Vẻ đẹp hào hoa và bi tráng của người lính Tây Tiến – Tài liệu ôn thi THPTQG

Đang tải...

Tài liệu ôn thi THPTQG Ngữ Văn

Bộ tài liệu luyện thi Ngữ Văn được biên soạn theo cấu trúc đề thi mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo; dành cho học sinh THPT ôn luyện, chuẩn bị cho các kỳ thi Quốc Gia. HOC360.NET xin giới thiệu đến bạn đọc bộ tài liệu ôn tập  bao gồm các phần về các kiến thức:

+ Trọng tâm kiến thức tác giả, tác phẩm cần ghi nhớ

+ Các đề bài ôn luyện các dạng văn nghị luận xã hội, văn học.

Hy vọng bộ tài liệu sẽ giúp ích cho các bạn học sinh lớp 12 ôn tập tốt và đạt kết quả thi cao!

Đề bài chi tiết:

Phân tích đoạn thơ sau trong bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng:

 

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

.. … … … … … … … … … … …

Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

 

—–~~~—–

I. Yêu cầu của đề: 

  • Nội dung: Nếu ở các đoạn trước, hình ảnh người lính còn ẩn hiện trong bức tranh thiên nhiên thì ở đoạn này, chân dung Tây Tiến được hiện diện một cách rõ nét nhất với vẻ đẹp hào hoa, hào hùng, bi tráng.

Đoạn thơ gồm tám câu, học sinh có thể xác lập luận điểm như sau:

+ Khái quát chung về bút pháp xây dựng hình tượng người lính của Quang Dũng.

+ Bốn câu đầu: Vẻ đẹp hào hoa, hào hùng, bi tráng của người lính Tây Tiến trong cuộc sống và chiến đấu.

+ Bốn câu sau: vẻ đẹp bi tráng của người lính Tây Tiến trong chiến đấu và hi sinh.

Lưu ý: Phân tích đoạn thơ, học sinh phải làm nổi bật hai đặc điểm thơ Quang Dũng: cảm hứng lãng mạn và tính chất bi tráng; giọng điệu trầm hùng, trang trọng thể hiện niềm tiếc thương vô hạn và sự chân trọng, kính cẩn của nhà thơ trước sự hi sinh của đồng đội.

  • Phương pháp lập luận: Phân tích kết hợp chứng minh, bình giảng.
  • Tư liệu: Chủ yếu dẫn trong đoạn thơ, có thể viện dẫn một số tư liệu thơ khác để làm bài viết thêm sinh động, sâu sắc.

II. Lập dàn ý

Mở bài

Đại đội Tây Tiến được thành lập năm 1947, có nhiệm vụ bảo vệ biên giới Việt Lào. Quang Dũng là đại đội trưởng, thành phần lính Tây Tiến phần đông là học sinh, sinh viên Hà Thành. Đời sống của người lính hết sức gian khổ, vất vả, hi sinh nhưng họ vẫn lạc quan, dũng cảm vượt qua, vẫn giữ được cốt cách hào hoa, thanh lịch, yêu đời và lãng mạn. Sau khi phải rời xa đơn vị, Quang Dũng đã gửi gắm niềm tự hào và tất cả nỗi niềm nhố nhung của mình vào thi phẩm Tây Tiến (1948). Đoạn thơ: “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc … Sông Mã gầm lên khúc độc hành” thuộc đoạn ba của bài, nhà thơ đã khắc hoạ chân dung người lính Tây Tiến với chất liệu ngôn từ nghệ thuật đậm chất hào hoa, bi tráng.

Thân bài

-Đôi nét về bút pháp xây dựng hình tượng người lính của Quang Dũng.

+ Chân dung người lính Tây Tiến thực ra ẩn hiện trong suốt bài thơ. Nhưng ở đoạn này, nó là đối tượng chính và được miêu tả trực diện trên bức tranh thơ vẻn vẹn chỉ có tám câu mà làm hiện lên từ diện mạo đến tâm hồn, khí phách, thái độ trước sự sống và cái chết, ở thái cực nào thì chân dung người lính vẫn toát lên vẻ đẹp hào hoa, bi tráng.

+ Quang Dũng đã tinh lọc những nét tiêu biểu nhất của người lính Tây Tiến để tạo nên bức trượng đài tập thể, khái quát được gương mặt chung của cả đoàn quân. Cái bi và cái hùng là hai chất liệu chủ yếu tạo nên vẻ đẹp bi tráng của bức tượng đài.

-Bốn câu thơ đầu của đoạn được xem là nét khắc họa về cuộc sống và chiến đấu của người lính Tây Tiến hào hùng, hào hoa, bi tráng.

 

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.

 

+ Hình ảnh “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc / Quân xanh màu lá dữ oai hùm” với hai chữ Tây Tiến được đảo lên đầu -> nhấn mạnh niềm tự hào, kiêu hãnh của đoàn binh.

+ Cụm từ “không mọc tóc” –> khắc hoạ hình hài kì dị của người lính vì những khó khăn, gian khổ. Các anh có thể phải cạo trọc đầu để đánh giáp lá cà với giặc, nhưng phần lớn là do căn bệnh sốt rét. Căn bệnh hiểm nghèo đã làm rụng tóc các anh và còn cướp đi cả bao tính mạng. Tố Hữu cũng nói về căn bệnh ấy qua hình ảnh anh vệ quốc quân trong bài Cá nước thật cụ thể: “Giọt giọt mồ hôi rơi/ Trên má anh vàng nghệ”. Hay trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu: “Tôi với anh biết từng cơn ớn lạnh / Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi”.

+ Trong bài thơ Tây Tiến, Quang Dũng cũng không hề che giấu, né tránh hiện thực nghiệt ngã này. Có điều khác với các nhà thơ, Quang Dũng miêu tả căn bệnh quái ác dưới cái nhìn đậm sắc màu lãng mạn: sốt rét -> rụng tóc, thiếu máu -> da xanh -> sự thật nghiệt ngã biến người lính Tây Tiến thành những anh “vệ trọc” hình hài kì dị, khác thường. Nhưng những “quân xanh” ấy được khắc hoạ đầy dũng khí “dữ oai hùm”. Hình ảnh khỏe khoắn kết hợp với âm điệu trầm hùng làm toát lên vẻ đẹp của một chúa sơn lâm dũng mãnh.

+ Vẻ đẹp bi tráng ấy tiếp tục được nhà thơ khắc hoạ qua hai câu:

 

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.

 

Đây là hai câu thơ được đánh giá là đẹp nhất, hay nhất, vẽ thành công nhất chân dung Tây Tiến hào hùng, hào hoa, lãng mạn.

+ Hình ảnh “mắt trừng” vừa bộc lộ lòng căm thù và khát vọng giải phóng, vừa thể hiện sự oai phong, lẫm liệt của trang nam nhi thời loạn.

+ Ý chí mạnh mẽ nhưng tâm hồn cũng thật mộng mơ: “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Người lính ra trận: “Giữa khói bom lửa đạn/ Đối mặt với quân thù! Chỉ có sống và chết/ Vẫn mơ tình thiên thu”, vẫn “Bồn chồn nhớ mắt người yêu”, bởi “Anh yêu em như yêu đất nước / vất vả đau thương tươi thắm vô ngần”. Tình yêu gia đình và tình yêu đất nước luôn quyện hoà, bổ sung, nâng đỡ tâm hồn người lính vượt qua mọi khó khăn, gian khổ.

=> Quang Dũng diễn tả rất tinh tế, biện chứng tâm hồn người lính trong cuộc kháng Pháp nói riêng và người lính trong các cuộc chiến tranh li tán nói chung. Bởi trong các anh, ai cũng có một trái tim biết yêu tha thiết đất nước, quê hương, một trái tim biết căm thù quân xâm lược… thật đẹp, thật hào hùng và lãng mạn!

-Bốn câu sau: vẻ đẹp bi tráng của người lính Tây Tiến trong chiến đấu và hi sinh:

 

“Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

 

+ Trong bài thơ, hơn một lần Quang Dũng nói về cái chết, sự hi sinh của người lính nhưng mỗi khi cảm hứng ấy xuất hiện thì ngay lập tức lại được nâng đỡ bằng đôi cánh lí tưởng đầy chất bay bổng.

+ Hình ảnh những nấm mồ rải rác nơi biên cương xa xôi, lạnh lẽo, cô quạnh, gợi cho người lính nỗi bi thương, sợ hãi, chán chường. Nhưng những từ Hán Việt “biên cương”, “viễn xứ’, “áo bào”lại mang màu sắc cổ kính, trang trọng đã làm giảm đi phần nào nỗi bi thương. Tinh thần ấy lại được nâng đỡ bằng đôi cánh lí tưởng cao đẹp của người lính: “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Đời xanh hay tuổi trẻ – tuổi hai mươi – tuổi của chí tang bồng dặm nghìn da ngựa, “Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh” thì xá gì cái chết! “Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình / (Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc) / Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc” (Thanh Thảo). Những câu thơ nói về lí tưởng của người lính thật xúc động biết bao!

+ Hình ảnh “Áo bào thay chiếu anh về đất” -> nhà thơ diễn tả cái chết bi thương của người lính đẹp nhẹ tựa lông hồng (Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao). Sự thật về Tây Tiến thật bi thảm, lính Tây Tiến ngã gục trên đường đi do đói rét, bệnh tật, đạn bom không ít. Đồng đội vùi xác các anh thậm chí không có cả mảnh chiếu gói thân, nhưng qua cái nhìn lãng mạn của Quang Dũng, cái chết trở lên thật sang trọng, trang trọng qua hình ảnh chiến bào của tướng lĩnh xưa, kết hợp với cụm từ “về đất” thật nhẹ êm… khiến cho hình tượng người lính mãi mãi bất tử trong lòng đất Mẹ.

+ Hình tượng sông Mã trở lại ở đoạn này thật bi tráng: “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Dòng sông được diễn tả ở thể động, nó “gầm lên” giống như một con chiến mã trung thành, đau thương khi chứng kiến cái chết của người lính… Dòng sông lại như khúc tráng ca đưa người lính về với đất, về với cõi vĩnh hằng. Trong âm hưởng vừa dữ dội, vừa hào hùng của thiên nhiên ấy, cái chết, sự hi sinh của người lính Tây Tiến có bi mà không lụy, ngược lại thấm đẫm chất anh hùng ca của thời đại Hồ Chí Minh.

Kết bài

Đoạn thơ như bức tượng đài thi ca về người lính bất tử. Hình ảnh người lính trong cõi sống và cả cõi hi sinh đều bi tráng, lãng mạn, hào hùng. Giọng điệu đoạn thơ trang trọng, thể hiện tình cảm đau thương vô hạn và sự trân trọng, kính cẩn của nhà thơ trước sự hi sinh của đồng đội. Bài thơ được xem như một kiệt tác, nó ra đời và lưu truyền rộng rãi trong quân đội và những người yêu thơ suốt hơn nửa thế kỉ qua, ghi lại chặng đường anh hùng của một đơn vị anh hùng và cũng là tinh thần chung của quân và dân ta trong thời kì kháng chiến chống Pháp xâm lược.

 

» Xem thêm : Phân tích vẻ đẹp hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến (Quang Dũng) tại đây.

 

 

 



Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận