Phân tích vẻ đẹp hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến (Quang Dũng) – Tài liệu ôn thi THPTQG

Đang tải...

Tài liệu ôn thi THPTQG Ngữ Văn

Bộ tài liệu luyện thi Ngữ Văn được biên soạn theo cấu trúc đề thi mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo; dành cho học sinh THPT ôn luyện, chuẩn bị cho các kỳ thi Quốc Gia. HOC360.NET xin giới thiệu đến bạn đọc bộ tài liệu ôn tập  bao gồm các phần về các kiến thức:

+ Trọng tâm kiến thức tác giả, tác phẩm cần ghi nhớ

+ Các đề bài ôn luyện các dạng văn nghị luận xã hội, văn học.

Hy vọng bộ tài liệu sẽ giúp ích cho các bạn học sinh lớp 12 ôn tập tốt và đạt kết quả thi cao!

Đề bài chi tiết:

Phân tích vẻ đẹp hình tượng người lính trong bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng. 

—–~~~—–

I. Yêu cầu của đề: 

  • Nội dung: Đề yêu cầu phân tích vẻ đẹp hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng. Trên cơ sở hiểu biết về nhà thơ Quang Dũng và bài thơ Tây Tiến, học sinh tập trung phân tích làm nổi bật vẻ đẹp hình tượng người lính Tây Tiến. Phần lớn họ là những thanh niên Hà Nội, trong đó có những học sinh, sinh viên (như Quang Dũng), họ phải chiến đấu trong hoàn cảnh hết sức gian khổ, thiếu thôn cả vật chất lẫn tinh thần nhưng họ vẫn luôn lạc quan, yêu đời vượt qua tất cả vì lí tưởng cao đẹp) “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Khi phân tích hình tượng, học sinh có thề “bổ dọc” hay “bổ ngang” vấn đề nhưng phải làm nổi bật được hai vẻ đẹp:

+ Vẻ đẹp bi tráng: Thể hiện ở tinh thần, ý chí của người lính anh hùng.

+ Vẻ đẹp hào hoa, lãng mạn: Thể hiện ở tâm hồn mộng mơ.

=> Rút ra chủ đề, tư tưởng tác phẩm.

  • Phương pháp lập luận: Phân tích kết hợp với chứng minh.
  • Tư liệu: Chủ yếu dẫn trong đoạn trích, có thể viện dẫn một số tư liệu thơ khác cho bài viết thêm sinh động, hấp dẫn.

II. Lập dàn ý

Mở bài

  • Hình tượng người chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Pháp là đề tài thu hút nhiều bút lực. Đó là những con người dũng cảm, anh hùng sẵn sàng hi sinh cả tính mạng của mình cho Tổ quốc. Vì thế nhiều nhà thơ đã viết về họ như: Lên Tây Bắc, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên (Tố Hữu), Đồng chí (Chính Hữu), Đèo Cả (Hữu Loan), Lên Cấm Sơn (Thôi Hữu), Nhớ (Hồng Nguyên), … Trong đó phải kể đến Tây Tiến (1948) của Quang Dũng.
  • Tây Tiến là một đơn vị quân đội thành lập đầu năm 1947, có nhiệm vụ phối hợp với quân đội Lào, bảo vệ biên giới Việt — Lào… Quang Dũng là đại đội trưởng ở đó. Chiến sĩ Tây Tiến phần đông là thanh niên Hà Nội, trong đó có nhiều học sinh, sinh viên (như Quang Dũng), họ chiến đấu trong những hoàn cảnh gian khổ, thiếu thôn cả vật chất, tinh thần, bệnh sốt rét hoành hành dữ dội. Tuy vậy, họ vẫn sống rất lạc quan, yêu đời, chiến đấu dũng cảm. Viết về họ, Quang Dũng đã tạc nên bức tượng đài về người lính trong cuộc kháng chiến chống Pháp với hai vẻ đẹp: bi tráng và lãng mạn, hào hoa.

Thân bài

*Tây Tiến được viết theo bút pháp lãng mạn

Bút pháp này có khuynh hướng tô đậm những cái khác thường và sử dụng rộng rãi thủ pháp đối lập nhằm tác động mạnh vào cảm quan của người đọc. Cái khác thường, cái đặc biệt cũng để khêu gợi trí tưởng tượng vốn là đặc trưng của cảm hứng lãng mạn. Chính vì vậy, bức tượng đài về ngươi lính Tây Tiến được nhà thơ xây dựng bằng hai chất liệu: bi tráng mà lãng mạn, hào hoa.

*Hình tượng người lính Tây Tiến ẩn hiện trong bức tranh thiên nhiên miên Tây hùng vĩ, dữ dội (đoạn đầu — dẫn thơ).

  • Trong đoạn thơ, Quang Dũng nhắc tới hàng loạt các địa danh: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch, Mai Châu … không theo một trình tự nhất định nào, nó hiện về trong nỗi nhớ vơi đầy và ấn tượng về những chặng đường Tây Tiến đã phải hành quân nếm trải bao gian khổ, hi sinh.

+ Trong tâm trí nhà thơ, ông không thể quên được những cuộc hành quân phải leo dốc núi, cả đoàn quân chìm lấp trong sương rừng mây núi dày đặc: “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi / Mường Lát hoa về trong đêm hơi”.

+ Người lính không chỉ mệt mỏi vì bị vùi lấp trong những đám mây mù dày đặc, mà còn phải trải qua bao núi, dốc, vực, rừng vô cùng dữ dội, hiểm ác:

 

“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”.

 

Nói đến cái cao, sâu, heo hút, hiểm trở của núi rừng cũng là để nói lên cái gian khổ của người lính. Những câu thơ nhiều thanh trắc đọc lên nghe trúc trắc, gồ ghề cảm giác như nghe thấy được cả hơi thở gấp gáp, mệt nhọc của người lính đang hành quân, lúc leo lên, lúc trượt xuống, dốc dựng đứng vách thành biết bao hiểm nguy. Nhưng nét vẽ của nhà thơ không để hình ảnh người lính bị chìm trong bi lụy mà vút lên bằng cụm từ “súng ngửi trời” thật bạo, thật lạ và đầy sức gợi. Chẳng phải khi người lính đã đạt tới đỉnh cao của những ngọn núi chót vót thì cả người và súng tưởng như chạm vào mây trời đó sao! Hình ảnh người lính khi đạt được độ cao như bay giữa ngàn mây, tâm hồn nhẹ lâng trút hết mọi mệt nhọc để phóng tầm mắt ra bốn hướng ngắm nhìn: “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Dường như câu thơ đã được phủ lên màn sương lãng mạn của những nốt nhạc, những vần thơ biên tái xưa, đẩy tâm hồn người lính vượt lên cái khốc liệt của chiến tranh. Trong bài thơ Lên Tây Bắc, nhà thơ Tố Hữu cũng vẽ lên hình ảnh rất đẹp và lãng mạn của người lính:

 

“Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều

Bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo

Núi không đè nổi vai vươn tới

Lá ngụy trang reo với gió đèo”

 
  • Trong chiến tranh, người lính phải chịu đựng gian khổ, hi sinh nhiều nhất nhưng qua cái nhìn lãng mạn, Quang Dũng nói về điều đó thật nhẹ nhàng:
 

“Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên sung mũ bỏ quên đời”

 

+ Câu thơ trước đó, nhà thơ đã nói đến hình ảnh “đoàn quân mỏi”, thực tế trên bước đường hành quân, người lính mỏi mệt tối kiệt sức vì dãi dầu mưa nắng ngày này đêm khác, vì đói rét, bệnh tật. Trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi, nhà thơ đã nói thật chân xác về những hi sinh mất mát ấy của các anh:

 

“Ngày nắng đốt theo đêm mưa dội

Mỗi bước đường là mỗi bước hi sinh”.

 

+ Đúng vậy! Mỗi bước đường là mỗi bước hi sinh nhưng Quang Dũng không nhìn sự mất mát ấy ở chiều quá lụy. Nhà thơ nói rất nhẹ nhàng “không bước nữa”, “Gục lên súng mủ bỏ quên đời”. Các anh “gục lên súng mũ” chìm vào giấc ngủ tạm thời để lấy lại sức, hay chìm hẳn vào giấc mộng ngàn thu, bỏ lại phía sau bao sự mất – còn? Dù thế nào thì các anh đã hiểu dấn thân là chấp nhận, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng (Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao). Đó là vẻ đẹp bi tráng của người lính Tây Tiến nói riêng và người lính trong các cuộc chiến tranh vệ quốc nói chung.

+ Cuối đoạn thơ, xua đi tất cả nỗi ám ảnh về những ngày hành quân gian khổ, ta lại thấy trong tâm hồn người lính chan chứa bao xúc cảm khi được sưởi ấm trong cuộc sống vui vầy, đầm ấm tình gia đình của nhân dân:

 

“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”

 

*Chất hào hoa, lãng mạn của người lính đặc biệt được thể hiện ở đoạn hai (dẫn thơ).

  • Trong chiến tranh, thật hiếm có điểm dừng chân bên xóm núi, được giao lưu văn nghệ giữa quân với dân đầm ấm, tươi vui, bình yên như thế này.

+ Cả doanh trại bừng lên như một ngày hội, ngày cưới (hội đuốc hoa). Các chiến sĩ say sưa bên lửa đuốc bập bùng ngắm nhìn các sơn nữ rực rỡ trong xiêm áo đủ các sắc màu.

+ Các “em” thì dịu dàng, e ấp trong vũ điệu, tiếng nhạc đậm sắc màu xứ lạ.

+ Tâm hồn người lính như bốc men say ngất ngây, đâu đây dư âm chiến tranh khốc liệt tạm lắng xuống, lùi xa để chỉ còn phút giây được sống trong hoà bình, hạnh phúc. Những vũ điệu, giai điệu xứ lạ đã đưa hồn thơ của người lính đến với những mộng mơ, bay bổng: “Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ’.

  • Giã từ đêm liên hoan văn nghệ, giã từ những phút giây êm đềm thắm tình quân dân cá nước, Tây Tiến lại lên đường, lặng lẽ hành quân trong chiều sương ấy. Lòng “người đi” trào dâng nỗi nhớ niềm thương: “nhớ hồn lau nẻo bến bờ’,“nhớ dáng người trên độc mộc”, nhớ “dòng nước lũ hoa đong đưa”. Đời lính nay đây mai đó nhưng “Nơi nao qua lòng lại chẳng yêu thương?”, “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn”. Rời xa thiên nhiên, con người miền Tây biết bao quyến luyến, thiên nhiên thơ mộng, thi vị, thấm vào hồn người hay chính tâm hồn con người mộng mơ nhạy cảm trước cảnh đẹp của thiên nhiên đất nước? Để từ đó càng thêm yêu cuộc sống, càng thôi thúc hơn ý chí ra đi bảo vệ sự bình yên cho đất nước muôn đời.

=> Lời thơ mênh mang, bay bổng thể hiện nét đẹp trong tâm hồn hào hoa, lãng mạn của người lính Tây Tiến.

*Đoạn 3: Chân dung người lính hào hùng, hào hoa, bi tráng

  • Nếu ở các đoạn trước, hình ảnh người lính còn ẩn hiện trong bức tranh hùng vĩ, dữ dội và thơ mộng của thiên nhiên miền Tây thì ở đoạn này hình ảnh người lính được hiện lên rõ nét. Quang Dũng đã tinh lọc những nét tiêu biểu nhất của người lính Tây Tiến để tạo nên bức tượng đài tập thể, khái quát được gương mặt chung của cả đoàn quân. Cái hùng, cái bi, cái hào hoa lãng mạn là những chất liệu chủ yếu tạo nên vẻ đẹp bi tráng của bức tượng đài.

+ Trong thực tế, không riêng gì Tây Tiến, đã là đời lính chinh chiến hầu như ai cũng phải nếm trải bệnh sốt rét rừng. Căn bệnh hiểm nghèo, quái ác biến các anh thành “vệ trọc”, hình hài tiều tụy nhưng với bút pháp bi tráng của Quang Dũng, chân dung người lính được khắc hoạ thật lẫm liệt, oai hùng:

 

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm”

 

Trong mắt nhà thơ, cái bi và cái hùng đều đẹp. Cái bi được tô vẽ bởi ngôn từ nghệ thuật thật trang nhã và tinh tế “không mọc tóc”, “xanh màu lá”, nhưng cái hùng thì lại thật mạnh mẽ “dữ oai hùm”. Bởi thế, cái bi nghiệt ngã nhưng không hề lấn át cái hùng. Cái nhìn đó xuất phát từ lí tưởng và ý chí kiên cường, bất khuất của người lính chứ không phải từ cái nhìn lạc quan tếu.

+ Hai câu sau, Quang Dũng tiếp tục đặt hình tượng người lính trong thế đối lập: hào hùng — hào hoa, lãng mạn:

 

“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

 

+ Hình ảnh của “mắt trừng” là thể hiện ý chí, khát vọng giải phóng của Tây Tiến: “Ra đi, ra đi báo thù sông núi… thề chết chớ lui”.

+ Ý chí thì sắt đá nhưng tâm hồn lại mộng mơ, hào hoa: “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Khi họ ra đi “giếng nước, gốc đa”còn “nhớ người ra lính” sao trong trái tim họ lại không mang theo một bóng hồng, nhất lại là trai Hà thành?

+ Người lính ra trận luôn phải đối mặt giữa cái sống và cái chết, nhưng họ không nghĩ đến cái chết, trái tim “vẫn mơ tình thiên thu”, vẫn “Bồn chồn nhớ mắt người yêu”, bởi “Anh yêu em như yêu đất nước / vất vả đau thương tươi thắm vô ngần”. Tình yêu riêng tư quyện hoà với tình yêu đất nước nâng đỡ tâm hồn, tinh thần người lính vượt qua mọi gian khổ, hi sinh để chiến thắng kẻ thù.

  • Bốn câu sau: Hình tượng người lính lấp lánh vẻ đẹp bi tráng.

+ Trong thơ lãng mạn khoảng trước và sau 1945, người ta thấy xuất hiện những chinh phu, tráng sĩ cưỡi ngựa, vung gươm, áo bào đỏ thắm, phong độ hào hoa ra đi không hẹn ngày về. Trong quan niệm lãng mạn hồi ấy đã là người anh hùng nơi chiến địa thì phải như Kinh Kha sang đất Tần “một đi không về”, vả lại chủ nghĩa lãng mạn cũng thường thích nói đến cái buồn đau, cái chết, cái sinh li tử biệt như một biểu hiện riêng của cái đẹp.

+ Hình tượng người lính trong bài Tây Tiến của Quang Dũng cũng phảng phất bóng dáng của người anh hùng ấy trong dòng thơ lãng mạn nói trên:

 

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”

 

Chúng ta đều biết người lính Tây Tiến sinh hoạt và chiến đấu trong hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn, cực khổ, các chiến sĩ chết vì sốt rét nhiều hơn chết vì chiến trận. Vì thế trên đường các anh đi vẫn thấy rải rác những nấm mồ nơi biên ải xa xôi, lạnh lẽo, cô quạnh, bi thương quá đỗi. Trong bài thơ, hơn một lần Quang Dũng nói về sự mất mát tột cùng ấy của người lính. Nhưng nhà thơ không để nỗi bi thương ấy bị lùa đi đến tận cùng mà luôn nâng đỡ bằng đôi cánh lí tưởng của thời đại: “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Đó cũng chính là lí tưởng cao cả, lối sống đẹp của trai thời loạn, sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho quê hương, đất nước: “Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc/Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc’’ (Thanh Thảo). Thật tự hào và xúc động biết bao!

+ Người lính đã hào hùng trong tư thế chiến đấu thì khi ngã xuống cũng phải trong tư thế hào hùng, sang đẹp:

 

“Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

 

Sự thật khốc liệt của chiến tranh hồi đó người lính ngã xuống có khi không có cả tấm áo lành lặn, manh chiếu để khâm liệm, tiễn đưa đồng đội về nơi an nghỉ cuối cùng. Nhưng Quang Dũng đã biến cái đau thương ấy qua hình ảnh “áo bào” thật sang trọng để các anh về với đất Mẹ nhẹ nhàng, thanh thản, bình yên. Hình ảnh cái chết bỗng trở nên hùng tráng, bi tráng chứ không bị thương, bi lụy: “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.

=> Trong chiến tranh, nhà thơ không chỉ biết ca hát về chiến công oanh liệt của người lính mà còn phải biết hát ca về cái đau thương. Đau thương để hát ca, hát ca cho tâm hồn, tinh thần thêm sức mạnh vượt lên, chiến thắng tất cả.

*Đoạn cuối: Hình tượng người lính được hướng tới cái cao cả, sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc:

 

“Tây Tiến người đi không hẹn ước

Đường lên thăm thắm một chia phôi

Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy

Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”

 

Dường như đây là ý chí, tư thế của tất cả những anh vệ quốc quân trong hồi đầu kháng Pháp. Thái đọ dứt khoát, kiên quyết “một đi không về’, “không hẹn ước”, “một chia phôi”, “chẳng về xuôi” thề hi sinh để bảo vệ quê hương, đất nước. Đó là lí tưởng cao đẹp của “chí làm trai”thời đại cách mạng. Giọng thơ thoáng buồn pha chút bâng khuâng nhưng vẫn toát lên vẻ hào hùng đầy khí phách của người lính Tây Tiến.

Kết bài

Đã qua đi hơn nửa thế kỉ nhưng bài thơ Tây Tiến vẫn mãi mãi khắc sâu trong tâm trí người đọc bức tượng đài thi ca về người lính bất tử. Hình ảnh người lính trong cả cõi sống và chết đều bi tráng, lãng mạn, hào hùng, hào hoa. vẻ đẹp ấy không chỉ là vẻ đẹp riêng của người lính Tây Tiến mà còn là tinh thần, vẻ đẹp chung của hình tượng người lính trong suốt các cuộc trường chinh vệ quốc vĩ đại của dân tộc.

» Xem thêm : Phân tích phần đầu bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu tại đây.

 

 

 

 

 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận