Trọng tâm kiến thức tác phẩm Vợ Nhặt (Kim Lân) – Tài liệu ôn thi THPTQG.

Đang tải...

Tài liệu ôn thi THPTQG Ngữ Văn

Bộ tài liệu luyện thi Ngữ Văn được biên soạn theo cấu trúc đề thi mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo; dành cho học sinh THPT ôn luyện, chuẩn bị cho các kỳ thi Quốc Gia. HOC360.NET xin giới thiệu đến bạn đọc tài liệu ôn tập những kiến thức cần ghi nhớ về tác giả – tác phẩm, được trình bày dưới dạng các câu hỏi tổng hợp. Hy vọng bộ tài liệu sẽ giúp ích cho các bạn học sinh lớp 12 ôn tập tốt và đạt kết quả thi cao!

Xem chi tiết dưới đây

* Vài nét về tác giả, tác phẩm

  • Kim Lân là cây bút chuyên viết truyện ngắn. Ông thường viết về nông thôn và người nông dân. Ông có những trang viết đặc sắc về phong tục và đời sống làng quê – những thú vui, sinh hoạt văn hóa cổ truyền của người nông dân đồng bằng Bắc Bộ. Văn ông viết chân thật, xúc động về cuộc sống của người nông dân Việt Nam dưới lũy tre làng dù có nghèo khổ, thiếu thốn nhưng vẫn yêu đời, thật thà, chất phác, thông minh, hóm hỉnh, tài hoa.
  • Tác phẩm chính: Nên vợ nên chồng (Tập truyện ngắn 1955), Con chó xấu xí (Truyện ngắn — 1962)…
  • Vợ nhặt là truyện ngắn xuất sắc nhất của Kim Lân in trong tập Con chó xấu xí (1962), tiền thân của truyện ngắn này là tiểu thuyết Xóm ngụ cư – được viết ngay sau Cách mạng tháng Tám nhưng dở dang và bị mất bản thảo. Sau khi hòa bình lập lại (1954), ông dựa vào truyện cũ để viết truyện ngắn này. Tác phẩm gây xúc động lòng người qua lôi viết chân thực dựng lại tình cảnh thê thảm của người nông dân nước ta trước nạn đói khủng khiếp năm 1945, do thực dân Pháp và phát xít Nhật gây ra. Nhưng dù trong tình cảnh nào, người nông dân Việt Nam vẫn yêu thương đùm bọc lẫn nhau, vẫn không thôi niềm khao khát hạnh phúc gia đình, niềm tin bất diệt vào cuộc sống tương lai.

Câu 1. Anh, chị hãy tóm tắt ngắn gọn truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân và rút ra chủ đề của truyện.

Hướng dẫn trả lời:

Truyện ngắn Vợ nhặt kể về anh Tràng – người nông dân nghèo, xấu xí, lại là dân ngụ cư, làm nghề kéo xe thuê. Trong cảnh đói khát, người chết đói đầy đường, anh đưa về nhà một người đàn bà (vợ nhặt), làm cả xóm ngụ cư và cả bà cụ Tứ (mẹ Tràng) phải ngạc nhiên, ai cũng lo lắng, đưa nhau về giữa thời buổi này liệu có nuôi nổi nhau không?

Người đàn bà Tràng đưa về nhà, họ chỉ gặp nhau có hai lần ở kho thóc trên tỉnh Người đàn bà ấy cũng đang trong cảnh đói khát, chờ việc. Chỉ vài câu đùa, chị đã theo anh về làm vợ. Nhưng không vì thế mà mẹ con anh Tràng lại khinh bạc nàng dâu mới. Đón nhau về trong bữa ăn sơ sài, đạm bạc nhưng bà cụ Tứ lại rất mừng, trong bữa ăn bà nói toàn những chuyện vui. Nhớ về quá khứ và trách nhiệm của người mẹ nghèo, bà chỉ biết thương các con, động viên các con làm ăn “ai giàu ba họ, ai khó ba đời”, tròi cho khá lên thì để con cái về sau. Còn Tràng từ lúc có vợ, anh thấy cuộc sông vui và ý nghĩa hẳn lên. Hình như “bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn phải lo lắng cho vợ con hắn sau này…” Truyện kết thúc trong tiếng trống thúc thuế ngoài đình nhưng hình ảnh lá cờ đỏ và đoàn người đói rách đi phá kho thóc của Nhật đã ẩn hiện trong đầu óc của Tràng…

Chủ đề tác phẩm: truyện Vợ Nhặt đã lên án, tố cáo tội ác của xã hội thực dân nửa phong kiến đã đẩy con người tới nạn đói khủng khiếp, khiến mạng người rẻ như cỏ rác. Truyện còn mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc, người nông dân tuy nghèo đói và cực khổ đến đâu, ngay cả khi kề bên cái chết, họ vẫn rất giàu tình yêu thương đồng loại, khao khát hạnh phúc gia đình. Và không có gì có thể cướp đi niềm tin vào cuộc sống, vào tương lai của họ.

Câu 2. Anh, chị hãy giải thích ý nghĩa nhan đề Vợ nhặt của Kim Lân.

Hướng dẫn trả lời:

Đặt tên cho đứa con tinh thần của mình không phải là tuỳ tiện, nhà văn coi đó là một việc làm quan trọng và đầy ý nghĩa. Bởi cái tên của tác phẩm, nó như “chìa khoá” giúp người đọc mở vào tác phẩm. Nhan đề thường hàm chứa cả đề tài, chủ đề, tư tưởng tác phẩm và cả linh hồn của tác giả. Kim Lân đã đặt tên cho đứa con tinh thần của mình là Vợ nhặt cũng vì lẽ đó. Vợ nhặt – một thứ vợ do nhặt được, nhặt một cách ngẫu nhiên, dễ dàng như người ta nhặt một thứ đồ vật. Giá trị con người chưa bao giò rẻ rúng đến thế. Vì vậy, ngay từ đầu nhạn đề đã tạo được ấn tượng, kích thích sự chú ý của người đọc về giá trị con người. Chính nạn đói khủng khiếp năm 1945 do xã hội thực dân nửa phong kiến đã gây ra điều đó. Vợ nhặt mà không hề rẻ rúng, con người vẫn yêu thương, trân trọng, đùm bọc lẫn nhau và không nguôi khát vọng, niềm tin dù họ ở trong tình cảnh khó khăn nhất.

Câu 3. Anh, chị hãy nhận xét ngắn gọn về tình huống độc đáo trong truyện “Vợ nhặt” của Kim Lân.

Hướng dẫn trả lời:

Nhà văn Kim Lân đã xây dựng trong truyện ngắn của mình một tình huống vô cùng độc đáo, éo le và đầy cảm động, đó là tình huống anh Tràng – một nông dân nghèo, xấu xí, thô kệch, dân ngụ cư bỗng dưng “nhặt” được vợ giữa những ngày đói khát khủng khiếp năm 1945.

Tình huống độc đáo bộc lộ ngay từ nhan đề tác phẩm, khiến người đọc phải suy ngẫm về một tình huống vừa kì quặc, oái oăm vừa buồn, vừa vui, vừa bi thảm, vừa cảm động. Trong khi mọi người đang đói quay đói quắt, chết chóc đầy đường thì Tràng lại đèo bòng một người đàn bà bất chấp cả lễ nghi truyền thống về làm vợ. Chính hoàn cảnh của anh cũng nghèo kiết xác và còn phải nuôi một mẹ già, điều đó khiến cả xóm ngụ cư, cả thân mẫu của anh – bà cụ Tứ phải ngạc nhiên, lo lắng, liệu có nuôi nổi nhau qua kì đói khát này không?

Tình huống truyện đã làm nổi bật một sự thật bi thảm, chưa bao giò giá trị con người lại rẻ rúng đến như thế. Người đàn bà theo Tràng về làm vợ, vì đói quá mà quên cả giữ gìn nhân cách, vục đầu vào ăn bốn bát bánh đúc chẳng chuyện trò gì; vì đói mà chấp nhận theo không người đàn ông, chẳng cần lễ nghi cưới hỏi.

Tình huống nhặt được vợ của Tràng đặc biệt gây cho bà cụ Tứ mừng ít, lo nhiều: “Người ta dựng vợ, gả chồng lúc trong nhà ăn nên, làm nổi, còn mình…” Bà khóc thương cho cuộc đòi nghèo khổ dằng dặc của bà, bà lo cho con có nuôi nổi nhau qua đận đói này không? Bà mừng cho con gặp thì đói khổ này con mình mới có vợ, và người ta có gặp bước khó khăn mới lấy đến con mình. Bà thương: “chúng mày lấy nhau lúc này u thương quá!’. Trong bữa ăn sơ sài, đạm bạc, thậm chí thảm hại, bà lại rất vui vẻ hoạch định tương lai cho các con.

Tràng – nhân vật chính tạo ra tình huống nhưng chính anh cũng vẫn bàng hoàng, ngạc nhiêu không tin được mình đã có vợ sau một đêm hạnh phúc. “Nhặt” được vợ trong khung cảnh xám xịt của một buổi chiều chạng vạng nhưng lại đem đến cho anh tình yêu, hạnh phúc và niềm tin vào sáng hôm sau khi bình minh lên.

Tình huống đã làm nổi bật hai ý nghĩa của truyện:

  • Vợ nhặt là lời kết tội đanh thép đối với giặc Pháp, Nhật và tay sai phong kiến đã đẩy người nông dân vào cảnh chết đói, khiến mạng người rẻ như cỏ rác.
  • Vợ nhặt mang một giá trị nhân bản sâu xa. “… Dù ở trong tình huống bi thảm đến đâu, dù kề bên cái chết, người ta vẫn khát khao hạnh phúc, vẫn hướng về ánh sáng, vẫn tin vào sự sống và vẫn hi vọng vào tương lai, vẫn muốn sống cho ra còn người” (Kim Lân).

» Xem thêm : Trọng tâm kiến thức tác phẩm Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành) tại đây. 

 

 



Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận