Sọ Dừa – Thực Hành Đọc Bài 7 – Ngữ Văn 6 Kết Nối Tri Thức

Đang tải...

BÀI 7

Thực hành đọc

Khi đọc văn bản dưới đây, em cần chú ý những vấn đề sau:

  • Sức hấp dẫn của các yếu tố kì ảo trong câu chuyện.
  • Quan hệ giữa ngoại hình và phẩm chất của nhân vật Sọ Dừa.
  • Ước mơ của tác giả dân gian qua kết thúc truyện.

Sọ Dừa

      Hai vợ chồng nhà nọ đã nghèo lại hiếm(1), mãi về già mới được mụn con(2). Khốn thay, đứa con ấy lại dị hình dị dạng(3), lọt lòng mẹ chỉ là cục thịt đỏ hỏn(4), có mắt, có mũi, nhưng không có mình mẩy, tay chân. Người ta kể, người vợ vào rừng hái củi. Trời nắng to, bà ta khát nước quá, thấy một cái sọ dừa có đựng ít nước mưa. Không chần chừ, bà ta bưng lấy uống. Thế rồi về nhà có mang(5).

      Thấy con không ra hình người, bà ta buồn lắm, định vứt đi. Nhưng nghĩ lại cũng thương, dù sao cũng là khúc ruột đứt ra, bà ta cứ để nuôi, đặt tên là Sọ Dừa.

      Lớn lên, Sọ Dừa vẫn không khác lúc nhỏ, cứ lăn lóc trong nhà, chẳng làm được việc gì. Một hôm bà mẹ than phiền:

      – Con nhà người ta bằng ấy tuổi đầu đã đi ở chăn bò, lấy tiền về nuôi cha mẹ, còn mày thì chẳng được tích sự(6) gì!

      Sọ Dừa nói:

      – Gì chứ chăn bò thì con cũng chăn được. Mẹ cứ xin phú ông(7) cho con đến ở chăn bò vậy.

      Bà mẹ đến xin phú ông, phú ông ngần ngại. Cả đàn bò giao cho thằng bé không ra người không ra ngợm ấy, chăn dắt làm sao? Nhưng mà nuôi nó thì được cái ít tốn cơm, công sá chẳng bao lăm(8), rẻ hơn đứa khác nhiều. Thôi cứ thử xem! Thế là Sọ Dừa đến ở.

      Sọ Dừa chăn bò rất giỏi. Hằng ngày, hắn lăn sau đàn bò ra đồng, tối đến lại lăn sau đàn bò về chuồng. Bò con nào con nấy bụng no căng. Phú ông mừng lắm. Tiết nông nhàn(9), phú ông làm trại trên núi thả bò ăn cỏ, bảo Sọ Dừa ở lại trông, cơm nước có người đưa lên tận nơi. Phú ông có ba cô con gái thay phiên nhau đưa cơm cho Sọ Dừa. Hai cô chị xinh đẹp nhưng kiêu kì, thường hắt hủi Sọ Dừa, còn cô em út hiền lành, tính hay thương người, đối đãi với Sọ Dừa rất tử tế.

      Một hôm, cô ta vừa mang cơm đến dưới chân đồi thì nghe tiếng sáo véo von. Cô ta lấy làm lạ, rón rén bước lên, nấp sau bụi cây, rình xem, thì thấy một chàng trai, mặt mũi khôi ngô, đang ngồi trên chiếc võng đào(10) mắc vào hai cành cây, thổi sáo cho đàn bò gặm cỏ. Có tiếng động, chàng trai biến mất, chỉ thấy Sọ Dừa nằm lăn lóc ở đấy. Nhiều lần như thế. Cô gái biết Sọ Dừa không phải người phàm trần(11). Cô đem lòng yêu, có của ngon vật lạ đều giấu đem lên cho.

      Cuối mùa ở, Sọ Dừa về, bảo mẹ đến hỏi con phú ông làm vợ. Bà mẹ hết sức sửng sốt, nhưng thấy con năn nỉ, cũng chiều lòng, đành kiếm buồng cau đến gặp phú ông. Phú ông cười mỉa:

      – Ừ được! Muốn hỏi con gái tôi, hãy về sắm đủ mười mâm lụa đào, mười con lợn béo, mười vò rượu tăm(12) và một chĩnh vàng cốm(13), đem sang đây làm lễ vấn danh(14)!

      Tưởng thách thế cho mẹ con Sọ Dừa bẽ mặt, không ngờ sáng hôm sau, Sọ Dừa mang lễ sang đầy đủ. Phú ông lúng túng, nhưng thấy của hoa mắt, mới gọi ba cô con gái lên hỏi xem ý con ra sao. Hai cô chị bĩu môi, nguýt Sọ Dừa một cái rõ dài, rồi đi vào. Cô em út e lệ, cúi mặt xuống, tỏ ý bằng lòng. Thế là thành đôi lứa.

      Từ hôm cưới, Sọ Dừa không còn là Sọ Dừa nữa mà hiện thành một chàng trai lịch sự. Vợ chồng ăn ở với nhau rất đầm ấm. Không những thế, Sọ Dừa tỏ ra thông minh khác thường, ngày đêm miệt mài đèn sách, chờ khoa thi. Năm ấy, Sọ Dừa đỗ Trạng nguyên(15). Chẳng bao lâu, có chiếu(16) nhà vua sai quan trạng đi sứ. Khi chia tay, quan trạng đưa cho vợ một hòn đá lửa, một con dao và hai quả trứng gà, dặn phải giắt luôn trong người phòng khi dùng đến.

      Từ ngày cô em út lấy được chồng Trạng nguyên, hai cô chị sinh lòng ghen ghét, định tầm hại em để thay em làm bà trạng. Nhân quan trạng đi sứ vắng, hai cô chị sang chơi, rủ em chèo thuyền ra biển, rồi đẩy em rơi xuống nước. Một con cá kình(17) nuốt chửng vào bụng, sẵn có con dao, cô em đâm chết cá, xác cá nổi lềnh bềnh trên mặt biển rồi dạt vào một hòn đảo. Cô em lại lấy dao khoét bụng cá chui ra, lấy hai hòn đá đánh, bật lửa lên, rồi xẻo thịt cá nướng ăn, sống qua ngày, chờ có thuyền đi qua thì gọi vào cứu. Hai quả trứng cũng nở thành một đôi gà đẹp làm bạn với cô ta giữa cảnh đảo hoang vắng.

      Một hôm có chiếc thuyền cắm cờ đuôi nheo lướt qua đảo. Con gà trống thấy, gáy to ba bốn lần:

O… o… o… o…

Phải thuyền quan trạng rước cô tôi về.

      Quan trạng cho thuyền vào xem. Vợ chồng gặp nhau, mừng mừng tủi tủi. Nghe vợ kể chuyện lại, quan trạng mới hay vợ mình gặp nạn thế ấy, và hai cô chị độc ác thế kia. Về nhà, quan trạng mở tiệc mừng, mời bà con đến chia vui, nhưng lại giấu vợ trong buồng không cho ra mắt. Hai cô chị không hay biết gì hết, khấp khởi mừng thầm, chắc chuyến này được thay em làm bà trạng. Hai cô chị tranh nhau kể chuyện cô em rủi ro rồi khóc nức nở ra chiều thương tiếc lắm. Quan trạng không nói gì. Tiệc xong, quan trạng cho gọi vợ ra. Hai người chị xấu hổ quá, lẻn ra về lúc nào không ai hay và từ đó bỏ đi biệt xứ(18).

(Trương Chính, Truyện cổ dân gian Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1983, tr. 53 – 55)

ĐỌC MỞ RỘNG 

  • Tìm đọc một số truyền thuyết và truyện cổ tích.
  • Trao đổi về những cảm nhận, suy nghĩ của em khi đọc những truyền thuyết, truyện cổ tích đó. Tập trung vào những yếu tố cơ bản của mỗi thể loại như chủ đề, cốt truyện, nhân vật, lời kể và yếu tố kì ảo,…
  • Kể lại một truyền thuyết hoặc truyện cổ tích mà em thích.

*Chú thích:

(1) Hiếm: (người lập gia đình đã lâu) ít con hoặc mãi chưa có con.

(2) Mụn con: đứa con (ngầm ý ít con).

(3) Dị hình dị dạng: hình dạng khác biệt, không bình thường.

(4) Đỏ hỏn: màu đỏ của da đứa trẻ mới sinh.

(5) Có mang: có thai.

(6) Tích sự: việc có ích, việc có thành quả.

(7) Phú ông: người đàn ông giàu có ở nông thôn thời trước.

(8) Bao lăm: bao nhiêu (dùng trong câu có ý phủ định).

(9) Tiết nông nhàn: khoảng thời gian rảnh rỗi của nhà nông trong năm.

(10) Võng đào: võng nhuộm màu đỏ hồng như hoa đào.

(11) Phàm trần: cõi đời bình thường, thế tục.

(12) Vò rượu tăm: bình chứa rượu ngon, nồng độ cao, khi rót thường sủi tăm.

(13) Chĩnh vàng cốm: hũ bằng gốm sứ, đựng vàng vụn, nhỏ.

(14) Lễ vấn danh: lễ nhà trai sang dạm hỏi nhà gái việc cưới xin theo phong tục xưa.

(15) Trạng nguyên: học vị cao nhát trong hệ thống thi cử thời xưa.

(16) Chiếu: một loại văn bản do vua ban hành.

(17) Cá kình: cá voi.

(18) Đi biệt xứ: đi xa hẳn khỏi nơi sinh sống.

>> Xem thêm: Củng Cố Mở Rộng Bài 7 – Ngữ Văn 6 Bộ Kết Nối Tri Thức

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận