Trình bày ý kiến về một vấn đề trong gia đình – Ngữ Văn 6

Đang tải...

BÀI 2 – GÕ CỬA TRÁI TIM

Nói và nghe

Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống gia đình

Qua các văn bản đọc ở bài Gõ cửa trái tim, em đã cảm nhận được ý nghĩa của gia đình đối với tất cả chúng ta. Nhưng trong thực tế, đời sống gia đình còn có nhiều vấn đề khác, cả tích cực lẫn tiêu cực, khiến chúng ta phải suy nghĩ. Sau đây, em hãy chia sẻ về một vấn đề trong đời sống gia đình khiến em quan tâm và suy nghĩ.

1. TRƯỚC KHI NÓI

a, Chuẩn bị nội dung nói

– Dựa vào chính trải nghiệm của em để chọn một đề tài phù hợp (Gợi ý: quan hệ giữa các thành viên trong gia đình; việc chăm sóc, lắng nghe, thấu hiểu của cha mẹ đối với con cái; thái độ cư xử của con cái đối với cha mẹ; những việc cần làm để gia đình trở thành một tổ ấm yêu thương; sự tôn trọng sở thích và mong muốn của từng người,…).

– Có thể đọc lại các văn bản đã học trong bài để được gợi ý thêm về ý tưởng, chẳng hạn, hình ảnh em bé và sự chăm sóc của người thân trong Chuyện cổ tích về loài người, tình cảm gắn bó của con đối với mẹ trong Mây và sóng, tình yêu thương của anh chị em trong Bức tranh của em gái tôi,…

– Tìm thêm thông tin liên quan từ sách báo hoặc các phương tiện nghe nhìn để có được cái nhìn toàn diện hơn về đề tài muốn nói.

– Chuẩn bị tranh ảnh, bài hát,… về gia đình để minh hoạ cho bài nói (nếu có).

– Ghi ra giấy những ý chính cần nói và sắp xếp theo trật tự phù hợp (Gợi ý: nêu vấn đề và các biểu hiện cụ thể của vấn đề; nêu tác động của ván đề đối với các thành viên trong gia đình; trình bày mong muốn của em và cách em đã làm để giải quyết vấn đề;…).

b, Tập luyện

– Để trình bày tốt, em hãy tập luyện trước. Có thể tập luyện một mình hoặc trình bày trước bạn bè, người thân và nhờ họ nhận xét, góp ý.

– Chọn cách nói tự nhiên, gần gũi, gần với kiểu tâm tình, chia sẻ, giãi bày.

2. TRÌNH BÀY BÀI NÓI

– Trình bày bài nói theo các ý chính đã chuẩn bị. Mở đầu, nên cho người nghe cảm nhận được điều em sắp nói là điều em đã thực sự chứng kiến, có nhiều cảm xúc và suy nghĩ, ở phần nội dung chính, cần chú ý để không sa vào việc liệt kê bằng chứng hay kể chuyện; tập trung nêu được nội dung cốt lõi, mang tính tiêu biểu cho vấn đề đang bàn. Kết thúc bài nói cần nhấn mạnh vào cách ứng xử thích hợp mà em đã lựa chọn.

– Trong khi nói, cần tập trung vào vấn đề mà em đã chọn. Những liên hệ với trải nghiệm của bản thân em sẽ làm cho nội dung bài nói thêm sinh động.

– Chú ý kết hợp trình bày ý kiến với việc sử dụng tranh ảnh, bài hát để làm tăng sức hấp dẫn cho bài nói.

3. SAU KHI NÓI

Trao đổi về bài nói theo một số gợi ý sau:

Người nghe

Người nói

Thể hiện sự chia sẻ và nêu nhận xét về phần trình bày của bạn với thái độ chân thành, tôn trọng. Có thể trao đổi về:

•     Nội dung bài nói: Bài nói đã trình bày được ý kiến về vấn đề trong đời sống gia đình hay chưa?

•     Cách trình bày: Ngữ điệu, cách diễn đạt, cách tương tác với người nghe như thế nào?

Phản hồi những nhận xét, góp ý của người nghe với tinh thần cầu thị:

•     Tiếp thu những ý kiến góp ý mà em cho là xác đáng.

•     Trao đổi về những điều người nghe cần nắm rõ thêm.

 

>> Xem thêm: Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ – Ngữ Văn 6

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận