Chuyên đề Thơ hiện đại Việt Nam – Ngữ văn 9 Bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”

Đang tải...

Tìm hiểu “BÀI THƠ VỀ TIỂU ĐỘI XE KHÔNG KÍNH”

(Phạm Tiến Duật)

I – KIẾN THỨC CƠ BẢN

– Bài thơ về tiểu đội xe không kính gồm 7 khổ thơ, ở khổ thơ nào cũng có hai hình ảnh gắn liền với nhau: xe không kính và người chiến sĩ lái xe. Miêu tả chiếc xe không kính rồi không đèn, thậm chí không có cả mui xe, bài thơ cho thấy sự khốc liệt, dữ dội của chiến tranh trên tuyến đường Trường Sơn. Nhưng vượt lên trên sự khốc liệt, cuộc chiến tranh là hình ảnh người lính lái xe với tư thế hiên ngang, tinh thần dũng cảm, bất chấp mọi gian khổ, hiểm nguy, vẫn vượt lên phía trước bởi ở họ có trái tim tràn đẩy tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Để làm nổi bật tư tưởng ấy của bài thơ, Phạm Tiến Duật đã tìm được một cách cấu tứ độc đáo, đó là khai thác triệt để sự tương phản. Ngay nhan để bài thơ đã bộc lộ rõ điều đó. Trong cả 7 khổ thơ đều có sự tương phản, chuyển hoá giữa cái không và cái có.

– Đặc sắc nghệ thuật:

+ Bài thơ thành công trước hết ở việc đưa chất liệu hiện thực – ở đây là hiện thực chiến tranh ở đường Trường Sơn – vào thơ một cách phong phú, tạo nên chất khoẻ khoắn, sinh động của tác phẩm. Vốn sống thực tế, sự trải nghiệm của chính tác giả và cái nhìn giàu tính phát hiện, nhạy bén khiến cho các hình ảnh trong bài thơ vừa mới lạ, độc đáo, lại vừa tự nhiên, chân thực.

+ Ngôn ngữ và giọng điệu cũng góp phần rất quan trọng tạo nên thành công của bài thơ: ngôn ngữ gần với lời nói thường, mang tính khẩu ngữ, tái hiện đúng ngôn ngữ của những chiến sĩ lái xe; giọng điệu tự nhiên, trẻ trung, lạc quan, có vẻ tinh nghịch pha một chút ngang tàng. Câu thơ được cấu trúc theo kiểu điệu nói, gần với lời nói thường, tạo nên tính chất linh hoạt, tự nhiên của bài thơ.

+ Đặc sắc trong kết cấu bài thơ là tạo sự đối lập: đối lập giữa sự khốc liệt của chiến tranh, sự tàn phá của bom đạn kẻ thù với hình ảnh hiên ngang, dũng cảm của người lính lái xe; đối lập giữa cái không (sự thiếu thốn những trang bị tối thiểu của chiếc xe) với cái có (tinh thần dũng cảm, ý chí chiến đấu của người lính lái xe).

II – LUYỆN TẬP

1. Nhan đề bài thơ có gì đáng chú ý?

2. Những chiếc xe không kính đã làm nổi bật hình ảnh người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn. Phân tích hình ảnh người lính lái xe trong bài thơ.

3. Nhận xét về ngôn ngữ, giọng điệu của bài thơ. Những yếu tố đó đã góp phần khắc hoạ hình ảnh người lính lái xe Trường Sơn như thế nào?

4. Kết cấu bài thơ được xây dựng theo các tương quan đối lập. Em hãy chỉ ra một số biểu hiện của sự đối lập ấy và nêu ý nghĩa.

5. So sánh hình ảnh người lính trong bài thơ này và bài Đồng chí (Chính Hữu) để làm rõ những nét riêng và nét chung ở hình ảnh người lính trong hai bài thơ.

Gợi ý

1. HS tự làm. (Chú ý tính chất độc đáo của hình ảnh xe không kính, sự tương phản giữa từ “bài thơ” và cụm từ còn lại trong nhan đề.)

2. Phân tích hình ảnh người lính lái xe Trường Sơn cần chú ý tư thế hiên ngang, chủ động, tình đồng đội và tinh thần dũng cảm, lạc quan, ý chí chiến đấu vì miền Nam. Có thể phân tích lần lượt theo từng khổ thơ để làm nổi bật sự đối lập giữa hình ảnh người lính lái xe với sự khốc liệt của bom đạn chiến tranh trong hình ảnh những chiếc xe không kính, không đèn, không mui. Thiếu đi những phương tiện vật chất tối thiểu lại là hoàn cảnh để người lái xe bộc lộ nhũng phẩm, chất cao đẹp, sức mạnh tinh thần lớn lao của họ, đặc biệt là lòng dũng cảm, tinh thần bất chấp gian khổ, khó khăn.

 3. Ngôn ngữ của bài thơ rất tự nhiên, sinh động, đúng với ngôn ngữ của người lính lái xe ở chiến trường. Các câu thơ được cấu trúc như lời nói thường, linh hoạt, tự nhiên, có giọng tự tin pha một chút ngang tàng, thể hiện tính cách của người lính lái xe.

Ngôn ngữ và giọng điệu ấy góp phần đắc lực khắc hoạ hình ảnh những chiến sĩ lái xe trẻ trung, hiên ngang, bất chấp nguy hiểm, khó khăn (tìm những dẫn chứng tiêu biểu về ngôn ngữ và giọng điệu của bài thơ).

4. Kết cấu bài thơ được xây ‘dựng trên sự đối lập ở nhiều phương diện: không và có, vật chất và tinh thần, sự tàn phá ác liệt của chiến tranh và hình ảnh người lính. Cần chú ý mặt đối lập này làm nảy sinh, thúc đẩy sự phát triển của mặt đối lập khác. Ví dụ: xe không có kính lại làm cho người lái xe được cảm nhận trực tiếp hơn, phong phú hơn về thế giới thiên nhiên bên neoài (gió, mưa, sao trời, cánh chim, con đường)-, là điều kiện để họ bộc lộ tư thế hiên ngang, tinh thần coi thường và vượt lên mọi khó khăn, gian khổ cũng như tình đồng chí, đồng đội (.Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi). Sự thiếu thốn các điều kiện vật chất ngày càng tăng lại càng làm nổi bật sức mạnh tinh thần và củng cố ý chí chiến đấu của người lính lái xe (Không có kính; rồi xe không có đèn – Không có mui xe, thùng xe có xước nhưng Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước: – Chỉ cần trong xe có một trái tim).

5. So sánh hai hình ảnh người lính cần chú ý sự khác biệt của hai giai đoạn lịch sử (kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mĩ), nhiệm vụ khác nhau của mỗi người lính (lính bộ binh và lính lái xe), chủ đích của tác giả ở mỗi bài (một bên ngợi ca vẻ đẹp của tình đồng chí, đồng đội; một bên khắc hoạ vẻ đẹp hiên ngang, dũng cảm của người lính lái xe). Nhưng giữa hai hình ảnh ấy vẫn có nhiều điểm chung của người lính cách mạng: lí tưởng chiến đấu cao cả; ý chí vượt lên mọi khó khăn, thiếu thốn, gian khổ; tinh thần lạc quan và tình đồng chí, đồng đội.

Xem thêm: Chuyên đề Thơ hiện đại Việt Nam – Ngữ văn 9 Bài thơ “Đồng chí”

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận