Các loài chung sống với nhau như thế nào? – Ngữ Văn 6

Đang tải...

Các em có biết Các loài chung sống với nhau như thế nào? Bài 9 sách Ngữ Văn 6 bộ Kết nối tri thức sẽ cung cấp những thông tin hữu ích về thế giới muôn loài. Hãy cùng đọc văn bản dưới đây nhé.

BÀI 9

PHẦN ĐỌC

VĂN BẢN 2

Trước khi đọc

  1. Em biết những chương trình nào trên các phương tiện truyền thông, In-tơ-nét cung cấp nhiều thông tin thú vị, bổ ích về đời sống của muôn loài trên Trái Đất? Em suy nghĩ gì về việc chúng ta phải thường xuyên tìm hiểu các tài liệu đề cập đến sự đa dạng của thế giới tự nhiên?
  2. Trong số những tài liệu, bộ phim kể về các loài sinh vật mà em đã đọc, đã xem, tài liệu, bộ phim nào để lại cho em nhiều ấn tượng nhất? Vì sao?

Đọc văn bản

Các loài chung sống với nhau như thế nào?

NGỌC PHÚ

      Trong bộ phim hoạt hình Vua sư tử sản xuất năm 1994 của hãng Oan Đi-xnây (Walt Disney), khi giới thiệu với đứa con Xim-ba (Simba) bé bỏng của mình về vương quốc hoang dã mà nó sắp tiếp quản, vua sư tử Mu-pha-sa (Mufasa) đã nói: “Tất cả những gì con thấy, cùng nhau tồn tại trong một sự cân bằng rất mong manh. Là vua, con cần phải hiểu rõ về sự cân bằng ấy và tôn trọng muôn loài, từ đàn kiến lúc nhúc cho đến bầy linh dương nhảy nhót”. Khi Xim-ba thắc mắc: “Nhưng cha ơi, chẳng phải chúng ta ăn thịt linh dương hay sao?” Mu-pha-sa trả lời: “Đúng vậy, nhưng để cha giải thích đã. Khi chết đi, thân xác chúng ta trở về với cỏ, và linh dương lại ăn cỏ. Vì thế, tất cả chúng ta đều thuộc về vòng đời bất tận”. Cuộc đối thoại trên đã gợi lên trong chúng ta biết bao suy nghĩ về đời sống muôn loài trên Trái Đất và sự cân bằng rất dễ bị tổn thương của nó.

      Theo ước tính của nhiều nhà khoa học, trên Trái Đất hiện có khoảng trên 10 000 000 loài sinh vật. Hiện nay, con người mới chỉ nhận biết được khoảng trên 1 400 000 loài, trong đó có hơn 300 000 loài thực vật và hơn 1000 000 loài động vật. Rõ ràng, phải rất lâu nữa chúng ta mới lập được một danh sách sát thực tế hơn về những cư dân của hành tinh này. Dù vậy, điều đó không ngăn cản các nhà khoa học đưa ra những nhận định khái quát nhất về lịch sử tiến hoá(1) hay sự phụ thuộc lẫn nhau của muôn loài.

      Các loài động vật và thực vật thường tồn tại và phát triển thành từng quần xã(2), trong những biome(3) khác nhau. Mỗi quần xã có thể được xem như một thế giới riêng, trong đó có sự chung sống của một số loài nhất định với số lượng cá thể hết sức khác nhau ở riêng từng loài.

      Tính đa dạng ở mỗi quần xã phụ thuộc vào sự cạnh tranh giữa các loài, mối quan hệ con mồi – vật ăn thịt và mức độ thay đổi của các yếu tố vật lí – hoá học của môi trường,…

      Bên cạnh việc nhận diện các loài theo đặc điểm sinh học riêng của chúng, khi dựa vào tính chất của loài trong quần xã, người ta có thể nói tới: loài ưu thế, loài thứ yếu, loài ngẫu nhiên, loài chủ chốt, loài đặc trưng,… Loài ưu thế (như cây thông trong quần xã rừng thông) đóng vai trò quan trọng trong quần xã do số lượng nhiều và có khả năng hoạt động mạnh. Loài chủ chốt (như sư tử ở các đồng cỏ hay cá sấu ở đầm nước châu Phi) đóng vai trò kiểm soát, khống chế hoạt động của các loài khác và duy trì sự phát triển ổn định của quần xã. Như vậy, trong quần xã luôn tồn tại một trật tự. Ngoài những điều kể trên, trật tự này còn được thể hiện ở sự phân bố các loài trong không gian sống chung, hoặc theo chiều thẳng đứng (như sự phân tầng của thực vật trong rừng mưa nhiệt đới), hoặc theo chiều ngang (trải ra theo bề rộng của địa hình), để giảm bớt sự cạnh tranh giữa các loài và giúp từng loài có thể sử dụng nguồn sống của môi trường một cách hiệu quả nhất.

      Giữa các loài trong quần xã luôn tồn tại mối quan hệ hỗ trợ và đối kháng. Quan hệ hỗ trợ gắn liền với việc chia sẻ cơ hội sống. Quan hệ đối kháng được biểu hiện qua việc cạnh tranh, kí sinh(4), ăn thịt lẫn nhau. Với sự tồn tại song song của các quan hệ đó, thiên nhiên đã tạo nên một sự cân bằng tuyệt hảo, đảm bảo cho loài nào cũng có được “chỗ đứng dưới mặt trời”, cũng có đủ điều kiện để sinh trưởng. Như vậy, có một nhịp điệu chung trong quá trình tiến hoá của các loài, mà sự sinh sôi mạnh mẽ hay suy giảm số lượng của loài này dẫn đến sự phát triển theo hướng nhiều thêm hay bớt đi tương ứng của loài kia.

      Trên Trái Đất, con người cũng chỉ là một loài sinh vật. Qua quá trình lịch sử dài lâu, con người đã bộc lộ khả năng sáng tạo vô tận và xã hội loài người ngày càng phát triển phức tạp. Con người trở nên quá tự kiêu, thấy mình là chúa tể của cả thế giới, có thể tuỳ ý xếp đặt lại trật tự mà tạo hoá đã bền bỉ gây dựng. Chính vì điều này mà sự cân bằng trong đời sống của muôn loài ít nhiều bị xáo trộn, phá vỡ, thêm vào đó, những yếu tố vô sinh của môi trường(5) cũng phải chịu những tác động xấu. Hiện nay, có vẻ như con người bắt đầu tỉnh ngộ, biết nhìn nhận vấn đề một cách sáng suốt hơn, biết tìm cách chung sống hài hoà với muôn loài, nói chung là với tất cả những gì làm nên thế giới đẹp đẽ này.

      “Tất cả chúng ta đều thuộc về vòng đời bất tận”. Vua sư tử Mu-pha-sa đã nói với Xim-ba – kẻ kế nghiệp – như thế. Một câu nói thông thái, cho thấy sự am hiểu bản chất cuộc sống và cách ứng xử khôn ngoan đối với đời sống của muôn loài.

(Ngọc Phú, báo điện tử Đất Việt – Diễn đàn của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kĩ thuật Việt Nam, tháng 9/2020)

Sau khi đọc

TRẢ LỜI CÂU HỎI

  1. Những con số, dữ liệu nào trong đoạn (2) (Theo ước tính… lẫn nhau của muôn loài) thể hiện sự phong phú của các loài trên Trái Đất?
  2. Đoạn (3) (Các loài động vật… riêng từng loài) đã nói gì về sự đa dạng của các quần xã sinh vật?
  3. Nêu những căn cứ giúp ta hiểu được tính trật tự trong đời sống của muôn loài. Theo em, việc thiên nhiên duy trì trật tự ấy có ý nghĩa như thế nào?
  4. Nếu chỉ tồn tại quan hệ đối kháng, sự cân bằng trong từng quần xã sinh vật sẽ bị ảnh hưởng ra sao?
  5. Theo em, đoạn nào trong văn bản thể hiện rõ nhất cách trình bày văn bản thông tin theo quan hệ nhân quả?
  6. Cách mở đầu và kết thúc của văn bản thông tin này có gì đặc sắc?
  7. Con người có thể làm gì để bảo vệ sự phát triển phong phú của thế giới sinh vật?

VIẾT KẾT NỐI VỚI ĐỌC

Hãy viết đoạn văn (khoảng 5-7 câu) về chủ đề: Trên hành tinh đẹp đẽ này, muôn loài luôn cần thiết cho nhau.

*Chú thích:

(1) Tiến hoá: biến đổi dần dần theo hướng phát triển đi lên.

(2) Quần xã: tập hợp tất cả các sinh vật cùng loài và khác loài, cùng sống trong một khu vực xác định vào một thời gian nhất định.

(3) Biome (có thể đọc là bai-ôm): chỉ tập hợp sinh vật cùng môi trường sống mang những nét đặc thù của chúng, thường được dịch là khu sinh học. Tên gọi của các biome luôn thể hiện rõ đặc điểm của từng hệ sinh thái riêng biệt.

(4) Kí sinh: sống bằng cách hút chất dinh dưỡng từ cơ thể những sinh vật khác.

(5) Yếu tố vô sinh của môi trường: phần không sống, không sinh sản trong không gian bao quanh sinh vật.

>> Xem thêm: Nhận biết Văn Bản và Đoạn Văn trong Văn Bản – Ngữ Văn 6

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận