Chuyên đề Thơ hiện đại Việt Nam – Ngữ văn 9 Bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”

Đang tải...

Tìm hiểu bài thơ “ĐOÀN THUYỀN ĐÁNH CÁ”

(Huy Cận)

I – KIẾN THỨC CƠ BẢN

– Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá có 7 khổ, được bố cục theo hành trình một chuyến ra khơi của đoàn thuyền đánh cá, xuất phát lúc hoàng hôn và trở về khi bình minh lên.

+ Hai khổ đầu: Cảnh đoàn thuyền ra khơi và tâm trạng náo nức của con người.

+ Bốn khổ tiếp: Cảnh đoàn thuyền đánh cá giữa khung cảnh biển trời ban đêm.

+ Khổ cuối: Cảnh đoàn thuyền trở về trong ánh bình minh rực rỡ.

Thời gian diễn ra các hoạt động của đoàn thuyền đánh cá cũng là thời gian vận động của thiên nhiên, vũ tụ từ hoàng hôn đến bình minh. Không gian nghệ thuật trong bài thơ là khung cảnh biển cả, mở rộng ra là cả vũ trụ bao la với mặt trời, trăng, sao.

– Bài thơ là sự kết hợp của hai nguồn cảm hứng: cảm hứng về thiên nhiên, vũ trụ; cảm hứng về lao động, người lao động và cuộc sống mới. Cảm hứng về thiên nhiên, vũ trụ xuất hiện đậm nét trong thơ Huy Cận từ trước Cách mạng. Nhưng thiên nhiên, vũ trụ trong thơ ông khi đó thường xa cách, đối lập với đời sống nhân gian, là nơi để con người thoát li cuộc đời thực: “Vui chung vũ trụ, nguôi sầu nhân gian”. Chỉ đến sau Cách mạng, nhất là từ năm 1958, Huy Cận mới tìm được sự thống nhất, hài hoà giữa cảm hứng về vũ trụ và cảm hứng về cuộc đời mới, mà ở đây là về cuộc sống mới và về lao động, con người lao động. Sự kết hợp ấy được bộc lộ trong thế giới hình ảnh của bài thơ:

+ Ở hai khổ đầu, hình ảnh đoàn thuyền ra khơi trong cảnh vũ trụ vào đêm không tăm tối, vắng lặng mà gần gũi, ấm cúng với “Mặt trời xuống biển như hòn lửa – Sóng đã cài then, đêm sập cửa”.

+ Ở bốn khổ tiếp theo, hoạt động của đoàn thuyền đánh cá nhịp nhàng với sự vận động của biển, trời, trăng, sao, tạo nên những bức tranh đẹp, đầy màu sắc, luôn biến đổi. Con thuyền được phóng đại lên một kích thước lớn lao, ngang tầm với trời biển: “Thuyền ta lái gió với buồm trăng – Lướt giữa mây cao với biển bằng”. Con thuyền với gió làm lái, trăng làm buồm như nối bầu trời với mặt biển. Và con người thì chủ động trước thiên nhiên: “Ra đậu dặm xa dò bụng biển – Dàn đan thế trận lưới vây giăng”. Ở khổ thơ thứ 4, tác giả đã sáng tạo một bức tranh đẹp lộng lẫy về cá, mà có người đã ví với một bức tranh sơn mài. Đặc biệt, hình ảnh “Cả song lấp lánh đuốc đen hồng” là sự liên tưởng sáng tạo, độc đáo của Huy Cận.

+ Ở khổ thơ cuối là cảnh đoàn thuyền sau một đêm đánh cá phơi phới trở về trong ánh bình minh rực rỡ: “Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời”.

– Đặc sắc nghệ thuật nổi bật của bài thơ là sự sáng tạo hình ảnh bằng bút pháp lãng mạn, khoa trương nhưng xuất phát từ hiện thực, với những liên tưởng độc đáo, mới lạ, kì thú. Ngoài hình ảnh đẹp, tráng lệ, bài thơ còn tạo được âm hưởng vừa khoẻ khoắn, sôi nổi vừa phơi phới, bay bổng. Góp phần tạo nên âm hưởng ấy là các yếu tố lời thơ, nhịp điệu, vần. Lời thơ dõng dạc, điệu thơ như khúc hát say mê, hào hứng, phấn khởi. Đặc biệt, cách gieo vần biến hoá linh hoạt, các vần trắc xen lẫn vần bằng, vần liền xen với vần cách. Các vần trắc tạo sức dội, sức mạnh, các vần bằng tạo sự vang xa, bay bổng.

II – LUYỆN TẬP

1. Phân tích cảnh vũ trụ vào đêm và hình ảnh đoàn thuyền ra khơi ở khổ thơ đầu.

2. Sự hài hoà giữa cảm hứng về thiên nhiên, vũ trụ và cảm hứng về lao động được thể hiện như thế nào trong các khổ thơ 3, 4, 5, 6?

3. Nhận xét về sự lặp lại và biến đổi về hình ảnh giữa khổ thơ đầu và khổ thơ cuối bài.

Gợi ý

1. Cảnh mặt trời lặn và đêm xuống trên biển không nặng nể, tăm tối mà gần gũi, ấm cúng trong hình ảnh so sánh liên tưởng ở hai câu thơ đầu: “Mặt trời xuống biển như hòn lửa – Sóng đã cài then, đêm sập cửa”. Vũ trụ vào đêm cũng giống như một ngôi nhà thân thuộc của con người lúc đêm xuống: có bếp lửa hồng, có sập cửa cài then. Những hình ảnh so sánh vừa thực vừa mới mẻ, thú vị. Mặt trời lúc hoàng hôn đang từ từ lặn xuống biển đã bớt đi cái chói chang mà chỉ như một hòn lửa lớn, gợi hình ảnh bếp lửa hồng nhóm lên trong ngôi nhà lúc hoàng hôn. Còn màn đêm buông dần từ trên cao xuống lại như cánh cửa của đêm sập xuống, những lượn sóng là những chiếc then cài cánh cửa màn đêm. Có thể có người băn khoăn về hình ảnh “mặt trời xuống biển” bởi phần lớn vùng biển nước ta (trừ bờ biển phía tây nam) chỉ có thể thấy mặt trời mọc trên biển chứ khó có thể thấy mặt trời xuống biển. Ở câu thơ này, điểm nhìn của nhân vật trữ tình có thể là trên con thuyền đã ra khơi nhìn vé phía tây nơi mặt trời lặn. Các hình ảnh so sánh trong hai câu thơ đều theo hướng đưa thiên nhiên, vũ trụ về gần lại với con người. Vũ trụ bao la nhưng cũng rất gần gũi và không hề đối lập với con người, đó là ngôi nhà lớn của con người.

Nhưng đêm xuống đối với những người đánh cá lại là lúc bắt đầu hành trình ra khơi: “Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi”. Chữ “lại” cho thấy việc ra khơi là công việc thường xuyên, hằng đêm của họ, mặt khác còn gợi lên sự đối lập: đêm xuống là lúc mọi người nghỉ ngơi còn những người đánh cá lại bắt đầu công việc lao động của mình.

Khí thế của những người lao động ra khơi được thể hiện trong Gâu thơ cuối của khổ thơ: “Câu hát căng buồm cùng gió khơi”. Bằng thủ pháp khoa trương, tác giả đã biểu hiện khí thế hào hứng, hăng say của những người lao động qua hình ảnh khúc hát góp sức cùng gió khơi để căng cánh buồm đưa thuyền ra khơi.

Xem thêm: Chuyên đề Thơ hiện đại Việt Nam – Ngữ văn 9 Bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”

2. Sự kết hợp hai nguồn cảm hứng được thể hiện trong các hình ảnh ở cả bốn khổ thơ (tham khảo gợi ý phân tích các khổ thơ ở mục Kiến thức cơ bản ở trên). Sự hoà hợp giữa thiên nhiên và con người còn thể hiện ở sự nhịp nhàng giữa vận động của thiên nhiên vũ trụ với hoạt động của đoàn thuyền. Người đánh cá dựa theo sự vận động của trăng, sao, nước triều mà điều tiết các công việc của mình cho thích hợp: “Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao”, “Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng”, “Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng”.

3. Em hãy nêu những câu thơ, hình ảnh được lặp lại và những chi tiết có thay đổi trong hai khổ thơ. Việc lặp lại nhưng có biến đổi ở hai khổ thơ tạo nên kết cấu đầu cuối tương ứng, thể hiện trọn vẹn hành trình một chuyến ra khơi của đoàn thuyền đánh cá: từ lúc xuất phát đến lúc trở về. Sự khác biệt là ở phương hướng của đoàn thuyền (ra khơi và trở về); ở thời gian (hoàng hôn và bình minh); ở hình ảnh bao trùm (mặt trời lặn và mặt trời mọc); ở khí thế của con người (hăng hái khi ra đi và phấn chấn trước thành quả lao động khi trở về).

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận