cũng chẳng còn xanh biếc bình thường. Núi đã nhạt phai trong sương mờ, trở thành lạnh lẽo bên ngoài, còn bên trong thì ai biết tình núi ra sao? Mà đây là mới khởi sự. Mới bắt đầu, còn kéo dài bao lâu, kéo dài tới đâu, ai hay được? Non xa đã trở nên một khối bí mật không sao hiểu nổi. Còn gió? Còn chuyến đò? Thì đây: Đã nghe rét mướt luồn trong gió, Đã vắng người sang những chuyến đò. Lạnh rồi. Những luồng run rẩy trên kia đã hiện rõ là gió rồi. Và gió lạnh. Trăng ngẩn ngơ chưa phải lạnh, non nhạt sương mờ cũng chưa hẳn lạnh. Bây giờ là cả bầu thu quét trong gió, mênh mông, và luồn vào, len vào, âm thầm, lặng lẽ cái lạnh của đất trời, không để ai biết ai hay, trừ nhà thơ đã biết lắng nghe và đã nghe được, bắt được cái hồn ấy của gió, cái “tâm trạng” của gió. Chính trong cái bầu trời mênh mông gió lạnh ấy đã khiến cho con đò thưa chuyến và người sang đò cũng ngần ngại mà vắng sang. “Tâm trạng” sâu kín của gió đã chuyển qua “tâm trạng” của con đò: gió thì lạnh, đò thì vắng khách sang sông.

        Đất trời thu đã đầy những ngẩn ngơ, bí mật, những lạnh luồn sâu, những vắng bóng người như vậy thì chim chóc ở gì mà không bay đi và khí trời không u uất bao mối hận chia li? Ai chia li? Liễu chịu tang ai? Lệ rời tóc và tóc buông lệ. Hoa chia tay với cành, màu xanh chia ly với lá, xương xóc đã tới thay thịt da. Trăng sáng trăng xa đã đi biệt. Non biêng biếc cũng phải rồi. Gió đã lìa khí mát. Người đông đã bỏ bến đò. Chim đi. Mà tất cả, nào ai biết vì lẽ gì, chỉ thấy u và uất. Đến con người. Sang đò là con người ngoài trời, con người đang đi, đang hoạt động. Con người tựa cửa, cô thiếu nữ không nói kia mới là con người suy tư, con người tâm trạng.

        Thế là cả cái không gian và cái thời gian kia đều ăm ắp tâm trạng. Tâm trạng gì thì cả một gam cảm giác và xúc cảm đi từ ngẩn ngơ đến chia li. Nhưng chẳng thấy nguyên nhân ở đâu. Dường như chỉ tại mùa thu. Thu ngoại giới và thu trong lòng. Vậy ý tứ nhà thơ lại đặt hình ảnh ít nhiều thiếu nữ vào cuối bài thơ, vào cuối chuỗi tâm trạng này? Nếu đúng đây là mùa thu Huế thì phải chăng vì “màu mắt của người con gái Huế” cũng đầy thu trong đó? Dù sao, tả mùa thu mà không có bóng dáng con người thì sao đủ? Phải có con người và hơn nữa, tâm trạng con người. Mà cảm thương với thu thì gì bằng lòng thiếu nữ! Quả nhiên nhà thơ tính toán không lầm. Không những một cô mà ít nhiều cô đều cùng một điệu. Thì ra bao nhiêu nỗi niềm thu ở liễu, ở hoa, ở lá, ở cành, ở trăng, ở non, ở tầng không, ở khí trời, ở đò, ở chim… đều dồn lại, hiện ra đủ hết ở các cô: ít nhiều thiếu nữ buôn không nói, Tựa của nhìn xa nghĩ ngợi gì. Đến đây mới thấy tất cả hồn thu đi vào hồn người. Các cô ấy buồn nhưng không nói, chỉ tựa cửa nhìn xa, còn nghĩ ngợi gì chẳng ai biết. Cái im lặng thật kỳ. Ngôn ngữ nghệ thuật có cái lạ. Cần nói nhiều nhất, có khi đủ nhất, thấm nhất, người ta lại nhờ cái lặng câm. Âm nhạc có nốt lặng. Sân khấu có lúc im lặng – không nói: kịch câm. Còn hội hoạ, điêu khắc, kiến trúc thì lại nói bằng màu, bằng đá, bằng đường bằng khối, gỗ, xi mãng. Cái im lặng của các cô lại nói năng nhiều biết bao! Tựa cửa là để nhìn ra mà cũng là để đón vào. Nhìn ra và đón vào thì bao nhiêu cảnh vật trước mắt, cái gần cái xa, cái thấp cái cao, cái rộng cái hẹp, cái cụ thể cái mơ hồ, cái xác định và cái vô định, cái bên ngoài cái bên trong, cái ngoại giới cái tâm tư,… tất cả đều úa phai, rơi rụng, khô gấy, ngẩn ngơ, nhạt mờ, lạnh, vắng, chia li, nghiêng đổ mà chẳng biết duyên do gì, hầu như một thứ định mệnh. Nhận hết thảy vào lòng, các cô chỉ có buồn, chứ chẳng nói gì. Nói làm sao được? Bởi các cô tự dưng thấy mình không khác gì đất trời, cũng chỉ thấy buồn mà nào có hiểu từ đâu!

        Đó, mùa thu tới là như thế.

        4. Các nhà thơ xưa xúc cảm về thu, ai cũng bộc bạch lòng mình ghé vào cảnh vật. Đỗ Phủ mở đầu lác đác rừng phong hạt móc sa thì sau đó lại là khóm cúc tuôn rơi dòng lệ cũ. Con thuyền buộc chặt mối tình nhà (Nguyễn Công Trứ dịch). Hoặc vào bài Gió mạnh trời cao vượn hú dài thì kết thúc bằng Ma bệnh theo hành rượu tạm nguôi (Khương Hữu Dụng dịch). Véclen lẫn lộn thu và lòng mình: Tiếng khóc lâu, Từ đàn sâu, của mùa thâu, Xéo lòng đau, một mối sầu, Chẳng có màu… (L.T.V tạm dịch) Thu Vãn chiêu hòn của Nguyễn Du là thu não lòng người, não luôn lòng tác giả: Năo người thay bấy chiều thu. Dù là tả ba gian nhà cỏ hay nhìn trời thu xanh ngắt, Nguyễn Khuyến cũng quay về mình: Độ dăm ba chén hoặc toan cát bút. Nói đến Tản Đà thì tràn lan tâm sự trước thu, dù là Ngọn gió thu phong hay Từ độ sâu đến nay… Ngay Xuân Diệu trong những bài Ý thu, Thơ duyên cũng đều có nói tới “tôi”. Thế mà ở bài này chữ tôi không hề xuất hiện. Thế là thế nào? phải chăng đây chỉ là một bài thơ thuần tả cảnh? Đúng là tả cảnh thật, nhưng nhà thơ không hoàn toàn đứng ra ngoài, không chút liên can. Cảnh thu ấy là cảnh thu tác giả nhìn qua cảm nhận của mình với tình cảm tâm tư của bản thân mình. “Tâm trạng” của cảnh thu chính là tâm trạng của nhà thơ. Và các cô thiếu nữ cuối bài đã nói giùm cho nhà thơ tâm trạng ấy trong cái lặng im của các cô.

        Thực ra chìm sâu trong tâm trạng ấy là một nỗi buồn mà biểu hiện là những ngẩn ngơ, những chia li, những úa tàn, rụng rời, mất mát như trên kia đã phân tích. Nó là một tâm trạng hiện thực, nó có mặt và có lúc thấm sâu vào trong xương tuỷ.

        Cả thế hệ có chút học vấn, nhất là những ai mon men đến với văn chương, đều thấy nó ngự trị trong tâm hồn mình không biết từ bao giờ mà mình không hiểu nó từ đâu, hoặc giả học mót người xưa thì chỉ gật gù cho nó là mối sầu vạn cổ lâu bền như loài người, và hễ tài hoa bao nhiêu lại bị nó bám chặt bấy nhiêu. Xuân Diệu đã có lần kêu lên nghe vu vơ mà thảm thiết biết bao: Hôm nay trời nhẹ lên cao, Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn. Tản Đà cắt nghĩa: “Từ xưa đến nay, đông, tây, nam, bắc, không cứ ông đế vương, ông hiền thánh, ông anh hùng hào kiệt, chí sĩ nhân dân, người văn chương, kẻ công lợi, khách hồng phấn, con hát đàn, cùng chung nhau một chữ sầu cả”. Căn nguyên của cái sầu vạn cổ ấy chắc không ngoài niềm thương đối với bao bất hạnh coi như định mệnh trong xã hội bóc lột. Kẻ có tâm huyết không ai dửng dưng nên sinh ra sầu. Đối với thế hệ Xuân Diệu, trên mối sầu ấy còn chồng lên một mối buồn khác mà những kẻ không bắt được mạch Cách mạng đều không nhận thức ra, đó là mối buồn mất nước nó lẫn vào trong xương thịt mình mà không hay, không biết, chỉ thấy nó hiện lên trong tâm hồn mình và thấm vào cảnh vật thiên nhiên một cách bất ngờ khiến mình tưởng đó là mối buồn tự thân của thiên nhiên. Các cô thiếu nữ trong bài thơ chỉ buồn và ôm ấp mối buồn mà không nói ra được, và dù có suy nghĩ đi nữa cũng chưa dễ tìm ra được nguyên do rất sâu của nó.

        Bài thơ trên đây đâu phải chỉ thuần tuý tả cảnh. Nó mang tâm trạng tác giả nhưng nó tiềm ẩn, bằng bạc ở bên trong. Trước đây, trong thời kháng chiến, các nhà phê bình lên án cái buồn này và cả những bài thơ này. Nay cái nhìn thực sự lịch sử trong hoàn cảnh xã hội hiện nay cho phép, đã bình tĩnh nhận chân cái tâm trạng khổ đau ấy của cả một thế hệ và có một hiểu biết thoả đáng hơn, Bởi, ở một tầng tâm tư sâu kín hơn và màu nhiệm hơn, cái tâm trạng đau buồn ấy có gốc rễ ở lòng yêu nước, ở tinh thần bất mãn với xã hội trước mắt, ở một ước mong tốt đẹp về cuộc đời, nhưng cuộc đời đang bị thực dân phong kiến bao vây, vùi dập không thương tiếc.

>> Xem thêm: Những Trò Lố, Hay Là Varenne Và Phan Bội Châu

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận