Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ – Ngữ Văn 6

Đang tải...

BÀI 2 – GÕ CỬA TRÁI TIM

PHẦN VIẾT 

Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ

Tình cảm, cảm xúc là một trong những phẩm chất quan trọng hàng đầu của thơ. Để thể hiện tình cảm, cảm xúc, các nhà thơ đã chọn nhiều cách khác nhau, trực tiếp hoặc gián tiếp. Nhiều khi các yếu tố tự sự và miêu tả đã được đưa vào thơ một cách đầy nghệ thuật, cho phép tác giả ẩn mình, nhường chỗ cho câu chuyện, sự việc, cảnh vật tự nói lên những điều cần thiết. Em hãy viết đoạn văn ghi lại cảm xúc, ấn tượng của mình về một bài thơ thuộc loại này để hiểu thêm về một hình thức nghệ thuật độc đáo của thơ ca nói chung.

Yêu cầu đối với đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ có yếu tố tự sự và miêu tả:

  • Giới thiệu nhan đề bài thơ và tên tác giả.
  • Thể hiện được cảm xúc chung về bài thơ.
  • Nêu các chi tiết mang tính tự sự và miêu tả trong bài thơ; đánh giá ý nghĩa của chúng trong việc thể hiện tình cảm, cảm xúc của nhà thơ.
  • Chỉ ra được nét độc đáo trong cách tự sự và miêu tả của nhà thơ.

Phân tích bài viết tham khảo

Cảm xúc khi đọc bài thơ Mây và sóng của Ta-go

Nhan đề bài thơ là Mây và sóng nhưng nhà thơ Ta-go không đưa người đọc lãng du tới những xứ sở thần tiên xa xôi, mà dẫn chúng ta về giữa cuộc đời bình dị để cảm nhận và xúc động trước tình mẹ con thiêng liêng bất diệt. Đi theo câu chuyện được nhà thơ kể bằng giọng chậm rãi, êm ái với những chi tiết thật đắt, người đọc đồng cảm với tình yêu mẹ tha thiết, mong muốn luôn được ở bên mẹ của em bé bởi đó cũng là tình cảm của mỗi người chúng ta dành cho mẹ của mình. Em bé được mời gọi đến những xứ sở tuyệt vời “trên mây” và “trong sóng” – những thế giới xa rộng bao la, đầy hấp dẫn. Khát khao được khám phá những thế giới kì diệu, em bé thốt lên thành câu hỏi háo hức: “Nhưng làm thế nào mình lên đó được?”, “Nhưng làm thế nào mình ra ngoài đó được?”. Khi em nhớ rằng “Mẹ mình đang đợi ở nhà”, “mẹ luôn muốn mình ở nhà”, em bé đã từ chối bằng câu hỏi có tính khẳng định: “Làm sao có thể rời mẹ mà đến được?”, “Làm sao có thể rời mẹ mà đi được?”. Yêu thế giới thiên nhiên kì diệu, yêu mẹ, để làm mẹ vui, em bé đã sáng tạo ra những trò chơi còn vui hơn, thú vị hơn trò chơi của những người “trên mây” và “trong sóng”: con là mây, là sóng tinh nghịch, phiêu du khắp chốn; mẹ là trăng dịu hiền toả sáng, là bờ biển bao dung ôm ấp che chở suốt đời con; và mái nhà – tổ ấm đầu đời – là bầu trời xanh dịu mát, bình yên vĩnh cửu. Qua những lời thoại và chi tiết được nhà thơ kể tuần tự, vừa lặp lại, vừa biến hoá, độc giả từng bước một có cảm nhận thấm thìa hơn về chiều sâu của tình cảm mà một người con đã dành cho mẹ của mình. Nói chung, bài thơ đã kể một câu chuyện thật cảm động về tình mẹ con, về niềm hạnh phúc ngọt ngào khi được sống trong vòng tay êm ấm yêu thương của mẹ.

(Nhóm biên soạn)

Thực hành viết theo các bước

1. TRƯỚC KHI VIẾT

a, Lựa chọn bài thơ

Bài thơ được em chọn phải là bài thơ có yếu tố kể chuyện (xuất hiện câu chuyện, nhân vật, dù nhân vật có thể chỉ mang một cái tên chung chung), có các chi tiết miêu tả bối cảnh không gian, thời gian, con người,… Các bài thơ Chuyện cổ tích về loài người, Mây và sóng đều thuộc loại này.

b, Tìm ý

Để tìm ý, em hãy nêu các câu hỏi và tự trả lời: Bài thơ gợi lên câu chuyện gì? Đâu là các chi tiết tự sự và miêu tả nổi bật? Các chi tiết ấy sống động, thú vị như thế nào? Chúng đã góp phần thể hiện ấn tượng điều nhà thơ muốn bày tỏ ra sao?…

c, Lập dàn ý

Từ các ý đã được hình thành qua cách nêu và trả lời câu hỏi, em hãy sắp xếp thành một dàn ý:

Dàn ý

– Mở đoạn: Giới thiệu tác giả và bài thơ; nêu khái quát ấn tượng, cảm xúc về bài thơ.

– Thân đoạn:

+ Nêu ấn tượng, cảm xúc của em về câu chuyện được kể hoặc các chi tiết miêu tả có trong bài thơ.

+ Làm rõ nghệ thuật kể chuyện và miêu tả của tác giả.

+ Đánh giá tác dụng của việc kể lại câu chuyện kết hợp với các chi tiết miêu tả trong bài thơ.

– Kết đoạn: Nêu khái quát điều em tâm đắc về bài thơ (trong đó có nói tới đặc điểm nghệ thuật riêng của bài thơ đã được phân tích ở trên).

2. VIẾT BÀI

Khi viết bài, em cần lưu ý:

– Bám sát dàn ý để viết đoạn.

– Thể hiện được cảm xúc chân thành của em về nội dung và hình thức trữ tình độc đáo của bài thơ.

– Trình bày đúng hình thức của đoạn văn: viết lùi đầu dòng từ đầu tiên của đoạn văn và chữ cái đầu của từ đó phải viết hoa; kết thúc đoạn văn bằng một dấu chấm câu. Các câu trong đoạn cần tập trung vào chủ đề chung, giữa các câu có sự liên kết. Đoạn văn khoảng 7-10 câu.

3. CHỈNH SỬA BÀI VIẾT

Rà soát, chỉnh sửa bài viết theo những gợi ý trong bảng sau:

Yêu cầu Gợi ỷ chỉnh sửa
  • Giới thiệu được nhan đề bài thơ, tên tác giả (nếu có) và cảm nhận chung của người viết.
  • Nêu được cảm xúc và ý kiến đánh giá về nét đặc sắc của bài thơ có sử dụng yếu tố tự sự và miêu tả.
  • Bảo đảm yêu cầu về chính tả và diễn đạt.
  • Nếu còn thiếu so với yêu cầu, hãy bổ sung.
  • Sử dụng lại các câu hỏi ở mục tìm ý để biết được nội dung đoạn văn của em còn thiếu ý gì. Hãy bổ sung nếu có câu hỏi bị bỏ quên, chưa được trả lời.
  • Rà soát lỗi chính tả và diễn đạt (dùng từ, đặt câu, sử dụng từ ngữ liên kết câu,…).

>> Xem thêm: Đọc Bức tranh của em gái tôi – Ngữ Văn 6 bộ Kết nối tri thức

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận